2020
ĐTC cám ơn các nữ đan sĩ ở Cascia vì những hoa hồng Thánh Rita
ĐTC cám ơn các nữ đan sĩ ở Cascia vì những hoa hồng Thánh Rita
Theo thông tin từ nữ đan viện Thánh Rita ở Cascia, Đức Thánh Cha đã gửi thư cám ơn các nữ đan sĩ Augustinô vì 5 hoa hồng ngài đã nhận được từ Đan viện. Năm hoa này là trong số rất nhiều hoa đã được làm phép trong ngày 22/5 vừa qua, ngày lễ Thánh Rita, đấng che chở các Kitô hữu ở các châu lục.
Cộng đoàn đã nhận được thư cám ơn của Đức Thánh Cha hôm thứ Tư 10/6 vừa qua. Trong thư, Đức Thánh Cha cho biết ngài đã đặt các hoa hồng dưới chân Đức Mẹ để xin Mẹ và Thánh Rita chuyển cầu cho những điều xem ra không thể. Thánh Rita thường được gọi là “Vị Thánh Bất Khả” vì theo truyền thống, các tín hữu cho rằng bất cứ điều gì Thánh nữ cầu bầu đều được Chúa nhận lời.
Chúa Giêsu niềm hy vọng duy nhất trong thử thách
Trong thư, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong thời điểm đại dịch, Chúa Giêsu là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta và trong Chúa Giêsu phục sinh, Chúa Cha thực hiện tất cả lời hứa và trao ban cho chúng ta bằng chứng cao cả về lòng trung tín của Ngài. Do đó, chúng ta không phải cam chịu đau khổ, cũng không phải chết, nhưng chúng ta tiếp tục tiến bước để xây dựng tương lai mà Chúa muốn thực hiện cho tất cả con cái Ngài”.
Cascia “ốc đảo bình an”
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Như một dấu hiệu của sự gần gũi và lòng biết ơn vì những lời cầu nguyện của chị em dành cho tôi, nâng đỡ sứ vụ tôi đang đảm nhận, tôi chúc lành cho toàn thể cộng đoàn đan viện, và các trẻ em thuộc các gia đình khó khăn đang được các chị em chăm sóc”.
Cuối thư, Đức Thánh Cha hy vọng các tín hữu hành hương sẽ sớm có thể trở lại nơi mà Đức Thánh Cha gọi là “ốc đảo bình an”, để những người đang gặp những sầu khổ có thể bắt đầu lại hành trình mới hướng đến chân lý giải thoát.
Các nữ đan sĩ Cascia đã đón nhận lá thư với niềm vui lớn. Sơ Natalina Todeschini, đại diện đan viện bày tỏ: “Những lời của Đức Thánh Cha biểu lộ sự gần gũi của ngài với chúng tôi. Chúng tôi không tưởng tượng được rằng sáng kiến những hoa hồng được làm phép ở Cascia trong ngày lễ Thánh Rita có thể được Đức Thánh Cha coi trọng như vậy”.
Hoa hồng được được gửi đến Đức Thánh cha và khắp nước Ý
Năm nay, do đại dịch, lễ Thánh Rita đã được tổ chức trong việc tuân thủ các quy định của chính phủ. Vì vậy, vào ngày 22/5, thành phố Cascia không thể đón tiếp hàng ngàn tín hữu đến hành hương như mọi năm. Để góp phần an ủi lòng khát khao của các tín hữu, đan viện đã có sáng kiến gửi hoa hồng đã được làm phép trong ngày lễ của Thánh Rita cho mọi người. Ngoài Đức Thánh Cha, các nữ đan sĩ còn gửi hoa hồng đến các vị đứng đầu các thành phố, Chủ tịch HĐGM Ý, Tổng thống và các vị lãnh đạo khác.
Ngọc Yến
2020
Giáo hội Ba Lan cử hành Thánh lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Gioan Phaolô II
Vào các ngày 14 và 15/06 vừa qua, các giám mục Ba Lan đã cử hành Thánh lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại đền thánh ở Crakow, tại Wadovice quê nhà của ngài và tại Kalwaria Zebrzydowska.
Vào Chúa Nhật 14/06, các giám mục Ba Lan đã cử Thánh lễ trọng tại đền thánh Gioan Phaolô II tại Cracow. Đền thánh được xây dựng tại địa điểm của các mỏ đá nơi chàng thanh niên Karol Wojtyła, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã làm việc trong chiến tranh như là một người lao động chân tay.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, nguyên tổng giám mục Cracow và cũng là thư ký riêng lâu năm của thánh Gioan Phaolô II, nói rằng “thánh Gioan Phaolô II, giám mục của Roma, là một dấu hiệu tốt đẹp và mạnh mẽ của sứ mạng mục vụ trong Giáo hội”.
Sau Thánh lễ, các giám mục Ba Lan cùng với Đức tổng giám mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa thánh tại Ba Lan, đã đến dự một buổi hòa nhạc trình diễn các tác phẩm của Mozart, Bach, Händel và Pergolesi.
Dâng Giáo hội Ba Lan cho Đức Mẹ tại đền thánh Kalwaria Zebrydowska
Vào thứ Hai 15/6, các giám mục Ba Lan đã phó thác Giáo hội Ba Lan cho Đức Mẹ tại đền thánh của các linh mục dòng Bernadin ở Kalwaria Zebrydowska, nơi thánh Gioan Phaolô đã nhiều lần hành hương kính viếng trong cuộc đời ngài. Chính tại nơi này, cha của thánh nhân lần đầu tiên bế ngài sau khi mẹ của ngài qua đời và từ đó đền thánh này trở thành nơi Karol Wojtyla thường xuyên kính viếng khi là giám mục, Hồng y và Giáo hoàng.
Thánh Gioan Phaolô II là quà tặng Thiên Chúa ban
Sau đó các giám mục Ba Lan đã cử hành Thánh lễ tại đền thánh Đức Trinh Nữ Maria dâng mình tại Wadowice, nơi bé Karol Wojtyła được rửa tội vào ngày 20/06/1920. Thánh lễ do Đức tổng giám mục Stanisław Gądecki, giám mục Poznan và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan chủ tế. Trong bài giảng, ngài nói rằng “thánh Gioan Phaolô II là một món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho Ba Lan, châu Âu, thế giới và Giáo hội”, và thánh nhân là một “lương tâm đối với thế giới”. Đức cha Gadecki nhấn mạnh rằng thánh Gioan Phaolô II đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và con người.
Thánh Gioan Phaolô II đã dạy cách sống và đã sống
Đức cha Gadecki nhận định: “Vì đằng sau tất cả những lời nói và hành động của thánh Giáo hoàng là sự thánh thiện cá nhân của ngài. Ngài đã dạy cách sống và đã sống, như ngài đã dạy. Ngài không chỉ nói về cầu nguyện, mà còn thực sự cầu nguyện. Ngài không chỉ kêu gọi yêu thương mọi người, mà ngài còn yêu tất cả mọi người, và điều này có thể được nhìn thấy qua từng lời nói và cử chỉ của ngài. Ngài đã không lặp lại một cách máy móc những lời của Chúa Kitô về sự tha thứ, nhưng ngài đã tha thứ cho người đã muốn tước đoạt sự sống của mình.” (Zenit 15/06/2020)
Hồng Thủy
2020
Shahbaz, “Đại bàng xứ Pakistan”, nhà chính trị – truyền giáo
Shahbaz, “Đại bàng xứ Pakistan”, nhà chính trị – truyền giáo
Sáu mươi hai phát súng đã được bắn ra. Những tiếng nổ liên hồi rền vang và chỉ trong vài giây ngắn ngủi và kinh hoàng, cơ thể Shahbaz Bhatti đã ngã gục xuống đường. Đó là vào ngày 2 tháng 3 năm 2011, tại Islamabad, Pakistan, một chỉ huy của những kẻ khủng bố đã tấn công chiếc xe đang chở Shahbaz Bhatti, lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Kitô giáo, một con người của hòa bình và đức tin luôn mong muốn thay đổi tận căn đất nước của mình và nền hòa bình cơ bản của thế giới.
Tên anh, Shahbaz có nghĩa là đại bàng. Và giống như một con đại bàng anh ấy luôn bay cao, anh hướng cái nhìn của mình vượt xa những thực tế khó khăn, những sự chia rẽ, định kiến và bạo lực. Một cuốn sách kể về Shahbaz vừa được xuất bản bởi Nhà xuất bản Messaggero Padova. Tiêu đề chính xác của cuốn sách là “Shahbaz Bhatti. Đại bàng xứ Pakistan”, được viết bởi hai tác giả Paolo Affatato, một nhà báo-nhà văn, và Emmanuel Parvez. Tác giả Emmanuel Parvez là một linh mục người Pakistan, là anh họ và là cha linh hướng của Shahbaz Bhatti, người đã chia sẻ những thông tin và là nhân chứng chính cho những gì đã xảy ra với Shahbaz và trên tất cả là người có thể phác họa hoàn chỉnh gương mặt của Shahbaz với cả những diễn biến nội tâm.
Shahbaz sinh ra trong một gia đình Công giáo ở Khushpur, một ngôi làng ở tỉnh Punjab. Một làng quê nhỏ giữa những cánh đồng lúa, bông vải (cotton) và mía bất tận. Những chân trời rộng lớn đó hướng người ta đến những cái nhìn vô hạn; vượt xa những con đường làng, nhà cửa, quảng trường nhỏ nơi mọi người đều biết và sống như một cộng đồng duy nhất. Khushpur có một điểm đặc biệt là: ở một quốc gia đa số là người Hồi giáo, thì nơi đây quy tụ gần như hoàn toàn chỉ có người Công giáo, một sự thực hiếm gặp. Và ở ngôi làng ấy người ta sống an hòa, đoàn kết với nhau. Hơn thế nữa nữa, tên của ngôi làng trong ngôn ngữ Urdu có nghĩa là “vùng đất hạnh phúc”. Ở đó, nhà lãnh đạo tương lai nhỏ bé đã lớn lên trong hạnh phúc, và ngay từ nhỏ đã ý thức rõ ràng về đức tin của mình, là người biết phấn đấu, có những hoài bão lớn lao và những dự phóng cho những ý tưởng và ước mơ của mình.
Và thực thế, bất chấp những bình yên và hạnh phúc hàng ngày, Shahbaz cảm thấy rằng những chân trời đó, nơi mà anh thấy vượt xa những cánh đồng trồng trọt và đung đưa trong gió, mời gọi anh đến một cuộc sống khác, cuộc sống mà những giá trị và lý tưởng, niềm tin và tình yêu của anh dành cho xóm làng được sống trọn vẹn hơn.
Anh cảm nhận sâu sắc sức nặng của sự bất công, của bạo lực và phân biệt đối xử. Anh rời khỏi làng quê và giống như một con đại bàng anh bay xa. Anh đã hiểu rằng để có thể tạo nên một tác động cụ thể đến thực tế, anh ta phải tham gia vào chính trị, không được nhượng bộ, phải sống như người phục vụ và chắc chắn không phải là một công cụ quyền lực hay tham gia vào một hệ thống chính trị để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Anh quyết định thành lập một đảng được gọi là “Mặt trận giải phóng nhân dân Pakistan”, anh trở thành thành viên của Đảng Nhân dân Pakistan và năm 2008 anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Dân tộc thiểu số Pakistan. Cách sống chính trị này cũng thể hiện hết con người của anh, anh thu hút được sự nhiệt tình và hỗ trợ của nhiều người, nhưng cũng làm nảy sinh lòng thù hận và mong muốn trả thù anh từ phe thù nghịch. Anh đứng về phía những người nghèo, người thiệt thòi và phụ nữ.
Đới với Shahbaz, những hoạt động chính trị và dấn thân dân sự sẽ không có ý nghĩa và nền tảng nếu nó không được thực thi đúng như bản chất vốn có dưới một sự hướng dẫn đích thực. Thước đo cuộc sống của anh luôn luôn là Tin Mừng. Trong phần tiểu sử của anh được viết bởi Affatato với sự cộng tác của cha Parvez và trong một chương của cuốn sách có tên “Câu chuyện của một tâm hồn” được bắt đầu bằng câu này: “Đó là câu chuyện của Shahbaz Bhatti, một đời sống truyền giáo đích thực”. Cuộc đời anh là một sự phó thác trọn vẹn cho Chúa Quan Phòng. Anh luôn tin chắc rằng Thiên Chúa vẫn luôn hành động để khiến cho thực tại trần thế cũng như lịch sử nhân loại tích cực hơn. Câu Kinh Thánh vang vọng trong anh chính là Thánh vịnh 23:
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Ðầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên”.
(Acistampa 15/05/2020)
Hoài Thương
2020
Vua Tây Ban Nha cám ơn hoạt động bác ái của Giáo hội Công giáo trong đại dịch
Ngày 11/06 vừa qua, Vua Philip VI của Tây Ban Nha đã điện thoại cho Đức Hồng y Juan José Omella, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, để chia buồn về các linh mục đã qua đời vì Covid-19 và cám ơn các hoạt động của Giáo hội tại nước này.
Theo báo ABC của tiếng Tây Ban Nha, khoảng 100 linh mục Tây Ban Nha đã qua đời vì virus corona.
Theo niên giám hàng năm, Giáo hội Công giáo Tây Ban Nha phục vụ 1,2 triệu người trong các cơ sở y tế và 2,8 triệu người trong các trung tâm dịch vụ xã hội vào năm 2018.
Các dịch vụ được cung cấp cho người nghèo, người già, người khuyết tật, bệnh mãn tính, người thất nghiệp, người nhập cư và người tị nạn, phụ nữ bị lạm dụng và người nghiện ngập.
Mặc dù Giáo hội bị hạn chế bởi các biện pháp cách ly trong đại dịch, nhưng vẫn có thể chăm sóc mục vụ cho người bệnh, cử hành nghi thức lễ tang cho người quá cố và phân phát thực phẩm cho người nghèo ở nước này. (CNA 15/06/2020)
Hồng Thủy