2020
CDC cảnh báo: Các thiếu nhi nhiễm COVID-19 có triệu chứng khác với bình thường và dễ chết hơn.
Theo bản tin cuả CDC (Centers for Disease Control and Prevention) mà các hệ thống truyền thông vừa đăng tải, thì các thiếu nhi dưới 10 tuổi vẫn có thể bị lây nhiễm và chết vì COVID-19 một cách bí ẩn, nghiã là trong khi những triệu chứng bên ngoài không có vẻ như các em đã bị lây dịch.
Một thí dụ do NBC News cho thấy một em trai 10 tuổi tên là William bỗng thức dây vào buổi sáng với một triệu chứng cổ cứng và đau bụng, nhưng mau chóng tay và chân cuả em sưng lên và nhiệt độ lên tới 104. Khi đưa tới bệnh viện Pittsburgh thì William đã bắt đầu khó thở!
CDC gọi đó là Hội chứng viêm đa hệ (MIS-C), một hội chứng viêm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến virus coronavirus. Nó có chung các triệu chứng cuả những bệnh sốc nhiễm độc và bệnh Kawasaki, tức là bị sốt, phát ban, sưng hạch và trong trường hợp nghiêm trọng là viêm tim.
Nói cách nôm na thì các triệu chứng bề ngoài có thể thấy được là ban da, đỏ mắt, sốt, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa.
Bác sĩ Kevin Friedman, bệnh viện Nhi Đồng ở Boston, cho biết: “Điều này xảy ra trong khoảng từ ba đến sáu tuần sau khi tiếp xúc với một người bị COVID cấp tính. Trong một số trường hợp, người ta thậm chí không biết là các em bị nhiễm COVID vì không hề có triệu chứng cấp tính”.
Chỉ mới có bốn tháng trong muà dịch mà đã có 600 trẻ em ở Mỹ bị phát hiện là nạn nhân cuả MIS-C trong đó 10 em đã chết. Mà đó chỉ là những trường hợp đã được bá cáo lên CDC.
Vào tháng 5, CDC đã xuất bản một cẩm nang với chi tiết về hội chứng MIS-C và yêu cầu các bác sĩ lâm sàng báo cáo các trường hợp nghi ngờ của Hoa Kỳ cho các sở y tế địa phương và tiểu bang.
Ai có nguy cơ cao nhất?
Theo các chuyên gia, gần 3/4 số bệnh nhân là người gốc Latinh hoặc người Mỹ gốc Phi.
Tuổi trung bình của bệnh nhân là tám tuổi và hơn một nửa là con trai.
CDC cũng báo cáo rằng hầu hết các em bị nhiễm đều có tình trạng béo phì.
Và gần hai phần ba số các em bị bệnh cần phải cấp cứu ở ICU.
CDC cũng cho biết các báo cáo về COVID-19 ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh cũng cho thấy hội chứng này đã xuất hiện ở những quốc gia trên.
Trần Mạnh Trác
2020
Lời tiên tri năm 1976 của cha Michael Scanlan và những sự kiện năm 2020
Lời tiên tri năm 1976 của cha Michael Scanlan và những sự kiện năm 2020
Ralph Martin và Renewal Ministries đã tạo sự chú ý đến lời dự đoán đã được 44 năm, hiện nay có tính tiên tri đặc biệt.
Cha Michael Scanlan và Ralph Martin trò chuyện tại trường quay EWTN
Khi các nhà lãnh đạo của Phong trào Canh tân Đặc sủng Công Giáo nghe về Cha dòng Phanxicô, Michael Scanlan, hiệu trưởng Đại học Steubenville của dòng Phanxicô, đưa ra lời tiên tri vào năm 1976 về thời gian vô trật tự và các nhà thờ bị đóng cửa, không ai nghĩ rằng một viễn cảnh như vậy sẽ xảy ra sớm – hay vào một lúc nào đó.
Ralph Martin nói: “Chúng ta đã không gạt bỏ lời tiên tri đó, nhưng chúng ta cách nào đó đặt nó qua một bên”. Bây giờ, sau 44 năm, thông điệp ấy đã ứng nghiệm, khi những sự kiện dường như quá khích mà nó đề cập đang xảy ra.
Kể từ khi phát hiện ra lời tiên tri trong khi nghiên cứu về một quyển sách mới, Martin, Chủ tịch Renewal Ministries, đã tìm cách truyền bá và đưa ra những ghi nhận về thông điệp đó – không chỉ vì thông điệp đề cập đến những sự tiến triển hiện thời, mà vì nó đưa ra phương hướng để đáp ứng cho thời điểm như hiện nay.
“Có một sự chỉ dẫn và một hi vọng thực sự nào đó trong thông điệp, bởi vì, rõ ràng, Chúa biết điều này sẽ xảy ra cách đây 44 năm và Ngài muốn chuẩn bị trước cho chúng ta”.
Mặc dù lời tiên tri nói trước về sự vô trật tự và các nhà thờ phải gắn song chắn cửa, nó nói như thế trong bối cảnh nhằm kêu gọi người nghe xem họ có sẵn lòng chỉ dựa vào một mình Chúa hay không: “Con có muốn thấy cảnh không luật pháp, không trật tự, không có sự bảo vệ nào cho con ngoại trừ điều mà chính Ta sẽ ban cho con không?… Con có muốn thấy cảnh không tổ quốc – không có tổ quốc nào để gọi là của riêng con ngoại trừ những nước mà Ta ban cho con làm thân mình của Ta không?… Con có sẵn sàng đặt nền tảng cuộc sống của bạn chỉ nơi Ta chứ không nơi bất kì một cơ cấu đặc thù nào?”
Ơn tiên tri
Martin nói những người, như Cha Scanlan, mất năm 2017, nói những thông điệp như vậy được cho là có ơn tiên tri, như được mô tả trong thư Êphêsô của Kinh Thánh Tân Ước. Ông nói tiếp ơn này cũng như những ơn khác được ban cho để xây dựng Giáo Hội, và, mặc dù được gắn với phong trào Canh tân đặc sủng, chúng được coi là một phần cuộc sống bình thường của người Công giáo.
Martin cũng đã đưa ra nhiều lời tiên tri, bao gồm một lời vào năm 1975: “Những ngày tối tăm đang bao trùm thế giới, những ngày hoạn nạn… Các tòa nhà hiện đang đứng vững sẽ không còn tồn tại. Những sự nâng đỡ dành cho dân ta giờ sẽ không còn nữa”.
Tuy nhiên, Martin cho biết ông coi thông điệp của Cha Scanlan là cụ thể hơn trong các lời nhắc tới tội ác và hỗn loạn mà nhiều người Mỹ đang nhìn thấy trên đường phố theo sau cái chết của George Floyd và trong sự đề cập đến các nhà thờ ở nơi đây và ở các nước khác đang bị đóng cửa vì coronavirus. Martin nói các ám chỉ trong lời tiên tri về các sự độc lập của cơ sở trường học và giáo xứ cũng rất có giá trị, khi các giáo phận trên khắp cả nước chật vật về mặt tài chính.
Tuy nhiên, Martin nói có những bài học quan trọng cần được học trong lúc người Công giáo và những người khác từng trải qua các biến cố được viện dẫn trong lời tiên tri của Cha Scanlan. Ông nói trong thời gian đóng cửa vì coronavirus, khi giáo xứ của ông có Thánh lễ trực tuyến, cha sở của ông đã chỉ ra bốn cách Chúa Kitô hiện diện: trong Bí tích Thánh Thể, trong con người của linh mục, trong lời Thiên Chúa và trong tâm hồn chúng ta.
Martin nói khi hai cách đầu không có sẵn, người Công giáo có thể thêm hiểu biết và đánh giá đúng về hai cách còn lại. “Chúng là những điều quan trọng mà chúng ta có thể học trong thời gian này, nhưng nhiều người trong chúng ta chưa học được điều đó. Chúng ta quá phụ thuộc vào các cơ chế Giáo Hội đến độ chúng ta sẽ thấy rất khó khăn nếu chúng bị lấy đi một lần nữa”.
Hưởng ứng vang dội
Phản hồi mà thông điệp nhận được kể từ khi được đăng tải trên YouTube, Facebook và blog của Renewal Ministries và được chia sẻ trên truyền hình của phong trào tông đồ và các chương trình phát thanh cho thấy một tiếng vang đáng kể. Trong lần kiểm tra sau cùng, Martin cho biết video trên YouTube đã có hơn 153.000 lượt xem, lượt đăng kí kênh YouTube của Renewal Ministries đang tăng lên, và video này được dịch sang các tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha và Nhật.
Martin nói: “Tôi cảm thấy mọi người đang bồn chồn, lo lắng và hoang mang. Người ta cảm thấy mất phương hướng. Họ không biết sự gì sắp xảy ra với đất nước của mình… Tôi nghĩ mọi người thực sự lo lắng về những gì đang xảy ra ở Mỹ: sự phân cực, thù hận, phi lý, thù địch đối với Chúa Kitô và Giáo Hội ở một số lĩnh vực nào đó. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến đấu thiêng liêng khủng khiếp đang tự bộc lộ bằng nhiều cách rất hữu hình”.
Martin nói ông tin rằng cách đáp trả tốt nhất với mọi chuyện đang xảy ra là tìm kiếm Chúa khi Ngài còn cho gặp. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nghiêm túc về Thiên Chúa và bắt đầu lưu tâm đến Ngài một cách chú tâm hơn, nhiệt thành hơn so với nhiều người trong chúng ta đã làm. Chúng ta cần phải rất nghiêm túc về đức tin của mình”.
Thông điệp cũng kêu gọi một sự dấn thân sâu sắc hơn đối với nhau, khi nói rằng: “Đó là một điều tuyệt đối cần thiết cho những người đặt cuộc sống của họ nơi Ta chứ không phải các cơ cấu nơi một thế giới ngoại giáo”. Martin nói điều này có nghĩa là người Công giáo không thể là những con số vô danh đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, nhưng họ phải nối kết với anh chị em trong Chúa Kitô ở nơi lân cận và trong môi trường làm việc của họ. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tìm những tín hữu trong các khu vực lân cận của mình và bắt đầu tìm hiểu họ và cầu nguyện với nhau”.
Trong bình luận của mình, Martin còn nói về việc bắt đầu xây dựng các “Hội Thánh tại gia”, không phải để thay thế cho việc đi lễ ở giáo xứ, mà để làm nơi tạo nên sự khao khát Thánh lễ.
Martin nói việc phát hiện ra lời tiên tri, được xuất bản trên tạp chí New Covenant (Giao Ước Mới) của phong trào Canh tân Đặc sủng vào tháng 3 năm 1976, nhắc ông về cách tiên tri Nơkhêmia trong Cựu Ước tìm thấy sách Đệ nhị luật trong Đền Thờ ngay lúc khôi phục lại Israel. Mặc dù ông không coi thông điệp của Cha Scanlan có mức độ quan trọng như thế, nhưng ông nói: “Đôi khi Chúa cho một số điều ẩn giấu trong một thời gian và được phát hiện đúng lúc”.
‘Chúa có một kế hoạch’
Martin nói việc cậy dựa vào sự bảo vệ của Thiên Chúa không có nghĩa là bảo thủ và để bóng tối bao trùm.
“Tôi nghĩ chúng ta phải chiến đấu chống lại bóng tối. Hãy là ánh sáng; là muối; là phúc lành; là lòng thương xót đối với mọi người. Hãy tham gia vào hệ thống chính trị của chúng ta bằng cách bỏ phiếu cho những điều biểu trưng cho các giá trị của Nước Trời. Hãy làm việc để giữ các trường học và giáo xứ hoạt động. Chúng ta không được bỏ cuộc, mà Chúa đang nói rằng một điều gì đó lớn hơn đang xảy đến. Chúng ta cần để tâm về điều Chúa nói. Chúng ta cần tin chắc rằng nếu các trường học đóng cửa, giáo xứ đóng cửa, thì đó không phải là tận thế bởi vì Chúa đang điều khiển và có một kế hoạch và mục đích cho chúng ta. Nếu các toà nhà đó đóng cửa, những điều khác sẽ mở ra”.
Mặc dù sắc thái của thông điệp trang nghiêm, Martin nói ông tin rằng những lúc này sẽ dẫn đến tình yêu và hi vọng to lớn. Câu cuối cùng lời tiên tri nói rằng: “Khi con thấy tất cả mọi thứ ngưng trệ, khi con thấy mọi thứ bị lấy đi mà trước giờ được coi là chuyện đương nhiên và khi con chuẩn bị sống không có những thứ này, thì con sẽ biết Ta đang chuẩn bị điều gì”.
Martin nói điều này cho thấy rằng những sự đang xảy ra không phải do các thế lực ngoài tầm kiểm soát. “Thiên Chúa quyết định cho phép những sự này xảy ra. Ngài không lo lắng. Ngài có một kế hoạch tạo nên sự tốt đẹp”.
Martin nói ông sẽ thúc giục mọi người chú ý đến thông điệp bằng cách thắt chặt tương quan với Chúa, đặt những điều ưu tiên của họ đúng chỗ và phát triển các tương quan với anh chị em trong Chúa Kitô. Một số điều trong lời tiên tri hiện tại đang xảy ra còn những điều khác có lẽ không xảy ra vào ngày mai. “Nhưng nếu không quay về với Thiên Chúa cho đủ, thì Ngài cũng sẽ không bỏ rơi chúng ta trong sự thờ ơ, bất trung và tội lỗi. Ngài sẽ tìm những lối khác”.
Martin nói Chúa thường dùng những hoàn cảnh đớn đau và khó khăn để thu hút sự chú ý của chúng ta, bằng cách nhắc lại một câu trích từ C.S. Lewis: “Chúa thì thầm với chúng ta trong những vui thích của ta, Ngài nói trong lương tâm ta, nhưng hét lên trong nỗi đau của ta. Đó là cái loa để Ngài đánh thức một thế giới thờ ơ”.
Judy Roberts – Ngày 25 tháng 6 năm 2020
Biên dịch: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
2020
Đức Thánh Cha Phanxicô và các Linh Mục bí thư
Trong 7 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô thay đổi 5 Linh Mục bí thư riêng, một điều khác hẳn thói quen của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm. Ngày 01/08/2020, báo chí Công Giáo đưa tin: ĐTC Phanxicô đã chọn một LM bí thư riêng mới; đó là cha Fabio Salerno.
Linh Mục bí thư thứ 5
Ngày 01/08/2020, báo chí Công Giáo ồ ạt đưa tin: ĐTC Phanxicô đã chọn một LM bí thư riêng mới để thay thế Đức Ông Yoannis Lahzi Gaid, 45 tuổi, người Ai Cập, mãn nhiệm ngày 31/07/2020 sau 6 năm phục vụ cạnh ngài. Đó là Cha Fabio Salerno, năm nay 41 tuổi (1979), thuộc Tổng giáo phận Catanzaro, miền nam nước Ý. Sau khi tốt nghiệp trường ngoại giao Tòa Thánh, cha được gửi đi phục vụ tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Indonesia, rồi sau đó tại Phái Bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh cạnh Hội đồng Âu Châu ở Strasbourg bên Pháp, trước khi về phục vụ tại Bộ ngoại giao Tòa Thánh. Trong nhiệm vụ mới, cha Fabio Salerno cùng với cha Gonzalo Aemilius, 41 tuổi người Uruguay, phụ giúp ĐTC trong những công việc thường nhật.
Các bí thư của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm
Khác với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, trong 7 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã có tới 5 vị bí thư riêng. Và đây cũng là một đặc điểm của ngài được dư luận đặc biệt chú ý. Thực vậy, các vị Giáo Hoàng trước đây thường có vị bí thư riêng, bí thư thứ I, lưu nhiệm cho đến khi các vị qua đời. Ví dụ thánh Gioan 23 có Đức Ông Loris Capovilla, Thánh Phaolô 6 có Đức Ông Pasquale Macchi, Thánh Gioan Phaolô 2 có Đức Ông Stanislaw Dziwisz, nay là Hồng Y nguyên TGM Cracovia. Đức Ông Dziwisz làm bí thư trong 40 năm trời và ĐTC Gioan Phaolô 2 cũng chọn các bí thư thứ hai để phụ giúp Đức Ông Dziwisz, trong đó có Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, làm bí thư thứ 2 trong 8 năm từ 1988 đến khi về hưu năm 1996 lúc được 78 tuổi.
ĐGH Biển Đức 16 có Đức Ông Georg Gaensein, 64 tuổi (1956) hiện vẫn là vị TGM phụ giúp ngài. Các vị bí thư đó là những nhân vật được biết đến nhiều trong dư luận quần chúng, nhiều khi các vị đó còn giữ những vai trò ngoài nhiệm vụ bí thư riêng.
Đặc điểm của ĐTC Phanxicô
Đối với ĐTC Phanxicô thì sự việc thay đổi. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã làm nhiều người ngạc nhiên vì không mang theo từ Buenos Aires một cộng sự viên thân tín nào, và ngài luôn yêu cầu các bí thư riêng của ngài hết sức kín đáo và dè dặt. Ngay sau khi đắc cử, ĐGH Phanixcô thừa hưởng vị bí thư do ĐGH Biển Đức 16 để lại, đó là Đức Ông Alfred Xuereb người Malta. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngài cử Đức Ông Xuereb làm đại biểu của ngài tại Ủy ban Tòa Thánh về Viện Giáo Vụ, tức là Ngân hàng Vatican, rồi chuyển sang làm Tổng thư ký Bộ kinh tế từ năm 2014 và sau cùng thăng TGM Sứ thần Tòa Thánh đưa đi nơi xa xăm, tại Hàn quốc và Mông Cổ từ năm 2018.
Đức Ông Pedacchio Leaniz
Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng hồi tháng 3 năm 2013, ĐTC Phanxicô cũng chọn Đức Ông Fabian Pedacchio Leaniz, người Argentina, làm bí thư riêng. Vị LM này lúc đó 49 tuổi, thuộc tổng giáo phận Buenos Aires và chính ĐHY Jorge Bergoglio đã nhường cho Tòa Thánh để phục vụ như một viên chức tại Bộ Giám Mục. Mỗi khi có dịp đến Roma để hội họp hoặc công tác, ĐHY Bergoglio vẫn trọ tại nhà giáo sĩ quốc tế nơi Đức Ông Fabian cư ngụ.
Đức Ông Xuereb
Sau khi Đức Ông Xuereb chuyển qua Bộ Kinh Tế, cùng năm 2014, ĐTC chọn thêm một vị bí thư thứ hai là Đức Ông Lahzi Gaid, thuộc Giáo Hội Công Giáo Copte Ai Cập. Đức Ông gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh và bắt đầu phục vụ từ năm 2007, đặc biệt tại hai tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Irak và Giordani.
Đức Ông Gonzalo
Mãn 6 năm phục vụ, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Đức Ông Fabian ngưng làm bí thư riêng của ĐTC cuối năm 2019 lúc được 55 tuổi và trở về Bộ GM tiếp tục phục vụ như một viên chức từ năm 2007, và ngày 21/01 năm nay (2020), Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Matteo Bruni, chính thức thông báo: ”ĐTC đã gọi cha Gonzalo Aemilius, thuộc giáo phận Montevideo, Uruguay, làm bí thư riêng của ngài. Cha Gonzalo 41 tuổi, sinh ngày 18/09 năm 1979, thụ phong LM ngày 06/05/2006 và là một tiến sĩ thần học”. Đây là lần đầu tiên Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo một tin như vậy, vì từ trước đến nay, việc bổ nhiệm bí thư như thế được coi là một chuyện riêng tư của ĐGH.
Báo chí nhắc lại rằng ĐTC Phanxicô đã biết cha Gonzalo trước đó. Thực vậy, sáng ngày 17/03/2013, Đức Phanxicô mới được bầu làm Giáo Hoàng 4 ngày, trong lúc chào thăm đám đông, ngài nhìn thấy cha Gonzalo và mời theo ngài vào nhà thờ thánh Anna ở cổng Vatican, nơi ngài sắp cử hành thánh lễ đầu tiên với các tín hữu sau khi đắc cử Giáo Hoàng. Sau lễ, ĐTC gọi cha Gonzalo đến gần, giới thiệu với tất cả mọi người, và xin cầu nguyện cho vị linh mục và công việc của cha với các trẻ bụi đời ở Uruguay.
Vậy là hai bí thư riêng của ĐTC hiện nay đều 41 tuổi, và chưa có tước ”Đức Ông”. Đức Ông Lahzi Gaid không tiếp tục ngành ngoại giao Tòa Thánh nhưng trở về Ai Cập phục vụ trong Giáo Hội nguyên quán. Theo qui luật mới do ĐTC Phanxicô đề ra, các LM triều ở các Giáo Hội địa phương, chỉ có thể được tước ”Đức Ông” khi tròn 65 tuổi, tuy rằng qui luật này không áp dụng có các LM triều phục vụ tại Tòa Thánh.
Công việc của các linh mục bí thư
Đối với ĐTC Phanxicô, các LM bí thư của ngài làm các công việc bình thường như nhắc nhở ngài về agenda, những công việc cần làm đã lên chương trình, trực điện thoại, đón tiếp những người đến thăm ĐTC trong căn hộ riêng ở nhà trọ thánh Marta, giúp lễ riêng. v.v.. LM bí thư cũng là người lập danh sách những ai được vào dự lễ riêng ĐTC cử hành thường thường lúc 7 giờ sáng tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta, v.v..
Chủ trương của ĐTC Phanxicô
ĐTC không muốn các LM bí thư của ngài trở thành những người ”có quyền thế”, sắp xếp cho những ai được lui tới với ngài, hoặc đi quá vai trò ”khiêm hạ” của mình. Để ngăn ngừa những cám dỗ đó, giải pháp ĐTC Phanxicô đề ra thật là đơn giản: ngài muốn các bí thư riêng của ngài không phải là những người làm trọn giờ cho nhiệm vụ này, vì thế, họ được chọn trong số những người đã có một công việc trong giáo triều và thường chỉ làm việc một nửa giờ cho vai trò bí thư riêng.
Người ta cũng ghi nhận một điều: đối với các vị Giáo Hoàng trước đây, các Đức Ông bí thư luôn đi theo ngài như hình với bóng, nhưng đối với ĐTC Phanxicô, cả trong các cuộc tông du, các cuộc viếng thăm ở hải ngoại, người ta không thấy có linh mục bí thư đi theo.
Thời gian phục vụ có hạn định
Ngoài ra, một ý tưởng ĐTC đề ra là các LM phục vụ tại Tòa Thánh chỉ làm việc 5, 6 năm, rồi trở về giáo phận hay dòng tu nguyên quán của mình, cùng lắm có thể gia hạn một nhiệm kỳ nữa trong công tác làm bí thư riêng. Biện pháp này tránh cho đương sự khỏi cám dỗ theo đuổi con đường ”công danh sự nghiệp” trong giáo triều, và đàng khác để giáo phận hay dòng tu của đương sự không bị ”hy sinh” luôn một linh mục. Theo báo chí, đây là biện pháp có thể được đưa vào trong Tông Huấn mới về giáo triều Roma ”Praedicate Evangelium” (Các con hãy rao giảng Tin Mừng) về giáo triều Roma, sắp được công bố.
- Trần Đức Anh OP
2020
ĐTC Phanxicô gởi thư nhân kỷ niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử
ĐTC Phanxicô gởi thư nhân kỷ niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi thư đến thống đốc Tỉnh Hiroshima của Nhật Bản để bày tỏ gần gũi của ngài và kêu gọi giải trừ vũ khí đặc biệt là vũ khí hạt nhân.
ĐTC Phanxicô tại Đài Tưởng niệm Hoà bình ở Hiroshima 11/2019 (Vatican Media)
Lá thư được Đức Thánh Cha gởi đi từ Vatican ngày 15/7. Ngài nhắc lại chuyến tông du của ngài đến Nhật Bản vào tháng 11 năm ngoái, khi đó ngài có cơ hội đến hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, và phát biểu những suy tư về sự tàn phá sự sống con người và tài sản trong những ngày khủng khiếp cách đây 3/4 thế kỷ.
Trong thư Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi đã đến Nhật Bản như một người hành hương vì hoà bình năm ngoái, tôi vẫn tiếp tục giữ trong tim lòng khao khát của con người trong thời đại chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, những người khao khát hoà bình và hy sinh cho hoà bình. Tôi cũng mang nơi mình tiếng khóc của người nghèo, những người luôn là những nạn nhân đầu tiên của bạo lực và xung đột.”
Đức Thánh Cha lặp lại lời ngài đã nói năm ngoái tại Hiroshima: “sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích chiến tranh là phi đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là phi đạo đức.”
Ngài ước mong rằng “những tiếng nói ngôn sứ của những người sống sót hibakusha của Hiroshima và Nagasaki tiếp tục là một lời cảnh báo cho chúng ta và các thế hệ tương lai.” (CSR_5724_2020)
Văn Yên, SJ