2020
Caritas Bangladesh trợ giúp sau bão Amphan và lũ lụt
Caritas Bangladesh trợ giúp sau bão Amphan và lũ lụt
Tình hình ở Bangladesh vẫn rất nghiêm trọng. Trong những tuần gần đây, những cơn mưa xối xả do gió mùa đã gây ra lũ lụt ở 33 huyện phía Bắc, Đông Bắc và Đông Nam của đất nước. Ít nhất 1/4 diện tích đất liền Bengali vẫn bị nước nhấn chìm, trong khi gần 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hơn 5 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.
Chính phủ đã phân bổ 34,45 triệu taka (tương đương 407 nghìn đô la) cho trường hợp khẩn cấp và phân phát hơn 9 nghìn tấn gạo và gần 114 nghìn gói thực phẩm đông khô, cùng với các nhu yếu phẩm khác.
Giáo hội địa phương cũng đi đầu trong việc viện trợ cho những người bị ảnh hưởng thông qua Caritas quốc gia và địa phương. Trong những ngày vừa qua, Caritas Bangladesh đã phân bổ 500.000 taka cho viện trợ khẩn cấp, và các Caritas địa phương đã phân phát các nhu yếu phẩm cho 500 người bị ảnh hưởng. Nhân viên của tổ chức Caritas cũng hỗ trợ trong việc lấy nước sạch để uống và các nhu cầu khác.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang làm cho tình hình thêm phức tạp. Vì lý do này, các tình nguyện viên Caritas cũng tham gia giải thích cho những người di dời biết cách tôn trọng khoảng cách an toàn trong các cơ sở tạm trú.
Ông Jitas Julian Besra, giám đốc khu vực của Caritas Dinajpur cho biết: “Mọi người đang mất nhà cửa và hiện đang sống ngoài trời. Nhiều người đang rất cần thức ăn và nơi trú ẩn tốt hơn.” Ông Jitas kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng.
Lũ lụt trong những tuần gần đây, cũng ảnh hưởng đến Ấn Độ, Pakistan và Nepal, nằm trong số những trận lũ lụt tồi tệ nhất được ghi nhận trong những năm gần đây ở Bangladesh, đất nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão Amphan chỉ hơn hai tháng trước và hiện đang vật lộn với tình trạng khẩn cấp virus corona. (CSR_5710_2020)
Văn Yên, SJ
2020
Đức Tổng giám mục của Juba lên án vụ giết ba trẻ em ở Nam Sudan
Đức Tổng giám mục của Juba lên án vụ giết ba trẻ em ở Nam Sudan
Hôm 1/8, ba con gái, 4-7-9 tuổi, của ông Edward Jami Andrea, một giảng viên tại Đại học Upper Nile ở thủ đô Nam Sudan, đã bị giết khi các bé đang xem TV ở nhà một mình. Đức TGM Stephen Ameyu Mulla của thủ đô Juba đã lên án bằng “những từ mạnh nhất có thể” về hành động này.
Đức TGM Stephen nói với hãng tin Công giáo CNS: “Tôi không biết đó là hành vi trả thù hay giết người theo nghi thức, nhưng đây là những đứa trẻ vô tội mà người ta đã quyết định lấy mạng chúng. Tôi rất sốc và đau buồn vì những cái chết này.”
Đức cha Eduardo Hiiboro Kussala của giáo phận Tombura-Yambio, Nam Sudan gọi những kẻ giết người là “những kẻ hèn nhát quái dị”, đã tàn sát những đứa trẻ không phòng vệ. Ngài kêu gọi người dân Nam Sudan cùng lên tiếng lên án những kẻ sử dụng bạo lực giết người.”
Mặc dù Nam Sudan đã trải qua bạo lực và bất an trong nhiều năm, nhưng vụ việc này đã khiến cả nước lên án và phẫn nộ.
Cái chết của ba trẻ em này xảy ra khi đất nước đang thương tiếc 23 người khác bị giết tại một nhà thờ Anh giáo ở bang Jonglei phía đông vào đầu tháng 8. Hầu hết người chết trong cuộc tấn công vào nhà thờ ở làng Makol Cuel là phụ nữ và trẻ em. Nhiều trẻ em bị bắt cóc và hơn 500 gia súc bị cướp. Hai sự cố riêng biệt cho thấy sự bất an dai dẳng của đất nước Nam Sudan. (CNS 5/8/2020)
Văn Yên, SJ
2020
Vụ nổ ở Beirut: Bức tường nhà thờ sụp đổ trên một linh mục đang dâng thánh lễ
Vụ nổ ở Beirut: Bức tường nhà thờ sụp đổ trên một linh mục đang dâng thánh lễ
Đây là những hình ảnh khủng khiếp cho thấy sức mạnh của vụ nổ ở Beirut vào ngày thứ ba 4 tháng 8. Được máy thu hình của nhà thờ quay, chúng ta thấy hình ảnh của linh mục đang cử hành thánh lễ phải bỏ chạy khi các mảnh thạch cao và tường rơi xuống cha.
Hai vụ nổ với sức mạnh không thể tưởng tượng đã tàn phá và gieo rắc hoảng loạn khắp thủ đô Beirut và vùng ngoại ô vào ngày thứ ba, 4 tháng 8. Theo ước tính tạm thời, có ít nhất 100 người chết, 4.000 người bị thương và 300.000 người lâm vào cảnh không nhà. Các video phát hình cho thấy sức mạnh của vụ nổ và số nạn nhân ngày càng tăng.
Trong số các hình ảnh khủng khiếp này là hình ảnh được máy thu hình của một nhà thờ quay. Trong khi linh mục đang cử hành thánh lễ, vụ nổ đã phá toang tòa nhà, các mảnh thạch cao và tường rơi xuống linh mục và cha phải bỏ chạy.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
ĐTC gửi sứ điệp cho các bạn trẻ ở Đền thánh Đức Mẹ Mễ Du
ĐTC gửi sứ điệp cho các bạn trẻ ở Đền thánh Đức Mẹ Mễ Du
Nhân dịp các bạn trẻ quy tụ tại Đền thánh Đức Mẹ Mễ Du từ ngày 01-06/8 cho buổi cầu nguyện quốc tế, Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp cho buổi gặp gỡ này, trong đó ngài nhấn mạnh “chính Chúa Giêsu là Đấng mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa trọn vẹn”.
Các bạn trẻ ở Đền thánh Đức Mẹ Mễ Du
Đức Thánh Cha viết trong sứ điệp: “Tại Mễ Du, với cuộc quy tụ quốc tế, việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô sống động, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể và Hòa giải là điều có thể và như thế các con sẽ biết một lối sống khác. Đó không phải là cách sống của một văn hóa tạm thời, không phải thái độ sống tương đối mà là những câu trả lời chính xác và chắc chắn”.
Tiếp đến, dựa theo những lời hướng dẫn cho buổi gặp gỡ được trích từ Tin Mừng Gioan “Hãy đến và xem” (Ga 1, 39), Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ: “Đây là những lời Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, nhưng cũng là một phúc lành cho các con, hỡi các bạn trẻ! Chính Chúa Giêsu cũng hướng ánh mắt về các con và mời các con bước đi và ở lại với Ngài”.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Ở với Chúa mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa, Ngài làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ. Khi gặp Chúa Giêsu, chúng ta trở thành những con người mới và nhận lãnh sứ mệnh thông truyền kinh nghiệm này cho người khác”. Đức Thánh Cha lưu ý, trong sứ vụ này phải luôn giữ ánh nhìn vào Chúa. Vì thế, cần phải dành thời gian ở bên Chúa Giêsu, gặp gỡ, phó thác vào Ngài vì Chúa là chuyên gia của trái tim con người, Ngài lấp đầy Thần Khí và sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu đầy lôi cuốn.
Đức Thánh Cha giải thích chủ đề của cuộc gặp gỡ: “Hãy đến” là sự di chuyển hướng về Chúa Giêsu cả thể xác lẫn tinh thần, và “Hãy xem” nghĩa là cảm nghiệm Chúa và nhờ Ngài thấy được ý nghĩa trọn vẹn và dứt khoát sự hiện hữu của chúng ta.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha còn mời gọi các bạn trẻ hãy học nơi Đức Maria, mẫu gương “xin vâng” trước Thiên ý và tham gia vào cuộc mạo hiểm như Đức Mẹ. Đức Thánh Cha nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38) là mẫu gương đẹp nhất cho chúng ta biết điều gì xảy ra khi con người, trong tự do phó thác hoàn toàn vào Chúa. Vì thế, những lời cuối cùng của sứ điệp, Đức Thánh Cha hướng đến Đức Trinh Nữ: “Đức Maria là Người Mẹ luôn quan tâm đến chúng ta, những người con đang bước đi trong cuộc sống thường cảm thấy mệt mỏi, túng thiếu, nhưng mong muốn ánh sáng hy vọng không bị tắt”.
Với những lời lẽ chân tình trên, đây là sứ điệp mạnh mẽ nhất được Đức Thánh Cha trích dẫn từ Tông huấn “Christus vivit – Chúa Kitô sống”. Trong Tông huấn này Đức Thánh Cha đã viết: Các con cứ chạy, vì “được Tôn nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng ta tôn thờ trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con trong hành trình tiến về phía trước. Hội Thánh đang cần đà tiến của các con, cần những trực giác và đức tin của các con” (số 299)
Ngọc Yến