2020
Tình bạn trung thành
Tôi lớn lên trong một gia đình sống gần gũi nhau và một trong những điều khó khăn nhất tôi phải làm là rời gia đình ở tuổi mười bảy để vào Dòng Thừa sai Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm. Năm đầu tiên ở nhà tập thật không dễ dàng. Tôi nhớ nhà và tôi liên lạc với gia đình trong khuôn khổ nhà tập cho phép. Mỗi tuần tôi viết thư về nhà một lần và hàng tuần mẹ tôi luôn đều đặn viết thư trả lời. Tôi vẫn còn giữ các bức thư quý báu này. Tôi rời nhà nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, tôi là thành viên trung thành với gia đình.
Và rồi cuộc sống của tôi trở nên phức tạp hơn nhiều với các đòi hỏi xã hội. Tôi dọn về chủng viện và sống trong một cộng đoàn với sáu mươi người khác, với những người thường xuyên đến rồi đi trong vòng bảy năm tôi ở đó, đến mức mà khi tôi xong thời gian đào tạo, tôi đã sống trong một cộng đoàn với hơn một trăm người khác nhau. Tôi lớn lên trong một gia đình sống gần gũi nhau và một trong những điều khó khăn nhất tôi phải làm là rời gia đình ở tuổi mười bảy để vào Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm. Năm đầu tiên ở nhà tập thật không dễ dàng. Tôi nhớ nhà và tôi liên lạc với gia đình trong khuôn khổ nhà tập cho phép. Mỗi tuần tôi viết thư về nhà một lần và hàng tuần mẹ tôi luôn trung thành viết trả lời. Tôi vẫn còn giữ các bức thư quý báu này. Tôi rời nhà nhưng tôi vẫn giữ liên lạc, tôi là thành viên trung thành với gia đình.
Trong những năm sau chủng viện, mô hình này nhân lên theo cấp số nhân. Học lên cao đưa tôi đến học ở nhiều nước khác nhau, có các bạn mới trong đời và rất nhiều người trở thành bạn thân. Thêm nữa với bốn mươi năm dạy học, tôi gặp hàng ngàn sinh viên và tôi có nhiều bạn trong số này. Viết lách và các buổi diễn thuyết cũng mang hàng ngàn người đến với tôi. Dù hầu hết trong số họ đi qua đời tôi không có gắn kết đáng kể, nhưng một số đã trở thành bạn suốt đời.
Tôi chia sẻ điều này không phải vì tôi nghĩ nó độc đáo, mà vì nó điển hình. Ngày nay, đây là câu chuyện của mọi người. Ngày càng có nhiều người đi qua cuộc sống của chúng ta, đến mức mình phải tự đặt câu hỏi: làm thế nào để có thể trung thành với gia đình, với bạn cũ, với hàng xóm cũ, với các sinh viên cũ, với đồng nghiệp cũ, với người quen biết cũ? Lòng trung thành đòi hỏi gì? Thỉnh thoảng thăm viếng? Viết tin nhắn, viết e-mail, thỉnh thoảng gọi điện thoại? Nhớ ngày sinh nhật và những ngày lễ? Họp bạn cùng lớp? Tham dự đám cưới, đám tang?
Rõ ràng tất cả các chuyện này là tốt, nhưng nó cũng chiếm toàn thời gian. Một cái gì khác được đòi hỏi ở đây, cụ thể là lòng trung thành không phụ thuộc vào e-mail, tin nhắn, điện thoại hay đi thăm thường xuyên. Nhưng cái gì sâu hơn so với tiếp xúc hữu hình của con người? Điều gì có thể thực tế hơn? Câu trả lời là lòng trung thành, lòng trung thành là ơn của một tâm hồn đạo đức được chia sẻ, là ơn của lòng tin tưởng, và trung thành là trung thực với con người của mình khi mình ở trong cộng đoàn của con người hữu hình và vẫn giữ tích cực với những người không còn ở trong đời sống hàng ngày của mình. Đó là ý nghĩa của lòng trung thành.
Thật thích thú khi xem lại Sách Thánh đã định nghĩa một cộng đoàn và lòng trung thành như thế nào. Trong sách Công vụ Tông đồ chúng ta đọc trước lễ Hiện Xuống các thành viên của cộng đoàn kitô hữu đầu tiên “đều ở với nhau trong phòng khép kín.” Và ở đây, dù về thể xác cùng ở với nhau nhưng trớ trêu thay, họ không thực sự ở trong một cộng đoàn với nhau, với người khác, không thực sự là một gia đình và cũng không trung thành với nhau. Rồi, sau khi nhận ơn Chúa Thánh Thần, họ mới thực sự thoát ra căn phòng và đi khắp nơi trên trái đất, rất nhiều người trong số họ không bao giờ gặp lại nhau, và bây giờ dù địa lý xa cách, nhưng trớ trêu thay, họ lại thành một gia đình thực sự, một cộng đoàn thực sự và sống trung thành với nhau.
Cuối cùng, bây giờ lòng trung thành không còn là việc kết nối thể xác với ai đó, nhưng là sống trong tinh thần chia sẻ. Sự phản bội không phải là vấn đề do xa cách, do quên đi một kỷ niệm hay một sinh nhật, hoặc không thể giữ liên lạc với người mình yêu quý. Phản bội là tránh xa sự thật và đức hạnh với người mà mình từng chia sẻ, với người mình thân yêu. Sự phản bội là thay đổi tâm hồn. Chúng ta không trung thành với gia đình và bạn bè khi chúng ta thành một người khác, để không còn chia sẻ cùng một tinh thần với họ.
Bạn có thể ở cùng nhà với ai đó, cùng ăn cơm và nói chuyện hàng ngày với họ, nhưng bạn không phải là thành viên trung thành của gia đình hay là một người bạn; cũng như bạn có thể là người bạn trung thành hay thành viên của một gia đình, dù bạn không gặp gia đình hay người bạn này trong bốn mươi năm qua. Trung thành trong việc nhớ các ngày sinh nhật là chuyện tuyệt vời, nhưng lòng trung thành còn hơn thế, khi ngày sinh nhật này nhắc bạn nhớ đó là ngày đặc biệt đối với bạn. Trung thành là duy trì một tinh thần đạo đức tương hợp với nhau.
Trong khả năng tốt nhất của tôi, tôi cố gắng giữ liên lạc với gia đình, bạn cũ, hàng xóm cũ, bạn học cũ, các sinh viên cũ, đồng nghiệp cũ và người quen cũ. Nhiều lúc nó cũng vượt quá khả năng tôi một chút. Vì vậy, tôi đặt niềm tin của tôi vào lòng trung thành đạo đức. Tôi cố gắng hết sức có thể để giữ cùng một tâm hồn, khi tôi rời nhà, khi tôi còn nhỏ, và đó là nét đặc trưng và là bản sắc của tôi khi tôi gặp tất cả những người tuyệt vời trên đường đời.
Ron Rolheiser, OMI
Nguồn: ronrolheiser.com
2020
Các nhà truyền giáo ở Thái Lan tiếp tục dấn thân giữa đại dịch
Ở khu vực biên giới giáp Myanmar, hoạt động của Giáo hội mang Tin Mừng và chống nghèo đói đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi không dừng lại. Do đại dịch, các trại tị nạn phải đóng cửa, các hoạt động cứu trợ bị giảm nhiều. Cần phải can thiệp ngay lập tức.
Trên đây là những lời xin giúp đỡ của cha Alessio Crippa, linh mục dòng Phanxicô đang hoạt động truyền giáo tại khu vực rộng lớn huyện Umphang thuộc tỉnh Tak của Thái Lan, giáp biên giới với Myanmar. Tại khu vực này có một cộng đoàn Công giáo nhỏ gồm bốn gia đình, trong đó có một gia đình sống ở bên kia biên giới.
Niềm vui vì trên khắp đất nước các nhà thờ được mở cửa
Cha Alessio Crippa được giao phó chăm sóc mục vụ và tinh thần cho cộng đoàn Công giáo bé nhỏ này. Cha rất vui vì các nhà thờ đã được mở cửa trở lại. Cha nói: “Mọi thứ đang dần dần trở lại bình thường, giờ đây các tín hữu có thể cùng nhau cử hành Thánh lễ, có thể tiếp tục cảm nhận sự sống động của cộng đoàn. Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ lâu. Đối với 4 gia đình của chúng tôi thì khác: chúng tôi thường cử hành Thánh lễ trong các gia đình; và ngay cả trong thời gian cách ly, chúng tôi, các nhà truyền giáo di chuyển từ nhà này sang nhà khác. Chúng tôi không bao giờ ngừng cử hành Thánh lễ”.
Các dự án giáo dục chống nghèo đói
Từ ba năm qua, dọc theo biên giới huyện Umphang, các dự án giáo dục và văn hóa dành cho các sắc tộc và các tôn giáo do các cha dòng Phanxicô hướng dẫn cũng đã hoạt động. Các hoạt động này không chỉ giới hạn ở Thái Lan nhưng đang vượt qua biên giới đến Myanmar. Cha Crippa giải thích: “Ở khu vực này có nhiều người nghèo. Khi biên giới giữa hai quốc gia không còn nữa và nhiều người trong cùng một gia đình còn bị chia cách thì hoạt động tông đồ càng trở nên khó khăn hơn. Để đến được một ngôi làng phải mất ba tiếng rưỡi bằng ô tô. Tuy nhiên, chúng tôi không nản lòng. Tháng tới, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một căn nhà để đón tiếp các trẻ em và giáo dục chúng”.
Hoạt động truyền giáo bị suy yếu do khủng hoảng virus
Đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với mọi hoạt động của cha Crippa và các cha dòng Phanxicô, nhưng các nhà truyền giáo không dừng lại. Thực tế, đại dịch đã sinh ra những khó khăn, như không thể đến gặp gỡ và nói chuyện với các gia đình, không thể cộng tác với trại tị nạn, nơi đón tiếp hàng ngàn người. Trong trại tị nạn này, có một vấn đề về không gian: mọi người tìm cách ra ngoài làm việc, trong một hoàn cảnh bất hợp pháp, nhưng virus cũng đã ngăn chặn điều này. Và viện trợ trong trại đang giảm sút. Số người nghèo gia tăng. Vì thế, các vị truyền giáo đang kêu gọi Cộng đồng quốc tế trợ giúp càng sớm càng tốt. Vatican News
2020
Tiếp Kiến Chung 10-06-2020: Cách cầu nguyện của tổ phụ Gia-cóp khi ông “vật lộn” với Thiên Chúa
Tiếp Kiến Chung 10-06-2020: Cách cầu nguyện của tổ phụ Gia-cóp khi ông “vật lộn” với Thiên Chúa
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung được truyền chiếu trực tiếp tại Thư viện Dinh Tông Tòa vào sáng thứ Tư 10/06/2020, khi suy tư về cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã giải thích về cách cầu nguyện của tổ phụ Gia-cóp khi ông “vật lộn” với Thiên Chúa cả đêm và sau đó đã thay đổi: từ con người tinh ranh, tự tin, không biết đến ân sủng và lòng thương xót, ông đã khám phá ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình và khám phá mình được bao bọc bởi lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện không luôn dễ dàng, thường đòi chúng ta chiến đấu với Chúa và nhận ra sự yếu đuối và mỏng dòn của mình trước Chúa và ý muốn của Người. Nhưng chính trong cuộc chiến này và trong thương tích của chúng ta mà chúng ta cảm thấy sức mạnh chữa lành của ân sủng và tăng trưởng trong đức tin. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin ơn luôn mở lòng mình ra với cuộc gặp gỡ với Chúa, với sự hoán cải của tâm hồn và với nhiều phúc lành mà Chúa muốn ban cho chúng ta.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Gia-cóp: người biết sử dụng sự tinh ranh để thành công
Sách Sáng thế, thông qua những sự kiện trong cuộc đời của những người sống vào các thời đại xa xôi, kể cho chúng ta những câu chuyện mà trong đó chúng ta có thể thấy phản chiếu cuộc sống của chúng ta. Trong loạt truyện về các tổ phụ, chúng ta cũng thấy chuyện một người đã biến sự tinh ranh thành năng khiếu nổi nhất của mình: đó là ông Gia-cóp. Câu chuyện Kinh Thánh cho chúng ta biết về mối quan hệ khó khăn giữa Gia-cóp với anh trai Esau. Ngay từ khi còn nhỏ, giữa họ đã có sự cạnh tranh và sự cạnh tranh này sẽ không bao giờ được khắc phục. Gia-cóp là em của người anh song sinh nhưng bằng sự lừa dối, ông đã cướp đi phước lành và món quà của cha mình là Isaac dành cho người con trưởng (x. St 25,19-34). Đó chỉ là lần đầu tiên trong một loạt nhiều thủ đoạn mà người thủ đoạn này có khả năng làm. Ngay cả tên gọi “Gia-cóp” có nghĩa là tính cách của người biết hành động không thẳng thắn, nghĩa là gian xảo khi hành động.
Thành công nhờ sự tinh ranh khéo léo
Buộc phải chạy trốn anh trai của mình, trong cuộc đời, ông dường như thành công trong mọi nỗ lực. Ông có kỹ năng kinh doanh: ông trở nên rất giàu có, trở thành chủ sở hữu của một đàn gia súc thật lớn. Với sự kiên trì và kiên nhẫn, ông có thể kết hôn với cô con gái xinh đẹp nhất của Laban, người ông thực sự yêu. Gia-cóp – chúng ta sẽ nói với ngôn ngữ hiện đại – là một người “tự mình xoay sở”, anh ta có thể chinh phục mọi thứ anh ta muốn bằng tài khéo và sự tinh ranh. Nhưng ông thiếu mối quan hệ sống động với nguồn cội của mình.
Cuộc vật lộn với Thiên Chúa
Một ngày nọ, ông nghe thấy tiếng gọi của quê nhà, của quê hương xa xưa của mình, nơi người anh Esau có lẽ vẫn sống, người anh trai mà ông luôn có mối quan hệ rất tồi tệ. Gia-cóp lên đường và trải qua một hành trình dài với một đoàn người và thú vật đông đảo, cho đến khi ông đến điểm dừng chân cuối cùng, tại suối Jabbok. Ở đây, sách Sáng Thế cung cấp cho chúng ta một trang đáng nhớ (x. 32,23-33). Sách nói rằng vị tổ phụ, sau khi đã đưa tất cả người dân và gia súc của mình băng qua suối, một mình ở lại trên bờ đất dân ngoại. Và ông nghĩ: điều gì chờ đợi ông vào ngày hôm sau? Anh trai Esau đã bị ông cướp quyền trưởng nam sẽ có thái độ nào? Tâm trí của Gia-cóp là một cơn lốc của những suy nghĩ … Và, khi trời tối, đột nhiên một người lạ tóm lấy ông và bắt đầu chiến đấu với ông. Sách Giáo lý giải thích: “Truyền thống tu đức của Giáo hội đã thấy trong câu chuyện này biểu tượng của việc cầu nguyện như một cuộc chiến của đức tin và chiến thắng của sự kiên trì” (GLHTCG, 2573).
Cuộc chiến diện đối diện với Chúa
Ông Gia-cóp đã chiến đấu suốt đêm, không lúc nào buông tay đối thủ. Cuối cùng, ông đã chiến thắng, bị đối thủ của mình tấn công vào dây thần kinh tọa, và kể từ đó ông bị khập khiễng suốt đời. Vị đô vật bí ẩn đó hỏi tên vị tổ phụ và nói với ông: “Ông sẽ không còn được gọi là Gia-cóp, mà là Israel. Ông không còn là người hành động như trước nhưng thẳng thắn. Ông được đổi tên, thay đổi cuộc đời, thay đổi cách sống. Ông sẽ được gọi là Israel bởi vì ông đã chiến đấu với Chúa và với con người và ông đã chiến thắng!” (c. 29). Rồi Gia-cóp cũng hỏi người kia: “Hãy cho tôi biết tên của ngài.” Người đó không tiết lộ cho ông biết tên, nhưng thay vào đó đã chúc lành cho ông và ông Gia-cóp nhận ra rằng ông đã gặp Thiên Chúa “diện đối diện” (x. cc. 30-31).
Sau cuộc vật lộn, ông Gia-cóp được biến đổi
Vật lộn với Chúa là một ẩn dụ của việc cầu nguyện. Những lần khác, Gia-cóp đã cho thấy mình có khả năng đối thoại với Chúa, cảm thấy Chúa hiện diện thân thiện và gần gũi. Nhưng vào đêm đó, qua một cuộc chiến đấu kéo dài và thấy mình gần như không chịu nổi, vị tổ phụ đã thay đổi. Đổi tên, đổi cách sống và đổi nhân cách. Ông được biến đổi. Lần đó ông không còn làm chủ được tình hình – sự tinh ranh của ông không hữu dụng, ông không còn là chiến lược gia và người biết tính toán nữa, Chúa đưa ông trở lại với sự thật về con người phàm nhân, run rẩy và sợ hãi. Lần đầu tiên, Gia-cóp không có gì khác để trình bày với Thiên Chúa hơn là sự yếu đuối và bất lực của mình. Và chính ông Gia-cóp này đã nhận được phước lành từ Thiên Chúa, và với chúc lành này ông khập khiễng đi vào miền đất hứa: dễ bị tổn thương và bị tổn thương, nhưng với một trái tim mới. Có lần kia tôi nghe nói về một ông lão – một người tốt, một Kitô hữu tốt, nhưng là người tội lỗi! – rất tin tưởng vào Thiên Chúa. Và ông nói: “Thiên Chúa sẽ giúp tôi; Chúa không để tôi đơn độc. Tôi sẽ vào Thiên đàng, khập khiễng, nhưng tôi sẽ vào.” Trước đây, ông tự tin, dựa vào sự khôn lanh sắc sảo của mình; ân sủng không thấm nhập được vào con người ông; ông không cảm nhận lòng thương xót; không biết thế nào là lòng thương xót. Ông nghĩ: “Tôi ở đây. Tôi ra lệnh” không cần lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa đã cứu những gì đã mất. Người giúp ông hiểu rằng ông còn giới hạn, ông là người tội lỗi cần lòng thương xót và Người cứu độ ông.
Cuộc hẹn trong đêm tối cuộc đời với Chúa
Tất cả chúng ta đều có một cuộc hẹn trong đêm với Chúa, trong đêm tối của cuộc đời chúng ta, trong nhiều đêm của cuộc đời chúng ta: những khoảnh khắc đen tối, những khoảnh khắc tội lỗi, những khoảnh khắc mất phương hướng… Ở đó, luôn luôn có một cuộc hẹn với Chúa. Chúa sẽ làm chúng ta ngạc nhiên vào lúc chúng ta không mong đợi Người, khi chúng ta thấy mình thực sự cô đơn. Cũng trong đêm đó, khi chiến đấu với người lạ, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ là những người nghèo hèn, nhưng ngay lúc đó, khi cảm thấy mình nghèo hèn, chúng ta sẽ không phải sợ hãi: bởi vì lúc đó, Chúa sẽ đặt cho chúng ta một cái tên mới, chứa đựng ý nghĩa của cả cuộc đời chúng ta, nó sẽ thay đổi trái tim của chúng ta và ban cho chúng ta phước lành dành cho những người để mình được Chúa biến đổi. Đây là một lời mời tốt đẹp hãy để chúng ta được Chúa biến đổi. Chúa biết làm điều đó thế nào, bởi vì Người biết mỗi người trong chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể nói: “Lạy Chúa, Chúa biết con. Lạy Chúa, Chúa biết con. Xin hãy biến đổi con”. Hồng Thủy
2020
ĐHY Comastri: kinh Mân Côi giữa đại dịch đã thay đổi tâm hồn nhiều người
ĐHY Comastri: kinh Mân Côi giữa đại dịch đã thay đổi tâm hồn nhiều người
Ít nhất 1,5 triệu rưỡi người đã tham dự các giờ kinh Mân Côi do Đức Hồng y Angelo Comastri chủ sự tại đền thờ thánh Phêrô vào ban trưa mỗi ngày từ ngày 11/03-30/05, và hàng ngàn lá thư vẫn tiếp tục gửi đến ngài để chia sẻ những tâm tình.
Các chứng từ khám phá đức tin và tìm lại đức tin
Các chứng từ khám phá đức tin và tìm lại đức tin đến từ khắp nước Ý, kể về một hiện tượng phi thường xoay quanh ước muốn cầu nguyện, thậm chí bởi những người ở xa thế giới của Giáo hội: những người bạn gặp gỡ nhau đúng giờ để cùng nhau tham dự buổi đọc kinh; một người vô thần, sau khi bật khóc, đã quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện lần đầu tiên trong đời; một chàng trai trẻ yêu cầu tiếp tục việc lần hạt Mân Côi và nói rằng anh ta đã nhiều lần xúc động trong những khoảnh khắc đó; một bà cụ trong một nhà dưỡng lão, thường hay lầm lì, đã tìm lại niềm vui nói chuyện chia sẻ.
Nhận xét về những điều này, Đức Hồng y Comastri nói: “Điều này xác nhận thêm rằng các vấn đề chỉ được giải quyết khi bạn mở lòng với Đấng Toàn năng. Không có Thiên Chúa thì cuộc sống thật phi lý.”
Cầu nguyện là điều đẹp nhất chúng ta có thể làm trong cuộc sống này
Sáng kiến đã đánh động trái tim nhiều người, mặc dù chỉ dựa trên cầu nguyện. Đức Hồng y giải thích: “Cầu nguyện là điều đẹp nhất mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống này, bởi vì nó đưa chúng ta vào hiệp thông với Chúa.” Đây chính là ý tưởng khi Đức Hồng y đưa ra sáng kiến đọc kinh Mân Côi trong những ngày đen tối của đại dịch.
Ký ức về người mẹ luôn đồng hành với con của mình
Trong giờ đọc kinh ngày 08/05, để nói về tình mẹ, Đức Hồng y kể về mẹ của ngài: “Mẹ tôi luôn đồng hành với tôi cho đến khi tôi được bổ nhiệm làm tổng giám mục Loreto. Bà không bao giờ đi ngủ trước khi tôi trở về nhà. Bà đóng cửa và nói với tôi: ‘Ngủ ngon nhé con của mẹ, xin Chúa chúc lành cho con!’. Đây là người mẹ. Và khi thiếu người mẹ, cuộc sống của người con trở nên non nớt, khó khăn và thậm chí là buồn.” (CSR_4405_2020) Hồng Thủy