2023
Đại hội Thượng hội đồng: “Giáo hội đẹp nhất khi những cánh cửa được mở ra”
Trong cuộc họp báo ngắn hôm thứ Ba 10/10 với báo giới, Tiến sĩ Paolo Ruffini, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, đã cập nhật về các cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ, cũng như danh sách các thành viên của Ủy ban Báo cáo Tổng hợp vừa được bầu chọn.
Tiến sĩ Ruffini cho biết các tham dự viên đã có được bầu không khí chia sẻ tuyệt vời. Trong các nhóm nhỏ, các thành viên có nhiều cơ hội hơn để phát biểu với nhiều vòng chia sẻ. Các tham dự viên đã làm quen với việc chia sẻ trong nhóm nhỏ ngay từ những buổi tĩnh tâm trước khi khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng. Các nhóm nhỏ đã thảo luận sâu hơn về các mục riêng của phần B1 liên quan đến sự hiệp thông, trong đó có các đề tài: giáo dục, môi trường, đa văn hóa, đồng hành với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người di cư. Báo cáo viên của các nhóm nhỏ sẽ trình bày những suy tư của họ tại các phiên họp khoáng đại sắp tới.
Đáng chú ý, Đức Hồng y Joseph William Tobin, Tổng Giám mục Newark (Hoa Kỳ), đã chia sẻ cảm nghĩ của mình khi suy tư và cầu nguyện với đề tài “Một sự hiệp thông có sức lan tỏa”: Vẻ đẹp thực sự của Giáo hội Công giáo “trở nên rõ ràng khi cánh cửa của Giáo hội rộng mở và chào đón mọi người. Chúng tôi hy vọng rằng Thượng Hội đồng sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn nữa”. Vị hồng y nói điều này với tư cách một thành viên tham dự Thượng Hội Đồng và một mục tử tại giáo phận của ngài. Đức Hồng Y Tobin cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng tiến trình thảo luận giữa các thành viên không bị áp đặt từ trên xuống, và không hề bị bó buộc.
Bên cạnh đó, Đức Hồng Y Tobin cũng nói đến sự hấp dẫn của cuộc đối thoại đa văn hóa. Ngài kể rằng trong nhóm nhỏ của ngài còn có một phụ nữ trẻ đến từ Nga, một bà mẹ đến từ Ukraina, một mục sư Ngũ Tuần đến từ Ghana, một nhà thần học đến từ Malaysia và điều phối viên đến từ Singapore. Chính bản thân vị hồng y cũng đã lớn lên ở Detroit trong một môi trường đa văn hóa, và là một linh mục trong 45 năm đã sống “trong những nền văn hóa không phải của riêng mình”. Ngài mô tả đây là “Thượng Hội Đồng đa dạng nhất mà tôi từng tham gia”.
Cũng theo Đức Hồng Y Tobin, “lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ: có chỗ cho mọi người”. Ngài chia sẻ một kinh nghiệm mục vụ cụ thể, việc đón tiếp tại Nhà thờ Chính tòa Newark đối với “một cuộc hành hương của những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội vì xu hướng tính dục của họ”. Vị hồng y nhớ lại bài thuyết trình của một linh mục, người đã nói với nhóm: “Đây là một nhà thờ đẹp, nhưng đẹp nhất khi cửa mở”. Theo ngài, đó là một kinh nghiệm về một Giáo hội mở ra. Và ngài kết luận rằng “trong một thế giới được đặc trưng bởi chủ nghĩa dân tộc loại trừ, bài ngoại, trong đó có những nhà lãnh đạo cam kết xây dựng biên giới, thì lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ, tính hiệp hành, một lựa chọn giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em”.
Sơ Gloria Liliana Franco Echeverri, người Colombia, thuộc Dòng Đức Mẹ Maria, chủ tịch Liên hiệp Tu sĩ Mỹ Latinh (CLAR), nhấn mạnh rằng các tham dự viên mong muốn sống như Chúa Giêsu, Đấng đã làm người, đề cao phẩm giá con người, đón nhận mọi người, và mở cửa cho người khác. Sơ Echeverri cho biết trong các nhóm nhỏ, các tham dự viên đã nhận ra chính xác phẩm giá chung này của mọi người, một phẩm giá bắt nguồn từ sự tôn trọng, hiệp thông và công nhận lẫn nhau. Sơ cũng đề cập đến lời mời gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, người di dân, nạn nhân của nạn buôn người được vọng lên trong Đại hội, không chỉ trong những buổi thảo luận, nhưng cả trong bàn ăn.
2023
Ủy ban Thánh nhạc: Tường trình Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 51
Ủy ban Thánh nhạc
Trung Tâm Mục Vụ, ngày 03/10/2023
– Khai mạc lúc 8g10
– Ns P.Kim: Lời dẫn khai mạc khởi đầu, mời Đức Cha và cha Roco, thư kí Ủy Ban Thánh Nhạc lên bàn chủ toạ.
I. CÁC GIÁO PHẬN TRÌNH BÀY TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VIỆC HÁT CỘNG ĐỒNG
1. Giáo phận Bà Rịa: cha Giuse Vũ Minh Đạo, Phó ban Thánh Nhạc giáo phận Bà Rịa:
– Đã thực hiện việc hát cộng đồng, nhưng đa số chỉ ở lễ thiếu nhi. Có trao đổi với các lớp ca trưởng, đệm đàn…để họ ý thức.
– Ngày 21/08: lễ thánh Piô X, bổn mạng ban thánh nhạc giáo phận, Cha Roco trao đổi với các hội thảo viên.
– Cần quý cha xứ phổ biến và áp dụng.
– Ý kiến chung:
Khó khăn:
+ Giáo dân thường đi lễ sát giờ, nên việc tập hát cộng đồng khó.
+ Nhiều giáo xứ ưu tiên việc đọc kinh nên khó tập hát cộng đồng. Riêng giáo phận Bà Rịa, trước thánh lễ còn dạy giáo lý cho giáo dân.
Thực hiện:
+ Trình chiếu lời các bài hát để cộng đoàn dễ tham dự.
+ Áp dụng theo Tài liệu Huấn luyện Phụng vụ của Ủy Ban Phụng Tự về vấn đề kèn trống: Thổi hay đánh trước hội họp, trước Thánh lễ, sau Thánh lễ, còn khi đoàn rước tiến vào cửa nhà thờ thì ngưng để ca đoàn hát ca nhập lễ.
2. Giáo phận Đà Lạt: cha Đaminh Nguyễn Minh Quý phó ban thánh nhạc trình bày:
– Những điều tương tự với phần thuyết trình của giáo phận Bà Rịa, xin không nói lại.
– Điểm bổ sung: nét riêng của giáo phận Đà Lạt.
+ Thánh nhạc trước tiên là đúng, sau đó là hay.
+ Ưu tiên: các lời đối đáp, thánh vịnh đáp ca (giáo phận có 2 bộ thánh vịnh đáp ca, của cha Minh Hân và cha Nguyễn Mạnh Tuyên). Gần đây giáo phận đã áp dụng trong toàn giáo phận hai bộ sách này. Nét nhạc bình ca lại gặp phản hồi từ phía giáo dân (cho rằng khó), nên ban thánh nhạc cũng trả lời nếu không hát thì đọc.
3. Giáo phận Hưng Hóa: cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh
– Dễ bị đọc sai là giáo phận Thanh Hóa. Trước khi Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương về cai quản giáo phận (2003), giáo phận đã trải qua thời gian dài trống tòa (12 năm)… Thiệt thòi về nhiều mặt: về việc quản trị giáo phận lẫn những cập nhật về thánh nhạc gần đây.
– Tuy nhiên, việc hát cộng đồng lại được thực hiện từ rất sớm: có các bộ sách thánh ca cộng đồng, sách của ĐCV Thánh Giuse Hà Nội… Việc hát cộng đồng lại được thực hiện rất tốt với những bài hát đơn giản nhưng quen thuộc.
– Tháng 08/2023, giáo phận mới tổ chức Hội Thảo sau 20 năm, khoảng 200 người, với sự hiện diện của cha Roco để hướng dẫn. Có sự hiện diện và quan tâm của Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến và quý cha, để nền thánh nhạc của giáo phận tiếp tục được phát triển.
4. Giáo phận Thanh Hóa: cha Giuse Vũ Tấn Chí
– Ban Thánh Nhạc giáo phận mời cha Roco gặp gỡ và giúp giáo phận về thánh nhạc trong kỳ Hội Thảo Thánh Nhạc hè 2023.
– Việc hát Cộng đồng đã có từ Đức Cha cố Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Ban Thánh nhạc của GP Thanh Hoá cũng gặp khó khăn như GP Bà Rịa.
– Những hướng dẫn cụ thể về thánh nhạc đang được hình thành, tuy nhiên, gặp khó khăn khi đọc Tài liệu đào tạo về phụng vụ của Ủy Ban Phụng Tự về vấn đề kèn trống…
– Đang chuẩn bị làm một tập thánh ca cộng đồng.
– Cha Roco mời cha đại diện giáo phận Bà Rịa nói lại hướng dẫn về kèn trống của Ủy Ban Phụng Tự.
5. Giáo phận Qui Nhơn: cha Võ Tá Hoàng trưởng ban thánh nhạc
– Mời gọi quý ca trưởng đọc các hướng dẫn về thánh nhạc trên website về vấn đề thánh nhạc.
– Trong tuần thường huấn của các linh mục, có trao đổi về vấn đề hát cộng đồng, tuy nhiên các cha đều nhận định rằng nơi các giáo xứ của giáo phận, vẫn thực hiện việc hát cộng đồng từ lâu. Tình hình các giáo xứ của giáo phận với số giáo dân rất ít nên vẫn thường hát cộng đồng, thường hát bộ sách của giáo phận Nha Trang, trừ một số giáo xứ và ca trưởng có thể tập hát thêm những bài mới.
– Tuy nhiên, làm sao có những bài thánh vịnh đáp ca hay và sát với bản văn phụng vụ vẫn là vấn đề cần bàn.
– Cha Roco nhắc nhở: hát thánh vịnh đáp ca cần phải chính xác như thư trả lời của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí Tích, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn đang chờ bản dịch mới của Sách Lễ Roma và Sách các Bài Đọc. Trong khi chờ đợi, các cộng đoàn cứ vẫn dùng tạm các bản đáp ca được dệt nhạc bởi các tác giả (đã Imprimatur) tới khi có bản dịch mới.
6. Giáo phận Phan Thiết: Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng phó ban thánh nhạc. Cám ơn những bài hát gợi ý của Ủy Ban Thánh Nhạc, giáo phận đã đăng trên trang web giáo phận. Tuy nhiên:
– Có giáo xứ giáo dân lại đi trễ.
– Có những bài hát chưa thật sự quen thuộc (bài cũ nơi này có thể là bài mới ở nơi khác)
– Những bài gợi ý giúp các ca trưởng hiểu biết hơn để biết cách soạn những bài hát tương tự.
– Bài nào chưa quen thì hát cho quen, bài nào chưa thành cộng đồng thì hát nhiều thành cộng đồng. Qúy cha cho phép hát luôn các thánh lễ trong tuần.
– Có thêm nguồn bài mới để vốn bài thêm phong phú.
– Trách nhiệm chính vẫn là cha chánh xứ. Nhiều người vẫn có những ganh tị nào đó với ca đoàn chăng, hay một tình trạng khác là không thực hiện việc hát chung các bài hát với các ca đoàn khác, nên vai trò của cha chánh xứ thật quan trọng trong việc khích lệ và thúc đẩy việc hát cộng đồng. Các Linh mục, ca trưởng, các tu sĩ cần hiệp nhất trong thánh ca phụng vụ.
– Có trường hợp các cha không đồng ý với bài hát của các ca đoàn nhưng chỉ vì theo cảm nhận cảm tính và chủ quan của mình (không chịu bài “Tựa làn trầm hương”, lý do vì “hôm nay chẳng có dâng hương!”), vậy ra chữ ký Imprimatur của các ban thánh nhạc là vô ích sao? Cho nên, bài nào đã Imprimatur thì được hát, không nên phán đoán theo cảm tính và chủ quan.
7. Giáo phận Mỹ Tho: Cha Antôn Phạm Trần Huy Hoàng trưởng ban thánh nhạc
– Đặc thù giáo phận: giáo dân lưa thưa, địa hình nhiều sông nước…
– Cũng có những khóa huấn luyện tại Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận, tổ chức trong kỳ hè. Đức Cha Phêrô ưu tư nhiều về việc cải tổ và canh tân thánh nhạc. Trình độ ca trưởng: đa số là người có thể “cảm” nhạc, hát lại và tập lại. Các ca trưởng có thể tập hát được chỉ khoảng 1/3, phần còn lại là nhờ sự trợ giúp của quý soeur, quý thầy.
– Chính vì vậy, ban thánh nhạc ưu tiên đào tạo nhân sự về thánh nhạc. Không chỉ tổ chức các khóa học hè, nhưng đến các giáo hạt để huấn luyện thánh nhạc, 2 tháng 1 lần. Những buổi huấn luyện thánh nhạc ấy là dịp để cập nhật những thông tin về thánh nhạc cho các ca trưởng và giáo xứ,
– Soạn các bài hát hàng tuần để gửi cho các ca trưởng và giáo xứ. Mở các văn phòng của giáo phận, trong đó có văn phòng của ban thánh nhạc, cũng như đầu tư phòng thu để hát mẫu những bài hát gợi ý kèm theo để các ca trưởng có thể dễ dàng nghe và tập theo.
8. Giáo phận Xuân Lộc: Cha Đaminh Trần Công Hiển trưởng ban thánh nhạc
– Các vị chủ chăn đã khuyến khích việc hát cộng đồng từ rất lâu. Ban thánh nhạc tổ chức các cuộc gặp gỡ vào ngày quan thầy ban thánh nhạc giáo phận cũng như ngày quan thầy của ban thánh nhạc của các giáo hạt.
– Tuy nhiên các giáo xứ cũng áp dụng việc hát cộng đồng một thời gian rồi lại bỏ vì có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong cuộc Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 50 diễn ra với chủ đề hát cộng đồng, việc hát cộng đồng được tái khởi động, nhất là khi cha Roco hiện diện và giúp cho quý tham dự hiểu thấu đáo hơn.
– Ngày hội thảo thánh nhạc của giáo phận với sự tham gia của 1500 người với đề tài: Hiệp hành trong phụng ca theo hướng dẫn của Giáo Hội trong việc thi hành việc hát cộng đồng. Qúy cha ban thánh nhạc cũng đến các giáo hạt để quy tụ những người tham dự để phổ biến việc hát cộng đồng, lắng nghe những khó khăn và góp ý, cũng như giải đáp cho họ những thắc mắc. Cũng phổ biến những bài hát gợi ý của UBTN.
– Một số giáo xứ ý thức để tái khởi động việc hát cộng đồng, một số giáo xứ chưa hát cộng đồng thì bắt đầu thực hiện.
II. GIẢI THÍCH VIỆC SỬA LỜI MỘT SỐ BÀI THÁNH CA (LM. ROCO NGUYỄN DUY)
– Các lớp mở tại Trung Tâm Mục Vụ: Ca trưởng, người đệm đàn, sáng tác… giúp đào tạo nhân sự cho thánh nhạc.
– Việc chọn các bài hát cho lễ hôn phối và an táng là một chủ đề quan trọng, sẽ có một buổi thuyết trình riêng.
– Quan trọng nhất là quý cha của từng ban thánh nhạc nên mở các khóa đào tạo, chứ riêng bản thân cha Roco cũng có nhiều giới hạn về sức khỏe vì tuổi tác… Những bài soạn các bài hát hàng tuần chỉ mang tính gợi ý chứ không áp đặt, mà tìm cách thích nghi với tình hình địa phương.
– Vai trò lớn nhất trong việc đẩy mạnh và canh tân tinh thần thánh nhạc là quý Đức Cha, vì giám mục là nguyên lý hữu hình của sự hiệp nhất trong giáo phận và là người chính yếu phân phát các mầu nhiệm cho giáo phận thuộc quyền của các ngài. Quý cha xứ cũng nên khuyến khích việc hát các câu đối đáp giữa chủ tế và ca đoàn.
– Bài nói chuyện: giải thích việc sửa lời một số bài thánh ca trong Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam 1.
Tải file về tại đây!
– Nhiều người tự hỏi sao đã làm tuyển tập Thánh Ca Việt Nam 1 (thực hiện cũng trong 6, 7 năm) mà còn chỉnh sửa hoài. Thực ra sau nhiều năm sử dụng, thấy nhiều bài thánh ca có vấn đề về tư tưởng và thần học (ví dụ như bài viết của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Mỹ) nên cần phải sửa lời các bài thánh ca cho phù hợp thời đại, cho sát hơn với những diễn tả mới của thần học. Tuy nhiên vẫn có những bài không sửa vì nguồn gốc của chính bản văn (ví dụ như Lời cầu cho Đức Giáo Hoàng có kèm theo giải thích của Ủy Ban Thánh Nhạc, với việc trích dẫn bản văn nguồn latin có gốc từ Kinh Thánh).
– Tài liệu của Ủy Ban Giáo lý Đức tin của Hội Đồng Giám Mục Mỹ: lưu ý những sai phạm thường thấy cụ thể trong lời ca các bài thánh ca nhất là viết về Chúa Ba Ngôi, Thánh Thể…
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
– Ns Cao Huy Hoàng: Bài hát “trên viên đá này” có vẻ không hợp, viên đá nhỏ quá…
– Ns Nguyễn Duy: Các bài hát đã được sửa lời lại vẫn cần phải được Imprimatur, các sách do Ủy Ban Thánh Nhạc xuất hành đều đã được Imprimatur.
– Soeur dòng Đaminh Rosa Lima: Các câu đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn có buộc phải hát không?
– Ns Nguyễn Duy: Theo hướng dẫn mục vụ thánh nhạc có hướng dẫn các bậc lễ: lễ đọc, lễ hát… Chủ tế nên hát khi có thể, nếu chủ tế đọc thì đọc.
– Đức Cha Aloysius: Câu dẫn vào kinh Lạy Cha chủ tế có thể xướng, không hát, nhưng sau đó cộng đoàn vẫn có thể hát.
– Ns Xuân Thảo: Tiếng Việt khi xướng lên đã là một loại hát (ngâm tụng) rồi. Giáo Hội trù liệu thứ tự ưu tiên việc hát cộng đồng, cần tham khảo. Hát cộng đồng không phải lúc nào cũng phải hát lên, có lúc hiệp ý thinh lặng cầu nguyện cũng được.
– Ns Khắc Dũng: Ngôn ngữ âm nhạc mang tính ước lệ và văn chương (“viên đá này” chẳng hạn)
– Ns Nguyễn Duy: Đồng ý, “viên đá” chỉ là hình ảnh ước lệ. Nhiều bài hát bây giờ không có vẻ đẹp của thi ca và văn chương… Ngoài ra, thánh ca cần phải được viết ra hay lấy cảm hứng hay bàng bạc hương vị Thánh Kinh. Bài “Này Chính Chúa” theo ý kiến của vài Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì hát lời cũ hay lời mới cũng được (?!)
– Ns Quang Huy: Hát cộng đồng cần có người đánh nhịp. Cần đầu tư cho các chủng viện và dòng tu để quý thầy quý soeur đều biết cách đánh nhịp và điều khiển cho các ca đoàn.
– Ns Nguyễn Duy: Cộng đoàn phụng vụ thể hiện tinh thần hiệp thông trong Hội Thánh, nhất là khi thi hành phụng vụ. Tu sĩ không nhất thiết vị nào cũng phải biết điều khiển, cần nhờ sự cộng tác của anh chị em giáo dân trong xứ, chứ các thầy các soeur giúp một vài năm thì lại chuyển đi…
– Ns Nguyễn Duy: Nên lạc quan và cầu nguyện cho vị linh mục đó.
– Ns Trần Mừng: 1. Thánh nhạc cần phải đúng trước rồi hay sau, nhưng thực ra, cần phải hay thì mới đi vào lòng người (như những khúc ca thường được cộng đoàn yêu mến). 2. Thánh vịnh đáp ca theo ý kiến của giáo phận Đà Lạt là được viết theo dạng bình ca (nên làm cho người thời nay khó cảm), tuy nhiên, Giáo Hội vẫn đón nhận mọi thể loại âm nhạc…
– Ns Nguyễn Duy: Nghệ thuật cần phải bao hàm cái đúng. Không thể nào nghệ thuật mà lại sai. Đúng là Giáo Hội trân trọng mọi thể loại âm nhạc, nhưng bình ca vẫn là loại hình âm nhạc ưu tiên bậc nhất trong kho tàng thánh nhạc của mình.
– Cha phó ban thánh nhạc giáo phận Đà Lạt: Thánh vịnh cần đề cao cái đúng, nhưng không chỉ về lời. Cha căn dặn các ca đoàn đừng tự tiện sửa note nhạc của nhạc sĩ. Hai bộ thánh vịnh đáp ca được giáo phận Đà Lạt sử dụng đã được Imprimatur nên được giới thiệu, chứ không bắt buộc. Gợi ý: Nên du di việc bắt ca đoàn phải ngưng ngay khi tác động phụng vụ vừa dứt, chứ đừng bắt họ quá máy móc. Ví dụ: các cha canh thời gian sao cho ca đoàn hát cho trọn vẹn bài hát.
– Ns Nguyễn Duy: Trong phụng vụ có 3 loại bản văn: Bản văn độc lập, bản văn đi kèm nghi thức và bản văn được phép thay thế. Cần lưu ý: Bài ca kèm theo nghi thức cần phải thích hợp.
– Đức Cha Aloisiô đúc kết buổi Hội Thảo:
+ Bản dịch Sách Lễ Roma và Sách Các Bài Đọc của Ủy Ban Phụng Tự vẫn đang còn chờ, nhất là bản dịch Kinh Thánh của Ủy Ban Kinh Thánh.
+ Các cha ban thánh nhạc cần nhắc nhở, cập nhật kiến thức cho quý cha để hiểu chính xác. Việc đào tạo về thánh nhạc trong các đại chủng viện cũng cần phải được chú trọng.
+ Cần đào tạo người giáo dân trong xứ để họ phục vụ. Quý tu sĩ đến giúp vài năm rồi cũng chuyển cộng đoàn thôi.
+ Lý tưởng thánh nhạc thì phải hát đúng và hát hay. Đúng: Những bản thánh vịnh đáp ca nào dựa theo bản dịch Sách Bài Đọc năm 1973 thì ưu tiên hơn. Đó là lý do cha Minh Hân dựa theo âm hưởng bình ca để dễ dàng thích nghi với dấu giọng tiếng Việt và chính xác văn bản. Bình ca vẫn được nhiều người ưa chuộng vì nhận ra giá trị của nó.
– Ns Nguyễn Duy: Xin quý cha trưởng ban thánh nhạc gửi cho những bài hát thánh ca cộng đồng của quý giáo phận. Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được nhiều.
– Hội Thảo lần tới: 15 và 16/04/2024. Chủ đề của kỳ Hội Thảo Thánh Nhạc lần tới xin quý cha, quý hội thảo viên suy nghĩ và gửi về Ủy Ban Thánh Nhạc trong vòng 01 tháng.
Buổi hội thảo kết thúc lúc 11g30 cùng ngày (gần 200 hội thảo viên tham dự)
2023
Mười trích dẫn đáng chú ý trong tông huấn Laudate Deum
Trí tuệ nhân tạo, chủ nghĩa hoài nghi về khí hậu, các nhóm môi trường cực đoan… được đề cập đến trong tông huấn Laudate Deum được công bố ngày thứ tư, Đức Phanxicô trực tiếp nói về các chủ đề quan trọng đương thời. Báo La Croix đã chọn ra mười câu trích dẫn đáng chú ý của tông huấn.
Trong tông huấn Hãy ngợi khen Chúa, Laudate Deum được công bố ngày thứ tư 4 tháng 10, ngày lễ kính Thánh Phanxicô, Đức Phanxicô tiếp tục suy tư về sinh thái được ngài bắt đầu từ thông điệp Laudato si’ của ngài. Ngắn hơn và có tác động hơn, ít phát triển quan điểm thần học, tông huấn mới này đưa ra các đề tài để suy nghĩ về các xu hướng trong xã hội và một số sự kiện hiện tại: sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, gia tăng các phát biểu hoài nghi về khí hậu, vai trò của các hội nghị về khí hậu, v.v. Báo La Croix chọn mười câu trích dẫn nổi bật nhất từ văn bản này.
1- Trách nhiệm của những người giàu nhất
“Trong cố gắng đơn giản hóa thực tế, một số người đổ lỗi cho người nghèo vì họ sinh nhiều con, thậm chí còn tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách cắt xẻo phụ nữ ở các nước kém phát triển. Như mọi lần, dường như đó là lỗi của người nghèo. Nhưng thực tế là một tỷ lệ nhỏ những người giàu nhất hành tinh đã gây ô nhiễm nhiều hơn 50% dân số nghèo nhất thế giới và lượng khí thải bình quân đầu người của các nước giàu nhất cao hơn nhiều so với các nước nghèo nhất.” (số 9)
2- Các cường quốc xem thường
“Thật không may, cuộc khủng hoảng khí hậu không thực sự là chủ đề được các cường quốc kinh tế lớn quan tâm, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận lớn nhất với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.” (số 13)
3- Chủ nghĩa hoài nghi về khí hậu trong Giáo hội
“Tôi buộc lòng phải nói chính xác những chi tiết này, điều này có vẻ hiển nhiên, vì một số ý kiến xem thường và vô lý mà tôi gặp ngay cả trong Giáo hội công giáo. Nhưng chúng ta không còn có thể nghi ngờ, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng bất thường này là một thực tế không thể phủ nhận: những thay đổi to lớn liên quan đến sự can thiệp không kiểm soát của con người vào thiên nhiên trong hai thế kỷ qua.” (số 14)
4- Trí tuệ nhân tạo
“Trí tuệ nhân tạo và những cải tiến công nghệ mới nhất bắt đầu từ ý tưởng về một con người không có bất kỳ một giới hạn nào, nhờ công nghệ, năng lực và khả năng của họ có thể được mở rộng đến vô tận. Do đó, mô hình kỹ trị tự dung dưỡng nó cách quái dị. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho công nghệ, chẳng hạn như lithium, silicon và nhiều kim loại khác, chắc chắn không phải là vô hạn, nhưng vấn đề lớn nhất là hệ tư tưởng đằng sau nỗi ám ảnh: phát triển vượt xa sức mạnh có thể tưởng tượng của con người, trước thực tế phi-nhân là có một nguồn tài nguyên đơn giản chỉ phục vụ cho họ.” (số 22/21)
5- Đặt câu hỏi về sức mạnh con người
“Tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ lại về sức mạnh con người, ý nghĩa và giới hạn của nó. Quả thực, chỉ trong vài thập kỷ, sức mạnh của chúng ta đã phát triển đến chóng mặt. Chúng ta đã có được những tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng kinh ngạc, nhưng đồng thời, chúng ta không thấy, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho mạng sống của nhiều sinh vật cũng như sự sống còn của chính chúng ta.” (số 28)
6- Dự án có tác động môi trường cao
“Sự suy đồi đạo đức của quyền lực lại được ngụy trang bằng hoạt động tiếp thị và tin tức giả, vốn là những cơ chế hữu ích trong tay những người có nhiều khả năng tác động đến dư luận. Nhờ các cơ chế này, khi khởi động một dự án có tác động môi trường mạnh mẽ và gây ô nhiễm đáng kể, người dân trong khu vực bị lừa dối, họ bị thuyết phục bởi những tiến bộ có thể có được ở địa phương hoặc về các cơ hội kinh tế trong lãnh vực việc làm và phát triển con người trên con cái họ. Nhưng trên thực tế, họ lại không thực sự quan tâm đến tương lai của những người này, vì họ đã không cho người dân biết, một dự án như vậy sẽ là một vùng đất bị tàn phá, điều kiện sống và sinh hoạt bất lợi hơn rất nhiều, một vùng hoang vắng, ít người ở, không có sự sống và không có niềm vui chung sống và hy vọng, chưa kể đến thiệt hại chung mà cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho nhiều người khác.” (số 29)
7- Hy vọng vào hội nghị COP28
“Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị COP28 tiếp theo. (…) Nói rằng không còn gì để hy vọng sẽ là một hành động tự sát, khiến toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người nghèo nhất, phải hứng chịu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.” (số 53)
8- Chủ nghĩa giải pháp công nghệ
“Cho rằng bất kỳ vấn đề nào trong tương lai đều có thể giải quyết bằng các biện pháp can thiệp kỹ thuật mới, đó là chủ nghĩa thực dụng giết người, giống như hiệu ứng bong bóng tuyết.” (số 57)
9- Sinh thái tận căn
Tại các hội nghị về khí hậu, hành động của các nhóm bị cho là ‘cực đoan hóa’ thường thu hút sự chú ý. Nhưng chúng lấp đầy khoảng trống trong xã hội, mà theo lẽ chúng phải tạo “áp lực” lành mạnh; vì mọi gia đình đều phải nghĩ rằng tương lai của con cái mình đang bị đe dọa.” (số 58).
10- Tầm quan trọng của những “cử chỉ nhỏ”
“Nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm rác thải, tiêu dùng điều độ đã tạo ra một văn hóa mới. Thực tế đơn giản về việc thay đổi thói quen cá nhân, gia đình và cộng đồng đã làm dấy lên mối lo ngại về các thành phần chính trị đã không đảm nhận phần trách nhiệm của họ, họ phẫn nộ trước sự vô tư của những người có quyền lực. Vì thế, chúng tôi nhận thấy, dù điều này không có tác động đáng chú ý về lượng, thì nó vẫn giúp chúng ta đưa ra các quá trình chuyển đổi lớn vận hành từ sâu thẳm xã hội.” (số 7)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)
2023
Những phụ nữ làm nên Giáo hội ở Amazon
Nữ thừa tác viên hướng dẫn phụng vụ
Thực tế, ở khu vực này do có ít linh mục, một vị mục tử phục vụ hơn 5.500 tín hữu trải rộng trong những khu vực rộng lớn, nên chính các giáo dân nam nữ ở Amazon là những người đưa các cộng đoàn phát triển và có nhiều nữ thừa tác viên chủ sự các nghi lễ, hướng dẫn các buổi cầu nguyện, nghi thức tang lễ và các buổi canh thức.
Vai trò nền tảng của phụ nữ trong phụng vụ
“Vừa vô hình vừa cần thiết” là hai cụm từ được Đại hội Giáo hội châu Mỹ Latinh – một trải nghiệm chưa từng có được tổ chức tại Thành phố Mexico vào tháng 11/2021 – tóm tắt tình trạng của phụ nữ trong Giáo hội Lục địa. Những con số xác nhận vai trò nền tảng của thành phần phụ nữ: có trên 600 ngàn giáo lý viên, và gần một triệu tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày cho thấy có nhiều nữ giáo dân và nữ tu vẫn bị đưa ra vùng ngoại biên của Giáo hội. Chính vì lý do này, một lần cho tất cả Đại hội đã mạnh mẽ yêu cầu “đưa phụ nữ vào trong phụng vụ, trong những quyết định và trong thần học”.
Mặc dù có sự phong phú của các suy tư thần học về nữ quyền và thần học phụ nữ, nhưng có lẽ phụng vụ là lãnh vực mà sự hiện diện của phụ nữ quan trọng nhất. Hơn nữa, chính trong phụng vụ, quá trình nhập thể của Công đồng được bộc lộ một cách linh hoạt trong khu vực rộng lớn giữa Rio Bravo và Tierra del Fuego mà các Giám mục của khu vực đã áp dụng kể từ Hội nghị chung của các Giám mục Mỹ Latinh ở Medellín năm 1968.
Hai trụ cột của sự đổi mới
Hai trụ cột của sự đổi mới là hội nhập văn hóa các nghi thức, thực hành và sự năng động của phụ nữ. Trong cả hai trường hợp, đây không chỉ là một dự án được hệ thống thành luật lệ, nhưng còn là một đáp ứng đối với thực tế Mỹ Latinh. Trên Lục địa, người bản địa chiếm 8% tổng số dân, người Mỹ gốc Phi chiếm 20% và thực tế tất cả đều là kết quả của mestizaje, sự pha trộn giữa các nhóm thiểu số, các dân tộc và các nền văn hóa sau thời Khám phá-Chinh phục. Với trung bình một linh mục chăm sóc trong những khu vực rộng lớn cho hơn 5.500 tín hữu, gần gấp ba lần so với châu Âu, thì chính giáo dân và đặc biệt nữ giáo dân là những người lãnh trách nhiệm về các buổi cử hành phụng vụ trong các cộng đoàn Kitô. Vì khan hiếm linh mục, Thánh lễ thường được thay thế bằng cử hành Lời Chúa.
Paolo Maria Braghini, một nhà truyền giáo dòng Capucino người Ý trong gần hai mươi năm ở Amazon thuộc Brazil nói: “Ở các làng Belém do Alto Solimões, có rất nhiều thừa tác viên. Và họ chủ trì phụng vụ, từ dấu thánh giá bắt đầu cho đến lời giải tán sau cùng”. Nhà truyền giáo cho biết ở đây trong việc truyền bá và chăm sóc đức tin Công giáo, giáo dân có một vai trò quan trọng và mang tính quyết định. Họ là những người nắm giữ vai chính không phải chỉ vì số lượng lớn, nhưng do sự năng động, mạnh mẽ, sáng tạo, kiên cường. Việc họ được công nhận là điều đúng. Bây giờ cuối cùng họ đã có được điều này.
Thượng Hội đồng về Amazon
Bước ngoặc là Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 và đỉnh cao là Tông huấn Querida Amazonia hậu Thượng hội đồng. Tài liệu cuối cùng được thông qua bởi việc khích lệ kêu gọi sửa đổi Tông thư “Ministeria quaedam-Một số Thừa tác vụ” để phụ nữ được phép tham gia thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ. Một lời mời mà Đức Thánh Cha đã chấp nhận vào tháng 01/2021. Hai phụ nữ Amazon – Aurea Imerda Santi người Ecuador và Susana Martina Santi, người Quechua – là những thừa tác viên đọc sách và giúp lễ chính thức đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
Magnolia Parente Arambula, một phụ nữ bản địa và là nhà truyền giáo tại Nazaré, ở Colombian Amazon nói: “Đó là một món quà tuyệt vời. Ở Ticuna, luôn có những phụ nữ gìn giữ đức tin Công giáo. Tuy nhiên, giờ đây, chúng tôi cảm thấy Giáo hội công nhận và coi trọng chúng tôi”. Magnolia cho biết thêm cô đang truyền giáo tại một ngôi làng có 1.017 cư dân, nơi thu hút một “thiên hà” gồm các cộng đoàn vệ tinh có vài chục người, những người mà cô đã truyền giáo trong mười năm.
Phụng vụ Ticuna có những nét nữ tính rõ rệt. Trên hết, tại các đám tang và trong buổi cầu nguyện trước đó, phụ nữ chủ trì dẫn đầu những lời cầu nguyện và các bài hát. Đối với Thánh lễ, các tín hữu được uỷ thác việc dâng lễ vật, trong đó họ mang công việc của mình như một lễ vật cho Chúa, được thể hiện bằng những sản phẩm thủ công nhỏ hoặc sản phẩm nông nghiệp. Cuối cùng, trong thời điểm quan trọng của năm phụng vụ, như Lễ Giáng sinh và Tuần Thánh, nhiều nghi thức được phụ nữ cử hành.
Không dễ để nói về “phụng vụ Amazon”. Khu rừng là ngôi nhà của 400 nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau trong quan niệm sống và đức tin. Và, do đó, có những cách khác nhau để “đi vào cái nhìn mà Thiên Chúa dành cho chúng ta”, như Romano Guardini đã định nghĩa về phụng vụ. Vì lý do này, Hội nghị Giáo hội Amazonia (Ceama), thành quả của hành trình hậu Thượng Hội đồng, kể từ năm 2020 đã khởi động một tiến trình nghiên cứu chuyên sâu nhằm tìm ra mẫu số chung quan trọng cho tất cả các dân tộc bản địa trong khu vực. Cơ sở, thực tế chứ không chỉ đơn thuần là lý thuyết, để soạn thảo một nghi thức Amazon có thể được thêm vào 23 nghi thức khác tạo nên tính Công giáo.
Nghi thức phụng vụ cho Amazon
Eugenio Coter, một người Ý đã chuyển đến Pando, Bolivia, hiện là đại diện tông tòa cũng như đại diện các Giám mục Amazon trong nhiệm kỳ chủ tịch của Đại hội của Hội đồng Giáo hội Amazon (Ceama) giải thích: “Nghi thức không chỉ có nghĩa là những cử hành. Nghi lễ gồm các thói quen, phong tục, tầm nhìn vũ trụ học và nhân chủng học. Đây là lý do tại sao chúng ta không thể vội vàng. Bước đầu tiên là thành lập một ủy ban gồm các giám mục, các nhà nhân chủng học, các nhà mục vụ và bắt đầu công việc trong lĩnh vực này. Việc phân tích bắt đầu từ Manaus, ở Brazil, trung tâm của Amazon. Sau đó, sẽ được thực hiện ở các giáo phận trước khi có thể đưa ra điều gì đó để đề xuất thử nghiệm”.
Mô hình là nghi thức Zairean. Điều tương tự cũng đã truyền cảm hứng cho các Giám mục Mexico, tại phiên họp chung vừa qua, đã quyết định trình lên Tòa Thánh đề xuất đưa một số nghi thức đặc trưng của văn hóa Maya vào Thánh lễ.
Nghi thức được thực hiện bởi giáo phận San Cristóbal de las Casas, ở Chiapas, nơi có hơn 70% dân số là người bản địa. Đặc biệt, có ba cách thích nghi được gợi ý: một lời cầu nguyện đầu tiên do người đứng đầu hướng dẫn, một giáo dân bản địa có đức tin trưởng thành, có thẩm quyền và được cộng đoàn công nhận, một điệu múa điển hình sau rước lễ, và một người điều khiển nhịp điệu cử hành.
Đức Hồng Y Felipe Arizmendi, một trong những người thúc đẩy Misa maya kết luận: “Nghi thức này nhấn mạnh đến vai trò chính của phụ nữ. Bao gồm một cách chính thức công nhận nhỏ về hoạt động truyền giáo mang lại nguồn sống cho cộng đoàn chúng ta”.
Gần sáu mươi năm sau Công đồng, hội nhập văn hóa và nâng cao vai trò phụ nữ là hai con đường mà Hội đồng tiếp tục đi khắp Lục địa.
Đức Thánh Cha ca ngợi sự dấn thân của phụ nữ Amazon
Liên quan đến vài trò của phụ nữ trong các Giáo hội ở Amazon, chính Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên tiếng ca ngợi sự dấn thân của các phụ nữ ở khu vực này. Dịp ngài thể hiện điều này gần đây nhất là vào tháng Ba. Đức Thánh Cha đã khuyến khích sự dấn thân của phụ nữ và nói rằng không ai có thể ngăn cản sự thay đổi.
Trước đó, ngày 04/3/2023, cô Gualinga, cô Yesica Patiachi và sơ Laura Vicuña, đã gửi thư cho Đức Thánh Cha để xin được yết kiến và trình bày những lo ngại của họ về các cuộc tấn công nhắm vào các vùng đất của họ ở Ecuador, Colombia và Peru, về cuộc đấu tranh trong nhiều năm để bảo vệ miền Amazon và người dân ở đó, đồng thời cám ơn Đức Thánh Cha vì sự quan tâm ngài luôn dành cho miền đất này của thế giới, vốn là nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái.
Đức Thánh Cha đã nhận thư và ngày 1/6/2023, ngài đã gặp gỡ ba phụ nữ đại diện của Hội đồng Giáo hội Amazon và Mạng lưới Giáo hội Liên Amazon.
Ba điểm quan trọng đã được đề cập trong cuộc đối thoại với Đức Thánh Cha, gồm: “Công việc của những người phụ nữ trong Giáo hội của vùng, sự công nhận của Giáo hội về công việc này, thực tế của người dân bản địa và của giáo dục”.
Ba nhà lãnh đạo bản địa đã trình bày mối quan tâm của họ với Đức Thánh Cha để ngài biết về họ. Nỗi sợ hãi lớn nhất liên quan đến các chính sách được thực hiện ở nhiều nơi và theo họ, thể hiện sự tấn công vào nhân quyền trên phạm vi quốc tế, nhưng trên hết là quyền của cư dân Amazon. Nhiều chính sách trong số này có mục đích thương mại.
Về phần Đức Thánh Cha, ngài đã ca ngợi sự dấn thân của phụ nữ Amazon, sự nhạy cảm và công việc truyền giáo của họ.
Cuộc trò chuyện với Đức Thánh Cha cũng đề cập đến thực tế xã hội-giáo dục và xã hội-mục vụ của Amazon, nhấn mạnh vào sứ mạng và các thừa tác vụ của phụ nữ trong Giáo hội. Về điểm cuối cùng này, sơ Imrã Laura thuật lại, tất cả đều đồng ý rằng sứ mạng mà tất cả phụ nữ đã và đang thực hiện trong Giáo hội từ lâu nay không thể dừng lại: “Người phụ nữ chính là gương mặt mẫu tử này của Giáo hội… Và phụ nữ trong Giáo hội chính là những người mang lại những thay đổi nhằm thúc đẩy việc truyền giáo của Giáo hội”.
Sơ nói: “Rõ ràng là phụ nữ chúng tôi hiện diện trong vô số cộng đồng, khuyến khích và thúc đẩy mọi người không đánh mất niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng sự phục vụ mà chúng tôi cống hiến cho Giáo hội không được công nhận, tạo ra những căng thẳng có thể được khắc phục bằng việc công nhận các thừa tác vụ mới dành cho phụ nữ theo tính cấp bách của thực tế xã hội-mục vụ của Giáo hội ở Amazon”.