2020
Người theo đạo Công Giáo ở Việt Nam được gọi là Giáo dân từ khi nào và ai đặt ra cách gọi ấy?
Người theo đạo Công Giáo ở Việt Nam được gọi là Giáo dân từ khi nào và ai đặt ra cách gọi ấy?
Theo sách Khâm định Việt sử, thì từ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua trang Tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và
Năm Nhâm Thìn (1712) đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương bắt những người theo đạo Công giáo phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ “học Hoa Lan đạo”. Tại sao gọi đạo Công giáo là đạo Hoa Lan? Hoa Lan tức là Hòa Lan (Hollande/ Netherlands). Người Hòa Lan sang buôn bán ở Đàng Ngoài trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa Lan. Vả lúc bấy giờ người dân nước ta không phân biệt được những nước nào, hễ thấy người phương Tây đều gọi là người Hòa Lan.
Sau đó không gọi đạo Hoa Lan mà gọi là đạo Da tô (Chữ “Da” trong Da tô, viết chữ Hán thuộc bộ “Nhĩ” đọc là “Da” chứ không phải “Gia”). Da tô là phiên âm tên Jésus- Đấng sáng lập ra đạo Thiên Chúa- sang tiếng Trung Quốc, cho nên gọi đạo Da tô là vậy. Nước ta trước khi có các giáo sĩ sang truyền đạo Da tô thì “tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tà đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy”( Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 367)
Dân theo đạo Da tô được gọi là ‘tả đạo” hoặc “dửu dân”.
Triều đình nhà Nguyễn gọi những tín đồ đạo Da tô là “tả đạo” hoặc “dửu dân”. Sách Hán văn tân giáo khoa thư lớp đồng ấu do Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi soạn, Nha Học chính Đông Pháp xuất bản năm 1930 , cuối trang 12 giải thích “Tả đạo”: “nghĩa là đạo trái. Ta quen gọi đạo Da tô là “tả đạo”. Hán văn tân giáo khoa thư lớp sơ đẳng, trang 33, tác giả giải thích “tả đạo”: “nghĩa là đạo trái, người ta quen gọi đạo Thiên Chúa”.
Dửu dân có nghĩa là dân xấu. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích nghĩa chữ “dửu”: cỏ vực, hay mọc trong ruộng lúa làm hại lúa, cho nên cái gì ác hại gọi là dửu. Tục dân tốt gọi là lương, tục dân xấu gọi là dửu. Người xưa có câu: “ Lương dửu bất tề” (Người tốt và người xấu không như nhau).
Dân theo đạo Da tô được gọi là dửu dân, dân không theo đạo Da tô được gọi là lương dân.
Tháng 6 năm Tân Dậu (1861) triều đình nhắc nhở việc phân sáp người theo đạo Da tô: “ …phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.725).
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn kể lại việc thích chữ vào mặt : “ Giáo dân lớn nhỏ bắt bừa/ Bắt ra thích tự chẳng chừa gái trai/ Tội chi nào biết hỏi ai/ Xẻ mày, xẻ mặt chịu chai, chịu lỳ”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, tr.99)
Thích chữ gì vào mặt người theo đạo Da tô: Tả đạo hay Tà đạo? Trong một tấm ảnh xưa, hai chữ được thích trên má trái những người theo đạo Da tô là hai chữ “Tà Đạo”.
Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1862): “ lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong nên bỏ lệ cấm đó” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.780). Linh mục Đặng Đức Tuấn nhắc đến sự kiện bãi bỏ lệnh bắt đạo: “ Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr. 162).
Tuy đã bãi bỏ lệnh bắt đạo, nhưng người theo đạo Da tô vẫn còn bị gọi là tả đạo hoặc dửu dân. Tháng 12 năm Mậu Thìn (dương lịch đã sang năm 1869): “ Giám mục Đông (nguyên ở Hà Nội giảng đạo), Giám mục Hậu, Giám mục Bình[**] đệ đơn đến bộ Lễ đổi 4 chữ “tả đạo”, “dửu dân”. Bộ Lễ cho là triều đình thương dân như một, vốn không có phân biệt phàm kính làm sổ sách, hoặc khi có giấy tờ, cho đổi viết là dân đạo, dùng để cho nhớ mà thôi. Vua y cho” (Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, tr.1149).
Dân đạo gọi là “Giáo dân”, dân lương gọi là “Bình dân”
Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874) “ Chuẩn cho dân đi đạo đổi gọi là giáo dân, dân đi lương đổi gọi là bình dân. (Từ trước đến nay dân theo đạo, hoặc gọi là dửu dân, hoặc gọi là tả đạo, từ khi bỏ cấm, bỏ các chữ dửu, chữ tả chỉ gọi đơn giản bằng chữ đạo. Gần đây cứ lời Khâm sứ đóng ở Kinh nói rằng: lương, đạo đều gọi, chưa khỏi sỉ nhục giáo ấy. Đã chuẩn cho quan ở nha Thương bạc đem nghĩa hai chữ ấy trả lời, nói: Lương là an thường thủ phận, không làm gian ác; Đạo là khuyên người làm lành, không làm bất chính. Hai chữ đối nhau, văn nghĩa giống nhau, lại tốt xấu gì, đạo gọi là đạo mà lương không gọi là lương thì gọi là gì? Rồi sứ ấy đã biết chữ lương không để bỏ được, lại yêu cầu phàm những người theo giáo ấy gọi là nghĩa dân, đức dân, quan ở nha Thương bạc cho là sứ ấy đã nói nhiều như thế, xin gọi là giáo dân. Vua y cho, nhân chuẩn cho dân lương cũng đổi gọi là bình dân)” (Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.75)
Năm 1885 phong trào Sát Tả bình Tây nổi lên cả dân đạo lẫn dân lương đều bị tàn phá: “ Đạo dân đã hết cửa nhà/ Bình dân nay đã cháy ra tro tàn”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr.537).
Tuy đã được quy định dân đạo gọi là “Giáo dân”, dân lương gọi là “Bình dân” nhưng người dân vẫn quen miệng gọi người theo đạo Da tô là “Tả đạo”. Trong bài hát giặm sáng tác sau năm 1885, nói về cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh được phổ biến, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng Nghệ Tĩnh: “Lương dân và tả đạo/Đường buôn bán thông hành/ Vô hà sự tương tranh…”; “ Bên giáo với lương dân/ Giai quốc gia xích tử/ Giai triều đình xích tử”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr. 450)
Thuật ngữ “ Đạo dân/ Giáo dân” để chỉ người Công giáo; “ Lương dân/ Bình dân” để chỉ người không Công giáo đều không chuẩn. Bởi vì ở Việt Nam không chỉ có đạo Công giáo mà còn có đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo…Do đó khi nói “đạo dân”, “giáo dân” thì phải nói đạo nào, giáo nào. Hơn nữa “ lương dân” là dân tốt, “ bình dân” là dân thường thì ở đâu cũng có. Tuy nhiên thuật ngữ chỉ là một quy ước về ngôn ngữ. Theo một quy ước bất thành văn nào đó, người ta vẫn gọi người theo đạo Công giáo và không Công giáo bằng hai từ “ Giáo- Lương”: “Đoàn kết Lương- Giáo”.
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang
Chú thích:
[*] Làng Ninh Cường nay thuộc xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Làng Quần Anh nay thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Làng Trà Lũ nay thuộc xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
[**] Giám mục Đông tên là Pierre Jean Marie Gendreau. Vào thời điểm năm 1869, Giám mục Đông mới là Linh mục mà thôi. Linh mục Gendreau Đông được tấn phong Giám mục vào ngày 16.10.1887, coi sóc Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Giáo phận Hà Nội); Giám mục Hậu tên là Jean Denis Gautier coi sóc Giáo phận Nam Đàng Ngoài ( Giáo phận Vinh); Giám mục Bình tên là Joseph Hyacinthe Sohier coi sóc Giáo phận Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế).
2020
Anne-Gabrielle Caron, “hình ảnh thánh thiện của các trẻ em bị bệnh”
Ngày thứ tư 10 tháng 6, các giám mục Pháp bày tỏ sự “ủng hộ” của họ để mở án phong chân phước cho em Anne-Gabrielle Caron, qua đời khi lên tám vì một loại ung thư rất hiếm. Đức Giám mục Dominique Rey, giám mục giáo phận Fréjus-Toulon giới thiệu em là “hình ảnh thánh thiện cho các em bé bị bệnh và gia đình các em”.
Không có gì tiền định trước để ông Pascal Barthélemy, một giáo dân về hưu 64 tuổi ở Nantes làm cáo thỉnh viên cho án phong chân phước của em Anne-Gabrielle Caron. Ông Pascal từng điều hành một công ty tư vấn và phân loại, ông không phải là linh mục, cũng không là sử gia, hai trong số các đặc điểm thông thường cho các cáo thỉnh viên.
Ông nghe nói về em bé Anne-Gabrielle Caron trong những năm ông làm chủ tịch các Phong trào Hướng đạo Âu châu (Europa Scouts), khi đó em là sói con trong đoàn Europa Scouts. Ông kể: “Sau cái chết của em Anne-Gabrielle, tôi nhận bài giảng của linh mục đã giảng trong tang lễ của em, tôi được đánh động bởi sự thánh thiện của em ngay lập tức .”
Em Anne-Gabrielle sinh năm 2002 tại Toulon, con gái đầu lòng của ông Alexandre Caron, sĩ quan hải quân và vợ là bà Marie-Dauphine, giáo sư văn chương, cả hai là người công giáo giữ đạo, Anne-Gabrielle là em bé xinh xắn với nụ cười rạng rỡ luôn ở trên môi. Trang mạng dành cho em mô tả về em: “Dưới vẻ bên ngoài nghiêm trang ẩn giấu một tâm hồn trọn vẹn, đam mê và rộng lượng ”.
Quan tâm đặc biệt đến cái đau của người khác
Từ hai tuổi rưỡi, em đã chú ý đến cái đau của người khác, em vào nhà thờ, đến dưới chân thánh giá và nói “Giêsu. Người ấy đau lắm, con sẽ an ủi họ” và em dâng các hy sinh nho nhỏ “để loại bỏ các gai nhọn trên miện Chúa Giêsu”.
Năm lên 4 em hỏi cha mẹ, “con sẽ chết sớm phải không” và em giải thích cho cha mẹ, em “rất muốn nhìn thấy Chúa Nhân lành”. Năm
2006, gia đình em dọn qua ở Guyane một năm, em Anne-Gabrielle “trong tình trạng cô đơn của mình, em chú ý đến người khác và hiểu nỗi đau khổ của người khác, từ đó khi nào em cũng quan tâm đến nỗi đau của người khác”.
Tháng 9 năm 2007, gia đình em về lại Pháp, em đi học và “quan tâm đến các bạn học mới, làm quen với các bạn và mời bạn vào nhóm của mình .”
Mùa hè năm 2008, Anne-Gabrielle than đau chân mặt. Các cơn đau nặng dần; Anne-Gabrielle càng ngày càng đi khập khiễng và hay thức dậy vào ban đêm. Tháng 2 năm 2009, một sinh thiết cho thấy em bị sacôm Ewing, một loại ung thư xương di căn rất hiếm và rất đau đớn.
Em Anne-Gabrielle trải qua đợt hóa trị nặng nề ở bệnh viện Timone ở Marseille.
Kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô
Khi em hỏi vì sao Chúa lại giao cho em thử thách này, cha Jean-Raphaël Dubrule giúp em hiểu, em sẽ không có câu trả lời nhưng em có thể kết hợp đau đớn của mình với đau đớn của Chúa Kitô để làm cho nỗi đau của em có một ý nghĩa. Em có lòng kính mến Đức Mẹ sốt sắng và thường đọc Kinh Kính Mừng.
Tháng 6 năm 2009 em viết: “Đôi khi con nói Chúa Nhân lành cho con quá nhiều: con đau tim, con nhạt miệng … Thật quá nhiều nhưng con muốn chấp nhận chúng. Con yêu Chúa, Chúa của con!” Ông Pascal Barthelemy kể trong quyển sách bà Marie-Dauphine Caron (1), mẹ của em viết theo lời khuyên của một nữ tu: “Rất sớm cha mẹ của em đã nhận ra con gái mình đã sống những chuyện ngoại thường”. Ông Pascal giải thích: “Em sống thử thách này trong Chúa. Em hiểu rất nhanh, thử thách phi lý này có thể mang một ý nghĩa nếu kết hợp với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô .”
Vì thế sau khi gặp cha mẹ của em năm 2010, vài tháng sau khi em qua đời khi em 8 tuổi, ông Pascal Barthélemy đã nói với họ, “nếu sau này em Anne-Gabrielle có được phong thánh” thì ông sẵn sàng giúp trong việc này. Từ năm 2018, ông bắt đầu làm việc sau khi giáo xứ Thánh François-de-Paule, giáo xứ của gia đình Caron ở Toulon tiến hành tiến trình để mở án phong chân phước cho em.
Một số lượng lớn chứng từ
Được Đức Giám mục Dominique Rey đến thăm, ngài đã từng đến thăm em Anne-Gabrielle, cha Fabrice Loiseau đại diện giáo xứ đã trở thành nhân vật chính của án phong chân phước.
Ông Pascal kể tiếp: “Chúng tôi đã thu thập được một số lượng đáng kể các lời chứng và tiếp các chứng nhân, họ nói những gì họ thấy em Anne-Gabrielle đã làm hay đã nói .”
“Một tuần cửu nhật cầu bàu cùng Anne-Gabrielle Caron” được mẹ đỡ đầu của em phát động năm 2018, chủ yếu ở Pháp nhưng cũng ở Malte, Canada, Mỹ, Ba Lan và gần đây là Phi Luật Tân và đã phát hành hơn 140 000 lời kinh.
Ngày thứ tư 10 tháng 6, Đức Giám mục Rey đã trình bày câu chuyện của em Caron và các giám mục đang họp Hội nghị thượng đỉnh đã tuyên bố “ủng hộ” mở án phong chân phước cho em Anne-Gabrielle Caron. Án tại giáo phận sẽ chính thức mở ngày 12 tháng 9 sắp tới ở giáo xứ Thánh François-de-Paule sau khi được Rôma cho biết không có gì cản trở.
(1) “Nơi hy vọng chết, bừng sáng Hy vọng” (Là où meurt l’espoir, brille l’Espérance, lời nói đầu của Đức Giám mục Dominique Rey, nxb. Sacré-Coeur, 2016).
Marta An Nguyễn dịch
2020
Xây dựng một nền văn minh tình thương tại Brazil
Xây dựng một nền văn minh tình thương tại Brazil
Trong những ngày này, tại Brazil Giáo hội đang chuẩn bị cho chiến dịch tình huynh đệ đại kết năm 2021. Đây là lần tổ chức thứ năm của sáng kiến do các Giám mục Brazil cùng với các đại diện của Hội đồng Quốc gia các Giáo hội Kitô đứng ra tổ chức.
Chủ để của lần tổ chức này sẽ là “Tình huynh đệ và đối thoại: dấn thân của tình yêu”. Tinh thần của chiến dịch được truyền cảm hứng từ lời của Thánh Phaolô: “Đức Kitô là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14).
Theo ghi chú được công bố trên trang web của HĐGM Brazil, mục đích của sáng kiến là “mời gọi các tín hữu và những người thiện chí suy nghĩ, đánh giá và xác định cách thức để vượt qua sự chia rẽ, thông qua đối thoại xây dựng, làm chứng cho sự hiệp nhất trong khác biệt”.
Tấm áp phích được các nghệ sĩ của hãng Atelier 15 thiết kế, nhắc lại lời kêu gọi hiệp nhất của Chúa Kitô và gợi lại “ciranda”, điệu nhảy điển hình của Brazil được thực hiện trên bãi biển, một điệu nhảy nhóm được sắp xếp theo hình bánh xe. Với điệu nhảy này, tất cả mọi người có thể tham gia, không có sự phân biệt. Trong vòng tròn lớn này không có người đầu tiên hay người cuối cùng, tất cả cùng di chuyển. “Ciranda” cũng nhắc đến một bài hát nổi tiếng của ca sĩ và nhà soạn nhạc Zé Vicente: “Mọi người đều được mời tham gia điệu nhảy, xây dựng một nền văn minh tình thương, công bằng, bình đẳng và hòa bình”. Trong vòng tròn có một em bé với đôi bàn tay vươn ra chờ đợi mong muốn có nhiều người tham gia hơn, để chuyển động của tình huynh đệ không dừng lại.
Cha Patriky Samuel Batista, thư ký điều hành của các chiến dịch bày tỏ: “Đức Kitô là sự bình an của chúng ta và hành động của Ngài truyền cảm hứng cho chúng ta để làm cho nó cụ thể qua chứng tá cuộc sống. Tình yêu của Đức Kitô hợp nhất chúng ta, Lời của Ngài đánh thức trong tâm hồn chúng ta dấn thân xây dựng một xã hội có khả năng đối thoại, do đó vượt qua các phân cực cản trở văn hóa gặp gỡ; và ý muốn của Chúa Kitô là chúng ta phải trở nên một”.
Cha Batista nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các linh mục: “Đối với linh mục, điều cần thiết là bắt đầu một nền văn hóa có khả năng khởi xướng cuộc sống mới, bắt đầu từ một con tim được hoán cải. Như thế, linh mục sẽ không bao giờ ngừng đối thoại, nhưng sống tình huynh đệ và cùng nhau làm việc vì công lý và hòa bình”. (CSR_4867_2020)
Ngọc Yến
2020
Hệ thống y tế cộng đồng cần được cải cách
Hệ thống y tế cộng đồng cần được cải cách
Hôm thứ Ba 23/6/2020, một cuộc gặp gỡ trực tuyến về tài liệu “Đại dịch và Tình huynh đệ phổ quát” đã được các cơ quan của Tòa Thánh tổ chức. Tại buổi gặp gỡ Đức cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống nhấn mạnh: “Vắc xin không chỉ dành riêng cho một số ít người may mắn. Việc phân phối vắc xin là một thử nghiệm quan trọng”.
Theo “Diễn đàn của các tổ chức tôn giáo Philippines” (FBO PH), một mạng lưới đại kết mở rộng trong các giáo phận và trong các Giáo hội Kitô giáo, cho đến nay, các Giáo hội và các tổ chức liên kết đã hỗ trợ tài chính và các nhu yếu phẩm cơ bản trị giá 30 triệu đô la.
Ba Hội đồng lớn: Hội đồng Giám mục Philippines (CBCP), Hội đồng Quốc gia các Giáo hội Philippines (NCCP) và Hội đồng các Giáo hội Tin lành Philippines (PCEC) – đã thành lập Diễn đàn như một cơ quan hợp tác tương trợ.
Cha Edwin Gariguez, Tổng Thư ký điều hành của Văn phòng Thư ký Quốc gia về Hoạt động xã hội của các giám mục Philippines khẳng định: “Các nhóm dựa trên đức tin, trong các Giáo hội khác nhau, luôn gần gũi với người nghèo. Trong đại dịch này, các Giáo hội đã kết hợp các nỗ lực và nguồn lực để giúp đỡ người nghèo.”
Các vị lãnh đạo các Giáo hội khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động tình nguyện, các chương trình viện trợ khác nhau và cũng để tìm ra các cách gây quỹ giữa người dân và cộng đồng. Đức giám mục Noel Pantoja của Tin lành, người đứng đầu Dịch vụ Cứu hộ và Phát triển của Giáo hội này, nói: “Tất cả các cộng đồng Kitô giáo trong nước có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu thực sự của mọi người, bất chấp sự phong tỏa. Trong thời điểm khó khăn, công việc truyền giáo của các Giáo hội phải tiếp tục với sự hy sinh và dấn thân”.
Bà Minnie Anne Mata-Calub của Hội đồng Quốc gia các Giáo hội Philippines nhắc lại rằng “các tổ chức phi chính phủ, các nhóm Kitô giáo và các hiệp hội nhân đạo khác liên kết với thế giới Kitô giáo luôn giúp đỡ mọi người. Đôi khi chính phủ không công nhận sự đóng góp của họ, nhưng sự đóng góp này là rõ ràng đối với tất cả những người đã nhận được sự giúp đỡ của họ. Trong cuộc khủng hoảng này điều cần thiết là các Giáo hội và chính phủ phải sát cánh vì lợi ích chung”.
Ông Jing Rey Henderson, người đứng đầu truyền thông của Caritas Philippines, lưu ý: “Trong thời kỳ khủng hoảng, những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa và bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, phải có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì cuộc sống hàng ngày, để vượt qua thời khắc khó khăn, để đứng dậy và trở lại với hy vọng.” (Fides 25/06/2020)
Ngọc Yến