2020
Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trợ giúp nạn nhân lũ lụt miền Trung
TỔNG LIÊN ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM
Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam trợ giúp nạn nhân lũ lụt miền Trung
THƯ KÊU GỌI
Kính gửi: Quý Cha Tuyên úy, Quý Trợ úy, Quý Trợ tá, Quý Huynh trưởng Giáo lý viên
và các em Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam,
Cơn đại dịch Covid-19 vừa mới lắng dịu, kinh tế chưa kịp hồi phục thì trong những ngày qua, người dân miền Trung liên tiếp bị bão lụt, lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Các cơn bão lụt liên tiếp, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng đã khiến cho hàng ngàn gia đình rơi vào tình trạng kiệt quệ, trong số đó có gia đình các em thiếu nhi của 05 ngành Chiên Con – Ấu – Thiếu – Nghĩa – Hiệp Sĩ – và các Huynh trưởng Giáo lý viên tại các Xứ Đoàn thuộc giáo phận Huế, Hà Tĩnh và Vinh.
Vào ngày 12/10/2020 Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư và kêu gọi Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam và hải ngoại cầu nguyện và cộng tác cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung.
Hưởng ứng lời Kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse và được sự đồng thuận của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên – Chủ tịch Ủy ban mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi, Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam chúng ta cầu nguyện và chung tay giúp đỡ cho các nạn nhân lũ lụt miền Trung, tùy theo khả năng của mình. Đây cũng là dịp thiết thực để thực hành châm ngôn sống của Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam là “Cầu Nguyện – Rước Lễ – Hy Sinh – Làm Tông Đồ”.
Ban Điều hành Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam toàn quốc kêu gọi các Xứ đoàn, ngoài việc cầu nguyện, chúng ta hãy cùng hy sinh ít nhất một bữa ăn sáng, dành số tiền đó để đóng góp giúp đỡ các em thiếu nhi tại các Xứ đoàn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của bão lụt.
Các Xứ đoàn có thể gửi phần đóng góp của mình về cho Liên đoàn Giáo phận.
Các Liên đoàn gửi về cho Tổng Liên đoàn trước ngày 22/11/2020 (Lễ Chúa Kitô Vua Vũ).
Các Xứ đoàn cũng có thể đóng góp trực tiếp vào tài khoản của Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam theo thông tin dưới đây.
Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam chúng con cũng rất mong nhận được sự đóng góp hỗ trợ của quý Phụ huynh và quý mạnh thường quân tại Việt Nam và hải ngoại, để các em Thiếu nhi tại các
Xứ đoàn miền Trung sớm vượt qua khó khăn và trở lại cuộc sống bình thường.
Xin chân thành cám ơn và xin Chúa Giêsu Thánh Thể trả công bội hậu cho tất cả.
Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, ngày 22/10/2020
Hợp Thỉnh Tm. Tổng Liên đoàn TNTT Việt Nam
Cha Tổng Tuyên úy Trưởng ban
(đã ký) (đã ký)
Lm. Giuse PHẠM ĐỨC TUẤN Mice NINH ĐỨC THÀNH
* Mọi chia sẻ, giúp đỡ xin liên hệ:
+ Văn phòng Ban Mục vụ Thiếu nhi Giáo phận Sài Gòn Tp.HCM
180 Nguyễn Đình Chiểu. P6. Q3, TP.HCM
ĐT: 0932.765.246 – 0908.542.422 – 0919.524.286
Website: www.tntt.vn – Email: cuutrom[email protected] – Facebook: f/truyenthong.tnttvn
+ Tài khoản ngân hàng Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Tên tài khoản: PHAM DUC TUAN.
Số tài khoản: 921094380874584 – Ngân hàng: Nam Á (NAB) – Chi nhánh: HCM
2020
Đức Thánh Cha Công Bố Danh Sách 14 Tân Hồng Y – Việt Nam Mất Cơ Hội Có Tân Hồng Y Lần Này
Đức Thánh Cha Công Bố Danh Sách 14 Tân Hồng Y – Việt Nam Mất Cơ Hội Có Tân Hồng Y Lần Này
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 20 tháng 5, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ tấn phong 14 tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 6, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.
Đức Thánh Cha nói các vị tân Hồng Y đến từ 11 quốc gia, “thể hiện tính phổ quát của một Giáo Hội tiếp tục công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên trái đất này.”
Trong danh sách các Tân Hồng Y có ba vị trên 80 tuổi “nổi bật vì sự phục vụ của các ngài dành cho Giáo Hội.”
Ngay tại thời điểm hiện nay, khi Đức Thánh Cha công bố quyết định này, Hồng Y Đoàn có 213 thành viên, trong đó có 115 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện bỏ phiếu trong một mật nghị bầu tân giáo hoàng.
Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, sẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của ngài vào ngày 8 tháng Sáu. Như thế, vào ngày 29 tháng 6, Hồng Y Đoàn dự kiến sẽ có 227 vị trong đó 125 vị là Hồng Y cử tri.
Sau ngày 29 tháng 6, số Hồng Y cử tri do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong sẽ chiếm gần một nửa. Mười chín vị Hồng Y cử tri do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong; và 47 vị do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong.
Các tân Hồng Y đến từ: Iraq, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Peru, Madagascar, Nhật Bản, Mexico và Bolivia.
Các Hồng Y mới, được liệt kê theo thứ tự được Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo, là:
– Thượng phụ Chaldean Louis Raphael I Sako, 69 tuổi, người Iraq.
– Đức Tổng Giám Mục Luis F. Ladaria, 74 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
– Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, 64 tuổi, người Ý, Giám quản Giáo phận Rome.
– Đức Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu, 69 tuổi, người Ý, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
– Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, 54 tuổi, người Ý, Quan Phát Chaẩn của Đức Giáo Hoàng.
– Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts của Karachi, 72 tuổi, người Pakistan,.
– Đức Giám Mục Antonio dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fatima, 71 tuổi, người Bồ Đào Nha.
– Đức Tổng Giám Mục Pedro Barreto của Huancayo, 74 tuổi, người Peru.
– Đức Tổng Giám Mục Desire Tsarahazana của Toamasina, 63 tuổi, người Madagascar.
– Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Petrocchi của L’Aquila, Ý, 69 tuổi.
– Đức Tổng Giám Mục Thomas Aquinas Manyo Maeda ở Osaka, Nhật Bản, 69 tuổi.
– Đức Tổng Giám Mục Sergio Obeso Rivera, Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu của Xalapa, Mexico, 86 tuổi.
– Đức Giám Mục Toribio Ticona Porco, vị giám mục về hưu của Corocoro, Bolivia, 81 tuổi.
– Cha Claretian Aquilino Bocos Merino, 80 tuổi, người Tây Ban Nha.
Trong 11 vị Hồng Y dưới tuổi 80 được tấn phong lần này có đến 3 vị thuộc Á Châu, nơi tỷ lệ gia tăng dân số Công Giáo từ 4 đến 5%. Trong tất cả các châu lục, Á Châu là lục địa mênh mông nhất. Với hơn 3.6 tỷ dân, Á châu là lục địa đông dân nhất toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại chính là nơi có tỷ lệ người Công Giáo thấp nhất thế giới. Tỷ lệ người Công Giáo tại Á Châu chỉ có 3.3% so với 15.27% tại Phi Châu, 25.24% tại Đại Dương Châu, 37.85% tại Âu Châu, và 59.08% tại Mỹ Châu. Chính vì thế, các triều đại Giáo Hoàng gần đây đều rất chú ý đến Á Châu.
Vào ngày 1 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80, Việt Nam không còn cử tri Hồng Y nào.
Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sàigòn vào ngày 1 tháng Ba năm 1998, và 5 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003. Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội vào ngày 13 tháng Năm năm 2010, và hơn 4 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 14 tháng Hai năm 2015. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đã coi sóc tổng giáo phận được 4 năm.
Với cái chết đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Giáo Hội tại Việt Nam có lẽ vừa mất đi một cơ hội để có vị Hồng Y thứ Bẩy trong năm nay.
Sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, từ năm 2014, mỗi năm Đức Thánh Cha đều tấn phong các tân Hồng Y. Công nghị tấn phong 14 vị lần này là Công Nghị tấn phong Hồng Y lần thứ 5. Trong 4 lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong tổng cộng 61 vị Hồng Y từ 43 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.
Source Libreria Editrice Vaticana – SOLENNITÀ DI PENTECOSTE PAPA FRANCESCO REGINA COELI Piazza San Pietro Domenica, 20 maggio 2018
Đặng Tự Do
2020
Lời của Đức Phanxicô về hôn nhân đồng tính: mới hay tiếp tục?
Lời của Đức Phanxicô về hôn nhân đồng tính: mới hay tiếp tục?
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung vào 21 tháng 10 năm 2020 tại Vatican. (Ảnh CNS / Paul Haring)
Các tuyên bố gần đây của Giáo hoàng về hôn nhân đồng giới đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông, điều này tạo một sự mới mẻ trong bài phát biểu của Giáo hoàng. Đây có phải là trường hợp này không?
Đức Phanxicô thường cởi mở với ý tưởng về luật công nhận các kết hợp dân sự, bao gồm cả các cặp đồng tính để bảo vệ quyền cho họ.
Các nhận xét của Đức Phanxicô trong một đoạn ngắn từ bộ phim tài liệu, Francesco, tương tự như quan điểm của ngài khi ngài còn là Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires, ngài lặp lại các nhận xét ngài đã đưa ra trong một số cuộc phỏng vấn, “hôn nhân” không chỉ giữa một người nam và một người nữ, nhưng luật về kết hợp dân sự có thể bảo vệ pháp lý cho các cặp vợ chồng đã sống với nhau lâu dài.
Nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong phim, Đức Phanxicô cho biết: “Người đồng tính có quyền có được gia đình. Họ là con cái của Chúa và họ có quyền có được gia đình. Không ai nên bị đuổi hoặc bị làm cho khổ sở vì điều này. Những gì chúng ta cần tạo ra là luật kết hợp dân sự. Bằng cách này, họ sẽ được hợp pháp”.
Cuốn phim được ra mắt ở Rôma ngày 21 tháng 10. Nhiều lần Đức Phanxicô đã tuyên bố công khai, các cha mẹ không nên, không được từ chối một đứa trẻ chỉ vì đứa bé đồng tính, và trong một số trường hợp, ngài đã nói về quyền mà tất cả mọi người phải có gia đình.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Mexico năm 2019, được hỏi về việc phản đối hôn nhân đồng tính ở Argentina và sự cởi mở của ngài với các người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới (LGBT) với tư cách là giáo hoàng, ngài nói: “Tôi luôn bảo vệ giáo điều. Nói về hôn nhân đồng giới quả là mâu thuẫn”
Nhưng ngài cũng nói thêm: “Người đồng tính có quyền trong gia đình; người có xu hướng đồng tính có quyền có được gia đình và cha mẹ có quyền công nhận con mình là đồng tính; chúng ta không thể ném ai ra khỏi gia đình hoặc làm cho cuộc sống của họ trở nên không sống được.”
Trong quyển sách Chính trị và Xã hội đối thoại với nhà xã hội học người Pháp Dominique Wolton, hai người đã thảo luận về hôn nhân đồng giới và sự kết hợp dân sự trong bối cảnh thảo luận về truyền thống, hiện đại và sự thật.
Trong quyển sách xuất bản năm 2017 này, Đức Phanxicô nói, hôn nhân là một từ “lịch sử”. Vì từ bao giờ, trong toàn nhân loại chứ không riêng gì trong Giáo hội, hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Bạn không thể thay đổi nó như vậy. Ngài nói, chính “bản chất” của chúng, chúng ta gọi đó là “kết hợp dân sự”.
Trong một phỏng vấn được đăng trên tờ báo Ý Corriere della Sera năm 2014, khi được hỏi về các biện pháp châu Âu đã làm để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hoặc thông qua luật kết hợp dân sự. Ngài tuyên bố: “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn hợp thức hóa các kết hợp dân sự để điều chỉnh các hoàn cảnh chung sống khác nhau, do nhu cầu điều chỉnh các khía cạnh kinh tế giữa mọi người, chẳng hạn như bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Đó là các hợp đồng chung sống với nhiều loại khác nhau, nhiều hình thức khác nhau mà tôi không thể liệt kê hết được”.
Ngài nói: “Như thế cần phải xem các trường hợp khác nhau và đánh giá theo sự đa dạng của chúng,” ngài gợi ý một số hình thức kết hợp dân sự sẽ được chấp nhận.
Theo quyển tiểu sử của tác giả Austen Ivereigh về Đức Phanxicô, năm 2010 Jorge Mario Bergoglio đã phản đối chính phủ Argentina khi họ bắt đầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Tác giả Ivereigh viết: “Ngài nói với một nhà hoạt động công giáo đồng tính, cựu giáo sư thần học Marcelo Marquez, rằng ngài ủng hộ quyền của người đồng tính cũng như công nhận sự hợp pháp của các kết hợp dân sự. Nhưng ngài hoàn toàn phản đối mọi nỗ lực nào nhằm định nghĩa lại hôn nhân trong luật pháp.”
Quyển sách viết tiếp, giáo hoàng tương lai, “đã không phản đối mạnh mẽ đạo luật năm 2002 về kết hợp dân sự chỉ áp dụng cho Buenos Aires và đạo luật này đã cho các quyền cho hai người sống chung với nhau hơn hai năm, bất kể giới tính hoặc xu hướng tình dục của họ. Ngài xem đây như một dàn xếp thuần túy về mặt dân sự và pháp lý, không ảnh hưởng đến hôn nhân”.
Năm 2003, Bộ Giáo lý Đức tin đã xuất bản một tài liệu kêu gọi người công giáo phản đối “sự công nhận hợp pháp của sự kết hợp giữa các người đồng tính” đặc biệt khi sự công nhận này sẽ đồng hóa các kết hợp hôn nhân và cho phép cặp nhận con nuôi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
“Tôi nóng lòng được gặp anh chị em, được biết anh chị em!”
“Tôi nóng lòng được gặp anh chị em, được biết anh chị em!”
Đây là những lời đầu tiên Đức Giám mục Olivier de Germay, vừa được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận Lyon, muốn nói với giáo dân của giáo phận Lyon. Trong khi chờ đợi để chào đón ngài đến Lyon dâng thánh lễ nhận chức tại nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Tẩy Giả ngày 20 tháng 12, ngài trả lời các câu hỏi của chúng tôi.
Cha được thông báo khi nào và như thế nào?
Đức Giám mục Olivier de Germay: Sứ thần Tòa Thánh gọi cho tôi vào đúng ngày sinh nhật thứ 60 của tôi! ngày 18 tháng 9. Sau đó tôi gặp sứ thần ở Paris, ngài nói với tôi, Đức Phanxicô bổ nhiệm tôi làm Tổng giám mục Lyon.
Phản ứng của cha trước lời thông báo này như thế nào?
Một bất ngờ lớn! Chưa một giây phút nào tôi hình dung tôi được bổ nhiệm vào chức vụ này. Tôi nói với sứ thần rằng tôi hoàn toàn không thấy mình ở tầm cao với trách nhiệm này. Nhưng khi tôi nói chuyện với ngài, tôi nhận ra việc bổ nhiệm này rất giống trong Kinh thánh! Đúng vậy, trong Kinh Thánh Chúa thường chọn một người không ai nghĩ đến, người yếu đuối nhất… Ngày hôm sau tôi nói ‘vâng’ trong đức tin, trong niềm tin cậy vào Đấng đã gọi. Chúa không gọi những người có khả năng nhưng Ngài làm cho những người Ngài gọi có khả năng.
Cha có thể chia sẻ với chúng tôi một hoặc hai cột mốc đánh dấu hành trình đức tin của cha không?
Tôi được đánh động bởi tấm gương đức tin của cha mẹ tôi. Trong gia đình tôi, đức tin không phải là chủ đề cấm kỵ. Thánh lễ chúa nhật là một phần của cuộc sống gia đình. Có cả cầu nguyện chung trong gia đình. Tôi nghĩ đức tin của tôi cắm gốc rễ trong kinh nghiệm gia đình. Tôi nhớ khi tôi 9 tuổi, tôi biết ở trường tôi có một bạn không tin. Tôi cố gắng “thuyết phục” bạn; chắc chắn là vụng về, nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên của một ước muốn làm truyền giáo!
Xin cha chia sẻ lúc cha nghe ơn gọi.
Tôi bất ngờ khám phá ơn gọi của tôi lúc tôi 30 tuổi. Đó là một biến động lớn vì khi đó tôi là sĩ quan nhảy dù, hứa hẹn một sự nghiệp trong quân đội. Lời kêu gọi của Chúa Kitô đã tác động trên tôi để tôi từ bỏ mọi thứ và theo Ngài, điều mà tôi đã rất vui khi làm! Cuộc sống của tôi đã thay đổi vào ngày hôm đó. Tôi chưa bao giờ tiếc nuối đã nói ‘vâng’ với Chúa.
Cha có thể nói về một hoặc hai nơi, hoặc khoảnh khắc quan trọng trong sứ vụ của cha không?
Là linh mục, tôi đặc biệt vui mừng khi được đồng hành với các cặp vợ chồng sắp nhận bí tích hôn phối. Giáo lý cho người lớn cũng là nơi tôi có niềm vui mục vụ rất lớn. Tôi kết thúc sứ vụ cha xứ với lễ rửa tội của 7 người lớn một ngày trước khi tôi đến đảo Corse. Khi làm giám mục, tôi nhớ đến các bữa tiệc mừng bổn mạng ở những ngôi làng nhỏ trên núi Corse: những giây phút đầy màu sắc! Tôi cũng rất thích tổ chức các buổi tĩnh tâm cuối tuần cho các người tân tòng hoặc giáo lý viên.
Phương châm giám mục của Cha là gì?
“Đức Kitô yêu thương Hội thánh” (Ep 5, 25). Chúa Kitô, tình yêu, Giáo hội: tất cả đều ở đó, hoặc gần như! Tôi muốn nói đời sống kitô hữu chúng ta là đáp trả yêu thương cho tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta. Câu trích này cũng mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin vào Giáo hội, và làm cho đời sống chúng ta là một ơn (phần còn lại của câu là: “và hiến mình vì Hội thánh!”)
Một lời với những người cha sẽ từ giã họ?
Tôi rời Corse với tâm hồn đau nhói! Tôi đã nhận và học được rất nhiều trong 8 năm ở Đảo Xinh Đẹp (Ile de Beauté). Văn hóa đảo Corse thấm đậm tinh thần kitô giáo, và không bị căng thẳng vì chủ nghĩa thế tục. Tôi cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của giáo dân, lời cầu nguyện của họ đã nâng đỡ tôi, và cám ơn lòng kiên nhẫn của họ với tôi!
Một câu cho các giáo dân ở Lyon và ở Roanne?
Tôi rất vui và vinh dự được cử đến phục vụ Giáo hội ở Lyon. Tôi sẽ khám phá nét đẹp của giáo phận mà tôi đã cảm nhận được tất cả sự phong phú về con người và thiêng liêng ở đây. Tôi trông cậy vào các tín hữu sẽ giúp tôi tìm hiểu giáo phận này. Tôi cũng tin tưởng vào lời cầu nguyện của họ!
Một thông điệp đặc biệt cho các linh mục và tất cả giáo dân?
Tôi nóng lòng được gặp anh chị em, được biết anh chị em. Với đôi mắt hướng về Chúa Giêsu Kitô và được Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta xin ơn dùng tài năng của mình – và thậm chí cả mạng sống của mình – để phục vụ sứ mệnh cao cả mà Chúa đã giao phó cho chúng ta. Tôi đã cầu nguyện cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch