2020
ĐTC Phanxicô: Tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về việc trẻ em bị bóc lột sức lao động
Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ vô số bé trai và bé gái bị tước mất tuổi thơ khi bị ép buộc lao động.
Trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha nhớ đến các trẻ em nạn nhân bị bóc lột lao động, bị cướp mất tuổi thơ.
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ các em. Ngài nói:
“Thứ Sáu tới, ngày 12/06, là Ngày thế giới chống lại sự bóc lột sức lao động trẻ em, một hiện tượng cướp đi tuổi thơ của các bé trai và bé gái và gây nguy hiểm cho sự phát triển toàn diện của các em. Trong tình cảnh khẩn cấp về y tế hiện tại, tại các quốc gia, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên buộc phải làm việc không cân xứng với tuổi của các em, để giúp đỡ các gia đình trong cảnh đói nghèo cùng cực. Trong nhiều trường hợp, đây là những hình thức nô lệ và tù đày, với hậu quả là sự đau khổ về thể xác và tâm lý. Tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về điều này.
Tôi kêu gọi các tổ chức đưa ra mọi nỗ lực để bảo vệ trẻ vị thành niên, lấp đầy những khoảng trống kinh tế và xã hội là nguồn gốc của sự năng động bị bóp méo mà thật không may là các em bị cuốn vào. Trẻ em là tương lai của gia đình nhân loại: tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển, sức khỏe và sự thanh bình cho các em!
Hồng Thủy – Vatican News
2020
Sáng kiến vẽ nhà thờ Đức Bà Paris được tham dự tích cực với 6.000 bản vẽ
Sáng kiến vẽ nhà thờ Đức Bà Paris được tham dự tích cực với 6.000 bản vẽ
Sáng kiến “Dessine-moi Notre-Dame” – Vẽ cho tôi nhà thờ Notre-Dame: nhà thờ bạn biết hoặc nhà thờ bạn tưởng tượng”, được tổng giáo phận Paris phát động từ tháng 10 năm ngoái, đã nhận được rất nhiều mẫu vẽ của các trẻ em và thiếu niên ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới.
6 ngàn thiếu niên Pháp tuổi từ 4 đến 16, và cả ở các nước khác như Anh, Hoa Kỳ, Đức và Ba Lan, đã đáp lại lời mời gọi của Đức tổng giám mục Michel Aupetit vẽ nhà thờ chính tòa như họ biết hay tưởng tượng.
Đức cha Aupetit đã nói khi phát động sáng kiến: “Suy tư của chúng tôi hôm nay liên quan đến các bạn bởi vì ngày mai các bạn, sẽ là những người trẻ và người lớn, sẽ đến nhà thờ Đức Bà Paris được trùng tu và các cánh cửa của nó sẽ rộng mở.”
Trưng bày các bản vẽ
Tất cả các bản vẽ được gửi và những lời ghi chú đi kèm thể hiện cảm xúc mạnh mẽ về những gì đã xảy ra và sự gắn bó tuyệt vời của những người trẻ này với Nhà thờ chính tòa. Một bộ sưu tập 51 bản vẽ sẽ được trưng bày bắt đầu từ ngày 16/06 trên hàng rào xung quanh công trường xây dựng. 100 bản vẽ khác sẽ được trưng bày tại Collège des Bernardins từ ngày 16/06 đến ngày 04/07.
Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, một trong những biểu tượng tôn giáo quan trọng nhất của Pháp và của Kitô giáo ở châu Âu, đã bị hư hại nặng nề do vụ hỏa hoạn vào chiều ngày 15/04/2019. Tin tức ngay lập tức loan truyền khắp thế giới đã khơi dậy những cảm xúc và sự đồng cảm mạnh mẽ. Ngày 15/04 vừa qua, một năm sau vụ hỏa hoạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng việc xây dựng lại nhà thờ sẽ được hoàn thành trong năm năm. Công trình này tạm thời bị dừng lại do Covid-19.
Vào thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, nhà thờ đã được mở cửa trở lại trong một thời gian ngắn, với tất cả các hạn chế do trường hợp khẩn cấp của virus corona. Đức tổng giám mục Aupetit đã chủ sự nghi lễ tôn kính Mão gai, di tích quý giá nhất được kính tại nhà thờ Đức Bà, được thoát khỏi ngọn lửa một cách kỳ diệu. (CSR_4327_2020)
Hồng Thủy
2020
Hội thảo trực tuyến chống lạm dụng trẻ vị thành niên
Bắt đầu từ thứ Hai 08/06 và trong những lần tiếp theo, Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên cùng với các tổ chức khác sẽ phối hợp tổ chức bốn cuộc hội thảo trực tuyến với các đề tài liên quan đến lạm dụng trẻ vị thành niên.
Buổi hội thảo được kết nối từ trụ sở của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Thượng cấp, Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên của Đại học Giáo hoàng Gregoriana và Telefono Azzurro, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ trẻ em. Hội thảo sẽ diễn ra bằng tiếng Ý, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Số các tham dự viên khoảng 800.
Chủ đề các buổi hội thảo
Sơ Nuala Kenny thuộc Hội dòng Nữ tử Bác ái ở Halifax điều khiển buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề “Thần học tuổi thơ: cư xử với trẻ em như Chúa Giêsu”.
Các buổi hội thảo tiếp theo sẽ được thực hiện trong các ngày: Ngày 18/6 với chủ đề “Bảo vệ trực tuyến trong thời gian cách ly xã hội”, cha Hans Zoellner, giám đốc Trung tâm bảo vệ trẻ em của Đại học Giáo hoàng Gregoriana là người điểu khiển buổi gặp gỡ. Ngày 30/6, chủ đề “Nạn nhân và kiểu mẫu của quan hệ an toàn”, tiến sĩ Gabriel Dy-Liacco, chuyên gia trị liệu tâm lý, thành viên của Ủy ban Giáo hoàng sẽ điều khiển buổi hội thảo. Và cuối cùng vào 06/7, giáo sư Ernesto Caffo, chủ tịch của tổ chức Telefono Azzurro sẽ hướng dẫn hội thảo với chủ đề “Chăm sóc trẻ em hậu cách ly. Đại dịch đã thay đổi các mối tương quan như thế nào?”
Bảo vệ trẻ vị thành niên là một phần sứ vụ Kitô hữu
Bà Emer McCharty, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên nói về các buổi hội thảo: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Ủy ban sẽ tiếp tục là một nơi có thể lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân và của những người sống sót. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các nạn nhân cũng như những câu chuyện cá nhân về sự can đảm và kiên trì của họ”. Theo bà Emer McCharty, vì vậy, trong năm 2017, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Từ đó một sự dấn thân đã được thực hiện khắp nơi trên thế giới. Nhưng nếu chỉ áp dụng luật cho vấn đề này thì chưa đủ, mọi người cần phải thay đổi cái nhìn để hiểu rằng bảo vệ trẻ vị thành niên là một phần sứ vụ Kitô hữu.
Ngọc Yến
2020
ĐTC sẽ cử hành Lễ Mình và Máu Chúa Kitô tại Đền thờ Thánh Phêrô
ĐTC sẽ cử hành Lễ Mình và Máu Chúa Kitô tại Đền thờ Thánh Phêrô
Hôm thứ Hai 08/06, Phòng Báo chí Tòa thánh thông báo: Chúa nhật lễ Mình và Máu Chúa Kitô 14/06/2020, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Cũng theo thông cáo, do vẫn còn phải tuân giữ các biện pháp ngăn chặn đại dịch, nên chỉ có khoảng 50 tín hữu tham dự Thánh lễ. Vào cuối Thánh lễ sẽ có đặt Mình Thánh để chầu và phép lành Thánh Thể như trong các Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta được truyền hình trực tiếp từ ngày 09/03 đến 17/05 vừa qua, trong thời gian Ý và các quốc gia khác không thể cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự.
Các nơi cử hành trong những năm gần đây
Năm ngoái (2019), lễ Mình và Máu Chúa Kitô do Đức Thánh Cha chủ sự được cử hành tại sân trước nhà thờ Đức Bà An Ủi; sau đó có rước kiệu Thánh Thể qua các đường phố. Năm 2018, Đức Thánh Cha đã cử hành long trọng Lễ Mình và Máu Chúa Kitô tại giáo xứ Thánh Monica ở Ostia. Từ năm 2013 đến 2017, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, và tiếp theo sau là rước kiệu Thánh Thể đến Đền thờ Đức Bà Cả.
Nguồn gốc lễ Mình và Máu Chúa Kitô
Nguồn gốc của lễ Mình và Máu Chúa Kitô bắt nguồn từ thế kỷ XIII. Vào năm 1215, trước việc nhiều người khẳng định sự hiện diện chỉ mang tính biểu tượng và Chúa Kitô không hiện diện thực sự trong Thánh Thể, Công đồng Latêranô IV (1215) đã khẳng định sự “biến đổi bản thể” (Transustanziazione) và tiếp theo Công đồng Trento năm 1551 đã xác nhận dứt khoát một lần về điều này. Tại Bỉ, sau những trải nghiệm thần bí của Thánh Juliana de Cornillon, vào năm 1247, lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô được thiết lập trong giáo phận Liège. Một vài năm sau, năm 1263, một linh mục người Boemia đến Bolsena, Ý để hành hương, khi dâng Thánh lễ vị linh mục này nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Đến phần truyền phép, một phép lạ đã xảy ra: một vài giọt máu chảy ra từ Bánh Thánh. Sau sự kiện này, vào năm 1264, Đức Giáo hoàng Urban IV đã quyết định đưa lễ kính Mình Máu Thánh Chúa vào trong Phụng vụ của toàn Giáo hội.
Ngọc Yến