12Tháng Sáu
2020
2020
New Zealand hết dịch Covid-19, không còn giới hạn số giáo dân tham dự Thánh lễ
New Zealand hết dịch Covid-19, không còn giới hạn số giáo dân tham dự Thánh lễ
Ngày 08/06 vừa qua, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, đã tuyên bố nước này hết dịch Covid-19 vì trong 15 ngày không có trường hợp nhiễm virus nào được ghi nhận tại nước này. Giáo hội tại đây có thể cử hành các Thánh lễ không giới hạn số giáo dân tham dự.
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Wellington, Thủ tướng Ardern thú nhận bà đã nhảy lên vì vui mừng khi nhận được tin New Zealand đã hoàn toàn hết dịch Covid-19. Bà cũng bày tỏ sự cảm kích đối với người New Zealand, đã thể hiện sự đoàn kết theo cách chưa từng thấy để chống lại virus.
Các giới chức y tế New Zealand đã tuyên bố nước này “Covid free” – hết Covid, và bà Thủ tướng bỏ hết các lệnh cấm được áp dụng để ngăn ngừa lây lan virus. New Zealand chỉ còn kiểm tra biên giới để tránh các người lây nhiễm từ nước ngoài vào nước này.
Giai đoạn 3
Như thế New Zealand bước vào giai đoạn 3 chống Covid-19 và theo trang web của Hội đồng giám mục, dự kiến sẽ không giới hạn số giáo dân tham dự các Thánh lễ. Trước đó, trong thư gửi cộng đoàn Dân Chúa đề ngày 26/05, hướng dẫn của các giám mục nói rằng con số tối đa các tín hữu có thể tham dự Thánh lễ tại các nhà thờ lớn là 100 người.
Niên giám Giáo hội Công giáo New Zealand năm 2020
Các Giám mục New Zealand cũng vui mừng với việc trở lại đời sống bình thường. Các ngài cũng thông báo về Niên giám năm 2020 của Giáo hội Công giáo New Zealand sắp xuất bản, sẽ được gửi trong tuần này cùng với báo New Zealand Post. Các giám mục xin lỗi về việc chậm trễ gửi niên giám do đại dịch Covid-19. Mọi người sẽ nhận được niên giám chậm nhất là cuối tháng. Bắt đầu từ năm nay, và có lẽ do kinh nghiệm từ tình trạng phong tỏa vừa qua, sẽ có thể đăng ký niên giám dưới dạng “điện tử” và tải xuống trực tiếp từ trang web. (CSR_4460_2020)
Hồng Thủy – Vatican News
12Tháng Sáu
2020
2020
Chủ tịch HĐGM Zambia: Cần hành động trước những vụ tấn công bằng khí độc
Chủ tịch HĐGM Zambia: Cần hành động trước những vụ tấn công bằng khí độc
Chúng tôi không thể chờ đợi trong thinh lặng thêm được nữa để có được những giải thích và hành động thích hợp. Nếu chúng ta muốn tránh điều tồi tệ tiếp tục xảy ra do các vụ tấn công bằng khí độc, bây giờ chúng ta phải hành động.
Đức cha George Cosmas Lungu, Giám mục Chipita và Chủ tịch HĐGM Zambia đã tuyên bố như trên trong một thông báo gửi đến Hãng tin Fides.
Vào đầu năm, một loạt các vụ tấn công khó hiểu bằng một loại khí, không thể xác định đó là loại khí gì, đã làm cho 50 người chết. Cảnh sát đã ghi nhận có ít nhất 50 người chết trong 668 trường hợp bị tấn công và bạo loạn, hơn 566 người bị bắt và tổng số người bị ảnh hưởng bởi khí độc là gần 2000 người.
Đức cha Lungu nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công gây hoảng loạn ở Zambia đã dừng lại, nhưng điều này không đảm bảo nó sẽ không xảy ra một lần nữa. Cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về những gì đã xảy ra”.
Đức Cha cho biết các vụ tấn công bắt đầu như một trường hợp riêng lẻ ở Copperbelt, sau đó lan rộng như một đám cháy đến các phần còn lại của đất nước, gieo rắc nỗi sợ hãi, vô chính phủ và sự ngờ vực”.
Nỗi sợ hãi đã tạo ra bạo lực, dẫn đến cái chết của những người vô tội. Chủ tịch HĐGM đặt câu hỏi: “Cho đến nay, ai đã từng chào người dân Zambia như những ‘người yêu chuộng hòa bình’ có thể giải thích tại sao đột nhiên chúng tôi đã trở thành một đám đông những kẻ giết những linh hồn vô tội, trong đó có cả người già? Tại sao điều này lại thay đổi bất ngờ như vậy?”.
Theo Đức cha Lungu, khủng bố đã muốn ném đất nước vào cuộc hỗn loạn. “Tại sao các đồn cảnh sát trở thành mục tiêu buộc chính phủ phải triển khai quân đội? Tại sao nỗi sợ hãi lại được phép lan rộng nhanh khắp đất nước?”
Đức cha kết luận: “Đây là những câu hỏi trung thực đang cần những câu trả lời cũng phải trung thực, điều mà cho đến nay chưa được thực hiện”. (Fides 8/6/2020)
Ngọc Yến – Vatican News
12Tháng Sáu
2020
2020
Giám mục “hầm trú” thứ ba được Trung Quốc nhìn nhận
Giám mục “hầm trú” thứ ba được Trung Quốc nhìn nhận
Đức cha Phêrô Lâm Giai Thiện đã chính thức được đặt làm người đứng đầu giáo phận Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Từ năm 1997, Đức cha Lâm đã từ chối đăng ký với chính phủ và do đó không được chính quyền Trung Quốc công nhận.
Đức cha Giuse Thái Bỉnh Thụy của Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến đã chủ sự nghi lễ với sự tham dự của khoảng 40 linh mục và 80 tín hữu Công giáo của giáo phận Phúc Châu.
Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phúc Kiến cho biết, sau buổi lễ, Đức cha Thái đã thay mặt cho Hiệp hội Yêu nước Công giáo và ủy ban quản lý giáo dục Công giáo Trung Quốc của tỉnh chúc mừng Đức cha Lâm. Cha Vương Ngọc Lương, một giáo chức của Hội đồng giám mục được nhà nước phê duyệt ở Trung Quốc, đã đọc thư chấp thuận từ Hội đồng giám mục.
Đức cha Lâm đã cam kết vâng lời Thiên Chúa, chu toàn các nhiệm vụ mục vụ của một giám mục và loan báo Tin Mừng để lãnh đạo giáo phận Phúc Châu. Ngài cũng tuyên bố sẽ là một thành viên tích cực của Giáo hội Công giáo Trung Quốc.
Tuyên bố của giám mục cũng nói rằng các linh mục và người Công giáo nên tuân thủ hiến pháp của đất nước, giữ vững sự thống nhất quốc gia và hòa hợp xã hội và yêu mến đất nước và Giáo hội.
Trước đây, sau thỏa thuận tạm thời được ký kết giữa Vatican và Trung Quốc vào tháng 09/2018, Trung Quốc đã nhìn nhận 2 giám mục được Vatican bổ nhiệm mà không được nước này nhìn nhận. Đức cha Trang Kiến Kiên của Sán Đầu được nhà nước nhìn nhận vào tháng 01/2019 và ngài đã từ chức ngay sau đó. 8 ngày sau, Trung Quốc cũng nhìn nhận Đức cha Cận Lộc Cương của Nam Dương. (Ucanews 10/06/2020)
Hôm 09/06, nghi lễ nhận giáo phận của một giám mục Trung Quốc “hầm trú” 83 tuổi đã được cử hành. Đây là vị giám mục thứ ba của Giáo hội hầm trú được chế độ cộng sản Trung Quốc công nhận kể từ khi Vatican và Trung Quốc ký một thỏa thuận vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục.
Hồng Thủy – Vatican News
12Tháng Sáu
2020
2020
Caritas Macao hỗ trợ người lao động
Caritas Macao hỗ trợ người lao động
Hơn 1300 người lao động thời vụ đã bị mất việc, và từ khi bắt đầu đại dịch họ không có một khoản thu nhập kinh tế nào. Vì thế, số tiền dành dụm được nhờ tiết kiệm giờ đây cũng không còn nữa.
Ông Paul Pu,Tổng Thư ký Caritas Macao đã cho biết như trên và nói thêm: “Những người này sống được là nhờ sự phân phối thực phẩm của chúng tôi, và trong một số trường hợp nghiêm trọng chúng tôi phải hỗ trợ tài chính. Phần lớn họ là những người Philippines và Indonesia, không có khả năng trở về nhà do những hạn chế của đại dịch. Chúng tôi không đủ nguồn lực để giúp đỡ họ, nhưng nếu chúng tôi không dấn thân thì chẳng có ai làm”.
Mỗi ngày, Caritas Macao giúp cho hơn 3000 người. Những ảnh hưởng của Covid-19 đã thấy rõ, đặc biệt nơi những người nghèo, người dễ bị tổn thương, ngay cả khi sự lây lan của virus đã được ngăn chặn.
Vào 05/02, chính quyền Macao đã ra lệnh đóng cửa tất cả các hoạt động, từ sòng bạc đến các công viên công cộng trong hai tuần; đồng thời, ngưng 90% các chuyến bay quốc tế. Với những biện pháp này, những người nước ngoài lao động thời vụ bị mất việc làm và cũng không thể trở về quê hương. Họ phải vất vả tiết kiệm trong những chi tiêu tối thiểu nhưng cũng không thể tự mình giải quyết được mọi sự. Nhờ có Caritas trợ giúp họ mới có thể trụ nỗi qua thời điểm đại dịch. Trong hơn 50 ngày, không nghi nhận thêm trường hợp nhiễm virus nào, hiện nay chính phủ đã cho phép khởi động lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chỉ là một Giáo hội nhỏ gần Trung Quốc, nhưng Giáo hội Macao có những hoạt động rất sống động và là điểm xuất phát cho công cuộc truyền giáo ở khu vực. Một trong những sự kiện nổi bật gần đây là vào 7/2019, Bộ Truyền giáo đã chính thức thành lập tại Macao học viện “Redemptoris Mater- Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, và ủy thác việc điều hành cho “Con đường Tân Dự Tòng”, với mục đích loan báo Tin Mừng tại Á châu. Đức Hồng y Fernando Filoni, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc cho biết: lý do thành lập học viện là để đáp ứng lời mời gọi Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra vào đầu ngàn năm mới khi nói rằng châu Á là cánh đồng truyền giáo mênh mông. Đây là một đại lục rất phức tạp, chiếc nôi của các tôn giáo lớn và các nền văn hóa sâu đậm. Vì thế công việc rao truyền Tin Mừng tại Á châu cũng cần có các sắc thái riêng, như việc hiểu biết sâu xa các bối cảnh xã hội và ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy cần có thêm nhiều trung tâm đào tạo truyền giáo tại các đại lục khác nhau. Đó là lý do thành lập học viện Mẹ Chúa Cứu Thế tại Macao để đào tạo các linh mục cho vùng Á châu.
Cũng trong tinh thần loan báo Tin Mừng, vào tháng 11/2019, các vị truyền giáo Dòng Thừa sai thánh Claret ở Macao đã in 200 triệu bản Kinh thánh bằng tiếng Trung. Đây là một dự án và cũng là giấc mơ được ấp ủ từ lâu của các vị thừa sai thánh Claret. Phù hợp với mục tiêu này, các bản Kinh thánh do nhà xuất bản thánh Claret thực hiện được bán với giá khá thấp. Nhà xuất bản này không phải là một doanh nghiệp với mục đích lợi nhuận, mà là một hoạt động mục vụ và truyền giáo trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông, và do đó, mục tiêu chỉ là sự bền vững kinh tế của tổ chức. (Tổng hợp)
Ngọc Yến – Vatican News