2020
Cha Massimiliano Rosito, vị linh mục đã cứu Thánh Giá Chúa ở Cimabue
Gặp gỡ Thiên Chúa thông qua văn hóa-nghệ thuật
“Cha Massimiliano Rosito đã dành cả đời mình để gặp gỡ và giúp anh chị em mình gặp gỡ Thiên Chúa thông qua nghệ thuật và văn hóa”. Đó chính là những lời nhắc nhớ về người anh em của mình trong thánh lễ an táng cha Rosito của Cha Franco Buonamano, Bề trên tỉnh dòng của Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu.
Cha Massimiliano Rosito sinh ngày 1 tháng 12 năm 1928, tại Ferrrandina, thuộc tỉnh Matera. Cha gia nhập và trở thành tu sĩ ở tuổi 21 trong Dòng thánh Phanxicô Viện Tu, sau đó cha được thụ phong linh mục tại Roma và được thuyên chuyển đến Firenze và phục vụ tại Vương cung Thánh Đường Thánh Giá. Cha đã qua đời ở tuổi 92 vào đầu giờ chiều Chúa Nhật vừa qua, tại Firenze, thành phố gắn liền với tên tuổi của cha, đặc biệt là tại Vương cung Thánh Đường Thánh Giá, nơi có sự hiện hữu của cây Thánh Giá mà cha đã bất chấp dòng nước lũ để cứu lấy.
Cha Massimialiano Rosito đã làm việc tích cực để bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa nghệ thuật của Vương cung thánh đường. Trong những giờ phút bi thảm vào buổi sáng ngày 5 tháng 11 năm 1966, Cha là người đầu tiên đã tìm thấy Thánh Giá Chúa Kitô ở Cimabue bị xé nát bởi sự thô bạo của dòng nước lũ và cha đã cùng với những người anh em của mình làm việc cật lực để cứu những gì còn sót lại sau trận lụt đó. Tháng 12 năm 2008, Cha Rosito đã được Thị trưởng Thành phố Firenze trao tặng huân chương “Fiorino d’oro”, danh hiệu cao quý nhất của thành phố, vì những đóng góp qúy giá của cha trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, và vì những hoạt động tích cực trong việc theo dõi và xuất bản tạp chí Città di Vita. Cuốn tạp chí vừa trở thành nơi đối thoại giữa tư tưởng triết học và thần học theo tinh thần thánh Phanxicô và văn hóa đương đại, vừa trở thành một tài liệu tham khảo mang tính liên tục của dân cư trong thành phố, nơi chia sẻ những hoạt động và diễn giải, so sánh và đối chiếu mang tính liên văn hóa những giá trị nhân văn thông qua việc giới thiệu những tác giả – tác phẩm.
Cha Massimiliano Rosito từng là Tổng biên tập và sau đó là biên tập viên của tạp chí Città di Vita suốt từ tháng 9 năm 1964. Cha cũng chịu trách nhiệm chính cho việc thành lập bảo tàng mang tên Pietro Parigi, một người bạn lớn và một nghệ sĩ quan trọng trong làng nghề điêu khắc gỗ ở Firenze.
Hoài Thương – CTV Vatican News
2020
Giáo hội tại Anh được tặng 1,3 triệu đô để giúp người nghèo giữa đại dịch
Giáo hội Công giáo Anh và xứ Wales đã nhận được khoản quyên góp 1 triệu bảng Anh, tương đương 1,3 triệu đô la để chống lại nghèo đói do đại dịch virus corona gây ra.
Số tiền này được đóng góp bởi Quỹ từ thiện Albert Gubay, được thành lập bởi cố doanh nhân tỷ phú Albert Gubay, người đã hứa với Thiên Chúa khi còn trẻ, nếu trở nên giàu có, ông sẽ trao một nửa số tiền của mình cho Giáo hội.
Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, nói hôm 09/06: “Tất cả món quà đặc biệt này sẽ được dành để giảm bớt khó khăn ngay lập tức, và, tôi nhấn mạnh, hiệu quả của nó sẽ được cảm nhận trên toàn bộ nước Anh và xứ Wales.”
Phân chia cho các đơn xin tài trợ của các tổ chức từ thiện
Ngày 20/05, Quỹ từ thiện Albert Gubay đã thông báo với Đức Hồng y Nichols về số tiền quyên góp. Sau khi hội ý với các tổng giám mục của Anh và xứ Wales, Đức Hồng y đã mời các tổ chức từ thiện nộp đơn xin tài trợ khẩn cấp vào ngày 31/05. Có 38 đơn xin tài trợ với tổng trị giá hơn 2 triệu bảng.
Số tiền 1,3 triệu đô la sẽ được chia thành 3 phần với hơn 508.000 đô la sẽ được chuyển đến các ngân hàng thực phẩm địa phương và cung cấp thực phẩm trực tiếp, 317.000 đô la để mở rộng các chương trình phiếu tặng thực phẩm và hơn 425.000 đô la để hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho người nghèo.
Lời hứa của ông Albert Gubay
Ông Albert Gubay sinh năm 1928 và qua đời năm 2016, có cha là người Do Thái gốc Iraq và mẹ là người Công giáo gốc Ai Len. Ông đã tích lũy tài sản của mình thông qua Kwik Save, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Anh; Total Fitness, chuỗi phòng tập thể dục; và đầu tư bất động sản. Sau khi chết, quỹ từ thiện của ông, có trụ sở tại Isle of Man, trị giá khoảng 700 triệu bảng Anh. Năm 2011, trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông nói ông đã chạy đến với Chúa khi đang vật lộn để kiếm sống như một doanh nhân trẻ. Một ngày kia, khi ông không biết tìm đâu ra đồng xu sắp tới và ông đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con và bất cứ thứ gì con làm được trong những năm trong đời mình, khi chết, con sẽ dâng một nửa cho Giáo Hội.” (CNA 09/06/2020)
Hồng Thủy – Vatican News
2020
Ấn Độ: Chính phủ cho phép mở cửa nhà thờ nhưng Giáo hội không muốn
Từ thứ Hai 08/06 các nhà thờ ở Ấn Độ có thể mở cửa trở lại để cử hành các Thánh lễ với sự hiện diện của các tín hữu, nhưng một số vị lãnh đạo tôn giáo không muốn do các biện pháp quá khắt khe của chính phủ đưa ra buộc phải thực hiện khi muốn mở cửa các nơi thờ phượng.
Sau khi chính quyền trung ương cho phép mở lại các hoạt động phụng vụ, chính quyền các bang đã cho công bố các quy tắc cụ thể phải tuân giữ. Khác với những gì đang diễn ra tại phương Tây, ở Ấn Độ, rất khó đưa ra các quy tắc chung cho tất cả các tôn giáo. Ví dụ, tại bang Kerala, chính quyền cấm phân phát mọi loại lễ vật được trao cho những ai đang dự lễ nghi. Đối với người Công giáo rước lễ cũng bị cấm. Vì thế, nhiều giáo phận đã quyết định tiếp tục đóng cửa nhà thờ, ngay cả khi Hội đồng Giám mục đã gửi các khuyến nghị.
Đức Tổng giám mục Antony Kariyil của Tổng Giáo phận Ernakulam Angamaly, sau khi đã thảo luận với các linh mục và một số đại diện giáo dân, đã tuyên bố rằng, đối với Tổng giáo phận tốt hơn không cử hành các phụng vụ.
Cha Thomas Puthenpurackal, coi sóc giáo xứ Thekkekara của giáo phận Changacherry đã nói với Hãng tin Asia News, cha đã cho vệ sinh, khử trùng nhà thờ và khu vực giáo xứ, nhưng có thể cha sẽ không thể mở lại cửa nhà thờ cho cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự. Trở ngại lớn nhất đến từ chỉ thị của chính quyền Kerala là cấm cho giáo dân rước lễ. Cha chỉ ra: “Nếu chúng ta không thể hiệp thông Thánh Thể, đâu là ý nghĩa của việc giáo dân tham dự Thánh lễ”.
Hôm Chúa nhật 07/06, Đức cha Joseph Perumthottam, Tổng Giám mục Changanacherry đã thông báo các giáo xứ trong Tổng giáo phận sẽ không cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự. Các linh mục và giáo dân đều cho rằng các biện pháp do chính quyền đưa ra quá phức tạp: các linh mục phải ghi lại danh sách những ai đang tham dự Thánh lễ; cử hành Thánh lễ không quá 100 người; dỡ bỏ thảm ở nơi cho rước lễ; không sử dụng nước thánh, không xức dầu thánh; v.v. Ngoài ra, cấm những ai trên 65 tuổi vào nhà thờ.
Theo Đức Hồng y Baselios Cleemis, Tổng Giám mục trưởng của Giáo Hội Công giáo Syro-Malabar, người già cũng có quyền tham dự các nghi thức. “Đóng cửa các nhà thờ thì không chắc chắn virus không lây lan trong cộng đồng. Trong mọi trường hợp, các tín hữu của chúng tôi hiện diện rải rác trên cả nước sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của chính phủ”. Đức Hồng y đề nghị với chính quyền rằng Giáo hội có thể tìm cách tổ chức cử hành Thánh lễ chỉ dành riêng cho những người trên 65 tuổi. (Asia News 08/6/2020)
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Aleksandar Ninkovic, quân nhân Xéc-bi trở thành linh mục công giáo
Linh mục Aleksandar Ninkovic ở nhà nguyện của Tòa Tổng Giám mục công giáo ở Belgrade. Tijanda Dindi
Cựu sĩ quan quân đội Nam Tư, người cộng sản trở lại này là một trong các linh mục công giáo người Xéc-bi duy nhất ở Belgrade, trong một nước tuyệt đại đa số theo chính thống giáo. Chân dung của một người ngoại hạng.
Vào thời Nam Tư cộng sản, Quân đội Nhân dân là trụ cột của đất nước và chúng tôi là con dân của họ. Cha tôi là kỹ sư hàng không với cấp bậc đại tá, mẹ tôi là y tá trong quân đội. Chúng tôi ở trong các căn hộ của quân đội ở Tân-Belgrade, một khu dân cư rộng lớn xây trên bờ sông Danube. Tất cả trẻ con thế hệ chúng tôi có thẻ đảng và ở trong phong trào Thanh niên Nam Tư. Với “lữ đoàn chúng tôi”, mùa hè chúng tôi làm việc ở nhiều công trường khác nhau, chẳng hạn như xây đường xá. Chúng tôi đi khắp nước, đó là tự do!
Tôi hết mình bảo vệ lãnh thổ, tôi ở trong các nhóm dân quân địa phương sẵn sàng đẩy lui kẻ xâm lược, đi theo học thuyết quân sự của Nam Tư dựa trên chiến tranh du kích nhân dân. Tôi nóng lòng được mặc đồng phục! Sau khi được nhận vào Học viện Quân sự ở Sarajevo, Bosnia-Herzegovina năm 1983, tôi được bổ nhiệm vào một căn cứ quân sự gần Mostar, với chức vụ trung úy, tôi là kỹ sư hàng không. Tôi phụ trách các chiếc trực thăng Gazelle do Pháp sản xuất. Nhưng, một cách không thể giải thích được, tôi nhận ra tôi không thích việc này. Tôi cảm thấy thiếu một cái gì. Sau vài năm, tôi ra khỏi quân đội và làm kỹ sư hàng không trong một công ty hàng không. Một thời gian ngắn sau, toàn bộ hệ thống sụp đổ. Mắt tôi mở ra với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Tôi nhận ra chúng tôi tất cả là nạn nhân của một vụ uy hiếp thiêng liêng hàng loạt. Lạm dụng thể xác đã là một bạo lực thuần túy đối với linh hồn. Nhưng việc lạm dụng thiêng liêng có thể xấu hơn, vì chúng ta tự mình tham gia vào đó. Chúng tôi thích chủ nghĩa cộng sản! Khi tôi được hiểu được điều này, đó là cả một giải phóng. Ngược lại, một số bạn của tôi tiếp tục đi theo lý tưởng cộng sản, dù sau khi chế độ đã sụp đổ. Tôi trả thẻ đảng trước khi đất nước rơi vào nội chiến. Tôi không ngạc nhiên khi Nam Tư nổ bùng vì cộng sản giấu giếm tất cả các bất bình của quốc gia. Chẳng hạn cấm nói đến vấn đề người Xéc-bi bị người phát-xít Crô-a-xi diệt chủng trong thời Thế chiến Thứ hai. Tuy nhiên, tôi đã không nghĩ nó sẽ đẫm máu. Tôi cám ơn Chúa vì đã khiến tôi rời khỏi quân đội trước đây!
Trong quân đội, tôi là người cộng sản, tôi là người bài tôn giáo. Tôi còn nhớ tôi đã chế giễu một người lính Bô-xni hồi giáo: “Làm thế nào mà bạn có thể xuẩn ngốc tin vào Chúa?” Sau này tôi biết ai là người xuẩn ngốc… Không có người vô thần tuyệt đối. Khi còn nhỏ, tôi tìm được một lá có bốn lá của cây cỏ ba lá, tôi quý báu cất kỹ. Khi gặp khó khăn, tôi đem nó ra và cầu nguyện mà không biết mình cầu nguyện! Cũng vậy, tôi đã nghĩ mình tiếp tục sống một cách nào đó sau cái chết. Một đêm nọ, khi tôi đang còn ở Học viện Quân sự, tôi thức dậy trong nỗi kinh hoàng: tôi mơ tôi chết và tôi đi lang thang một mình trong bớng tối, ngàn đời. Tôi không giải thích được sự hoảng loạn này. Bây giờ tôi biết, đó là kinh nghiệm của hỏa ngục. Hỏa ngục không phải là dầu sôi lửa cháy nhưng là cô đơn.
Tôi bắt đầu đi tìm Chúa. Một người bạn đưa tôi đến nhóm Hare Krishna, họ đã định cư ở Belgrade: họ bắt chước các tín hữu kitô họp nhau ngày chúa nhật và họ có ban nhạc rất hay! Tôi đã thử các câu thần chú… Nhưng khi nào cũng có một cái gì đó thiếu. Về phần gia đình tôi, anh tôi đã rửa tội, anh vào Giáo hội chính thống giáo Xéc-bi. Dưới ảnh hưởng của anh, tôi muốn tìm hiểu kitô giáo. Trở thành nhà khoa học máy tính, tôi đã cài đặt một trong các Hệ thống Bảng (Bulletin board system, BBS) trong vùng vịnh Balkan, một máy chủ trao đổi tin nhắn và các tập tin – đó là tiền thân của Internet. Tôi đã đọc ở đó Ẩn ngữ thiêng liêng (Énigme sacrée), một ngọn lửa chống kitô giáo xuất bản năm 1982 mà Da Vinci code chỉ là một bản sao mờ nhạt. Xa lạ với tôi, nhưng nó lại khơi lên tính hiếu kỳ của tôi. Tôi muốn đưa lên Hệ thống Bảng BBS các thông tin chính xác về kitô giáo để người dùng có thể có một quan điểm. Than ôi, không thể tìm ai trong Giáo hội chính thống giáo để viết cho tôi phần giáo lý. Ngược lại, người công giáo thì lại rất tích cực.
Vậy là cựu đảng viên cộng sản đến với đức tin qua Sách Thánh, linh mục Ninkovic nói đã “mê hoặc” ngài. Ngài trở thành thần học gia và điều hành một trường Kinh Thánh nhỏ ở Belgrade (Serbia). © Tijanda Dindi
Linh mục Marko là đan sĩ Dòng Phanxicô ở đan viện Zemun, vùng ngoại ô Belgrade. Cha giải thích cho tôi đức tin kitô giáo và tôi đăng các thông tin của cha trên máy tính. Cha không tìm cách thuyết phục tôi nhưng cho tôi xem thư viện của cha và nói: “Anh có thể lấy tất cả sách nào anh muốn!” Tôi rất thích tinh thần tự do trí tuệ này. Tôi vốn lười biếng, tôi đi lễ mỗi sáng chúa nhật, ngồi hàng giờ trên phương tiện giao thông, trời mưa cũng như trời tuyết. Cuối cùng tôi có một phòng ở đan viện. Khi tôi xin rửa tội, cha Marko ngạc nhiên: “Anh là người Xéc-bi, anh về với chính thống giáo!” Nhưng chính Giáo hội công giáo là nơi tôi muốn ở lại. Tôi nhanh chóng hợp tác và tham gia vào tạp chí giáo xứ. Ngày chúa nhật cha Marko cho tôi vào thư viện đọc để tôi viết các bài bình luận. Một ngày nọ, cha gởi các bài của tôi cho một giáo sư thần học người Crô-a-xi, trích dẫn chúng làm ví dụ. Tôi rất tự hào! Cùng lúc đó, mật vụ Xéc-bi triệu tôi đến và yêu cầu tôi cung cấp tin cho họ. Tôi trả lời: “Không thể được, tôi sắp làm linh mục!”
Khi tôi xin rửa tội, cha Marko ngạc nhiên: “Anh là người Xéc-bi, anh về với chính thống giáo!” Nhưng chính Giáo hội công giáo là nơi tôi muốn ở lại”
Sau khi rửa tội, tôi chỉ muốn là ẩn sĩ trong sa mạc. Dần dần cha Marko khuyên tôi nên làm linh mục. Nhưng không có chủng viện công giáo ở Xéc-bi, và tôi không thể đến Crô-a-xi vì chiến tranh giữa người Xéc-bi và người Crô-a-xi vừa mới chấm dứt. Tôi được gởi đến Szeged ở Hungaria. Ngôn ngữ rất khó để đồng hóa, tôi học tiếng Hy Lạp và Do Thái bằng tiếng Hungaria… Tôi bám vào. Sách Thánh làm tôi mê hoặc. Để chuyên môn hóa, tôi đến Học viện Kinh Thánh Giáo hoàng ở Rôma. Đây là một thử thách. Có quá nhiều linh mục ở Rôma… Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi gặp Viện trưởng, ông khẳng định: “Cha là người ưu tú!” Tôi như bị xúc phạm khi nghe câu này vì giáo dục cộng sản của tôi nói rằng tất cả đều bình đẳng. Đối với tôi, Giáo hội phải là người phục vụ, chứ không phải là người được phục vụ. Nhưng khi Chúa gọi bạn, Ngài ban cho bạn sức mạnh. Tất cả đã thay đổi khi tôi theo chương trình tiến sĩ ở Giáo hoàng Học viện Thánh Tôma Aquinô. Tôi ngạc nhiên vì sự đơn giản và tinh thần cởi mở ở đó. Viện Angelicum (Thiên thần) xứng đáng với tên gọi của mình: tôi ở trong số các thiên thần.
Từ năm 2005, tôi điều hành một trường Kinh Thánh nhỏ ở Belgrade. Tôi bắt đầu với một người, bây giờ tôi có từ 25 đến 40 sinh viên đủ mọi nơi đến. Tôi viết nhiều sách về Kinh Thánh, phân khoa thần học chính thống giáo đã dùng một sách của tôi cho các lớp học của họ. Tôi là linh mục ở nhà thờ Chúa Kitô Vua, một trong các giáo xứ công giáo xưa nhất ở Belgrade. Giờ rảnh tôi chơi pop-rock với cây đàn guitar điện và tôi vẽ trên gỗ các hình tượng!
Thật khó là người Xéc-bi và công giáo. Trong vùng vịnh Balkan, đức tin hòa với quốc gia. Người Crô-a-xi phải là người công giáo, người Xéc-bi phải là người chính thống giáo. Khi tôi ở Szeged, các linh mục Crô-a-xi cố đuổi tôi ra khỏi chủng viện, cho tôi là gián điệp. Ở Belgrade, tôi bị hăm dọa, họ tố cáo tôi phản bội quốc gia Xéc-bi. Thực tế ở Xéc-bi, nhiều linh mục công giáo giảng bằng tiếng Crô-a-xi hoặc tiếng Slovenia. Kết quả là chúng tôi luôn bị coi là người xa lạ. Để thay đổi hình ảnh công giáo, bạn phải suy nghĩ và nói tiếng Xéc-bi. Dù gì chăng nữa, thì không có người Xéc-bi “tinh tuyền!” Mẹ tôi gốc Tiệp; người Sla-vơ tất cả đều pha trộn.
Thời Babel dạy chúng ta, chia rẽ là hình phạt nặng như thế nào. Là tín hữu kitô, chúng ta phải nhắm đến sự hiệp nhất.
Chúng tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp với sự ly khai của giáo phái phương Đông. Tôi biết trong nhiều thế kỷ chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ, chính thống giáo đã giúp người Xéc-bi giữ bản sắc của họ. Dù vậy trên bờ biển Dalmatia, ở Crô-a-xi hiện nay và ở Bô-xni có những người Xéc-bi công giáo. Thời Babel dạy chúng ta, chia rẽ là hình phạt nặng như thế nào. Là tín hữu kitô, chúng ta phải nhắm đến sự hiệp nhất. Hiện nay, Đức Giáo hoàng vẫn không thể đến Xéc-bi vì có các xu hướng khác nhau giữa những người phát-xít Crô-a-xi và Giáo hội công giáo. Thần học bị thao túng vì mục đích chính trị. Bất cứ ai lợi dụng các chia rẽ này sẽ bị xét xử nghiêm khắc vì tội ác chống Thần Khí. Vào ngày cuối cùng, người phụ nữ già đã giúp người nghèo sẽ không bị Chúa phán xét về các cuộc cãi vã chia rẽ này!
Linh mục Aleksandar Ninkovic dâng thánh lễ ở nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Belgrade. © Tijana Dindi
Linh mục Aleksandar Ninkovic
1963 Sinh tại Belgrade, Nam Tư.
1983 Vào Học viện Quân sự ở Sarajevo.
1988 Rời Quân đội Nhân dân Nam Tư.
1991 Tan vỡ liên bang Nam Tư.
1994 Rửa tội trong Giáo hội công giáo.
1997 Học thần học ở Hungaria.
2008 Từ Rôma về hẳn Belgrade.
Kitô giáo ở Serbia
Từ thế kỷ 13, Giáo hội chính thống giáo độc lập Serbia là người canh giữ linh hồn người Xéc-bi. Bị chủ nghĩa cộng sản đàn áp, Nam Tư thật sự đã sống lại trong những năm 1990 và quy tụ hơn 80% dân số. Giáo hội chính thống giáo Xéc-bi đã trải qua các trào lưu đối thoại thuận lợi với các tín ngưỡng kitô giáo khác, trong đó có thượng phụ Irénée hiện nay, còn các giáo phái khác thì dè chừng hon. Giáo hội công giáo chỉ chiếm 5% dân số là người thiểu số Hungaria, Crô-a-xi và Slovenia ở Belgrade và ở Voïvodine, vùng bắc Xéc-bi. Còn tin lành chỉ chiếm 1% trong thiểu số người Slovaquia và Hungaria và xem thường các chia rẽ sắc tộc.
Marta An Nguyễn dịch