2020
Cách cô bé 4 tuổi truyền cảm hứng cho Đức Giáo hoàng hạ thấp tuổi rước lễ
Năm 1910, Thánh Giáo hoàng Piô X đã ban hành sắc lệnh Quam singulari, giảm độ tuổi được rước lễ lần đầu xuống còn 7 tuổi: “Tuổi khôn cho cả Xưng tội và Rước lễ, là thời điểm mà một đứa trẻ bắt đầu biết lý luận, tức là vào khoảng trên dưới 7 tuổi. Một sự hiểu biết trọn vẹn và hoàn thiện về giáo lý Kitô giáo là không cần thiết cho việc Xưng tội hay Rước lễ lần đầu”.
Trước đây, nhiều người cho rằng nếu chỉ đủ tuổi khôn (7 tuổi) thôi thì chưa đủ điều kiện để được rước lễ, các em cũng cần phải có “kiến thức đầy đủ về các vấn đề đức tin”.
Cuối cùng thì điều gì đã thôi thúc vị Thánh Giáo hoàng ban hành sắc lệnh nói trên về việc cân nhắc giảm độ tuổi được rước lễ? Đó chính là nhờ cuộc đời của Ellen Organ.
Cô bé người Ailen, Ellen Organ đã chào đời ngày 24 tháng 8 năm 1903. Ellen đã phải trải qua tám tháng cuối đời mình tại trại trẻ mồ côi thuộc Trường dạy nghề thánh Finbarr ở Sunday’s Well thuộc thành phố Cork, được coi sóc bởi các nữ tu Dòng Mục tử Nhân lành.
Khi chưa tới bệnh xá, cô bé đã ghé thăm nhà nguyện mà em đặt tên là “Nhà của Đức Chúa Chí Thánh”. Các soeur chăm sóc em đã nhận thấy nơi em sự triển nở về Đức tin và sự gia tăng nhanh chóng trong “nhận thức mầu nhiệm về Bí tích Thánh Thể”.
Ellen bắt đầu kể lại thị kiến thấy Chúa Kitô như một trẻ thơ, thấy Đức Trinh Nữ Maria, và thấy Chúa Hài Đồng ở Prague khi em còn bé. Được đánh động, các soeur đã tiến cử em với Đức Giám mục để em được lãnh bí tích thêm sức.
Cô bé được xức dầu thêm sức vào ngày 8 tháng 10 năm 1907, chỉ vài tháng sau sinh nhật lần thứ tư của em. Ngay sau đó, em được đề nghị lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Lúc đầu, các soeur có chút do dự vì cô bé chỉ mới 5 tuổi, độ tuổi còn quá nhỏ so với tuổi quy định vào thời đó để có thể được rước lễ.
Sau khi trò chuyện với Ellen, một cha Dòng Tên đã xác nhận rằng em đã đạt đến tuổi khôn mặc dù còn rất nhỏ. Các soeur lại trình vấn đề lên Đức Giám mục và được ngài đồng ý. Ngày 6 tháng 12 năm 1907, cô bé đã được Rước lễ lần đầu.
Những ngày sau đó, sức khỏe của Ellen ngày càng suy giảm và cô bé liên tục chịu đau đớn đến nỗi sự phát triển của y khoa vào thời điểm đó cũng không thể giúp được gì cho em.
Khi tình trạng sức khỏe của cô bé trở nên tồi tệ hơn, những người chăm sóc đã thấy được nghị lực cũng như đời sống cầu nguyện mãnh liệt nơi em. Trong khi điều trị, em không bao giờ kêu ca về cơn đau, thay vào đó, em chiêm ngắm nỗi đau của Chúa Giê-su khi Người chịu khổ hình trên Thập giá.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1908, Ellen Organ đã qua đời sau khi chỉ sống được chưa đầy 5 năm.
“Các nhân chứng cho biết cô bé đã nhìn thấy cái gì đó dưới chân giường khiến em mỉm cười và rưng rưng nước mắt. Khi em lìa thế, đôi mắt em đã hướng nhìn lên cao để dõi theo một điều gì đó”.
Sau khi cô bé qua đời, câu chuyện về cuộc đời của em đã được lan truyền khắp nước Ai-len, đến Rôma, rồi đến Đức Giáo Hoàng Piô X. Ngài đã coi cuộc đời của em như một dấu chỉ để giảm độ tuổi được rước lễ xuống còn 7 tuổi.
Hồ sơ phong thánh cho Ellen Organ vẫn chưa được mở, dù có nhiều người sùng kính em. Tuy nhiên, vào năm 1914, trước khi qua đời, Đức Piô X đã xem xét việc này. Nhưng kể từ đó, không còn ai xem xét việc này nữa, đặc biệt vì lý do em còn quá nhỏ.
Tác giả: Billy Ryan
Chuyển ngữ: Bá Tước
Từ: ucatholic.com
2020
Tình trạng sức khỏe của Đức Biển Đức XVI
Tình trạng sức khỏe của Đức Biển Đức XVI
Đức Tổng giám mục Georg Gänswein cho biết tình trạng sức khỏe của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI không nguy kịch và không tệ hơn.
Đức Tổng giám mục Gänswein, nguyên là Chủ tịch Phủ Giáo hoàng và tiếp tục là bí thư của Đức Biển Đức XVI, tuyên bố như trên với tuần báo “Oggi”, Ngày Hôm Nay, số ra ngày 4/11/2020 vừa qua, tại Italia.
Đức nguyên Giáo hoàng 93 tuổi, bị bệnh ban sởi đỏ ở mặt, sau khi viếng thăm anh ruột của ngài ở thành phố Regensburg, bên Đức và trở về Vatican ngày 21/6 năm nay, nhưng nay ngài đã khỏi bệnh và có thể đi dạo dựa vào xe lăn trong vườn Vatican. Ngài yếu nhiều và tiếng nói rất nhỏ, nhưng tâm trí vẫn minh mẫn.
Đức Tổng giám mục Gänswein, 64 tuổi (1956), cũng cho biết Đức Biển Đức XVI vẫn cử hành thánh lễ, cầu nguyện, tiếp một vài người khách, đọc sách, nghiên cứu, nghe nhạc và trả lời thư từ. Ngài nghỉ ngơi nhiều và thường xuyên hơn, vui tính và thanh thản.
(Oggi 4-11-2020)
- Trần Đức Anh, O.P.
2020
Các biện pháp bảo vệ y tế của Đức Phanxicô
Ngày 2 tháng 11 Đức Phanxicô cử hành thánh lễ cho Các Đẳng tại Nghĩa trang Teutonic, nơi chôn cất của Thành phố Vatican. Trong buổi Kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 1 tháng 11, ngài cho biết: “Bằng cách này, tôi thông công với những người hôm nay đi cầu nguyện ở mộ người thân trong sự tôn trọng các tiêu chuẩn sức khỏe”.
Vì thế ngài sẽ cử hành thánh lễ không có giáo dân lúc 4 giờ chiều, tưởng niệm những người đã khuất. Sau đó ngài xuống thăm hầm mộ các giáo hoàng ở dưới Đền thờ Thánh Phêrô.
Thông thường, để cầu nguyện cho người đã khuất, Giáo hoàng đến một nghĩa trang ở Rôma, nhưng năm nay vì lý do y tế, ngài không rời Vatican.
Đức Phanxicô, 83 tuổi, hàng tuần ngài đều làm thử nghiệm Covid-19. Ông Austin Ivereigh, tác giả viết tiểu sử của Đức Phanxicô xác nhận với trang Zenith, ngài rửa tay bằng dung dịch gel tẩm cồn sau khi bắt tay và các khách đến thăm được kiểm tra nhiệt độ và rửa tay với gel tẩm cồn.
Dù các buổi tiếp kiến trong các tuần vừa qua, Đức Phanxicô không mang khẩu trang, nhưng ngài không đến gần tiếp xúc và không còn bắt tay giáo dân, để tránh việc họ tụ tập ở các hàng rào, làm mất giãn cách an toàn vệ sinh cần thiết.
Bắt đầu từ thứ tư 4 tháng 11, các bài giáo lý hàng tuần trong các buổi tiếp kiến chung sẽ không có giáo dân tham dự và được phát trực tuyến từ Thư viện Tòa Thánh như trong thời gian cách ly vừa qua.
Marta An Nguyễn dịch
2020
Đức Thánh Cha ban hành tự sắc liên quan đến việc lập các hội dòng giáo phận
Ngày 4/11 Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc có tựa đề “Authenticum charismatic” – Đặc sủng đích thực, sửa đổi lại điều 579 của Bộ Giáo luật. Theo Tự sắc này, từ nay các giám mục giáo phận phải có phép của Tòa Thánh trước, được ban hành bằng văn bản, mới có thể lập các tu hội thánh hiến trong giáo phận thuộc quyền.
Điều 579 của Bộ Giáo luật hiện hành quy định: “Trong địa hạt của mình, các Giám Mục giáo phận có thể ban hành sắc lệnh chính thức để thành lập các tu hội thánh hiến, miễn là đã tham khảo ý kiến của Tông Tòa.”
Theo giáo luật hiện hành, các giám mục được yêu cầu “tham khảo” ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng. Nhưng với Tự sắc “Authenticum charismatic”, Đức Thánh Cha thay đổi điều 579 và xác định: “Trong giáo phận của mình, các Giám mục giáo phận có thể thiết lập hữu hiệu các hội dòng thánh hiến bằng nghị định hợp thức nếu trước đó có phép bằng văn bản của Tòa Thánh”.
Đức Thánh Cha xác định rằng Tự sắc sẽ được ban hành qua việc đăng trên báo L’Osservatore Romano và có hiệu lực từ ngày 10/11 tới đây.
Đặc sủng đích thực
Mở đầu Tự sắc, Đức Thánh Cha nhắc lại Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (số 130) để nhấn mạnh đặc tính đích thực của một đặc sủng: “Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng đích thực là đặc tính giáo hội của nó, khả năng nó kết hợp hài hoà vào đời sống của dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì lợi ích của mọi người.”
Nhiệm vụ phân định của giám mục
Theo tự sắc, các mục tử có trách nhiệm phân định đặc tính giáo hội và đáng tin của các đặc sủng, và đặc biệt là nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp của việc thành lập một hội dòng. Thật là đúng đắn khi đón nhận những hồng ân mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong các Giáo Hội địa phương, nhưng đồng thời phải tránh “thành lập cách bừa bãi những hội dòng vô ích hoặc thiếu sinh lực”. (Perfectae caritatis, 19)
Sự nhìn nhận của Giáo hội đối với các hội dòng mới
Đồng thời Tự sắc nhấn mạnh rằng Tòa Thánh có nghĩa vụ đồng hành với các mục tử trong tiến trình phân định tiến tới việc Giáo hội nhìn nhận một tu hội hay một hiệp hội mới thuộc quyền giáo phận. Đức Thánh Cha nhắc lại Tông hiến Đời sống thánh hiến (số 12): “Giáo Hội có nhiệm vụ tiến hành những lượng định cần thiết, vừa để đánh giá tính trung thực của mục tiêu đã gợi hứng cho các hội dòng, vừa để tránh nhân thêm quá mức các tổ chức tương tự, đưa đến nguy cơ phân mảnh tai hại thành những nhóm quá nhỏ”, và khẳng định: “Do đó, các tu hội thánh hiến mới và các Hiệp hội tông đồ mới, phải được chính thức công nhận bởi Tòa thánh, thẩm quyền duy nhất đưa ra phán quyết cuối cùng.”
Ngày 1/6/2016, một phúc chiếu của cùng điều luật số 579 được ban hành, trong đó quy định rằng việc tham vấn trước với Tòa Thánh phải được hiểu là cần thiết để thiết lập hợp lệ một hội dòng giáo phận. Tự sắc mới được ban hành nói rõ rằng các Giám mục Giáo phận chỉ có thể thiết lập các hội dòng một cách hợp lệ bằng một sắc lệnh chính thức, và chỉ khi được Tòa Thánh cho phép bằng văn bản. (CSR_8085_2020)
Nguồn: vaticannews.va/vi Hồng Thủy