2020
Các giám mục Philippines kêu gọi chính phủ hỗ trợ các trường tư thục trước khủng hoảng
Các giám mục Philippines kêu gọi chính phủ hỗ trợ các trường tư thục trước khủng hoảng
Xét vì giá trị phục vụ mà các trường tư thục ở Philippines mang lại cho hàng ngàn gia đình và toàn quốc gia, trước tình cảnh rất nhiều trường tư thục, trong đó có nhiều trường Công giáo, đang có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn do khủng hoảng kinh tế bởi đại dịch Covid-19, các giám mục đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ và hỗ trợ để ngành giáo dục tư nhân không bị biến mất hoàn toàn.
Cũng như các trường Công giáo ở Hoa Kỳ, Anh quốc, Li-băng và ở nhiều nước khác, các trường tư không được chính phủ tài trợ, đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Do đại dịch Covid-19 và khó khăn kinh tế, rất nhiều trường phải tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn.
Các trường tư bị đóng cửa sẽ tăng gánh nặng cho trường công
Đức cha Rex Andrew Alarcon của giáo phận Daet, Chủ tịch Ủy ban giám mục về giới trẻ, khẳng định: “Nếu các trường tư thục đóng cửa do vấn đề tài chính, điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của học sinh. Việc đóng cửa còn nảy sinh thêm các vấn đề: người dân mất việc, học sinh và sinh viên bị gián đoạn việc học, khó khăn trong di chuyển và thích ứng. Hơn nữa, việc đóng cửa các trường tư có thể khiến cho các trường công lập thêm chật chội quá mức, một vấn đề mà chính phủ đang phải đối mặt.” Trong khi đó, các trường tư thục, “đóng góp rất nhiều cho việc giáo dục nhân bản thông qua giáo dục chất lượng và với các chương trình xây dựng cộng đồng quốc gia và lợi ích chung.”
Các trường hoạt động vì sứ mạng giáo dục
Đức cha Roberto Mallari của giáo phận Nueva Ecija, Chủ tịch Ủy ban giám mục về giáo lý và giáo dục Công giáo, cũng bày tỏ cùng sự lo âu. Ngài nói: “Các trường tư cũng cần trợ cấp công cộng để tồn tại… Chính phủ nên nhận ra vai trò và đóng góp có giá trị của các trường tư trong xã hội. Những tổ chức đó không chỉ ở đó để kiếm tiền, họ không hoạt động theo logic lợi nhuận. Họ tồn tại bởi vì họ có ý thức sâu sắc về sứ mạng giáo dục của họ, để đóng góp vào việc đào tạo những bộ óc trẻ, để mang lại cho quốc gia một tương lai thịnh vượng.”
Nhiều trường tư phải đóng cửa do thiếu học sinh ghi danh. Theo báo cáo mới đây, khoảng 50.000 giáo viên các trường tư ở Manila bị thất nghiệp. Tại Philippines, các trường tư thục, đặc biệt là những trường thuộc sở hữu của các giáo phận, tổ chức tôn giáo và dòng tu, được miễn thuế.
Nền giáo dục Công giáo tại Philippines bắt đầu từ lâu đời với những trường đầu tiên do các thừa sai dòng Augustino thành lập ở Cebu sau khi đến đây vào năm 1565, tiếp đến là các trường của các tu sĩ Phanxicô, rồi của dòng Đaminh, dòng Tên, vv. Năm 1611, cách đây 400 năm, các tu sĩ Đaminh thành lập Đại học thánh Tô-ma ở Manila, đại học Công giáo lâu đời nhất tại nước này. Giáo hội Philippines hiện có 600 trường mẫu giáo, 600 trường tiểu học, 1000 trường trung học, 240 học viện cao đẳng, 101 trường chuyên ngành, 21 đại học. (Fides 18/06/2020)
Hồng Thủy
2020
Các nhóm hành hương đầu tiên sẽ trở lại Lộ Đức từ tháng 8
Các nhóm hành hương đầu tiên sẽ trở lại Lộ Đức từ tháng 8
Oftal, Liên hiệp vận chuyển bệnh nhân đến Lộ Đức, sẽ là Hiệp hội lớn đầu tiên tổ chức các chuyến hành hương kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức sau thời gian khủng hoảng của đại dịch virus corona.
Vào năm 1947, Oftal cũng là hiệp hội tổ chức hành hương đầu tiên trở lại Thánh địa Lộ Đức sau Thế chiến thứ hai. Sự trở lại đó rất quan trọng và có ý nghĩa đối với lịch sử của hiệp hội và quan hệ giữa Ý và Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó đã được thực hiện nhờ sự kiên trì và ý chí của người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Oftal, Đức ông Alessandro Rastelli.
Từ ngày 14-17/08 năm nay (chính xác là cùng ngày với năm 1947) Oftal sẽ đưa nhóm hành hương đầu tiên đến Lộ Đức bằng máy bay và xe buýt. Ba chuyến hành hương khác cũng được lên kế hoạch vào các tháng 9, 10 và 12 năm nay.
Lộ Đức là nơi không thể thay thế trong cuộc sống
Tổng giám đốc của Oftal, Đức ông Cameron Angelino, nói: “Với niềm vui và sự kỳ vọng lớn lao, chúng tôi bắt đầu lại với hoạt đông tông đồ, cầu nguyện và giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những người nghèo khổ khốn khó nhất. Đó là một ơn phúc mà chúng tôi đã chờ đợi trong một thời gian dài và bây giờ đã thành hiện thực. Đối với nhiều người, Lộ Đức là nơi không thể thay thế trong cuộc sống và hành trình hàng ngày; đó là những ngày được chờ đợi và tràn đầy hy vọng và tình yêu, quanh năm và hàng năm. Thậm chí còn nhiều hơn thế vào năm 2020 này, năm đã chứng kiến sự đau khổ và đau đớn qua kinh nghiệm đau thương do virus corona gây ra. Chúng tôi sẽ mang tất cả gánh nặng đau khổ này đặt cưới chân Đức Trinh nữ Maria, và chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những người đã lìa xa chúng tôi.”
Tổ chức Unitalsi, một tổ chức phục vụ các bệnh nhân và đưa họ đến các đền thánh ở Ý và quốc tế, cũng sẽ tổ chức chuyến hành hương Lộ Đức đầu tiên vào ngày 18/08. (Avvenire 17/06/2020)
Hồng Thủy
2020
Tài liệu của Vatican về sinh thái học toàn diện: Bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm của mọi người
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp Laudato Sì, 18/06/2015-18/06/2020, hôm 18/06, các Thánh Bộ của Tòa Thánh đã đưa ra một tài liệu nhắm cung cấp một định hướng về cách hành động của các tín hữu Công giáo và yêu cầu mọi Kitô hữu có một mối quan hệ lành mạnh với công trình sáng tạo.
Tài liệu có tựa đề “Hành trình chăm sóc ngôi nhà chung”, được “Nhóm liên Thánh Bộ của Tòa Thánh về sinh thái học toàn diện” soạn thảo. Nhóm này được thành lập năm 2015 để phân tích cách thức cổ võ và thực hiện nền sinh thái học toàn diện.
Được soạn thảo trước đại dịch Covid-19, tài liệu nhấn mạnh đến sứ điệp chính yếu của Thông điệp Laudato Sì: tất cả mọi thứ được kết nối, không có những khủng hoảng riêng biệt, nhưng một cuộc khủng hoảng môi trường xã hội duy nhất và phức tạp đòi hỏi một sự hoán cải sinh thái thực sự.
Chương I: Giáo dục và hoán cải sinh thái toàn diện
Chương đầu tiên nói về giáo dục và hoán cải sinh thái toàn diện. Tài liệu nhắc lại sự cần thiết hoán cải sinh thái, thay đổi não trạng để quan tâm đến sự sống và công trình sáng tạo, để đối thoại với người khác và nhận thức về mối liên hệ sâu sắc giữa các vấn đề của thế giới. Tầm quan trọng của giáo dục các cấp trong việc hoán cải sinh thái. Những cuộc đối thoại liên tôn, đại kết và hiệp thông trong vấn đề này.
Chương II: Nền sinh thái toàn diện và phát triển con người toàn diện
Chương thứ hai của tài liệu có tựa đề “Nền sinh thái toàn diện và phát triển con người toàn diện”. Chương này nói về chủ đề lương thực và nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Lương thực bị vất đi như thể nó bị đánh cắp từ người nghèo” (LS, 50). Do đó, tài liệu lên án việc phí phạm thực phẩm như một hành động bất công, và mời gọi thúc đẩy nông nghiệp “đa dạng và bền vững”, bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ và tài nguyên thiên nhiên, và nhu cầu cấp thiết của nền giáo dục thực phẩm lành mạnh, cả trong số lượng và chất lượng.
Tài liệu cũng nói đến nước, năng lượng, khí hậu, biển và đại dương. Tài liệu cấp thiết cổ võ “nền kinh tế luân chuyển” không nhắm khai thác quá mức, cần vượt qua ý niệm “rác thải” vì tất cả đều có giá trị.
Chương cuối: Sự dấn thân của Quốc gia thành Vatican
Chương cuối cùng của tài liệu nói về sự dấn thân của Quốc gia thành Vatican. Các hướng dẫn của Thông điệp Laudato Sì được áp dụng trong bốn lãnh vực: bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, chăm sóc các khu vực xanh và tiêu thụ tài nguyên năng lượng. (CSR_4668_2020)
Hồng Thủy
2020
Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
Thứ Năm 18/06, chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Ý cất cánh từ phi trường Ciampino ở thủ đô Roma đã đưa Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức trở về Đức để thăm anh trai của ngài là Đức ông Georg Ratzinger, 96 tuổi, đang bệnh nặng.
Đây là chuyến đi đầu tiên ngoài nước Ý của Đức Biển Đức kể từ khi ngài từ nhiệm vào năm 2013.
Trước khi Đức nguyên Giáo hoàng rời đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican, nơi ngài cư trú từ 7 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến chào thăm ngài.
Tháp tùng Đức nguyên Giáo hoàng trên chuyến bay có Đức tổng giám mục Georg Gainswein, Thư ký riêng của ngài; Phó chỉ huy Hiến binh Vatican; bác sĩ và y tá của ngài, và một nữ tu.
Thông cáo của giáo phận Regensburg
Vào khoảng 11:45, Đức Biển Đức đã đến phi trường thành phố Munich và được Đức cha Rudolf Voderholzer của Regensburg chào đón và tháp tùng về Regensburg. Đức Biển Đức sẽ ở lại chủng viện giáo phận trong thời gian này. Giáo phận Regensburg yêu cầu dân chúng tôn trọng cuộc viếng thăm cá nhân này và giữ cho nó có tính cách riêng tư giữa hai anh em. Đó ý muốn của hai anh em cao niên và không muốn có hình ảnh, hay xuất hiện công khai hay có cuộc gặp gỡ nào khác.
Những ai muốn bày tỏ sự tham gia của mình, được mời gọi cầu nguyện trong thinh lặng cho hai anh em.
Thời gian ngài trở lại Roma chưa được xác định.
Tuyên bố của Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức
Đức cha Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, đã bày tỏ ý muốn đồng hành với Đức nguyên Giáo hoàng và anh của ngài. Trong thông cáo về sự kiện này, Đức cha Bätzing nói: “Với niềm vui và sự kính trọng lớn lao, tôi chào đón Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đến Đức. Chúng tôi rất vui vì ngài, một thành viên của Hội đồng giám mục của chúng tôi trong nhiều năm, đã trở về quê hương, mặc dù dịp này là một ngày buồn. Đức nguyên Giáo hoàng muốn gần gũi với anh trai của mình, Đức ông Georg Ratzinger, vì sức khỏe của Đức ông đã yếu nhiều.”
“Từ tận đáy lòng, tôi cầu chúc Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI có thời gian tốt đẹp ở Đức và có sự nghỉ ngơi cần thiết để chăm sóc anh mình một cách riêng tư. Tôi sẽ đồng hành với ngài và cuộc hành trình của anh Georg của ngài bằng lời cầu nguyện.”
Tình thân giữa hai anh em
Đức ông George Ratzinger nguyên là chỉ huy trưởng của ca đoàn nhà thờ chính tòa Regensburger. Đức nguyên Giáo hoàng và anh trai của mình rất gắn bó với nhau. Hai anh em cùng chịu chức linh mục ngày 29/06/1951. Những năm trước đây khi còn khỏe, Đức ông Georg vẫn đến Vatican vào dịp sinh nhật của Đức Biển Đức. Năm 2008, khi thành phố Castel Gandolfo trao quyền công dân danh dự cho bào huynh của ngài, Đức Biển Đức đã nói: “Từ khi sinh ra, anh tôi không chỉ là người đồng hành nhưng còn người hướng dẫn đáng tin. Anh luôn là điểm định hướng và quy chiếu rõ ràng và quyết tâm trong các quyết định của mình.”
Chuyến trở về Đức của Đức nguyên Giáo hoàng bất ngờ và gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng thật ra ngài đã quyết định đi Regensburg một thời gian ngắn để thăm bào huynh, sau khi đã hội ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Lý do là vì tình trạng sức khỏe của Đức ông bào huynh của ngài đã xấu đi rất nhiều trong những ngày qua. (CSR_4722_2020)
Hồng Thủy