2020
Lý do bị vạ tuyệt thông của một linh mục thuộc giáo phận Sacramento
Lý do bị vạ tuyệt thông của một linh mục thuộc giáo phận Sacramento
Trong một lá thư mục vụ gởi các tín hữu đề ngày 7 tháng 8, Đức Cha Jaime Soto, Giám Mục thứ 9 của giáo phận Sacramento miền Bắc California đã thông báo về tình trạng tuyệt thông của Cha Jeremy Leatherby.
Cha Jeremy Leatherby bị vạ tuyệt thông tiền kết ‘latae sententiae’ vì ngài vẫn tiếp tục cử hành Thánh lễ bất kể đã được Đức Cha Jaime Soto hướng dẫn không được làm như vậy, và ngài cũng đã từ chối thừa nhận Đức Thánh Cha Phanxicô là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.
Trong một lá thư đề ngày 7 tháng 8 gởi đến các tín hữu Công Giáo của giáo phận, Đức Cha Soto tuyên bố rằng Cha Jeremy Leatherby “đã đặt mình và những người khác vào tình trạng ly giáo với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Bằng những lời nói và hành động của mình, Cha Leatherby đã bị vạ tuyệt thông tiền kết ‘latae sententiae’”.
Đức Cha Soto nhấn mạnh rằng:
“Điều này có nghĩa là với ý chí của mình, ngài đã tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Giám Mục Rôma, là Đức Thánh Cha Phanxicô, và các thành viên khác của Giáo Hội Công Giáo”.
Tháng 3 năm 2016, Cha Leatherby đã bị cách chức Cha Sở giáo xứ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh của giáo phận Sacramento và bị đình chỉ thừa tác vụ linh mục, trong khi một cuộc điều tra đang được tiến hành về cáo buộc Cha Leatherby có hành vi sai trái tình dục với một phụ nữ. Hàng trăm người ủng hộ ngài đã ký vào một bản kiến nghị nói rằng cáo buộc này là sai trái và thúc giục Đức Cha Soto dỡ bỏ lệnh treo chén Cha Leatherby.
Đức Cha Soto cho biết thêm:
“Cha Leatherby đã vi phạm chỉ thị của tôi khi dâng lễ và giảng dạy công khai cho một số tín hữu. Ngài đã giảng dạy họ chống lại tính hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô.” Trong khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể khi dâng Thánh lễ, Cha Leatherby cũng đã thay thế tên của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng tên của vị tiền nhiệm của ngài, là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, và đã không nhắc đến tên của đấng bản quyền, là Đức Cha Soto.
Đức Giám Mục Sacramento cho biết rằng chính Cha Leatherby đã xác nhận lập trường ly giáo của ngài.
“Sau khi ương ngạnh không trả lời một số câu hỏi của tôi qua điện thoại và thư từ, giờ đây ngài đã xác nhận lập trường ly giáo của mình. Vì tai tiếng nghiêm trọng của những hành động này, tôi không còn cách nào khác ngoài việc thông báo công khai hậu quả của các quyết định do ngài lựa chọn: Ngài đã tự mang đến cho mình một vạ tuyệt thông tiền kết”.
Trong một lá thư vào ngày 3 tháng 8 gửi cho Cha Leatherby, Đức Cha Soto cảnh cáo rằng những hành động này “đã đặt anh và những người khác vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng về đạo đức” và rằng ngài phải ngưng ngay mọi thừa tác vụ bí tích và “phải thực hiện một đời sống cầu nguyện và đền tội dưới sự hướng dẫn của tôi.”
Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng Ba này, buộc nhiều cơ sở trên khắp đất nước phải đóng cửa, bao gồm cả các nơi thờ phượng, khi chính quyền địa phương và tiểu bang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Cha Leatherby đã dâng thánh lễ hàng tuần cho các nhóm nhỏ tại nhà riêng. Tổng cộng, những người tham dự thường xuyên có thể lên đến 350 người.
Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 8, vị linh mục nói rằng “trong tình trạng khẩn cấp, ngay cả những linh mục bị huyền chức đều có thể, và thậm chí có nghĩa vụ về mặt đạo đức, phải ban phát các bí tích cho các tín hữu.”
Ngài giải thích rằng ban đầu ngài mang các bánh thánh mà trước đó ngài đã “thánh hiến trong các thánh lễ riêng” đến các nhà khác nhau. Ngay sau đó, ngài đã lái xe khắp thành phố “mọi ngày, mọi Chúa Nhật”, để mang Bánh sự sống đến cho những người Công Giáo. Từ đó, ngài bắt đầu dâng lễ tại nhà của mọi người.
“Tuy nhiên, tôi đã cử hành những Thánh lễ này trong sự hiệp thông với Đức Bênêđictô, chứ không phải với Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhiều người đã tham gia với tôi, cùng quan điểm với tôi, rằng Đức Bênêđíctô vẫn là một vị giáo hoàng đích thực, ” Cha Leatherby nói trong tuyên bố hôm 6 tháng 8.
Vị linh mục cho biết ngài không chấp nhận rằng việc thoái vị vào năm 2013 của vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, và cho rằng việc thoái vị đó “đã không đáp ứng các yêu cầu đối với hành động từ chức hợp lệ của một vị giáo hoàng, theo giáo luật.”
Đức Cha Soto cũng nói rõ rằng:
“Trước những sự kiện đáng tiếc này, đã có một tiến trình giáo luật đang diễn ra liên quan đến các hành vi bị cáo buộc khác của Cha Jeremy Leatherby về việc vi phạm lời khấn của linh mục. Quá trình này phải thừa nhận là kéo dài đã lâu, vẫn đang tiếp tục, và nằm trong tay các vị hữu trách khác của Giáo hội. Những sự kiện mà ngài đã tự đặt mình vào tình trạng tuyệt thông không liên quan đến những cáo buộc trước đây và cuộc điều tra sau đó. Đây là hai vấn đề riêng biệt.”
Trước các diễn biến đáng buồn này, Đức Cha Soto đã khuyên bảo các tín hữu và hàng giáo sĩ trong giáo phận.
“Các giáo sĩ và tín hữu đều được khuyên tránh xa các cố gắng dâng Thánh lễ hoặc ban các bí tích khác của Cha Leatherby. Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hòa giải và trở lại trong tình hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo Rôma của ngài”.
“Cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria đầy ơn phúc của chúng ta giúp Cha Leatherby biết ăn năn về những tổn hại mà ngài đã gây ra cho Giáo hội. Xin Mẹ, với lòng từ mẫu, một lần nữa quy tụ chúng ta lại thành một mối hiệp thông duy nhất của Giáo Hội, thánh thiện và được thanh tẩy bởi bửu huyết của Chiên Con, là Con Mẹ, Chúa Giêsu.”
Giáo phận Sacramento như hiện nay đã được Đức Thánh Cha Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 28 tháng 5. 1886. Giáo phận bao phủ một diện tích lên đến 110, 325 km2. Trong tổng số dân 3, 550,900 người, có 987, 700 tín hữu Công Giáo, chiếm 27.8%. Giáo phận có hơn 150 giáo xứ và các cứ điểm truyền giáo trải dài trên 20 quận hạt của tiểu bang California.
Đức Cha Soto được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Giám Mục Phó vào tháng 10, 2007 và đã kế vị Đức Cha William Weigand từ ngày 30 tháng 11, 2008.
Nguyên bản tiếng Anh lá thư cũng Đức Cha Soto có thể xem tại đây
Đặng Tự Do
2020
Sao lại có ta trên đời?
2020
Giám mục Philippines thúc giục chính phủ quan tâm đến người sống
Giám mục Philippines thúc giục chính phủ quan tâm đến người sống
Trước tình cảnh đại dịch hoành hành ở Philippines, Đức cha Julito Cortes, giám mục Dumaguete của Philippines, đã thúc giục chính phủ tập trung vào các kế hoạch cho những người sống thay vì thúc đẩy khôi phục án tử hình.
Trong bài giảng Lễ Dầu tại nhà thờ chính toà Dumaguete hôm 4/8, Đức cha Cortes nói rằng: “Trong khi nhiều người trong chúng ta lo lắng về sự sống, thì chúng ta lại nghe những người thúc giục việc thông qua án tử hình, như thể những cái chết gây ra bởi virus, bởi ‘tokhang’, và nhiều vụ giết người chưa được giải quyết ở trong nước vẫn không đủ chết chóc”.
Theo đức cha Cortes, đất nước đã chứng kiến quá đủ số người thiệt mạng vì cuộc chiến ma túy đẫm máu của chính phủ và Covid-19.
Trong khi đó, sự lây lan virus ở Philippines đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, với số ca nhiễm được ghi nhận chính thức trong 24 giờ ngày 4/8 là hơn 6 ngàn, những ngày sau đó con số có giảm nhưng không ít hơn 3 ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Manila và 5 tỉnh đông dân khác phải phong toả trong hai tuần.
Đức cha Cortes nhắc nhở các linh mục phải là “ngôn sứ” trong thời kỳ khủng hoảng trong việc loan báo “Tin Mừng”. Ngài nói: “Là những ngôn sứ, chúng ta dạy những gì tốt đẹp theo luật Thiên Chúa. Với bất kỳ điều gì trái ngược với điều đó, chúng ta phải có nghĩa vụ giảng dạy và sửa chữa nếu cần”.
Đồng thời, Đức cha cũng khuyến khích các linh mục rằng: “Không có thời điểm nào tốt hơn để cho thế giới thấy rằng chúng ta là những người được Chúa xức dầu cho bằng việc hiến thân trọn vẹn hơn cho những người mà chúng ta đã được trao nghĩa vụ phục vụ.” (CBCPNews 6/8/2020)
Văn Yên, SJ
2020
Trung Quốc: Các nơi thờ phượng buộc phải dâng cúng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc phải đóng cửa
Trung Quốc: Các nơi thờ phượng buộc phải dâng cúng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc phải đóng cửa
Mở rộng cuộc đàn áp các nơi thờ phượng, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt buộc các chức sắc tôn giáo phải đóng góp vào cái gọi là quỹ cứu trợ coronavirus, nếu không, họ sẽ không được phép mở cửa trở lại sau khi bị khóa.
“Năm nhân dân tệ cho bốn cái bánh nhồi thịt hấp”, một nữ tu Phật giáo chào mời những người qua đường trên đường phố Thành Sơn (Chengshan – 成山) một thị trấn ở thành phố Trang Hà (Zhuanghe – 庄河)là một thành phố cấp quận thuộc tỉnh Liêu Ninh (Liaoning -辽宁). Chùa Pháp Hoa (Fahua – 法华) ở làng Cổ Thành (Gucheng – 古城) của thị trấn, nơi sinh sống của nữ tu, vẫn chưa được phép mở cửa trở lại sau khi dịch coronavirus bùng phát. Vì hầu hết các ngôi chùa sống bằng tiền quyên góp từ du khách và tín đồ, nên giờ đây họ phải tìm các phương tiện thu nhập khác để tồn tại — như bán bánh chay và cả bánh mặn trên đường phố.
Vào tháng 5, một người trông coi ngôi chùa Phật giáo ở thành phố Tiên Đào (Xiantao – 仙桃), tỉnh Hồ Bắc (Hubei – 湖北), miền Trung nước này đã nhận được thông báo từ Cục Tôn giáo vụ địa phương, yêu cầu nhà chùa quyên góp cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát virus coronavirus.
“Bản thân tôi đang phải sống một cuộc sống khó khăn và không có tiền để dâng cúng”, thủ từ của ngôi chùa nói trong sự bất lực. Ngôi đền đã đóng cửa kể từ ngày 24 tháng Giêng và vì không có tiền quyên góp, người canh giữ chùa phải sống nhờ vào thức ăn từ các thiện nam tín nữ. “Đối với tôi như vậy là đủ, nhưng yêu cầu của chính phủ về việc quyên góp để cứu trợ dịch bệnh đã khiến tôi gặp khó khăn”, người thủ từ nói. “Họ thu thập thông tin về các khoản đóng góp của các đền chùa và nếu chúng tôi bỏ sót không khai một khoản đóng góp nào đó, chúng tôi sẽ bị trừng phạt và thậm chí bị đóng cửa”.
Hiệp hội Phật giáo thành phố Phụ Dương (Fuyang -阜阳) ở phía đông tỉnh An Huy đã phải quyên ra 80, 000 nhân dân tệ, tức là khoảng 11, 200 Mỹ Kim, cho các vùng bị dịch, mặc dù họ biết rằng những số tiền này cuối cùng chỉ chảy vào túi bọn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở địa phương.
Một mục sư trông nom một nhà thờ Tam tự ở Hà Trạch (Heze -菏泽), một thành phố cấp tỉnh ở phía đông tỉnh Sơn Đông (Shandong – 山东), giải thích rằng các nhà thờ do nhà nước điều hành cũng bị buộc phải đóng góp cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi coronavirus. Ông nói thêm rằng các quan chức từ Cục Tôn giáo vụ địa phương đe dọa sẽ đóng cửa nhiều nhà thờ nếu họ không quyên góp.
Vào tháng Hai, chính quyền thị trấn Trương Thôn ( Zhangcun – 张村), trong địa hạt thành phố Đăng Châu (Dengzhou – 登州) thuộc tỉnh Hà Nam (Henan – 河南), đã ban hành hạn ngạch quyên góp từ 4, 000 đến 10, 000 nhân dân tệ, tức là từ 560 đến 1, 400 Mỹ Kim, cho các nhà thờ Tam Tự. Các chức sắc nói họ không muốn dâng cúng tiền cho bọn cầm quyền địa phương nhưng yêu cầu được ký gửi những khoản đóng góp của họ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của các nạn nhân đại dịch. Nhưng các quan chức phụ trách tôn giáo vụ địa phương từ chối yêu cầu chính đáng này.
Vào ngày 3 tháng Hai, một số nhà thờ Tam tự ở Tiên Cư (Xianju -仙居), một quận do thành phố Đài Châu (Taizhou – 台州) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang -浙江), miền đông Trung Quốc quản lý, nhận được thông báo từ chính quyền thị trấn và Hội Tin Lành Yêu Nước, yêu cầu mỗi thành viên của giáo đoàn phải quyên góp 100 nhân dân tệ, tức là khoảng 14 Mỹ Kim, cho Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát coronavirus.
“Những người đi nhà thờ ở thành phố Hàng Châu (Hangzhou- 杭州) của Chiết Giang cũng bị buộc phải quyên góp, ” một mục sư Tin Lành Tam Tự trong thành phố cho biết. “Một số thành viên hội thánh cao tuổi sống một mình và không có nguồn thu nhập, nhưng cũng bị buộc phải đưa tiền ra.”
Tin Lành Yêu Nước Thượng Hải quyên ra ba triệu nhân dân tệ
Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin rằng Hội Tin Lành Yêu Nước của thành phố Thượng Hải đã quyên góp ba triệu nhân dân tệ, tức khoảng 420, 000 Mỹ Kim, cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Những nơi thờ tự ở Trung Quốc cũng bị khai thác thường xuyên, không chỉ trong thời kỳ đại dịch mà thôi. Họ buộc phải dâng cúng cho bọn cầm quyền dưới chiêu bài đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo hoặc các dự án “từ thiện” khác của chính phủ.
“Năm ngoái, Cục Tôn giáo vụ đã yêu cầu chúng tôi thu tiền để sửa một cầu trượt trên sân chơi mẫu giáo, ” một chấp sự từ nhà thờ Tam tự ở thành phố Trú Mã Điếm (Zhumadian – 驻马店) nói với Bitter Winter. “Các cơ quan chính phủ yêu cầu chúng tôi đóng góp từ thiện hàng năm. Nếu chúng tôi từ chối, nhà thờ của chúng tôi sẽ bị đóng cửa “.
Theo một khảo sát về tôn giáo của Trung Quốc vào năm 2015, do Đại học Nhân dân Trung Quốc thực hiện, các thành viên thuộc hàng giáo phẩm của năm tôn giáo chính thức ở Trung Quốc nhận được trung bình 506 nhân dân tệ, tức là khoảng 70 Mỹ Kim, tiền lương hàng tháng. Bốn mươi mốt phần trăm không có bảo hiểm tuổi già. Các nhà sư Phật giáo thường nhận được 397 nhân dân tệ, tức khoảng 50 Mỹ Kim, mỗi tháng, trong khi một ngôi chùa Phật giáo thông thường phải quyên góp đến 41, 000 nhân dân tệ, tức là khoảng 5, 800 Mỹ Kim, hàng năm cho các hoạt động từ thiện.
Đặng Tự Do