2020
Cả hai bố con chịu chức phó tế
Cả hai bố con chịu chức phó tế
Cả hai bố con ông Stan Upah được thụ phong phó tế tại Nhà thờ thánh Patrick ở Tama, Iowa vào năm 2017; ông bố chịu chức phó tế vĩnh viễn, còn người con chịu chức phó tế trong tiến trình tới chức linh mục thừa tác.
Một năm sau, năm 2018, Thầy phó tế vĩnh viễn Stan Upah làm phó tế trong cả Thánh lễ truyền chức linh mục và thánh lễ mở tay cho Cha Andy Upah là con trai của ông, tại giáo xứ nguyên quán của họ.
Cả hai bố con chịu chức phó tế
Cả hai đã đeo đuổi con đường ơn gọi phục vụ Giáo hội. Linh mục Upah, là cha xứ Nhà thờ Chúa giáng sinh ở Dubuque, Iowa chia sẻ trong cuộc sống, cha thường nghe người ta nói với ba của ngài rằng ông nên đi học làm một phó tế… và ba tôi đã âm thầm sửa soạn cho ơn gọi đó.
Thầy phó tế vĩnh viễn Stan Upah cũng chia sẻ tôi đã dấn thân vào việc học thần học, nhưng chưa bao giờ nói với con tôi ước muốn đó, vì tôi không muốn quyết định của tôi làm ảnh hưởng đến ơn gọi của con tôi.
Thật vậy, bố là một phó tế vĩnh viễn và con là một linh mục là một trường hợp của một cuộc hành trình tâm linh khá đặc biệt.
Thầy phó tế vĩnh viễn Stan Upah làm phó tế trong cả Thánh lễ truyền chức linh mục và thánh lễ mở tay cho Cha Andy Upah là con trai
Được biết ở Hoa kỳ và nhiều nơi trên thế giới ngày nay, trong Giáo hội có nhiều phó tế vĩnh viễn vẫn sống cuộc sống gia đình, nhưng làm việc cho Giáo hội… Nhưng trường hợp cả hai bố con, bố là phó tế vĩnh viễn và con là linh mục thì tương đối hiếm có!
Thanh Quảng sdb
2020
Bức tượng của Thánh Junipero Serra bị giật sập tại công viên San Francisco
Bức tượng của Thánh Junipero Serra bị giật sập tại công viên San Francisco
Một bức tượng của Thánh Junipero Serra, một nhà truyền giáo Công Giáo, đã bị giật sập tại công viên San Francisco hôm thứ Sáu 19 tháng 6, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses S. Grant.
Các bức tượng đã bị phá hủy vào tối thứ Sáu tại Công viên Golden Gate, bởi một nhóm khoảng 100 người trong cuộc biểu tình vào ngày Juneteen. Juneteen là chữ viết tắt bởi June, nghĩa là tháng Sáu, và nineteen nghĩa là 19 kỷ niệm ngày 19 tháng Sáu, 1865 khi tướng Liên Minh Gordon Granger công bố tại Galveston, Texas sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ.
Cảnh sát đã được lệnh rút lui bỏ mặc khu vực như trong một thành phố vô chính phủ. Tại sao cảnh sát rút lui khi cuộc biểu tình chỉ có 100 người là câu hỏi đối với nhiều người. Có thể là để tránh xung đột với người biểu tình. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ đây là một quyết định chính trị nhằm đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Trump về tình trạng rối loạn trong cả nước theo sau cái chết của anh George Floyd.
Trên khắp đất nước, những người biểu tình và những kẻ bạo loạn trong tuần này đã kéo xuống những bức tượng của các nhân vật lịch sử. Trong khi một số cuộc biểu tình đã phá bỏ các tượng đài của các nhân vật Liên minh, như là một phần trong lời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, các bức tượng khác cũng đã bị phá hủy từ các địa điểm quan yếu, bao gồm cả một bức tượng của George Washington.
Francis Scott Key, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1779 và qua đời ngày 11 tháng Giêng năm 1843. là một luật sư, tác giả và nhà thơ sinh quán ở Frederick, Maryland. Ông rất nổi tiếng vì đã viết lời cho bài quốc ca Mỹ “The Star-Spangled Banner.”
Ulysses S. Grant, sinh ngày 27 tháng 4 năm 1822 và qua đời ngày 23 tháng 7 năm 1885 là một quân nhân và chính trị gia người Mỹ, từng là tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ từ 1869 đến 1877. Trước khi làm tổng thống, Grant đã lãnh đạo Quân đội Liên minh là Tổng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Grant đã thúc giục phê chuẩn Tu Chính Án thứ 15, bảo đảm cho người Mỹ gốc Phi quyền bầu cử, và vào năm 1870 đã tạo ra Bộ Tư pháp liên bang để truy tố Ku Klux Klan.
Việc giật sập tượng của các danh nhân này cho thấy những kẻ phá hoại chỉ là một bọn ngu dốt về lịch sử, hành động mù quáng.
Thánh Junipero Serra, người Tây Ban Nha, là một linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn sinh ngày 24 tháng 11, 1714 và qua đời ngày 28 tháng Tám, 1784.
Trong thế kỷ thứ mười tám, Thánh Junipero Serra đã thành lập chín miền truyền giáo đầu tiên trong khu vực mà sau này trở thành California, nhiều miền truyền giáo đó ngày nay là trung tâm của các thành phố lớn ở California. Đó là 9 miền truyền giáo đầu tiên trong số 21 miền truyền giáo từ San Diego đến San Jose.
Thánh Junipero Serra đã giúp cải đạo hàng ngàn người dân California bản địa sang Kitô giáo và dạy họ các công nghệ nông nghiệp mới. Bức tượng trong Công viên Golden Gate được đặt lần đầu tiên vào năm 1907 và được chế tác bởi nhà điêu khắc nổi tiếng người Mỹ Douglas Tilden.
Những kẻ chống báng đức tin Công Giáo coi Thánh Junipero Serra là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân châu Âu và vu cáo các nhà truyền giáo tại California tham gia vào lao động cưỡng bức người Mỹ bản địa, đôi khi tuyên bố chính bản thân Thánh Junipero Serra cũng đã từng ngược đãi người bản địa.
Nhưng những người bảo vệ Thánh Junipero Serra, nói rằng Thánh Junipero Serra thực sự là một người ủng hộ người bản địa và là một nhà vô địch về nhân quyền. Họ ghi nhận nhiều người bản địa mà ngài đã giúp đỡ trong suốt cuộc đời và sự đau buồn của họ khi ngài qua đời.
Các nhà viết tiểu sử lưu ý rằng Thánh Junipero Serra thường xuyên can thiệp cho người bản địa khi họ phải đối mặt với sự khủng bố từ chính quyền Tây Ban Nha. Trong một trường hợp, vị linh mục đã can thiệp để cứu mạng sống của một số thổ dân California đã tấn công một tiền đồn Tây Ban Nha.
Trong một lá thư kêu gọi đối xử công bằng với người bản địa, Thánh Junipero Serra đã viết rằng, nếu người bản địa giết tôi… thì họ nên được tha thứ.
Năm 2015, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cho biết rằng Thánh Junipero Serra có tình yêu sâu sắc với người bản địa là những người ngài đã đến để truyền giáo.
“Trong những lời kêu gọi của ngài, thánh nhân đề cập đến một số điều thực sự đáng chú ý về phẩm giá con người, quyền con người và lòng thương xót của Thiên Chúa, ” Đức Tổng Giám Mục nói.
Năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói thêm rằng Thánh Junipero Serra là một nhà sáng lập người Mỹ bị bỏ quên.
“Tưởng nhớ công ơn Thánh Junípero và những nhà truyền giáo đầu tiên thay đổi cách chúng ta nhớ về câu chuyện đất nước mình. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng sự khởi đầu của nước Mỹ không phải là một diễn biến chính trị. Sự khởi đầu của nước Mỹ là về mặt tinh thần, ” ngài nói trong bài giảng năm 2017.
Năm 2018, chính quyền thành phố San Francisco, đã loại bỏ một bức tượng của vị thánh khỏi một vị trí nổi bật bên ngoài Tòa thị chính. Một bức tượng của vị thánh vẫn được trưng bày ở Quốc hội Hoa Kỳ.
Thanh Quảng sdb
2020
Các hoạt động của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ngày càng gia tăng
Các hoạt động của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ngày càng gia tăng
Trong năm 2019 Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ (Acs) đã quyên góp được hơn 106 triệu euro, tài trợ cho 5.230 dự án ở 139 quốc gia. Quyên góp được thực hiện từ 23 văn phòng quốc gia và hơn 330 ngàn ân nhân. Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chủ tịch quốc tế của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết với những con số này cho thấy hoạt động của tổ chức đã tăng hơn 211 sáng kiến so với năm 2018.
Châu Phi
Châu Phi được hưởng gần 30% từ số tiền quyên góp, nhờ đó gần 2 ngàn (1.766) dự án đã được thực hiện. Tổng cộng hơn 3 triệu euro đã được phân bổ cho 121 dự án ở Nigeria, 91 ở Cameroon và 52 ở Burkina Faso. Đây là các quốc gia nơi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố thánh chiến đang tàn phá và gây tuyệt vọng. Bên cạnh đó, Tổ chức còn trợ giúp cho Congo 3,3 triệu euro, một đất nước luôn bất an do các cuộc xung đột nghiêm trọng và sự thờ ơ của quốc tế. Với số tiền này Congo đã thực hiện được 268 dự án.
Trung Đông
Hơn 22% số tiền quyên góp được dành cho các nhóm thiểu số Kitô giáo bị đe dọa ở Trung Đông. Cụ thể: Ở Syria có 132 dự án, chủ yếu là viện trợ khẩn cấp, với tổng số gần 7,6 triệu euro. Tại Iraq, sau 6 ngàn ngôi nhà đã được xây dựng lại vào năm trước, 2019, Tổ chức giúp xây dựng lại các nơi thờ phượng và tu viện. Trong số 50 dự án chính của Iraq được Tổ chức phê duyệt, với tổng số 5,6 triệu, đặc biệt có liên quan đến việc xây dựng lại nhà thờ Al-Tahira của Qaraqosh, nhà thờ Kitô giáo lớn nhất nước này.
Đông Âu
Một quốc gia khác bị áp bức bởi xung đột và nghèo đói, nhưng tinh thần rất giàu có, là Ucraina. Gần 300 dự án với hơn 4 triệu đã được phân bổ cho quốc gia này.
Mỹ Latinh
Ở Mỹ Latinh, mối quan tâm chính của Tổ Chức dành cho Venezuela. 108 dự án đất nước đã nhận được từ sự tài trợ của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ. Nguồn tài trợ tập trung đóng góp cho sự sống còn của Giáo hội và người dân bị áp bức do cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế nghiêm trọng.
Châu Á
Ở châu Á, ưu tiên của Tổ chức dành cho các cộng đoàn Kitô giáo bị đe dọa bởi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Cụ thể, các dự án trị giá hơn 905 ngàn euro đã được thực hiện ở Pakistan, các sáng kiến cho hơn 5,2 triệu euro ở Ấn Độ.
Năm 2019, các ân nhân của Tổ chức đã đóng góp hơn 1 triệu bổng lễ (1.378.635 Thánh lễ), khoảng 16% tổng số đóng góp. Hơn 40 ngàn linh mục được hỗ trợ theo cách này (1/10 trên toàn thế giới), trong số đó các tín hữu cũng được giúp đỡ. Khoảng 13 ngàn nữ tu và hơn 16 ngàn chủng sinh cũng được Tổ chức trợ giúp.
Trong năm, Tổ chức đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho các Kitô hữu bị bách hại trong các cơ quan của tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu. Hàng ngàn công trình kỷ niệm đã được thắp sáng màu đỏ ở khắp nơi để thu hút sự chú ý của công chúng đối với các vi phạm tự do tôn giáo. Đức Hồng y Piacenza nói: “Như mọi năm, năm 2019, hoạt động của Tổ chức không chỉ đơn giản là hỗ trợ liên đới, mà còn là qua việc cầu nguyện, thực thi bác ái và mục vụ”. (Sir.17/6/2020)
Ngọc Yến
2020
Ơn gọi thánh hiến ở Bangladesh gia tăng
Ơn gọi thánh hiến ở Bangladesh gia tăng
Đối với Giáo hội Công giáo ở Bangladesh, trong những ngày này thực sự là thời gian của ân phúc: Giáo hội mới có thêm 21 phó tế, và 3 chủng sinh đang còn theo học ở nước ngoài cũng sớm được phong chức phó tế.
Bangladesh là một quốc gia có đa số Hồi giáo. Công giáo có khoảng 390 ngàn tín hữu. Chủng viện quốc gia duy nhất là đại chủng viện Chúa Thánh Thần ở thủ đô Dhaka, hiện có 125 chủng sinh đang được đào tạo.
Trong lịch sử đất nước, đây là lần đầu tiên có 24 chủng sinh được phong phó tế. Đối với một số linh mục, điều này như một phúc lành của Thiên Chúa toàn năng.
Cha Anol Terence D’Costa, linh mục ở Baralu, đã tham gia chương trình đào tạo cho các tân phó tế bày tỏ: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì số chủng sinh được chịu chức phó tế. Đây là một dấu hiệu tốt. Hoa trái này cũng là nhờ sự đóng góp của cha mẹ, giảng viên, linh mục và nữ tu. Hiện nay, những người trẻ đang có được một nền giáo dục tốt từ gia đình, linh mục và nữ tu, điều này rất cần thiết giúp họ bước vào đời sống thánh hiến”.
Cha Anol cho biết “hàng năm việc phong chức phó tế thường diễn ra trong đại chủng viện Chúa Thánh Thần ở Dhaka. Nhưng năm nay do đại dịch, các cử hành diễn ra trong giáo phận mà các chủng sinh thuộc về. Hiện nay các phó tế đang giúp các linh mục trong giáo phận, theo các chỉ thị của các giám mục. Giáo hội đang nỗ lực giúp người nghèo trong đại dịch, các phó tế sẽ tham gia vào công việc này, cụ thể thăm gia đình và chăm sóc mục vụ”. Cũng theo cha Anol, với số tân phó tế này, trong khi ở các nơi khác ơn gọi đang giảm, cho thấy ơn gọi thánh hiến của Giáo hội Bangladesh như thế là khả quan.
Giáo hội Bangladesh cũng có một số linh mục và nữ tu đang hoạt động truyền giáo ở nước ngoài và một số khác sẽ đi trong tương lai. Cách đây 30, Giáo hội Công giáo của đất nước này được một số nhóm truyền giáo quốc tế như Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (Pime) đến giúp đỡ. Hiện nay, số linh mục và tu sĩ truyền giáo đến từ nước ngoài còn rất ít; và số linh mục và nữ tu địa phương chiếm đa số. (Asia News 15/6/2020)
Ngọc Yến