2020
Cha Andrej Matis, từ nhạc sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới đến chức linh mục
Cha Andrej Matis, từ nhạc sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới đến chức linh mục
Thứ Bảy ngày 5 tháng 9 năm 2020, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã phong chức cho 29 linh mục thuộc hội Opus Dei tại Vương cung Thánh đường Thánh Eugenio, ở Rôma.
Trong số các tân chức có Andrej Matis, 32 tuổi, linh mục đầu tiên thuộc hội đến từ Slovakia. Trước khi theo học Thần học ở Rôma, cha Andrej là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, đã làm việc nhiều năm với tư cách là nghệ sĩ vĩ cầm cho nhóm Mucha Quartet, đã từng biểu diễn tại các nước như Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Ý, Ba Lan, Pháp, Áo và Luxembourg.
“Con đường đến với chức linh mục của tôi không trực tiếp như những trường hợp khác. Tôi đã làm việc như người nghệ sĩ chuyên nghiệp trong nhiều năm. Khi còn bé, tôi đã đam mê âm nhạc và tôi biết ơn sự ủng hộ của cha tôi, người rất say mê âm nhạc. Nhờ cây vĩ cầm mà tôi đã khám phá ra Opus Dei ”.
“Tôi đã khám phá ra rằng âm nhạc có thể là cách thế để tôi đến gần Chúa và bạn bè của tôi. Bằng cách dâng lên Chúa, âm nhạc có thể trở thành việc tông đồ. Có những người làm việc vì kế sinh nhai hay để trở thành người nổi tiếng, nhưng tôi đã thấy rằng làm việc có thể là một con đường để đạt đến sự thánh thiện”.
“Chúa Giêsu đã trải qua phần lớn cuộc đời mình để làm việc như người thợ mộc. Cuộc đời của tôi đã được thay đổi từ khi tôi gia nhập vào Opus Dei như một thành viên. Nó giống như một cuộc phiêu lưu mà bạn sẽ không biết nó sẽ kết thúc ở đâu nhưng nó khiến bạn hạnh phúc”.
Cha Andrej Matis cho biết, ngài đã dành ra 11 năm cuộc đời để luyện tập vĩ cầm và nghiên cứu các tác giả vĩ đại của nền âm nhạc cổ điển như Händel, Sibelius, Tchaikovsky hay Mendelssohn, và khẳng định rằng con đường dẫn ngài đi từ âm nhạc đến chức linh mục là trạng thái tự nhiên, một quyết định chín chắn từng chút một trong cuộc đối thoại với Chúa. Chính bạn bè của cha Andrej Matis cũng lo cho ngài: “Họ hỏi tôi rằng liệu việc thay đổi hướng đi trong cuộc sống sau rất nhiều nỗ lực để đạt đến một trình độ chuyên môn nhất định có phải là một quyết định đúng đắn hay không?”.
“Nhờ Opus Dei mà tôi đã bắt đầu sống cách nghiêm túc đời sống Kitô hữu của tôi. Tôi tăng cường đời sống cầu nguyện, và Chúa đã gợi ý cho tôi điều mà tôi chưa từng thấy xưa nay: Ngài muốn tôi trở thành linh mục. Tiến trình chuyển đổi từ nghệ sĩ vĩ cầm sang chức linh mục không có gì ấn tượng. Công việc chuyên môn, trong trường hợp âm nhạc của tôi, là điều khiến tôi gần Chúa hơn và mang Ngài đến với bạn bè của tôi. Giờ đây tôi muốn làm việc đó với tư cách là linh mục, ngay cả khi các phương tiện hoàn toàn khác nhau”.
“Vẻ đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” đó là câu nói của Dostoevsky mà Đức Bênêđictô XVI rất yêu thích. Cha Andrej Matis nói: “Nó rất thực tế”. “Xã hội ngày nay rất xu thời, thường để trực giác hoặc cảm tính lôi kéo mình, và vẻ đẹp là thứ trực tiếp thách thức bạn, lôi cuốn các cảm xúc của bạn”. “Về điều này, tôi cho rằng vẻ đẹp là phương tiện để giao tiếp với Chúa, bởi vì mọi người luôn nhạy cảm đối với Ngài. Vẻ đẹp đích thực có thể được tặng ban, và qua đó con người có thể đến với vẻ đẹp đích thực của Chúa Kitô trên thập giá, ngay cả khi thoạt nghe nó có vẻ nghịch lý. Tuy nhiên, khi bạn khám phá ra nó, thì đây là vẻ đẹp cứu rỗi thực sự”.
Vị linh mục nhạc sĩ nhận xét: “Xin mọi người hãy cầu nguyện cho các ơn gọi giáo dân, các gia đình Kitô hữu và các nam nữ tu sĩ. Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người hướng đến sự thánh thiện, Ngài mời gọi từng người chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta trong ơn gọi mà Ngài đã mời gọi chúng ta và sẽ làm cho chúng ta thêm phần hạnh phúc”. Đối với một số phương tiện truyền thông và dư luận quần chúng, hạnh phúc đôi khi gắn liền với danh tiếng, sự giàu có và quyền lực.
Tác giả: Ary Waldir Ramos Díaz
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
2020
Thánh lễ tạ ơn kết thúc sứ vụ của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và khởi đầu sứ vụ của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
Thánh lễ tạ ơn và chuyển giao sứ vụ tại Giáo phận Hưng Hóa
Thánh lễ tạ ơn kết thúc sứ vụ của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và khởi đầu sứ vụ của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nhân ngày Lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, vào lúc 09g00 sáng nay ngày 08.09.2020, tại nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc, Giáo phận Hưng Hóa tổ chức Thánh lễ tạ ơn kết thúc sứ vụ Giám mục Chính tòa của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và khởi đầu sứ vụ Giám quản Tông tòa của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên.
Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Thánh lễ này chỉ có sự hiện diện của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội; Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội; Đức cha Gioan Maria Vũ Tất – Nguyên Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Giám mục phụ tá giáo phận Vinh, Giám quản Tông tòa giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Antôn Vũ Huy Chương – Nguyên Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa và Đà Lạt; Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long – Giám mục chính tòa giáo phận Vinh; Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Chính tòa giáo phận Hà Tĩnh; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ – Giám mục Chính tòa Giáo phận Thái Bình; Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Giám mục Chính tòa giáo phận Bùi Chu; Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Chính tòa Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng; Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh – Nguyên Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Nguyên Giám mục Chính tòa giáo phận Phát Diệm.
Hiện diện trong Thánh lễ còn có quý cha Tổng đại diện giáo phận Hưng Hóa và giáo phận Vinh, quý cha Giám đốc của Đại Chủng viện (ĐCV) Thánh Giuse Hà Nội, ĐCV Thánh Phanxico Xavier giáo phận Vinh, ĐCV Huế; quý cha trong và ngoài giáo phận Hưng Hóa; quý tu sỹ nam nữ; quý chủng sinh và tu sinh cùng đại biểu giáo dân đại diện cho các giáo xứ trong toàn giáo phận. Cùng với đó, Bề trên giáo phận cũng mời gọi tất cả anh chị em tín hữu tham dự Thánh lễ trực tuyến để tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho giáo phận, cho quý Đức cha.
Ngày 29/8/2020 vừa qua, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Gioan Maria Vũ Tất từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính tòa giáo phận Hưng Hóa. Đồng thời, bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên hiện đang là Giám mục Phụ tá giáo phận Vinh làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hưng Hóa “trống tòa và theo ý Tòa thánh”.
Vào lúc 8g00, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Hưng Hóa, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với giáo huấn của Giáo hội, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, quý Đức cha, quý cha trong Ban tư vấn và đại diện quý cha Quản hạt. Sau đó, quý Đức cha di chuyển vào nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc để hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với giáo huấn của Giáo hội
Sau khi giới thiệu các thành phần tham dự Thánh lễ, cha Chưởng Ấn Phêrô Lê Quốc Hưng công bố Sắc lệnh của Bộ truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc.
Cha Chưởng Ấn Phêrô Lê Quốc Hưng công bố Sắc lệnh của Bộ truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc
Đại diện cho Linh mục đoàn và mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, cha Tổng đại diện Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng lời tri ân Đức cha Gioan Maria. Sơ lược về tiểu sử của Đức cha cho thấy ngài chính là một trang sử sống của giáo phận Hưng Hóa. Giáo phận được thành lập đến nay là 125 năm, Đức cha đã sống trọn 76 năm tuổi tại giáo phận, chứng kiến tất cả những diễn biến lịch sử bi hùng của giáo phận trong niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác. Trong sứ vụ Giám mục, Đức cha luôn là người cha hiền hòa, cần mẫn, gương mẫu trong đời sống cầu nguyện, để nhắc nhở đoàn chiên phải biết chăm sóc đời sống thiêng liêng, bám chặt lấy Chúa là mọi nguồn ân sủng để có thể sống trọn vẹn ơn gọi của mình. Giờ đây, Đức cha sẵn sàng đi hưu nhưng không nghỉ hưu. Đức cha không còn trách nhiệm mục vụ nhưng vẫn tiếp tục sống đời mục vụ bằng việc mỗi ngày dâng lên Chúa những hy tế cuộc đời, để cầu nguyện cho Giáo hội, cách riêng cho giáo phận và cộng đồng dân Chúa trong giáo phận Hưng Hóa.
Chào đón Đức cha Phêrô, vị chủ chăn mới của giáo phận, cha Tổng đại diện chia sẻ, ngay từ lần đầu gặp gỡ, Đức cha đã bày tỏ lòng tin yêu, vâng phục Tòa thánh, sẵn sàng ra đi đến một giáo phận vùng ngoại biên xa xôi. Ngài đại diện cho toàn thể cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Hưng Hóa xin hứa sẽ luôn vâng phục và cộng tác tích cực với Đức cha, để làm nên một cộng đoàn phụng tự sốt sắng, xây dựng giáo phận trở nên một cộng đoàn hiệp nhất và bác ái, thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa hăng say loan báo Tin Mừng.
Cha Tổng đại diện Đaminh Hoàng Minh Tiến tri ân Đức cha Gioan Maria và chào đón Đức cha Phêrô
Tiếp lời cha Tổng đại diện, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất bày tỏ lòng tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc; Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính tòa Giáo phận Hưng Hóa, và sớm lo liệu ngay cho giáo phận được Đức cha Phêrô tiếp nhận sứ vụ Giám quản Tông tòa.
Nhìn lại 25 năm đời mục vụ, Đức cha nhận thấy rõ ràng sự quan phòng vô cùng kỳ diệu của Chúa và của Mẹ Maria trên lộ trình ơn gọi Linh mục, Giám mục cho tới đích điểm Chúa đã an bài. 76 năm của cuộc đời trôi qua, có lúc phải chờ đợi lấy hơi sức để trèo đèo vượt núi, có lúc phải chờ đò vì ngăn sông, có khi phải tận dụng thời gian chờ đợi lâu dài để sắm sửa hành trang chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước. Trong tâm tình cảm tạ, Đức cha đã mượn lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngỏ lời với dân Chúa: “Con có thể nói được rằng, Chúa thực sự dẫn dắt con, ở bên con, hằng ngày con đều thấy được sự hiện diện của Chúa. Chính vì thế, hôm nay lòng con tràn đầy tâm tình biết ơn Chúa, bởi Người không để cho Giáo hội – và cả con nữa – không được Người an ủi, soi sáng và yêu thương”.
Đức cha Gioan Maria Vũ Tất dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân quý đấng bậc và cám ơn cộng đoàn
Tiếp nhận sứ vụ mới, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tỏ lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa qua sự bổ nhiệm này, để phục vụ giáo phận Hưng Hóa. Đối với Đức cha, mảnh đất Hưng Hóa hoàn toàn xa lạ, một cánh đồng bao la rộng lớn và mới mẻ. Nhưng có Chúa đồng hành, có sự cộng tác đắc lực của quý cha cùng mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, Đức cha sẽ vững tâm cầm lái con thuyền giáo phận ngày một phát triển và thăng tiến.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa
Sau những tâm tình đầy xúc động tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Mẹ Giáo hội, cảm ơn quý đấng bậc và mọi thành phần dân Chúa, toàn thể cộng đoàn cùng hiệp dâng Thánh lễ trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Đây cũng là điểm đánh dấu kết thúc sứ vụ Giám mục Chính tòa của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất – một vị Cha chung kính yêu, vị mục tử nhân lành, khôn ngoan và thánh đức đã tận tụy phục vụ giáo phận Hưng Hóa, nhất là trong hơn 10 năm qua trên cương vị Giám mục; đồng thời là mốc điểm khởi đầu sứ vụ đầy hy vọng của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên tại miền “thập tỉnh” Tây Bắc này.
Ngỏ lời trước Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên nói về 3 lễ sinh nhật quan trọng nhất trong niên lịch mục vụ. Đó là lễ sinh nhật của Đức Giêsu Kitô, lễ sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả và lễ sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria. Mỗi ngày lễ sinh nhật lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria được sánh ví như một bình minh báo trước mặt trời sắp ló rạng.
Đức Tổng Giám mục Giuse nhấn mạnh đến tâm tình của gia đình giáo phận Hưng Hóa giờ đây vừa bâng khuâng, lưu luyến nhưng cũng vừa hân hoan, vui mừng. Bâng khuâng, lưu luyến vì phải nói lời tạm biệt với Đức cha Gioan Maria sau hơn 10 năm làm Giám mục của giáo phận. Hân hoan, vui mừng vì suốt bề dày lịch sử, đặc biệt là những năm tháng khó khăn của những thập kỷ trước Thiên Chúa vẫn đồng hành cùng với mỗi người trong giáo phận. Sự hiện diện của mỗi người trong Thánh lễ đã làm nên một hình ảnh tuyệt vời của Giáo hội. Một Giáo hội cầu nguyện, một Giáo hội luôn luôn hân hoan dâng lời tạ ơn và một Giáo hội hiệp thông. Đức Tổng Giám mục Giuse mời gọi cộng đoàn noi gương Đức Trinh Nữ Maria nhiệt tình, sẵn sàng, toàn tâm toàn ý, cộng tác với công trình của Chúa để thánh hóa nhân loại cứu rỗi con người.
Trong bài diễn giải lời Chúa, Đức Tổng Giám mục Giuse đã nhấn mạnh về hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria trong sự cộng tác với Thiên Chúa. Đức Maria không phải được mời gọi để chuyển giao một sứ điệp mà để cưu mang Ngôi Lời của Thiên Chúa. Để rồi, qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa mà ở cùng chúng ta.
Nói về hành trình ơn gọi của Đức cha Gioan Maria, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh đến đời tu nhiều sóng gió của ngài. Tuy vậy, giữa những thử thách gian nan, Đức cha Gioan Maria vẫn kiên trì với ơn gọi. Ba mươi ba năm trong chức vụ linh mục, hơn 10 năm trong chức vụ Giám mục, Đức cha đã để lại cho giáo phận một di sản quý báu và một tấm gương sáng về sự tận tâm phục vụ. Khi làm Giám mục, Đức cha đã chọn cho mình khẩu hiệu “Sự thật trong yêu thương”. Sự thật nói lên sự can đảm mà yêu thương là tình bác ái, lòng nhân từ. Đức Tổng Giám mục mời gọi cộng đoàn luôn sống sự thật trong tâm tình bác ái, yêu thương như chính Đức Giêsu cũng đến trần gian để nói sự thật và sống sự thật trong yêu thương.
Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên giảng lễ
Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã chuyển tâm tình của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam. Ngài gửi lời xin lỗi vì đại dịch Covid 19 mà không thể đến tham dự Thánh lễ chung chia niềm vui với Giáo phận Hưng Hóa. Đức Tổng Giám mục cũng nhân danh Đức Giáo hoàng, nhân danh Tòa thánh cảm ơn Đức cha Gioan Maria đã nỗ lực, cố gắng trong một đời mục tử để lại một di sản tốt đẹp và những ấn tượng không thể nào quên nơi cộng đoàn tín hữu, nơi chính quyền các cấp, nơi những người lương dân và nơi anh chị em – những người dân tộc thiểu số. Ngài cũng chúc mừng Đức cha Phêrô, trong sứ vụ mới, và nguyện chúc Đức cha luôn có lòng nhiệt thành tông đồ, sức khỏe, sự bình an để đạt được những thành công trong công việc mục vụ đã được Tòa thánh tin tưởng, trao phó. Đồng thời, ngài cũng mời gọi hàng giáo sỹ, quý tu sỹ nam nữ và anh chị em giáo dân trong tình hiệp thông, cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và cầu nguyện cho Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên trong khởi đầu một sứ vụ mới tại giáo phận Hưng Hóa.
2020
Tiếp kiến chung 09-09-2020: Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn
Tiếp kiến chung 09-09-2020: Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
(09-09-2020)
Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích
Hồng Thủy
Vì virus corona không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cũng không dựng nên rào cản, biên giới hay sự phân biệt cho tình yêu khi hành động vì công ích để giải quyết những vấn đề trầm trọng do đại dịch gây ra.
Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng thứ Tư ngày 9 tháng 9 là buổi tiếp kiến thứ hai có sự tham dự của giáo dân kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Ý, và được tổ chức tại sân Damaso của Vatican.
Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói về đề tài “Tình yêu và công ích”. Ngài nhắc rằng học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng công ích phải là mục tiêu của mọi nỗ lực cá nhân và tập thể để chữa lành thế giới bị thương tích. Sự dấn thân của các Ki-tô hữu chúng ta trong khía cạnh này được truyền cảm hứng bởi tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa; tình yêu này kêu gọi chúng ta không đặt giới hạn cho tình yêu của chúng ta đối với người khác và cho mối quan tâm của chúng ta đối với phúc lợi của họ.
Chỉ có thể tốt hơn sau đại dịch nếu cùng tìm công ích
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua do đại dịch ảnh hưởng đến tất cả mọi người; chúng ta có thể trở nên tốt hơn sau khi thoát khỏi đại dịch nếu chúng ta cùng nhau tìm kiếm công ích. Thật không may, chúng ta đang đang chứng kiến sự xuất hiện của các lợi ích đảng phái. Ví dụ, có những người muốn chiếm hữu các giải pháp khả thi, như trong trường hợp các vắc xin và rồi bán cho người khác. Một số lợi dụng tình hình để gây chia rẽ: để tìm kiếm lợi thế kinh tế hoặc chính trị, làm phát sinh hoặc gia tăng xung đột. Những người khác đơn giản là không quan tâm đến đau khổ của người khác, họ đi ngang qua và đi con đường của họ (x. Lc 10,30-32). Họ là các đệ tử của quan Ponzio Philato, rửa tay phủi trách nhiệm của mình.
Cách đáp trả của Ki-tô giáo với đại dịch là tình yêu không giới hạn
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Câu trả lời của Kitô giáo đối với đại dịch và những khủng hoảng kinh tế xã hội, hậu quả của đại dịch, được dựa trên tình yêu, trên hết là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta (x. 1Ga 4,19). Người yêu thương chúng ta trước, Người luôn đi bước trước trong tình yêu và trong các giải pháp. Người yêu chúng ta cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu này của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể đáp lại theo cách tương tự. Tôi không chỉ yêu những người yêu tôi như gia đình, bạn bè, nhóm của tôi, mà cả những người không yêu tôi, những người không biết tôi, hoặc những người ngoại quốc, và cả những người làm cho tôi đau khổ hoặc những người tôi xem là kẻ thù (x. Mt 5,44). Đây là sự khôn ngoan Ki-tô giáo, đây là thái độ của Chúa Giê-su. Và điểm cao nhất của sự thánh thiện là yêu kẻ thù và điều này không dễ dàng. Tất nhiên, yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù, thì rất khó – tôi phải nói rằng đó là một nghệ thuật! Nhưng đó là một nghệ thuật mà người ta có thể học hỏi và cải thiện. Tình yêu đích thực, điều giúp chúng ta trở nên phong phú và tự do, luôn luôn mở rộng và bao gồm. Tình yêu này hàn gắn, chữa lành và tạo nên điều tốt. Rất nhiều lần, một sự nhẹ nhàng thì tạo nên điều tốt hơn là các cuộc tranh luận; một sự dịu dàng tha thứ chứ không phải là những tranh luận để tự vệ. Tình yêu bao gồm thì chữa lành.
Tình yêu bao gồm, không giới hạn
Đức Thánh Cha giải thích: Vì vậy, tình yêu không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ giữa hai hoặc ba người, hoặc giữa bạn bè, hoặc gia đình. Nó bao gồm các mối quan hệ dân sự và chính trị (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo [CCC], 1907-1912), bao gồm cả mối quan hệ với tự nhiên (TĐ. Laudato si’ [LS], 231). Vì chúng ta là những hữu thể xã hội và chính trị, một trong những biểu hiện cao nhất của tình yêu chính là biểu hiện xã hội và chính trị, có tính chất quyết định đối với sự phát triển của con người và để đối mặt với bất kỳ loại khủng hoảng nào (sđd, 231). Chúng ta biết rằng tình yêu thương làm cho gia đình và bạn bè trở nên phong phú, trổ sinh kết quả; nhưng thật tốt khi nhớ rằng nó cũng làm cho các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị trổ sinh kết quả, cho phép chúng ta xây dựng một “nền văn minh của tình yêu”, như thánh Phaolô VI[1] đã thích gọi và thánh Gioan Phaolô II cũng nói theo cách thức của ngài. Không có nguồn cảm hứng này, nền văn hóa ích kỷ, vô cảm, loại bỏ sẽ thắng thế; nghĩa là loại bỏ người tôi không thích, người tôi không thể yêu thương và người đối với tôi là vô ích cho xã hội.
Đức Thánh Cha thuật lại một câu chuyện để minh họa: Hôm nay, khi đi vào, tôi gặp một đôi vợ chồng. Họ nói với chúng tôi: “Xin cầu nguyện cho chúng con bởi vì chúng con có một người con khuyết tật”. Tôi hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi? Ông bà làm gì?” – Chúng con đồng hành và giúp cháu.” Đức Thánh Cha nhận định: Tất cả cuộc đời của cha mẹ dành cho đứa con khuyết tật đó. Đây là tình yêu. Và những kẻ thù, đối thủ, các nhà chính trị, ngay cả những người trái ngược với ý kiến của chúng ta, họ dường như là những người khuyết tật chính trị, xã hội. Chỉ có Thiên Chúa biết họ đúng như thế hay không. Nhưng chúng ta phải yêu mến họ, phải đối thoại với họ, phải xây dựng nền văn minh tình thương này, nền văn minh chính trị, xã hội, của sự hiệp nhất toàn nhân loại. Ngược lại là các cuộc chiến tranh, chia rẽ, ganh ghét, cả chiến tranh trong gia đình: bởi vì tình yêu bao gồm là xã hội, là gia đình, là chính trị… tình yêu chiến thắng tất cả.
Công ích
Đức Thánh Cha nói tiếp: Virus corona cho chúng ta thấy rằng thiện ích thực sự cho mọi người chính là công ích và ngược lại, công ích là điều tốt lành thực sự cho con người (x. CCC, 1905-1906). Nếu một người chỉ tìm ích riêng của mình thì đó là người ích kỷ. Ngược lại, con người cao thượng hơn, khi trao mở ích lợi của mình với tất cả, khi chia sẻ nó. Không chỉ là của cá nhân, sức khỏe cũng là một lợi ích chung. Một xã hội lành mạnh là một xã hội quan tâm đến sức khỏe của mọi người.
Chữa trị virus không giới hạn bằng tình yêu không biên giới
Và Đức Thánh Cha lưu ý: Một thứ virus không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về văn hóa và chính trị phải được chữa trị bằng một tình yêu không rào cản, biên giới hay sự phân biệt. Tình yêu thương này có thể tạo ra các cấu trúc xã hội khuyến khích chúng ta chia sẻ hơn là cạnh tranh, cho phép chúng ta bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất và không loại bỏ họ, và giúp chúng ta thể hiện điều tốt hơn của bản chất con người của chúng ta chứ không phải điều tồi tệ hơn. Tình yêu thật sự không biết đến văn hóa loại bỏ. Thật vậy, khi chúng ta yêu thích và tạo ra sự sáng tạo, tin tưởng và liên đới, thì các sáng kiến cụ thể vì lợi ích chung sẽ xuất hiện ở đó[2]. Và điều này đúng cả ở cấp độ cộng đồng nhỏ và lớn, và ở cấp độ quốc tế. Điều mà chúng ta làm trong gia đình, làm trong khu xóm, trong làng, trong thành phố lớn và trên mức độ quốc tế và cho chính mình, là chính hạt giống mọc lên và sinh hoa trái. Nếu bạn bắt đầu trong gia đình, trong khu xóm với sự đố kỵ ganh ghét, với tranh chấp thì cuối cùng sẽ có chiến tranh. Ngược lại, nếu bạn bắt đầu với tình yêu thương, bằng chia sẻ tình yêu, tha thứ, thì sẽ có tình yêu và tha thứ cho tất cả.
Nỗ lực cho công ích là truyền bá vinh quang của Thiên Chúa
Ngược lại, nếu các giải pháp cho đại dịch mang dấu ấn của sự ích kỷ, dù là của con người, công ty hay quốc gia, có lẽ chúng ta có thể thoát khỏi virus corona, nhưng chắc chắn không thoát khỏi cuộc khủng hoảng xã hội và con người mà virus đã nêu rõ và nhấn mạnh. Vì vậy, hãy cẩn thận đừng xây trên cát (x. Mt 7, 21-27)! Để xây dựng một xã hội lành mạnh, hòa nhập, công bằng và hòa bình, chúng ta phải thực hiện nó trên nền đá của công ích.[3] Công ích là đá tảng. Và đây là công việc của tất cả mọi người, không chỉ một số chuyên gia. Thánh Tôma Aquinô nói rằng việc thăng tiến công ích là bổn phận công lý của mọi công dân. Mỗi công dân có trách nhiệm với công ích. Và đối với các Ki-tô hữu thì đó cũng là một sứ mệnh. Như thánh Inhaxiô thành Loyola dạy, hướng những nỗ lực hàng ngày của chúng ta đến công ích là một cách để tiếp nhận và truyền bá vinh quang của Thiên Chúa.
Một nền chính trị tốt là có thể và cần phải có: đặt con người và công ích ở trung tâm
Đức Thánh Cha nhận xét rằng chính trị thường không được tiếng tốt, và chúng ta biết tại sao. Điều này không muốn nói là tất cả các chính trị gia là xấu xa, tôi không muốn nói như thế. Tôi chỉ muốn nói rằng thật không may là chính trị thường không được tiếng tốt. Tại sao? Nhưng chúng ta không được cam chịu với cái nhìn tiêu cực này, mà hãy phản ứng bằng cách chứng minh bằng những sự việc rằng một nền chính trị tốt là có thể và cần phải có[4], một nền chính trị đặt con người và công ích ở trung tâm. Nếu anh chị em đọc lịch sử của nhân loại, anh chị em sẽ thấy có nhiều chính trị gia thánh thiện, họ đã theo con đường này. Đó là điều có thể được tùy theo mức độ mà mỗi công dân và đặc biệt, những có trách vụ xã hội và chính trị, đặt hành động của họ trên căn bản trên các nguyên tắc đạo đức và linh hoạt nó bằng tình yêu chính trị và xã hội. Các Kitô hữu, đặc biệt là các giáo dân, được mời gọi làm chứng tốt cho điều này và có thể làm được điều này nhờ nhân đức bác ái nuôi dưỡng chiều kích xã hội nội tại của nó.
Mọi người đóng góp cho công ích
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: Vì thế đây là lúc làm tăng trưởng tình yêu thương xã hội của chúng ta, bằng sự đóng góp của mọi người, bắt đầu từ sự nhỏ bé của chúng ta. Công ích đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người. Nếu tất cả mọi người đều góp sức của mình vào đó, và nếu không ai bị bỏ rơi, chúng ta sẽ có thể tái tạo mối quan hệ tốt đẹp ở cấp cộng đồng, quốc gia, quốc tế và cũng hài hòa với môi trường (x. LS, 236). Vì vậy, trong những cử chỉ của chúng ta, ngay cả những cử chỉ khiêm tốn nhất, làm cho điều gì đó của hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta mang trong mình trở nên hiển hiện, bởi vì Thiên Chúa là Ba Ngôi, Thiên Chúa là Tình Yêu. Đây là định nghĩa đẹp nhất về Thiên Chúa mà trong Kinh Thánh, thánh Gioan Tông đồ, người được Chúa Giê-su yêu thương rất nhiều, đã định nghĩa. Với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể chữa lành thế giới bằng cách cùng nhau làm việc vì công ích, không chỉ vì ích lợi của tôi nhưng vì ích lợi của tất cả.
[1] Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 01/01/1977: AAS 68 (1976), 709.
[2] X. thánh GIOAN PHAOLÔ II, TĐ. Những mối quan tâm xã hội, 38.
[3] Sđd, 10.
[4] X. Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 01/01/2019 (08/12/2018).
2020
Bang Queensland của Úc buộc linh mục tiết lộ bí mật tòa giải tội
Ngày 8 tháng 9, cơ quan lập pháp của bang Queensland của Úc đã thông qua dự luật yêu cầu các linh mục vi phạm ấn tín tòa giải tội, phải báo cáo về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà các ngài đã biết hoặc nghi ngờ. Nếu không làm như vậy sẽ bị phạt ba năm tù.
Không giúp cho sự an toàn của người trẻ
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge của Brisbane nói rằng việc đòi buộc báo cáo các vụ lạm dụng như vậy sẽ “không tạo ra sự khác biệt đối với sự an toàn của những người trẻ” và dự luật dựa trên “kiến thức nghèo nàn về cách thức bí tích thực sự có hiệu quả trong thực tế”. Ngài đưa ra những câu hỏi về vấn đề tự do tôn giáo.
Tòa Thánh khẳng định tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích giải tội
Tuần trước, các giám mục Úc đã trao cho chính phủ liên bang những nhận định của Tòa thánh về 12 khuyến nghị của báo cáo năm 2017 về lạm dụng tính dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục của nước này. Đáp lại một khuyến nghị liên quan đến ấn tín tòa giải tội và việc ban ơn tha tội, Tòa thánh nhắc lại tính bất khả xâm phạm của ấn tín và nói rằng việc tha tội không thể bị điều kiện bởi các hành động trong tương lai ở bên ngoài tòa giải tội.
Dự luật gây nguy hiểm cho lòng tin của công chúng
Stephen Andrew, nghị sĩ Queensland duy nhất của tổ chức Pauline Hanson’s One Nation, nói rằng “dự luật thực sự gây nguy hiểm cho lòng tin của công chúng và sự gắn kết trong cộng đồng của chúng ta”. Ông đặt câu hỏi: “Người dân Queensland có thể tự tin đến mức nào khi họ đang sống trong một môi trường tự do và nền dân chủ mở được quản lý bởi nhà nước pháp quyền, nơi nhà nước giam giữ các giám mục của mình?”
Các bang Victoria, Tasmania, Nam Úc và Lãnh thổ Thủ đô Úc cũng đã thông qua luật buộc các linh mục vi phạm ấn tín tòa giải tội, trong khi các bang New South Wales và Tây Úc ủng hộ luật đó.
Vào tháng 11 năm 2019, các Tổng chưởng lý trong các chính phủ liên bang và tiểu bang của Úc đã đồng ý về các quy tắc báo cáo, theo đó, các linh mục được yêu cầu hoặc vi phạm ấn tín tòa giải tội, hoặc vi phạm các quy tắc bắt buộc báo cáo lạm dụng. Hơn nữa, các linh mục sẽ không thể sử dụng biện pháp bảo vệ thông tin liên lạc đặc quyền trong ấn tín tòa giải tội để tránh đưa ra bằng chứng chống lại bên thứ ba trong các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dân sự. (CNA 08/09/2020) Hồng Thủy