2020
ĐTC trao dây Pallium cho Đức tân Thượng phụ Công giáo Latinh ở Giêrusalem
ĐTC trao dây Pallium cho Đức tân Thượng phụ Công giáo Latinh ở Giêrusalem
Sáng 28/10, trước buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã trao dây Pallium cho Đức tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Thượng phụ Công giáo Latinh ở Giêrusalem hôm 24/10.
ĐTC trao dây Pallium cho Đức tân Thượng phụ Pizzaballa
Trong một nghi lễ đơn sơ được cử hành tại nhà nguyện thánh Marta, có nghi thức tuyên xưng đức tin, Đức Thánh Cha đã đeo dây Pallium cho Đức tổng giám mục Pizzaballa. Đây là một cử chỉ được xem là hiếm hoi kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi nghi thức trao dây Pallium vào năm 2015.
Trước năm 2015, đích thân Đức Thánh Cha đeo dây cho các tân tổng giám mục. Nhưng theo nghi thức mới, ngài chỉ làm phép và trao dây Pallium cho các tân tổng giám mục mang về địa phương. Trong Thánh lễ cử hành tại địa phương, vị Sứ thần Tòa Thánh tại quốc gia của vị tân tổng giám mục sẽ đeo dây Pallium cho tân tổng giám mục.
Hàng năm, Đức Thánh Cha thường trao dây Pallium cho các tân tổng giám mục vào ngày lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Năm nay, trong hoàn cảnh đại dịch, vào ngày 29/6, Đức Thánh Cha chỉ trao dây cho Đức Hồng y Re, tân niên trưởng Hồng y đoàn; dây Pallium của các vị tân tổng giám mục khác được gửi đến các Tòa Sứ thần để trao cho các vị.
Những ngoại lệ
Từ khi Đức Thánh Cha thay đổi nghi thức trao dây Pallium, trường hợp ngoại lệ duy nhất là Đức Hồng y Angelo Scola đã đeo dây Pallium cho người kế vị ngài là Đức tổng giám mục Mario Delpini của tổng giáo phận Milan.
Đức tổng giám mục Pizzaballa cũng là người được nhận dây Pallium trong thời gian ngắn nhất sau khi được bổ nhiệm; chỉ có 4 ngày. Trước đây, vị tiền nhiệm của ngài, Đức Thượng phụ Fouad Twal cũng được nhận dây Pallium trong thời gian rất ngắn: 8 ngày sau khi được bổ nhiệm.
Mang lấy ách của Chúa Ki-tô, sức nặng và vinh quang của Thánh giá
Trong ngày được bổ nhiệm, Đức tân Thượng phụ đã gửi thư cho giáo phận của mình và nhấn mạnh rằng “Dây Pallium, điều phân biệt sứ vụ mới của tôi ở giữa anh chị em trong những thời điểm trang trọng nhất, nhắc nhở chúng ta rằng trong bí tích Rửa tội, chúng ta đã chọn mang lấy ách của Chúa Kitô, sức nặng và vinh quang của Thánh giá, là tình yêu được ban cho đến chết và cả trên cái chết.
Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta nhìn về tương lai của Thiên Chúa, sẽ đến “trong một ngày không xa”, thực sự là ở giữa chúng ta. Vậy chúng ta hãy để Chúa Thánh Linh hướng dẫn trong sự khởi đầu mới này cho Hội Thánh Giêrusalem yêu dấu của chúng ta. Xin Đấng Bảo trợ của chúng ta, Nữ vương của Palestine, cầu bầu cho tất cả chúng ta.” (Sismografo 28/12/2020)
Hồng Thủy
2020
Khóa Thường huấn 5 năm đầu đời linh mục của 3 giáo phận: Cần Thơ – Long Xuyên – Vĩnh Long
Khóa Thường huấn 5 năm đầu đời linh mục của 3 giáo phận: Cần Thơ – Long Xuyên – Vĩnh Long
Khóa thường huấn 5 năm đầu đời linh mục của 3 giáo phận Cần Thơ – Long Xuyên và Vĩnh Long được tổ chức tại TGM Long Xuyên từ chiều thứ hai ngày 26.10 đến sáng thứ năm ngày 29.10.2020. Đề tài của đợt thường huấn này là: Chiều Kích Nhân Bản Trong Đời Sống Linh Mục do Đức cha Antôn Vũ Huy Chương nguyên Giám mục GP Đà Lạt trình bày.
(CHIỀU KÍCH NHÂN BẢN TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC)
Từ 15h chiều thứ hai, quý cha đã có mặt tại Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Long Xuyên. Đúng 17g00, Thánh lễ đồng tế do Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục GP. Long Xuyên chủ tế và giảng lễ. Cùng đống tế với ngài còn có Đức Cha Antôn và khoảng 140 quý cha từ 3 giáo phận.
Trong phần chia sẻ lời Chúa, Đức cha Giuse đã lấy nội dung của Tin mừng Lc 10,13-17, về việc Chúa chữa một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà không đứng thẳng lên được. Ngài đưa ra 3 ý tưởng để gởi đến quý cha trong tuần thường huấn này. Thứ nhất: Thiên Chúa là Thiên Chúa của Tình Yêu. Ngài nhìn thấy hết mọi người, cho dù người đàn bà bị khòm lưng không đứng thẳng được, cho dù bà thấp bé nhưng Thiên Chuas vẫn thấy bà. Thứ hai: người đàn bà không đứng thẳng lên được, bà không nhìn lên cao được, không nhìn thấy anh em, chỉ nhìn dưới chân mình. Chúa đã chữa bà để bà được đứng thẳng và nhìn thấy mọi sự. Người linh mục cũng cần có tầm nhìn ra, nhìn cao và nhìn rộng để có thể thấy được những điều cần thiết hầu có thể trở thành người linh mục như lòng Chúa mong ước. Thứ ba: Người đà bà được Chúa chữa trong ngày Sabat, ngày tụ họp của cộng đoàn để ca tụng Thiên Chúa. Bà cũng đến để nghe lời Chúa. Bà đã được chữa lành trong cộng đoàn. Và ngài nhắn nhủ các linh mục trẻ hãy cộng tác với ơn Chúa và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vì chính ngài là nhà đào tạo của các linh mục.
Sáng thứ 3 ngày 17.10, sau giờ kinh sáng là phần nguyện gẫm và Thánh lễ. Trong đề tài đầu tiên Đức Cha Anton đã lược sơ lại Ratio của HĐGMVN 2012: việc đào tạo sau thời kỳ mãn trường và lãnh nhận chức linh mục được gọi là đào tạo trường kỳ hoặc thường huấn. Trong những ngày thường huấn này Đức cha chia sẻ về chiều kích nhân bản với ba nội dung sau: 1. Giáo dục ( education). 2. Huấn luyện (formation) 3. Đồng hành (accompagnement). Ba nội dung này là công trình đào tạo của Ba Ngôi: Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành. Công việc này được thực hiện trong, qua và nhờ Giáo Hội.
Song song với các giờ thuyết trình của Đức cha Antôn, quý cha cũng có nhiều thời gian hội thảo về các chủ đề mà Đức cha Antôn đã chia sẻ nhằm giúp mỗi người nhận ra những khiếm khuyết để sửa đổi bản thân cũng như để phòng tránh, nhất là việc trưởng thành tâm cảm trong đời sống linh mục.
Đặc biệt trong thánh lễ hàng ngày, các linh mục trẻ cũng thay mặt anh em linh mục trong lớp để chia sẻ Tin mừng.
Ngày thứ nhất trong tuần thường huấn, Cha Giuse Nguyễn Đức Thịnh đã chia sẻ đề tài Linh mục sống tử tế: Tử Tế là người có tấm lòng nhân hậu, thương yêu con người, ham làm điều thiện, lo việc công ích… Người tử tế là người biết quan tâm đến người khác từ những điều những việc nhỏ nhất. Lịch sử qua Tin Mừng đã phác họa cho chúng ta một mẫu gương tuyệt đối của Sự Tử Tế nơi Thầy Chí Thánh Giê-su. Ngài đối xử tử tế với hết mọi hạng người trong xã hội, và đối tượng được Ngài ưu ái nhất chính là những người khổ đau, bất hạnh. Ngài rất nhạy cảm với sự đau khổ của con người. Đối với các em nhỏ, bà góa, người bệnh tật, dân nghèo, đĩ điếm, thu thuế, phường tội lỗi…Thầy Giê-su cư xử rất đặc biệt: Thầy luôn quan tâm, tôn trọng, ưu ái, yêu thương, nhún nhường họ mọi nơi mọi lúc. Thầy không tiếc thời giờ và sức khỏe để gần gũi sẻ chia, bảo vệ và phục vụ họ…
ĐGH Gioan Phaolo II đã nhiều lần nhắc nhở: “Thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy”. Đạo Chúa là Đạo Tình Yêu, tình yêu đó sống động qua Mười Bốn Mối Thương Người: cách đối nhân xử thế, cách ăn nết ở, tình tương thân tương ái.
Trong việc Huấn Luyện Nhân Bản Linh Mục cho Ngàn Năm Thứ Ba, ĐHY Timothy Dolan nhấn mạnh đến đức tính tử tế. Ngài nhắc đến lời của một linh mục: “Tôi tưởng Giáo hội cần đến tài năng quản trị của tôi, tôi cứ ngỡ mọi năng lực mới là quan trọng… cuối cùng tôi mới biết tất cả chỉ là “quý chuộng sự tử tế, không hơn không kém”. Thánh Francis Salesio nói rằng: “Chúng ta thu hút nhiều linh hồn bằng mật ong hơn là giấm chua”.
Ngày thứ 2 trong tuần Thường huấn, Cha Giuse Giang Hòa Vinh đã nhấn mạnh rằng: Sống nhân bản trong đời linh mục là sống vâng phục và bình đẳng. Cha Giuse lấy gương mẫu của Chúa Giêsu: Ngài vâng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi biến cố. Ngài cầu nguyện để tìm thánh ý Cha trong việc chọn lựa các Tông đồ. Ngài chọn các tông đồ và môn đệ dựa trên sự bình đẳng tuyệt đối: không phân biệt giầu nghèo, tri thức, giai cấp, tính tình và sự thân quen. Các linh mục cũng cần noi gương Chúa Giêsu trong việc tiếp xúc với những con người mà Chúa trao phó cho ta coi sóc.
Xin Chúa chúc lành cho các linh mục trẻ của Chúa trong 2 ngày thường huấn còn lại, để anh em được gặp Chúa trong thánh lễ và giờ cầu nguyện. Đồng thời được chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn trong những năm đầu đời linh mục.
2020
Cộng đồng thánh Egidio phục vụ người nghèo và hòa bình
Cộng đồng thánh Egidio phục vụ người nghèo và hòa bình
Một sinh hoạt nổi bật tại Roma diễn ra chiều thứ ba 20-10-2020: đó là cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo quốc tế lần thứ 34 để cầu nguyện cho hòa bình do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức với chủ đề ”Không ai được cứu thoát một mình – Hòa bình và tình Huynh đệ”.
Cuộc gặp gỡ liên tôn quốc tế năm 2020 (ANSA)
Những năm trước đây, các cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo quốc tế hàng năm đều có từ 300 đến 400 vị lãnh đạo các tôn giáo và các nhân vật văn hóa, chính trị từ các nước đến tham dự, cùng với đông đảo dân chúng địa phương. Năm nay vì đại dịch, nên chương trình bị rút ngắn cả về thời gian lẫn nhân sự, nhưng bù lại có sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cuộc gặp gỡ diễn tiến tốt đẹp trong hơn 2 tiếng đồng hồ và được chào mừng như một thành công lớn. Đây cũng là nhờ sự dấn thân và tổ chức khéo léo của Cộng đồng thánh Egidio ở Roma.
Khai sinh giữa thời xáo trộn tại Âu Châu
Cộng đoàn thánh Egidio được khai sinh năm 1968 do sáng kiến của một học sinh trung học 18 tuổi, Andrea Riccardi. Hồi đó Âu Châu đang ở trong thời kỳ nổi loạn của giới sinh viên học sinh, muốn đảo lộn mọi sự. Anh Andrea cũng xác tín thế giới cần phải thay đổi. Anh khám phá Tin Mừng, một sự khám phá làm nảy sinh trong tâm hồn anh một cảm thức phê bình đối với các ý thức hệ, và thấy cần phải thay đổi con người. Andrea Riccardi tụ họp được một nhóm học sinh khác để đọc và thực hành Tin Mừng. Cộng đồng Kitô tiên khởi trong sách Tông đồ Công vụ và thánh Phanxicô Assisi là những điểm tham chiếu đầu tiên của nhóm bé nhỏ này. Nhóm đi tới các khu xóm tồi tàn quanh Roma để dạy học cho các trẻ em nghèo và dạy tiếng Ý cho những người di dân vào ban chiều. Cộng đồng dần dần lớn mạnh và lan ra các nơi.
Tháng 9 năm 1973, nhóm lập địa điểm ở Quảng trường thánh Egidio thuộc khu vực Trastevere Roma, trong một đan viện cũ của các nữ tu Cát minh, và dần dần biến nơi này thành một trung tâm cầu nguyện, liên đới với người nghèo, gặp gỡ đối thoại và xây dựng hòa bình.
Hiện tình Cộng đồng Thánh Egidio
Với thời gian, anh Andrea Riccardi tốt nghiệp đại học và trở thành giáo sư lịch sử hiện đại. Cộng đồng thánh Egidio cũng lớn mạnh với thời gian và hiện có hơn 60 ngàn thành viên nam nữ tại 73 quốc gia: trong đó có 29 nước Phi châu. Việc điều khiển cộng đoàn được ủy thác cho một vị Chủ tịch, được sự phụ giúp của Hội đồng chủ tịch và một linh mục tuyên úy. Chủ tịch và Hội đồng chủ tịch có nhiệm kỳ là 5 năm.
Cộng đồng thánh Egidio được ĐTC Phanxicô gọi là ”Cộng đoàn 3 P: Preghiera – Cầu Nguyện; Poveri – Người nghèo; và Pace – Hòa bình”.
Cầu nguyện
Mỗi ngày, lúc 8 giờ rưỡi tối, các thành viên cộng đồng và thân hữu, sau khi hết giờ làm việc, trước khi về nhà, vẫn ghé lại hát kinh tối, nghe giảng Lời Chúa, tại Nhà thờ Đức Mẹ Maria ở khu vực Trastevere. Trong những tháng đại dịch, từ nhiều nơi trên thế giới, các tín hữu đã nối mạng tham gia các buổi cầu nguyện ban tối tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria bằng tiếng Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ đào nha (www.santegidio.org) và qua các mạng xã hội.
Hành lang nhân đạo
Trong số những dấn thân gần đây của Cộng đồng thánh Egidio, người ta phải kể đến những Hàng lang nhân đạo, bắt đầu từ tháng 12 năm 2015 nhờ sự thỏa thuận của Cộng đoàn thánh Egidio với Hội đồng giám mục Ý cũng như với sự cộng tác của Bộ Nội vụ và ngoại giao Ý. Việc lập những hàng lang nhân đạo như thế đã giúp hơn 2.600 người tị nạn từ Liban, Etiopia, và đảo Lesbo bên Hy Lạp được tới Ý an toàn. Kiểu mẫu này cũng được thực hiện tại Pháp, Bỉ và tiểu quốc Andorra với hơn 600 người tị nạn được đón tiếp tại các nước đó.
Xây dựng hòa bình
Từ nhiều năm nay, Cộng đồng thánh Egidio cũng dấn thân góp phần chấm dứt xung đột tại một số nước, nhất là tại Phi châu. Gần đây nhất là tại Nam Sudan, quốc gia bị nội chiến từ sau khi được độc lập khỏi Sudan ở miền bắc hồi năm 2011. Nhờ sự trung gian của Cộng đồng thánh Egidio, một hiệp định quan trọng đã được ký tại Roma ngày 12/1 năm nay, giữa chính phủ và các lực lượng đối lập không tham dự các cuộc hòa đàm trước đó tại Addis Abeba, thủ đô Etiopia.
Cộng đồng thánh Egidio cũng dấn thân tại Cộng hòa Trung Phi nơi đang có tiến trình giải giáp các nhóm võ trang, sau khi hiệp định hòa giải quốc gia được ký kết tại trụ sở của Cộng đồng thánh Egidio ở Roma ngày 19/6/2017.
Chương trình Dream
Một dấn thân khác của Cộng đồng là Chương trình Dream. Dream có nghĩa là ”giấc mơ”, nhưng đây là từ viết tắt của câu ”Chữa trị bệnh nhờ những phương thức tối hảo và tân tiến” (Disease Relief through Excellent and Advanced Means). Chương trình Dream bắt đầu cách đây 18 năm (2002) tại 11 nước Phi châu, trong đó có Mozambique, Cộng hòa dân chủ Congo, Nigeria và Kenya.. với 39 trung tâm trị liệu và 25 phòng thí nghiệp phân tử sinh học, cho đến nay đã chữa trị hơn nửa triệu bệnh nhân và 130 ngàn trẻ em được sinh ra lành mạnh từ các bà mẹ bị nhiễm HIV gây bệnh Aids. Ngoài ra có 15 ngàn nhân viên y tế được huấn luyện. Ngoài việc chữa trị miễn phí cho các bệnh nhân, Chương trình Dream cũng cung cấp các dịch vụ giáo dục y tế, hỗ trợ dinh dưỡng, chẩn bệnh tối tân, bài trừ bệnh sốt rét ngã nước, lao phổi, những vụ lây nhiễm, và nhất là nạn suy dinh dưỡng..
Ngày 6/9/2019, khi viếng Mozambique, Đức Thánh Cha đã đến thăm Bệnh viện Zimpeto và chứng kiến tận mắt chương trình Dream: Chương trình này dựa trên một lối tiếp cận tân tiến, tức là trên các trung tâm y tế nhỏ, được phổ biến tại các thành thị và làng mạc, nhắm giúp tất cả mọi người có cơ hội được chữa trị, săn sóc sức khỏe, kể cả những người gặp khó khăn nhất về kinh tế và phương tiện chuyên chở, bảo đảm sự trợ giúp miễn phí và cống hiến những khóa giáo dục về y tế cho chính các bệnh nhân. Nhờ chương trình Dream, hàng trăm ngàn bà mẹ bị nhiễm HIV-Sida vui mừng vì sinh con không bị Sida.
Chương trình Bravo
Một sáng kiến khác của Cộng đồng thánh Egidio là Chương trình Bravo (Birth Registration for All Versus Oblivion) có từ nhiều năm nay, giúp đang ký khai sinh hơn 4 triệu trẻ em ở Phi châu. Tại các nước như Burkina Faso, Malawi hoặc Mozambique, việc đang ký khai sinh giúp các trẻ em chống lại nhiều đe dọa của nạn buôn người và khai thác bóc lột. Các trẻ em không có khai sinh có nguy cơ trở thành các binh sĩ trẻ em, nạn nhân của nạn nô lệ, buôn người để lấy cơ phận, lạm dụng tính dục, kết hôn sớm và trẻ em bị cưỡng bách lao động.
Các hoạt động liên đới
Cũng nên nói thêm rằng Cộng đồng thánh Egidio có nhiều sáng kiến giúp đỡ những người nghèo và người già. Hàng năm vào dịp giáng sinh, Cộng đồng vẫn tổ chức các bữa ăn cho dân nghèo. Chẳng hạn lễ giáng sinh năm ngoái (2019) hơn 240 ngàn người nghèo người già đơn chiếc, trẻ bụi đời và những người vô gia cư tại hơn 70 nước trên thế giới đã được các thành viên Cộng đồng thánh Egidio mời tham dự các bữa ăn Giáng sinh, với sự cộng tác của nhiều người thiện nguyện.
- Trần Đức Anh OP
2020
Tinh thần cầu nguyện và truyền giáo của cha Maccalli trong những ngày bị giam cầm
Tinh thần cầu nguyện và truyền giáo của cha Maccalli trong những ngày bị giam cầm
Cha Pierluigi Maccalli 59 tuổi, là một nhà truyền giáo người Ý thuộc Hội Truyền giáo Phi châu, làm việc tại giáo xứ Bomoanga, giáo phận Niamey. Cha bị dân quân thánh chiến bắt cóc tại Niger, gần biên giới Burkina Faso vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/9/2018. Ngày 8/10 vừa qua, cùng với ba con tin khác, cha đã được trả tự do và trở về Ý ngày 9/10, sau cuộc trao đổi các tù nhân chiến binh thánh chiến do chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Mali làm trung gian. Chính sức mạnh của cầu nguyện và tinh thần truyền giáo đã nâng đỡ cha trong những tháng tù đày khó khăn.
Cha Maccalli khi đang truyền giáo tại Niger (ANSA)
Cha Pierluigi Maccalli 59 tuổi, là một nhà truyền giáo người Ý thuộc Hội Truyền giáo Phi châu, làm việc tại giáo xứ Bomoanga, giáo phận Niamey. Cha bị dân quân thánh chiến bắt cóc tại Niger, gần biên giới Burkina Faso vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/9/2018. Ngày 8/10 vừa qua, cùng với ba con tin khác, cha đã được trả tự do và trở về Ý ngày 9/10, sau cuộc trao đổi các tù nhân chiến binh thánh chiến do chính quyền quân sự đang nắm quyền ở Mali làm trung gian.
Cha Maccali đã chia sẻ về thời gian bị cầm tù và ý nghĩa của nó đối với cuộc đời truyền giáo của cha. Chịu đựng để tồn tại. Đó là lời nói đã đồng hành cùng cha và động viên cha ngày này qua ngày khác. Cha bị bắt cóc và đưa giữa đêm, khi đang mặc bộ đồ ngủ và đi dép; cha không có gì trên người. Cha bị những quân nhân thánh chiến nhiệt thành Hồi giáo xem như con số không; họ xem tôi như một kẻ ô uế và đáng bị kết án xuống địa ngục.
Cầu nguyện là sức mạnh
Nguồn sức mạnh trợ lực duy nhất của cha là lời cầu nguyện đơn giản sáng tối mỗi ngày mà cha học được trong gia đình từ người mẹ, và kinh Mân Côi mà bà của cha đã dạy như lời kinh chiêm niệm. Sa mạc là thời kỳ của sự im lặng tuyệt vời, của sự thanh lọc, của sự trở lại nguồn gốc và bản chất. Một cơ hội để xem lại bộ phim của cuộc đời.
Cha tự hỏi mình nhiều câu hỏi và kêu lên như một lời bộc phát và than thở với Chúa: con đang ở đâu? Tại sao Chúa bỏ con? Cho đến khi nào lạy Chúa? Cha đã biết và vẫn biết rằng Người đang ở đó! Bây giờ, khi được tự do, trở về nhà, cha bắt đầu hiểu ra. Cha biết mọi người đã cầu nguyện, tuần hành và canh thức để yêu cầu trả tự do cho cha ….
Tương quan với Chúa Giê-su đã gia tăng dù rằng không có Thánh lễ. Mỗi ngày, và đặc biệt là mỗi Chúa Nhật, cha đã đọc những lời thánh hiến “Đây là thân thể con được dâng hiến”, là bánh được bẻ ra cho thế giới và châu Phi. Trong kinh nguyện buổi sáng, cha cầu nguyện bằng một bài thánh ca tiếng Pháp “một ngày mới bắt đầu, một ngày được Chúa ban, chúng con đặt nó trong tay Chúa như nó sẽ là” … và kết thúc với câu: “Con không có điều gì khác để dâng Chúa ngoài của lễ đời con”.
Nghe Radio Vatican
Nhưng kể từ ngày 20/5, cha được có một radio có làn sóng ngắn, nhờ đó cha đã có thể nghe suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật từ Đài Vatican vào mỗi thứ Bảy.
Có một lần cha nghe được buổi phát sóng trực tiếp Thánh lễ, chính xác là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2020. Sáng hôm đó, sau khi nghe bản tin của đài RFI, khi thay đổi tần số, cha vô cùng ngạc nhiên khi nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói bằng tiếng Ý. Cha ghé tai lại gần và chỉnh đài tốt hơn và thấy mình đang ở đầu Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, Giáo hội và thế giới. Cha tự nhủ: “Hôm nay tôi đang ở đền thờ thánh Phê-rô ở Roma và đồng thời đang thực hiện một nhiệm vụ ở Châu Phi.” Cha hơi xúc động khi lắng nghe các bài đọc và bài Tin Mừng nhắc nhở cha về châm ngôn đời linh mục của cha, đoạn Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 20): “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.”
Cha tự nhủ phải chăng đây là một sự trùng hợp? Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một luồng không khí trong lành. Sau 2 năm hạn hán về thiêng liêng và không có Lời Chúa, cha cảm thấy được tái sinh và đón nhận món quà này như một hơi thở của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn đẩy làn sóng radio đến tận sa mạc Sahara. Cha đã nghe Tin Mừng và những lời của Đức Giáo Hoàng cách thích thú hơn bao giờ hết, chúng có một hương vị đặc biệt trong bối cảnh đó.
Tinh thần truyền giáo
Dù bị giam cầm cha Maccalli vẫn thấy gắn bó với sứ vụ truyền giáo. Cha chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy mình là một nhà truyền giáo ngay cả khi chân bị xiềng xích, tôi muốn nói là ‘truyền giáo từ tận đáy lòng mình’, như Đấng sáng lập của chúng tôi thường nói (Đức Cha Melchior de Marion Bresillac, người sáng lập S.M.A.). Tôi thường đi bộ trên sườn núi Bomoanga-Niger (nơi mà tôi đã bị bắt cóc). Thân xác tôi là tù nhân của cồn cát, nhưng tinh thần của tôi đã đi đến những ngôi làng mà tôi đã nhớ đến trong lời cầu nguyện của mình và tôi cũng nhớ tên của những người cộng tác của tôi và của nhiều người và những người trẻ mà tôi mang trong lòng, đặc biệt là những đứa trẻ suy dinh dưỡng và ốm yếu mà tôi chăm sóc, và nhiều khuôn mặt đang hiện diện sống động trong trái tim bị tổn thương của tôi.”
Cha nhận ra rằng truyền giáo không chỉ là ‘làm’, nhưng còn là thinh lặng và về cơ bản, đó là công việc của Chúa. Nhiều hoạt động đặc trưng cho những ngày của cha bây giờ không gì khác hơn là hồi ức và cầu nguyện. Nhưng cha tin sứ mệnh truyền giáo vẫn tiếp tục và luôn nằm trong bàn tay tốt lành, chính xác là bàn tay của Chúa, đó là sứ vụ của Chúa. Chứng tá của nhiều người, bạn bè và những người không quen biết đã tham dự các buổi cầu nguyện, tuần hành, v.v. để cầu xin trả tự do cho cha, như một tiếng vang, xác nhận rằng Sứ vụ của Chúa quyền năng như thế nào. Mọi người nói với cha rằng họ đã cầu nguyện rất nhiều, thậm chí có người nói “cha đã lấp đầy các nhà thờ”… Cha nói: “Không phải tôi, đây là công việc của Chúa!”
Tha thứ
Tha thứ là điều cha Maccalli dành cho những kẻ bắt cóc mình. Cha thương những người trẻ đã bị các video tuyên truyền tẩy não. Họ không biết việc họ làm! Cha nói: “Tôi không thù ghét những kẻ bắt giữ và cai ngục của mình, tôi đã cầu nguyện cho họ và tiếp tục làm như vậy.” Trong khi được đưa ra xe để được trả tự do cha cũng cầu chúc cho người quản lý cha trong năm tù cuối cùng: “xin Chúa cho một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu mình là anh em.”
Hồng Thủy