Các hoạt động của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ngày càng gia tăng
Các hoạt động của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ngày càng gia tăng
Trong năm 2019 Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ (Acs) đã quyên góp được hơn 106 triệu euro, tài trợ cho 5.230 dự án ở 139 quốc gia. Quyên góp được thực hiện từ 23 văn phòng quốc gia và hơn 330 ngàn ân nhân. Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chủ tịch quốc tế của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết với những con số này cho thấy hoạt động của tổ chức đã tăng hơn 211 sáng kiến so với năm 2018.
Châu Phi
Châu Phi được hưởng gần 30% từ số tiền quyên góp, nhờ đó gần 2 ngàn (1.766) dự án đã được thực hiện. Tổng cộng hơn 3 triệu euro đã được phân bổ cho 121 dự án ở Nigeria, 91 ở Cameroon và 52 ở Burkina Faso. Đây là các quốc gia nơi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố thánh chiến đang tàn phá và gây tuyệt vọng. Bên cạnh đó, Tổ chức còn trợ giúp cho Congo 3,3 triệu euro, một đất nước luôn bất an do các cuộc xung đột nghiêm trọng và sự thờ ơ của quốc tế. Với số tiền này Congo đã thực hiện được 268 dự án.
Trung Đông
Hơn 22% số tiền quyên góp được dành cho các nhóm thiểu số Kitô giáo bị đe dọa ở Trung Đông. Cụ thể: Ở Syria có 132 dự án, chủ yếu là viện trợ khẩn cấp, với tổng số gần 7,6 triệu euro. Tại Iraq, sau 6 ngàn ngôi nhà đã được xây dựng lại vào năm trước, 2019, Tổ chức giúp xây dựng lại các nơi thờ phượng và tu viện. Trong số 50 dự án chính của Iraq được Tổ chức phê duyệt, với tổng số 5,6 triệu, đặc biệt có liên quan đến việc xây dựng lại nhà thờ Al-Tahira của Qaraqosh, nhà thờ Kitô giáo lớn nhất nước này.
Đông Âu
Một quốc gia khác bị áp bức bởi xung đột và nghèo đói, nhưng tinh thần rất giàu có, là Ucraina. Gần 300 dự án với hơn 4 triệu đã được phân bổ cho quốc gia này.
Mỹ Latinh
Ở Mỹ Latinh, mối quan tâm chính của Tổ Chức dành cho Venezuela. 108 dự án đất nước đã nhận được từ sự tài trợ của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ. Nguồn tài trợ tập trung đóng góp cho sự sống còn của Giáo hội và người dân bị áp bức do cuộc khủng hoảng chính trị kinh tế nghiêm trọng.
Châu Á
Ở châu Á, ưu tiên của Tổ chức dành cho các cộng đoàn Kitô giáo bị đe dọa bởi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Cụ thể, các dự án trị giá hơn 905 ngàn euro đã được thực hiện ở Pakistan, các sáng kiến cho hơn 5,2 triệu euro ở Ấn Độ.
Năm 2019, các ân nhân của Tổ chức đã đóng góp hơn 1 triệu bổng lễ (1.378.635 Thánh lễ), khoảng 16% tổng số đóng góp. Hơn 40 ngàn linh mục được hỗ trợ theo cách này (1/10 trên toàn thế giới), trong số đó các tín hữu cũng được giúp đỡ. Khoảng 13 ngàn nữ tu và hơn 16 ngàn chủng sinh cũng được Tổ chức trợ giúp.
Trong năm, Tổ chức đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho các Kitô hữu bị bách hại trong các cơ quan của tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu. Hàng ngàn công trình kỷ niệm đã được thắp sáng màu đỏ ở khắp nơi để thu hút sự chú ý của công chúng đối với các vi phạm tự do tôn giáo. Đức Hồng y Piacenza nói: “Như mọi năm, năm 2019, hoạt động của Tổ chức không chỉ đơn giản là hỗ trợ liên đới, mà còn là qua việc cầu nguyện, thực thi bác ái và mục vụ”. (Sir.17/6/2020)
Ngọc Yến