2020
Cầu nguyện là cuộc chiến đức tin và chiến thắng dành cho người kiên trì
Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ĐTC Phanxicô tại thư viện tông tòa Vatican, sáng thứ tư 10/06/2020
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng
2020
Hai hiệu quả của việc tham dự Thánh Thể
Anh chị em thân mến
Hôm nay ở Ý và các quốc gia khác mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Chúa Kitô. Trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay, thánh Phaolô đánh thức niềm tin của chúng ta nơi mầu nhiệm hiệp thông (x. 1Cor 10, 16-17). Ngài nhấn mạnh đến hai hiệu quả của chén được chia sẻ và bánh được bẻ ra: hiệu quả thuộc mầu nhiệm và hiệu quả thuộc về cộng đoàn.
Ngay từ đầu, Tông đồ Phaolô đã khẳng định: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư?” (c. 16). Những lời này diễn tả hiệu quả thuộc mầu nhiệm hoặc chúng ta có thể nói đó là hiệu quả thiêng liêng của Bí tích Thánh Thể: nó liên quan đến sự kết hiệp với Chúa Kitô, qua hình bánh và rượu Ngài tự hiến để cứu rỗi tất cả mọi người. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể để trở nên lương thực cho chúng ta, để được đồng hóa và trở nên người phục hồi sức mạnh trong chúng ta, phục hồi năng lượng và mong muốn bắt đầu trở lại sau mỗi lần ngừng nghỉ hoặc sa ngã. Nhưng điều này đòi hỏi sự đồng ý của chúng ta và sự sẵn lòng để cho cho mình được biến đổi, biến đổi cách suy nghĩ và hành động; nếu không các cử hành Thánh Thể mà chúng ta tham dự bị giảm xuống thành các nghi thức trống rỗng và hình thức. Nhiều lần chúng ta đi tham dự thánh lễ vì phải đi, nó như một hành động xã hội, có vẻ tôn kính, nhưng mang tính xã hội. Nhưng mầu nhiệm nằm ở chỗ khác: đó là Chúa Giêsu hiện diện, Ngài đến để nuôi dưỡng chúng ta.
Hiệu quả thứ hai là tính cộng đoàn và điều đó được thánh Phaolô diễn tả bằng những lời sau: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (c 17). Đó là sự hiệp thông lẫn nhau giữa những người tham dự Thánh Thể, đến mức họ trở nên một thân thể, như tấm bánh được bẻ ra và phân phát. Chúng ta là cộng đoàn, được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiệp thông với thân mình Chúa Kitô là dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp nhất, hiệp thông và chia sẻ. Chúng ta không thể tham dự Thánh Thể mà không dấn thân trong tình huynh đệ chân thành, hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa biết rất rõ rằng chỉ bằng sức mạnh của con người thì không đủ cho việc này. Thật vậy Ngài biết rằng giữa các môn đệ luôn có sự cám dỗ về ganh đua, đố kỵ, thành kiến, chia rẽ… tất cả chúng ta đều biết điều này. Chính vì thế Chúa đã để lại cho chúng ta Bí tích của sự Hiện diện thực sự, cụ thể và vĩnh viễn, để khi được kết hiệp với Ngài chúng ta có thể nhận được món quà của tình yêu thương huynh đệ. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Điều này có thể thực hiện được nhờ bí tích Thánh Thể. Hãy ở lại trong tình bạn, trong tình yêu.
Hiệu quả hai mặt của Bí tích Thánh Thể: trước hết là sự kết hiệp với Chúa Kitô và sau là sự hiệp thông giữa tất cả những người được Ngài nuôi dưỡng, liên tục sinh ra và đổi mới cộng đoàn Kitô giáo. Giáo hội làm nên Bí tích Thánh Thể, nhưng cách sâu xa hơn đó là Bí tích Thánh Thể làm nên Giáo hội, và cho phép nó trở thành sứ mạng của mình, ngay cả trước khi hoàn thành nó. Đây là mầu nhiệm của sự hiệp thông Bí tích Thánh Thể: tiếp nhận Chúa Giêsu để Ngài biến đổi chúng ta từ bên trong và tiếp nhận Chúa Giêsu để làm cho chúng ta kết hiệp với nhau chứ không chia rẽ.
Xin Đức Trinh nữ rất thánh giúp chúng ta để chúng ta luôn đón nhận Chúa với sự kinh ngạc và biết ơn vì món quà lớn lao mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho chúng ta là để lại cho chúng ta Bí tích Mình và Máu Người.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2020
ĐTC Phanxicô chào thăm tín hữu hành hương đền thánh Đức Mẹ Loreto lần thứ 42
ĐTC Phanxicô chào thăm tín hữu hành hương đền thánh Đức Mẹ Loreto lần thứ 42
Năm nay là năm thứ 8 liên tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô đã điện thoại chào thăm các tín hữu tham gia cuộc hành hương đền thánh Đức Mẹ Loreto. Ngài khuyến khích các tín hữu hãy hy vọng và can đảm trước những khó khăn trong đại dịch và cả giai đoạn sau đại dịch.
Cuộc hành hương năm nay là lần thứ 42, được tổ chức ngày thứ Bảy 13/06, nhưng do đại dịch Covid-19, cuộc hành hương được thay bằng cuộc hành hương “ảo”, bằng một buổi cầu nguyện tại đền thánh và được truyền chiếu trên tivi và internet. Đức Thánh Cha nói đây là lần đầu tiên ngài thấy một cuộc hành hương “ảo”.
Xin Đức Mẹ ban niềm hy vọng và ơn can đảm
Ngỏ lời với Đức cha Fabio Dal Cin, tổng giám mục Loreto, với Đức cha Giancarlo Vecerrica, giám mục hưu trí của Fabriano-Matelica và tất cả các tín hữu hiện diện qua mạng internet và tivi, Đức Thánh Cha nói: “Đức Mẹ Loreto, Đức Mẹ của hy vọng, Đức Mẹ giúp chúng ta nhìn xa hơn, trong những thời điểm vô vùng khó khăn này chúng ta cần nhìn xa hơn với niềm hy vọng.”
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với các tín hữu và khuyến khích: “Anh chị em hãy can đảm! Thời gian sắp đến, sau đại dịch này, sẽ không dễ dàng, nhưng với lòng can đảm, đức tin, hy vọng chúng ta sẽ có thể tiếp tục tiến bước. Hãy can đảm! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ ban ơn can đảm này. Tôi cầu nguyện cùng với anh chị em.”
Các tín hữu hành hương của Đức Mẹ
Đức Thánh Cha cảm ơn khoảng 20 bạn trẻ hiện diện tại đền thánh, đại diện cho tín hữu hành hương khắp thế giới. Ngài nói: “Cảm ơn các con và tất cả những người cộng tác trong cuộc hành hương ảo này. Xin Chúa ban phước lành cho các con, xin Đức Mẹ gìn giữ các con. Cha chúc lành cho các con và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.”
Kết thúc cuộc điện thoại, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em là các tín hữu hành hương của Đức Mẹ.”
Nhà Đức Mẹ ở Loreto
Theo lưu truyền, Nhà Đức Mẹ ở Nazareth được đưa từ Palestine về Loreto năm 1294. Địa điểm này cách Roma khoảng 300 cây số về hướng đông bắc, bên bờ biển Adriatique. Một ẩn sĩ là thầy Paolo della Selva được thấy nhà này trong thị kiến và báo cho giáo quyền. Từ đó dân chúng tuốn đến hành hương tại đây. Đền thánh huy hoàng được Đức Giáo Hoàng Phaolô II cho khởi công xây cất từ năm 1468. Qua dòng lịch sử, hơn 50 vị Giáo Hoàng đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, cùng với các tầng lớp tín hữu. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hành hương tại Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất này của Ý hồi tháng 03/2019. (CSR_4603_2020).
Hồng Thủy
2020
Tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc
Mặc dù trong gần 2 năm qua, từ sau khi ký kết hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám Mục, chỉ có một vài bổ nhiệm GM mới được thực hiện và nhiều ”trục trặc” từ phía Nhà Nước Trung quốc, nhưng có thể Tòa Thánh sẽ gia hạn Hiệp định này.
Trung Quốc giữa cơn lốc thế giới
Từ nhiều tháng nay, những tin tức về Trung Quốc thường xuất hiện hầu như hằng ngày trên các cơ quan truyền thông thế giới, nhất là từ hạ tuần tháng giêng năm nay với sự bộc phát dịch virus Vũ Hán, hay cũng gọi virus Trung Quốc, và ngày càng bành trướng gây đại họa cho toàn thế giới. Rồi đến cuộc đụng độ lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành luật an ninh tại Hong Kong, tiếp đến sự chống đối của các nước Đông Nam Á đối với chính sách bá quyền của Trung Quốc tại vùng Á châu Thái Bình Dương, đặc biệt ngày 3-6-2020, Philippines đã ngưng tiến trình hủy bỏ hiệp định quân sự 20 năm với Mỹ. Cùng với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan, chính phủ Philippines chống lại yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tân Tổng Giám Mục giáo phận Phúc Châu
Trong bối cảnh đó, có tin hôm 9-6-2020: sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Đức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan), 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ TGM giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến Fujian) sau khi được nhà nước Trung Quốc công nhận.
Lễ nghi nhậm chức tại nhà thờ Phiếm Thuyền Phổ (Fanchuanpu), cũng gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Đức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui), GM giáo phận Hạ Môn (Xiamen), cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục, theo tin của hãng Asia News.
Tổng giáo phận Phúc Châu được coi là giáo phận đông tín hữu Công Giáo và giầu nhất tại Trung Quốc, với khoảng 300 ngàn giáo dân, 120 LM và hơn 500 nữ tu, nhưng giáo phận này từ nhiều năm nay ở trong tình trạng phân rẽ giữa cộng đoàn hầm trú và cộng đoàn chính thức.
Thân thế Đức Cha Lâm Gia Thiện
Đức Cha Lâm Gia Thiện năm nay 86 tuổi, theo hãng tin Asia News (hoặc 83 tuổi theo hãng Ucan News), được Tòa Thánh bổ nhiệm năm 2016 trước hiệp định và thuộc cộng đoàn Giáo Hội hầm trú. Trong thập niên 1980, ngài đã bị nhà nước Trung Quốc kết án 10 năm lao động khổ sai. Theo một số tín hữu, từ đầu những năm 2000, ngài muốn được chính thức hóa tình trạng của mình với chính phủ, nhưng bị đa số các linh mục khuyên can. Cách đây 4 năm, Đức Cha Lâm Gia Thiện được Tòa Thánh bổ làm GM giáo phận Phúc Châu và nay mới được chính phủ Bắc kinh nhìn nhận.
2 GM được thụ phong chính thức
Từ sau khi ký hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hồi tháng 9-2018, cho đến nay mới có 2 GM được chọn tại Hoa Lục và ĐTC Phanxicô chính thứ bổ nhiệm.
Vị thứ nhất là Đức Cha Antôn Diệu Thuận (Yao Shun), 54 tuổi, tân GM giáo phận Tể Ninh (Jining) tỉnh Nội Mông, chịu chức ngày 26-8 năm 2019.
Vị thứ hai là Đức Cha Stephanô Tư Hồng Vĩ (Xu Hongwei) 44 tuổi, tân GM Phó giáo phận Hán Trung (Hanzhong) tỉnh Thiểm Tây, được thụ phong ngày 28-8 năm ngoái (2019). Vị Chủ phong là Đức Cha Mã Anh Lâm (Ma Yinglin), GM giáo phận Côn Minh (Kunming) tỉnh Vân Nam (Yunnan) chủ tịch Hội đồng GM Trung Quốc. Đức Cha Mã là 1 trong 7 GM đã được ĐTC tha vạ tuyệt thông ngày 22-9 năm 2018, cùng ngày hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết.
Từ sau khi ban hành ”Các qui luật mới về các hoạt động tôn giáo”, Nhà Nước Trung Quốc đòi các giáo sĩ phải gắn bó với ”Giáo Hội độc lập”, yêu tổ quốc và tùng phục chính sách của đảng cộng sản. Sau khi Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc được ký kết, áp lực này trên các LM càng gia tăng (Asia News 9-6-2020).
Kết quả ít ỏi
Không có tin chính thức của Tòa Thánh về việc Đức Cha Lâm Gia Thiện nhận chức tại Nhà Thờ ở Phúc Châu hôm 9-6-2020.
Trong hai năm trời mà chỉ có 2 GM được chính thức bổ nhiệm và thụ phong tại Trung Quốc, không kể một vài vị được âm thầm hợp thức hóa, hoặc công nhận. và hiện nay vẫn còn hơn 40 giáo phận tại nước này không có Giám Mục. Ngoài ra, trong thời gian qua, mặc dù đã ký hiệp định với Tòa Thánh, nhưng nhiều nơi ở Trung Quốc có những vụ phá đổ thánh đường và thánh giá Công Giáo. Nhiều người tự hỏi: trong những tình cảnh như thế, Hiệp định tạm thời mà Tòa Thánh ký kết với Nhà Nước Trung Quốc sẽ ra sao, có tiếp tục hay không?
Cuộc phỏng vấn Đức TGM Celli
Trong bối cảnh này, người ta đặc biệt chú ý đến cuộc phỏng vấn Đức TGM Claudio Maria Celli dành cho đài truyền hình TGCOM24 ở Italia hôm 7-6 vừa qua, qua đó Đức TGM cho biết hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm GM có thể sẽ được gia hạn 1 hay 2 năm.
Đức TGM Celli năm nay 79 tuổi (1941), nguyên là thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh rồi làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội từ năm 2007 cho đến khi về hưu năm 2016. Ngài là trưởng ban thương thuyết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về hiệp định vừa nói, đưa tới quyết định của ĐTC tha vạ tuyệt thông cho 8 GM Trung Quốc bất hợp pháp, trong số này 1 vị qua đời trước khi công bố việc giải vạ của Tòa Thánh. Theo hiệp định đó, quyết định chung kết trong việc bổ nhiệm GM tại Trung Quốc thuộc quyền ĐTC, nhưng việc chọn lựa và cử ứng viên có thể là do địa phương. Như đã nói trên, trong hai năm qua, Tòa Thánh đã bổ nhiệm 2 GM tại Trung Quốc theo thể thức này. Hai vị đó đã được các đại biểu LM, nữ tu và giáo dân bầu lên. Rồi Tòa Thánh cứu xét và ĐTC bổ nhiệm chung kết.
Hiệp định tạm thời
Văn bản Hiệp định tạm thời trên đây giữa Tòa Thánh và Trung Quốc chưa hề được công bố và có nhiều người, đặc biệt là ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, nguyên GM Hong Kong, lên tiếng phê bình, vì Nhà Nước Bắc Kinh tiếp tục chèn ép Giáo Hội Công Giáo trong chủ trương xen mình vào nội bộ của mọi tôn giáo và ép buộc các GM và LM Công Giáo phải ký tên gia nhập hội Công Giáo yêu nước do Nhà Nước điều khiển.
Hiệp định có thể được gia hạn
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TGCOM24 ở Italia hôm 7-6-2020 vừa qua, Đức TGM Claudio Maria Celli nhìn nhận có những khó khăn, những đoạn ”gồ ghề trên đường đi”, nhưng Tòa Thánh tiếp tục hành trình và muốn đạt tới một tình trạng bình thường trong đó Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có thể hoàn toàn biểu lộ lòng trung thành với Tin Mừng và đồng thời là Trung Hoa”.
Theo Đức TGM Celli, tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc có đặc tính ”tôn trọng, rõ ràng, đồng trách nhiệm và nhìn xa trông rộng”. Ngài nói: ”Chúng tôi có gắng nhìn về tương lai, và chúng tôi cố gắng mang lại cho tương lai những hoạt động của chúng tôi một căn bản sâu xa và tôn trọng, và tôi có thể nói chúng tôi đang làm việc theo chiều hướng đó… Hành trình tiến bước với Trung Quốc đã được đề ra trong thư của ĐTC Phanxicô gửi các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc ít lâu sau khi Hiệp định tạm thời được ký kết hồi năm 2018”.
Và Đức TGM Celli kết luận rằng: ”Hiệp định tạm thời sẽ hết hạn vào tháng 9 tới đây (2020) và chúng tôi phải tìm ra một công thức, chúng tôi phải xem điều gì cần làm. Tòa Thánh chưa quyết định về vấn đề này, một quyết định sẽ được thông báo cho chính quyền Trung Quốc sau đó”.
Trần Đức Anh OP