2023
Cha Theobald: một Thượng Hội Đồng lắng nghe, sẵn sàng cho sự ngạc nhiên
Cha Theobald: một Thượng Hội Đồng lắng nghe, sẵn sàng cho sự ngạc nhiên
CHA THEOBALD: MỘT THƯỢNG HỘI ĐỒNG LẮNG NGHE, SẴN SÀNG CHO SỰ NGẠC NHIÊN
Delphine Allaire
“Con đường của tính hiệp hành là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”. Hành trình này nằm trong đường hướng “aggiornamento” (cập nhật hóa) của Giáo hội do Công đồng Vatican II đề xuất. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Giáo hội địa phương suy nghĩ về những cách thức làm cho Giáo hội hoàn vũ trở nên có tính hiệp hành hơn, thông qua sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Về điều này, lắng nghe và đối thoại là chủ yếu như một phong cách sống. Cha Christoph Theobald, một nhà thần học nổi tiếng của Dòng Tên, là một trong những tham dự viên “chuyên gia” của Đại hội Thượng hội đồng. Vị giáo sư danh dự của khoa thần học của Trung tâm Sèvres ở Paris trình bày cho chúng ta các vấn đề.
Delphine Allaire: Đoàn dân trung tín, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma, người này lắng nghe người kia, tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần. Tại sao lại có một tiến trình như vậy vào thời điểm này trong lịch sử Giáo hội? Nó đang trả lời cho lời mời gọi nào?
Cha Theobald: Lời mời gọi đầu tiên vang vọng lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sự thay đổi thời đại mà chúng ta đang sống. Đó không phải là một thời đại của những thay đổi mà là sự thay đổi thời đại. Đó là do nhiều yếu tố: nỗi sợ hãi về quá trình chuyển đổi sinh thái (thông điệp Laudato si’), nhưng cũng là do các bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội của chúng ta, các bạo lực thuộc loại chính trị, ngôn từ, và các cuộc chiến tranh. Một văn bản mang tính quyết định khác của Đức Thánh Cha, thông điệp Fratelli tutti, trong đó có một chương tuyệt vời về danh dự phải được trao cho chính trị theo nghĩa cao quý của thuật ngữ này. Lời kêu gọi thứ ba, đến từ Công đồng Vatican II, như sau: những người đã được rửa tội trong Giáo hội trở thành gì? Đâu là Chính xác chỗ đứng của họ?
Luận đề cơ bản của Công đồng và Đức Thánh Cha là sự bình đẳng trong bí tích Rửa tội giữa mọi tín hữu. Làm thế nào họ thực sự có thể tham gia? Đây là thuật ngữ tuyệt vời mà chúng ta đã có trong phụng vụ, Participatio Actuosa, sự tham gia tích cực của tín hữu vào toàn bộ đời sống của Giáo hội. Đức Thánh Cha chuyển nó sang toàn thể, không chỉ cho phụng vụ. Chúng ta đang ở trong một thời cơ (kairos), thời điểm mà ân sủng chắc chắn sẽ đi qua một cách đặc biệt hơn.
Delphine Allaire: Tiến trình lắng nghe cần thiết này có phải là một cơ hội để giúp sống tính phổ quát của Giáo hội hay là dấu hiệu của những căng thẳng cần vượt qua?
Cha Theobald: Điểm đặc biệt của tiến trình này là làm cho các Giáo hội địa phương trở nên sống động trong Giáo hội hoàn vũ. Nó làm cho các Giáo hội địa phương nhận thức được rằng họ là toàn thể Giáo hội. Để đạt được điều này, mỗi Giáo hội địa phương phải cởi mở với lục địa và tiếp đến, rõ ràng là với Giáo hội hoàn vũ. Đây là một điểm hoàn toàn mang tính quyết định trong chính cơ cấu của tiến trình thượng hội đồng do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng.
Đầu tiên có giai đoạn địa phương, quốc gia, lục địa, rồi giai đoạn hiện tại mang tính hoàn vũ. Tiếp đến, Đức Thánh Cha khẳng định rất rõ ràng rằng các văn bản sẽ phải “đi xuống” một lần nữa ở cấp độ khu vực và địa phương. Chắc chắn, chúng ta đang sống trong một Giáo hội có nhiều chia rẽ. Nhà xã hội học người Pháp, Jérôme Fourquet, gọi đây là sự quần đảo hóa (archipélisation) của Giáo hội. Các nhóm ít nhiều cùng tồn tại tốt đẹp và đương đầu với nhau nhưng không nói chuyện với nhau. Tiến trình hiệp hành nhằm mục đích vượt qua xung đột thông qua kinh nghiệm lắng nghe.
Delphine Allaire: Thượng hội đồng này khơi lên những lo ngại ở một số khía cạnh khi đó không phải là những sự phản kháng. Tại sao và phải nói gì để trấn an?
Cha Theobald: Không làm tăng thêm khó khăn, cần phải ghi nhận sự sợ hãi và những sự phản kháng của một số tín hữu. Lắng nghe họ. Có nỗi lo sợ rằng chúng ta đang chạm tới cơ cấu nền tảng của Giáo hội. Ở đây, Công đồng Vatican II cung cấp cho chúng ta những tài liệu tham khảo, bằng cách nhấn mạnh nhiều đến mối liên kết giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Trong mối liên kết này, có thừa tác vụ Phêrô, Sub Petro, Cum Petro. Dưới Phêrô và với Phêrô. Trong công thức này, chúng ta tìm thấy cả sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng ở trong Giám mục đoàn với tư cách là Giám mục Rôma, và, đồng thời, là người khởi xướng các tiến trình, tiếp nhận chúng, lắng nghe và làm chứng cho đức tin của Giáo hội Công giáo.
Delphine Allaire: Các thành viên của Thượng hội đồng có trách nhiệm gì trong việc lắng nghe kép cả dân Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần?
Cha Theobald: Các thành viên trước hết đến từ dân Thiên Chúa, từ các Giáo hội địa phương và do đó đại diện của Giáo hội địa phương cụ thể của họ. Họ là nơi gặp nhau của hai cấp độ. Bằng cách lắng nghe âm vang của những gì người khác nói trong lòng mình và cùng nhau suy nghĩ về những được rút ra từ đó, họ lắng nghe cả Chúa Thánh Thần và tất cả các thành viên khác để đi đến những định hướng.
Delphine Allaire: Chỗ đứng nào được dành cho sự phân định của thánh Inhaxiô trong Thượng hội đồng này?
Cha Theobald: Sự phân định được chú ý vì Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng không phải là duy nhất, vì nó là một truyền thống trong Giáo hội. Kể từ Tân Ước, sự phân định đã mang tính quyết định. Chúng ta tham gia vào một nhóm nhất định với ý kiến riêng của mình, ít nhiều có cơ sở, và trong sự phân định, chúng ta đặt vấn đề hoặc bảo lưu ý kiến đó để có thể lắng nghe người khác về nó.
Sự phân định của thánh Inhaxiô căn bản dựa trên kinh nghiệm lắng nghe người khác và lắng nghe chính mình; về những gì lời nói của người khác tạo ra trong chính mình: giận dữ, dè dặt, thông cảm. Cần phải nhận thức được điều này để thực sự lắng nghe đến cuối cùng. Tôi gọi đó là lắng nghe kiểu âm thanh lập thể (stéréophonique), có khả năng nghe được nhiều tiếng nói: tiếng nói của người khác, tiếng nói bên trong ý thức của chính mình, tiếng nói của mọi người, theo một cách nào đó, xung quanh mình, và trong đó là tiếng nói của Chúa.
Delphine Allaire: Đâu là quyền tối thượng của Phêrô trong tiến trình lắng nghe này?
Cha Theobald: Giám mục Rôma, Giám mục của một Giáo hội địa phương đặc thù, Giáo hội đầu tiên của các Giáo hội trên hành trình lịch sử của truyền thống Kitô giáo, có chức năng phân xử. Nhiệm vụ đầu tiên của ngài là lắng nghe cho đến cùng. Đây có lẽ là điều khó khăn nhất, bởi vì đó là một sự lắng nghe, không phải của Giáo hội Rôma đặc thù của ngài, mà là của tất cả các Giáo hội.
Đức Giáo hoàng cũng là người của mối liên kết. Về mặt từ nguyên, Pontifex có nghĩa là “người xây dựng những chiếc cầu“; người tạo nên mối liên kết với toàn bộ truyền thống của Giáo hội và mối liên kết giữa tất cả các Giáo hội. Ngài chăm lo sự hiệp nhất. Điều khó khăn nhất trong việc chăm lo các liên kết này – episkopè có nghĩa là chăm lo, cảnh giác -, đó là lắng nghe. Đức Thánh Cha đặc biệt nhạy cảm với điều đó, lắng nghe những tiếng nói mà chúng ta rất ít nghe thấy, tiếng nói của những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Delphine Allaire: Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc luôn mở ra cho sự ngạc nhiên trong suốt Thượng hội đồng này. Điều này truyền cảm hứng cho Cha điều gì?
Cha Theobald: Vấn đề về sự ngạc nhiên là có tính quyết định. Cuộc sống thấm đẫm sự bình thường. Trong Giáo hội cũng có nhiều nghi lễ. Sự lặp lại là một phần của sự tồn tại của con người chúng ta. Nhưng theo cách này, chúng ta có nguy cơ trở nên không quen với những điều bất ngờ, những sự kiện không lường trước được có nguy cơ xảy ra. Công đồng Vatican II đã mang tính quyết định nhờ các cuộc gặp gỡ, tôi tin tưởng rất nhiều vào điều đó ở Thượng hội đồng này. Những điều ngạc nhiên là đặc tính của Chúa Thánh Thần. Trong Tin Mừng Gioan, chẳng phải Chúa Thánh Thần đến sao? Cần phải được sinh ra trong hơi thở này. Chúng ta không biết Ngài đến từ đâu và đi đâu. Điều này đòi hỏi một thái độ tâm linh cơ bản mà, một cách nào đó, là sự vô tri. Chấp nhận rằng chúng ta không biết, rằng chúng ta không biết tương lai và chúng ta đã để nó xảy đến.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News
2023
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục
TỪ ROMA, ĐỨC CHA GIUSE ĐỖ MẠNH HÙNG CHIA SẺ VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam
– Đại diện Giáo hội Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới (THĐ) lần này có Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục giáo phận Phan Thiết – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM), và Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh – Phó Tổng Thư ký HĐGM. Ngay khi kết thúc tuần làm việc đầu tiên của THĐ, Truyền thông HĐGM đã phỏng vấn Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng. Trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn này để cùng với tất cả thành phần Dân Chúa tại Việt Nam hiệp thông với THĐ.
WHĐ: Thưa Đức cha, Thượng Hội đồng Giám mục lần này được bắt đầu với 3 ngày tĩnh tâm, xin Đức cha chia sẻ về cuộc tĩnh tâm này.
Thứ nhất, theo tôi biết, đây là lần đầu tiên trong chương trình họp Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới khởi đầu bằng 3 ngày tĩnh tâm. Tất cả các tham dự viên THĐ bắt buộc phải tham dự. Ai không tham dự được, phải trực tiếp viết thư xin phép Đức Giáo Hoàng.
Thượng Hội Đồng được bắt đầu với buổi Canh thức Cầu nguyện đại kết lúc 17g00 ngày 30/9 tại Quảng trường thánh Phêrô. Sau đó, vào lúc 21g00 tất cả các tham dự viên được đưa đến Fraterna Domus (Nhà Huynh đệ) ở Sacrofano, ở ngoại ô cách trung tâm Rôma 30km, để tham dự 3 ngày tĩnh tâm.
Tĩnh tâm tại Fraterna Domus ở Sacrofano, ngoại ô Rôma
Thứ hai, chương trình ba ngày tĩnh tâm giống nhau:
Buổi sáng, có giờ kinh sáng và 2 bài giảng của cha Radcliffe, nguyên Bề trên Dòng Đaminh; mỗi bài giảng 30 phút; còn lại là thời gian thinh lặng, cầu nguyện riêng.
Buổi chiều, dành thời gian chia sẻ nhóm, theo phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” (Conversation in the Holy Spirit). Đây là phương pháp phân định để nhận ra tiếng của Chúa Thánh Thần. Phương pháp này đã được thực hiện từ giai đoạn Cấp Châu lục và sẽ áp dụng cho suốt THĐ Cấp hoàn vũ này. Phương pháp gồm 4 giai đoạn:
– Giai đoạn chuẩn bị: mỗi người chuẩn bị riêng về điều sẽ chia sẻ, rồi cầu nguyện riêng (4 phút).
– Giai đoạn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: mỗi người trong nhóm chia sẻ cảm nghiệm cá nhân vừa chuẩn bị (4 phút). Tiếp đến, cả nhóm thinh lặng cầu nguyện (4 phút) để lắng nghe điều gì mà Chúa Thánh Thần muốn nói cho mình qua những vang vọng còn lại trong tâm hồn, từ những chia sẻ của các bạn trong nhóm.
– Giai đoạn chia sẻ những cảm nghiệm đón nhận được: mỗi người chia sẻ (4 phút) lại điều mình cảm nhận được, khi nghe các bạn khác chia sẻ (điểm đồng thuận, điểm khác biệt, điểm thắc mắc chưa hiểu, điểm đề nghị…). Rồi cả nhóm lại thinh lặng cầu nguyện riêng (4 phút).
– Giai đoạn phân định đúc kết: từ những điều nghe được, mỗi người nói lên điều nổi bật nhất (4 phút) mà mình nhận thấy như là điều Chúa Thánh Thần mời gọi cả nhóm thực hiện. Kết thúc cũng là thinh lặng cầu nguyện để nhận rõ hơn và xác tín điều Chúa Thánh Thần mời gọi (4 phút).
Tóm lại, điểm quan trọng không phải là tìm ra những tư tưởng hay, nhưng lắng nghe và cùng nhau nhận ra lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, với những khoảng thinh lặng cầu nguyện xen kẽ.
Thứ ba, về các đề tài được chia thành 3 nội dung tổng quát như sau:
– Ngày 1: Niềm hy vọng. Thế giới hôm nay với biết bao nhiêu lo âu, sợ hãi. Như Chúa Giêsu, THĐ muốn đồng hành và mang lại niềm hy vọng cho con người hôm nay.
– Ngày 2: Tình bạn. Con người hôm nay rất cần tình bạn và người đồng hành với mình. Như Chúa Giêsu, THĐ muốn đồng hành với con người hôm nay trong tình bạn. Thiên Chúa qua Chúa Giêsu đã đến làm bạn và đồng hành với con người trên hành trình về hạnh phúc vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.
– Ngày 3: Vấn đề quyền lực. Thế giới hôm nay có rất nhiều loại quyền lực trong lãnh vực trần thế (chính trị, kinh tế, khoa học, truyền thông…), ngoài ra có những loại quyền lực khác (quyền lực của cái đẹp, của sự thiện, của sự thật, của tình yêu…). THĐ muốn đồng hành với con người hôm nay với “quyền lực yêu thương” như Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa đã đến sống với con người với “tình yêu” và Ngài đã bộc lộ “quyền lực yêu thương” này với cao điểm là lời “cầu xin tha thứ” trên thập giá.
Tóm lại, những ngày tĩnh tâm này là phần 1 trong cuộc “Đối thoại trong Thánh Thần”, mỗi thành viên được mời gọi dành thời giờ lắng nghe Chúa Thánh Thần trong những giờ cầu nguyện và lắng nghe lời chia sẻ của các bạn trong nhóm.
WHĐ: Cảm nhận của Đức cha về tinh thần và bầu khí của Thượng Hội đồng như thế nào ạ?
Thứ nhất, đây là giai đoạn 3 trong tiến trình THĐ Hiệp hành: cấp giáo phận, cấp châu lục, cấp hoàn vũ. Và điểm nổi bật chính là sự hiệp thông, nguồn mạch của sứ vụ loan báo Tin Mừng, cũng như là nguồn sức mạnh thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Các tham dự viên đại diện cho các Giáo hội địa phương và Châu Lục gồm: 73% hồng y và giám mục; 26% là linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân (nam nữ); 1% giáo triều Rôma và các chuyên viên.
Thứ hai, sự hiệp thông của THĐ được đặt nền trên sự hiệp thông với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, thao thức cùng nhau thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng. Một hình ảnh cụ thể là sự hiệp thông của toàn Dân Chúa trong Thánh lễ khai mạc THĐ vào sáng 4/10 tại quảng trường thánh Phêrô:
– Đoàn rước gồm tế của các giám mục, hồng y đồng tế tiến vào quảng trường với bài ca Kinh Cầu các Thánh. Các Thánh cũng là thành phần Dân Chúa giờ đây cũng đang hiệp thông để cùng với toàn thể Giáo hội lữ hành trần thế.
– Lời nguyện chung với đại diện các ngôn ngữ khác nhau cùng hòa quyện trong tâm tình cầu nguyện.
– Phần hiệp lễ với “Bài ca tạo vật”: toàn thể thiên nhiên, tạo vật như đang hòa với con người trong lời chúc tụng “Laudato Si’” (Lạy Chúa, con chúc tụng Chúa).
Tôi và Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Giáo Hội Việt Nam đã cùng với tất cả các tham dự viên gồm các hồng y, giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân (trong đó có cả đại diện những người khuyết tật, ngồi xe lăn) gặp gỡ, lắng nghe và phân định để nhận ra lời mời gọi của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và ngỏ với Giáo Hội qua THĐ 2023 này.
WHĐ: Đức cha có thể chia sẻ thêm về công việc chuẩn bị và phương tiện làm việc tại Hội trường Phaolô VI?
Sau thánh lễ khai mạc, mọi tham dự viên đã vào Hội trường Phaolô VI (HTP6) để được hướng dẫn, đặc biệt sử dụng phương tiện hiện đại trong THĐ lần này.
Để có thể thực hiện hiệu quả phương pháp chính của THĐ là “Đối thoại trong Thánh Thần”, phòng họp của THĐ được thực hiện ngay tại Hội trường Phaolô VI (không phải tại Hội trường của THĐ thường họp như những lần trước đây). Tôi rất ấn tượng về cách tổ chức này với 3 điểm:
Phòng họp Thượng Hội Đồng trước đây
1/ Cách thức sắp xếp: phòng họp của THĐ 2023 là phần trên của Hội trường Phaolô VI. Nhìn tổng quát những hàng ghế trống bên dưới (khoảng 5.000 ghế) như là hình ảnh của toàn thể Dân Chúa và phần trên là 40 bàn tròn của các tham dự viên (đại diện cho các thành phần Dân Chúa) hiện diện để trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ngồi tại một bàn tròn, được đặt trên một bục nổi hơn một chút để mọi người có thể thấy. Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên trình bày về cách sắp xếp mới của THĐ 2023 này: “Chúng ta không ngồi theo thứ bậc, mà ngồi quanh các bàn tròn để thúc đẩy sự chia sẻ thực sự và sự phân định đích thực… Các bàn tròn cũng nhắc nhở chúng ta rằng không ai trong chúng ta là nhân vật chính của Thượng hội đồng. Chính Chúa Thánh Thần là nhân vật chính”.
Tất cả các sinh hoạt của Thượng Hội Đồng đều diễn ra tại đây: cả những phiên họp khoáng đại và những cuộc họp nhóm nhỏ. Có tất cả 40 bàn (cho cả tham dự viên và khách mời), mỗi bàn 12 người. Những ngày họp nhóm nhỏ chỉ gồm các tham dự viên khoảng 35 bàn.
Phòng họp Thượng Hội Đồng 2023 – Hội trường Phaolô VI
2/ Phương tiện kỹ thuật hiện đại của thời đại kỹ thuật số
Mỗi bàn có 12 người, có 4 màn hình (hướng về 4 phía, 3 người xem 1 màn hình) và ở trên có một Camera quay tròn (để thu hình khi một thành viên phát biểu). Đồng thời mỗi người có một máy tính bảng ở trước mặt. Vào đầu ngày, mỗi thành viên dùng thẻ đeo của mình, trên đó có một mã QR cá nhân, đăng nhập vào máy tính bảng; lập tức ban tổ chức biết được có bao nhiêu người hiện diện.
Trên màn hình riêng (máy tính bảng) của mỗi người: (1) có tài liệu muốn tham khảo, những thông tin hướng dẫn (danh sách phát biểu: người đang phát biểu với đồng hồ thời gian trừ dần và người chuẩn bị phát biểu…); (2) dùng vào công việc bỏ phiếu (chấp thuận, không chấp thuận… sau đó nhấn nút “confirm” để xác định quyết định của mình). (3) Trên màn hình lớn hơn tại bàn (3 người một màn hình) là những thông tin hướng dẫn của ban tổ chức hay hình người đang phát biểu… Đồng thời, mỗi người có một tai nghe được chọn lựa theo 5 ngôn ngữ: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Hệ thống tai nghe với 5 ngôn ngữ phiên dịch
Hướng dẫn, trình bày trên màn hình
Màn hình tại mỗi bàn họp với những thông tin
3/ Sinh hoạt với “họp khoáng đại” và “họp nhóm nhỏ theo ngôn ngữ”
Tất cả sinh hoạt của THĐ đều diễn ra tại đây, không phải di chuyển đâu cả. Đầu ngày là giờ cầu nguyện với thánh ca và thánh vịnh cùng với Lời nguyện của vị chủ sự. Và tiếp đến là những “phiên họp khoáng đại” hay những phiên họp “nhóm nhỏ theo ngôn ngữ”.
Ví dụ: ngay trong một phiên họp, (1) phần đầu là “họp khoáng đại” với những trình bày của Đức Hồng Y Tổng thư ký, hoặc với những báo cáo của “tường trình viên” của từng nhóm cho cả Hội nghị, mọi người ngồi tại bàn của mình theo dõi với những thông tin hướng dẫn. (2) Tiếp theo sau đó là “họp nhóm nhỏ”, mỗi người vẫn ngồi tại chỗ, không phải di chuyển. Và theo phương pháp chung “đối thoại trong Thánh Thần”, tại mỗi bàn nhóm nhỏ chỉ có một người nói và 11 người còn lại lắng nghe, không có vấn đề tranh cãi. Vì thế, việc trình bày và lắng nghe của nhóm này không ảnh hưởng đến nhóm bên cạnh.
Trong phần “họp khoáng đại”, sau 4 báo cáo của 4 “tường trình viên” của nhóm nhỏ (mỗi báo cáo 3 phút) là 4 phút thinh lặng cầu nguyện riêng. Và cứ tiếp tục như thế.
Đồng thời, cũng như vậy trong “phần họp nhóm nhỏ”, 4 giai đoạn của phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” được phân chia bởi vài phút thinh lặng cầu nguyện.
WHĐ: Xin Đức cha chia sẻ một chút về tuần làm việc vừa qua?
Chương trình làm việc của THĐ được chia làm 5 phần, 4 phần đầu được chia theo nội dung của Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) gồm phần A, B1, B2 B3. Phần 5 là phần tổng kết.
Từ chiều 4/10 vừa qua, chúng tôi đã bắt đầu làm việc trên phần A: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành. Một trải nghiệm toàn diện“.
– Chiều thứ tư 4/10 là “phiên họp khoáng đại 1” (general congregation): Đức Hồng Y Hollerich, Tổng tường trình viên, trình bày nội dung phần A và nhắc lại cách thức làm việc nhóm.
– Ngày thứ năm 5/10 gồm 2 “phiên họp nhóm nhỏ” (minor circle 1 và 2). Mỗi nhóm chia sẻ về nội dung phần A dựa trên phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần”. Kết thúc là bản báo cáo của từng nhóm. Mỗi nhóm có một người hướng dẫn (facilitator), một thư ký (secretary) và một tường trình viên của nhóm (reporter).
– Ngày thứ sáu 6/10 gồm “phiên họp khoáng đại 2 và 3”. Phiên họp khoáng đại 2 dành cho báo cáo của các nhóm. Tường trình viên của nhóm trình bày (ngồi tại chỗ và mọi người theo dõi trên màn hình bản báo cáo với 4 ngôn ngữ thông dịch). Sau 4 báo cáo (mỗi báo cáo 3 phút) là 4 phút thinh lặng cầu nguyện.
Phiên họp khoáng đại 3 dành cho phát biểu tự do. Ai muốn phát biểu sẽ đăng ký và gởi bài phát biểu trước cho ban thư ký. Sau 4 phát biểu (mỗi phát biểu 3 phút) là 4 phút thinh lặng cầu nguyện. Vì không có đủ giờ để phát biểu hết, nhưng những bài phát biểu này được Ban thư ký ghi nhận và sẽ đưa vào bản đúc kết.
Mỗi nhóm lắng nghe những báo cáo, những phát biểu tự do; từ đó, nhóm sẽ đối chiếu với bản báo cáo 1 của nhóm mình, để bổ túc thêm, sửa đổi hay nêu ra những khác biệt, những đề nghị. Thư ký nhóm, người hướng dẫn nhóm và tường trình viên nhóm sẽ phác thảo “bản bổ túc” này.
– Sáng thứ bảy 7/10 là “phiên họp nhóm nhỏ” (minor circle 3). Dựa trên bản bổ túc đã được phác thảo, mỗi thành viên trong nhóm sẽ góp ý, đúc kết và biểu quyết để làm thành bản báo cáo cuối cùng. Bản báo cáo này sẽ được gởi cho Ban thư ký của THĐ.
Như thế là chúng tôi đã kết thúc Phần A. Chiều thứ Bảy và Chủ nhật được nghỉ. Và sáng thứ Hai 11/8 sẽ bước vào phần B1 (dựa trên Tài liệu làm việc) với thánh lễ chung của các tham dự viên trong Đền thờ thánh Phêrô.
Chương trình sẽ tiếp tục như thế và luôn khởi sự một phần mới bằng thánh lễ chung tại Đền thờ thánh Phêrô.
Các tham dự viên thường ngày sẽ dâng lễ, ăn uống và ngủ nghỉ tại nơi mình trọ. Tôi và đức cha Luy Tuấn ở trọ tại Foyer Phát Diệm. Tại đây chúng tôi đã nhận được sự phục vụ rất chu đáo của cha giám đốc, cha phó giám đốc, quý thầy và quý soeurs Mến Thánh Giá Phát Diệm và Gò Vấp đang phục vụ tại đây.
Cuối cùng, qua phỏng vấn này, chúng tôi muốn nói lên sự hiệp thông và cảm ơn đối mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam đã luôn đồng hành và nâng đỡ chúng tôi đặc biệt qua những lời cầu nguyện.
WHĐ: Cảm ơn Đức cha và kính chúc hai Đức cha Việt Nam tràn đầy ân sủng trong những ngày làm việc tiếp theo tại THĐ.
Đọc thêm dòng sự kiện Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành khóa I – tháng 10.2023:
2023
17.000 tín hữu tham gia Cuộc hành hương Mân côi tại Lộ Đức
17.000 tín hữu tham gia Cuộc hành hương Mân côi tại Lộ Đức
Trong những ngày từ 04 đến 07 tháng Mười vừa qua, cuộc hành hương Mân côi đã tiến hành tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức bên Pháp, với sự tham dự của ít nhất 17.000 tín hữu.
Cuộc hành hương thường niên này được Dòng Đa Minh và các Hội Mân côi ở Pháp tổ chức từ 115 năm nay (1908). Ngoài các chương trình thờ phượng và sùng mộ, còn có một chương trình huấn luyện phong phú về mặt trí thức và tu đức.
Thực vậy, trong bốn ngày hành hương, ngoài các buổi đọc kinh Mân côi, có các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, lúc 4 giờ chiều, cuộc rước Đức Mẹ vào tối thứ Năm, ngày 05 tháng Mười, còn có khoảng 15 buổi thuyết trình lớn, theo các chủ đề khác nhau, sau thánh lễ lúc 9 giờ sáng và ban chiều, do các tu sĩ Đa Minh và nhiều giáo dân linh hoạt. Những đề tài được đề cập đến, như “sứ vụ truyền giáo ngày nay”, “Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI hay ước muốn tìm kiếm Thiên Chúa”, “Tình yêu là một cuộc chiến đấu: chiến thuật của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu”, “Giáo hội và thế giới, một cuộc ly dị đã xảy ra”, “Linh mục Peyramale, cha sở của Bernadette”, “Sự thiếu thốn và hạnh phúc”, “Chọn lựa sự kết thúc cuộc sống, kể cả cái chết?, đó không phải là chuyện đơn giản…”.
Vấn đề loan báo Tin mừng cũng như những khó khăn Giáo hội đang trải qua cũng là đề tài được các tu sĩ Đa Minh trình bày. Giống như năm ngoái, Đức Tân Hồng y Francois-Xavier Bustillo, Giám mục ở đảo Corse, cũng đến thuyết trình năm nay trong cuộc hành hương Mân côi, sau thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 05 tháng Mười vừa qua.
Tất cả các bài thuyết trình trên đây xoay quanh chủ đề tổng quát là “Hãy đến xây dựng Giáo hội”, phản ánh lời Đức Mẹ dạy thánh nữ Bernadette hồi năm 1858 hãy “xây dựng một nhà nguyện”.
Cha Hugues-Francois Rovarino, Tổng giám đốc các cuộc Hành hương Mân côi, cho biết chương trình huấn luyện về trí thức, thần học và tu đức, được phát triển đặc biệt sau một cuộc thăm dò cách đây vài năm nơi các tín hữu hành hương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
2023
Sửa đổi lời một số bài thánh ca
Sửa đổi lời một số bài thánh ca
Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 51 do Ủy ban Thánh nhạc – HÐGMVN tổ chức đã diễn ra vào ngày 3.10.2023 tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM. Một trong những nội dung chính là bàn về việc sửa lời một số ca khúc thánh ca.
Các tham dự viên là thành viên ban Thánh nhạc các giáo phận, ca trưởng, ca viên, nhạc sĩ Công giáo đã cùng thảo luận đề tài này. Về tầm quan trọng và nguyên nhân phải sửa đổi lời hát của một số trường hợp đã được phổ biến trong cộng đồng Dân Chúa lâu nay, chia sẻ với phóng viên, linh mục, nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy cho biết lý do để các ca khúc phù hợp với giáo lý Công giáo, suy tư thần học và ngôn ngữ thời đại: “Trước Công đồng Vatican II, Giáo hội cử hành thánh lễ với nhạc Grêgoriô (Bình ca – plainchant) bằng tiếng Latinh nên không có vấn đề gì, vì các bài ca đã được soạn sẵn trong các tập Bình ca chung cho cả Giáo hội Công giáo (Paroissien Romain – Chant Gregorien [1945], Graduale Simplex, Graduale Romanum, Liber Hymnarius). Sau Công đồng, với Hiến chế Phụng vụ thánh, Giáo hội cho phép sử dụng tiếng bản xứ trong các cử hành phụng vụ, nhờ vậy giáo dân tham dự “am hiểu đầy đủ hơn mầu nhiệm được cử hành” (x. HDMVTN, số 57), như hiện nay chúng ta đang dùng tiếng Việt. Từ đó các nhạc sĩ Công giáo đã viết những tác phẩm mới. Cho đến nay, những tác phẩm thánh ca vẫn liên tục ra đời do nhiều thành phần Dân Chúa soạn tác. Trong số đó có nhiều bài rất có giá trị, nhưng cũng không ít bài cần phải sửa lại cho phù hợp với Giáo lý Công giáo, suy tư thần học và ngôn ngữ thời đại, cũng như căn cứ vào những tiểu chuẩn phụng vụ thánh nhạc và mục vụ, đồng thời cũng quan tâm đến sự chọn lọc của thời gian với đôi chút chỉnh sửa khi cần thiết như không dùng danh xưng Giavê trong các bản văn phụng vụ; theo ý các nhà thần học, không dùng danh xưng “Cha” cho Chúa Giêsu”.
Tuy nhiên, việc sửa lời thánh ca không thực hiện dễ dàng và nhanh chóng vì nhiều yếu tố tác động. Linh mục nhạc sĩ Rôcô cũng chia sẻ, từ khi khởi sự, thẩm quyền sửa lời bài hát thuộc về tác giả, ý kiến của Ủy ban Giáo lý Đức tin, Ủy ban Văn hóa, nhất là Ủy ban Thánh nhạc có vai trò góp ý và quyết định. Đối với các tác giả đã mất, việc sửa lời bài hát thuộc về thẩm quyền Giáo hội và cần thông báo với người giữ bản quyền. Hiện nay, Uỷ ban Thánh nhạc đã tiến hành dò lại tất cả các ca khúc, dù đã được chuẩn nhận. Không chỉ với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, việc sửa lời thánh ca cũng được thực hiện ở những nơi khác, theo quyết định của Hội đồng Giám mục của các quốc gia. Mới đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã yêu cầu bỏ đi một số bài hát dù đã được cho phép.
Được biết, sau 4 năm làm việc, Ban Tuyển chọn đã hoàn tất cuốn Thánh Ca Việt Nam, quyển 1, ra mắt cùng cộng đồng Dân Chúa. Tuyển tập này gồm những bài thánh ca (đã cho phép sử dụng) được phổ biến từ những ngày đầu khai sinh nền thánh nhạc Việt Nam cho đến khoảng năm 1973-1975, với tổng số lên đến gần 500 bài. Theo thống kê, đến hiện tại đã có khoảng trên 160 bài hát được sửa lại vài từ. Chẳng hạn bài hát Nữ Vương Thiên Đàng (Ns. Ngô Duy Linh), cụm từ “hỉ hoan khoái lạc” được hiệu đính thành “hỉ hoan vui mừng” hay bài Cung Chúc Trinh Vương (Ns Hoài Đức) cụm từ “Mẹ nhân ái yêu đương” thành “Mẹ nhân ái yêu thương”.
Bên cạnh việc trao đổi các ý kiến xoay quanh thực hiện sửa lời thánh ca, các tham dự viên còn chia sẻ về hát cộng đồng ở từng giáo phận, giáo xứ, làm sao để các thành phần Dân Chúa cùng hát ca, ngợi khen và hướng tâm hồn lên Chúa trong thánh lễ cách thiêng liêng, cảm xúc. Một vài cách làm hay được giới thiệu, đơn cử như giáo phận Mỹ Tho thiết lập hệ thống phòng thu để ca đoàn hát mẫu những bản nhạc và phổ biến trên kênh truyền thông cho mọi giáo dân có thể tiếp cận và quen thuộc với giai điệu, hỗ trợ cho việc khuyến khích hát cộng đồng.
Chương trình khép lại với phần đúc kết của Đức cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kon Tum, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc. Đức cha nhấn mạnh đến việc các giáo xứ cần quan tâm đào tạo nhân lực phục vụ ca đoàn, nghệ thuật thánh hướng tới sự lâu dài.
VÂN UYÊN – ANH NGUYÊN