2020
Linh mục da đen Josh Johnson: “Phục sinh của Chúa ở bên cạnh thập giá”
Phẫn nộ về cái chết của ông George Floyd, người da đen bị ông Derek Chauvin, cảnh sát người da trắng ghì cổ chết ở Minneapolis ngày 25 tháng 5, linh mục Josh Johnson lên tiếng. Linh mục Johnson 32 tuổi là con của ông Aaron Johnson Jr., cựu sĩ quan cảnh sát ở Baton Rouge, mẹ là bà Patricia, người da trắng. Linh mục không chống cảnh sát.
Là linh mục, cha Johnson tin vào tha thứ và phục hồi.
Cha nói: “Tôi có một quan điểm khác biệt về mọi sự. Tôi nghĩ Chúa đã tạo ra tôi cho một thời buổi như thời buổi này.”
Kể từ khi chịu chức được 6 năm nay, linh mục Johnson đã nói về các bất bình đẳng chủng tộc. Các thông điệp đầu tiên của cha không có tiếng vang. Cha cho biết: “Khi đó nhiều người nói: ‘Ồ cha Josh, đây không phải là vấn đề lớn.” Bây giờ không ai nói như vậy.
Trong ba năm vừa qua, cha Josh là linh mục ở nhà thờ công giáo Mân Côi ở St. Amant, cha có thể nói thẳng về các đối xử tàn tệ mà người da đen phải chịu. Cha là chứng nhân cho các đối xử ngược đãi mà hôn nhân khác chủng tộc của thân sinh cha phải gánh chịu. Cha cũng bị nghi ngờ khi không mang cổ cồn linh mục. Cha cho biết: “Khi tôi mặc y phục tập thể dục đến phòng tập, lúc nào tôi cũng bị theo dõi. Tôi chỉ là người da đen và tôi bị theo dõi. Có một lần tôi gặp rắc rối với một trong các thành viên của lực lượng cảnh sát, lần khác khi tôi vào một cửa hàng tạp hóa, tôi đi đâu cũng có người đi theo và họ giận dữ ra mặt. Họ nói thẳng vào mặt tôi, họ không muốn có những người như tôi vào cửa hàng của họ.
“Cuối cùng tôi đi ra. Tôi nhớ mình đã nghĩ chuyện gì có thể xảy ra trong tình huống này nếu tôi hỏi họ muốn kiếm chuyện gì. Tôi tự hỏi liệu mình có phải là một trong những người như ông George Floyd không, có thể bị bắt và bị đối xử tàn bạo không. Tôi luôn tự hỏi. Khi tôi xem video và các hình ảnh của những người như ông George Floyd bị giết, tôi bị chấn động. Người này có thể là tôi. Người cảnh sát này không biết cha tôi là ai. Khi tôi bị theo dõi, họ không biết tôi là linh mục. Họ không biết tôi đã làm những gì cho người nghèo trong cộng đồng của tôi.”
Hai tuần trước cái chết của ông Floyd, linh mục Johnson đã thực hiện một “Lời mời gọi cầu nguyện: lần chuỗi để hòa giải chủng tộc”, cha mời gọi tín hữu kitô cầu nguyện cho sự phân chia chủng tộc của quốc gia với sức mạnh sâu đậm như Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong Vườn Giếtsêmani trước ngày Ngài bị đóng đinh. Một tuần sau cái chết của ông Floyd, cha có bài thu âm “Kinh cầu của nhiệm thể Chúa Kitô” đã lan truyền mạnh trên các trang mạng xã hội.
Cha Johnson tin rằng người công giáo và các tín hữu kitô khác chịu trách nhiệm về tình trạng của các quan hệ xã hội, khi họ không công nhận và chống lại phân biệt chủng tộc.
Điều ngược lại cũng đúng, cha Johnson nói: “Giáo hội là giải pháp. Nếu giáo hội kết hợp với nhau, trở nên một và thống nhất thì khi đó giáo hội có thể đi ra và biến đổi xã hội.”
Bằng cách nào?
Cha Johnson nói: Bắt đầu bằng cách nhận biết, mỗi người, bất kể chủng tộc mình là gì đều mang hình ảnh của Chúa. Nếu tín hữu kitô nhận ra điều này thì họ sẽ thay đổi cách họ hành động và phản ứng với những người khác họ, nhất là những người thuộc chủng tộc khác chia sẻ cùng đức tin với họ.
Cha Johnson cũng xin các tín hữu kitô tìm các tiếng nói khác và lắng nghe thay vì nói. Cha kêu gọi mọi người đọc các trang mạng xã hội có các ý tưởng khác ý tưởng của họ, đi mua sắm ở các nơi khác của thành phố để gặp và nói chuyện với những người thuộc các chủng tộc khác, xem các phim tài liệu về các định kiến xã hội.
“Đôi khi tôi nghĩ những gì xảy ra như thử chúng ta sống trong các phòng vang vọng, chúng ta chỉ thấy và nghe những người giống chúng ta, suy nghĩ và hành động như chúng ta, nên ‘đâu là vấn đề?’. Khi chúng ta đi ra khỏi căn phòng vang vọng này, chúng ta sẽ nhận ra có nhiều điều hơn nữa.”
Nếu tín hữu kitô biết lắng nghe, họ có thể tìm giải pháp cho các chính sách và những cách hành động gây chia rẽ.
Linh mục Johnson nhớ lại cách Tổng Giám mục Alfred Hughes, giáo phận New-Orléans, khi ngài biết tin có một câu lạc bộ thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện tôn giáo đã không cho các thành viên người da đen tham dự. Tổng Giám mục đã gởi một thư mục vụ cho toàn giáo phận nói rằng, không một sự kiện công giáo nào được tổ chức ở một nơi áp dụng các quy tắc loại trừ. Từ đó, câu lạc bộ đó đã thay đổi quy tắc.
Theo cha Johnson, đó là dấu chỉ khích lệ mà các thành viên của giáo xứ chủ yếu là người da trắng đã phản ứng tích cực với thông điệp của giám mục. Ngài muốn các bạn da đen của mình cũng được nâng đỡ.
Cha Johnson nói tiếp: “Và đó là thông điệp hy vọng mà tôi luôn nói với các anh chị em da màu của tôi. Anh em không ở một mình. Tôi ở với anh em, nhưng Chúa Kitô cũng ở với chúng ta. Ngài gần với các quả tim bị tan vỡ lúc này. Trái tim của chúng tôi bị tan vỡ và đã từ rất lâu. Nhưng sự phục sinh của Chúa ở ngay bên cạnh thập giá. Đúng vậy. Và đó là thông điệp của hy vọng – tang tóc và hy vọng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
Đức Giám mục Phi châu Frank Nubuasah, giáo phận Botswana khóc George Floyd, bạn của ngài
Đức Giám mục Frank Nubuasah, giáo phận Gaborone, Botswana viết thư vĩnh biệt George Perry Floyd Jr., người ngài đã gặp trong những năm 1990.
Trong những năm 1990, khi ở Mỹ Đức Giám mục Frank Nubuasah đã gặp và kết bạn thân tình với George Floyd và gia đình anh. Giám mục Frank sinh ở Ghana, ngài cho biết ngài nhớ “nụ cười lây lan của George.”
George Floyd (14-10-1973 – 25-5-2020), người to cao là người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát giết, cái chết của ông đã gây phẫn nộ trên toàn nước Mỹ và trên thế giới. Các cuộc biểu tình yêu cầu cảnh sát ngưng các hành động bạo lực trên người da đen. Cảnh sát người da trắng Derek Chauvin đã giết ông Goerge Floyd khi ông đã bị bắt, đã bị còng tay, đã nằm xuống đất, ghì cổ ông Floyd gần 9 phút dù ông đã van xin “tôi không thở được”.
Đức Giám mục Frank Nubuasah cho biết ngài đã gặp ông George Floyd trong một trận bóng chày ở Sân vận động Three Rivers, Pittsburgh, Mỹ, khi đó George mới 20 tuổi. Ngài cho biết: “Chúng tôi cùng thảo luận với nhau và trở thành bạn với nhau.”
Đây là bức thư của Đức Giám mục Frank Nubuasah
George Floyd thân mến,
Chào một ngày tốt lành.
Cha không biết bây giờ là mấy giờ ở vương quốc của Chúa. Nhưng cha nhớ rất rõ buổi gặp đầu tiên của chúng ta. Đó là ở trận bóng chày. Con mặc quần jean xanh, áo T-shirt, đội mũ kết, một tay cầm cốc giấy Coca thật to, tay kia là túi bắp nướng. Cha ngồi ở đó và con đến sau. Khi đó là ở Pittsburgh cũng đã rất nhiều năm. Con mới ngoài 20. Chúng ta nói chuyện với nhau và trở thành bạn của nhau.
Trong hoàn cảnh này, đây sẽ là lần liên lạc cuối cùng của cha với con ở “vùng đất của người sống”, vùng đất đã không cho con có quyền sống. Làm thế nào cha có thể quên con được hả George? Nét mặt của con quá đặc biệt, mũi to, môi dày, nét đặc biệt của người Phi châu. Cha biết, con luôn nói với cha, con không phải là người Phi châu nhưng là người Mỹ gốc Phi. Hai tiền đề rất quan trọng với con mà con không muốn mất cái nào. Hai chân con vững chắc trong hai truyền thống. Giữa hai bàn chân con là giòng nước Đại Tây Dương. Và con không bao giờ băng qua được!
Một trong những điều cha trân trọng nhất ở con là nụ cười lây lan của con. Như thử coronavirus đã dạy cho con bằng cách nào con làm lây lan cho mọi người. Quả tim của con rộng lớn và đủ sức đón nhận mọi người. Con luôn luôn là như vậy, luôn đưa tay ra cho người khác. Đúng vậy, con có thể chạy một ngàn dặm cho bất cứ ai. Chạy, con đã chạy cho cha nhiều dịp, nhưng đây là chuyện cha sẽ kể vào một dịp khác.
Lòng cha nặng trĩu khi cha ngồi trong góc cầu nguyện để viết thư cho con, biết rằng nhiều người khác sẽ đọc chứ không phải con. Đôi mắt của con đã nhắm và không mở lại, nhưng không đúng, đôi mắt của con sẽ mãi mãi nhìn thấy ngọn lửa mà cái chết của con đã làm bùng lên. Cuộc cách mạng mà cái chết hy sinh của con đã truyền cảm hứng, các phong trào và liên minh mới chống phân biệt chủng tộc, chống chủ nghĩa giai cấp, chống phân biệt đối xử đang gia tăng. Con đã thắp một ngọn lửa cho hòa bình và cho thay đổi. Vậy thì bạn của cha, khi con nghe lời hát “đúng, chúng tôi có thể”, con biết tất cả đang hát vì con và cho con. Con đã ra đi, nhưng còn rất nhiều người ở đây! Ở châu lục mẹ, mọi người sẽ gọi tên con, người đã chết nhưng vẫn còn sống.
Cha nhớ kỳ nghỉ hè với con và các bạn của con. Quincy là cậu bé trai khi đó. Và chúng ta đã ăn ăn thịt nướng với nhau trong các buổi tối mùa hè. Cha nghĩ người Nam Phi chúng ta ăn rất nhiều thịt, con thích ăn thịt tái, cha thích ăn thịt chín. Con đưa cha đi xem đá banh, không phải đá banh kiểu Mỹ nhưng đá banh thật sự, kiểu nhẹ nhàng. Ồ, con chán đến tận xương. Con thích đá banh theo kiểu của con. Tất cả đã là nước chảy qua cầu, cây cầu Three Rivers gần sân vận động khi chúng ta gặp nhau lần đầu.
Theo lời mời của cha, con đã lên kế hoạch về thăm quê hương, về thăm gốc rễ của mình. Cha đề nghị con tham dự lễ hội liên văn hóa Phi châu (PANAFEST) ở Ghana, rồi con sẽ đi thăm vùng đất xinh đẹp Botswana với cha. Cha sẽ đưa con đi xem sở thú có các động vật sống trong thiên nhiên. Con sẽ đi thăm cánh đồng gia súc và ruộng cày, thưởng thức món thịt thăn của vùng Seswaa. Con sẽ không đến đây bằng xương bằng thịt, như thế chương trình của cha sẽ ở trong băng đá lạnh.
Với khí hậu nóng lên, biết đâu băng sẽ tan chảy và cha sẽ được xem lại các chương trình của cha. Ai biết được, Quincy sẽ có thể nhìn nét đẹp tuyệt vời của người phụ nữ đã bồng cha ngày đêm, nuôi nấng cha. Bà luôn nâng đỡ cha. Người phụ nữ Botswana này là nhà cho mọi người. Làm thế nào con bỏ lỡ chuyến thăm chúng ta đã lên kế hoạch từ lâu? Lòng cha đau nhói. Cha viết thư này cho con như một cơ chế thích ứng với trị liệu mà cha đã học cách đây nhiều năm khi cha gặp con ở Pittsburgh. Đời sống của con đã bị cắt. Con đã tạo một kỷ lục khi chết dưới mắt mọi người và không phải do tai nạn. Sự kiện đã thâu lại cho hậu thế. Con không thấy con là người cao cả sao? Ồ, cha thích các điện thoại cầm tay biết bao! Không ai thoát khỏi tội ác mà không bị trừng phạt, bằng chứng đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Hệ thống tư pháp hình sự có thể làm con thất vọng nhưng quan điểm quần chúng sẽ biết sự thật.
Thăm dò ý kiến quần chúng cho biết hai phần ba người dân nước của con ủng hộ cuộc cách mạng bắt đầu sau cái chết của con. Bây giờ con đã thấy “lối vào âm phủ” (G 38; 17), con đã trả lời cho cuộc gọi của con, dù hơi sớm. Cha nghĩ những người ở trên thiên đàng đang chờ con. Cha chào từ giã người em trai của một bà mẹ khác của cha ở Mỹ. Chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Lúc này cha đang giận vì cha là con người, cha không bao giờ nghĩ con người lại xuống thấp như vậy. Một sự chào đón vô cùng lớn lao đang chờ con ở nhà của Cha, cha hy vọng Coca và bắp nướng cũng có ở đó. Con chỉ còn một nhiệm vụ nữa để làm. Đó là chuẩn bị đón bốn vị đã giết con khi đến giờ của họ và chỉ cho họ thấy họ đang ở nơi vui vẻ mà chúng ta gọi là thiên đàng. Bà Michelle Obama đã nói, khi họ xuống thấp, chúng ta lên cao.
George, cha nhớ con. Bây giờ con có thể thở mãi mãi hơi thở của tình yêu.
An nghỉ bình an!
Giám mục Frank Nubuasah, Dòng ngôi Lời
Gaborone Botswana
Ngày 4 tháng 6 – 2020
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
“Vẫn còn quá ít linh mục da đen ở Mỹ”
“Vẫn còn quá ít linh mục da đen ở Mỹ”
Biểu tình chống bạo lực cảnh sát trước nhà thờ chính tòa Thánh Gioan tại New York 5 tháng 6-2020
Cái chết của ông George Floyd ngày thứ hai 25 tháng 5 đã tạo một mối xúc cảm lớn nơi cộng đồng người công giáo da đen ở Mỹ. Họ xin Giáo hội và tín hữu da trắng đặt lại vấn đề.
Cảm xúc vẫn còn trong giọng nói của Tiến sĩ Ansel Augustine người Mỹ gốc Phi, ông là người có trách nhiệm mới về sự đa dạng văn hóa ở Tổng giáo phận Washington. Vừa hồi phục sau khi bị Covid-19 tàn phá cộng đồng người da đen ở thành phố New Orléans thân yêu của ông, bây giờ ông phải đối diện với video mà người xem không thể chịu đựng được về cái chết của ông George Floyd, người Mỹ Da đen ở Minneapolis bị một cảnh sát da trắng giết ngày 25 tháng 5. Ông cho biết: “Thật khó khăn về mặt cảm xúc khi đứng trước hành động bạo lực của cảnh sát đối với Người Da đen. Phản ứng đầu tiên của tôi là ghê tởm. Sau đó tôi tự hỏi không biết giây phút này sẽ là một giai đoạn khác trong hiệp thông với các buổi tụ họp và cầu nguyện không. Hay nó sẽ giúp chúng ta giải quyết công việc khó khăn của một sự thay đổi thể chế?”
Bị chấn động, người công giáo Mỹ gốc Phi làm nhiều hơn là chỉ lên tiếng chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Mỹ: họ kêu gọi Giáo hội và giáo dân da trắng phải đối diện với nạn phân biệt chủng tộc của chính họ. Trong một buổi hội thảo trực tuyến do trường đại học Dòng Tên Georgetown tổ chức ngày thứ sáu 5 tháng 6, nữ giáo sư lịch sử người Mỹ gốc Phi Marcia Chatelain, thành viên của ủy ban về quá khứ nô lệ của đại học đã lên án mạnh mẽ: “Không ai ở đây sẽ đốt thánh giá (ám chỉ các việc làm của nhóm siêu quyền lực da trắng Ku Klux Klan). Nhưng một số trong quý vị không muốn tài trợ cho các trường học ở các khu phố khó khăn. Một số sẽ chê bai các học sinh da đen trong các trường công giáo…” Bà thẳng thắn nói với cử tọa trên mạng gồm các giáo dân và các nhà lãnh đạo công giáo. Dù đã có các lá thư mục vụ chống kỳ thị và có các lời hứa cải cách, người Mỹ gốc Phi công giáo cho rằng Giáo hội có thể làm nhiều hơn thế. Cộng đoàn của họ có 3 triệu người công giáo, 13 giám mục Mỹ gốc Phi (267) trong số này có 8 giám mục đang hoạt động. Năm giáo phận được người da đen điều hành trong đó có tổng giáo phận Washington. Nhà xã hội học Tia Noelle Pratt chuyên về vấn đề kỳ thị trong Giáo hội công giáo Mỹ phân tích: “Chúng ta phải xem cộng đồng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất trong việc đóng cửa các giáo xứ. Phải xem lại việc tuyển nhân viên trong các trường học công giáo. Trong các chương trình học, chỗ đứng của người công giáo da đen hay vai trò của Giáo hội trong chế độ nô lệ là quá ít ỏi, chỉ có tính cách liệt kê. Bây giờ là lúc để qua một bên các chuyện nhạt nhẽo và cải cách cấu trúc Giáo hội. Chắc chắn các nhịp cầu của chúng ta không còn bị tách chia, nhưng nói như thế không có nghĩa là nạn kỳ thị đã chấm dứt. Vẫn còn quá ít linh mục da đen ở Mỹ. Điều này ảnh hưởng đến việc dấn thân của thanh niên trẻ Da Đen trong Giáo hội. Họ không có gương mẫu.”
Bốn ngày sau cái chết của ông George Floyd, bảy giám mục điều khiển các ủy ban (phân biệt chủng tộc, hoạt động ủng hộ đời sống, đa dạng văn hóa…) trong Hội đồng Giám mục Mỹ kêu gọi các mục tử “đồng hành xác thực hơn với các người mà trong lịch sử họ đã bị tước đi quyền của mình, lắng nghe câu chuyện cuộc đời của họ, học hỏi từ họ và tìm cách đáng kể để thực hiện sự thay đổi hệ thống.”
Về phần mình, Đức Giám mục Roy Campbell, chủ tịch Hội đồng Công giáo Quốc gia Da Đen bao gồm các giám mục người Mỹ gốc Phi đã kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch về cái chết của ông George Floyd và lưu ý, tình trạng nô lệ đã có trước sự ra đời của nước Mỹ cho đến thời Nội chiến, và bây giờ vẫn còn tồn tại.”
Tiến sĩ Ansel Augustine xác nhận: “Các khóa lắng nghe là tốt. Nhưng chúng ta cần phải làm hơn. Chúng ta phải đảm bảo lịch sử công giáo của người Da Đen phải được đưa lên ngang tầm với lịch sử công giáo của người Da Trắng. Chúng ta không có vị thánh người Mỹ gốc Phi. Các đóng góp của người công giáo Da Đen không phải lúc nào cũng được công nhận.” Hiện tại một số nhóm công giáo tham gia các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát trên toàn quốc gia. Đây là trường hợp của phong trào hòa bình Pax Christi USA. Phong trào kêu gọi đầu tư hơn vào các chương trình xã hội. Ông Johnny Zokovitch, chủ tịch của Pax Christi USA lên tiếng: “Năm 2020 là năm bầu cử. Chúng ta phải đảm bảo, vấn đề phân biệt chủng tộc sẽ là một phần của cuộc tranh luận quốc gia”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
Sau những lời chỉ trích Tổng thống Trump, Đức Cha Gregory đang ở giữa tâm bão những lời phê phán
Sau những lời chỉ trích Tổng thống Trump, Đức Cha Gregory đang ở giữa tâm bão những lời phê phán
Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật mới nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.
Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC đã chỉ trích rất mạnh chuyến viếng thăm này của Tổng thống Trump như một hành động lợi dụng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho chiến dịch tranh cử của mình.
Những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory đang tạo ra một tai tiếng rất lớn.
Tờ Crux giải thích sự tức giận của Đức Tổng Giám Mục là vì ngài không biết trước. Tờ báo viết:
“Một chi tiết đã được báo cáo rộng rãi, và Crux đã xác nhận một cách độc lập rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory không hề được thông báo về chuyến thăm cho đến tối thứ ba khi Tòa Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố nhằm công bố [chuyến viếng thăm này]. Không ai liên quan đến đền thờ, kể cả những người chủ là các Hiệp sĩ Kha Luân Bố, dường như đã báo trước cho Đức Tổng Giám Mục”.
Đức Tổng Giám Mục đã không đính chính báo cáo của tờ Crux.
Gần như ngay lập tức, Tòa Bạch Ốc đưa ra bằng chứng cho thấy Đức Tổng Giám Mục đã được Tổng thống Trump mời đến Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II cả một tuần trước đó, và Tòa Bạch Ốc đã nhận được thư phúc đáp của văn phòng tổng giáo phận Washington đề ngày 30 tháng Năm nói rằng ngài không đến được vì bận công vụ khác. Cả thư mời và thư từ chối đều được công bố.
Như vậy, Đức Tổng Giám Mục đã biết trước. Các phương tiện truyền thông quay sang phê phán ngài là đã hành động một cách bất công và thiếu đức bác ái. Nếu ngài không đồng ý tại sao ngài không bảo ngay từ đầu cho Tòa Bạch Ốc và Hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố là ngài không đồng ý.
JD Flynn chủ biên của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, và cũng là một luật sư về giáo luật có bài nhận định sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Analysis: Archbishop Gregory promised the truth. Has he told it?
Phân tích: Đức TGM Gregory hứa nói sự thật. Vậy ngài đã nói thế chưa?
Trong buổi họp báo nhằm công bố việc nhậm chức Tổng Giám Mục Washington, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã đưa ra lời cam kết: “Tôi sẽ luôn thấy sao nói vậy với anh chị em.”
Một năm sau khi được tấn phong tổng giám mục tại Washington, uy tín của lời hứa đó hiện đang bị soi mói vào thời điểm vô cùng khó khăn cho cả nước.
“Trước hết, tôi tin rằng cách duy nhất tôi có thể phục vụ tổng giáo phận này là nói cho anh chị em biết sự thật” Đức Tổng Giám Mục Gregory nói hôm 4 tháng Tư năm 2019.
Ngày hôm đó lẽ ra phải là một khoảnh khắc hy vọng cho các giáo dân Công Giáo tại thủ đô Washington là những người đã chịu đựng suốt gần một năm trời sự hỗn loạn bao quanh kẻ lạm dụng tên là Theodore McCarrick, và người kế vị của ông ta ở DC là Đức Hồng Y Donald Wuerl, là người cũng đã bị nhiều người Công Giáo buộc tội đánh lạc hướng, che giấu, và không trung thực.
Đức Tổng Giám Mục Gregory được kỳ vọng sẽ mang lại sự chữa lành cho Giáo hội.
Mặc dù có thể không có mọi câu trả lời nhưng ngài đã nói trong buổi họp báo, “sự minh bạch bao gồm cả việc chia sẻ những gì anh chị em biết.
Một năm sau khi Đức Cha Gregory được tấn phong, đã có những ý kiến trái chiều về việc thực thi các cam kết của ngài trong lời tuyên bố đó. Đức Tổng Giám Mục được ghi nhận có công kêu gọi cuộc điều tra về Đức Ông Walter Rossi, một linh mục trong khu vực đã bị buộc tội gạ gẫm các sinh viên, nhưng sau đó lại bị chỉ trích về tốc độ của cuộc điều tra sự việc, cũng như tại sao vẫn để cho Đức Ông Rossi tiếp tục các thừa tác vụ công khai trong tiến trình điều tra.
Ngài đã được các nhà lãnh đạo địa phương khen ngợi vì luôn có mặt cho công tác mục vụ của mình đối với các linh mục và giáo dân, tuy nhiên lại bị chê bai vì tổng giáo phận chưa hề công bố bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến McCarrick.
Nhưng vào tuần trước, ý kiến của người Công Giáo về vị tổng giám mục này đã trở nên phân hoá mạnh mẽ hơn nhiều.
Vào ngày 2 tháng 6, Đức Cha Gregory đã đưa ra một tuyên bố nhằm phê phán chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump khi ông đến viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II tại D.C.
Đức Tổng Giám Mục gọi việc đón tiếp ông Trump ở đền thánh này là “quái lạ và đáng trách”, và nói rằng ngôi đền đã bị “lạm dụng và thao túng một cách trầm trọng theo chiều hướng vi phạm các nguyên tắc về tôn giáo của chúng ta.”
Chuyến thăm của ông Trump đến đền thờ thực sự gây tranh cãi giữa những người Công Giáo.
Một ngày sau khi tổng thống nói trong một bài phát biểu rằng ông sẽ huy động lực lượng quân sự tại ngũ để dập tắt các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp nước Mỹ, và sau đó cảnh sát liên bang đã có màn trình diễn ở mức báo động nhằm dẹp đường tại quảng trường đang có cuộc biểu tình ôn hòa, trước khi Tổng thống chụp hình ở phía trước một nhà thờ Anh Giáo với quyển Kinh thánh trong tay.
Sau những sự kiện đó, Thượng nghị sĩ Ben Sasse, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng phe với tổng thống, đã cáo buộc ông Trump sử dụng Kinh thánh như một màn tuyên truyền chính trị, và nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự.
Đức Tổng Giám Mục Gregory là người Công Giáo Mỹ gốc Phi nổi bật nhất ở Hoa Kỳ, và vào thời điểm đó đã có tiếng nói quan trọng và có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo Công Giáo về nạn phân biệt chủng tộc, công bằng xã hội và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của George Floyd vào ngày 25 tháng 5. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngài muốn đề cập một cách mạnh mẽ cách thức tổng thống xử lý tình trạng hỗn loạn của đất nước như thế nào.
Tuyên bố ngày 2 tháng 6 của Gregory đã trở thành tiêu đề chính trong các hãng tin lớn trên toàn thế giới. Chỉ vài ngày sau, Đức Tổng Giám Mục Gregory đã tăng thêm lời chỉ trích của mình về chuyến thăm này.
Đức Tổng Giám Mục Gregory không nói khi nào ngài đã biết về sự kiện này. Nhưng nhiều người Công Giáo suy đoán rằng, căn cứ vào cường độ trong lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục thì ngài hẳn đã bị bất ngờ, có lẽ chỉ mới biết về chuyện này khi Tòa Bạch Ốc tuyên bố vào đêm hôm trước.
Vào ngày 7 tháng 6, theo phân tích tình hình trên trang Crux, Đức Tổng Giám Mục Gregory đã không hề nhận được thông báo về chuyến thăm viếng cho đến tận tối thứ ba khi Toà Bạch Ốc đưa ra một tuyên bố. Tờ Crux cho biết họ đã “xác nhận một cách độc lập” sự kiện đã được “tường thuật rộng rãi” rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory đã không hề được báo trước.
Đức Gregory đã không hề đính chính chi tiết được “tường thuật rộng rãi” này.
Nhưng sau đó vào ngày 7 tháng 6, Tòa Bạch Ốc đã nói với Catholic News Agency rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory đã được mời tham dự sự kiện vào tuần trước và ngài đã từ chối lời mời này.
CNA nhận đang có trong tay một bức thư gởi ngày 30 tháng 5 từ văn phòng của Đức Tổng Giám Mục Gregory, trong đó vị tổng giám mục đã từ chối lời mời, và bức thư cũng đề cập đến việc đích nhân Đức Tổng Giám Mục Gregory đã thảo luận với một nhân viên Tòa Bạch Ốc vào ngày 29 tháng Năm về việc ngài không thể đến dự.
Tổng giáo phận Washington từ chối trả lời các câu hỏi của CNA về các thời điểm. Một phóng viên nói rằng tổng giáo phận cũng không trả lời các câu hỏi của tờ Washington Post.
Kể từ tường thuật ngày 8 tháng 6 của CNA, Đức Tổng Giám Mục Gregory thường xuyên bị cáo buộc trên các phương tiện truyền thông xã hội về sự thiếu trung thực. Một cơn bão nhỏ đã bắt đầu!
Cần phải nói rõ: Đức Tổng Giám Mục Gregory đã không hề nói rằng ngài không được biết trước về sự kiện này.
Và một số tiếng nói của người Công Giáo dường như đã nhân cuộc tranh cãi này để trách móc Đức Tổng Giám Mục Gregory là đã hành động một cách bất công và thiếu đức bác ái, vì những lý do có vẻ như nhuốm màu đảng phái, về cả phương diện giáo hội và dân sự. Ngài đã bị cáo buộc tội nói dối công khai, mặc dù chưa đủ các dữ kiện biện minh cho cáo buộc ấy. Thủ thuật chính trị đó không bao giờ hữu ích, đặc biệt là tại những thời điểm gay go hoặc trong các vấn đề khó khăn như hiện nay.
Nhưng bất chấp các cáo buộc đó, một số người Công Giáo vẫn cảm nhận rằng Đức Cha đã không trung thực về mình, đã không đề cập đến các tường thuật trái ngược nhau về bản thân mình và từ chối trả lời các câu hỏi về cả dòng thời điểm và lý do cho sự thay đổi rõ rệt trong lập trường của ngài, từ phản ứng lịch sự lúc ban đầu chuyển sang lời tố cáo mạnh mẽ sau đó.
Thật dễ dàng để suy đoán về các lý do của Đức Tổng Giám Mục, nhưng chính ngài đã không sẵn sàng bày tỏ những lý do này.
Không có lý do gì để nghi ngờ rằng Đức Tổng Giám Mục Gregory không thể đưa ra câu trả lời hợp lý cho những câu hỏi mà ngài được chất vấn. Nhưng người ta không rõ tại sao ngài vẫn chưa làm như vậy.
Theo đạo đức Công Giáo, có những tội ta phạm vì đã làm, và bên cạnh đó còn có những tội ta phạm vì bỏ qua không làm. Đức Gregory chưa phạm tội không trung thực công khai. Nhưng những người Công Giáo đã xem trọng lời cam kết của ngài bây giờ dường như đang chờ xem vị tổng giám mục sẽ không lờ đi các chi tiết trong các tuyên bố công khai của mình, hoặc ít nhất là ngài sẽ làm rõ những phúc trình trái ngược, và sẽ trả lời câu hỏi đối với các vấn đề quan trọng đang gây tranh cãi.
Chắc chắn, đó là những khoảng khắc chưa từng có. Và việc ông Trump đến viếng đền đã đụng chạm đến một danh sách các chủ đề gây tranh cãi, nghiêm trọng và nhạy cảm, đặc biệt là đối với một giám mục người Mỹ gốc Phi ở thủ đô của quốc gia như: bản thân vị Tổng thống, liên kết thể chế của người Công Giáo với Tổng thống Trump, nạn phân biệt chủng tộc, các cuộc biểu tình làm náo loạn đất nước. Bất đồng trong một thời điểm như thế này là có thể hiểu được.
Nhưng khả năng lãnh đạo được thử thách trong những khoảnh khắc như thế này. Và Đức Tổng Giám Mục Gregory, người đã hứa nói lên sự thật, giờ lại phải đối mặt với một thử nghiệm đáng được theo dõi.
Source:Catholic News AgencyAnalysis: Archbishop Gregory promised the truth. Has he told it?
Emily Nguyễn