2020
Đức Thánh cha sẽ viếng thăm Tây Ban Nha
Đức Thánh cha sẽ viếng thăm Tây Ban Nha
Trang mạng “Religión Digital” của Tây Ban Nha, truyền đi hôm 6/11/2020 vừa qua, đưa tin: Đức Thánh cha Phanxicô sẽ viếng thăm nước này, nhân dịp Năm thánh Giacôbê và Năm thánh Ignatio vào năm tới, 2021, khi tình hình đại dịch “cho phép”.
Đền thánh Santiago de Compostela | Image by javier alamo from Pixabay
Đức Thánh cha đã nhiều lần nói với các tín hữu Tây Ban Nha ý định của ngài viếng thăm Đền thánh Santiago de Compostela, nơi có mộ của thánh Giacôbê Tiền, và viếng thành Manresa, nhân dịp Năm thánh Ignatio, Thánh tổ dòng Tên. Dự án này được đẩy mạnh hơn, với cuộc viếng thăm mới đây của thủ tướng Tây Ban Nha, ông Pedro Sánchez, và trong dịp đó, ông chính thức mời Đức Thánh cha.
Tuy người ta chưa biết thời điểm, vì còn tùy thuộc diễn biến của đại dịch Covid-19, nhưng bộ máy của các Giáo hội địa phương đã bắt đầu chuyển động để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha.
Cha Salvador Domato Buá, kinh sĩ nhà thờ chính tòa Santiago, Giám đốc Văn khố lịch sử của giáo phận, và đã từng đảm trách việc chuẩn bị ba cuộc viếng thăm trước đây của các vị Giáo hoàng tại Santiago, đã đến Roma cách đây hai tháng để gặp Đức Thánh cha Phanxicô. Cha Domato tiết lộ: “Đức Thánh cha nói với tôi là ngài muốn đến thăm Santiago, nhưng trong lúc này ngài không thể du hành vì đại dịch”.
Mặt khác, hồi tháng Bảy năm nay, cha Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền dòng Tên, loan báo rằng năm 2021-2022 sẽ là Năm thánh Ignatio: bắt đầu từ ngày 20/5/2021, kỷ niệm 500 năm thánh nhân bị thương tại Pamplona, và kết thúc ngày 31/7/2022, lễ kính thánh Ignatio.
Thánh Ignatio Loyola, sau khi bị thương và bình phục, đã đến Đan viện Biển Đức ở Montserrat, xưng tội, thay y phục đắt tiền bằng quần áo thô sơ, để lại thanh gươm trên bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Rồi thánh nhân đến thành Manresa ngày 25/3 năm 1522, sống trong một hang động 11 tháng. Chính tại đó, ngài trải qua những kinh nghiệm khiến ngài viết cuốn Linh Thao, làm nền tảng cho linh đạo Ignatio.
Ngày 19/9 mới đây, khi tiếp ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha ở Vatican, Đức Thánh cha đã bày tỏ hy vọng viếng thăm Tây Ban Nha và sẽ ghé thành Manresa. Nếu Đức Thánh cha thực hiện được dự tính này, thì đó sẽ là cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài tại Tây Ban Nha, quốc gia có 60% trên tổng số 47 triệu dân là tín hữu Công giáo.
(Digital 6-11-2020)
- Trần Đức Anh, O.P.
2020
Giám đốc truyền giáo của Áo kêu gọi tránh lấy thù hận đáp lại hận thù, sau các vụ khủng bố ở Vienna
Giám đốc truyền giáo của Áo kêu gọi tránh lấy thù hận đáp lại hận thù, sau các vụ khủng bố ở Vienna
Cha Karl Wallner, giám đốc truyền giáo của Áo lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan diễn ra ở trung tâm Vienna vào tối ngày 2/11. Và ngài kêu gọi tránh rơi vào bẫy dùng thù hận đáp trả hận thù, nhưng câu trả lời của chúng ta phải là tình yêu.
Cầu nguyện cho nạn nhân trong các vụ khủng bố ở Vienna (ANSA)
Chia sẻ với hãng tin Fides, cha Wallner nhấn mạnh: “Ở châu Âu, chúng ta phải giải quyết gốc rễ của vấn đề này, đó là sự cuồng tín tôn giáo. Chủ nghĩa Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan không được ở trung tâm của bối cảnh. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để chống lại hiện tượng này.” Theo cha, chúng ta cần phản ứng lại sự hận thù này bằng phương thế có nền tảng Ki-tô giáo.
Phương thế Ki-tô giáo: Lấy tình yêu đáp lại hận thù
Cha Wallner giải thích rằng “Đức tin Ki-tô giáo của chúng ta cho chúng ta biết đâu là phản ứng hữu hiệu nhất đối với lòng hận thù này của người Hồi giáo: đó phải là tình yêu! Chúng ta cần có cái nhìn và sự kết hợp với Chúa Giê-su Ki-tô để tránh rơi vào cạm bẫy của việc đáp trả hận thù bằng lòng căm thù. Câu trả lời của chúng ta là tình yêu thương mà Chúa Giê-su Ki-tô đã nêu gương ở mức độ cao nhất. Người đã chết để cho chúng ta sự sống đời đời!”.
Hội truyền giáo: một mạng lưới toàn cầu về tình yêu và cầu nguyện
Chia sẻ về tình liên đới mà Giáo hội Áo nhận được trong những ngày này: những cuộc gọi chia sẻ từ khắp thế giới, từ các đối tác của các dự án, các linh mục, tu sĩ và giáo dân, các Hội Giáo hoàng truyền giáo trên thế giới, cha Wallner nhấn mạnh rằng tất cả những điều này nhắc nhở cha về mục đích chính của Hội Truyền giáo Áo: “Kể từ khi thành lập, gần 200 năm trước, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ cụ thể cho những người nghèo nhất ở các quốc gia ở miền Nam bán cầu. Đồng thời, chúng tôi muốn hoạt động cho một mạng lưới toàn cầu về tình yêu và cầu nguyện, vốn là một phần trong đặc sủng ban đầu của chúng tôi ”. (Fides 07/11/2020)
Hồng Thủy
2020
ĐTC viết thư khích lệ gửi đến “Ngôi nhà nhỏ Lòng thương xót” ở Gela
ĐTC viết thư khích lệ gửi đến “Ngôi nhà nhỏ Lòng thương xót” ở Gela
Đức Thánh Cha đã viết một bức thư khích lệ và bày tỏ sự gần gũi của ngài dành cho những người phục vụ và những người đang được phục vụ tại “Ngôi nhà nhỏ của Lòng thương xót”, trung tâm đón tiếp người nghèo ở Gela, Sicilia, miền nam Ý.
“Ngôi nhà nhỏ Lòng thương xót” ra đời năm 2013 và chính Đức Thánh Cha đã gợi ý cho việc thiết lập trung tâm bác ái này: Ngày 17/3, cha Pasqualino Di Dio, một linh mục trẻ đến từ Piazza Armerina được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Cha đã trình bày với Đức Thánh Cha về thực trạng xã hội của Giáo phận nơi cha đang phục vụ, những khó khăn của nhiều gia đình, của những người nghèo ở thành phố Gela. Đức Thánh Cha đã lắng nghe và đề nghị cha Pasqualino Di Dio thiết lập một ngôi nhà như là dấu chỉ của lòng thương xót Chúa. Từ đó, “Ngôi nhà nhỏ Lòng thương xót” đã ra đời, với một nhà ăn, trung tâm lắng nghe và hỗ trợ, một ngân hàng thực phẩm, trợ giúp trẻ em đến trường và phối hợp hoạt động với Caritas, các tổ chức, giáo xứ và hiệp hội địa phương.
Trong thư, Đức Thánh Cha viết: “Công việc gần gũi với những người thân yêu đang ở trong tình trạng khó khăn là một ngọn hải đăng và niềm hy vọng giữa bóng tối của đau khổ và cam chịu. Đây là một dấu hiệu được đánh giá cao về sự chia sẻ của Giáo hội với những khó khăn và vất vả của các tín hữu, là một mẫu gương về bác ái Tin Mừng và của một Giáo hội đi ra, làm nhiều điều tốt cho cộng đoàn Giáo hội và xã hội”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha khích lệ cha Di Dio và các cộng tác viên, hãy bền chí trong sứ vụ làm chứng cho sự dịu dàng và lòng thương xót của Chúa Cha, trao ban những chia sẻ và tình liên đới cho những người yếu đuối và những người đang cảm thấy thất vọng.
Khi nhận được thư này, cha Pasqualino Di Dio bày tỏ: “Những lời của Đức Thánh Cha là một dấu hiệu tình cảm của Đức Thánh Cha và đó cũng là sự xác nhận cho công việc âm thầm của rất nhiều người nam nữ thiện chí đang phục vụ những người nhỏ bé của Tin Mừng”. Đối với cha Di Dio, những gì các tình nguyện viên và các ân nhân thực hiện trong “Ngôi nhà nhỏ của lòng thương xót” là một “giấc mơ yêu thương, nhất là trong thời điểm rối ren và đau khổ do đại dịch gây ra”.
Cha cho biết thêm: “Tất cả các dịch vụ ở Trung tâm đều có điểm tựa là sự tôn thờ Thánh Thể không ngừng. Từ đây nảy sinh sức mạnh và sự Quan phòng. Trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi được kêu gọi hướng sự chú ý đến những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, không để văn hóa loại bỏ và nghi kỵ thống trị, trái lại thay thế nó bằng sự thăng tiến và chăm sóc. Chúng tôi xác tín rằng sự sống chỉ có thể sở hữu bằng cách trao ban và Chúa không bỏ rơi chúng ta”. (CSR_8157_2020)
Ngọc Yến
2020
Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn mừng lễ ánh sáng của Ấn giáo
Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn mừng lễ ánh sáng của Ấn giáo
Nhân dịp lễ Deepavali, hay còn có tên là Diwali, lễ hội ánh sáng của Ấn giáo, Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn đã gửi một thông điệp khuyến khích các Ki-tô hữu và tín đồ Ấn giáo sống tinh thần tích cực và hy vọng vào tương lai.
Lễ Diwali được cử hành trong khoảng giữa tháng 10 và tháng 11. Năm nay lễ được cử hành ngày 14/11. Ngày lễ biểu tượng sự chiến thắng tinh thần của ánh sáng trên bóng tối hoặc của điều thiện trên sự ác.
Thông điệp của Hội đồng Tòa Thánh có chủ đề “Khơi dậy sự tích cực và hy vọng trong đại dịch Covid-19 và sau đại dịch”, được ký bởi Đức Hồng y Miguel Algel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng, và cha Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage, Tổng Thư ký.
Tinh thần tích cực và hy vọng về tương lai
Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, thông điệp thứ 25 của Hội đồng Tòa Thánh nhân lễ Diwali chia sẻ một số suy nghĩ, khuyến khích “một tinh thần tích cực và hy vọng về tương lai, ngay cả khi đối mặt với những trở ngại dường như không thể vượt qua, những thách thức kinh tế xã hội, chính trị và tâm linh, và sự lo lắng lan rộng, không chắc chắn và sợ hãi”.
Tòa Thánh nhìn nhận rằng thực tế bi thảm của đại dịch có thể khiến cho những hy vọng và ý tưởng tích cực táo bạo nhất bị tiêu tan. Tuy nhiên sự tin tưởng của các Ki-tô hữu và tín đồ Ấn giáo vào sự quan phòng của Thiên Chúa đã truyền cảm hứng cho họ “luôn lạc quan và nỗ lực để thắp lại hy vọng giữa xã hội của chúng ta”.
Những thay đổi lạc quan, tích cực
Dù cho những đau khổ và những phong tỏa làm gián đoạn cuộc sống bình thường, Hội đồng Tòa Thánh chỉ ra một số thay đổi tích cực trong lối sống và suy nghĩ của mọi người. Thế giới đã chứng kiến các cộng đồng xích lại gần nhau trong sự liên đới và quan tâm, trong những hành động nhân ái và từ bi đối với những người đau khổ và những người đang gặp khó khăn. Điều này đã khiến mọi người đánh giá sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc chung sống và sự cần thiết của nhau vì hạnh phúc của tất cả mọi người và của ngôi nhà chung.
“Lây nhiễm” hy vọng
Tòa Thánh nói rằng các truyền thống Ki-tô giáo và Ấn giáo “dạy chúng ta tiếp tục tích cực và hy vọng giữa những nghịch cảnh”. Tòa Thánh hy vọng rằng giữa khủng hoảng toàn cầu, các tín đồ cố gắng truyền bá điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “sự lây lan của hy vọng”, thông qua những cử chỉ quan tâm, trìu mến, lòng tốt, sự dịu dàng và từ bi, là những điều vốn dễ truyền đi hơn cả virus corona.
Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, được thánh Giáo hoàng Phaolô VI thành lập năm 1964, thường xuyên gửi các thông điệp mỗi năm vào dịp lễ Diwali của Ấn giáo, cũng như tháng Ramadan và Eid al-Fitr của Hồi giáo, và lễ Phật đản. (CSR_8129_2020)
Hồng Thủy