2020
Ơn gọi của cha Roberto Fiscer
Ơn gọi của cha Roberto Fiscer
Cha Roberto Fiscer, một linh mục trẻ người Ý được các bạn trẻ biết đến nhiều vì trước đây cha đã từng tham gia vào Disc Jocke. Cha còn là người sáng lập đài phát thanh web giáo xứ đầu tiên của giáo phận Genova “Radio Fra le note”, trong năm 2013.
Cha Roberto sinh tại Genova năm 1976. Mùa hè 2010, Roberto đã tạo ra một vũ trường Kitô đầu tiên ở Arenzano, Genova. Ơn gọi của cha Roberto là một trong những hoa trái của Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra tại Roma năm 2000.
Cuộc tìm kiếm nội tâm
Cuộc tìm kiếm nội tâm của cha Roberto đã có điểm dừng vào mùa hè năm 2000 trên đồng cỏ ở Tor Vergata khi cha quan sát niềm vui tràn ngập lôi cuốn của các linh mục. Trở về nhà, một tiếng nói sâu thẳm vang lên trong tâm trí Roberto: “Tại sao là họ mà không phải là tôi?”. Cha chia sẻ: “Từ lúc đó, trong tôi luôn có một sức đẩy và tôi không thể cưỡng lại được. Tôi phải vào chủng viện để trở thành linh mục. Tôi không có sự chọn lựa nào khác. Chúa Giêsu đã chụp bắt tôi từ một điều ‘vô nghĩa’ đang vây quanh tôi, làm cho tôi ngủ thiếp đi và giờ đây nó như một nồi hơi bị lỗi đang bùng nổ trong tôi”.
Phục vụ Chúa với khả năng Chúa ban
Nhờ kinh nghiệm trong quá khứ làm DJ và hoạt náo viên trên tàu du lịch, sua khi được chịu chức linh mục, cha Roberto vẫn giữ liên lạc với nhiều nghệ sĩ và vận động viên. Cũng nhờ những người bạn này mà “Radio Fra le note” đã ra đời, một chương trình phát thanh “của một thế giới khác”, cung cấp âm nhạc, vui chơi giải trí lành mạnh. Cha xác định đây là một radio được thực hiện do người trẻ để nói với giới trẻ.
Cha Robeto giải thích về hoạt động này: “Chúng tôi hát Tin Mừng ở các vùng ngoại vi như Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Đây là một hình thức mới của nhà nguyện mang lại tiếng nói cho con người thời nay, những người không phải lúc nào cũng muốn lắng nghe, do mọi hình thức của đau khổ và cô đơn đến từ cuộc sống hàng ngày”.
Từ đài phát thanh này đã nảy sinh các khóa học miễn phí cho piccoli disk jockey, nhà báo, diễn viên, đạo diễn. Đài phát thanh cũng đã tổ chức những ngày âm nhạc trên bãi biển trong suốt mùa hè.
Cha Roberto khẳng định: “Chúng tôi cố gắng tiếp cận các bạn trẻ bằng ngôn ngữ trực tiếp, ví dụ qua sự tham gia, làm việc dựa theo khả năng và cả sự yếu đuối của họ”.
Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi tôi
Trong cuộc tọa đàm với đài truyền hình TV 2000, cha Roberto chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ mình trở thành linh mục. Tôi làm việc trong các câu lạc bộ khiêu vũ. Tôi cảm thấy mình đã có một sứ vụ trên cõi đời này. Tôi vui khi nhìn thấy người khác vui với điệu nhạc, ngay cả khi tôi không cảm thấy hạnh phúc đó và là một cái gì đó đè nặng trong tôi. Mỗi tối, khi trở về nhà trong tôi vẫn còn hình ảnh ánh sáng, những nụ cười trao tặng cho người khác, nhưng tôi không thể giữ chúng lại cho tôi bởi vì mỗi người có lịch sử con đường và cả những vết thương. Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi tôi”.
“Và rồi giờ của Chúa đã đến. Vào năm thánh 2000 trong cuộc gặp gỡ Thánh Gioan Phaolô II, Chúa đã gọi tôi theo Ngài. Tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi ‘Trước đây con chơi nhạc, giờ đây con cũng chơi nhưng với một loại nhạc khác’. Lúc đó, tôi lắng đọng, dừng lại một chút, cảm nhận Chúa chọn tôi, tôi là người cuối cùng, trong Kinh Thánh cũng có nói đến những người được chọn sau cùng để làm cho những người tin rằng mình chẳng là gì, mình mỏng dòn, yếu đuối, bất xứng vẫn được Chúa đoái thương. Cảm nghiệm này đối với tôi thật là tuyệt vời”.
“Trong Năm Thánh, khi Thánh Gioan Phaolô nói có một số các bạn không hạnh phúc, tôi cảm thấy ngài đang nói với tôi. Tôi đang tìm kiếm hạnh phúc. Và lúc đó tôi thấy các linh mục đang ở xung quanh tôi đang chơi đùa, hướng dẫn các bạn trẻ, tôi cảm thấy thích và tôi đã chụp hình họ. Trở về nhà, những hình ảnh đó vẫn còn đọng lại trong tôi, lúc đó tôi cảm thấy một tiếng gọi bên trong và tôi cảm thấy điều tôi đang tìm kiếm là đây, những bức hình làm bằng chứng. Và chỉ mấy ngày sau tôi xin vào chủng viện. Ơn trở lại, một cuộc chiến nội tâm rất dữ dội, mạnh mẽ. Khi nhìn lại quá khứ tôi cảm thấy không xứng. Nhưng tôi cảm nhận Chúa nói bỏ lại hết chỉ cần nhìn về phía trước. Như thế tôi an bình”.
Chúa không chọn theo khả năng của chúng ta
Cha nói tiếp: “Trước đây tôi cũng có đến nhà thờ nhưng không thường xuyên. Và có những lúc linh mục đang giảng thì tôi lại đọc tạp chí thể thao vì tôi rất đam mê bóng đá. Nhưng đúng là Chúa không chọn chúng ta theo khả năng của chúng ta. Tôi trải nghiệm được tình yêu Chúa, tôi cầu nguyện con yếu đuối nhưng tôi nghe tiếng Chúa nói, trong yếu đuối của con Ta biểu lộ quyền năng của Ta, chấp nhận yếu đuối ta sẽ biểu lộ trong con sức mạnh của Ta”.
Giờ đây, làm việc với mọi người, cha Rober tiếp tục muốn gần gũi mới mọi người, không để mọi người đến nhưng theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô một Giáo hội đi ra ngay nơi ở của họ, trong quảng trường, trong các vũ trường, quán bar, chợ.
Ngọc Yến
2020
Cha David Lerouge mỗi ngày viết thư động viên giáo dân trong thời gian cách ly do đại dịch
Cha David Lerouge mỗi ngày viết thư động viên giáo dân trong thời gian cách ly do đại dịch
Cha David Lerouge, linh mục Giáo xứ Notre-Dame de la Baie ở Saint-Pair-sur-Mer (Manche), vừa cho xuất bản một cuốn sách gồm 60 lá thư mà cha đã gửi cho giáo dân trong thời gian bị cách ly dịch Covid-19. Những lá thư biểu lộ sự vui tươi, nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc và ấn tượng, đồng hành với khoảng 2.000 người trong suốt hai tháng bị cách ly.
Giáo dân không có Thánh lễ, linh mục không có giáo dân
Vào một buổi tối kia. Một buổi tối người Pháp phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày, từ thói quen, cách làm việc, cách sống đến cách cầu nguyện. Vào ngày 16/3/2020, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố cách ly xã hội trong ít nhất hai tuần để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hai tuần sau đó đã kéo dài thành hai tháng và trong hai tháng này giáo dân không có Thánh lễ … và linh mục thì không có giáo dân. Một cách nhanh chóng, các linh mục bắt đầu tiến hành việc quay phim cử hành Thánh lễ trực tuyến. Nhưng cha David Lerouge, linh mục chánh xứ của giáo xứ Notre-Dame de la Baie lại không cảm thấy thoải mái với hình thức này. “Một mình dâng lễ trước điện thoại. Không, tôi không muốn như thế. Tôi nghĩ tôi có thể làm điều khác, và tôi nghĩ đến việc viết thư. Tôi phải làm cách nào để có thể tiếp tục giúp giáo dân trong khi tôi sống một mình tại nhà xứ”, cha nói.
Sáng kiến viết thư cho giáo dân
Thế là hàng ngày, qua email cha bắt đầu gửi thư đến những người cha quen biết, các giáo dân. Đây là cách cha Lerouge đã chọn để nâng đỡ và gần gũi với cộng đoàn của cha.
Từ 400 người nhận thư khi đại dịch bắt đầu, rồi ngày tháng trôi qua dần dần tăng lên 800. Một số người đã chuyển tiếp các thư này qua mạng internet. Mỗi thư cha viết khoảng 2.000 từ. Lúc đầu cha thảo những lá thư này vào buổi sáng, và gửi vào buổi trưa. Sau vài ngày, cha quyết định phải gửi các thư đó vào lúc 6 giờ sáng để mọi người có thể theo dõi trong suốt cả ngày.
“Nhưng những lá thư này sẽ nói về điều gì đây?”, cha tự hỏi và chia sẻ tiếp: “Giống như mọi người trong giai đoạn đầu của đại dịch, tôi không biết mọi người sẽ hoạt động như thế nào trong những ngày tiếp theo. Nhưng tôi tin sự bất an và xáo trộn này có thể biến thành sức mạnh và năng động thực sự”. Và đó là những điều cha Lerouge muốn nói đến trong các lá thư. Những câu hỏi, những nghi ngờ nhưng cũng đầy hy vọng, sáng tạo và niềm vui, tất cả những điều này mang lại hương vị rất đặc biệt cho cuộc sống hàng ngày.
Thứ Tư 25/3, cha Lerouge viết: “Chúng ta chỉ muốn giữ lại một khoảnh khắc, nhưng Thiên Chúa loan báo trong một thời gian dài để trao tặng hồng ân. Chúa Kitô đến để đưa chúng ta trở về hiệp nhất với cuộc sống của chính chúng ta, nơi mà sự nhiệt tình và thử thách, sự đơn giản và khó khăn đều hiện hữu”.
Thư truyền tải sứ điệp tích cực
Trong các lá thư, cha Lerouge cũng không ngần ngại kể lại những câu chuyện riêng của cha với mục đích truyền tải một sứ điệp. Ví dụ, trong một cuộc gọi mà cha nhận được từ người chị vào ngày 01/4. Một cuộc gọi đường truyền không ổn làm cho người chị không nghe thấy cha nói gì. Ngày hôm sau, chị viết thư cho cha và kể: những đứa con của chị, muốn chơi một trò đùa “Cá tháng Tư” nên đã dán miếng băng keo lên điện thoại. Cha nói về điều này như sau: “Tất nhiên đây là một câu chuyện thú vị, nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời để tự hỏi về ‘những miếng băng keo’ của chúng ta! Tôi tưởng tượng rằng trong thời điểm khó khăn này, chúng ta cũng có những miếng băng keo làm Chúa phiền lòng. Mặc dù vậy, chúng tôi không làm việc quá tệ … Cho dù ngày giờ của chúng ta bị kéo dài bởi thời gian biểu và sự im lặng nặng nề của xã hội, người ta vẫn có thể nghe rõ những âm thanh bị bóp nghẹt bởi một nhịp sống thường ngày của thành phố, vì những miếng băng keo”.
Để gia tăng niềm vui cho cho những người nhận sứ điệp, cha còn trang trí các lá thư với khung cảnh nhà xứ, cảnh hoàng hôn và bình minh. “Thật đơn giản, nhưng đôi khi cũng đủ để sưởi ấm tâm hồn mọi người vào những ngày không không mong muốn này”, cha nói. Như trong bất kỳ mối quan hệ viết thư nào, một số người đã hồi âm khích lệ cha, nói với cha rằng thư của cha đã làm họ xúc động như thế nào. Một số người khác lại chia sẻ với cha sự buồn phiền mà họ cảm nhận khi không có Thánh lễ.
“Đó là cách tôi cảm thấy gần gũi và nâng đỡ cộng đoàn của mình hàng ngày”, cha David Lerouge chia sẻ. Để kết thúc những bức thư cha đã viết như sau: “Tôi đảm bảo với các bạn về tình bạn sâu sắc nhất của tôi”. Một tình bạn thiêng liêng nảy sinh trong suốt thời gian cách ly với “bí tích thiêng liêng”. Cha quả quyết: “Trong cộng đoàn giáo xứ, chúng tôi đã tiến bước với cùng một tốc độ. Một điều chúng tôi học được trong thời gian này đó là sự khiêm nhường thực sự: Chúng ta không thể kiểm soát được thời gian. Nhưng nhờ có Chúa chúng ta cùng nhau tiến lên theo dòng thời gian, chúng ta học được cách sống trong sự hiện diện của Ngài”.
Ngọc Yến
2020
ĐTC bổ nhiệm ông Maximino Caballero Ledo làm Tổng Thư ký Bộ Kinh tế Tòa Thánh
ĐTC bổ nhiệm ông Maximino Caballero Ledo làm Tổng Thư ký Bộ Kinh tế Tòa Thánh
“Trong tất cả các cơ hội nghề nghiệp khác mà tôi có thể tưởng tượng, đây là cơ hội tôi chưa bao giờ nghĩ đến…”. Ông Maximino Caballero đã nói như trên khi đón nhận việc bổ nhiệm của Đức Thánh Cha, được công bố ngày 04/8, theo đó ông sẽ là Tổng Thư ký, nhân vật mới thứ hai của Bộ Kinh tế Tòa Thánh do cha Juan Antonio Guerrero làm Tổng trưởng.
Ông Caballero sinh năm 1959, tại Mérida,Tây Ban Nha; kết hôn cách đây 31 năm và có hai con. Ông đã phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Madrid, ông đã làm việc 20 năm giữa Barcelona và Valencia, trong vai trò là người đứng đầu tài chính ở một số nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Năm 2007, ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ, và sinh sống ở đó cho đến nay.
Trong thời gian ở Hoa Kỳ, ông Caballero đã giữ nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực Tài chính của Baxter Healthcare Inc., công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Deerfield, Illinois. Ông từng là Phó Chủ tịch Tài chính cho châu Mỹ Latinh, Phó Chủ tịch Tài chính Quốc tế và Phó Chủ tịch Tài chính Hoa Kỳ, đồng thời là lãnh đạo các dự án toàn cầu cho công ty.
Tân Tổng Thư ký Bộ Kinh tế giải thích: “Trong nhiều năm, Hoa Kỳ và Baxter đã là nhà của tôi. Ở đây tôi có cơ hội vừa phát triển chuyên ngành vừa tương tác với mọi người và các dự án từ khắp nơi trên thế giới. Công việc của tôi cho phép tôi tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau và giúp tôi hiểu tầm quan trọng và sức mạnh của sự đa dạng. Ở cấp độ cá nhân, tôi cảm phục mức độ tham gia của các tín hữu ở đất nước này với Giáo hội và lòng quảng đại của họ trong việc hỗ trợ giáo xứ và các hoạt động xã hội”.
Ông Caballero và cha Juan Antonio Guerrero là bạn từ thời thơ ấu cho đến đại học. Sau đó, mặc dù mỗi người đi theo con đường riêng nhưng vẫn tiếp tục giữ liên lạc với nhau. Ông Caballero bày tỏ : “Khi cha Guerrero đề xuất dự án này, một danh sách dài các lý do xuất hiện trong tâm trí để tôi từ chối đề nghị này: gia đình tôi định cư tại Hoa Kỳ; tôi phải xa các con; xa ngôi nhà … Tuy nhiên, vợ tôi và tôi, chúng tôi đã biết ngay từ giây phút đầu tiên rằng tiếng gọi của Chúa đến từ những hình thức rất khác nhau, và đây là của chúng tôi. Vì vậy, chỉ có một câu trả lời: ‘xin vâng'”.
Sau khi từ chức khỏi chức vụ hiện tại, tân Tổng Thư ký mới của Bộ Kinh tế và vợ sẽ chuyển đến Roma trong vài ngày tới. Ông sẽ bắt đầu sứ vụ vào giữa tháng tám.
Chia sẻ về sứ vụ mới ông Caballero nói: “Cho rằng Giáo hội chỉ là vấn đề của các linh mục và nữ tu, và chúng tôi, giáo dân chỉ là khán giả được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, giáo dân có một nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện trong Giáo hội. Chúng ta đều là thành viên của cùng một thân mình và tất cả chúng ta đều có sứ mệnh”.
Ông Caballero kết luận: “Đối với tôi, có thể cộng tác với Tòa Thánh, phục vụ Đức Thánh Cha, là một vinh dự và trách nhiệm lớn. ‘Tài năng’ của tôi là kinh nghiệm và công việc của tôi, và tôi hy vọng với nó tôi có thể làm phần việc của mình và hợp tác trong sự minh bạch về kinh tế của Tòa Thánh. (CSR_5660_2020)
Ngọc Yến
2020
Phát hiện dấu tích một nhà thờ Byzantine ở Thánh Địa
Phát hiện dấu tích một nhà thờ Byzantine ở Thánh Địa
Trong những ngày vừa qua, trong quá trình khai quật, Cơ quan cổ vật Israel và Học viện Đại học Kinneret đã phát hiện những dấu tích của một ngôi Nhà thờ Byzantine nằm cách Núi Tabor 10 km, thuộc làng Kfar Kama.
Những gì được phát hiện cho thấy sự hiện diện của một Nhà thờ ở thế kỷ VI với ba khu vực cầu nguyện, có lẽ là một phần của một khu phức hợp đan viện. Vui mừng về phát hiện này, Đức cha Youssef Matta, Tổng Giám mục của Giáo hội Công giáo Melkite đã đến thăm địa điểm khai quật.
Trong số các phát hiện, một thánh tích nhỏ
Nhà khảo cổ Nurit Feig của Cơ quan cổ vật Israel cho biết: Nhà thờ rộng 12 mét và dài 36 mét, bao gồm một khoảng sân rộng, một hành lang dành cho các dự tòng và các hối nhân và một hội trường trung tâm. Gian giữa và các khu vực bênh cạnh được lát bằng khảm. Các trang trí đa sắc nổi bật với các họa tiết hình học và hoa màu xanh, đen và đỏ. Trong số các phát hiện được khai quật, có một thánh tích nhỏ được tạo thành từ một hộp đá.
Các giả thuyết khác nhau về Kfar Kama
Vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cũng tại Kfar Kama, một nhà thờ nhỏ với hai nhà nguyện đã được phát hiện, hầu hết có lẽ có từ nửa đầu thế kỷ thứ sáu. Theo giáo sư Moti Aviam của Học viện Đại học Kinneret đó phải là nhà thờ làng, trong khi tòa nhà mới được phát hiện là một phần của một tu viện ở cạnh của trung tâm có sự hiện diện của dân cư.
Khám phá mới nhấn mạnh tầm quan trọng địa điểm Kitô giáo Kfar Kama trong kỷ nguyên Byzantine. Trước đây, một số nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết rằng trung tâm đô thị hiện tại có thể trùng với Helenopolis cổ đại, được thành lập bởi hoàng đế Costantino để vinh danh mẹ ông là bà Elena. Tuy nhiên, một giả thuyết khác lại đặt Helenopolis ở ngôi làng Daburiyya gần đó. “Nghiên cứu của chúng tôi nhằm xây dựng lại mối liên kết giữa ngôi làng và khu vực xung quanh”, ông Aviam giải thích, nhưng vẫn để lại một số câu hỏi mở: “Nếu Kfar Kama là một thành phố quan trọng trong thời cổ đại, có phải tất cả đều có mối quan hệ với các làng xung quanh? Và có những ảnh hưởng nào giữa thành phố và các đan sĩ?”. (CSR_5641_2020)
Ngọc Yến