2020
Tòa Thánh kêu gọi liên kết các nỗ lực chống nạn buôn người
Tòa Thánh kêu gọi liên kết các nỗ lực chống nạn buôn người
Đức ông Janusz Urbańczyk, Đại diện Thường trực của Tòa thánh tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung nhằm ứng phó với tội phạm buôn người, một tai họa ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu nạn nhân trên toàn thế giới.
Trong cuộc họp của Hội đồng Thường trực hôm 15/10, Đại diện Tòa Thánh nói rằng “Buôn người và các hình thức nô lệ đương đại khác là một vấn đề toàn cầu; nó cần được toàn nhân loại nhìn nhận một cách nghiêm túc.”
Theo Đức ông Urbańczyk, có “hơn 40 triệu nạn nhân của nạn buôn người hoặc khai thác bóc lột trên thế giới.” Trong số đáng lo ngại đó, có 10 triệu người dưới 18 tuổi và 1 trong số 20 người là các trẻ em dưới 8 tuổi là nạn nhân của việc khai thác tình dục.
Đức ông Urbańczyk đề cao các nỗ lực của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, đặc biệt là cách tiếp cận với 4 điểm của Tổ chức này: Truy tố, Bảo vệ, Phòng ngừa và Tương quan đối tác.
Buôn bán nội tạng
Đức ông lưu ý về tỷ lệ thấp trong việc truy tố những kẻ buôn người. Một quan tâm khác được Đức ông nêu lên đó là nạn buôn bán cơ phận con người, và tội phạm này bị xem nhẹ nhưng lại lan rộng. Ngài nói rằng để chống lại điều này, cần có “một phương cách cụ thể, được thống nhất để cảnh báo các chuyên gia, các cơ quan chức năng và cơ quan liên quan về nạn buôn bán nội tạng.”
Liên kết các nỗ lực
Đại diên của Tòa Thánh nhận xét rằng thông qua các chính sách, chiến dịch và chương trình giáo dục, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc xác định và giải quyết các yếu tố khiến con người dễ rơi vào nạn buôn người. Do đó, ngài khuyến khích liên kết các nỗ lực trong cuộc chiến chống buôn người, “bắt đầu bằng việc nói đến động lực của tệ nạn.”
Hồng Thủy
2020
HĐGM: Thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa năm 2020
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Anh chị em thân mến,
- Trong Tông HiếnVenerabilium Nostrorum,ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Năm nay 2020, chúng ta kỷ niệm 60 năm sự kiện đáng nhớ này. Chúng tôi vui mừng được gặp gỡ nhau trong Hội Nghị thường niên, tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh, xin gửi lời chào thân ái đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa và mong muốn chia sẻ cùng anh chị em vài tâm tình về đời sống và sứ mệnh Giáo Hội.
- Trong Tông ThưJam in Pontificatus(1961), Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII viết: “Từ nay hầu hết các giáo phận ở Việt Nam sẽ do các Giám Mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ”. Tại thời điểm đó, ở Việt Nam có khoảng 1.500.000 (một triệu rưỡi) người Công Giáo thuộc 17 giáo phận, ngày nay trên toàn quốc, có khoảng 7.000.000 (7 triệu) trong 27 giáo phận. Đây là dấu hiệu sự trưởng thành và phát triển của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, mặc dù việc loan báo Tin Mừng vẫn còn nhiều giới hạn. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa là nguồn mọi ân phúc, và tri ân các bậc tiền nhân về di sản cao quý các ngài để lại bằng mồ hôi và nước mắt, đôi khi bằng cả máu đào minh chứng niềm tin. Tâm tình tri ân đích thật không chỉ mời gọi chúng ta đón nhận mà còn phải sống, khai triển và chuyển tải di sản các ngài để lại, cách riêng là sự hiệp thông trong Giáo Hội và sứ mệnh làm muối cho đời, ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-16).
- Từ khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm tới nay, dù phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam vẫn luôn duy trì sự hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội hoàn vũ, cũng như giữ gìn sự hiệp thông trong Giáo Hội tại quê nhà. Mỗi người chúng ta cần ý thức đóng góp phần mình vào việc xây dựng sự hiệp thông đó như thánh Phaolô kêu gọi:“Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”(Pl 2,2-4).
Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cũng rất quan tâm đến những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Vì thế, xin anh em linh mục, với đức ái mục tử, hãy nỗ lực đồng hành với anh chị em trong các giáo xứ nhằm giúp họ trở thành những môn đệ và tông đồ thực thụ của Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống của tất cả mọi người (x. Ga 14,6).
- Hiệp thông trong Giáo Hội là để“cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”(Kinh Đức Mẹ La Vang). Thật vậy, “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (Hiến chế Mục Vụ, 1). Với tinh thần đó, trong những ngày này, chúng tôi kêu gọi anh chị em tích cực tham gia vào việc cứu trợ nạn nhân bão lụt tại miền Trung. Đồng thời, để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, chúng ta hãy tuân thủ những quy định về y tế và góp phần với toàn xã hội trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh.
- Để bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, chúng tôi cũng muốn lưu ý anh chị em về việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Trong thế giới ngày nay, các phương tiện truyền thông hiện đại là khí cụ hữu hiệu đế mở rộng tâm trí, kết nối yêu thương và gia tăng tình liên đới. Đáng tiếc là có nhiều người sử dụng các phương tiện truyền thông để gây chia rẽ hơn là hiệp nhất, gieo rắc hận thù hơn là tình yêu, cổ vũ lầm lạc hơn là chân lý. Là người Công Giáo, chúng ta phải sử dụng các phương tiện truyền thông để phục vụ chân lý, tình yêu và hiệp nhất để đóng góp cho sự phát triển toàn diện của con người. Mới đây, ngày 10 tháng 10 năm 2020, tại vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô Assisi, Carlo Acutis (1991-2006) được tuyên phong Chân Phước. Ngài là mẫu gương tiêu biểu cho chúng ta trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại.
- Thế giới kỹ thuật số cũng là “ngôi nhà” thân thương của người trẻ. Giáo Hội luôn quan tâm đến người trẻ, vì thế Giáo Hội Việt Nam dành ba năm 2019-2022 để tập trung vào mục vụ giới trẻ. Chủ đề mục vụ của năm 2021 tới đây là“Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình”.Gia đình là nơi người trẻ tập sống tương quan căn bản với Thiên Chúa trong cầu nguyện, tương quan hiếu thảo với cha mẹ, và tương quan huynh đệ với anh chị em trong nhà. Gia đình cũng là nơi người trẻ học tập những đức tính nhân bản như trung thực, quảng đại, phục vụ, tinh thần trách nhiệm. Ước mong các bạn trẻ cùng với cha mẹ mình vun đắp gia đình thành ngôi nhà cầu nguyện, mái ấm yêu thương và nơi đào tạo con người trưởng thành toàn diện.
Chúng ta đang sống trong tháng Mân côi, xin Đức Mẹ Mân côi giúp chúng ta biết noi gương Mẹ thưa “Vâng” với Lời Chúa và trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng cho người khác, bằng đời sống chan chứa yêu thương và dấn thân phục vụ.
Làm tại Trung tâm mục vụ TGP. Sài Gòn – TP. HCM,
Ngày 15 tháng 10 năm 2020
Chủ tịch HĐGMVN
đã ký
TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giáo phận Huế
Tổng thư ký HĐGMVN
đã ký
Gm. Phêrô Nguyễn văn Khảm
Giáo phận Mỹ Tho
Download file PDF tại đây.
2020
HĐGM: Biên bản Hội nghị thường niên 2020
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hội Nghị Thường Niên Năm 2020
BIÊN BẢN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp Hội nghị thường niên năm 2020 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, từ chiều thứ Hai ngày 12/10/2020 đến thứ Sáu ngày 16/10/2020, với sự tham dự đông đủ tất cả các thành viên của Hội Đồng Giám Mục.
Hội Đồng Giám Mục vui mừng lắng nghe thư của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, chia sẻ một số suy tư về ý nghĩa Thông điệp “Fratelli Tutti” của Đức Thánh Cha Phanxicô, về tầm quan trọng của việc đào tạo linh mục hiện nay và về đời sống đức tin trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Hội Đồng Giám Mục chúc mừng Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa giáo phận Hưng Hóa.
Hội Đồng Giám Mục chia sẻ với Tổng Giáo phận Huế, giáo phận Đà Nẵng và giáo phận Hà Tĩnh đang chịu những thiệt hại do mưa lũ kéo dài, đồng thời kêu gọi hiệp thông cầu nguyện và cộng tác cứu trợ.
Trong Hội nghị lần này, Hội Đồng Giám Mục:
- Soạn thảo và công bố Thư Mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa;
- Đề cử Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long phụ trách Hội Thừa sai Việt Nam với nhiệm kỳ 5 năm;
- Chấp thuận đề xuất của Uỷ ban Văn hóa thành lập thư viện của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đặt tại Văn phòng Hội Đồng Giám Mục;
- Quyết định quyên góp “Đồng Tiền Thánh Phêrô” hàng năm tại các giáo phận;
- Nghe phúc trình của các ủy ban:
– Ủy ban Giáo dục Công giáo trình bày chương trình hoạt động và những dự kiến trong tương lai;
– Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày về các Hội Giáo hoàng truyền giáo;
– Ủy ban Giáo dân trình bày nhiệm vụ và việc huấn luyện giáo dân tại các giáo phận;
– Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trình bày dự án Trung tâm bồi dưỡng đời sống giáo sĩ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng;
– Ủy ban Phụng tự trình bày về việc phê chuẩn Sách lễ Rôma, sách Các Bài đọc và việc dịch sách Các Nghi thức;
– Ủy ban Kinh Thánh trình bày định hướng làm việc của Ủy ban trong giai đoạn mới;
– Ủy ban Công lý – Hòa bình trình bày việc phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo;
– Ủy ban Tu sĩ trình bày về việc hiện diện của các dòng tu mới, và về sự hiệp thông giữa các dòng tu với giáo phận;
– Học viện Công giáo trình bày sự phát triển của Học viện và dự kiến cơ sở lâu dài của Học viện trong thời gian sắp tới.
Hội Đồng Giám Mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2021 sẽ được tổ chức tại Tòa Giám mục Nha Trang, từ ngày 12/4/2021 đến 16/4/2021.
Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn. TP. HCM, ngày 16/10/2020
Tổng thư ký
Hội đồng Giám mục Việt Nam
đã ký
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
Download file PDF tại đây.
2020
TTHH Fatima Vĩnh Long : Hành hương kính Mẹ 13.10.2020
TTHH FATIMA VĨNH LONG : HÀNH HƯƠNG KÍNH MẸ 13.10.2020
Sau những ngày tháng giãn cách xã hội, có thể nói hôm nay, 13.10.2020, TTHH Fatima Vĩnh Long sinh hoạt lại bình thường. Và những ước mong sự bình thường này vẫn tiếp diễn chứ đừng phải giãn cách vì bất cứ lý do nào nữa.
Và với truyền thống đạo đức tốt đẹp sẵn có từ rất lâu đời, cộng đoàn dân Chúa giáo phận Vĩnh Long luôn tìm cách quây quần về bên Mẹ mỗi khi có thể và nhất là những dịp đại Lễ, những dịp mừng kính Mẹ. Mừng những ngày 13 tháng 5 và 13 tháng 10 là những ngày mà TTHH Fatima Vĩnh Long đông vui hơn cả vì con cái về với Mẹ mang tâm tình cảm tạ, chúc tụng và xin ơn lành.
Những việc đạo đức, những giờ diễn nguyện mang bầu khí trầm lắng và đặc biệt nhất là lần chuỗi Mân Côi được cộng đoàn hiệp thông với nhau từ trưa hôm qua ngày 12 tháng 10.
Đặc biệt nhất, Thánh Lễ hành hương kính Mẹ hôm nay được cử hành hết sức long trọng và sốt sắng.
Thường thì vị Chủ Chăn quý mến của Giáo Phận luôn hiện diện nơi mảnh đất thiêng của Giáo Phận nhưng vì đang dự cuộc họp của các Giám Mục của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên Đức Cha tạm vắng nhà vài bữa. Và, một khuôn mặt dễ thương dễ mến của Giáo Phận kề cạnh Đức Cha và cũng là Tổng Đại Diện của Giáo Phận đã thay Đức Cha Phêrô chủ tế Thánh Lễ hôm nay.
Chắc chắc, Đức Ông Barnabê không quên cầu nguyện cho Đức Cha nhà Phêrô Huỳnh Văn Hai cũng như quý Đức Cha đang dự họp tại TTMV Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Cùng với Đức Ông Barnabê có nhiều Cha khác nữa trong và ngoài Giáo Phận và dĩ nhiên có Cha đặc trách TTHH Fatima Vĩnh Long – Gioan Lê Tiến Thiện. Cộng đoàn dân Chúa có quý tu sĩ nam nữ cũng như cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài Giáo Phận.
Đức Ông Barnabê mở đầu Thánh Lễ với những lời hết sức tâm tình : “… Đây là giây phút trọng đại nhất của ngày hành hương của chúng ta. Chúng ta quây quần bên Bàn Thánh để dâng lên của Lễ cao trọng là Con Thiên Chúa. Để tôn thờ chúc tụng cảm tạ và xin ơn. Khi xưa Chúa Giêsu đã hiến thân trên thập giá để xin Chúa Cha tha tội cho nhân loại. Nay dù không thấy nhưng cũng chính của Lễ khi xưa trên bàn thờ thập giá. Khi xưa Mẹ Maria đứng dưới chân cây thập giá của Chúa Giêsu để hiệp thông với Người . Giờ đây cũng xin Mẹ giúp chúng ta cùng Mẹ hiệp thông với chúng ta với của Lễ ở trên bàn thờ này với tất cả tâm tình thờ lạy, chúc tụng cảm tạ và yêu mến Thiên Chúa. Anh chị em thân mến ! Giờ đây chúng ta hãy cầm lòng cầm trí xin Chúa cho chúng ta dâng Thánh Lễ cách sốt sắng. Chúng ta nhìn nhận tội lỗi của chúng ta”
Trong bài chia sẻ, Đức Ông gợi đến cho cộng đoàn tâm tình về một Thiên Chúa là Tình Yêu.
Hết sức cụ thể, Đức Ông nói với cộng đoàn về tình yêu Thiên Chúa trao ban cho nhân loại qua Đức Trinh Nữ Maria : “Mẹ Maria cũng không muốn ai trong chúng ta hư mất vì tội lỗi. Mẹ Maria hiện ra ở Fatima để kêu chúng ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống”.
… Năm xưa trên cây sồi … Mẹ nhắn nhủ hãy mau ăn năn đền bồi, hãy năng lần hạt Mân Côi. Đức Me hiện ra lần cuối cùng 13.10.1917. Nay giáp 103 năm ngày Đức Mẹ hiện ra cho 3 kẻ chăn cừu nghèo nàn 9 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi. Đức Mẹ dạy ăn năn sám hối … Một thế giới tràn đầy tội lỗi : Tội phá thai, lạm dụng tình dục, xì ke ma túy, tham nhũng, buôn nội tạng, chà đạp luật tự nhiên và lương tâm con người. Ở Fatima Mẹ kêu con người đừng xúc phạm đến Chúa nữa. Chúng ta cộng tác bằng việc lần chuỗi Mân Côi. Sống liêm chính công bằng bác ai, phục vụ tha nhân, thắp sáng đức tin để xua tan tội lỗi. Chúng ta sống như muối như men.
Lần chuỗi Mân Côi là cảm tạ lòng thương xót của Chúa qua cuộc đời, khổ nạn, phục sinh và chiến thắng sự chết và lên trời của con Thiên Chúa.
Theo lịch sử, thế kỷ 16, nhờ lần chuỗi mà Kitô giáo chiến thắng.
Thế kỷ 12 có bè rối ở Pháp làm cho nhiều người mất đức tin. Đức Mẹ hiện ra với Thánh Đaminh và mời gọi nhân loại lần chuỗi.
Giáo Hội luôn khuyến khích chúng ta đọc kinh Mân Côi. Với quyền tháo cởi. Giáo Hội ban cho những ai lần chuỗi trong Nhà Thờ, Nhà Nguyện, gia đình thì được hưởng 1 ơn đại xá. Trong hoàn cảnh khác thì được hưởng 1 ơn tiểu xá.
Để kết thúc ngày hành hương kính Đức Mẹ, chúng ta thấy để lại cho chúng ta tâm tình gì trong ngày hành hương hôm nay ? Đó là tâm tình bài Thánh Ca : Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Con vâng nghe Mẹ rồi ! Sớm chiều từ nay thống hối. Lời kêu lên Đức Mẹ phải là tâm tình của chúng ta trước khi từ giã ra về khỏi đây : Mẹ Maria ơi ! Mẹ Maria ơi xin cho nước Việt xinh tươi, đức tin sáng ngời.”
Trước khi mọi người ra về, Cha Đaminh Nguyễn Khắc Xuyên thay lời cho Cha Giám Đốc TTHH và Ban Tổ Chức đại diện cho TTHH Fatima ngỏ lời cảm ơn Đức Ông, quý Cha trong và ngoài Giáo Phận, cảm ơn tất cả mọi người trong ban ẩm thực, ca đoàn, âm thanh ánh sáng, giữ xe … Chúng tôi cảm ơn tất cả mọi người đã tận tình phục vụ từ giây phút chuẩn bị và cho đến hết Lễ ngày hôm nay: Xin hẹn anh chị em trong những dịp hành hương tới. Kính chúc anh chị em thượng lộ bình an và có Mẹ là nguồn bình an ở cùng anh chị em.