Linh mục da đen Josh Johnson: “Phục sinh của Chúa ở bên cạnh thập giá”
Phẫn nộ về cái chết của ông George Floyd, người da đen bị ông Derek Chauvin, cảnh sát người da trắng ghì cổ chết ở Minneapolis ngày 25 tháng 5, linh mục Josh Johnson lên tiếng. Linh mục Johnson 32 tuổi là con của ông Aaron Johnson Jr., cựu sĩ quan cảnh sát ở Baton Rouge, mẹ là bà Patricia, người da trắng. Linh mục không chống cảnh sát.
Là linh mục, cha Johnson tin vào tha thứ và phục hồi.
Cha nói: “Tôi có một quan điểm khác biệt về mọi sự. Tôi nghĩ Chúa đã tạo ra tôi cho một thời buổi như thời buổi này.”
Kể từ khi chịu chức được 6 năm nay, linh mục Johnson đã nói về các bất bình đẳng chủng tộc. Các thông điệp đầu tiên của cha không có tiếng vang. Cha cho biết: “Khi đó nhiều người nói: ‘Ồ cha Josh, đây không phải là vấn đề lớn.” Bây giờ không ai nói như vậy.
Trong ba năm vừa qua, cha Josh là linh mục ở nhà thờ công giáo Mân Côi ở St. Amant, cha có thể nói thẳng về các đối xử tàn tệ mà người da đen phải chịu. Cha là chứng nhân cho các đối xử ngược đãi mà hôn nhân khác chủng tộc của thân sinh cha phải gánh chịu. Cha cũng bị nghi ngờ khi không mang cổ cồn linh mục. Cha cho biết: “Khi tôi mặc y phục tập thể dục đến phòng tập, lúc nào tôi cũng bị theo dõi. Tôi chỉ là người da đen và tôi bị theo dõi. Có một lần tôi gặp rắc rối với một trong các thành viên của lực lượng cảnh sát, lần khác khi tôi vào một cửa hàng tạp hóa, tôi đi đâu cũng có người đi theo và họ giận dữ ra mặt. Họ nói thẳng vào mặt tôi, họ không muốn có những người như tôi vào cửa hàng của họ.
“Cuối cùng tôi đi ra. Tôi nhớ mình đã nghĩ chuyện gì có thể xảy ra trong tình huống này nếu tôi hỏi họ muốn kiếm chuyện gì. Tôi tự hỏi liệu mình có phải là một trong những người như ông George Floyd không, có thể bị bắt và bị đối xử tàn bạo không. Tôi luôn tự hỏi. Khi tôi xem video và các hình ảnh của những người như ông George Floyd bị giết, tôi bị chấn động. Người này có thể là tôi. Người cảnh sát này không biết cha tôi là ai. Khi tôi bị theo dõi, họ không biết tôi là linh mục. Họ không biết tôi đã làm những gì cho người nghèo trong cộng đồng của tôi.”
Hai tuần trước cái chết của ông Floyd, linh mục Johnson đã thực hiện một “Lời mời gọi cầu nguyện: lần chuỗi để hòa giải chủng tộc”, cha mời gọi tín hữu kitô cầu nguyện cho sự phân chia chủng tộc của quốc gia với sức mạnh sâu đậm như Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong Vườn Giếtsêmani trước ngày Ngài bị đóng đinh. Một tuần sau cái chết của ông Floyd, cha có bài thu âm “Kinh cầu của nhiệm thể Chúa Kitô” đã lan truyền mạnh trên các trang mạng xã hội.
Cha Johnson tin rằng người công giáo và các tín hữu kitô khác chịu trách nhiệm về tình trạng của các quan hệ xã hội, khi họ không công nhận và chống lại phân biệt chủng tộc.
Điều ngược lại cũng đúng, cha Johnson nói: “Giáo hội là giải pháp. Nếu giáo hội kết hợp với nhau, trở nên một và thống nhất thì khi đó giáo hội có thể đi ra và biến đổi xã hội.”
Bằng cách nào?
Cha Johnson nói: Bắt đầu bằng cách nhận biết, mỗi người, bất kể chủng tộc mình là gì đều mang hình ảnh của Chúa. Nếu tín hữu kitô nhận ra điều này thì họ sẽ thay đổi cách họ hành động và phản ứng với những người khác họ, nhất là những người thuộc chủng tộc khác chia sẻ cùng đức tin với họ.
Cha Johnson cũng xin các tín hữu kitô tìm các tiếng nói khác và lắng nghe thay vì nói. Cha kêu gọi mọi người đọc các trang mạng xã hội có các ý tưởng khác ý tưởng của họ, đi mua sắm ở các nơi khác của thành phố để gặp và nói chuyện với những người thuộc các chủng tộc khác, xem các phim tài liệu về các định kiến xã hội.
“Đôi khi tôi nghĩ những gì xảy ra như thử chúng ta sống trong các phòng vang vọng, chúng ta chỉ thấy và nghe những người giống chúng ta, suy nghĩ và hành động như chúng ta, nên ‘đâu là vấn đề?’. Khi chúng ta đi ra khỏi căn phòng vang vọng này, chúng ta sẽ nhận ra có nhiều điều hơn nữa.”
Nếu tín hữu kitô biết lắng nghe, họ có thể tìm giải pháp cho các chính sách và những cách hành động gây chia rẽ.
Linh mục Johnson nhớ lại cách Tổng Giám mục Alfred Hughes, giáo phận New-Orléans, khi ngài biết tin có một câu lạc bộ thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện tôn giáo đã không cho các thành viên người da đen tham dự. Tổng Giám mục đã gởi một thư mục vụ cho toàn giáo phận nói rằng, không một sự kiện công giáo nào được tổ chức ở một nơi áp dụng các quy tắc loại trừ. Từ đó, câu lạc bộ đó đã thay đổi quy tắc.
Theo cha Johnson, đó là dấu chỉ khích lệ mà các thành viên của giáo xứ chủ yếu là người da trắng đã phản ứng tích cực với thông điệp của giám mục. Ngài muốn các bạn da đen của mình cũng được nâng đỡ.
Cha Johnson nói tiếp: “Và đó là thông điệp hy vọng mà tôi luôn nói với các anh chị em da màu của tôi. Anh em không ở một mình. Tôi ở với anh em, nhưng Chúa Kitô cũng ở với chúng ta. Ngài gần với các quả tim bị tan vỡ lúc này. Trái tim của chúng tôi bị tan vỡ và đã từ rất lâu. Nhưng sự phục sinh của Chúa ở ngay bên cạnh thập giá. Đúng vậy. Và đó là thông điệp của hy vọng – tang tóc và hy vọng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch