2020
Vấn đề sách giáo dục ở Việt Nam: cần bắt đầu lại từ đâu?
Vấn đề sách giáo dục ở Việt Nam: cần bắt đầu lại từ đâu?
Thời gian vừa qua, một trong những vấn đề xã hội nổi cộm ở Việt Nam là vụ việc lùm xùm quanh bộ Sách Tiếng Việt 1 trong bộ sách Cánh Diều. Dư luận xã hội và nhiều nhà chuyên môn đã chỉ ra những vấn đề bất cập của nó, như hình thức và các câu chuyện lộn xộn, rối rắm, phản giáo dục. Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, bộ sách này “còn xa mới đáp ứng được các tiêu chuẩn cần có của bộ sách công cụ mà ta gọi là sách giáo khoa.”[1]
Một nền giáo dục thiếu triết lý
Tạm bỏ qua nghi vấn về khả năng ‘gian thương giáo dục’ như nhiều người đang e ngại, điều có thể thấy rất rõ đó là sự thiếu hụt một nền tảng triết lý mang tính nhất quán của hệ thống giáo dục nhân bản của đất nước. Chúng ta dễ dàng nhận ra những tư duy ‘khôn lỏi, ma lanh’ trong các cách diễn đạt và các câu chuyện ngụ ý từ những cuốn sách giáo khoa. Có thể chính những người biên soạn cũng không cố ý như vậy, nhưng chính điều đó lại phản ánh một thứ não trạng chung mang tính ích kỷ, tranh đua đã ăn sâu vào tiềm thức/vô thức của người Việt hiện nay, đến mức ngay cả các nhà giáo dục cũng không thoát ra được mạng lưới của nó.
Vì thế, việc suy nghĩ và nghiên cứu về triết lý giáo dục là điều cần phải làm trước khi tiến hành những kế hoạch tiếp theo. Theo thông tin mới nhất, Bộ Giáo Dục đã quyết định chỉnh sửa, cải cách bộ sách Tiếng Việt 1 nói trên.[2] Tất nhiên, điều này là cần thiết, nhưng chỉ mang tính tạm thời trong lúc cấp bách hiện nay. Thiết tưởng nếu không xây dựng một nền móng triết lý vững vàng thì mọi cải cách sẽ chỉ như xây nhà trên cát, và vài năm sau chúng ta lại phải ngồi với nhau để phàn nàn và hướng đến một cải cách khác, như vốn đã diễn ra mấy chục năm nay. Giáo sư Chu Hảo nhận xét cách xác đáng: “Sự cố này là kết quả tất yếu của các cuộc cải cách giáo dục hơn hai mươi năm gần đây nhằm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học…đều không dựa trên một triết lý, một tư tưởng hay một lý luận giáo dục rõ ràng và nghiêm chỉnh nào. Tất cả chỉ là các dự án, đổi mới mang tính chắp vá.”[3] Những cải cách kiểu đó không chỉ hoài phí tiền thuế và làm cạn kiệt niềm tin của người dân, mà quan trọng hơn là biến những thế hệ trẻ em ở đất nước này thành những chú chuột bạch.
Có thể xây dựng triết lý giáo dục như thế nào?
Để hình thành một hệ thống triết lý giáo dục với nền tảng siêu hình vững vàng là điều rất khó khăn, nhất là với một đất nước yếu về triết học như Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tìm kiếm một phương hướng triết lý giáo dục cho mình được. Đơn giản vì chúng ta vẫn có thể thực hiện hai điều sau: (1) Nghiên cứu và học hỏi từ triết lý của các nền giáo dục tiên tiến khác; (2) xác định thêm những điểm triết lý đặc thù trong tâm thức và văn hoá người Việt Nam.
Về cơ bản, dù ở đâu, con người cũng chia sẻ những giá trị chung. Chúng ta hay nhấn mạnh đến khía cạnh khác biệt, đặc thù của mỗi dân tộc. Điều đó không sai, vì thực sự văn hoá ảnh hưởng rất lớn đến con người. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đó nhiều khi khiến ta quên rằng có những giá trị và nền tảng cốt lõi chung cho mọi người, ví dụ: ai cũng muốn được hạnh phúc, được yêu thương, được tôn trọng và trở nên hữu ích. Vì vậy, việc giáo dục con người ở mọi nơi đều có những điểm căn bản chung có thể áp dụng cho mọi dân tộc, mọi nền văn hoá.
Việc học hỏi, thậm chí là bắt chước, nền tảng triết lý và tri thức từ một hệ thống giáo dục tốt của nước khác chẳng có gì là xấu hổ. Ngay cả những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng không phải tự họ phát kiến và xây đắp bằng sức lực riêng của mình, mà chủ yếu là được phát triển trên nền tảng thừa kế và học hỏi từ bao nhiêu thành quả trước đó của nhân loại, đặc biệt là về mặt triết học. Hơn nữa, bản thân nền giáo dục Việt Nam hiện tại cũng đã chuyển đổi hệ hình theo nền học thuật Phương Tây (từ 1919), vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và học hỏi, không chỉ từ những nước gần gũi về văn hoá và chủng tộc mà còn từ các nền giáo dục Phương Tây, là điều hết sức cần thiết.
Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ họ. Tuy nhiên, có một điểm mang tính cốt lõi cần phải chú trọng: một nền giáo dục được xem là tốt phải có tầm nhìn rằng giáo dục không chỉ để mở mang trí tuệ, mà quan trọng hơn là để mở rộng tâm hồn. Vì thế, các chương trình giáo dục tiên tiến này chú trọng việc giúp trẻ em nâng cao tâm thức quý trọng và yêu mến sự sống, nhất là sự sống con người. Một trong những phương thức giúp đạt điều này chính là cho các em tiếp xúc, chăm sóc và hoà mình vào môi trường thiên nhiên, để các em không chỉ vui chơi, mà còn biết tiếp xúc, trân quý, và chăm sóc sự sống của từng sinh mệnh bé nhỏ. Ví dụ, trẻ em mẫu giáo được cho gieo một hạt giống nào đó, rồi sau đó từng em sẽ quan sát và chăm sóc cây đó cho đến trưởng thành. Các em cũng được tạo điều kiện để tiếp xúc, chơi đùa với các con vật (trong công viên, nơi nông trại, vv.), và chăm sóc chúng. Đó là cách hiệu quả để các em thật sự có lòng quý trọng từng sinh mệnh, lẫn lòng tôn kính Đấng Tạo Hoá; và đó là cách để thiện tính trong tâm hồn các em được mở rộng. Một đứa trẻ biết yêu mến thiên nhiên, yêu mến sự sống của muôn loài, thì chắc hẳn cũng sẽ biết tôn trọng chính mình và yêu mến tha nhân; biết quý trong sự sống của họ, và có ý thức đóng góp xây dựng xã hội mãnh liệt hơn.
Còn về khía cạnh đặc thù trong triết lý giáo dục của Việt Nam: nếu nói rằng Việt Nam chưa có nền tảng triết lý giáo dục nào cũng không hẳn đúng, vì chúng ta từng theo hệ hình của Nho học trong một thời gian dài; rồi sau khi tiếp thu hệ hình Tây học, các nhà trí thức lớn thời đầu, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh,.. cũng đã xây dựng được các chương trình giáo dục quy củ và có nền tảng. Đặc biệt, cho đến trước khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, nền giáo dục Miền Nam Việt Nam đã kế thừa và phát triển chương trình của các vị học giả này, để xác lập một triết lý giáo dục khá hệ thống là ‘nhân bản – dân tộc – khai phóng’. Và điều quan trọng hơn cả: chúng ta có một truyền thống giáo dục nhân bản trong gia đình và làng xóm, với những hệ giá trị rất rõ nét được thừa nhận qua nhiều thế hệ.
Vì vậy, dù dường như chúng ta chưa từng có một nền triết lý được biện giải và phân tích cách có hệ thống và hoàn chỉnh, nhưng chúng ta lại có sẵn những giá trị triết lý mang tính quy chiếu rất rõ ràng trong gia sản của truyền thống văn hoá và tâm thức của dân tộc mình. Theo thiển ý người viết, chúng ta có thể liệt kê 5 giá trị nhân bản mang tính nền tảng đó như sau:
(1) Đạo hiếu. Trong tâm thức người Việt, đây là giá trị nền tảng trong tương quan với gia đình.
(2) Tự trọng. Đây là giá trị cốt lõi trong tương quan của một người với chính mình (‘tự trọng’ nghĩa là biết tôn trọng chính bản thân mình).
(3) Chân thành – Trung tín – Tương trợ. Đây là giá trị nền tảng trong tương quan với tha nhân và xã hội nói chung.
(4) Yêu quê hương, dân tộc. Đây là giá trị đặc trưng trong tương quan với đất nước.
(5) Hiền lành và thương người. Đây là giá trị quy chiếu trong tương quan với tâm thức thiêng liêng, tôn giáo.
Chính những giá trị đó đóng vai trò định hướng cách ứng xử và lối sống của từng cá nhân; và chúng trở thành các điểm quy chiếu để xác định đạo đức và luân lý của người Việt.
Cần giao cho ai nghiên cứu?
Sau khi xác định được phương hướng nghiên cứu về triết lý giáo dục, vấn đề quan trọng còn lại phải đặt ra: nhiệm vụ nghiên cứu này nên đặt vào những ai?
Một trong những vấn nạn ở Việt Nam là nhiều người làm việc theo ‘chức vụ’ và ‘nhiệm vụ chính trị’ thay vì ‘chuyên môn chuyên biệt’. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài Nguyên Môi Trường, đã can đảm chỉ ra, “tôi cho rằng lỗi lớn là ta đã ghép ‘giáo dục’ thế hệ trẻ và ‘đào tạo’ người lớn vào chung một bộ. Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập, tất cả bộ trưởng đều từ khu vực đại học, các việc lớn đều do bên đại học chủ trì. Một giáo sư ngữ văn, lịch sử hay địa lý có thể rất giỏi chuyên môn, nhưng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không rành về tâm lý giáo dục trẻ em.”[4]
Vì vậy, trước hết, cần trao quyền nghiên cứu và làm việc độc lập cho các bộ/viện chuyên về giáo dục, với những người có chuyên môn chuyên biệt. Nhưng cũng cần lưu ý: nhiều người được xem là có ‘chuyên môn’, là ‘nhà sư phạm’ trong thế hệ hiện nay lại có nguy cơ là những ‘chuyên gia trong phòng máy lạnh’. Nghĩa là kết quả nghiên cứu của họ đến từ suy nghĩ chủ quan và mang nặng tính lý thuyết. Vì thế, cần phải có những nhà chuyên môn sư phạm có tâm và tầm thật sự trong sứ mạng này.
Chúng ta có rất nhiều người Việt tài năng, có chuyên môn hoặc tư chất về giáo dục, ở trong nước lẫn khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều người trong số họ luôn có tâm huyết và nặng lòng với nước nhà. Vì vậy, tôi tin rằng chỉ cần mở ra một cơ chế thông thoáng, mời họ làm việc, đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, thì hẳn nguồn nhân sự cần thiết cho sự mạng này không còn là vấn đề.
Giáo dục, xét cho cùng không phải là chuyện của riêng ai, hay của một nhóm người nào. Vì thế, ước mong không ai thờ ơ với giáo dục, không ai tìm cách trục lợi từ giáo dục, và cũng không ai tìm cách áp đặt ý thức hệ riêng của mình lên giáo dục!
[1] khoahocdoisong.vn . Cập nhật 18/10/2020.
[2] vietnamnet.vn . Cập nhật 18/10/2020.
[3] x. giaoduc.net.vn Đăng ngày 13/10/2020.
[4] vnexpress.net . Cập nhật 18/10/2020.
Khắc Bá, SJ
2020
Phỏng Vấn Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Op. Tân Giám Đốc Caritas Việt Nam
Phỏng Vấn Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, Op. Tân Giám Đốc Caritas Việt Nam
Ngày 12/10/2020 vừa qua, Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu chủ tịch UBBAXH trao quyết định bổ nhiệm cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP. làm Tổng thư ký UBBAXH, Giám đốc Caritas Việt Nam, thay thế cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng đã phục vụ 10 năm. VietCatholic được cha Tân giám đốc Caritas Việt Nam dành cho cuộc phỏng vấn đầu tiên trong chức vụ mới
Nt. Minh Du: Thưa cha, lời đầu tiên VietCatholic xin chúc mừng cha.
Cha có bất ngờ khi Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu mời cha làm giám đốc Caritas Việt Nam không ạ? Và “duyên” nào đã làm cho Đức cha Toma “để ý” và “ngỏ lời” với cha?
Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Chào Sơ. Trước tiên xin cám ơn Chị đã cho tôi có cơ hội thưa chuyện với độc giả VietCatholic. Chị hỏi tôi có bất ngờ hay không, thú thực tôi rất bất ngờ khi Đức cha chủ tịch UBBAXH ngỏ ý nhờ đảm nhận vai trò giám đốc Caritas Việt Nam. Bất ngờ vì tôi cứ nghĩ rằng hiện nay mình chỉ có thể đóng góp trong lãnh vực giảng dạy thần học, bây giờ lại tham gia lãnh vực bác ái xã hội. Còn “duyên” nào mà Đức cha chủ tịch đề nghị tôi làm giám đốc Caritas, thì tôi cũng chưa kịp hỏi ngài, và cũng không có ý hỏi. Tôi chỉ xin có thời gian để lượng sức mình và hỏi ý kiến các bề trên trong dòng thôi.
Nt. Minh Du: Cha đã đón nhận công việc với tâm trạng nào ạ?
Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Thưa Chị, tâm trạng đầu tiên là lo sợ vì tôi chưa quen với lãnh vực này, không biết mình có đáp ứng được những đòi hỏi của công việc được giao hay không. Nhưng tôi nhớ lại khi đi học thần học ở Đại học Công Giáo Paris, một giáo sư là nữ tu Geneviève đã nhắc nhở chúng tôi rằng các anh làm thần học thì trong đầu mỗi người các anh phải có hình ảnh ít nhất là của một người nghèo, nếu không, thứ thần học của các anh sẽ xa rời thực tế cuộc sống con người. Khi trở về Việt Nam và tham gia giảng dạy, tôi quên mất điều đó. Đến khi Đức cha chủ tịch UBBAXH đặt vấn đề thì tôi mới sực nhớ lại, phải chăng đây là lúc Chúa nhắc tôi thực hiện lời dạy của vị giáo sư khả kính kia. Nhưng dù sao vẫn lo lắng, lo hơn cả khi được bầu làm giám tỉnh, có lẽ nỗi lo giống như khi tôi còn học trung học mà được bầu làm lớp trưởng ! Khi được bầu làm giám tỉnh, tôi cũng đã biết đôi chút phải làm gì, vì mình ở trong dòng lâu rồi mà. Còn làm bác ái xã hội thì chưa quen. Tôi cũng nghĩ tới trường hợp của Đức cha chủ tịch, ngài chưa từng làm cha xứ bao giờ cho đến khi được đặt làm giám mục ! Tấm gương can đảm và phó thác của ngài cũng là một trong những động lực thúc đẩy tôi và giải toả phần nào tâm trạng lo lắng của tôi.
Nt. Minh Du: Cha sẽ chính thức bắt tay vào công việc khi nào và những lớp học tại các học viện cha sẽ còn tiếp tục giúp quý soeurs và quý thầy không, thưa cha?
Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Thưa Chị, công việc của tôi tại văn phòng Caritas bắt đầu từ ngày 12/10/2020. Thực ra thì Đức cha chủ tịch đã có ý bổ nhiệm chính thức từ giữa tháng 8/2020, dịp lễ thánh Anton Nguyễn Đích, bổn mạng Caritas Việt Nam, nhưng vì dịch Covid, nên tạm hoãn vô thời hạn. Do đó, tôi vẫn tiếp tục nhận công tác giảng dạy. Tôi đã thưa với Đức cha và được ngài đồng ý là tôi vừa giảng dạy vừa làm việc tại văn phòng Caritas ít là cho hết học kỳ này. Tôi nghĩ sở dĩ Đức cha chấp nhận điều này, vì hiện nay các anh chị em làm việc tại văn phòng Caritas đã được huấn luyện khá chuyên nghiệp, nên họ có thể đảm nhận tốt các công tác của văn phòng Caritas và các chương trình vẫn được vận hành đều đặn.
Nt. Minh Du: Điều gì làm cha lo ngại nhất trong vai trò Giám đốc Caritas VN và chương trình sắp tới của cha là gì trong cương vị mới?
Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Điều gì lo ngại nhất trong vai trò giám đốc, thì tôi không dám nói vì có thể chưa biết hết, còn những lo ngại chủ quan thì tôi đã nói trên kia. Riêng câu hỏi về chương trình sắp tới thì xin thưa là tôi đảm nhận những công việc của Giám đốc như đã được qui định trong điều lệ của Caritas Việt Nam. Tôi xin giới thiệu đôi chút về tổ chức Caritas để Chị hiểu rõ hơn. Caritas Việt Nam là một tổ chức trực thuộc HĐGM Việt Nam, và là thành viên của tổ chức Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis), hiện nay có 165 thành viên hoạt động trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trụ sở chính đặt tại Roma, có văn phòng tại New York (Hoa Kỳ) và tại Geneva (Thụy Sỹ). Chị có thể tìm hiểu thêm về Caritas tại trang Web caritasvietnam.org. Tại Việt Nam, văn phòng Caritas Việt Nam hiện đặt tại số 319, quốc lộ 13, quận Thủ Đức, gần nhà thờ Fatima Bình Triệu, giáo phận Sài Gòn. Ngoài ra, mỗi giáo phận còn có vị giám đốc Caritas giáo phận, văn phòng Caritas giáo phận cũng như các hội Caritas tại các giáo xứ. Các vị tiền nhiệm của tôi đã có công hình thành tổ chức Caritas với các cơ cấu khá vững chắc nên tôi cũng an tâm.
Về nguồn lực, trước đây tôi cứ nghĩ Caritas là tổ chức nhận các nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế rồi phân phối cho các dự án từ thiện tại Việt Nam. Nhưng thực sự không hoàn toàn như vậy. Caritas thực hiện một vài dự án với nguồn hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện nước ngoài, nhưng phần chính yếu vẫn là dựa vào lòng quảng đại của anh chị em giáo dân và các mạnh thường quân tại Việt Nam. Do đó chúng tôi cần tìm ra những phương thức vận động được sự giúp đỡ của nhiều người, và chúng tôi có vai trò làm cầu nối cho những tấm lòng đó đến với những người có nhu cầu thực sự.
Về lãnh vực hoạt động, Caritas tập trung vào các lãnh vực như cứu trợ khẩn cấp, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và xây dựng hòa bình.
Đặc biệt, năm tới là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Caritas Quốc tế (1951-2021), ngoài những công việc đang làm, chúng tôi hướng tới một số dự án liên hệ đến các chương trình sau. Một là vận động anh chị em Công Giáo, đặc biệt các hội viên Caritas tại các giáo xứ, học hỏi tinh thần bác ái tin mừng, và thể hiện tinh thần đó trong những dự án cụ thể trong khả năng của mình. Chúng ta đều ý thức rằng bác ái không là công việc của riêng ai, nhưng là sứ vụ của toàn Giáo hội và của mỗi người Kitô hữu, do đó, Caritas Việt Nam có chương trình vận động các hội viên Caritas và giới trẻ thực hiện những dự án trong khả năng của mình. Không có việc nhỏ, chỉ có những công việc được thực hiện với tình yêu lớn hay nhỏ mà thôi.
Thứ đến, chúng tôi tìm cách gây ý thức cho mọi người hiểu ý nghĩa Caritas. Caritas là chính tên gọi của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã viết một thông điệp tựa đề là Deus Caritas est. Thiên Chúa là Caritas. Do đó khi tham gia Caritas, không phải chúng ta làm từ thiện, mà đúng hơn là chia sẻ tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Trước đây tôi đã có thời gian ngắn công tác cho một tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Họ giải thích cho chúng tôi rằng không phải họ đưa tiền đến giúp người Việt mà họ chỉ trả lại những gì thuộc về người Việt, những người nghèo ở Việt Nam. Theo họ, tài nguyên trên trái đất là của chung, do đó, người có nhiều hơn phải san sẻ cho người có ít hơn. Bác ái không phải là cho người khác những gì mình có mà đúng hơn trả lại cho người khác tình yêu mà Chúa đã ban cho họ qua chúng ta.
Nt. Minh Du: Hiện nay hậu quả của cơn bão số 6 và số 7 cũng như những ngày mưa đặc biệt lớn ở miền Trung, Caritas có chương trình tương trợ khẩn cấp và dài lâu ra sao, thưa cha!?
Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Tôi bắt đầu công việc từ ngày 12/10, khi cơn bão số 6 vừa suy yếu thì miền Trung lại tiếp tục oằn mình dưới giông gió của cơn bão số 7. Caritas có ban cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ phục hồi. Trong những ngày qua, chúng tôi trao đổi thông tin với các vị giám đốc Caritas tại các giáo phận Đà Nẵng, Huế và Hà Tĩnh và cũng đã hỗ trợ các đơn vị này. Caritas tại các giáo phận cũng đã khẩn trương thăm viếng và cứu trợ những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng ta đều biết thiệt hại do thiên tai như thế là không nhỏ, mà khả năng của Caritas rất giới hạn, do đó, có những lời kêu gọi mà chúng tôi cảm thấy buồn vì không đáp ứng được. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã vận động một số đơn vị giáo xứ hoặc hội dòng, tổ chức những chuyến cứu trợ đến các vùng bị thiên tai, phối hợp với các vị giám đốc Caritas giáo phận.
VietCatholic một lần nữa cám ơn Cha đã chia sẻ những tâm tình trong những ngày đầu nhận sứ vụ mới. Xin Thiên Chúa chúc lành và ban nhiều sức khỏe thể xác và tinh thần cho cha
Cha Giuse Ngô Sĩ Đình: Cám ơn Chị nhiều. Xin Chị và quý độc giả VietCatholic cầu nguyện nhiều và hỗ trợ cho các công tác bác ái của Caritas Việt Nam.
Nt. Minh Du
2020
Brazil – Một linh mục trẻ được thụ phong vừa tròn 5 tháng, bị giết thật thảm thương!
Brazil – Một linh mục trẻ được thụ phong vừa tròn 5 tháng, bị giết thật thảm thương!
Theo Thông tấn xã Fides loan đi từ Caratinga thì “Giáo phận Caratinga vô cùng thương tiếc loan tin về cái chết bi thương của cha Adriano da Silva Barros, cha phó giáo xứ São Simão, ở Simonésia.
Cha Adriano đã mất tích vào chiều ngày 13 tháng 10, lần cuối giáo dân thấy cha ở Reduto. Đêm 14/10, thi thể bất động bị cháy đen của cha được tìm thấy ở khu vực lân cận của vùng Manhumirim. Giả thuyết “cha bị một nhóm cướp vũ trang cướp rồi thủ tiêu!” đang được cơ quan cảnh sát điều tra. Đó cũng là thông báo của giáo phận Caratinga, Brazil, về cái chết rất thương tâm của linh mục Adriano.
Tuyên cáo được gửi cho Thông tấn xã Fides là: “Trong niềm hy vọng phục sinh, chúng tôi chúc tụng Chúa, vì thiên chức vụ linh mục của cha Adriano, cha đã sống đời linh mục với lòng sốt mến và nhiệt thành, trong năm tháng ngắn ngủi từ khi cha được thụ phong vào ngày 3/5/2020”.
Theo tin của cảnh sát thì cha Adriano da Silva Barros 36 tuổi, bị giết bằng dao, và sau đó thi thể của ngài bị thiêu đốt đi! Một nông dân ở vùng nông thôn Manhumirin, đã phát hiện ra đám cháy và đã thông báo cho cảnh sát!
Tang lễ của cha sẽ được cử hành vào thứ Năm ngày 15/10/2020 tại giáo xứ Martins Soares, quê hương của ngài, do Đức Cha Emanuel Messias de Oliveira, Giám mục Caratinga chủ tế và cùng đồng tế có các linh mục trong giáo phận. (Agenzia Fides, 16/10/2020)
Thanh Quảng sdb
2020
ĐTGM Salvatore Cordileone: Không thể cho phép một nhóm côn đồ có quyền quyết định những biểu tượng nào chúng ta được thờ
ĐTGM Salvatore Cordileone: Không thể cho phép một nhóm côn đồ có quyền quyết định những biểu tượng nào chúng ta được thờ
Người Công Giáo ở California đã tập hợp trong một cuộc biểu tình ôn hòa vào tối thứ Ba tại địa điểm cũ của một bức tượng của Thánh Junipero Serra, mà một nhóm những kẻ quá khích đã phá hoại và kéo xuống hồi đầu tuần qua.
Cha Kyle Faller hướng dẫn cầu nguyện tại địa điểm tượng thánh Junipero Serra bị phá hủy, Oct. 13, 2020. Credit: Valerie Schmalz/Archdiocese of San Francisco
Cha Kyle Faller, cha sở giáo hạt, đã lần hạt Mân Côi và phát biểu trước đám đông khoảng 75 đến 100 người vào ngày 13 tháng 10, nhiều người trong số họ đã cầm những tấm biển ghi “Giải phóng các Thánh lễ”, liên quan đến các hạn chế COVID-19 của thành phố đối với việc thờ phượng nơi công cộng, mà Đức Tổng Giám Mục của San Francisco đã gọi là bất công.
Cha Faller cũng chủ sự một buổi cầu nguyện tại nơi bức tượng bị phá hủy, trong đó có lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã dâng lễ cầu nguyện trừ tà tại địa điểm cũ của bức tượng vào ngày 17 tháng 10.
“Hãy coi đó là một thời gian cho tất cả chúng ta suy tư nhưng hãy vững lòng và đừng sợ, như vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại của chúng ta từng nói,” Cha Faller nói với đám đông.
“Điều này có nghĩa là đức tin của chúng ta không thể bị giới hạn trong đời sống riêng tư hoặc đóng kín trong 4 bức tường nhà thờ. Đức tin của chúng ta phải được sống trong nhà thờ nhưng cũng phải được sống trên đường phố, trong nhà của chúng ta, và nơi làm việc của chúng ta”.
Tưởng cũng nên nhắc lại hôm thứ Hai 12 tháng 10, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.
Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.
Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.
“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.
Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.
Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.
Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.
Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.
Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.
Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.
Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.
“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.
“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.
Đặng Tự Do