2020
Đức cha Julius Giả Trị Quốc: Giáo hội phải mở cửa cho tất cả mọi người, cả những người dưới 18 tuổi
Đức cha Julius Giả Trị Quốc: Giáo hội phải mở cửa cho tất cả mọi người, cả những người dưới 18 tuổi
“Giáo hội phải mở cửa cho tất cả mọi người, ngay cả với những người dưới 18 tuổi”: là câu trả lời của Đức cha Julius Giả Trị Quốc (Jia Zhiguo), Giám mục hầm trú trước đề nghị từ chính quyền Cẩm Châu về việc cho phép các hoạt động của giáo xứ được tiếp tục sau thời gian cách ly, nhưng với điều kiện những người dưới 18 tuổi không được vào nhà thờ
Do đại dịch Covid-19, từ cuối tháng 01, tất cả các nhà thờ ở Trung Quốc đã bị đóng cửa. Đầu tháng 6, chính quyền đã cho phép mở cửa trở lại nhưng với các điều kiện an toàn khác nhau.
Mặt trận Thống nhất, cơ quan quản lý các hoạt động tôn giáo, đã sử dụng việc mở lại các nhà thờ như một sự tống tiền đối với giáo phận Chính Định (Zhengding), được Tòa Thánh công nhận, nhưng chính phủ không công nhận.
Từ khi Quy định mới về các hoạt động tôn giáo (01/02/2018) được ban hành, điều kiện cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi hiện diện trong nhà thờ và các buổi học giáo lý đang lan rộng ở Trung Quốc. Nhiều Giám mục chính thức và hầm trú đã chỉ ra rằng lệnh cấm này trái với hiến pháp Trung Quốc, khẳng định quyền tự do tôn giáo không giới hạn độ tuổi. Nhưng chính khi xã hội đang chứng kiến một sự hồi sinh tôn giáo mạnh mẽ thì lệnh cấm đã trở thành một công cụ bóp nghẹt đức tin.
Việc cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi được đề cập rõ ràng trong các tài liệu về sự công nhận của chính phủ đối với các giám mục và linh mục và cho việc đăng ký các địa điểm tôn giáo. Nhiều giám mục, do muốn được công nhận chính thức, đã ký văn bản này; với việc làm này các vị trở thành viên chức nhà nước, chịu trách nhiệm thực thi lệnh cấm.
Đức cha Julius Giả Trị Quốc đã nói rõ ràng rằng: “Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người”, nhưng theo cách này, tất cả các nhà thờ hầm trú của giáo phận có nguy cơ vẫn phải đóng cửa.
Đức cha Julius, năm nay 83 tuổi, là một Giám mục từ năm 1980 và chịu trách nhiệm một cộng đoàn gồm hơn 150 ngàn tín hữu, với 100 linh mục và nhiều nữ tu.
Trong nhiều năm, Tại tòa giám mục, Đức cha đã thiết lập một nhà đón tiếp dành cho các trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, bị gia đình bỏ rơi hoặc kết quả của những hạn chế trong quá khứ liên quan đến luật một con. Cùng với một số nữ tu Đức cha đích thân chăm sóc các em. Trong quá khứ, hoạt động bác ái này cũng đã được chính phủ, cũng như các nhân vật quốc tế ca ngợi.
Để thúc ép Đức cha ký vào văn bản công nhận, chính quyền Cẩm Châu đe dọa sẽ giải thể cơ sở mồ côi này, họ cho rằng cả Đức cha và các nữ tu không được chăm sóc các em khuyết tật nếu không đăng ký. Chính quyền đã chuyển các em lớn đến một địa điểm khác, chỉ để lại các em nhỏ. Chính quyền giải thích rằng họ muốn “mua” cơ sở này, mặc dù không sẵn sàng trả bất kỳ khoản tiền nào. Thậm chí họ cũng sẽ lấy tất cả các số tiền quyên góp hàng năm dành cho các em.
Đức cha Julius Giả Trị Quốc đã bị tù hơn 15 năm. Từ năm 1980, kể từ khi còn là Giám mục hầm trú, ngài liên tục bị bắt giữ và phải dự các buổi họp chính trị. Ngài sống trong Tòa giám mục dưới sự kiểm soát 24/24 giờ.
Năm 2010, Đức cha được tự do sau một thời gian bị giam cầm. Trong dịp này Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi thư chúc mừng và bày tỏ lòng yếu mến Đức cha. (Asia News 10/7/2020)
Ngọc Yến
2020
Giáo hội Pakistan lên án bạo lực và phân biêt đối xử chống lại các tôn giáo thiểu số
Sau cái chết của một Kitô hữu do bị người Hồi giáo tấn công tàn bạo, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công giáo Pakistan đã tố cáo sự bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các thành phần thiểu số.
Gia đình ông Nadeem Joseph mua nhà ở khu Peshawar’s TV, nơi có nhiều người Hồi giáo. Những người hàng xóm này không muốn có sự hiện diện của một gia đình khác không phải Hồi giáo, và thế là ngày 04/6 họ đã tấn công gia đình ông Nadeem Joseph.
Bà Nadeem cho biết những người dân ở đây đe dọa gia đình và cố tình gây hấn để buộc gia đình bà phải đi nơi khác. Gia đình bà từ chối không đi. Họ lôi ông Nadeem Joseph ra đường và bắn ông. Mọi người chạy ra cứu ông nhưng không được. Ngày 29/6 ông Nadeem đã chết trong bệnh viện sau 5 lần phẫu thuật. Những người khác trong gia đình vẫn còn phải điều trị vì bị thương nặng.
Ủy ban Công lý và Hòa bình cùng với Đức Tổng Giám Mục Joseph Arshad và các tổ chức dân sự khác kêu gọi chính quyền phải làm tất cả có thể để đưa thủ phạm ra công lý. Đây là hành động “chống lại nhân quyền, chống lại luật pháp và phải bị trừng phạt.”
Theo Ủy ban Công lý và Hòa bình, đã có nhiều vụ tấn công trước đây nhưng không được báo cáo. Các tôn giáo thiểu số vẫn tiếp tục phải đối diện với sự phân biệt đối xử trong đời sống thường ngày của họ. Ví dụ những người không phải là Hồi giáo bị từ chối phân phát thực phẩm và những vật dụng cứu trợ trong thời gian bị phong tỏa vì Covid-19. Những người làm công tác phòng chống dịch bệnh không được cung cấp đầy đủ các dụng cụ bảo vệ sức khỏe.
Hội đồng Giám mục cũng nêu lên sự kiện mới đây ở Islamabad: người Hồi giáo cực đoan đã ngăn cản việc xây dựng đền thờ Ấn giáo. Sự kiện này cho thấy những người Hồi Giáo không chấp nhận các tôn giáo thiểu số như một phần của cộng đồng. Những hành động như vậy chống lại điều 20 của Hiến Pháp, quy định các tôn giáo thiểu số có quyền tự do bày tỏ đức tin và quản lý các cơ sở.
Ủy ban Công lý và Hòa bình kêu gọi chính phủ phải có biện pháp bảo vệ quyền lợi của các tôn giáo thiểu số ở Pakistan, điều đã được đề cập trong Hiến pháp.
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Công giáo Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ tự do tôn giáo
Các nhà lãnh đạo Công giáo và những người ủng hộ tự do tôn giáo đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ các nữ tu Tiểu muội Người nghèo trong cuộc chiến pháp lý chống lại đòi buộc cung cấp bảo hiểm cho việc ngừa thai của chương trình sức khỏe Obamacare, gọi đó là một chiến thắng cho tự do lương tâm và tự do của các tu sĩ để phục vụ người nghèo.
Với tỷ lệ phiếu 7 – 2, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết vào thứ Tư 08/07 cho phép chủ lao động, vì lý do tôn giáo, không phải cung cấp cho nhân viên bảo hiểm miễn phí cho các biện pháp tránh thai, triệt sản và kiểm soát sinh sản khẩn cấp theo đòi buộc của Affordable Care Act.
Cuộc chiến pháp lý của các nữ tu Tiểu muội người nghèo
Các nữ tu Tiểu muội người nghèo đã chiến thắng tại Tòa án Tối cao hôm 08/07 sau 9 năm theo đuổi cuộc chiến pháp lý chống lại đòi buộc cung cấp bảo hiểm ngừa thai trong chương trình sức khỏe của Obama. Năm 2017, chính quyền Trump đã ban hành lệnh miễn cho các nữ tu và các nhóm đối tượng khác phải thực hiện đòi buộc này vì lý do tôn giáo và đạo đức, nhưng sau đó các bang, bao gồm Pennsylvania và California, đã đệ đơn kiện rằng gánh nặng cung cấp bảo hiểm đang được chuyển sang các bang và tuyên bố rằng chính quyền đã vi phạm Đạo luật thủ tục hành chính trong việc thiết lập quyền miễn trừ.
Hôm 08/07, tòa án cho thấy chính quyền Trump đã có thẩm quyền theo luật định để đưa ra sự miễn trừ đó, cũng như sự miễn trừ đạo đức được ban hành cùng lúc, và các quy tắc ban hành các miễn trừ này không có khiếm khuyết về thủ tục.
Chiến thắng cho tự do lương tâm và tự do
Đức tổng giám mục Thomas Wenki của Miami, Chủ tịch Ủy ban tự do tôn giáo của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, và Đức tổng giám mục Joseph F. Naumann của Kansas City, Chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh, nói rằng Tòa án Tối cao đã công nhận các quyền tự do tôn giáo của các nữ tu để “bảo vệ cộng đồng của họ chống lại các nỗ lực buộc các tu sĩ Công giáo hợp tác với các hoạt động vô đạo đức.” Các ngài nói rằng “tránh thai không phải là chăm sóc sức khỏe. Chính phủ không bao giờ nên bắt buộc nhà tuyển dụng phải cung cấp nó đầu tiên”.
Công việc và niềm vui lớn của cuộc đời chúng tôi là phục vụ người già nghèo khổ
Nữ tu Loraine Marie Maguire, phụ trách dòng các nữ tu Tiểu muội người nghèo, tuyên bố “chúng tôi rất vui mừng vì thêm một lần nữa, Tòa án Tối cao đã bảo vệ quyền phục vụ người già mà không vi phạm đức tin của chúng tôi.” “Công việc và niềm vui lớn của cuộc đời chúng tôi là phục vụ người già nghèo khổ và chúng tôi rất biết ơn rằng lệnh ngừa thai sẽ không còn lấy đi sự quan tâm trong ơn gọi của chúng tôi.”
Phản ứng của ông Joe Biden
Phản ứng lại phán quyết của Tòa án Tối cao, cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cũng là ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử sắp tới, đã tuyên bố rằng nếu đắc cử vào nhiệm kỳ tới, ông sẽ tái lập các chính sách thời Obama, buộc các nữ tu Tiểu muội người nghèo đảm bảo cho nhân viên quyền có bảo hiểm kiểm soát sinh sản và phá thai, vi phạm niềm tin tôn giáo của các nữ tu. (Sintesi)
Hồng Thủy – Vatican News
2020
Hội nghị các Giáo hội Kitô Thái Bình Dương: Hướng tới một sự “bình thường” mới
Trong những ngày vừa qua, các Giáo hội Kitô Thái Bình Dương đã tổ chức một Hội nghị nhằm suy tư về đại kết, sinh thái, chính trị và phát triển trong khu vực, và khuyến khích mọi người xem xét các bài học từ quá khứ để “tạo ra một sự bình thường mới”.
Các Giáo hội Kitô Thái Bình Dương là một cơ quan đại kết có từ năm 1961, ngày nay quy tụ 30 Giáo hội và 8 Hội đồng của các Giáo hội. Mục sư Tevita Havea, người điều hành buổi gặp gỡ cho rằng năm 2020 là thời điểm cho bước ngoặt của các đảo Thái Bình Dương. Mặc dù tác động của virus corona rất bi thảm, nhưng ở một mặt khác nó mang đến cho chúng ta một cơ hội để hình dung cuộc sống theo một cách khác.
Đại kết
Trong Hội nghị, trước hết mọi người suy tư về đề tài đại kết. Vị điều hành buổi gặp gỡ cho rằng các vị lãnh đạo tôn giáo phải chỉ ra lộ trình, phác thảo tầm nhìn tương lai theo cách hiện diện mới. Nghĩa là không tìm kiếm, như trong quá khứ, các mô hình “mượn” từ thế giới phương Tây, nhưng nhìn theo kinh nghiệm, văn hóa, truyền thống xuất hiện trong những năm gần đây. Đại kết cần đi từ ý tưởng “hiệp nhất thân thể Chúa Kitô” đến “gia đình Đức Kitô”.
Sinh thái học
Sinh thái học là điểm quan trọng thứ hai được nhấn mạnh trong Hội nghị. Bổn phận của Kitô giáo là người trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này thể hiện trong sự dấn thân hợp tác, làm việc ở cấp địa phương và khu vực để tác động của toàn cầu hóa không tàn phá môi trường. Tất cả điều này phần lớn phụ thuộc vào việc hiểu sự phụ thuộc hỗ tương giữa các Giáo hội, sự phát triển, chính trị, kinh tế và môi trường.
Chính trị
Về đề tài chính trị, Hội nghị nói rõ: “bình thường mới” không còn phải là mô hình ở New York hay London nhưng phải tương ứng với thực tế của các dân tộc Thái Bình Dương, với nền tảng văn hóa, truyền thống và tâm linh của họ. Mọi người phải cùng nhau làm việc để tạo ra các mục tiêu chính trị chung. Cần từ bỏ thói quen chỉ lắng nghe những người giống mình hoặc những người đến từ cùng một khu vực. Trong bối cảnh này, “bình thường mới” phải “vượt qua ranh giới chính trị được tạo ra bởi quá khứ thuộc địa”, và trên hết là mọi người phải “tự hào về lịch sử của mình”.
Phát triển
Trong phần cuối dành riêng cho phát triển, mục sư Tevita Havea nhấn mạnh rằng: ngày nay, đặc điểm phát triển ở Thái Bình Dương đang trải qua không chỉ do áp lực từ việc tiêu thụ, thị trường và thế tục hóa ngày càng tăng, nhưng còn do không thể xác định được sự phát triển nào đang diễn ra trong khu vực. Hậu quả là lòng tự trọng, quan hệ hợp tác và phát triển suy giảm. Tất cả điều này dẫn đến thiếu niềm tin vào các nhà lãnh đạo chính trị và Giáo hội. (Osservatore romano 08/7/2020)
Ngọc Yến – Vatican News