2020
ĐTC an ủi gia đình nhà soạn nhạc Ennio Morricone vì sự ra đi của ông
Thứ Ba 07/7, qua cuộc điện thoại dành cho bà Maria, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với gia đình của nhà soạn nhạc vĩ đại Ennio Morricone qua đời hôm thứ Hai 06/7.
Bà Maria, vợ của ông Ennio Morricone, cho biết đây là một cuộc điện thoại ngắn thân tình của Đức Thánh Cha dành cho gia đình. Đức Thánh Cha đã an ủi bà và bảo đảm với bà là ngài sẽ cầu nguyện cho người đoạt giải Oscar và cho cả gia đình.
Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, người đã từng làm việc với ông Ennio Morricone cho biết, hai ông bà Morricone và Đức Thánh Cha đã quen biết nhau. Dịp gần đây nhất, năm 2014 giữa Đức Thánh Cha và nhà soạn nhạc có một kỷ niệm đẹp: Dòng Tên kỷ niệm 200 năm tái lập; để bày tỏ lòng yêu mến Đức Thánh Cha, ông Morricone đã soạn nhạc cho Thánh lễ này.
Nhà soạn nhạc Ennio Morricone được xem là một huyền thoại về nhạc phim. Sự ra đi của Ennio Morricone là một mất mát lớn không chỉ của nền âm nhạc, mà cả điện ảnh thế giới bởi một sự nghiệp đồ sộ với nhiều tác phẩm bất hủ bao gồm hơn 500 tác phẩm nhạc phim.
Năm 2019, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa đã trao tặng ông Ennio Morricone Huy chương Vàng Giáo hoàng “vì dấn thân nghệ thuật vượt bậc của ông trong lĩnh vực âm nhạc, ngôn ngữ chung của hòa bình, tình liên đới và những chiều kích của tâm linh và tôn giáo”. Không chỉ cống hiến tài năng cho nghệ thuật, huyền thoại âm nhạc này còn quan tâm đến người nghèo. Ông dùng tài năng của mình để hỗ trợ người nghèo. Cụ thể, ông đã tham gia các buổi biểu diễn tại Vatican để gây quỹ cho người nghèo. Năm ngoái, dù đã nói lời tạm biệt với sân khấu, nhưng ông đã đồng ý chỉ huy một buổi hòa nhạc tại Đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vatican. Ông nói: “Tôi không thể nói không”.Theo Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, các công trình nghệ thuật của Morricone đa dạng về thể loại, nhưng âm nhạc của ông luôn thể hiện chiều kích tâm linh và tôn giáo. Đó là cuộc đời của huyền thoại âm nhạc này”.
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Chatbot truyền giáo
Chatbot truyền giáo
Chatbot (trợ lý ảo) đã trở nên khá phổ biến, đặc biệt trong giới kinh doanh. Chỉ cần đưa cụm từ ‘sử dụng chatbot’ vào tìm kiếm trong Google, ta sẽ nhận được khoảng 138.000 kết quả, với những bài viết đáng lưu ý như:
o Hướng dẫn sử dụng chatbot – Công cụ tự động chăm sóc khách hàng…
o Hãy tự tạo cho mình 1 con chatbot Messenger, nó rất đơn giản! – Genk …
o Tạo Chatbot Facebook & Website | Cực Dễ Và Miễn Phí Trọn Đời
Và khi tìm kiếm hình ảnh về chatbot trên Google, ta cũng gặp được vô số khung ảnh rất đáng quan tâm như:
Cả một kho tư liệu phong phú về chabot trên internet khiến nảy sinh một câu hỏi trong đầu các tín hữu: Công giáo đã quan tâm sử dụng chatbot như thế nào? Từ câu hỏi ấy, bài viết này xin giới thiệu 2 chatbots truyền giáo mà Giáo hội đã thực hiện, đó là trợ lý ảo ePaul và trợ lý ảo MissioBot.
Trợ lý ảo ePaul của công ty Aleteia
Aleteia USA, Inc. là một công ty truyền thông Kitô giáo, có trụ sở tại New York, chuyên thực hiện các sản phẩm truyền thông kỹ thuật số cho người Công giáo trên toàn thế giới, trong đó có trang web Aleteia.org (http://www.aleteia.org), với 7 ngôn ngữ, tiếp cận hơn 12 triệu người mỗi tháng.
Biên tập viên toàn cầu của Aleteia.org là Jesus Colina nhận xét: “Tất cả các Kitô hữu được mời gọi chia sẻ đức tin của mình, nhưng điều này không dễ dàng chút nào. Nếu bạn không có thể cung cấp một điều gì khiến người ta dễ đón nhận, việc truyền giáo sẽ làm cho người khác khó chịu và họ sẽ cảm thấy bị xâm phạm, thay vì được truyền cảm hứng.”
Trước thách đố này, một trong những giải pháp đã được công ty Aleteia đưa ra, đó là thực hiện phần mềm thông minh mang tên chabot ePaul. Trợ lý ảo ePaul sẽ đề xuất với người sử dụng các chủ đề và các câu chuyện dựa trên nhu cầu của họ. Khi được truy cập, trợ lý ảo ePaul sẽ hỏi một vài câu về nhân thân và tình huống mà người sử dụng đang cố gắng giải quyết, sau đó ePaul sẽ đề nghị những bài viết mà nó nghĩ là có liên quan và hữu ích.
Jason Deal – đặc trách về Chiến lược và Tiếp thị của Aleteia – nói: “Theo như chúng tôi biết, ePaul là chatbot truyền giáo đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi hy vọng trợ lý ảo ePaul sẽ là một phương thế chia sẻ thú vị và dễ dàng, mang lại hy vọng, phó thác, yêu thương và niềm tin cho thân nhân, bằng hữu và những người quen biết.”
Chatbot ePaul được công ty Aleteia thực hiện trong nỗ lực hỗ trợ cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội được cử hành vào ngày 28-5-2017, đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô: truyền thông nhằm chuyển tải hy vọng và niềm tin trong thời đại của chúng ta.
Để biết thêm thông tin về chatbot ePaul, độc giả có thể truy cập trang web của ePaul (http://aleteia.org/ePaul) hoặc tìm kiếm AleteiaEN trên Facebook (Hiện nay trợ lý ảo này đã tạm ngưng hoạt động, và ta có thể nhìn về ePaul như một trợ lý ảo tiên phong của Giáo Hội đã hoàn tất nhiệm vụ!?)
Trợ lý ảo MissioBot của Vatican
Một trợ lý ảo truyền giáo khác có tên là MissioBot. Đây là một hệ thống trò chuyện tự động trên Facebook Messenger, hướng dẫn người dùng trò chuyện với Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Với bất kỳ máy tính hoặc điện thoại nào có ứng dụng Facebook Messenger, mọi người dùng đều có thể trao đổi với Đức Giáo hoàng về các dự án truyền giáo trên toàn thế giới. Sau đó, họ có thể cầu nguyện theo những ý chỉ cần thiết, hoặc quyên góp cho những đối tượng cụ thể, như các trẻ em mồ côi hoặc những người rơi vào nạn đói. Họ cũng có thể nhấp vào mục ‘Papal Wisdom’ để nhận được những lời khuyên từ Đức Giáo hoàng Phanxicô.
MissioBot là sáng kiến từ Vatican trong tháng 10-2017 vào dịp Chúa nhật Truyền giáo, mời mọi người kết nối với Đức Giáo hoàng Phanxicô và tìm hiểu thêm về các sứ vụ của Giáo hội cũng như cách hỗ trợ các sứ vụ này.
Cách sử dụng trợ lý ảo MissioBot: Mở ứng dụng Facebook Messenger trên điện thoại di động. Tìm và chọn ‘Scan Code (Mã Quét)’. Sau đó quét ảnh tròn của Đức Giáo hoàng Phanxicô được bao quanh bởi mã ứng dụng (hình bên cạnh) để bắt đầu đối thoại với Đức Giáo hoàng. Cuộc trò chuyện có thể được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha.
Từ ngày 15-8-2019, Facebook Messenger không hỗ trợ Mã Quét nữa. Vì thế, để sử dụng MissioBot, chúng ta sử dụng đường link https://www.missio.org/missiobot/ rồi click vào ‘Chat With Pope Francis!’ để trò chuyện với Đức Giáo Hoàng.
Lm. Giuse Vi Hữu
2020
Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum : Thánh Lễ thánh hiến và tạ ơn
DÒNG MẾN THÁNH GIÁ CÁI NHUM : THÁNH LỄ THÁNH HIẾN VÀ TẠ ƠN
Hòa cùng niềm vui mùa thánh hiến của Giáo Hội nói chung và của Việt Nam nói riêng, sáng hôm nay, thứ Sáu 10 tháng 7 năm 2020, Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum hiệp dâng Thánh Lễ thánh hiến và tạ ơn.
Niềm vui của Hội Dòng được lan tỏa trên mọi nẻo đường về với chiếc nôi của Giáo Phận Vĩnh Long đó là họ đạo cổ kính Cái Nhum. Hoa và những chiếc bong bóng khoe sắc màu như hòa chung niềm vui của chị em tuyên lời khấn đầu, vĩnh khấn và mừng kỷ niệm khấn hôm nay.
Giữa cơn đại dịch vẫn lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới mà hôm nay Cái Nhum được đón tiếp từ Đức Cha, Đức Ông đến mọi thành phần dân Chúa phải chăng đó là ơn riêng. Với tâm tình đó, Thánh Lễ tạ ơn ơn hôm nay thật tròn đầy ý nghĩa.
Từ rất sớm, cộng đoàn dân Chúa gần xa đã về với ngôi thánh đường thân yêu Cái Nhum.
9 g 00, Thánh Lễ bắt đầu.
Đoàn rước khởi đi từ tiền sảnh Nhà Xứ Cái Nhum.
Chủ tế Thánh Lễ thánh hiến và tạ ơn sáng nay đó là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long. Cùng hiệp thông với Đức Cha Phêrô trong Thánh Lễ này có Đức Ông Barnabê – Tổng Đai Diện, Cha Sở Gioan Phạm Hữu Diện cũng là Cha Tuyên Úy của Hội Dòng MTG Cái Nhum, Cha Hạt Trưởng Cái Mơn G. B. Lê Đình Bạch và nhiều Cha khác nữa.
Cộng đoàn dân Chúa tham dự Thánh Lễ sáng nay có quý tu sĩ nam nữ cũng như giáo dân trong và ngoài Giáo Phận Vĩnh Long.
Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô mời cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện và tạ ơn với Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum hôm nay.
Dựa trên bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói rằng hãy đến với Chúa và hãy học cùng Chúa, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại một thế giới đang muốn lìa xa Chúa.
Giữa thế giới muốn lìa xa Chúa thì được nghe Chúa nói : Hãy đến với tôi và hãy học cùng tôi.
Kế đến, Đức Cha Phêrô phân tích cho cộng đoàn về ý nghĩa cũng như tâm tình mà Chúa mời gọi : ” … Nhiều đoạn Tin Mừng chúng ta thấy đòi hỏi sự dấn thân hết mình. Theo Chúa phải vác thánh giá mỗi ngày và mang lấy ách của Chúa nhưng chị em đừng lo vì Chúa thấy tình trạng của những người theo Chúa như thế nào. Chúa biết sự yếu đuối của chị em hội dòng Mến Thánh Giá. Hôm nay Chúa mời tất cả những ai vác thánh giá hãy đến với Chúa. Chúa mời gọi mọi người đến với Chúa … Về lâu dài thì ách của Chúa giải phóng chúng ta. Ách tình yêu giống ý tưởng cửa hẹp mà Chúa mời đi qua hơn là con đường rộng thênh thang không dẫn đến đâu cả.
Chúa cũng mời vào trường của Chúa để học hỏi sự khiêm nhường của Chúa. Chúa sẽ ban cho chị em niềm vui của Nước Trời. Niềm vui của những người biết Chúa yêu thương và tha thứ …
Trong trường học của Chúa, chị em học được sự dịu dàng với Chúa và với anh chị em. Các chị em ở trong trường học này mang lấy ách, mang thánh giá của Chúa. Một số chị em đây tương lai sẽ gánh vác, một số chị em đã gánh vác thập giá của Chúa nhiều năm qua. Cùng gách vác thập giá để thoát khỏi sự dữ”.
Để kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha mời cộng đoàn : Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria xin Chúa giúp cho chị em từ bỏ. Vì nếu chúng ta và chị em tranh đấu cho có những tiện nghi thì chúng ta tự cho mình đủ rồi và không muốn vác lấy thánh giá của Chúa và không học nơi Chúa bài học khiêm nhường nữa.
Đức Cha khuyên nhủ Hội Dòng hãy yêu thương nhau : “Không có chia rẽ trong thân thể … Nếu một bộ phận nào khỏe mạnh thì mọi bộ phận cũng yêu thương. Trong tinh thần này, xin Chúa chúc lành cho chị em tiên khấn, vĩnh khân, kim khánh, ngọc khánh, kim cương khánh và cho tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây”.
Sau bài giảng là nghi thức tuyên lời khấn đầu trong Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum
Maria Nguyễn Thị Mai Đinh
Anna Phạm Thị Hương Lan
Maria Phạm Thị Thảo
Maria Lê Tuyết Thùy Vi
Maria Nguyễn Thị Kim Hằng
Matta Nguyễn Thị Như Ý
Theo đó là lời vĩnh khấn của quý chị :
Maria Mađalêna Nguyễn Kim Phương
Teresa Võ Thị Tuyết Trinh
Anê Nguyễn Thị Mỹ Ái
Anna Nguyễn Thị Bảo Ân
Nghi thức tiên khấn và vĩnh khấn khép lại thì lời tuyên lời khấn mừng kỷ niệm Ngân Khánh, Kim Khánh, Ngọc Khánh và Kim Cương Khánh của quý chị được diễn ra thật sốt sắng. Quý chị mừng:
Ngân khánh
Maria Nguyễn Thị Diễm
Maria Nguyễn Thị Mỹ Phượng
Anna Võ Thị Thanh Thủy
Kim khánh
Maria Trần Thị Trung (nguyên Tổng phụ trách)
Agata Vũ Thị Trông
Agata Nguyễn Thị Nga
Ngọc khánh
Cecilia Nguyễn Thị Hậu (nguyên Tổng phụ trách)
Kim cương khánh
Maria Phan Thị Hiếu
Anê Dương Thị Thơm
Trước khi Thánh Lễ khép lại, dì Anê Trần Thị Loan – Tổng Phụ Trách thay lời cho Hội Dòng cảm ơn Đức Cha, Đức Ông Barnabê – Tổng Đại Diện, Cha Sở Gioan Phạm Hữu Diện – Cha Tuyên Úy Hội Dòng, quý Cha phó, quý tân linh mục, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn. Dì Tổng cũng không quên cảm ơn gia đình của quý Bà, quý Dì dâng hiến quý Bà và quý Dì cho Hội Dòng. Dì cũng cảm ơn quý thầy lễ sinh, ban quới chức, đội kèn, anh em trong ban âm thanh ánh sáng, trật tự …
Thánh Lễ khép lại sau hơn 2 tiếng đồng hồ. Trời dẫu nắng nóng nhưng không cản được niềm vui, niềm hạnh phúc của Hội Dòng, cách đặc biệt với các khấn sinh cũng như quý nữ tu mừng kỷ niệm khấn hôm nay.
Có lẽ niềm vui ấy được nhân lên rất nhiều vì lẽ mừng Kim Khánh và Ngọc Khánh hôm nay có 2 Maria Trần Thị Trung và Cecilia Nguyễn Thị Hậu là 2 Dì nguyên Tổng phụ trách của Hội Dòng.
Như tâm tình chia sẻ của Đức Cha, cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho những chị em sẽ vác thánh giá và những chị em đã vác thánh giá trong thời gian dài của 50 năm, 60 năm và cho đến hết cuộc đời. Xin Chúa thêm ơn để quý Dì luôn chọn Chúa và Thánh Giá Chúa là lẽ sống cho đời của quý Dì cũng như xin cho quý Dì luôn biết nhìn lên Chúa và học sự hiền lành và khiêm nhường từ nơi Chúa.
2020