2020
Trung tâm hành hương Fatima : hành hương kính Mẹ 13.7
TTHH FATIMA VĨNH LONG : HÀNH HƯƠNG KÍNH MẸ MARIA 13.7
Đến hẹn lại lên, cộng đoàn dân Chúa giáo phận Vĩnh Long đã về bên Mẹ tại Trung Tâm Hành Hương Fatima của Giáo Phận.
Ngược dòng thời gian của lịch sử, Fatima là điểm hẹn – điểm đến và là nơi quy tụ con cái của Giáo Phận quanh Mẹ. Thế nhưng rồi do hoàn cảnh của cuộc sống và nhiều lý do khách quan khác, con cái Mẹ dường như ít đến với Fatima Vĩnh Long. Và, vài năm trở lại đây, Đức Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long đã cổ võ lòng sùng kính Mẹ tại các trung tâm hành hương của Giáo Phận trong đó có Fatima.
Khởi đi từ lòng sùng kính Mẹ của vị Chủ Chăn, hàng tháng con cái của Mẹ về Fatima xoay vần theo các giáo hạt. Và sau thời gian ổn định vì cách ly của ảnh hưởng đại dịch, nay Fatima đã “hồi sinh”.
Sáng hôm nay, thứ Hai, 13.7.2020, 2 giáo hạt Bình Đại và Bến Tre về bên Mẹ.
Trước khi bước vào Thánh Lễ, cộng đoàn được quý Cha trong Giáo Hạt Bình Đại và Bến Tre hướng dẫn cũng như cầu nguyện vói Mẹ Maria. Quý Cha dẫn giải cho cộng đoàn về việc thêm 3 lời kinh cầu Đức Bà trong kinh cầu Đức Bà truyền thống cũng như những mệnh lệnh của Đức Mẹ gửi đến cho nhân loại.
10 g 00, cộng đoàn dân Chúa bước vào Thánh Lễ. Chủ tế Thánh Lễ hành hương kính Mẹ hôm nay là Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai. Cùng với Đức Cha Phêrô có 2 Cha Hạt Trưởng Bình Đại và Bến Tre đó là Cha Phaolô Khổng Đức Ý và Cha Đaminh Bùi Văn Đằng. Hẳn nhiên là có quý Cha trong 2 hạt và cộng đoàn dân Chúa.
Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho cơn đại dịch mau qua. Đức Cha mời cộng đoàn hãy chạy đến với lòng thương xót của Đức Mẹ.
Trong bài giảng Lễ, Cha Đaminh Bùi Văn Đằng gợi lên cho cộng đoàn về việc thêm vào 3 lời cầu Đức Mẹ trong kinh cầu Đức Mẹ.
Đức Mẹ đầy lòng thương xót đặt sau câu Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh
Đức Mẹ là lẽ cậy trông sau lời Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa
Đức Mẹ nâng đỡ người di dân sau lời cầu Đức Bà Bàu chữa kẻ có tội.
Sau đó, Cha Đaminh chia sẻ tước hiệu Đức Mẹ đầy lòng thương xót .Cha Đaminh kể lại lịch sử thế giới với các cuộc chiến tranh thế giới : “Dù tai họa gây nên rung chuyển vì nguyên tử gây khổ đau cho nhân loại. Đức Giáo Hoàng Pio XII kêu gọi và dân thế giới này cho Đức Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình. 1944 dâng thế giới cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ thì 1945 chấm dứt đại chiến. và rồi người ta rước Đức Mẹ khắp thế giới. Đức Mẹ được rước đi đến Châu Âu, Châu Á và còn rước dài đến cả Bến Tre …
… Thời kỳ thứ 3, chúng ta đang sống bình an nhưng bỗng cơn đại dịch virus Corona virus làm rung chuyển thế giới vì số người chết là 560 ngàn. Hơn chiến tranh. Vì thế mà có thể không biết lúc nào dừng lại. Chúng ta thấy Úc thì hiện hay hàng ngày có mấy ngàn người chết. 24.5 Hội Đồng Giám Mục Úc Châu tuyên bố dâng Úc Châu cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ với tước hiệu Đức Mẹ đầy lòng thương xót. Việc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu dâng nhân loại để kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ nhắc nhở chúng ta lời kêu gọi người Công Giáo. Người Công Giáo chúng ta trước hết tạ ơn Chúa và chạy đến với Đức Mẹ và kêu cầu với Đức Mẹ …
Chúng ta chạy đến với Đức Mẹ, xin Đức Mẹ chữa lành, ban ơn khôn ngoan để con người tìm ra phương thế chữa lành. Xin Đức Mẹ thương anh chị em chúng ta đang tụ họp tại đây. Xin Mẹ thương gia đình, thương đất nước, dân tộc …”
Sau Thánh Lễ, cộng đoàn dùng chung với nhau bữa cơm đạm bạc vẹn nghĩa yêu thương do Trung Tâm Hành Hương Fatima khoản đãi.
Như tâm tình của Cha Đaminh, cộng đoàn dân Chúa Vĩnh Long tiếp tục chạy đến Mẹ là Mẹ đầy lòng thương xót để xin Mẹ thương xót nhân loại, thương xót Giáo Hội Việt Nam và gia đình Giáo Phận Vĩnh Long. Từ Đức Cha đến mọi thành phần dân Chúa Giáo Phận Vĩnh Long hiệp lời với Hội Đồng Giám Mục Úc dâng Giáo Phận nhỏ bé Vĩnh Long cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
2020
ĐTC Phanxicô: Đón nhận Lời Chúa là đón nhận chính Chúa Ki-tô
ĐTC Phanxicô: Đón nhận Lời Chúa là đón nhận chính Chúa Ki-tô
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 12/07, Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn người gieo giống trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ XV mùa Thường Niên và mời gọi các tín hữu hãy biến tâm hồn mình thành mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa đã được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta lớn lên và sinh hoa trái cho chúng ta và cho tha nhân.
Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 12/07, như thường lệ, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô. Dù trưa mùa hè ở Roma thật nóng, với ánh mặt trời chói chang và nóng đến trên 33 độ, và trong thời gian đề phòng virus corona, nhưng cũngcó vài trăm tín hữu tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Lời Chúa là chính Chúa Ki-tô; đón nhận Lời Chúa là đón nhận chính Chúa Ki-tô
Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mt 13,1-23) Chúa Giê-su kể với đám đông dân chúng dụ ngôn người gieo giống mà tất cả chúng ta đều biết rõ. Người này gieo hạt giống trên bốn loại đất khác nhau. Lời Chúa, được biểu tượng bằng các hạt giống, không phải là một Lời Chúa trừu tượng, nhưng là chính Chúa Ki-tô, Ngôi Lời của Chúa Cha đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria. Vì thế, đón nhận Lời của Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận con người của Chúa Ki-tô, chính Chúa Ki-tô.
Lời Chúa rơi bên vệ đường: tâm hồn bị xao lãng bởi nhiều bận tâm
Có những cách đón nhận Lời Thiên Chúa khác nhau. Chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa giống như một con đường, nơi mà ngay lập tức chim trời đến và ăn các hạt giống. Đó là sự xao lãng, chia trí, một nguy hiểm rất lớn trong thời đại chúng ta. Bị bận tâm bởi quá nhiều câu chuyện tán phét, bởi rất nhiều ý thức hệ, bởi những điều có khả năng không ngừng làm người ta phân tâm trong gia đình và bên ngoài xã hội, người ta có thể mất đi sự quý chuộng im lặng, suy tư, đối thoại với Chúa, đến mức có nguy cơ mất đức tin, không đón nhận Lời Chúa.
Lời Chúa rơi trên sỏi đá: tâm hồn hời hợt nhất thời
Một khả năng khác là chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất đá, có ít đất. Hạt giống sớm nảy mầm, nhưng chẳng mấy chốc nó cũng khô héo, vì nó không thể bén rễ sâu. Đó là hình ảnh của những người đón nhận Lời Chúa với sự nhiệt tình nhất thời, nhưng thật sự chỉ hời hợt, không đồng hóa với Lời Chúa. Và như thế, ngay khi vừa gặp khó khăn, đau khổ, một sự xáo trộn của cuộc sống, niềm tin còn non yếu đó bị tan biến, giống như hạt giống rơi vào giữa đất đá.
Lời Chúa rơi giữa bụi gai: bị bóp nghet bởi các quan tâm của thế gian
Một khả năng thứ ba mà Chúa Giê-su nói đến trong dụ ngôn, đó là chúng ta cũng có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất có những bụi gai mọc lên. Và gai là sự giả dối của sự giàu có, thành công, các quan tâm lo lắng thế gian … Ở đó Lời phát triển một tí nhưng rồi bị bóp nghẹt, nó không lớn mạnh được, nó chết và không sinh kết quả.
Lời Chúa rơi trên đất tốt: người lắng nghe, đón nhận, gìn giữ và thực hành Lời Chúa
Cuối cùng, khả năng thứ tư, chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất tốt. Ở đây, và chỉ ở đây, hạt giống mới bén rễ và sinh kết quả. Hạt giống rơi xuống mảnh đất màu mỡ này diễn tả những người lắng nghe Lời Chúa, đón nhận nó, gìn giữ nó trong tâm hồn họ và đưa nó vào thực hành trong cuộc sống mỗi ngày.
Tâm hồn tôi thuộc loại đất nào?
Dụ ngôn người gieo giống này phần nào đó là “mẹ” của tất cả các dụ ngôn, bởi vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hạt giống phong phú và hiệu quả; và Thiên Chúa quảng đại gieo vãi nó khắp nơi, mà không bận tâm đến chuyện lãng phí. Trái tim của Thiên Chúa cũng vậy! Mỗi người chúng ta là một mảnh đất trên đó hạt giống của Lời Chúa rơi xuống, không ai bị loại trừ. Lời Chúa được ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: tôi thuộc loại đất nào? Tôi giống như vệ đường, hay mảnh đất đá, hay bụi gai?
Hạt giống Lời Chúa lớn mạnh hay không tùy thuộc chúng ta
Nếu chúng ta muốn, với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể trở thành mảnh đất tốt, được chăm sóc và canh tác cẩn thận, để cho hạt giống Lời Chúa lớn lên. Hạt giống này đã hiện diện trong tâm hồn của chúng ta, nhưng để làm cho nó sinh hoa quả thì tùy thuộc nơi chúng ta, nó phụ thuộc vào sự đón nhận mà chúng ta dành cho hạt giống này. Chúng ta thường bị phân tâm bởi quá nhiều lợi ích, bởi quá nhiều tiếng gọi và rất khó để phân biệt, giữa rất nhiều tiếng nói và rất nhiều lời nói, đâu là Lời của Chúa, Đấng duy nhất giải phóng chúng ta.
Tập quen đọc Lời Chúa
Đây là lý do tại sao việc quen lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa là quan trọng. Và tôi trở lại, một lần nữa, với lời khuyên đó: anh chị em hãy luôn mang theo một cuốn Tin Mừng nhỏ, một ấn bản Tin Mừng bỏ túi, trong túi, trong giỏ của anh chị em … Và như thế, hãy đọc một đoạn ngắn mỗi ngày, để anh chị em quen đọc Lời Chúa và hiểu đâu là hạt giống mà Chúa ban cho anh chị em và suy nghĩ xem tôi đón nhận Lời Chúa với mảnh đất nào.
Xin Đức Trinh nữ Maria, mẫu gương hoàn hảo của mảnh đất tốt và màu mỡ, bằng lời cầu nguyện của Mẹ, giúp chúng ta trở thành mảnh đất sẵn sàng, không có gai góc hay sỏi đá, để chúng ta có thể sinh hoa trái tốt cho chúng ta và cho các anh chị em của chúng ta.
Hồng Thủy
2020
ĐTC Phanxicô: Tôi nghĩ đến đền thờ Santa Sophia và tôi rất đau lòng
ĐTC Phanxicô: Tôi nghĩ đến đền thờ Santa Sophia và tôi rất đau lòng
Hôm Chúa Nhật 12/07, sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến đền thờ Santa Sophia mới bị chuyển thành đền thờ Hồi giáo.
Khi nói về Chúa Nhật Biển, Đức Thánh Cha đề cập đến đền thờ Santa Sophia, một đền thờ nguyên là nhà thờ chính tòa của Công giáo và Chính Thống giáo, mới bị biến thành đền thờ Hồi giáo:
Và biển đưa tu tưởng của tôi đi xa một chút, đến Istanbul. Tôi nghĩ đến đền thờ Santa Sophia (nguyên là đền thờ sự Khôn ngoan của Thiên Chúa), và tôi rất đau lòng.
Chúa Nhật Biển
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha muốn nhớ đến những người làm việc ở biển, nhưng hiện tại, do đại dịch và hậu quả của việc đóng cửa nhiều hoạt động, họ đang gặp phải tình cảnh rất khó khăn. Chúa Nhật Biển thường diễn ra vào Chúa Nhật thứ hai của tháng 7 và được bắt đầu ở Anh 100 năm trước, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công việc của những người đi biển đối với nền kinh tế và để bảo vệ các quyền thường bị lãng quên của họ:
Tôi gửi lời chào trân trọng đến tất cả những người làm việc trên biển, đặc biệt là những người ở xa người thân và đất nước của họ. Tôi xin chào tất cả những người sáng nay tụ họp, cử hành Thánh lễ tại cảng Civitavecchia-Tarquinia.
Chào các tín hữu
Sau đó, Đức Thánh Cha chào các tín hữu hiện diện trong buổi đọc Kinh Truyền Tin:
Tôi xin chào tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các gia đình của Phong trào Focolare. Tôi chân thành cảm ơn các đại diện của hội Mục vụ Sức khỏe của Giáo phận Roma, và nghĩ đến nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đã ở bên cạnh các bệnh nhân trong thời gian đại dịch này. Xin cám ơn việc anh chị em đã làm và đang làm.
Hồng Thủy
2020
Giáo phận Bình Nhưỡng sẽ được dâng kính cho Đức Mẹ Fatima
Giáo phận Bình Nhưỡng sẽ được dâng kính cho Đức Mẹ Fatima
Trong Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình được cử hành hôm 25/06, ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Đức Hồng y Andrew Soo-jung Yeom, Tổng giám mục Seoul và cũng là Giám quản Tông tòa của giáo phận Bình Nhưỡng, đã thông báo rằng giáo phận Bình Nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn, sẽ được dâng kính cho Đức Mẹ Fatima.
Thánh lễ được cử hành hàng năm vào ngày kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên, dẫn đến sự phân chia đất nước. Năm nay, theo quyết định của năm ngoái, các lễ kỷ niệm mang tính giáo phận nhiều hơn quốc gia, nhưng các giám mục Hàn Quốc vẫn gửi một thông điệp chung, nhắc lại rằng nỗi đau của cuộc chiến vẫn còn tồn tại và kêu gọi hòa giải.
Giáo phận Bình Nhưỡng, Bắc Hàn
Giáo phận Đại diện Tông tòa Bình Nhưỡng đã được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nâng thành giáo phận vào năm 1962, khi Triều Tiên đã bị chia thành hai quốc gia. Trong nhiều năm, niên giám Tòa Thánh ghi rằng giáo phận được điều hành bởi Đức cha Phanxicô Hong Yong-ho và nếu theo niên giám, ngài đã sống hơn 100 tuổi (ngài sinh năm 1906). Chỉ vào năm 2013, ngài mới được xác nhận đã qua đời. Giám mục Hong là một trong 166 linh mục và tu sĩ bị mất tích không có tin tức sau khi chế độ cộng sản của ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) được thành lập vào năm 1949. Hiện tại, không có cử hành tôn giáo nào được phép ở Bắc Hàn.
Đức Hồng y Yeom sinh năm 1943 và ngài thuộc số ít các giám mục Hàn Quốc đã cảm nghiệm trực tiếp cuộc chiến Triều Tiên. Trong bài giảng, ngài nhắc rằng gần hai triệu người chết ở cả hai mặt trận bên cạnh thảm kịch của người tị nạn và cuộc bách hại các Ki-tô hữu.
Xây dựng một xã hội nhân bản và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Nhắc lại tất cả những sự kiện này, Đức Hồng Y yêu cầu hợp nhất “tất cả các nỗ lực và mọi tâm hồn để phục vụ theo cách nào đó cho việc xây dựng một xã hội trên bán đảo Triều Tiên, trong đó tất cả mọi người, cả miền Nam và miền Bắc, được giải phóng khỏi xiềng xích của quá khứ thông qua việc thanh tẩy ký ức, sống một cuộc sống thực sự nhân bản và trong một nền hòa bình thực sự mà Chúa ban cho chúng ta”.
Do đó, Đức Hồng Y tuyên bố rằng ngài sẽ thánh hiến giáo phận Bình Nhưỡng cho Đức Mẹ Fatima. Đây là một cử chỉ quan trọng, trong năm mà nhiều quốc gia đã được thánh hiến cho Đức Mẹ Fatima. (ACI 09/07/2020)
Hồng Thủy