2020
Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
2020
Công Bố Logo Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021 Đồng Hành Với Người Trẻ Trong Đời Sống Gia Đình
Công Bố Logo Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021
Đồng Hành Với Người Trẻ Trong Đời Sống Gia Đình
Trong niềm vui đồng hành với người trẻ, thừa lệnh Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy Ban Mục Vụ Giới Trẻ – Thiếu Nhi công bố logo Năm Mục vụ Giới trẻ 2021 qua đường link:
Nội dung và quy chuẩn sẽ được cập nhật qua đường link duy nhất này để đáp ứng với nhu cầu sử dụng trong thực tế.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần canh tân mục vụ giới trẻ mọi nơi.
Ngày 03 tháng 11 năm 2020
Thư ký UBMVGT-TN
Linh mục Gioan Lê Quang Việt
Ý NGHĨA LOGO NĂM MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021
Nguồn mạch: Lc 24, 13-35.
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 15 đã nhìn nhận hành trình Emmau (Lc 24,13-35) như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội thánh trong tương quan với các thế hệ trẻ và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người trẻ hôm nay. Kiểu mẫu này mong muốn gửi đến người trẻ bài học về sự trưởng thành đức tin thông qua tiến trình 3 bước theo diễn biến tâm lý của hai môn đệ trên hành trình Emmau đó là:
- Để Chúa Giêsu bước vào trong đêm tối của cuộc đời. (Tông huấnChúa Kitô đang sống, số 237).
- Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra.
- Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh.
- Ý NGHĨA VĂN TỰ
- Trích dẫn “Lc 24,13-35”thể hiện trên logo nhắc nhớ người trẻ về đoạn Tin mừng diễn tả cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau. Trích dẫn đơn giản đó cũng nhắc nhở người trẻ về việc sử dụng Kinh Thánh – như kim chỉ nam cho người trẻ để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.
“Như hai người trẻ trên đường Emmau, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.” (HĐGMVN, Thư Chung 2019)
- Cụm từ “ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH”là chủ đề được HĐGM VN chọn để hướng đến, đồng hành và cầu nguyện cách riêng cho người trẻ theo tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới về người trẻ đưa ra. Chủ đề như một lời mời gọi, một xác nhận về sứ vụ mà Hội Thánh mong muốn đồng hành với người trẻ, để “Giáo Hội trở thành chỗ dựa vững chắc giúp người trẻ tin đó là nơi họ được thuộc về” (Văn bản tiền Thượng Hội đồng Giám mục về Người trẻ (Vatican, tháng 11/2018)). Bên cạnh đó, Dòng chữ “ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH” được đặt phía dưới nền của ngôi nhà, thể hiện sự đồng hành và dìu dắt của Giáo Hội dành cho người trẻ từ những điều cốt lõi và cơ bản nhất, để họ được cung cấp đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, giáo lý Đức Tin, sẵn sàng bước vào bậc sống gia đình.
“Cần phải chuẩn bị cho hôn nhân, và điều này đòi hỏi phải tự huấn luyện mình, phát huy những đức tính tốt, nhất là yêu thương, nhẫn nại, khả năng đối thoại và phục vụ.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Số 265)
- Cụm từ “MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2021”:tên chủ đề chính trong chuỗi 3 năm đồng hành với người trẻ trong các thánh lễ, các hoạt động, để hướng người trẻ về với ý nghĩa lớn nhất của mục vụ là Bí Tích Thánh Thể – sức mạnh và là ân sủng giúp người trẻ tìm lại niềm hạnh phúc thật, kín múc ơn bình an, và sức mạnh để bước tiếp chặng đường sứ mạng cuộc đời Chúa trao cho mỗi người trẻ.
“Như hai người trẻ trên đường Emmau, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin mừng của Chúa Kitô Phục sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.” (HĐGMVN, Thư Chung 2019)
- Ý NGHĨA HÌNH ẢNH BIỂU TƯỢNG
- Logo mang hình dáng ngôi nhà:Đây là hình ảnh về gia đình, nơi mà người trẻ được sinh ra, được chăm sóc và dạy dỗ nên người. Và cũng là nơi mà hai người trẻ nam và nữ yêu thương nhau cùng nhau gây dựng nên những hoa trái tốt đẹp, tạo nên những gia đình mới cho Mẹ Giáo Hội.
“Gia đình không chỉ là nơi sinh ra, nhưng còn là nơi tiếp đón sự sống mới đến như một quà tặng của Thiên Chúa gửi đến. Mỗi sự sống mới cho phép chúng ta khám phá chiều kích vô vị lợi nhất của tình yêu, một tình yêu khiến chúng ta không bao giờ hết thán phục.” (Tông Huấn Niềm Vui Tình Yêu, Câu 177)
Hình ảnh hai thanh ngang hợp lại tạo thành hình mái nhà: Đây là hình ảnh mang ý nghĩa gia đình, nơi mà người nam và người nữ kết hợp với nhau tạo thành một gia đình trẻ, tiếp tục sứ vụ ươm mầm và nuôi dạy thế hệ tương lai.
“Người trẻ cảm thấy tiếng gọi của tình yêu rất mãnh liệt; họ ước mơ gặp đúng người để xây dựng một gia đình và sống chung với nhau. Rõ ràng đây là một ơn gọi mà chính Thiên Chúa kêu mời qua những tình cảm, những khát vọng và những ước mơ của người trẻ.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Số 259)
- Khối ba hình ảnh con người:
– Hình người chính giữa: là hình ảnh cách điệu Chúa Giêsu Phục Sinh trong trang phục áo thụng dài với mảnh vải hình chữ S vắt qua vai. Mảnh vải vừa thể hiện rõ nét và làm sống động hình ảnh Chúa Phục Sinh; vừa vẽ nên hình ảnh con đường khúc khuỷu – đường Emmau mà Ngài đang bước đi cùng hai môn đệ, hay nhắc nhớ cho chúng ta về đoạn Tin Mừng (Ga 14,1-6) rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Nén trong dải vải lụa cách điệu hình chữ S, đó còn là biểu tượng đặc trưng mang bản sắc dân tộc Việt, thể hiện khao khát cách riêng của người trẻ Việt muốn ghi dấu niềm tin vào Chúa, cùng theo Chúa bước trên con đường Emmau, được Chúa đồng hành, chăm sóc và vác trên vai như con chiên lạc.
– Hình người hai bên phải trái: tượng trưng cho hai môn đệ trên đường Emmau. Cánh tay vươn lên cao như cách thể hiện sự vui mừng, hoan hỷ của hai môn đệ vì được Chúa Giêsu nắm giữ và đồng hành với họ trên đường Emmau. Nó cũng diễn tả sự vươn lên và trưởng thành về Đức tin của hai môn đệ sau khi được gặp gỡ Chúa.
– Sự liền mạch của kết cấu 3 người trong logo qua cánh tay muốn diễn tả và truyền đi thông điệp về ước mong của người trẻ trong sự gắn kết với sự sống của Đức Kitô và cùng Ngài sống lại và sống mãi. Người trẻ khao khát mình được sống lại như hai môn đệ xưa kia, được Chúa đồng hành, thêm sức, ủi an để vượt qua và đứng vững trước mọi thách đố trong đời; những trở ngại phải trải qua được ví như những con đường quanh co, núi đồi trắc trở. Điều đó cũng diễn tả hành trình mà người trẻ mong muốn được Chúa hướng dẫn để được trưởng thành toàn diện trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường nhật.
+ Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ cũng diễn tả sự quan tâm, quan phòng của Chúa luôn đoái nhìn mỗi người chúng ta. Cuộc đối thoại đó cũng nhắc nhớ người trẻ về ước mong được trò chuyện với Chúa mỗi ngày, và khao khát đón nhận sự đồng hành của Giáo hội trong cuộc sống đời thường.
+ Phía trước họ là con đường khúc khuỷu – diễn tả hành trình Emmau mà họ đang đi. Và con đường đó dẫn về Thánh Giá (được đặt cao nhất trong khối logo tròn) như nhắc mỗi người chúng ta cùng bước trên con đường Ngài đã đi qua, dám dấn thân, tin tưởng vào Ánh Sáng Phục Sinh đang lan tỏa và hướng chúng ta về quê trời.
- Những tia sáng và thánh giáđi ra khỏi đường tròn của logo thể hiện tính siêu việt và phá vỡ những giới hạn mà sự Phục Sinh của Chúa mang đến cho người trẻ. Điều đó mang lại hy vọng rằng những giới hạn của bản thân sẽ được phá vỡ khi chúng ta tin vào Ánh Sáng Phục Sinh, tin vào sự đồng hành của Chúa trên tiến trình thăng tiến của mỗi người cách riêng là người trẻ. Sự phát triển toàn diện nhằm hướng người trẻ và mời gọi người trẻ chia sẻ khả năng, sử dụng nén vàng Chúa trao để can đảm dấn thân loan báo Tin mừng như hai môn đệ.
“Với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, các bạn có thể đương đầu với thách đố ấy trong sáng tạo và trong hy vọng, luôn sẵn sàng phục vụ… Lòng thương xót, sự sáng tạo và niềm hy vọng làm đời sống triển nở.” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, Số 173)
III. Ý NGHĨA MÀU SẮC
Màu sắc của logo được sử dụng dựa trên 5 màu chủ đạo mang màu sắc trẻ trung, tươi vui, diễn tả ý nghĩa niềm hy vọng của mầu nhiệm Phục sinh.
– Sắc Cam của lửa – biểu tượng nguồn ơn Chúa Thánh Thần, của nhiệt huyết, được chọn tô cho hình ảnh Chúa Giêsu, như muốn tập trung nguồn ơn sức mạnh mà người trẻ cần tìm kiếm cho cuộc đời mình chính là Chúa Giêsu.
– Sắc Xanh Dương diễn tả sắc xanh của hy vọng, sự mong chờ niềm vui của ơn cứu độ.
– Sắc Xanh Lá mang sức sống tinh thần của người trẻ, màu sắc của sự tươi mát và tinh thần sống xanh nhắc nhớ người trẻ trong việc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung.
Sự hoà quyện của 3 sắc màu trên hướng tới Thánh Giá màu Đỏ – biểu tượng của tình yêu, nhắc nhớ về sự hy sinh của Chúa trên Thập Giá, về Bí tích Tình Yêu và con đường Trắng diễn tả sự Phục sinh – con đường hướng người trẻ về quê trời trong hân hoan và vững tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu.
2020
Vào năm 1917, Đức Maria đã cho ba trẻ cộng tác với Mẹ; Ngày nay, Mẹ cũng muốn những đứa trẻ của chúng ta cộng tác với Mẹ.
Trẻ em có thể thay đổi thế giới
Đó là thông điệp của Fatima – cả trong những lần Đức Mẹ hiện ra với các trẻ chăn cừu năm 1917 tại Bồ Đào Nha, lẫn trong bộ phim về câu chuyện này ra mắt năm 2020. Đây cũng là chủ đề của quyển sách Fatima Family Handbook mà tôi đã viết.
Trẻ em có nhiều khả năng hơn những gì chúng ta khen ngợi chúng. Dưới đây là một vài bài học mà trẻ em (và cả người lớn) có thể rút ra từ bộ phim này.
Bài học đầu tiên là về năm mà câu chuyện trong bộ phim mở đầu, năm 1989 – một năm dạy chúng ta rằng: việc cầu nguyện sẽ giúp giải quyết những vấn đề to lớn.
Năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ, và theo sau đó là sự tan rã của khối Cộng sản chủ nghĩa ở Đông Âu. Tôi thích những gì mà Jody Bottum đã viết về sự kiện này: “Có lẽ người quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản của thế kỷ 20 không phải là Ronald Reagan… nhưng là một bé gái 10 tuổi tên là Lucia dos Santos.”
Những đứa trẻ Fatima, lớn nhất là Lucia, nhân vật tiêu điểm của bộ phim, đã được Đức Maria giao cho thông điệp rằng: tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho hòa bình, và cho sự hoán cải của nước Nga. Điều này đã truyền cảm hứng cho thế giới và trợ giúp vô số người chống lại bộ máy tuyên truyền đang cố gắng biến chủ nghĩa cộng sản thành tương lai vô thần tất yếu của thế giới.
Thứ hai, việc nói đến chiến tranh trong bộ phim dạy chúng ta một bài học: Bất cứ diễn ra khi nào, chiến tranh là sự thất bại.
Bộ phim “Fatima” cho thấy sự thật của chiến tranh: với hình ảnh những người lính bị thương trở về gia đình trong kinh hoàng, hoặc không thể trở về nữa; và với hình ảnh về vụ ám sát nhằm vào Đức Giáo Hoàng.
Những hình ảnh minh họa đó rất thích hợp. Nhân vật Công Giáo có tác động lớn đến những sự kiện trong năm 1989 là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã bị ám sát vào ngày 13 tháng 5, ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima.
Tự bản thân, ngài biết chiến tranh không giải quyết được những vấn đề của châu Âu. Ở Ba Lan, “Ngày giải phóng” kỷ niệm việc đánh bại Đức Quốc Xã trong chiến tranh – nhưng nó cũng đánh dấu ngày thống trị của chế độ cộng sản vô thần, những người đã thâu tóm đất nước và đặt các tín hữu ra ngoài vòng pháp luật. Đức Gioan Phaolô II đã trở về Ba Lan với tư cách là Giáo hoàng để rao giảng về phẩm giá con người.
Sau đó, ngài viết trong thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên): “Những sự kiện năm 1989 là một ví dụ cho thành công của đối thoại chân thành và của tinh thần Phúc Âm”. Phúc Âm đã chiến thắng những điều mà chiến tranh không thể.
Thứ ba, bộ phim cho thấy tội lỗi là một loại chiến tranh, một cuộc chiến chống lại Thiên Chúa.
Bộ phim Fatima đào sâu lĩnh vực mà người ra thường tránh nói đối với trẻ em như: những cám dỗ của Satan và thị kiến về địa ngục.
Mỗi người cha người mẹ nên quyết định cái gì là thích hợp cho con của mình, nhưng suy nghĩ của tôi về những gì trẻ em nên thấy đã được thay đổi bởi Barbara Nicolosi, một trong những biên kịch của bộ phim, người đã viết nhiều năm về trước rằng: “Trẻ em có quyền được làm phiền một cách chính đáng.” Bà ấy lập luận: trong khi nhiều hình ảnh đáng lo ngại chắc chắn nên được giữ xa khỏi trẻ em, thì những hình ảnh đáng lo ngại khác phải được cho chúng thấy.
Có vẻ như Đức Mẹ đồng ý với điều này. Vào năm 1917 cũng như trong bộ phim, Mẹ cho những đứa trẻ thấy một thị kiến về hỏa ngục, thứ đã làm chúng khiếp sợ. Đức Mẹ biết rằng ma quỷ đang tấn công những đứa trẻ của Mẹ, và chúng đáng được cảnh báo về hỏa ngục.
Thứ tư, bộ phim cho thấy trẻ em có thể là một gương mẫu mạnh mẽ.
Trong bộ phim, trẻ em là những người dẫn đường, điều này khác với hầu hết các bộ phim “anh hùng nhí”. Những đứa trẻ trong Gia đình siêu nhân, những người bạn của Harry Potter và những Điệp viên nhí là những đứa trẻ phải mạnh mẽ hơn người lớn để giành chiến thắng. Còn những đứa trẻ làng Fatima chiến thắng bằng cách mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể bắt chước, đó là: hy sinh, vâng lời và cầu nguyện.
“Vì sao Đức Mẹ chọn một đứa trẻ từ giữa muôn ngươi?” Một nhân vật trong bộ phim đã hỏi như thế về những thị kiến, và sau đó tự trả lời: “Những sứ giả ngây thơ khiến cho thông điệp càng xác thực và không thể bị công kích.”
Những lời của Lucia khi về già là một tuyên bố hoàn hảo về sứ mệnh cho trẻ em: “Tôi chỉ có thể cho bạn lời chứng của tôi. Tôi không thể cho bạn câu trả lời về mọi thứ.”
Thứ năm, bộ phim có thể bắt đầu một cuộc đào sâu vào biến cố Fatima.
Nếu bộ phim này không thích hợp với những đứa trẻ của bạn, thì hãy chú ý đến những phiên bản trình bày khác về câu chuyện Fatima như: Bộ phim phiên bản năm 1952 là một tuyệt tác và bản audio “Holy Heroes – Những anh hùng thánh” là rất tuyệt vời.
Hãy nói với chúng: trẻ em có thể thay đổi thế giới nhờ làm 3 việc Fatima này (bắt đầu với 3 chữ C): An ủi Chúa Giêsu (Consoling Jesus), Hoán cải các tội nhân (Converting Sinners), và Phó dâng cho Đức Maria (Committing to Mary).
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã với một nhóm trẻ em ở Fatima: “Đức Mẹ cần tất cả các con.” Thật vậy, Đức Mẹ cần những đứa trẻ của chúng ta!
Tác giả: Tom Hoopes
Chuyển ngữ: Ngọc Quí
Từ: aleteia.org
2020
Sinh viên Công Giáo : Khai giảng năm học mới 2020-2021
SINH VIÊN CÔNG GIÁO : KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2020-2021
Giáo dục mãi mãi vẫn là nền móng cho con người cũng như đất nước. Con người và đất nước muốn phát triển tốt và bền vững phải có một nền giáo dục tốt. Với ước mong tốt đẹp, người Công Giáo góp phần rất lớn vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Với sự quan tâm của các vị hữu trách, khởi đi từ Hội Đồng Giám Mục với Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo, sinh viên – học sinh Công Giáo được ưu ái cũng như nâng đỡ bằng tất cả tấm lòng. Tất cả các bậc học, từ mầm non cho đến Đại Học, các Tiểu Ban đều lo lắng cho học sinh, sinh viên mà mình được trao trách nhiệm.
Sau thời gian hè cũng như chuyện nàng Cô Vy 19 tuổi làm cản trở và xáo trộn nhịp sống, sinh viên Công Giáo lại đến và khai trường như thường niên mỗi năm. Ngày khai trường có lẽ là ngày rất quan trọng bởi ngày này ghi dấu ấn một năm học mới.
Với ý thức mình là người “có đạo” nên rồi sinh viên của các trường Đại Học đang lưu trú tại các lưu xá do quý Cha, quý soeur coi sóc đã quây quần bên nhau và bên Chúa trong buổi sáng tốt đẹp để xin Chúa thánh hóa và chúc lành cho năm học mới. Chương trình khai giảng được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn vào đúng ngày Lễ các Thánh Nam Nữ : 1-11-2020.
Từ rất sớm, các bạn sinh viên Công Giáo về với Trung Tâm Mục Vụ. Dù chưa một lần gặp gỡ hay quen biết nhưng nụ cười cứ tươi thắm trên khuôn mặt các bạn. Giản đơn là các bạn ý thức mình là người Công Giáo, ngoài việc học tốt để giúp cho đời, các bạn còn ý thức rằng mình phải đem Chúa vào môi trường học của mình.
Chương trình của ngày khai giảng hôm nay đan xen với những tiết mục nhảy theo cử điệu, chơi trò chơi chung với nhau. Phần lớn chương trình ngày hôm nay do Liên Đoàn Thanh Sinh Công Sài Gòn thực hiện. Các bạn Thanh Sinh Công Sài Gòn có thể nói dốc hết sức và hết lực cũng như đặt trọn chữ tâm vào chương trình của ngày hôm nay.
Hết sức đặc biệt, các bạn cùng nhau thảo luận về chủ đề được đưa ra hôm nay là xem – xét – làm. Phần thảo luận này được Cha Giuse Maria Trần Anh Thụ – đặc trách tiểu ban Sinh Viên phụ trách.
Với kinh nghiệm và nhiệt huyết giáo dục, Cha Giuse Maria đã đưa các bạn sinh viên đi sâu vào vấn đề được đưa ra. Kèm theo đó, các bạn nhiệt tâm nói lên suy nghĩ, tâm tư của mình.
Trước khi bước vào Thánh Lễ, Cha Antôn Maria phụ trách website của Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo giới thiệu với các bạn sinh viên về trang web cũng như app của Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo. Cha phụ trách web mời các bạn sinh viên mạnh dạn đóng góp bài cho trang web. Cha nói lên tâm tư của Cha về văn hóa đọc ngày hôm nay rất yếu để rồi Cha mời các bạn chịu khó đọc và viết.
11 g 00, Thánh Lễ xin ơn thánh hóa năm học mới được bắt đầu.
Chủ tế Thánh Lễ sáng nay là Cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, SCJ – thư ký Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ này có cha Giuse Maria Trần Anh Thụ, Cha Giuse Hoàng Huy Cường (Dòng Đaminh Việt Nam – đặc trách các lưu xá do Nhà Dòng coi sóc) và Cha Antôn Maria phụ trách website của Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo.
Sau khi cộng đoàn an tọa, Cha Giuse Maria Trần Anh Thụ giới thiệu Cha chủ tế cũng như quý Cha đồng tế. Cách riêng Cha ngỏ với các bạn rằng chủ tế Thánh Lễ này là Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng hay Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh long và là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo. 2 Đức Cha hôm nay bận việc mục vụ và nhất là Lễ Các Thánh Nam nữ nên hẹn dịp khác đến với các bạn sinh viên. Cha Giuse cũng nói với các bạn rằng Giáo Hội, Hội Đồng Giám Mục cũng như Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục rất yêu thương và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của đất nước, của Giáo Hội Việt Nam.
Trong bài chia sẻ, Cha Antôn Maria mời các bạn nhìn về Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu và Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Qua đời sống các Ngài, Cha Antôn mời các bạn sống thánh giữa đời bằng những công việc bình thường với trái tim yêu thương.
Và dựa trên trang Tin Mừng Tám Mối Phúc Thật hôm nay, Cha mời các bạn sống các mối phúc thật mà Chúa mời gọi. Bí quyết để sống đó chính là tình yêu : yêu Chúa và tha nhân.
Trước khi Thánh Lễ khép lại, bạn Phạm Ngọc Tú Quyên – đại diện các bạn sinh viên cảm ơn quý Cha. Tú Quyên cũng không quên cảm ơn từng bạn đã hiện diện và góp phần vào chương trình của ngày hôm nay. Những món quà nhỏ gói ghém tấm lòng của các bạn sinh viên gửi đến quý Cha.
Cha Giuse Maria cảm ơn tất cả mọi người.
Trước khi ra về, các bạn được nhận quà tặng của Cha Giuse Maria. Nếu như cách đây 2 năm, các bạn đã nhận được quyển Youcat thì năm nay các bạn được tặng tập sách Tông huấn Christus vivit – Chúa Kitô đang sống
Những tấm hình lưu niệm ghi dấu ngày xin ơn Chúa thánh hóa năm học mới được ghi lại. Hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Chúa, sinh viên Công Giáo vui tươi, phấn khởi bước vào năm học mới vì tin tưởng luôn có Chúa đồng hành trong đời sống nghiên cứu và học tập của mình.