2023
Sứ điệp nhân 200 năm ngày qua đời của Đức Giáo Hoàng Pio VII
Sáng ngày 13/10, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của vị Tôi tớ Chúa Đức Giáo hoàng Pio VII, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi sứ điệp đến Đức cha Douglas Regattieri, giám mục Cesena-Sarsina và toàn thể cộng đồng dân sự và giáo hội Cesena-Sarsina, quê hương của Đức Piô VII. Ngài ca ngợi Đức Piô VII là một con người vĩ đại, một mục tử dũng cảm và là một người bảo vệ tận tâm Giáo hội.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha diễn tả lòng biết ơn và ngưỡng một đối với Đức Piô VII về di sản thiêng liêng và sự chính trực theo tinh thần Tin Mừng mà ngài đã phục vụ trong những thời điểm khó khăn suốt 23 năm triều Giáo hoàng. “Bất chấp những biến động chính trị và xã hội đánh dấu thế kỷ đó, ngài đã tin tưởng phó thác mình cho ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận sự sỉ nhục của cuộc lưu đày với sự đón nhận cách gương mẫu, dâng hiến mọi sự cho Chúa vì lợi ích của Giáo hội.
Đức Thánh Cha nhìn nhận: “Chắc chắn, nếu chúng ta xem xét giai đoạn lịch sử mà Đức Giáo hoàng Piô VII đã sống, chúng ta không thể không ghi nhận sự khôn ngoan tuyệt vời mà nhờ đó ngài có thể trở thành ‘đại sứ hòa bình’ cho những người thực thi quyền lực trần thế. Khi đối diện với một kịch bản chính trị gây tranh cãi, ngài, với sự bình tĩnh của một người luôn tin tưởng vào sự can thiệp quan phòng của Thiên Chúa, đã làm mọi cách để không thất bại trong sứ mạng ‘người bảo vệ và hướng dẫn đàn chiên’ của mình. Và bất chấp những hạn chế bị áp đặt, ngài tiếp tục không chút sợ hãi công bố sức mạnh an ủi của Tin Mừng Chúa Kitô, theo tinh thần của các Mối Phúc: những người xây dựng hoà bình là con cái Thiên Chúa (xem Mt 5.9).
Đức Thánh Cha cầu chúc cho các tín hữu của Giáo phận được khơi dậy niềm say mê trong việc phục vụ người khác và xây dựng một xã hội hài hòa và thể hiện hòa bình như một con đường hy vọng, đối thoại tôn trọng và hòa giải Kitô giáo, nhờ sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, sự chuyển cầu của Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Piô VII. (CSR_4081_2023)
Vatican News
2023
Nạn nhân Chiến tranh và việc Cứu trợ Người di cư trong chương trình nghị sự của Thượng Hội Đồng
Phiên họp chung thứ sáu của Thượng hội đồng đang diễn ra tại Vatican đã bắt đầu bằng bài suy niệm của Đức Hồng Y Arthur Roche. Ngài đã nói về “sự nguy hiểm của một cuộc chiến tranh đẫm máu” khi lưu ý đến cuộc xung đột ở Israel và Gaza. Tiếp theo đó là một loạt các tham luận và trao đổi về các chủ đề như chiến tranh, nghèo đói, các vụ lạm dụng, căn tính giới tính, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, Paolo Ruffini, cùng với thư ký Sheila Pires, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 11/10/2023.
Trong số các thành viên của Thượng hội đồng có mặt, Đức Hồng Y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám mục Québec, đã chia sẻ kinh nghiệm về việc mình được “làm phong phú” thêm nhờ việc lắng nghe các tham luận và chứng từ khác nhau. Grace Wrakia, chứng tá về tiến trình hiệp hành ở Châu Đại Dương, về phần mình đã khiến tiếng nói của các cộng đồng Papouasie-Nouvelle-Guinée được lắng nghe. Luca Casarini, nhà hoạt động và người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mediterranea Saving Humans, bày tỏ sự “phẫn nộ” trước hàng nghìn cái chết của những người di cư khi cố gắng vượt Địa Trung Hải. Là khách mời đặc biệt của Thượng hội đồng, Luca Casarini đã đưa ra một chứng từ sâu sắc về hoạt động của tổ chức phi chính phủ của mình, gợi lên cuộc gặp gỡ giữa hai cảnh nghèo: sự nghèo khó về vật chất của những người bị buộc phải rời bỏ “của cải duy nhất mà họ sở hữu”, đất đai của chính họ, và sự nghèo nàn về tinh thần của một phương Tây dường như đã mất đi khả năng xúc động và từ chối “sự kinh hoàng”.
Một nhóm nhỏ tại Nhà Thánh Mátta
Paolo Ruffini tiết lộ với các nhà báo rằng một “nhóm nhỏ” đã có mặt không xa hội trường Phaolô VI, tại Nhà Thánh Mátta nơi Đức Giáo Hoàng cư trú. Đức Thánh Cha đã tập hợp một số người nghèo từ thủ đô đến ăn trưa cùng với Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đặc trách dịch vụ từ thiện của Đức Thánh Cha. Một câu hỏi được đặt ra cho các vị khách tại bàn của Đức Thánh Cha: “Các bạn mong đợi điều gì từ Giáo hội?” Câu hỏi mà họ trả lời: “Tình yêu, không có gì ngoài tình yêu”.
Theo bước Công đồng
339 thành viên đã có mặt tại phiên họp chung vào chiều thứ Ba. Có 345 người hiện diện vào sáng thứ Tư khi Đức Hồng Y Matteo Zuppi mời họ cùng đọc kinh Truyền Tin. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Gioan XXIII, nhân ngày lễ kính nhớ ngài vào ngày 11 tháng 10; cũng là ngày khai mạc Công đồng Vatican II (11/10/1962). Trở lại một chút với sự kiện lịch sử này của Giáo hội, Đức Hồng Y Gérald Cyprien Lacroix khẳng định rằng Thượng hội đồng về tính hiệp hành là sự tiếp nối của nguồn cảm hứng “ngôn sứ” của Đức Gioan XXII, ngài vốn già yếu nhưng để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn về sự cần thiết phải “sống một Công đồng đại kết”, một công đồng mà ngài sẽ không nhìn thấy kết thúc của nó.
Đức Hồng Y người Québec đã đọc bài phát biểu khai mạc Công đồng do Đức Gioan XXIII đọc khi đó, nói rằng nó cực kỳ phù hợp trong thời gian Thượng hội đồng này mà Giáo hội đang trải qua kể từ tháng 10 năm 2021. “Phương pháp mà chúng ta sử dụng là hướng tới việc lắng nghe Chúa, Lời của Ngài, sự hiện diện của Ngài nơi mỗi người đã được rửa tội, và điều này cho phép chúng ta cởi mở với người khác và với những người khác.” Bằng cách lắng nghe Lời Chúa, “chúng ta có thể tìm thấy những sắc thái, thay đổi cách suy nghĩ của mình, và từ đó nhìn thấy công trình và công việc của Chúa nơi mọi người,” Đức Tổng Giám mục giáo phận Québec tuyên bố và đồng thời cho thấy rằng việc trải qua tất cả những điều đó ở cấp độ cá nhân khiến ngài phải “điều chỉnh, tinh chỉnh, xem xét lại cách suy nghĩ của mình một chút”.
Tiếng nói của những hòn đảo “nhỏ” ở Châu Đại Dương
Ý tưởng ban đầu của Thượng hội đồng này về tính hiệp hành “là để mình được chấn vấn bởi những gì nảy sinh trong các bài tham luận khác một cách tự do”. Và cũng mang lại tiếng nói cho những người còn ở lại phía sau. Về vấn đề này, Grace Wrackia bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha đã mời các đại diện từ Quần đảo Solomon và Papouasie-Nouvelle-Guinée tới Thượng hội đồng. Bà nói trong một bài phát biểu đầy cảm xúc: “Trong nhiều năm, chúng con đã lắng nghe và bây giờ chúng con muốn nói và chúng con muốn anh chị em lắng nghe, bởi vì chúng con có một thứ gì đó để cống hiến cho thế giới: cách sống của chúng con, cách sống hiệp thông, cách sống cùng nhau và xây dựng các mối quan hệ”.
Lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình
Liệt kê các chủ đề được thảo luận trong các nhóm nhỏ và các phiên họp, Paolo Ruffini giải thích rằng nhiều bài phát biểu tập trung vào chủ đề hòa bình và các nạn nhân của chiến tranh: “Chúng tôi đã nói về cách mà các Kitô hữu có thể trở thành dấu chỉ của hòa bình và hòa giải trong một thế giới bị biến dạng bởi chiến tranh và bạo lực”. “Những lời kêu gọi mạnh mẽ” được đưa ra đối với các quốc gia đang xung đột và đối với “sự đau khổ của một số Giáo hội Đông phương”.
Một Giáo hội khiêm nhường dành cho người nghèo
Sheila Pires nhấn mạnh một chủ đề khác được đề cập trong các cuộc thảo luận: “Mong muốn về một Giáo hội ưu ái người nghèo, khiêm nhường, bước đi, đồng hành với người nghèo”. Những người nghèo “có nhiều khuôn mặt”: những người bị loại trừ, những người di cư, những nạn nhân của biến đổi khí hậu, thậm chí bao gồm cả phụ nữ và các nữ tu ở một số nơi trên thế giới bị coi là “công dân hạng hai”. Sheila Pires giải thích: “Người ta nói rằng những người này cần được bảo vệ khỏi sự lạm dụng”.
Không có sự phân cực
Các vụ lạm dụng cũng được nói đến. Paolo Ruffini tuyên bố: “Chúng tôi đã nói về việc uy tín của chúng tôi đang bị nghi ngờ bởi các vụ bê bối như lạm dụng tình dục và sự cần thiết phải xóa bỏ mọi lạm dụng: tình dục, quyền lực, tinh thần, và làm mọi thứ, tiếp tục làm mọi thứ, để gần gũi với các nạn nhân”.
Tổng trưởng phụ trách truyền thông giải thích: Trong các nhóm và bài phát biểu, vấn đề về căn tính giới tính cũng được đề cập, “với trách nhiệm và sự hiểu biết, đồng thời vẫn trung thành với Tin Mừng và những giáo huấn của Giáo hội”. Một số người đã kêu gọi có “sự phân định nhiều hơn về giáo huấn của Giáo hội về tính dục”; trái lại, đối với những người khác, sự phân định bổ sung này dường như không cần thiết. Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Paolo Ruffini giải thích rằng trong các bài tham luận, “không có yếu tố nào có thể bị đóng khung trong sự phân cực”. Thượng hội đồng đang sống “một kinh nghiệm chia sẻ”.
Câu hỏi mà các tham dự viên Thượng hội đồng tự hỏi là: “Làm thế nào thể hiện việc mục vụ yêu thương đối với các cặp đồng tính, đối với những người ly dị trong khi vẫn trung thành với giáo huấn của Giáo hội?” “Hầu hết tất cả những người nói về những vấn đề này đều nói rằng chúng ta phải bác bỏ mọi hình thức kỳ thị người đồng tính,” chủ tịch Ủy ban Thông tin nhận xét và giải thích rằng đối với một số thành viên của Thượng hội đồng, “nhiều khó khăn đến từ sự thiếu hiểu biết về thực tế và hành trình cá nhân của các cá nhân”.
Vấn đề người di cư
Liên quan đến người di cư, một số Giám mục – điều này đã được giải thích trong cuộc họp báo – đã “yêu cầu sự giúp đỡ từ các Hội đồng Giám mục khác”, vốn ở trong hoàn cảnh tốt hơn từ quan điểm hội nhập và tiếp nhận, để “có thể được hưởng lợi” từ các kỹ năng được phát triển để đảm bảo sự hội nhập của những người được chào đón trong xã hội. Cũng được nhấn mạnh việc “người di cư và người tỵ nạn cần phải tôn trọng luật pháp của các quốc gia mà họ sinh sống.
Vẫn về chủ đề dòng người di cư, chứng tá của Luca Casarini đã gây xúc động cho hầu hết những người có mặt tại Phòng Báo chí Tòa Thánh. Người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mediterranean Saving Humans trước tiên tự mô tả mình là “một người được ưu đãi“, bởi vì “trong một thế giới nơi chúng ta quan sát thấy một cuộc chạy đua tìm ra kẻ sẽ giết nhiều người nhất, một thế giới bị thống trị bởi sự thù hận, thì việc đến trợ giúp một cuộc sống, ôm lấy anh chị em giữa biển cả, đó là một món quà vô hạn làm thay đổi cuộc sống”, điều đó đã thay đổi cuộc sống của ông.
Nhà hoạt động này cũng đề cập đến vấn đề nghèo đói: “Trên biển cả, chúng tôi gặp các anh chị em, và ở đó, hai hình thức nghèo đói gần kề nhau”. Một mặt, tình trạng nghèo đói về kinh tế và xã hội buộc người dân phải “rời bỏ đất đai, gia đình, ký ức”, những tài sản duy nhất của họ; mặt khác, sự nghèo đói hoang tàn của một phần thế giới mà ngày nay coi “sự ghê tởm là chuyện bình thường”. Luca Casarini than thở: “Chúng ta không còn khả năng khóc thương cái chết của một đứa trẻ nữa”. “Hai sự nghèo đói này hỗ trợ lẫn nhau và nhường chỗ cho thứ mà ngày nay chúng ta tìm kiếm cách tuyệt vọng trong thế giới hận thù: tình yêu. Chính như thế mà tôi đã gặp Chúa Giêsu và Thiên Chúa.”
Với lòng tốt và không phải không mỉa mai, vị khách mời đặc biệt này đã trả lời câu hỏi của những người hỏi ông rằng liệu ông có cảm thấy “lạc lõng” trong một sự kiện như Thượng hội đồng, được đánh dấu bởi nhiều nghi lễ và khoảnh khắc thiêng liêng khác nhau hay không. “Tôi luôn cảm thấy lạc lõng và không phù hợp trong mọi hoàn cảnh,” ông cười đáp lại. “Tôi thực sự coi tất cả mọi người có mặt tại Thượng hội đồng như anh chị em của mình, tôi đang học cách biến sự oán giận và hận thù thành lòng thương xót”. Bí quyết là điều “tôi cố gắng học hỏi là đặt mình vào vị trí của người khác. Chúng ta không được tham vọng là có thể tự mình giải quyết được, nhưng chính Chúa Thánh Thần đang hành động. Đây là cách mà những điều điên rồ có thể xảy ra… giống như việc tôi có mặt tại Thượng hội đồng vậy.”
Người sáng lập Tổ chức Mediterranean Saving Humans đã được hỏi về “sự ăn năn” của ông về hành động của mình ở G8 tại Genoa năm 2001 và về cáo buộc hỗ trợ nhập cư lậu. “Đối với Genoa, tôi đã trải qua 8 năm xét xử và tôi được trắng án,” Luca Casarini trả lời, trong khi “tôi không thể hiểu được” cáo buộc còn lại. Ông giải thích thêm: “Đối với tôi, không có con người nào là lậu…. Tôi hiểu rằng mình đang bị điều tra vì đã cứu được 38 người trong 38 ngày giữa biển. Đây là cuộc thử thách sức mạnh lớn nhất mà Châu Âu từng biết đến. Trong số những người này có một cô gái bị 5 lính canh Libya cưỡng hiếp trước khi ra biển và thậm chí không có bác sĩ trong 38 ngày. Tôi có phạm tội không? Hãy dừng tôi lại, tôi rất vui vì đã làm điều đó”.
Theo nhật báo Vatican News (12.10.2023)
2023
Các bài suy niệm của Cha Timothy Radcliffe trong ba ngày tĩnh tâm chuẩn bị Thượng hội đồng giám mục, tháng 10/2023
Fr. Timothy Radcliffe OP, nguyên Tổng Quyền Dòng Đa Minh
Bài 1: “HY VỌNG KHI KHÔNG CÒN HY VỌNG”.
Vào sáng Chúa Nhật 1-10-2023, cha Timothy Radcliffe OP, tu sĩ và là nguyên Tổng Quyền dòng Đa Minh đã chia sẻ một bài suy niệm về đề tài: “Hy vọng khi không còn hy vọng” cho các tham dự viên của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ khai mạc vào thứ Tư ngày 4 tháng 10.
Khi Đức Thánh Cha yêu cầu tôi hướng dẫn buổi tĩnh tâm này, tôi vừa cảm thấy hết sức vinh dự nhưng cũng vừa thấy lo lắng. Tôi ý thức sâu sắc về giới hạn của cá nhân mình. Một lão già da trắng, mắt xanh mũi lõ và là một người đàn ông như tôi thì không biết có cái gì tệ hơn! Tất cả những khía cạnh làm nên căn tính của tôi như thế hạn chế sự hiểu biết nơi tôi. Vậy thì xin mọi người thứ lỗi cho những thiếu sót của tôi trong ngôn từ.
Tất cả chúng ta đây đều có những bất toàn căn bản và chúng ta cần đến anh em mình. Karl Barth, thần học gia tầm cỡ của anh em Tin Lành nói về chữ “lẫn hay và” của bên Công giáo. Chẳng hạn, Kinh Thánh và Truyền Thống, Đức Tin và việc làm. Ông ấy được cho là đã thốt lên: “Cái ‘và’ Công giáo chết tiệt”. Vậy nên khi chúng ta cùng nhau lắng nghe trong những tuần sắp tới và khi có bất đồng, tôi cũng như chúng ta đây sẽ phải thường xuyên thốt lên: “Đúng vậy, và…” thay vì nói từ “Không”. Đó là cách tiến hành Thượng Hội Đồng vậy. Dĩ nhiên, đôi lúc cũng cần phải nói “Không”.
Trong bài đọc II, thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê, “xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi nên trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau”. (Pl 2,2). Chúng ta họp nhau lại ở đây là để cùng một lòng một ý. Đa số những người tham dự tiến trình của Thượng Hội Đồng lần này phải là những người bị ngạc nhiên bởi niềm vui vì trong tiến trình này, nhiều người lần đầu tiên được Giáo Hội mời đến để nói về Đức Tin và niềm hy vọng. Tuy nhiên, cũng có những người trong chúng ta đây lo lắng sợ hãi cho cuộc hành trình của những ngày sắp tới và không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một số người hy vọng Giáo Hội sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, đó là khi chúng ta đưa ra những quyết định hệ trọng, chẳng hạn về vai trò của nữ giới trong Giáo Hội. Một số khác sợ rằng những thay đổi như thế sẽ chỉ dẫn Giáo Hội đến bờ chia cắt, thậm chí là ly giáo. Hẳn là có một số tham dự viên chẳng muốn có mặt ở đây chút nào. Có một giám mục nói với tôi ông đã cầu nguyện để không được chọn đi họp lần này và lời cầu nguyện của ông đã được nhậm lời! Ai đó ở đây có thể thấy mình giống như đứa con trong Tin Mừng, lúc đầu không muốn đi làm vườn nho, nhưng rồi lại đi.
Trong Tin Mừng, vào những lúc hệ trọng, chúng ta luôn được nghe những từ này: “Đừng sợ!”. Thánh Gioan nói, “Tình yêu đích thực loại bỏ sự sợ hãi”. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách cầu xin Chúa giải thoát lòng chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Có một số người, nỗi sợ nằm ở sự thay đổi. Một số khác, sợ rằng không có gì thay đổi. Nhưng “cái chúng ta thực sự phải sợ đó chính là nỗi sợ hãi của bản thân chúng ta”[1]. Hẳn nhiên ai trong chúng ta cũng có nỗi sợ. Thánh Tôma Aquinô bảo rằng, can đảm là từ chối làm nô lệ cho sợ hãi. Hy vọng là chúng ta luôn biết cảm thông trước nỗi sợ của người khác, nhất là những ai bất đồng ý kiến với mình. “Như Ápraham, chúng ta đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11,8). Nhưng nếu chúng ta để trái tim mình được tự do khỏi sự sợ hãi, hẳn là sẽ tuyệt vời hơn những gì chúng ta tưởng tượng.
Để hướng dẫn trong buổi tĩnh tâm này, tôi chọn biến cố Biến Hình làm chủ đề suy niệm. Biến cố Biến Hình chính là một buổi tĩnh tâm Đức Giêsu dành cho những môn đệ thân tín trước khi các ông khởi sự cho một cuộc “synod-hiệp hành” đầu tiên trong đời sống Giáo Hội, đó là khi các ông cùng nhau bước (syn-hodos) trong hành trình tiến về Giêrusalem. Các môn đệ cần tĩnh tâm vì các ông cũng đã sợ khi phải cùng nhau bước vào một cuộc hành trình. Vào giai đoạn đó, các ông vẫn còn quanh quẩn đâu đó ở phía Bắc Israel. Mãi tới lúc ở Caesarea Philiphê, Phêrô mới tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô và kể từ đó, Đức Giêsu mời các ông cùng tiến bước về Giêrusalem nơi Người sẽ chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Các môn đệ không thể đón nhận được điều này. Phêrô đã ra sức ngăn cản khiến Đức Giêsu gọi ông là “Satan”, nghĩa là “kẻ chống đối”. Cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ rơi vào bế tắc. Bây giờ là lúc Đức Giêsu dẫn các ông lên núi. Chúng ta hãy cùng nghe lại những gì thánh Máccô tường thuật:
“Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.” (Mc 9,2-8)
Cuộc tĩnh tâm này đã giúp cho các môn đệ lấy lại can đảm và hy vọng để lên đường. Nhưng rồi hành trình này không luôn suôn sẻ. Liền sau đó, các ông đã thất bại không trừ được tên quỷ ra khỏi người thanh niên, rồi trong các ông nổ ra cuộc cãi vã xem ai là người lớn nhất. Các ông chẳng hiểu gì về Đức Giêsu. Tuy vậy, các ông lại tiếp tục lên đường cùng với một niềm hy vọng mỏng manh.
Chúng ta ở đây cũng vậy, chúng ta đang chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng bằng cách lên đường tĩnh tâm và giống với các môn đệ khi xưa, chúng ta học cách lắng nghe lời Chúa. Chúng ta dành cho nhau ba ngày, và sẽ giống các môn đệ xưa thôi, chúng ta hiểu lầm nhau và cũng có thể tranh cãi. Tuy nhiên, Đức Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta trên đường hướng về cái chết và sự sống lại của Hội Thánh. Chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng: Niềm hy vọng về Thượng Hội Đồng lần này sẽ dẫn chúng ta đến một Giáo Hội được đổi mới và không gây chia rẽ; niềm hy vọng chúng ta sẽ xích lại gần nhau hơn trong tình anh chị em. Niềm hy vọng của chúng ta không chỉ dành cho Giáo hội Công giáo mà thôi mà còn cho mọi anh chị em của chúng ta là những người chịu cùng một phép rửa. Người ta nói với nhau về cái gọi là “mùa đông đại kết”. Chúng ta hy vọng sẽ có một “mùa xuân đại kết”.
Chúng ta cũng quy tụ để hy vọng cho nhân loại. Tương lai phía trước xem ra mờ tối. Các thảm hoạ môi sinh đang đe doạ phá huỷ ngôi nhà chung của chúng ta. Cháy rừng và lũ lụt đã nuốt chửng nhiều nơi trong mùa hè này. Những hòn đảo nhỏ bắt đầu chìm xuống lòng biển. Có hàng triệu người đang trên đường chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói. Không xa nơi chúng ta đang họp nhau đây, hàng trăm người đã chết chìm ngoài khơi Địa Trung Hải. Có nhiều cha mẹ từ chối để con cái của họ bước vào một thế giới trông có vẻ u ám. Tại Trung Quốc, người trẻ mặc một chiếc áo thun đề chữ: “Chúng ta là thế hệ cuối cùng”. Như vậy, chúng ta quy tụ để hướng về nhân loại, đặc biệt là hy vọng cho giới trẻ. Tôi không biết có bao nhiêu tham dự viên ở đây là cha là mẹ, nhưng xin cảm ơn họ vì đã nuôi nấng dạy dỗ cho thế hệ tương lai của chúng ta. Lần kia, sau một chút khó khăn gặp phải ở Nam Sudan, vùng giáp giới Côngô, tôi lấy được vé bay về lại Anh Quốc và ngồi bên cạnh một em bé nhỏ liên tục la hét trong suốt tám tiếng đồng hồ. Tôi xấu hổ khi thú nhận, lúc đó tôi nghĩ đến chuyện giết người! Vậy còn có sứ vụ nào mang tính tư tế cho bằng sứ vụ nuôi nấng con cái và tìm cách mở rộng tâm trí chúng cho lời hứa ban sự sống. Cha mẹ và các thầy cô giáo là những thừa tác viên của niềm hy vọng.
Chúng ta quy tụ ở đây là để cùng nhau hy vọng về tương lai của Giáo Hội và nhân loại. Tuy nhiên, vẫn còn đó chướng ngại: Chúng ta có những niềm hy vọng đối lập nhau, vậy thì liệu có thể cùng nhau hy vọng? Ở điểm này, chúng ta sẽ cũng giống như các môn đệ xưa. Mẹ của Giacôbê và Gioan hy vọng hai đứa con của bà sẽ được ngồi bên tả bên hữu của Chúa trong vinh quang. Vậy thì Phêrô sẽ mất phần. Có sự đối kháng ngay giữa nhóm bạn hữu thân thiết nhất của Đức Giêsu. Giuđa hẳn đã hy vọng cho một cuộc nổi dậy để đánh đuổi quân Rôma. Một số khác nữa có thể đã hy vọng mình không bị giết chết. Tuy vậy, các ông vẫn tiến bước cùng nhau. Như thế, liệu có hy vọng nào mà chúng ta có thể cùng chia sẻ?
Vào bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã lãnh nhận một niềm hy vọng mà các ông có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới: Đó là Thân Mình và Máu của Đức Kitô, là giao ước mới, là sự sống đời đời. Trong ánh sáng của niềm hy vọng mang tính Thánh Thể, tất cả những hy vọng gây đối kháng của chúng ta dường như chẳng là gì, ngoại trừ trường hợp Giuđa tuyệt vọng. Đây là điều thánh Phaolô gọi là “Hy vọng khi chẳng có chi để hy vọng” (Rm 4,18), một niềm hy vọng siêu việt, vượt trên mọi niềm hy vọng của chúng ta.
Chúng ta cùng nhau quy tụ nơi đây giống như các môn đệ xưa ở bữa Tiệc Ly chứ không phải họp nhau lại như trong quốc hội để tranh luận chính trị và mong phần thắng. Niềm hy vọng của chúng ta là Thánh Thể. Tôi mường tượng được ý nghĩa của điều này khi đến thăm Rwanda năm 1993, đó là thời điểm những biến động bắt đầu nhen nhóm. Chúng tôi lên lịch đi thăm các chị em Đa Minh ở vùng phía Bắc nhưng ông đại sứ người Bỉ khuyên chúng tôi nên ở nhà vì đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Nhưng mà lúc đó tôi còn trẻ và dại dột! Giờ thì tôi đã già và …dại dột. Chúng tôi đã đi và ngày hôm đó chúng tôi thấy những điều khủng khiếp: Bệnh viện lấp đầy những cậu bé cụt tay cụt chân vì bom mìn. Một cậu nhỏ kia mất cả hai chân, cánh tay và một con mắt. Người cha ngồi bên cạnh em và khóc. Tôi tìm đến chỗ một bụi cây để khóc và đi cùng tôi là hai em nhỏ đang lò cò một chân.
Khi chúng tôi đến được chỗ các chị em Đa Minh, tôi chẳng còn nói được lời nào. Khi đối mặt với những thứ bạo lực vô nghĩa như thế, chẳng ai còn gì để nói. Thế rồi tôi nhớ đến lời của Đức Giêsu, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta đã được trao ban điều gì đó để làm. Vào bữa Tiệc Ly, tương lai dường như không có. Tất cả những gì ở phía trước xem ra là thất bại, đau khổ và chết chóc. Chính trong thời khắc đen tối cùng cực này, Đức Giêsu đã làm một cử chỉ hy vọng cho lịch sử của thế giới: “Đây là Mình Thầy, trao nộp vì anh em. Đây là Máu Thầy, đổ ra vì anh em.” Đây chính là hy vọng mời gọi chúng ta vượt lên trên mọi sự phân ly.
Một người anh em của chúng tôi ở miền Đông Ukraine đi dâng lễ cho một số nữ tu đang trên đường rời đi. Họ gói gọn mọi thứ. Tất cả những gì họ tìm được là một cái đĩa nhựa đỏ dùng làm đĩa thánh. Người anh em ấy viết: “Đây là cách mà Chúa cho chúng tôi thấy Người ở với chúng tôi. “Các con trú ẩn ở hầm, trong cái mốc meo và ẩm ước, nhưng Ta ở với các con trên cái đĩa nhỏ màu đỏ này, dành cho con trẻ, chứ không phải trên đĩa bằng vàng”. Đây chính là niềm hy vọng Thánh Thể và chúng ta cần đến niềm hy vọng đó cho hành trình Thượng Hội Đồng lần này. Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta.
Niềm hy vọng Thánh Thể là những gì nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Sách Khải Huyền viết: “Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7,9-10). Đây là niềm hy vọng mà các môn đệ đã thoáng thấy trên núi Biến Hình. Nó làm cho xung đột giữa những hy vọng của chúng ta trở nên nhỏ nhặt và gần như vô lý. Nếu chúng ta thực sự đang trên đường đến Vương Quốc, thì việc chúng ta đứng về phía nhóm gọi là chủ nghĩa truyền thống hay chủ nghĩa cấp tiến có thực sự quan trọng? Ngay cả những khác biệt giữa Dòng Đa Minh và Dòng Tên cũng chẳng là gì! Vậy chúng ta hãy nghe lời Người, xuống núi và vững tin bước đi. Những món quà lớn nhất sẽ đến từ những người bất đồng với chúng ta nếu chúng ta dám lắng nghe họ.
Trong hành trình Thượng Hội Đồng, chúng ta có thể bận tâm chuyện liệu chúng ta có gặt hái được thành quả nào không. Giới truyền thông có thể sẽ cho rằng, đó chẳng qua là một thứ mất giờ, chỉ toàn những ngôn từ. Họ tìm kiếm chuyện liệu sẽ có những quyết định mang tính táo bạo liên quan đến bốn hoặc năm chủ đề đang sôi nổi. Nhưng các môn đệ trong lần hiệp hành đầu tiên, tiến bước lên Giêrusalem dường như không đạt được điều gì. Họ thậm chí còn cố gắng ngăn chặn việc chữa lành cho anh mù Batimê. Các ông trông thật vô dụng. Khi đám đông đói khát tụ tập quanh Chúa Giêsu, các môn đệ hỏi Chúa: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” Đức Giêsu hỏi các ông có những gì và họ chỉ có được bảy chiếc bánh và vài con cá. (x. Mc 8,1-19). Vậy là quá đủ rồi. Nếu chúng ta đủ quảng đại để cống hiến bất cứ điều gì chúng ta có trong Thượng Hội Đồng này thì thế là quá đủ rồi. Thiên Chúa, chủ của mùa gặt sẽ lo liệu.
Bên cạnh một tu viện của anh em chúng tôi ở Baghdad, có một ngôi nhà điều hành bởi các chị em của Mẹ Têrêsa. Họ nuôi các trẻ em bị bỏ rơi thuộc mọi tôn giáo. Tôi sẽ không bao giờ quên cô bé Nura, khoảng tám tuổi, sinh ra không có tay hay chân gì đó, đang dùng miệng ngậm chiếc muỗng đút thức ăn cho những đứa bé hơn. Người ta có thể tự hỏi mục đích của những hành động tốt đẹp nhỏ bé trong vùng đất chiến tranh này là gì vậy. Chúng có tạo ra sự khác biệt nào không? Làm như vậy có phải là đắp thạch lên một cơ thể đã thối rữa không? Chúng ta hãy làm những việc lành bé nhỏ và để cho Chúa, Đấng làm chủ mùa gặt sẽ ban tặng những hoa trái Người muốn. Hôm nay chúng ta quy tụ đúng vào ngày lễ thánh Têrêsa thành Lisieux. Thánh nữ sinh ra cách đây 150 năm. Ngài mời gọi chúng ta đi theo “con đường thơ ấu” dẫn tới Vương Quốc. Thánh nữ nói: “Đừng bao giờ quên rằng, không có gì là nhỏ bé trong mắt Chúa.”
Ở Auschwitz, một người Do Thái gốc Ý tên là Primo Levi được Lorenzo chia một phần bánh mì mỗi ngày. Ông ấy viết: “Thực sự tôi tin là nhờ Lorenzo mà tôi mới sống được đến ngày hôm nay; và không phải vì sự giúp đỡ vật chất của anh ấy mà vì anh ấy đã liên tục nhắc nhở tôi bằng sự hiện diện của anh ấy, bằng lòng tốt cách tự nhiên của anh ấy mà nhờ đó tôi tin rằng có một thế giới bên ngoài chúng ta, một điều gì đó và một ai đó vẫn trong sáng và trọn vẹn, không tàn lụi, không dã man…thứ gì đó khó định nghĩa, một khả thể của điều tốt đáng để sống. Nhờ Lorenzo mà tôi đã không quên mình là một con người.[2]’ Một chút bánh mì nhỏ đã cứu linh hồn Primo.
Thánh giám mục Đa-vít, vị thánh bảo trợ của xứ Wales đã nói những lời trước khi chết: “Hãy làm những điều nhỏ bé cách trọn vẹn”. Hy vọng của chúng ta là bất cứ hành động nhỏ nào chúng ta thực hiện trong Thượng Hội Đồng này sẽ mang lại kết quả ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Vào đêm cuối cùng, Chúa Giêsu đã trao tặng bản thân cho các môn đệ: “Thầy trao nộp chính mình cho anh em”. Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta không chỉ chia sẻ cho nhau lời nói và niềm xác tín nhưng còn chính bản thân chúng ta nữa với lòng quãng đại Thánh Thể. Nếu chúng ta mở lòng ra cho nhau, những điều tuyệt vời sẽ đến. Các môn đệ thu lại bánh và cá còn sót lại sau khi cho năm ngàn người ăn. Như vậy, không có gì mất đi cả.
Tôi muốn chia sẻ điều cuối cùng. Phêrô cố gắng ngăn cản Chúa Giêsu tiến lên Giêrusalem vì ông thấy hành trình đó không có ý nghĩa gì với ông. Thật vô lý tìm đến nơi mình sẽ bị giết. Tuyệt vọng không phải là bi quan. Tuyệt vọng là nỗi khiếp đảm khi không còn thấy ý nghĩa nữa. Còn hy vọng không phải là lạc quan mà là niềm tin rằng tất cả những gì chúng ta đang sống, tất cả những bối rối và nỗi đau của chúng ta, bằng cách nào đó sẽ có được ý nghĩa. Chúng ta tin tưởng vào điều đó, như Thánh Phaolô nói: ‘Bây giờ, tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12)
Bạo lực vô nghĩa phá hủy mọi ý nghĩa và giết chết tâm hồn chúng ta. Khi thánh Oscar Romero, Tổng Giám mục San Salvador đến thăm hiện trường vụ thảm sát của quân đội Salvador, ông đã nhìn thấy xác một cậu bé nằm trong một con mương: “Bé ấy chỉ là một đứa trẻ, ở dưới đáy mương, khuôn mặt hướng lên. Có thể nhìn thấy những lỗ đạn, những vết bầm tím do những cú đánh để lại, những vệt máu khô. Đôi mắt em mở to, như thể đang hỏi lý do cái chết của mình mà không hiểu.”[3] Nhưng vào chính vào lúc này, ngài đã khám phá ra ý nghĩa cuộc đời mình và lời mời gọi để dâng hiến nó. Đúng là ngài đã sợ hãi cho đến phút cuối cùng. Ngài toát mồ hôi khi nhìn thấy người đàn ông sắp giết mình nhưng ngài không còn là nô lệ của sự sợ hãi nữa.
Tôi hy vọng sẽ chẳng có bạo lực nào xảy ra ở Thượng Hội Đồng này cả! Nhưng thường chúng ta sẽ tự hỏi ý nghĩa của tất cả những điều này là gì. Nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và lắng nghe nhau, chúng ta sẽ hiểu về con đường ở phía trước. Đây là chứng tá niềm tin Kitô giáo của chúng ta trong một thế giới thường đánh mất niềm tin vào ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người. Nhân vật Macbeth trong vở kịch của Shakespeare khẳng định, cuộc đời chỉ là một câu chuyện, “được kể bởi một kẻ ngốc, ồn ào và giận dữ, chẳng có ý nghĩa gì”[4]. Nhưng qua việc cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện về những vấn đề lớn lao mà Giáo Hội và thế giới phải đối mặt, chúng ta làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa, Đấng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi con người.
Mỗi trường học Kitô giáo là một bằng chứng cho niềm hy vọng của chúng ta vào “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Ở thành phố Baghdad, các tu sĩ Đa Minh chúng tôi đã thành lập một trung tâm nghiên cứu với phương châm: “Ở đây, không câu hỏi nào bị cấm.” Ở giữa vùng chiến tranh, một ngôi trường làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta, đó là làm chứng thứ bạo lực vô nghĩa sẽ không phải là tiếng nói sau cùng. Phần lớn thành phố Homs ở Syria đã bị phá hủy do bạo lực vô nghĩa, nhưng ở giữa đống đổ nát đó, chúng tôi nhận thấy có một trường học Công giáo. Tại đây, một tu sĩ Dòng Tên người Hà Lan tên là Franz van der Lugt đã từ chối rời đi bất chấp những lời đe dọa giết chết. Anh đã bị bắn khi đang ngồi trong vườn. Nhưng rồi chúng tôi lại thấy một tu sĩ Dòng Tên khác người Ai Cập, đã lớn tuổi nhưng vị này vẫn tiếp tục giảng dạy. Vị tu sĩ này đang huấn luyện cho một thế hệ trẻ khác tiếp tục đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Hy vọng là thứ có mặt mũi trông như vậy đó.
Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta có thể bị chia rẽ bởi những hy vọng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta lắng nghe Chúa và lắng nghe lẫn nhau, tìm cách hiểu ý muốn của Người đối với Giáo hội và thế giới, chúng ta sẽ hiệp nhất trong một niềm hy vọng vượt lên trên những bất đồng của chúng ta, và được đụng chạm bởi Đấng mà Thánh Augustinô gọi là “vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi…Con đã nếm thử Ngài và này con đói khát Ngài; Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm bình an của Chúa”[5]. Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ nhìn vào một con đường khác. Trên con đường này chúng ta có thể bị chia rẽ bởi các cách hiểu khác nhau về cách gọi Giáo Hội là nhà.
——————————————
[1] Franklin D. Roosevelt
[2] Survival in Auschwitz’ The Tablet 21 January 2006
[3] Scott Wright Oscar Romero and the Communion of Saints Orbis New York 2009 p.37
[4] Macbeth Act 5, Scene 5
[5] Bài đọc Kinh Sách II, lễ thánh Augustinô 28/8
Nguồn “HY VỌNG KHI KHÔNG CÒN HY VỌNG” | Học viện Đa Minh (catechesis.net)
Bài 2: “NHÀ Ở TRONG THIÊN CHÚA VÀ THIÊN CHÚA Ở TRONG NHÀ CHÚNG TA ”. (1/10/2023)
Khi đến với Thượng Hội Đồng lần này, chúng ta mang đến những hy vọng trái ngược nhau. Nhưng đây không hẳn là trở ngại không thể vượt qua. Chúng ta được hợp nhất trong niềm hy vọng Thánh Thể, một niềm hy vọng bao trùm và siêu vượt lên trên mọi hy vọng mà chúng ta hướng tới. Tuy nhiên vẫn còn một nguồn khác gây căng thẳng, đó chính là các lối hiểu của chúng ta vốn đôi khi gây xung đột về Giáo Hội xét như một mái nhà.
Mọi sinh vật nếu muốn phát triển đều cần đến một nơi cư ngụ. Cá cần nước, chim cần tổ và chúng ta, nếu không có một mái nhà, chúng ta không thể sống. Mỗi nền văn hóa có lối hiểu khác nhau về mái nhà. Tài Liệu Làm Việc (Istrumentum Laboris) của Thượng Hội Đồng nói rằng: “Vùng Châu Á cho chúng ta hình ảnh về một người trước khi bước qua ngưỡng cửa nhà, phải cởi bỏ giày dép như dấu chỉ nói lên sự khiêm nhường mà nhờ đó, chúng ta chuẩn bị để gặp Chúa và anh chị em mình. Úc châu đưa ra hình ảnh con thuyền, và Phi châu gợi lên hình ảnh Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa nơi có thể cho các thành viên một cảm thức thuộc về và chào đón họ trong sự đa dạng của họ (B.12). Tất cả những hình ảnh này cho thấy chúng ta cần một nơi mà ở đó, chúng ta vừa được đón nhận nhưng vừa bị thách thức. Khi ở dưới một mái nhà, chúng ta được là mình nhất và được mời gọi là mình hơn nữa. Mái nhà là nơi chúng ta được nhận biết, được yêu thương và cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, sống dưới mái nhà còn thách thức chúng ta lên đường cho một cuộc phiêu lưu trong đức tin.
Chúng ta cần đổi mới để Giáo Hội trở nên mái nhà chung cho chúng ta nếu chúng ta muốn nói về một thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng về tình trạng không nhà không cửa. Chúng ta đang tàn phá hành tinh bé nhỏ của mình. Hiện nay có hơn 350 triệu người đang tìm cách di cư, chạy trốn vì chiến tranh và bạo lực. Hàng ngàn người đã chết khi vượt biển chỉ mong tìm một mái nhà để cư ngụ. Không ai trong chúng ta có thể thực sự ở nhà trừ khi những người đó tìm được một nơi cư ngụ. Ngay tại các nước phát triển, vẫn có hàng triệu người đang ngủ ngoài đường. Những người trẻ thường gặp khó khăn khi phải mua cho mình một ngôi nhà. Ở khắp mọi nơi, vẫn có một thứ vô gia cư về tinh thần thật đáng sợ. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự đổ vỡ trong gia đình, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng cho thấy có một cơn sóng thần cô đơn đang tác động lên chúng ta. Các cuộc tự tử ngày càng gia tăng vì, nếu thiếu một mái nhà, theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần, người ta không thể sống được. Yêu thương có nghĩa là về nhà với ai đó.
Vậy thì biến cố Biến Hình dạy chúng ta điều gì về mái nhà chung, hiểu là nơi Giáo Hội và nơi một thế giới đang bị tước đoạt này?
Trên núi Biến Hình, Đức Giêsu mời gọi những người bạn thân tín nhất đến và chia sẻ giây phút thân mật với Người. Chính các ông rồi sẽ cùng ở với Người trong vườn Ghếtsêmanê. Chính khi được ở trong vòng thân mật này với Đức Giêsu, các môn đệ cảm thấy mình được ở nhà đúng nghĩa nhất. Ở trên núi, Chúa đã cho các ông thấy viễn cảnh vinh quang và Phêrô, vì muốn giữ mãi khoảnh khắc này, nên đã thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Phêrô đã tới một nơi mà chỉ muốn giữ mãi giây phút thân mật.
Nhưng rồi các môn đệ nghe thấy tiếng Chúa Cha. “Hãy vâng nghe lời Người”. Thế là họ phải xuống núi để tiếp tục lội bộ lên Giêrusalem mà không biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Rồi đây các ông sẽ bị phân tán và được sai đến tận cùng trái đất làm chứng cho Vương Quốc, là mái nhà đích thực của chúng ta. Lúc này, chúng ta thấy được hai cách hiểu về mái nhà: Mái nhà là vòng tròn bên trong thân mật với Đức Giêsu khi ở trên núi và mái nhà là lời mời gọi tiến về Vương Quốc, ngôi nhà đích thực mà tất cả chúng ta sẽ thuộc về.
Tuy nhiên, những cách hiểu na ná về Giáo Hội như mái nhà chung đang phân rẽ chúng ta ngày hôm nay. Đối với một số người, mái nhà này được xác định nhờ truyền thống và lòng sùng kính cổ xưa, với các cấu trúc và ngôn ngữ cổ. Mái nhà Giáo Hội là nơi chúng ta lớn lên và yêu mến. Nó cho chúng ta một căn tính Kitô giáo rõ ràng. Nhưng đối với những người khác, Giáo Hội hiện tại dường như không còn là một mái nhà an toàn nữa. Nơi đó có sự chuyên quyền, đẩy ra bên lề nhiều người, nhiều phụ nữ, chẳng hạn chuyện ly dị và tái hôn. Đối với một số người nữa thì Giáo Hội quá Tây phương, nặng tính Âu châu. Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris) của Thượng Hội Đồng cũng đề cập đến người đồng tính và người sống hôn nhân đa thê mà trong đó, họ khát mong một Giáo Hội được đổi mới để họ cảm thấy mình được thật sự ở nhà, được nhìn nhận, được khẳng định và an toàn.
Đối với một số người, ý tưởng đón nhận tất cả, trong đó mọi người đều được chấp nhận bất kể họ là ai, bị coi là làm phá huỷ căn tính của Giáo Hội. Một bài hát tiếng Anh ở thế kỷ 19 có những ca từ: “Nếu mọi người đều là ai đó thì không ai là ai cả[1]”. Người ta tin rằng muốn có căn tính thì phải vạch ra ranh giới. Tuy nhiên, đối với những người khác, căn tính cốt lõi của Giáo Hội nằm ở sự cởi mở. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Giáo Hội được mời gọi trở thành ngôi nhà của Chúa Cha, với những cánh cửa luôn rộng mở… nơi dành cho tất cả mọi người với tất cả các vấn đề của họ và hướng tới những người cảm thấy mình cần một lần nữa tiếp tục hành trình đức tin”[2].
Sự căng thẳng này luôn là tâm điểm đức tin của chúng ta kể từ khi Ápraham nghe tiếng Chúa gọi rời bỏ thành Ur. Cựu Ước có hai vấn đề luôn căng thẳng: Đó là ý tưởng về một dân được Chúa chọn và có Chúa ở cùng. Đây là một căn tính được trân trọng. Tuy nhiên, vẫn có đó ý tưởng chưa được khám phá về một căn tính phổ phát, rộng mở cho mọi dân tộc.
Căn tính Kitô giáo gồm cả đã biết và chưa biết, vừa được trao ban nhưng cũng là thứ cần phải đi tìm. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. (1Ga 3,1-2). Chúng ta vừa biết mình là ai nhưng đồng thời lại chưa biết con người chúng ta sẽ trở thành.
Đối với một số người, căn tính Kitô giáo trên hết là thứ đã được trao ban, đó chính là Giáo Hội mà chúng ta biết và yêu mến. Đối với những người khác, căn tính Kitô giáo luôn có tính tạm thời, nó nằm ở phía trước, khi chúng ta tiến về Vương Quốc, nơi mà mọi bức tường sẽ bị phá đổ. Cả hai ý tưởng này đều cần thiết! Nếu chúng ta nhấn mạnh đến căn tính đã được trao ban: Công giáo là như thế này! thì chúng ta có nguy cơ biến nó thành một giáo phái. Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến cuộc phiêu lưu hướng đi tìm một căn tính vẫn chưa được khám phá thì chúng ta có nguy cơ trở thành một phong trào mơ hồ mang tên Giêsu. Tuy nhiên, Giáo Hội là dấu chỉ và bí tích cho sự hiệp nhất của toàn nhân loại trong Chúa Kitô (LG. 1) bao gồm cả hai ý tưởng đó. Chúng ta lên núi để nếm trải vinh quang nhưng chúng ta cũng phải tiến lên Giêrusalem, nơi có Thượng Hội Đồng đầu tiên của Giáo Hội.
Làm sao chúng ta có thể sống được sự căng thẳng cần thiết này? Mọi thần học đều bắt nguồn từ sự căng thẳng như người ta giương cung để mũi tên được bắn ra. Sự căng thẳng này nằm ở trọng tâm của Tin Mừng Gioan. Thiên Chúa đến và cư ngự trong chúng ta: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, chúng ta sẽ đến và ở với người ấy” (14:23) Nhưng Chúa Giêsu cũng hứa, mái nhà của chúng ta nằm ở nơi Thiên Chúa: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Ga 14,2).
Khi chúng ta nghĩ Giáo hội là một mái nhà, một số người trong chúng ta chủ yếu nghĩ, Thiên Chúa đến cư ngụ nơi mái nhà là chính chúng ta, và những người khác nghĩ, trở về nhà là về với Thiên Chúa. Cả hai ý tưởng này đều đúng. Chúng ta phải nới rộng căn lều cảm thông của mình tới những người có suy nghĩ khác biệt. Chúng ta quý trọng vòng tròn thân mật trên núi, nhưng chúng ta cũng phải đi xuống và tiến lên Giêrusalem như những kẻ lang thang và không có nơi cư ngụ. “Hãy vâng nghe Lời Người”.
Vậy nên trước tiên, Thiên Chúa đến và ở trong chúng ta. Ngôi Lời đã trở nên người phàm trong một người Do Thái ở Palestine đầu thế kỷ thứ nhất, được nuôi dưỡng theo phong tục và truyền thống của dân tộc mình. Ngôi Lời trở nên xác phàm trong mỗi nền văn hóa của chúng ta. Trong những bức tranh Truyền tin của Ý, chúng ta thấy những ngôi nhà xinh xắn bằng đá cẩm thạch, có cửa sổ mở ra, có những cây ô liu, những khóm hồng, khóm huệ. Một hoạ sĩ người Hà Lan vẽ Đức Maria bên cạnh chiếc lò sưởi xinh đẹp, ấm áp để vượt qua cái lạnh. Dù mái nhà của chúng ta có như thế nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn có thể đến và ở lại. Trong ba mươi năm thầm lặng, Thiên Chúa đã đến và ở tại Nadaret. Đó là một nơi tầm thường khiến Nathanaen thốt lên cách khinh miệt: “Từ Nadaret thì có cái gì hay” (Ga 1,46). Philípphê chỉ trả lời: “Hãy đến mà xem.”
Mọi mái nhà của chúng ta là Nadaret. Đó là nơi có Thiên Chúa hiện diện. Thánh Charles de Foucauld nói: “Hãy để cuộc sống ở Nadaret làm hình mẫu cho bạn, trong tất cả sự đơn giản và rộng lớn của nó…Cuộc sống ở Nadaret có thể được sống ở bất cứ đâu. Hãy sống cuộc sống đó ở bất cứ đâu nơi bạn hữu ích nhất cho người lân cận.[3]” Dù chúng ta ở đâu và bất cứ điều gì chúng ta đã làm, Thiên Chúa vẫn đến và cư ngụ nơi chúng ta: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. (Kh 3,20).
Vậy chúng ta hãy quý trọng những nơi chúng ta đã gặp Đấng Emmanuel, là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Chúng ta yêu thích phụng vụ vì trong đó chúng ta thoáng thấy vẻ đẹp thần linh, chúng ta yêu thích ngôi nhà thờ gắn bó thời thơ ấu. chúng ta thích lòng sùng kính bình dân. Tôi rất yêu thích nguyện đường Benedictine Abbey vĩ đại của trường tôi, đó là nơi lần đầu tiên tôi cảm nhận như thể cánh cửa thiên đường mở ra. Mỗi người trong chúng ta đều có ngọn núi Tabor của riêng mình, nơi đó, chúng ta thoáng thấy vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta cần tất cả những điều này. Vì vậy, khi phụng vụ bị thay đổi hoặc nhà thờ bị phá hủy, người ta cảm thấy đau đớn vô cùng như thể ngôi nhà của họ trong Giáo Hội bị phá hủy. Như Phêrô, chúng ta luôn muốn lưu giữ giây phút thân mật.
Mỗi Giáo Hội địa phương là một mái nhà dành cho Thiên Chúa. Đức Mẹ đã hiện ra tại Walsinham thuộc nước Anh, tại các nguyện đường vĩ đại thời Trung cổ, ở Lộ Đức, ở Guadalupe thuộc Mêxicô, Czestochovwa thuộc Ba Lan, La Vang thuộc Việt Nam và Donglu (Thừa Đức) thuộc Trung Quốc. Chẳng có cuộc cạnh tranh nào cho nơi Đức Mẹ hiện ra cả. Ở Anh, chúng tôi nói: “Tin Mừng là Chúa yêu bạn, còn tin buồn là Chúa cũng yêu thương mọi người khác”. Thánh Augustinô nói rằng: “Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như thể chỉ có một người”[4]. Tại Vương cung thánh đường Đức Bà Phi Châu ở Angeria, có dòng chữ: “Priez pour nous et pour les Musulmans” ‘Cầu cho chúng con và cho những người Hồi giáo”.
Thông thường các linh mục nhận thấy con đường Thượng Hội Đồng thật khó để đón nhận. Các giáo sĩ chúng tôi thường là những người coi sóc các nơi thờ phượng và cử hành phụng vụ tại đó. Các linh mục cần có một ý thức mạnh mẽ về căn tính, một esprit de corp – tinh thần đồng đội. Nhưng các giáo sĩ sẽ là ai trong một Giáo Hội không còn tính giáo sĩ? Làm thế nào hàng giáo sĩ có thể đón nhận một căn tính nào khác không mang tính giáo sĩ? Đây là một thách thức lớn đối với việc đổi mới Giáo Hội. Chúng ta hãy đón nhận không sợ hãi một sự hiểu biết mới mang tính huynh đệ về chức linh mục thừa tác! Có thể chúng ta sẽ dần nhận ra, việc đánh mất căn tính này lại là một phần nằm trong căn tính đã có của linh mục. Ơn gọi giáo sĩ là một ơn gọi vượt lên trên mọi căn tính, vì “chúng ta là ai bây giờ vẫn chưa được bày tỏ”. (1Ga 3,2).
Ngày hôm nay, Chúa đến cư ngụ tại những nơi mà thế giới coi thường. Một người anh em Đa Minh chúng tôi tên là Frei Betto mô tả việc làm sao Thiên Chúa đến ở tại một nhà tù ở Brazil. Có một số tu sĩ Đa Minh bị nhốt tù vì phản đối chế độ độc tài (1964-1985). Anh Betto viết: “Vào ngày Giáng sinh, ngày lễ Chúa đến và ở lại, chúng tôi tràn ngập niềm vui. Đêm Giáng sinh trong tù… Cả nhà tù ca hát như thể bài hát đó dành cho chúng tôi, hạnh phúc và tự do, lời hát phải vang lên khắp thế giới. Những nữ tù nhân cất tiếng hát và chúng tôi vỗ tay… Mọi người ở đây đều biết rằng Giáng sinh là như vậy, có ai đó đang được tái sinh. Và với các bài hát, chúng tôi chứng thực rằng chúng tôi cũng đã được tái sinh để đấu tranh cho một thế giới không còn khóc than, không còn hận thù hay áp bức. Thật là tuyệt vời khi nhìn thấy những người trẻ áp mặt sát vào song sắt để cất lên tiếng hát của tình yêu. Đó là kỉ niệm không bao giờ quên được. Đó không phải là cảnh tượng dành cho các thẩm phán, công tố viên hoặc cảnh sát đã bắt giữ chúng tôi. Họ coi vẻ đẹp của đêm nay không thể chấp nhận được. Những kẻ đàn áp sợ một nụ cười, thậm chí cả một nụ cười yếu ớt.”
Vậy khi chúng ta thoáng thấy vẻ đẹp của Chúa nơi núi Tabor, nơi mà, giống như Phêrô, chúng ta muốn dựng lều của mình. Điều đó thật tốt, tuy nhiên “Hãy vâng nghe lời Người”. Chúng ta tận hưởng khoảnh khắc đó nhưng rồi phải xuống và tiếp tục lội bộ đến Giêrusalem. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải trở thành người vô gia cư. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Các môn đệ đi bộ lên Giêrusalem, thành thánh nơi Danh Chúa ngự trị, nhưng Chúa Giêsu thì lại chết bên ngoài tường thành vì lợi ích của tất cả những người sống bên ngoài tường thành, như Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân Người nơi sa mạc và bên ngoài trại. James Alison viết: “Chúa ở giữa chúng ta như một người bị loại ra ngoài”[5]. “Vì thế, Chúa Giêsu đã chịu khổ hình ngoài cửa thành, lấy máu mình mà thánh hoá toàn dân. Vậy ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu.” (Hr 12,12)
Đức Tổng Giám mục Carlos Aspiroz da Costa OP đã viết cho Gia đình Đa Minh khi ngài còn là Tổng Quyền: “Ở ngoài trại” là ở giữa “những người” bị gạt ra bên ngoài. Chính nơi đây chúng ta gặp được Thiên Chúa. Lữ hành đòi chúng ta phải từ bỏ mọi thể chế, đòi chúng ta phải ra khỏi những nhận thức, những niềm tin đóng gói do một nền văn hoá nào đó, vì chính khi “ở ngoài trại”, chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa là Đấng vượt mọi kiểm soát. “Ở ngoài trại” chúng ta gặp gỡ được Người khác, và nhận ra chúng ta là ai và chúng ta phải làm gì.[6]” Chính khi đi ra ngoài mà chúng ta tìm đến một mái nhà mà trong đó “không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. (Gl 3,26).
Vào những năm 1980, khi suy ngẫm về phản ứng của Giáo Hội đối với bệnh Siđa, tôi đã đến thăm một bệnh viện ở London. Người tư vấn nói với tôi rằng có một thanh niên xin gặp một linh mục tên là Timothy. Nhờ Chúa quan phòng, tôi xoay sở để xức dầu cho anh ta ngay trước khi anh qua đời. Anh ấy yêu cầu được cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính toà Westminster, một trung tâm của Công giáo tại Anh. Lễ hôm đó, xung quanh anh gồm những người đi lễ hằng ngày, những người mắc bệnh Siđa, y tá, bác sĩ và những người bạn đồng tính của anh. Anh từng là người phải ở bên ngoài, vì bệnh tật, vì xu hướng tính dục của anh, nhưng giờ đây anh chết và được nằm ở trung tâm. Anh được vây quanh bởi những người mà Giáo Hội một thời đã là nhà của họ và những người mà bình thường chẳng bao giờ đến nhà thờ.
Cuộc sống của chúng ta được nuôi dưỡng bởi những truyền thống và lòng sùng kính đáng quý trọng. Nếu chúng mất đi, chúng ta đau đớn. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ đến tất cả những người chưa từng cảm thấy Giáo Hội là một mái nhà. Đó là những người phụ nữ thấy họ không được công nhận trong chế độ phụ hệ của những ông già da trắng như tôi!; những người cảm thấy rằng Giáo hội quá Tây phương, quá Latinh, quá thuộc địa. Chúng ta phải tiến tới một Giáo Hội trong đó họ không còn ở bên lề mà là ở trung tâm.
Khi Thomas Merton trở thành người Công giáo, ông đã khám phá ra “Thiên Chúa, Đấng mà trở thành trung tâm ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào và không bị chu vi nào giới hạn, đang tìm thấy tôi”. Vì vậy, canh tân Giáo Hội cũng giống như nhào bột làm bánh mì. Người ta kéo các góc cạnh của nắm bột vào giữa và đẩy phần giữa ra bên lề để mọi chỗ được lấp đầy oxy. Người ta làm ra ổ bánh bằng cách phá đi sự phân biệt giữa các góc cạnh và trung tâm, để cho ổ bánh của Thiên Chúa, để trung tâm của Người hiện diện khắp mọi nơi. Người là Đấng có chu vi không ở đâu cả và đang tìm đến chúng ta.
Tôi còn một ý tưởng cuối cùng rất gắn gọn. Nhiều lần trong quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này, người ta đặt ra câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể yên thân trong ngôi nhà Giáo Hội với đầy các bê bối khủng khiếp về lạm dụng tình dục?”. Đối với nhiều người, đây là giọt nước tràn ly. Họ đã thu dọn hành lý và ra đi. Tôi đặt câu hỏi này trong một cuộc họp của các hiệu trưởng Công giáo ở Úc, nơi mà Giáo Hội đã bị biến dạng khủng khiếp bởi vụ bê bối này. Họ đã ở lại như thế nào? Làm sao họ vẫn còn có thể ở nhà?
Một người trả lời bằng cách trích dẫn Carlo Carretto (1910 – 1988), Tu sĩ dòng Tiểu đệ của thánh Charles de Foucauld. Những gì Carretto nói trong đó đã tóm tắt tính mơ hồ của Giáo Hội: vừa là nhà, vừa không phải là nhà của tôi, vừa biểu lộ và vừa che giấu Thiên Chúa.
“Nào tôi đã chẳng chỉ trích người quá nhiều sao, ôi Giáo hội của tôi, dẫu vậy, tôi rất đỗi yêu người! Người làm tôi bị tổn thương hơn bất kỳ ai, nhưng tôi lại mắc nợ người nhiều hơn ai hết. Dẫu muốn thấy người sụp đổ, nhưng tôi lại rất cần sự hiện diện của người. Người mang đến cho tôi biết bao tai tiếng, nhưng chỉ một mình người mới giúp tôi thấy rõ sự thánh thiện của người…Biết bao lần tôi muốn đóng sập cánh cửa tâm hồn trước mặt người – nhưng, mỗi đêm tôi vẫn cứ nguyện xin được từ giã cõi đời trong vòng tay vững chãi của người! Tôi không thể sống xa người, bởi đã nên một với người rồi, cả khi người không còn là mình nữa. Bởi thế, tôi chạy đi đâu đây? Lập nên một Giáo hội khác chăng? Nhưng tôi không thể thiết lập một Giáo hội vắng bóng những khuyết điểm như thế, vì đó cũng là những khuyết điểm của chính tôi.”[7]
Ở cuối Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nếu Chúa ở lại, làm sao chúng ta ra đi được? Thiên Chúa đã ở lại mãi mãi trong chúng ta với tất cả những hạn chế và tai tiếng. Thiên Chúa vẫn ở trong Giáo Hội của chúng ta bất chấp mọi lũng đoạn và lạm dụng. Do đó chúng ta phải ở lại. Thiên Chúa ở với chúng ta để dẫn chúng ta vào những không gian rộng mở hơn của Vương Quốc. Chúng ta cần Giáo Hội là mái nhà hiện tại của chúng ta với tất cả những yếu đuối của nó, nhưng cũng cần hít thở luồng oxy đầy tràn Thánh Thần của mái nhà tương lai không biên giới của chúng ta.
Chuyển ngữ: Tôma Trần Hiệu O.P
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật O.P
Nguồn https://catechesis.net/
—————————–
[1] W. S. Gilbert, The Gondoliers, 1889
[2] Evangelii Gaudium para 47.
[3] Cathy Wright LSJ St Charles de Foucauld: His Life and Spirituality, p.111
[4] Confessions. Book 3
[5] Knowing Jesus p.71
[6] Letter to the Order on Itinerancy (Bản tiếng Việt trong “Can đảm hướng tới tương lai”, Học viện Đa Minh 2016. Tr 707)
[7] Timothy Radciffe OP. Alive in God, Bản tiếng Việt: “Sống sinh động và dồi dào trong Thiên Chúa”. Học viện Đa Minh 2022, Tr. 263-264.
Bài 3: TÌNH BẰNG HỮU
Trong đêm trước khi chịu chết, Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: ‘xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta’ (Ga 17,11). Nhưng ngay từ đầu, trong hầu hết các bản văn Tân Ước, chúng ta thấy các môn đệ đã chia rẽ nhau, tranh cãi, loại trừ nhau. Chúng ta quy tụ nơi Thượng Hội đồng này bởi vì chúng ta cũng bị chia rẽ, rồi chúng ta hy vọng và cầu nguyện cho sự hợp nhất tâm trí. Điều này sẽ là lời chứng quý giá của chúng ta trong một thế giới bị chia cắt bởi xung đột và bất bình đẳng. Thân mình Đức Kitô phải thể hiện sự bình an mà Đức Giêsu đã hứa và thế giới khao khát.
Ngày hôm qua tôi đã trình bày hai nguồn gốc của sự chia rẽ: những niềm hy vọng tương phản nhau và những tầm nhìn khác nhau của chúng ta về Hội Thánh như là nhà. Nhưng chưa cần những căng thẳng này phải chia cắt chúng ta. Chúng ta là những người mang một niềm hy vọng vượt quá hy vọng, và một ngôi nhà Thiên quốc rộng lớn mà trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta rằng có ‘nhiều chỗ ở’ (Ga 14,1).
Dĩ nhiên không phải mọi hy vọng hay ý kiến đều chính đáng. Nhưng chính thống thì mở rộng còn dị giáo thì thu hẹp. Chúa dẫn đàn chiên của Người ra khỏi chuồng chiên nhỏ bé để đến những đồng cỏ rộng lớn của đức tin. Vào Lễ Phục Sinh, Người sẽ dẫn họ ra khỏi căn phòng nhỏ bị đóng kín để vào trong sự vô biên nơi Thiên Chúa, ‘sự dồi dào của Chúa’[1]
Vậy chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe Chúa Giêsu. Nhưng bằng cách nào? Một giám mục người Đức lo ngại về “giọng điệu gay gắt” trong các cuộc thảo luận của công nghị tại nước này. Ngài nói rằng các cuộc thảo luận ấy “giống như một cuộc trao đổi bằng những lời hùng biện” hơn là một cuộc thảo luận có trật tự.’[2] Tất nhiên, những cuộc thảo luận có lý lẽ thuyết phục và có trật tự là cần thiết. Là một tu sĩ Đa Minh, tôi không bao giờ có thể phủ nhận tầm quan trọng của lý trí! Nhưng còn phải hơn thế, nếu chúng ta muốn vượt qua sự khác biệt của mỗi người. Con chiên tin cậy vào tiếng của Chúa vì đó là tiếng của một người bạn. Thượng Hội đồng này sẽ gặt hái thành quả nếu đưa chúng ta đến một tình bằng hữu sâu sắc hơn với Chúa và với nhau.
Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu nói với các môn đệ sắp phản bội, chối bỏ và bỏ rơi Người rằng: “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúng ta được đón nhận tình bạn có sức chữa lành của Thiên Chúa, tình bạn ấy mở toang những cánh cửa ngục tù mà chúng ta tạo ra cho nhau. “Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu” (Vatican II, Dei Verbum, 2). Người đã mở con đường tiến vào tình bằng hữu vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình bằng hữu này được dành cho các môn đệ của Người, cho những người thu thuế và những cô gái điếm, cho các nhà thông luật và ngoại kiều. Đó là hương vị đầu tiên của Vương Quốc.
Cả Cựu Ước lẫn Hy Lạp và La Mã cổ đại đều coi tình bằng hữu như trên là không thể. Vì tình bằng hữu chỉ nảy sinh giữa những người tốt. Tình bằng hữu với kẻ gian ác được coi là không thể. Như Thánh vịnh 26 viết: “Con không ngồi chung với quân xảo trá, chẳng giao du cùng bọn giả hình” (câu 4). Kẻ xấu không thể có tình bằng hữu vì họ chỉ cộng tác để làm những việc bất chính. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta luôn hướng về những tình bạn khác thường. Người yêu Giacóp – kẻ lừa gạt; và Đavít một kẻ sát nhân và ngoại tình; và Salômôn – một ông vua thờ ngẫu tượng.
Ngoài ra, tình bằng hữu chỉ có thể có giữa những người cùng đẳng cấp. Nhưng ân sủng nâng chúng ta lên tới tình bằng hữu thiêng liêng. Thánh Tôma Aquinô nói: solus Deus deificat, “chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta nên thần thánh.” [i] Hôm nay là lễ các Thiên thần hộ thủ, những dấu chỉ của tình bạn độc đáo mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Đức Thánh cha nói trong lễ các Thiên thần hộ thủ rằng: “Không có người lữ hành nào đi một mình và cũng đừng ai nghĩ mình cô đơn”[3]. Khi chúng ta bước vào cuộc hành trình, mỗi người đều được tình bằng hữu thiêng liêng bao phủ.
Việc rao giảng Tin mừng không bao giờ chỉ là truyền đạt thông tin. Đó là một hành động của tình bằng hữu. Một thế kỷ trước, Vincent McNabb OP đã nói: “Hãy yêu thương những người nghe bạn rao giảng. Nếu không thì đừng giảng. Hãy giảng cho chính mình.” Thánh Đa Minh được cho là được mọi người yêu mến vì ngài yêu thương tất cả mọi người. Xung quanh thánh Catarina Siena là một nhóm bạn hữu: nam nữ, giáo dân và tu sĩ. Họ được gọi là Caterinati, người của Catarina. Thánh Martinô Porres thường xuất hiện với một con mèo, một con chó và một con chuột đang ăn cùng một đĩa. Một hình ảnh đẹp về đời sống tu trì!
Không có tình bằng hữu nào giữa nam và nữ xảy đến dễ dàng trong Cựu Ước. Nước Trời đã xuất hiện nơi Chúa Giêsu, xung quanh Người là bạn bè, cả đàn ông và phụ nữ. Ngay cả ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng không thể có một tình bạn trong sáng giữa nam và nữ. Đàn ông sợ bị buộc tội; phụ nữ sợ đàn ông bạo lực; giới trẻ sợ bị lạm dụng. Chúng ta phải là hiện thân cho tình bằng hữu rộng lớn của Thiên Chúa.
Vì vậy, chúng ta rao giảng Tin mừng với tình bằng hữu vượt qua những ranh giới. Thiên Chúa đã vượt qua sự phân cách giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo. Chúng ta có thể xây dựng những tình bằng hữu bất khả thi nào? Khi chân phước Pierre Claverie được tấn phong làm giám mục Oran ở Algeria vào năm 1981, ngài đã nói với những người bạn Hồi giáo của mình rằng: “Tôi nợ các bạn những gì tôi có ngày hôm nay. Trong việc học tiếng Ả Rập với các bạn, trên hết, tôi đã học được cách nói và hiểu ngôn ngữ của con tim, ngôn ngữ của tình bằng hữu huynh đệ, nơi các chủng tộc và tôn giáo hòa hợp với nhau… Vì tôi tin rằng tình bằng hữu ấy đến từ Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa.’[4] Hãy chú ý, tình bằng hữu đã tạo nên con người của ngài!
Chính vì tình bạn này mà ngài đã bị bọn khủng bố sát hại cùng với một người bạn Hồi giáo trẻ tuổi, Mohamed Bouckichi. Sau lễ phong chân phước, một tiểu phẩm về tình bạn của các vị đã được diễn lại, Pierre et Mohamed. Mẹ của Mohamed đã xem tiểu phẩm về cái chết của con trai bà và bà đã ôm hôn nhân vật đóng vai con bà.
Tin vui mà những người trẻ đang chờ được nghe từ chúng ta đó là Thiên Chúa đến gặp gỡ họ trong tình bằng hữu. Đây là tình bằng hữu mà họ khao khát và tìm kiếm trên Instagram và TikTok. Khi còn là niên thiếu, tôi kết bạn với các linh mục Công giáo. Với họ, tôi đã khám phá ra niềm vui của đức tin. Than ôi, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã làm cho những tình bạn như vậy bị nghi ngờ. Hơn cả tội phạm đến điều răn thứ 6, đó là tội chống lại tình bạn. Vòng tròn sâu nhất trong Thần Khúc của thi sĩ Dante được dành riêng cho những kẻ phản bội lại tình bạn.
Vì vậy, những gì chúng ta sẽ thực hiện trong Thượng Hội đồng này phải đặt trên nền tảng của tình bằng hữu mà chúng ta xây dựng. Có vẻ như không nhiều lắm. Điều đó sẽ không gây chú ý trên các phương tiện truyền thông. ‘Họ đến tận Rome để xây dựng tình bằng hữu! Thật lãng phí!’ Nhưng chính nhờ tình bằng hữu mà chúng ta sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi từ ‘tôi’ sang ‘Chúng tôi’ (IL A. 1. 25). Không có điều này, chúng ta sẽ không đạt được gì cả. Khi Tổng Giám mục Anh giáo Robert Runcie, của Canterbury, đến gặp Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ông đã thất vọng vì dường như không đạt được tiến bộ nào hướng tới sự hiệp nhất. Nhưng Đức Thánh Cha bảo ông hãy tin tưởng. “Tình cảm trong một tập thể đi trước hiệu quả của tập thể”
Tài liệu làm việc đề cập đến sự cô đơn của nhiều linh mục và “nhu cầu của các linh mục là sự chăm sóc, tình bạn và sự hỗ trợ” (B. 2.4., b). Điều cốt yếu của ơn gọi linh mục là nghệ thuật tình bạn. Đây là tình bạn vĩnh cửu, bình đẳng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi đó mọi khuyết điểm của chủ nghĩa giáo sĩ trị sẽ tan biến. Ơn gọi của các bậc cha mẹ cũng có thể cô đơn và cần có tình bạn bền vững.
Tình bạn là một sứ mệnh có tính sáng tạo. Trong tiếng Anh chúng ta nói rằng chúng ta yêu nhau (fall in love) nhưng chúng ta kết bạn (make friends). Sau khi kể dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, Chúa Giêsu hỏi người thông luật: “Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36). Người bảo các môn đệ rằng hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè (Lc 16,9). Trong Thượng Hội đồng, sứ mệnh có tính sáng tạo của chúng ta là xây dựng những tình bạn tưởng như không thể, đặc biệt với những người không cùng quan điểm với chúng ta. Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang nói những điều vô lý, hãy đến và làm bạn với tôi!
Điều này nghe có vẻ lạ lùng! Hãy tưởng tượng tôi sẽ chinh phục bạn với quyết tâm sắt đá để kết bạn với bạn. Bạn sẽ muốn chạy trốn! Nhưng nền tảng của tình bạn chỉ là ở bên nhau. Đó là niềm vui khi có sự hiện diện của người ấy. Chúa Giêsu mời gọi những môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan, lên núi với Người, ba môn đệ này cũng sẽ ở với Người trong vườn Ghếtsêmani. Sau khi Chúa về trời, các môn đệ tìm kiếm một người khác để thay thế Giuđa, một người đã cùng sống với Chúa và với họ. Phêrô nói rằng người ấy phải là “những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời.” (Cv 1,21) Thiêng đàng sẽ chỉ là nơi chúng ta được ở với Chúa. Trong Thánh lễ, chúng ta được nghe lời này bốn lần: “Chúa ở cùng anh chị em”. Đó là tình bạn thiêng thánh. Sơ Wendy Becket mô tả việc cầu nguyện là “gần gũi trước nhan Thiên Chúa”. Và cũng không cần phải nói điều gì.
Trong cuốn sách đề cập về tình bạn thiêng liêng, Thánh Aelred thành Rivaulx, Viện phụ Xitô ở thế kỷ 12, đã viết “Bạn và tôi, chúng ta ở đây, tôi hy vọng rằng Chúa Kitô trở thành trung gian giữa chúng ta. Bây giờ không ai có thể làm phiền chúng ta… Vì vậy, bạn thân mến, ngay bây giờ, hãy đến đây, hãy bộc lộ cõi lòng và nói lên suy nghĩ của mình.” Liệu chúng ta có dám nói lên suy nghĩ của mình không?
Tất nhiên, trong Tổng Hội Dòng Đa Minh, chúng tôi thảo luận rồi đưa ra quyết định. Ngoài ra, chúng tôi cũng cầu nguyện, đi dạo, ăn uống, và giải trí cùng nhau. Chúng tôi trao cho nhau món quà quý giá nhất, đó là thời gian. Chúng tôi xây dựng một đời sống chung. Từ đó, nảy sinh tình bạn tưởng chừng như không thể. Thật là lý tưởng nếu chúng ta làm điều đó trong ba tuần của Thượng Hội đồng thay vì đi dạo một mình vào cuối ngày. Hy vọng rằng chúng ta có thể thực hiện điều này tại các phiên họp tiếp theo của Thượng Hội đồng.
Tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa cho chúng ta một khoảng không gian. Herbert McCabe OP đã viết: ‘Quyền năng của Chúa là quyền năng siêu việt để mọi thứ diễn ra như chúng là. “Hãy có ánh sáng” – sức mạnh sáng tạo chính là sức mạnh làm cho mọi sự trở nên là chính nó, hữu thể người là cái làm cho con người là, không thể can thiệp vào các thụ tạo. Rõ ràng việc sáng tạo không gây ra sự bất đồng nào đối với sự vật, hãy để chúng là chính chúng. Sự sáng tạo duy nhất và tuyệt đối chính là để mọi thứ diễn ra theo cách tự nhiên, và cách nào đó, tình yêu của chúng ta minh họa cho sự sáng tạo ấy.’[5]
Không nói lời nào cũng có thể coi là đủ. Một phụ nữ trẻ người Algeria tên là Yasmina đã để lại một mẩu giấy nhỏ nơi chân phước Pierre Claverie tử đạo. Cô ấy viết trên đó, “Thưa Cha, tối nay, con không có lời nào để nói. Nhưng con chỉ có nước mắt và hy vọng.’[6]
Nếu chúng ta ở bên nhau như thế này, chúng ta sẽ gặp nhau như thể mới gặp nhau lần đầu! Khi Chúa Giêsu dùng bữa với một người thuộc nhóm Pharisêu tên là Simon, thì có một phụ nữ, có thể đó là cô gái điếm, cô ấy bước vào và khóc, lấy nước mắt mà rửa chân cho Chúa Giêsu. Simon thấy ngạc nhiên. Ông Giêsu này có vẻ không biết cô ấy là ai? Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau” (Lc 7,44).
Dân Israel đã khao khát được nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa. Trong nhiều thế kỷ, Israel đã hát: ‘Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ’ (Tv 80,4). Nhưng không thể thấy Thiên Chúa mà còn sống. Dân Israel khao khát một điều vượt quá sức chịu đựng, đó là ánh tôn nhan Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, tôn nhan Thiên Chúa đã được mạc khải. Các mục đồng có thể nhìn Thiên Chúa như một trẻ thơ đang ngủ trong máng cỏ mà vẫn còn sống. Tôn nhan của Thiên Chúa trở nên hữu hình, nhưng đó cũng chính là Thiên Chúa – Đấng đã chết, đôi mắt của Người đã nhắm lại trên cây thánh giá.
Trong Kinh nguyện Thánh Thể II, chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời được hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa. Việc Nhập Thể làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình. Một nhà thần học cổ xưa, có lẽ là thánh Augustinô, ngài tưởng tượng ra cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Tên trộm lành, người đã chết cùng với Chúa Giêsu. Người trộm lành nói: ‘Tôi không nghiên cứu chuyên sâu về Kinh Thánh. Suốt cuộc đời, tôi là một tên cướp. Nhưng trong nỗi đau và sự cô đơn, vào một thời điểm cụ thể, tôi thấy Chúa Giêsu đang nhìn tôi và qua cái nhìn của Người, tôi hiểu được tất cả.”[7]
Trong khoảng thời gian, từ khi Chúa Kitô đến lần thứ nhất cho đến ngày Người quang lâm, chúng ta phải hướng về nhau. Chúng ta nhìn thấy những người được xem như vô hình và nụ cười trên những người cảm thấy xấu hổ. Brian Pierce, một anh em Đa Minh người Mỹ, đã đến dự cuộc triển lãm tranh của các trẻ em đường phố ở Lima, Peru. Dưới bức ảnh của một em bé có chú thích: ‘Saben que existo pero no me ven’- “Họ biết tôi tồn tại, nhưng họ không nhìn thấy tôi”. Họ xem sự hiện diện của tôi như một vấn đề, một sự phiền toái, một con số thống kê, nhưng họ không nhìn thấy tôi!
Ở Nam Phi, lời chào phổ biến là ‘SAWABONA’, ‘Tôi thấy bạn’. Hàng triệu người cảm thấy vô hình. Không ai nhìn họ với sự công nhận. Thường thì người ta bị cám dỗ thực hiện hành vi bạo lực chỉ vì muốn người khác nhìn thấy họ! Nhìn này, tôi ở đây! Cảm giác bị coi là kẻ thù còn tốt hơn là bị xem như vô hình.
Thomas Merton bước vào đời sống tu trì vì muốn thoát khỏi sự gian ác của thế gian. Những năm sống trong Dòng Xitô đã mở mắt ngài trước vẻ đẹp và sự tốt lành của con người. Một ngày nọ, trên đường đi, mắt của ngài như sáng ra. Ngài viết trong nhật ký của mình: ‘Rồi như thể tôi chợt nhìn thấy vẻ đẹp ẩn giấu trong trái tim họ, sâu thẳm nơi trái tim họ, nơi mà tội lỗi, dục vọng hay sự hiểu biết về bản thân đều không thể chạm tới, đó là cõi thâm sâu của chính họ, mỗi người đều ở trong ánh nhìn của Thiên Chúa. Giá như họ có thể nhìn thấy con người thật của mình. Giá như chúng ta có thể nhìn nhau như vậy mọi lúc. Sẽ không còn chiến tranh, không còn hận thù, không còn ham danh lợi.’[8]
Thế giới của chúng ta khao khát tình bằng hữu, nhưng nó bị biến chất bởi những khuynh hướng mang tính phá hoại: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, trong đó mọi người gắn kết với nhau bằng những câu chuyện đơn điệu, những khẩu hiệu dễ dãi, và sự mù quáng của đám đông. Có một chủ nghĩa cá nhân cực đoan, nghĩa là tất cả những gì tôi có đều thuộc câu chuyện đời tư của tôi. Terry Eagleton đã viết ‘Những cuộc hành trình không còn mang tính cộng đồng nhưng chỉ còn là phục vụ cho bản thân, giống như đi nhờ xe hơn là một chuyến du lịch bằng xe khách. Những chuyến hành trình không còn là dịch vụ cho một số đông người nữa mà hầu hết được thực hiện một mình. Thế giới đã không còn là những tường thuật sống động nữa, nghĩa là bạn có thể tự tạo dựng cuộc sống của mình khi bạn tiến bước.’[9] Thế nhưng, ‘câu chuyện của tôi’ là câu chuyện của chúng ta, câu chuyện Tin mừng có thể được kể theo những cách tuyệt vời khác nhau.
Một điểm ngắn gọn cuối cùng, C. S. Lewis nói rằng những người yêu nhau thì nhìn vào nhau, còn bạn hữu thì cùng nhìn về một hướng. Họ có thể không đồng ý với nhau, nhưng ít nhất họ có chung một số nghi vấn. Tôi xin trích dẫn: “Bạn có quan tâm đến cùng một sự thật không?” Nếu một người đồng ý với chúng ta về một số vấn nạn, nhưng lại ít được những người khác – những người có vị thế, quan tâm, thì người ấy có thể là bạn của chúng ta. Người ấy không nhất thiết phải đồng ý với chúng ta về câu trả lời.’[10]
Điều dũng cảm nhất mà chúng ta có thể làm trong Thượng Hội đồng này là chân thành về những nghi ngờ và thắc mắc của chúng ta với nhau, những câu hỏi mà chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Khi đó chúng ta sẽ gần nhau với tư cách là những người cùng tìm kiếm, những người hành khất đi tìm chân lý. Trong tác phẩm Don Quixote của Graham Greene, có một linh mục Công giáo người Tây Ban Nha và vị thủ tướng cộng sản cùng nhau đi nghỉ. Một ngày nọ, họ dám chia sẻ những nghi ngờ của mình cho nhau. Vị linh mục nói, ‘thật kỳ lạ khi việc chia sẻ những nghi ngờ lại có thể gắn kết con người lại với nhau, có lẽ còn hơn cả việc chia sẻ một đức tin. Người có đức tin sẽ đấu tranh với một người có đức tin khác vì sự khác biệt; người nghi ngờ chỉ chiến đấu với chính mình.’[11]
Đức Thánh cha Phanxicô đã nói trong cuộc đối thoại với Rabbi Skorka rằng: ‘Người lãnh đạo cao cả nhất của dân Chúa phải là những người phải biết dành chỗ cho sự hoài nghi…Và ai muốn trở thành người lãnh đạo dân Chúa thì phải dành cho Chúa một không gian; đó là phải thu mình lại, trải nghiệm nội tâm về việc không biết phải làm gì. Đó chính là dành không gian cho Thiên Chúa và hành động của Người.[12] Vì thế, để thu mình lại, rút lui vào bên trong với sự nghi ngờ, trải nghiệm nội tâm về sự tăm tối, về việc không biết phải làm gì; tất cả những điều đó, cuối cùng đều rất thanh khiết. Người lãnh đạo tồi là người tự tin nhưng bướng bỉnh. Một trong những đặc điểm của một người lãnh đạo tồi là quá chuẩn mực trong sự tự tin của mình.[13] (Thiên Đàng và Trần Thế, 52)
Nếu không chia sẻ những mối bận tâm về chân lý, vậy điều gì là nền tảng cho tình bằng hữu ở đây? Rất khó để có tình bằng hữu trong xã hội của chúng ta, một phần bởi vì xã hội hoặc đã mất sự tin tưởng vào chân lý, hoặc vẫn bám vào những chân lý nền tảng hạn hẹp mà không thể bàn cãi. Solzhenitsyn nói ‘một lời chân lý có giá trị hơn toàn bộ thế giới’[14]. Một trong những người anh em của tôi đi xe buýt nghe thấy câu chuyện của hai người phụ nữ ngồi trước anh. Một người phàn nàn về những đau khổ mà cô phải chịu, người còn lại nói: “Em tôi ơi, em phải thản nhiên về điều đó”. “Thản nhiên” có nghĩa là gì? “Nó có nghĩa là đừng suy nghĩ về điều đó.”
Tình bằng hữu triển nở khi chúng ta dám chia sẻ những nghi ngờ của nhau và cùng nhau tìm kiếm sự thật. Điều gì có thể trao đổi với những người đã biết mọi thứ rồi, hoặc những người hoàn toàn đồng ý? Nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm được điều này? Đó là chủ đề của bài chia sẻ tiếp theo.
Chuyển dịch: Raymunđô Hoài Thanh OP & Đa Minh Anh Vũ OP
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật OP
Nguồn https://catechesis.net/
[1] Earliest use found in Thomas Bacon (1512/13–1567)
[2] The Tablet, Christa Pongratz-Lippitt 20 March 2023
[3] Homily for the Feast of the Guardian Angels, 2014
[4] Cardinal Murphy O’Connor, A Life Poured Out, p. viii
[5] God Matters, Darton, Longman and Todd, London, 1987, p. 108
[6] Paul Murray OP, Scars: Essays, poems and meditations on affliction, Bloomsbury 2014, p. 47
[7] Quoted by Paul Murray OP, Scars p. 143
[8] quoted Willam H. Shannon Seeds of Peace: Contemplation and non-violence New York 1996 p. 63
[9]Terry Eagleton, “What’s Your Story?”, in London Review of Books, February 16, 2023 https://www.lrb.co.uk/the-paper/v45/n04/terry-eagleton/what-s-your-story
[10] P. 66
[11] Monsignor Quixote. New York: Peguin Classics (1982) 2008, pg 41
[12] Theo bản dịch tiếng Ý.
[13] Bergoglio, Jorge Mario and Abraham Skorka. On Heaven and Earth. New York: Image (2010) 2013 p.52 quoted in Marc Bosco, SJ ‘Colouring Catholicism: Green in the Age of Pope Francis?
[14] Discorso al conferimento del premio Nobel 1970, “Una parola di verià”
Bài 4: CUỘC ĐỐI THOẠI TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS
Chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường đồng nghị trong tình bằng hữu. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Tình bằng hữu với Thiên Chúa và với nhau, bắt nguồn từ niềm vui được ở bên nhau nhưng cần phải có “lời nói”. Tại Xêdarê Philípphê cuộc đối thoại bị phá vỡ. Đức Giêsu đã gọi Phêrô là “Xatan”, kẻ cản đường. Trên ngọn núi cao, Phêrô vẫn không biết phải nói gì nhưng các môn đệ bắt đầu lắng nghe Đức Giêsu và cuộc trò chuyện lại bắt đầu trong cuộc hành trình lên Giêrusalem.
Trên đường đi, các môn đệ cãi nhau, các ông không hiểu những lời Đức Giêsu nói và rồi chạy trốn, bỏ rơi Người. Sự im lặng trở lại. Nhưng Chúa Phục Sinh hiện ra và ban cho các môn đệ những lời chữa lành để họ đối thoại với nhau. Chúng ta cũng cần những lời chữa lành vượt qua những ranh giới chia rẽ: ranh giới ý thức hệ giữa cánh tả và cánh hữu; những ranh giới văn hóa phân chia lục địa này với lục địa khác, và cả những căng thẳng đôi khi làm chia rẽ giữa người nam và người nữ. Những lời nói có tính chia sẻ là huyết mạch của Giáo hội. Giữa một thế giới mà người ta thiếu lắng nghe nhau gây nên những xung đột thì chúng ta cần tìm ra những lời nói có tính chia sẻ này. Việc đối thoại dẫn đến sự biến đổi.
Cuộc đối thoại nên bắt đầu như thế nào? Trong sách Sáng Thế, sau phần trình thuật về cuộc sa ngã, có một sự im lặng khủng khiếp. Sự im lặng giữa hai người trong vườn Eden đã trở thành sự im lặng của sự xấu hổ. Ađam và Evà đã lẩn trốn. Thiên Chúa đã vượt qua vực thẳm của sự im lặng đó như thế nào? Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi hai ông bà kết lá vả che thân để che giấu sự bối rối. Bây giờ họ đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại đầu tiên trong Kinh Thánh. Thiên Chúa đã phá vỡ sự im lặng bằng một câu hỏi đơn giản: “Ngươi ở đâu?” Đây không phải là một câu hỏi nhằm tìm kiếm thông tin, nhưng đó là một lời mời gọi hai ông bà bước ra ánh sáng và đứng trước mặt Thiên Chúa.
Có lẽ đây là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta nên dùng để phá vỡ sự im lặng ngăn cách chúng ta; không phải những câu hỏi đại loại như: “Tại sao bạn có những quan điểm khác thường về phụng vụ?” Hoặc “Tại sao bạn đi ngược lại quan điểm Giáo Hội, tại sao bạn lại là con quái vật dị thường?” hoặc “Tại sao bạn giả điếc với tôi?” Thế nhưng nên đặt những câu hỏi “Bạn đang ở đâu?” “Bạn đang lo lắng về điều gì?” Đây chính là con người tôi. Thiên Chúa mời Ađam và Evà ra khỏi nơi ẩn náu và trình diện trước Chúa. Nếu mỗi người cũng bước ra ánh sáng và để mọi người nhìn nhận chúng ta như chúng ta là, thì mỗi người sẽ tìm được “lời đối thoại” với nhau. Trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này, chính các giáo sĩ thường là những người ngần ngại trong việc bước ra ánh sáng và chia sẻ những lo lắng và nghi ngờ của mình. Có lẽ chúng ta sợ mình bị nhìn thấy đang trần truồng. Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích nhau không sợ trần truồng?
Sau khi Chúa Phục Sinh, những câu hỏi đã phá vỡ sự im lặng của ngôi mộ trống. Trong Tin Mừng Gioan, “Tại sao chị khóc?” Trong Tin Mừng Luca, “Tại sao các chị lại tìm người sống giữa những kẻ chết?” Khi các môn đệ trên đường về Emmau, họ đầy phẫn nộ và thất vọng. Những người phụ nữ khẳng định đã nhìn thấy Chúa, nhưng họ chỉ là phụ nữ. Ngay cả ngày nay, đôi khi phụ nữ dường như không được tính đến! Các môn đệ đang rời bỏ khỏi cộng đoàn Giáo Hội, giống như rất nhiều người ngày nay. Đức Giêsu không chặn đường họ hay lên án họ. Người hỏi “Các anh đang trao đổi về chuyện gì vậy?” Những hy vọng và thất vọng đang khuấy động trong lòng các anh là gì? Các môn đệ đang nói một cách buồn rầu. Tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là: “Những lời mà các anh đang ném vào nhau là gì vậy?” Vì vậy, Đức Giêsu mời họ chia sẻ sự phẫn nộ của họ cho Người. Họ đã hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ là người cứu chuộc Israel, nhưng họ đã lầm. Người đã chết. Vì vậy, Đức Giêsu bước đi cùng họ và mở lòng đón nhận sự phẫn nộ và sợ hãi của họ.
Thế giới của chúng ta đầy dẫy sự thất vọng. Chúng ta nói về chính trị của phẫn nộ. Một cuốn sách gần đây có tên là Sự thịnh nộ của người Mỹ. Sự phẫn nộ này cũng ảnh hưởng đến Giáo Hội của chúng ta. Một sự phẫn nộ chính đáng trước việc lạm dụng tình dục trẻ em. Phẫn nộ trước vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Phẫn nộ với những người quá bảo thủ hoặc quá tự do. Chúng ta có dám hỏi nhau, như Chúa Giêsu hỏi: “Anh em đang trao đổi về chuyện gì vậy? Tại sao bạn phẫn nộ?” Chúng ta có dám nghe câu trả lời không? Đôi khi tôi cảm thấy chán nản khi phải nghe những lời giận dữ này. Tôi không thể chịu đựng khi phải nghe thêm về những điều tương tự như thế. Nhưng tôi phải lắng nghe, như Chúa Giêsu đã làm, đồng hành cùng các môn đệ về Emmau.
Nhiều người hy vọng Thượng Hội đồng này sẽ lắng nghe tiếng nói của họ. Họ cảm thấy bị phớt lờ và không có tiếng nói. Họ đúng. Chúng ta sẽ không thể đối thoại nếu trước tiên chúng ta không lắng nghe. Chúa gọi đích danh con người. Ápraham, Ápraham; Môsê, Samuen. Các ngài trả lời bằng một từ Do Thái hoa mỹ “Hinneni”, “Con đây”. Chúng ta được hiện hữu dựa trên nền tảng Thiên Chúa gọi tên từng người chúng ta và chúng ta lắng nghe lời Người. Không phải kiểu của triết gia Descartes “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu” nhưng phải là “tôi lắng nghe nên tôi hiện hữu”. Chúng ta ở đây để lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Như người ta thường nói rằng chúng ta có hai tai nhưng chỉ có một cái miệng! Chỉ sau khi lắng nghe mới có lời nói.
Chúng ta lắng nghe không chỉ những gì mọi người đang nói mà cả những gì họ đang muốn nói. Chúng ta lắng nghe cả những lời chưa được nói ra, những lời mà họ tìm kiếm. Người Sicile có một câu nói thế này: “La miglior parola è quella che non si dice”[1]. “Lời hay nhất là lời chưa được nói ra”. Chúng ta lắng nghe khi họ nói đúng, hay khi chỉ đúng một phần nào đó, và ngay cả khi họ nói là sai. Chúng ta lắng nghe với niềm hy vọng chứ không phải khinh thường. Dòng Đa Minh chúng tôi có một quy định về Tổng Hội. Những gì anh em nói không bao giờ là vô nghĩa. Lời ấy có thể là thông tin sai, phi logic, hay thực sự không đúng. Nhưng đâu đó trong lời nói sai lầm của họ là một sự thật tôi cần được nghe. Chúng ta là những người hành khất đi tìm sự thật. Các anh em tiên khởi đã nói về thánh Đa Minh rằng “ngài hiểu mọi sự nhờ trí khôn ngoan đầy khiêm nhường của ngài”[2].
Có lẽ các Dòng tu có điều gì đó để hướng dẫn Giáo Hội về nghệ thuật đối thoại. Thánh Biển Đức dạy chúng ta tìm kiếm sự đồng thuận; Thánh Đa Minh thích thảo luận, Thánh Catarina Siena thích trò chuyện, và Thánh Inhaxiô Lôyôla dạy về nghệ thuật phân định. Thánh Philiphê Nêri cho thấy vai trò của tiếng cười.
Nếu chúng ta thực sự lắng nghe, những câu trả lời mà chúng đã chuẩn bị sẵn trong đầu sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ im lặng và không nói nên lời, giống như Dacaria trước khi ông cất lên tiếng hát. Nếu tôi không biết phải trả lời thế nào trước nỗi đau hoặc sự bối rối của anh chị em mình, tôi phải hướng về Chúa và cầu xin Chúa cho tôi biết phải nói những gì. Sau đó cuộc đối thoại có thể bắt đầu.
Cuộc đối thoại cần một bước nhảy đó là hình dung về kinh nghiệm của người khác. Nhìn bằng mắt, nghe bằng tai. Chúng ta cần đi vào nội tâm của họ. Lời nói của họ xuất phát từ kinh nghiệm nào? Họ mang theo nỗi đau hay hy vọng gì? Họ đang đi trên hành trình nào?
Đã có một cuộc tranh luận sôi nổi trong Tổng Hội của Dòng Đa Minh về bản chất của việc rao giảng, đó luôn là một chủ đề nóng bỏng đối với các tu sĩ Đa Minh! Tài liệu được đề xuất cho Tổng Hội hiểu việc rao giảng như một cuộc đối thoại: chúng ta tuyên xưng đức tin của mình bằng cách bước vào cuộc đối thoại. Nhưng một số nghị huynh quyết liệt không đồng ý, cho rằng điều này gần giống với thuyết tương đối. Họ nói “Chúng ta phải rao giảng về chân lý một cách mạnh dạn”. Dần dần, người ta thấy rằng những anh em đang tranh luận về vấn đề này đang nói về những trải nghiệm rất khác nhau.
Tài liệu mà tôi nói ở trên được viết bởi một người anh em ở Pakistan, nơi mà Kitô giáo nhất thiết phải đối thoại thường xuyên với Hồi giáo. Ở Châu Á, không có việc rao giảng mà không có đối thoại. Những anh em phản ứng quyết liệt với tài liệu này chủ yếu là người thuộc Liên Xô cũ. Đối với họ, ý tưởng đối thoại với những người đã cầm tù họ chẳng có ý nghĩa gì. Để vượt qua sự bất đồng, lập luận hợp lý là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Bạn phải hình dung được tại sao người khác lại giữ quan điểm của họ. Kinh nghiệm nào đã dẫn họ đến quan điểm này? Họ phải chịu những vết thương gì? Niềm vui của họ là gì?
Điều này đòi hỏi phải lắng nghe bằng tất cả trí tưởng tượng của một người. Tình yêu luôn là chiến thắng của trí tưởng tượng, còn hận thù là sự thất bại của trí tưởng tượng. Hận thù là trừu tượng. Tình yêu phải cụ thể. Trong cuốn tiểu thuyết Vinh Quang và Quyền Lực của Graham Greene, một người anh hùng, một linh mục nghèo hèn, nói: “Khi bạn nhìn thấy những nếp nhăn ở khóe mắt, hình dáng của cái miệng, cách mà mái tóc mọc ra, bạn không thể ghét được. Sự căm ghét chỉ là sự thất bại của trí tưởng tượng mà thôi.”
Chúng ta cần vượt qua các ranh giới không chỉ giữa cánh tả và cánh hữu, hay ranh giới văn hóa, mà cả ranh giới thế hệ. Tôi có đặc ân được sống với các tu sĩ Đa Minh trẻ, những người có hành trình đức tin khác với tôi. Nhiều tu sĩ và linh mục thuộc thế hệ của tôi lớn lên trong những gia đình Công giáo mạnh mẽ. Đức tin thấm sâu vào đời sống hằng ngày của chúng tôi. Công đồng Vatican II mang đầy tính phiêu lưu khi tiếp cận với thế giới trần tục. Các linh mục người Pháp đến làm việc trong các nhà máy. Chúng tôi để lại chiếc áo dòng và đắm mình vào thế giới. Một chị tức giận khi thấy tôi mặc chiếc áo dòng đã nói: “Sao em vẫn mặc bộ đồ cũ đó?”
Ngày nay, nhiều người trẻ lớn lên trong một thế giới trần tục, theo thuyết bất khả tri hoặc thậm chí là vô thần, đặc biệt là ở phương Tây nhưng ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi. Cuộc phiêu lưu của họ là khám phá Tin Mừng, Giáo Hội và truyền thống. Họ vui vẻ mặc chiếc áo dòng. Cuộc hành trình của chúng tôi trái ngược nhau nhưng không mâu thuẫn nhau. Giống như Chúa Giêsu, tôi phải đồng hành với họ và tìm hiểu điều gì khiến tâm hồn họ phấn khởi. “Bạn đang nói về cái gì vậy?” “Bạn thường hay xem phim gì?” “Bạn yêu thích thể loại nhạc gì?” Rồi chúng ta sẽ trao cho nhau những lời nói.
Tôi phải hình dung xem họ nhìn tôi như thế nào! Tôi là ai trong cái nhìn của họ? Có lần tôi đạp xe quanh Sài Gòn với một nhóm sinh viên Đa Minh Việt Nam. Chuyện này đã rất lâu rồi trước khi khách du lịch trở nên phổ biến. Chúng tôi chạy vòng qua góc đường thì thấy có một nhóm du khách người Tây. Họ trông thật to lớn, mập mạp và có màu da kỳ lạ. Thật là kỳ quặc. Sau đó tôi nhận ra rằng trông tôi cũng giống như vậy!
Khi các môn đệ trên đường về Emmau, họ lắng nghe một người lạ mặt gọi họ là những kẻ chẳng biết gì và thật khác biệt với họ. Người này cũng đang phẫn nộ! Nhưng họ bắt đầu thích thú với lời nói của người lạ mặt này. Trong thâm tâm, trái tim họ bừng cháy. Trong Thượng Hội đồng, chúng ta có thể học được niềm vui ngây ngất khi sự bất đồng dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc không? Hugo Rahner, em trai của Karl (và dễ hiểu hơn nhiều!) đã viết một cuốn sách On homo ludens – nhân loại vui tươi[3]. Chúng ta hãy học cách nói chuyện với nhau một cách vui tươi! Như Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng trong Gioan chương 4.
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta nghe rằng trong thời gian viên mãn, “Tại các quảng trường trong thành phố, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa” (Dcr 8,5) Tin Mừng mời gọi tất cả chúng ta hãy trở nên trẻ nhỏ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Chúng ta chuẩn bị cho Nước Trời bằng cách trở nên vui tươi, trẻ thơ nhưng không trẻ con. Đôi khi chúng ta ở trong Giáo Hội chịu đau khổ bởi sự quá nghiêm túc mang tính nặng nề và buồn tẻ. Chẳng trách người ta chán!
Vào đêm của thiên niên kỷ mới, trong khi chờ đợi ở Cote d’Ivoire để bắt chuyến bay tới Angola, tôi ngồi trông một chỗ tối với các sinh viên Đa Minh, cùng uống bia và thoải mái trò chuyện về những gì thân thương nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì được trở nên khác biệt, có những trí tưởng tượng khác nhau. Niềm vui trong sự khác biệt! Tôi sợ mình sẽ lỡ chuyến bay nhưng đã trễ ba ngày! Sự khác biệt mang tính phong nhiêu, có tính nảy nở. Mỗi người chúng ta là kết quả của sự khác biệt tuyệt vời giữa nam và nữ. Nếu chúng ta trốn tránh sự khác biệt, chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi và không có con cái, trong gia đình và trong Giáo Hội của mình. Một lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các bậc cha mẹ tại Thượng Hội đồng này! Các gia đình có thể dạy Giáo Hội rất nhiều về cách đối phó với sự khác biệt. Cha mẹ học cách tiếp cận những đứa trẻ khi chúng đưa ra những lựa chọn khó hiểu nhưng vẫn biết rằng chúng còn có một mái ấm gia đình.
Nếu chúng ta có thể khám phá ra niềm vui khi tưởng tượng tại sao anh chị em chúng ta lại có những quan điểm mà chúng ta thấy là kỳ quặc, thì một mùa xuân mới sẽ bắt đầu trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta món quà nói được các ngôn ngữ khác.
Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không cố gắng kiểm soát cuộc trò chuyện. Người hỏi các môn đệ đang nói về điều gì; Người đi đến nơi mà hai môn đệ này muốn đi chứ không phải nơi Người muốn đi; Người chấp nhận lòng hiếu khách của họ. Một cuộc trò chuyện thực sự không thể bị kiểm soát. Một người đầu hàng bởi chính định hướng của mình. Chúng ta không thể đoán trước được cuộc đối thoại này sẽ dẫn chúng ta tới Emmau hay Giêrusalem. Thượng Hội đồng này sẽ dẫn Giáo Hội đến đâu? Nếu biết trước thì có cũng chẳng ích gì! Chúng ta hãy để mình ngạc nhiên!
Do đó, cuộc đối thoại đích thực có nhiều rủi ro. Nếu chúng ta cởi mở với người khác trong cuộc đối thoại không bị ràng buộc, chúng ta sẽ được biến đổi. Mỗi tình bạn sâu sắc mang lại cho cuộc sống của tôi một kiểu mẫu và bản sắc của tôi, mà điều đó chưa từng tồn tại trước đây. Tôi trở thành một người mà tôi chưa bao giờ trở thành trước đây. Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo sống đạo tuyệt vời. Khi trở thành một tu sĩ Đa Minh, tôi kết bạn với những người thuộc hoàn cảnh khác, nền chính trị hoàn toàn khác, điều mà gia đình tôi cảm thấy lo lắng! Khi về nhà ở với gia đình, tôi sẽ là ai? Làm thế nào tôi có thể dung hòa con người mà tôi đã từng là với những người thân trong gia đình và con người mà tôi đang trở thành với các tu sĩ Đa Minh?
Mỗi năm tôi làm quen với những tu sĩ Đa Minh mới gia nhập với những xác tín khác nhau và những cách nhìn thế giới khác nhau. Nếu tôi mở lòng với họ trong tình bạn, tôi sẽ trở thành ai? Ngay cả khi tôi đã cao tuổi, danh tính của tôi vẫn phải luôn được để ngỏ. Trong cuốn tiểu thuyết Đừng nói chúng ta không có gì của Madeleine Thiên viết về người Hoa nhập cư ở Mỹ, một nhân vật đã nói: ‘Đừng bao giờ cố gắng trở thành một điều gì đó duy nhất, một con người hoàn hảo. Nếu có rất nhiều người yêu bạn, liệu bạn có thể thật sự là một điều duy nhất ấy không?’[4] Nếu chúng ta cởi mở với nhiều tình bạn, bản sắc của chúng ta sẽ không được xác định một cách gò bó, đơn điệu. Nếu chúng ta cởi mở với nhau trong Thượng Hội đồng này, tất cả chúng ta sẽ được biến đổi. Sẽ phải qua cái chết để được phục sinh.
Cha Giám sư Tập sinh Dòng Đa Minh người Philippines có một mẩu thông báo trước cửa phòng: “Hãy tha thứ cho tôi. Tôi đang tiến hành một công việc.” Sự gắn kết còn ở phía trước, trong Nước Trời. Khi đó, tính “sói” và “chiên” trong mỗi chúng ta sẽ hòa thuận với nhau. Nếu bây giờ chúng ta mang những bản sắc cố định, khép kín được viết trên đá, chúng ta sẽ không bao giờ biết được những khía cạnh mới về con người chúng ta, nếu không mở ra với những cuộc phiêu lưu của tình bằng hữu. Chúng ta sẽ không thể mở ra với tình bằng hữu rộng lượng của Chúa.
Khi họ đến Emmau, chuyến hành trình từ Giêrusalem dừng lại. Chúa Giêsu có vẻ như muốn đi xa hơn, nhưng nghịch lý thay, các môn đệ mời vị Chúa của ngày Sabát ở lại với họ. “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Chúa Giêsu chấp nhận lòng hiếu khách của họ giống như ba người xa lạ trong Sáng Thế chương 18 đã chấp nhận lòng hiếu khách của Ápraham. Chúa là khách của chúng ta. Chúng ta cũng phải có lòng khiêm nhường để làm những vị khách. Bản đệ trình của người Đức nói rằng chúng ta phải rời bỏ ‘vị thế thoải mái của người tiếp đón để cho phép mình được đón tiếp vào trong sự hiện diện của những người đồng hành với chúng ta trên hành trình nhân loại’.
Marie-Dominique Chenu OP, nghị phụ uyên bác trong Công đồng Vatican II, thường ra ngoài vào buổi tối, ngay cả khi ngài đã tám mươi tuổi. Ngài đi ra để lắng nghe tiếng nói của những người lãnh đạo công đoàn, giới học giả, nghệ sĩ, gia đình và chấp nhận lòng hiếu khách của họ. Vào buổi tối, chúng tôi gặp nhau uống bia và ngài hỏi: “Hôm nay anh học được gì? Anh đã ngồi ở bàn của ai? Anh đã nhận được những món quà nào?’ Giáo Hội ở mọi châu lục đều có những món quà dành cho Giáo Hội hoàn vũ. Chỉ lấy một ví dụ, các anh em của tôi ở Châu Mỹ Latinh đã dạy tôi phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo, đặc biệt là người anh em yêu quý của chúng tôi, Gustavo Gutiérrez. Chúng ta có nên nghe những người này trong các cuộc tranh luận của chúng ta trong tháng 10 này không? Chúng ta sẽ học được gì từ anh chị em chúng ta ở Châu Á và Châu Phi?
“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-31). Đôi mắt của họ đã được mở ra. Trong đoạn trên, chúng ta nghe cụm từ đó là khi Ađam và Evà hái trái từ Cây Sự Sống, mắt họ mở ra và họ biết mình trần truồng. Đây là lý do tại sao một số nhà chú giải cổ xưa cho rằng hai người môn đệ ấy là Clêôpát và vợ ông, một cặp vợ chồng, một Ađam và Evà mới. Bây giờ họ ăn bánh sự sống.
Một suy nghĩ nhỏ cuối cùng: Khi Chúa Giêsu biến mất, họ nói: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) Dường như chỉ sau khi gặp Chúa họ mới trở nên như vậy, nhận thức được niềm vui mà họ có được khi bước đi với Chúa. Thánh John Henry Newman nói rằng chỉ khi nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta mới nhận ra Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta như thế nào. Tôi cầu nguyện rằng đây cũng sẽ là trải nghiệm của chúng ta.
Trong Thượng Hội đồng này, chúng ta sẽ giống như những môn đệ trên. Đôi khi chúng ta không nhận thức được ân sủng của Chúa đang hành động trong chúng ta và thậm chí có thể nghĩ rằng tất cả điều đó chỉ là lãng phí thời gian. Nhưng tôi cầu xin Chúa để sau này nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa luôn ở bên chúng ta và lòng chúng ta bừng cháy.
Chuyển ngữ: Raymunđô Lê Hoài Thanh O.P
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật O.P
Nguồn https://catechesis.net/
[1] “La megliu parola è chiddra chi nun si dici”
[2] ‘humili cordis intelligentia’
[3] Man at Play or Did you ever pratice eutrapelia? Translated by Brian Battershaw and Edward Quinn, Compass Books, London, 1965.
[4] Granta, London, 2016, p.457
Bài 5: THẨM QUYỀN
Sẽ chẳng có cuộc đối thoại hiệu quả giữa chúng ta, nếu chúng ta không nhận ra rằng mỗi người nói với thẩm quyền. Tất cả chúng ta đều được chịu phép rửa trong Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Ủy ban Thần học Quốc tế, trong tài liệu Về Cảm thức đức tin, trích thư Gioan: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết…Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự.” (1Ga 2, 20.27).
Nhiều giáo dân đã ngạc nhiên vì trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng lần này, họ thấy mình lần đầu tiên được lắng nghe. Họ nghi ngờ thẩm quyền của chính mình và đặt câu hỏi, “Có thật là tôi có thể trao tặng điều gì đó?”(B.2.53). Nhưng không chỉ giáo dân mới thấy mình thiếu đi thẩm quyền. Cả Giáo Hội đang bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng về thẩm quyền. Một Tổng Giám mục Á châu phàn nàn mình không còn có thẩm quyền. Ngài nói: “Các linh mục đều là những nam tước độc lập, họ không còn để ý đến tôi.” Nhiều linh mục cũng nói, họ không còn uy nữa. Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã làm chúng ta mất đi uy tín.
Toàn thế giới cũng đang phải chịu một cuộc khủng hoảng về thẩm quyền. Nhiều tổ chức đánh mất thẩm quyền. Các chính trị gia, luật pháp, báo chí đều cảm thấy thẩm quyền của họ đang ngày càng cạn kiệt. Thẩm quyền dường như luôn thuộc về người khác: Hoặc là nơi có những kẻ độc tài đang nắm quyền chuyên chế hoặc thuộc các phương tiện truyền thông mới, hoặc thuộc về những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng. Thế giới khao khát những tiếng nói có thẩm quyền cho ý nghĩa của cuộc sống con người. Thay vào đó, những tiếng nói nguy hiểm đang đe doạ lấp đầy chỗ trống. Đó là một thế giới mà sức mạnh của nó không đến từ thẩm quyền nhưng bằng các hợp đồng, ký kết ngay cả trong gia đình, đại học và trong Giáo Hội.
Vậy làm thế nào Giáo Hội có thể lấy lại thẩm quyền của mình và nói chuyện với thế giới đang khao khát một tiếng nói chân thực? Tác giả Tin Mừng Luca cho biết, khi Đức Giêsu giảng dạy, “Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền”. (Lc 4,32). Người ra lệnh cho lũ quỷ và chúng tuân theo. Ngay cả gió và biển cũng vâng theo lệnh của Người. Đức Giêsu thậm chí còn có thẩm quyền triệu hồi người bạn đã chết của mình: “Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,43). “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (28,18) là những lời cuối cùng trong Tin Mừng Mátthêu.
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, tại Cêsarê Philípphê, có một cuộc khủng hoảng lớn về thẩm quyền khiến cho cuộc khủng hoảng đương thời của chúng ta dường như chẳng là gì cả! Đức Giêsu nói với những người bạn thân tín, Người phải lên Giêrusalem, ở đó Người sẽ đau khổ, chết và sống lại. Các môn đệ không chấp nhận những lời này. Thế rồi Đức Giêsu đưa các ông lên núi và biến đổi hình dạng trước mặt các ông.
Thẩm quyền của Đức Giêsu được tỏ lộ bằng sự biến đổi trong vinh quang dưới sự chứng giám của Môsê và Êlia. Đó là một thứ thẩm quyền chạm đến đôi tai, con mắt, tâm hồn và trí khôn của các môn đệ. Hay khác đi, nó tác động đến trí tưởng tượng của họ. Cuối cùng họ lắng nghe lời Người!
Phêrô khi ấy được tràn ngập niềm vui và thốt lên: Chúng con ở đây thì tốt quá! Teilhard de Chardin nói một câu nổi tiếng: “Niềm vui là dấu hiệu không sai lầm về sự hiện diện của Chúa”. Đây là niềm vui mà Sơ Maria Ignazia đã nói sáng nay, niềm vui của Mẹ Maria. Không có niềm vui thì không ai trong chúng ta có chút thẩm quyền nào. Chẳng ai tin nổi một Kitô hữu khốn khổ! Trong Cuộc Biến Hình, niềm vui này phát xuất từ ba nguồn: vẻ đẹp, sự thiện và sự thật. Chúng ta có thể kể đến nhiều loại thẩm quyền khác. Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris) của Thượng Hội Đồng nhấn mạnh đến thẩm quyền của người nghèo. Còn có thẩm quyền khác thuộc về truyền thống và phẩm trật cùng với sứ vụ hiệp nhất.
Điều tôi muốn khai triển sáng nay chính là sự đa dạng của thẩm quyền và sự hỗ tương giữa chúng. Không nhất thiết phải có sự cạnh tranh, như thể giáo dân sẽ chỉ có nhiều thẩm quyền hơn nếu thẩm quyền của các Giám mục giảm bớt lại, hay những người gọi là bảo thủ cạnh tranh thẩm quyền với những người cấp tiến. Chúng ta có thể bị cám dỗ ném lửa vào những người mà chúng ta coi là những kẻ chống đối chúng ta, giống như các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9, 51-56). Tuy nhiên, nơi Ba Ngôi không có sự cạnh tranh. Cha, Con và Thánh Thần không tranh giành quyền lực, cũng như không có sự cạnh tranh giữa bốn sách Tin Mừng.
Chúng ta sẽ nói với thẩm quyền cho thế giới đã lạc mất hôm nay nếu trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta vượt qua các cách thức cạnh tranh để hiện hữu. Và thế giới sẽ nhận ra tiếng nói của vị mục tử đang kêu gọi nó đến sự sống. Chúng ta cùng xem xét cảnh tượng này trên núi, và nhận ra sự tương tác dưới những hình thức khác nhau của thẩm quyền.
Vẻ đẹp
Trước hết, ở đây có vẻ đẹp và vinh quang. Hai chữ này trong tiếng Do Thái đều có nghĩa giống nhau. Giám mục Robert Barron đã nói như vậy ở đâu đó – và xin thứ lỗi cho tôi, nếu tôi trích dẫn sai ý ngài, đó là vẻ đẹp là thứ có thể chạm đến ngay cả những người từ chối các hình thức thẩm quyền. Một cái nhìn có tính đạo đức sẽ bị dán nhãn: “Bạn là ai mà dám chỉ tôi cách sống?”. Thẩm quyền của giáo lý có thể bị bác bỏ vì cho rằng nó mang tính áp đặt: “Bạn là ai mà dám chỉ tôi cách phải suy nghĩ?” Nhưng ở nơi vẻ đẹp, có một thẩm quyền đụng chạm đến sự tự do thâm sâu của chúng ta.
Vẻ đẹp mở ra trí tưởng tượng của chúng ta về siêu việt, về quê hương mà chúng ta hằng mơ ước. Nhà thơ Dòng Tên Gerard Manley Hopkins gọi Thiên Chúa là “vẻ đẹp tự thân và là Đấng trao tặng vẻ đẹp”[1]. Thánh Tôma Aquinô bảo rằng cái đẹp bày tỏ cho chúng ta thấy cùng đích cuộc đời mình như mục tiêu hướng tới của mọi cung thủ.[2]
Không lạ gì khi trên núi Phêrô không biết mình phải nói gì. Cái đẹp đưa chúng ta lên tới những gì vượt quá ngôn từ. Người ta khẳng định, mọi thanh thiếu niên đều đã đi qua khoảnh khắc về cái đẹp siêu việt. Nếu họ không có người hướng dẫn, như các môn đệ đã có Môsê và Êlia, thì khoảnh khắc đó sẽ trôi qua. Khi tôi còn là một cậu bé mười sáu tuổi ở trường Dòng Biển Đức, tôi đã có một khoảnh khắc như vậy trong ngôi nhà nguyện to lớn của đan viện, và ở đó tôi được các tu sĩ khôn ngoan giúp tôi hiểu về nó.
Tuy nhiên, không phải mọi cái đẹp đều nói về Thiên Chúa. Các sĩ quan cấp cao của Đức Quốc Xã yêu thích nhạc cổ điển. Vào ngày lễ Chúa Biến Hình, người ta thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima làm phát thứ ánh sáng ghê tởm nhái lại ánh sáng thần linh. Cái đẹp có khả răng quyến rũ và lừa dối. Đức Giêsu nói: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)
Như vẻ đẹp của Thiên Chúa ở trên núi sẽ chiếu toả rạng rỡ bên ngoài thành thánh, đó là lúc Thiên Chúa bày tỏ vinh quang trên thập giá. Vẻ đẹp của Thiên Chúa rạng ngời nhất ở nơi có vẻ xấu xí nhất. Người ta phải đến những nơi đau khổ để thoáng thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa. Etty Hillesum, nhà thần bí Do Thái đã bị Kitô giáo thu hút khi tìm ra được cái đẹp ngay trong trại tập trung của Đức Quốc Xã: “Tôi muốn ở đó, ngay trong cái mà người ta gọi là “khủng khiếp” mà vẫn có thể thốt lên: “Đời thật tươi đẹp”[3].
Mỗi cuộc đổi mới của Giáo Hội đều kèm theo đó một sự hồi sinh về cái đẹp như thấy nơi các bức Icon của Chính Thống giáo, nhạc bình ca Grêgôriô, nghệ thuật Barốc chống Cải Cách (tôi thì không chuộng điều này!). Phong trào Cải Cách là một phần trong sự xung đột về cách nhìn nhận cái đẹp. Chúng ta cần sự đổi mới trong cách nhìn về cái đẹp như thế nào để có thể thoáng thấy siêu việt, nhất là ở những nơi bị tàn phá và khốn khổ? Làm thế nào chúng ta có thể làm lộ ra vẻ đẹp của thập giá?
Khi các tu sĩ Đa Minh đầu tiên đến Guatemala vào thế kỷ XVI, cái đẹp mở đường cho họ chia sẻ Tin Mừng với những người bản địa. Họ khước từ sự bảo hộ của thực dân Tây Ban Nha. Các anh em Đa Minh đã dạy cho các nhà buôn bản địa hát thánh ca, để họ hát khi lên vùng núi bán hàng. Việc này đã giúp em anh Đa Minh được mở đường tiến vào một vùng mà ngày nay còn gọi là Vera Paz – Hoà Bình Đích Thực. Nhưng rồi, bọn xâm lược ập đến và giết chết không chỉ những người bản địa mà cả những anh em Đa Minh đang tìm cách bảo vệ họ. Bài hát nào ngày hôm nay có thể mở đường bước vào châu lục mới của giới trẻ? Ai sẽ là nhạc sĩ, thi sĩ của chúng ta? Vậy tôi nghĩ cái đẹp sẽ mở ra trí tưởng tượng không giới hạn cho đích điểm của cuộc hành trình. Thế nhưng, giống Phêrô, chúng ta có thể bị cám dỗ muốn ở lại. Cần phải có cam kết với nhiều hình thức khác nhau của trí tưởng tượng để đưa chúng ta xuống núi, để vào cuộc đồng nghị đầu tiên trong hành trình lên Giêrusalem. Các môn đệ đã có được hai nhân vật giải thích cho những điều họ thấy, đó là Môsê và Êlia hay Lề Luật và các ngôn sứ, hoặc có thể nói, Sự Thiện và Sự Thật.
Sự Thiện
Môsê đã dẫn Ítraen ra khỏi cảnh nô lệ để được tự do. Nhưng Ítraen lúc đó lại không muốn đi. Họ khát khao có sự an toàn của Ai Cập. Họ sợ cái tự do của sa mạc, giống như các môn đệ sợ phải đi lên Giêrusalem. Trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, viên đại pháp quan tôn giáo khẳng định, “Đối với con người và xã hội loài người, không bao giờ có cái gì khó chịu đựng hơn tự do…Cuối cùng, họ sẽ mang tự do của họ đặt dưới chân chúng tôi và nói: Chẳng thà biến chúng tôi thành nô lệ, nhưng hãy cho chúng tôi ăn còn hơn.”[4]
Nơi các thánh, thẩm quyền là lòng can đảm. Các ngài thách thức chúng ta dám lên đường. Các ngài mời gọi chúng ta mạo hiểm cho cuộc hành trình tiến đến sự thánh thiện. Thánh nữ Têrêsa Bênêđícta Thánh Giá sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo ngoan đạo, nhưng khi đến tuổi thiếu niên, ngài chọn sống vô thần. Một lần kia, tình cờ nhặt được cuốn tự thuật của Thánh Têrêsa Avila, ngài đã đọc suốt đêm. Thánh nữ nói rằng: “Khi đọc xong cuốn sách, tôi tự nhủ: Đây là sự thật.” Chính sự thật này đã dẫn thánh nữ đến cái chết ở trại tập trung Auschwitz[5]. Đây chính là thẩm quyền của sự thánh thiện. Nó mời gọi chúng ta trao quyền kiểm soát cuộc đời và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa.
Cuốn sách kinh điển nhất của thế kỷ XX là tiểu thuyết Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn do J.R.R. Tolkien viết. Đó thực sự là một cuốn tiểu thuyết thấm đẫm tinh thần Công giáo.[6] Tác giả cho rằng, tiểu thuyết đó là một sự lãng mãn của bí tích Thánh Thể. Các vị tử đạo là những người có thẩm quyền sớm nhất trong Giáo Hội vì các ngài đã can đảm dâng hiến tất cả. G. K. Chesterton đã nói: “Lòng can đảm gần như là một sự mâu thuẫn về mặt ngôn từ. Nó có nghĩa là một ước muốn mạnh mẽ được sống dưới hình thức sẵn sàng chết”[7]. Liệu chúng ta có sợ hãi khi đưa ra những vẫn đề có thể thách thức đức tin của chúng ta? Nhà thần học Đa Minh Herbert McCabe OP nói rằng: “Nếu bạn yêu, bạn có thể bị tổn thương, thậm chí có thể bị giết chết. Nhưng nếu không yêu, thì bạn đã chết rồi”. Các bạn trẻ sẽ không bị đức tin của chúng ta thu hút nếu đó chỉ là một đức tin bị thuần hoá.
“Tình yêu hoàn hảo loại trừ sự sợ hãi” (1Ga 4,18). Anh Michael Anthony Perry OFM, cựu Tổng Phục vụ Dòng Phanxicô nhận định: “Khi chịu phép rửa tội, chúng ta từ bỏ quyền sợ hãi”[8]. Tôi muốn nói rằng chúng ta đã từ bỏ quyền làm nô lệ cho sự sợ hãi. Người can đảm là người biết sợ hãi. Chúng ta chỉ có được thẩm quyền trong thế giới đầy sợ hãi này nếu chúng ta được nhìn nhận có sự liều lĩnh. Cách đây bốn trăm năm, khi anh chị em của chúng ta từ Châu Âu đến Châu Á rao giảng Tin Mừng, một nửa trong số họ đã chết vì bệnh tật, đắm tàu hay cướp biển, trước khi họ đến được mảnh đất truyền giáo. Liệu chúng ta có được lòng dũng cảm ra như điên dại của họ hay không?
Anh Henri Burin de Roziers O.P (1930-2017) là một luật sư người Pháp, có trụ sở tại vùng Amazon của Brazil. Anh lôi ra toà những địa chủ cỡ bự thường nô lệ hoá người nghèo, bắt họ phải làm việc trên những đồn điền rộng lớn của mình và thậm chí giết họ khi họ cố gắng trốn thoát. Henri nhận được vô số lời đe dọa giết chết. Anh được cảnh sát đề nghị bảo vệ, nhưng anh nghi ngờ, rất có thể chính những người trong số họ sẽ giết mình. Khi tôi đến chỗ của anh ấy, anh đưa tôi đến một căn phòng ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, anh nói đêm qua mình không ngủ được vì sợ người ta tìm đến xử anh, nhưng vô tình bắt nhầm tôi!
Như vậy, thẩm quyền của cái đẹp chính là nó nói cho chúng ta đích điểm của cuộc hành trình, là quê hương mà chúng ta chưa từng thấy. Thẩm quyền của sự thánh thiện nói về chuyện phải lên đường nếu chúng ta muốn đến đích. Đó là thẩm quyền của những người dám hiến dâng mạng sống mình. Nhà thơ người Ireland Pádraig Pearse viết: “Tôi đã lãng phí những năm tháng tuổi trẻ huy hoàng Chúa ban chỉ để cố thử những điều không thể, vì nghĩ rằng chỉ chúng mới đáng tôi bỏ công sức. Lạy Chúa, nếu con còn năm còn tháng, con sẽ lại lần nữa phí phạm chúng nữa thôi. Con ném chúng ra khỏi mình.”[9]
Sự Thật
Giờ đây, chúng ta đến với ngôn sứ Êlia. Ngôn sứ là những người đi nói sự thật. Êlia thấu suốt sự ảo tưởng của các ngôn sứ giả của thần Baal cũng như ông đã nghe được tiếng thinh lặng êm dịu trên núi. Veritas – Sự Thật là khẩu hiệu của Dòng Đa Minh. Khẩu hiệu này đã thu hút tôi đến với các tu sĩ Đa Minh ngay cả trước khi tôi gặp họ. Điều này có lẽ là do Chúa quan phòng.
Thế giới của chúng ta đã không còn say đắm Sự Thật. Bây giờ có đầy những tin giả, những tuyên bố ngông cuồng trên mạng hay những thuyết âm mưu rồ dại. Tuy nhiên, ẩn sâu trong mỗi người là một bản năng không thể xóa bỏ với sự thật, và khi sự thật được công bố, nó lưu lại những dấu vết cuối cùng của thẩm quyền. Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng không ngại nêu lên những thách đố mà chúng ta phải giải quyết. Tài liệu công khai nói về niềm hy vọng và nỗi buồn phiền, sự giận dữ và niềm vui của Dân Chúa. Làm sao chúng ta có thể thu hút mọi người đến với Đấng là Sự Thật nếu chúng ta không thành thật với chính mình?
Tôi sẽ đề cập đến hai cách thức mà trong đó việc nói lên sự thật cần có trong truyền thống ngôn sứ. Trước hết, đó là việc thành thật nói lên niềm vui và đau khổ của nhân loại.
Bartolome de Las Casas đã sống một cuộc đời tầm thường tại đảo Hispaniola trước khi anh đọc bài giảng của người anh em Antonio de Montesinos dòng Đa Minh giảng vào Mùa Vọng năm 1511. Bài giảng chống lại những kẻ đi xâm lược khi tố cáo họ bắt những người dân bản địa làm nô lệ: “Hãy nói cho tôi biết, các anh lấy quyền nào hay dựa vào lối giải thích nào của công lý mà các anh bắt những người thổ dân này phải chịu cảnh nô lệ tàn nhẫn và khủng khiếp như vậy? Với thẩm quyền nào mà các anh đã tiến hành những cuộc chiến tranh ghê tởm như vậy đối với những người từng sống rất yên bình trên chính mảnh đất của họ?”. Khi đọc được những điều này, Las Casas biết đó là sự thật và đã hoán cải. Vì vậy, trong Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy lắng nghe những người sẽ nói một cách trung thực về “niềm vui và hy vọng, nỗi đau buồn và nỗi thống khổ của con người trong thời đại chúng ta”. (Gaudium et Spes 1).
Vì sự thật, chúng ta cũng cần có những quy tắc mang tính học thuật để chống lại cám dỗ muốn sử dụng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh quy vào mục đích của cá nhân mình. “Chúa hẳn phải đúng thôi vì Người thuận với tôi”. Chẳng hạn, các nhà Kinh Thánh đưa chúng ta trở về với các bản văn gốc trong tính xa lạ và khác biệt của chúng. Khi tôi nằm trong bệnh viện, một anh y tá bảo, ước gì anh ấy biết tiếng Latinh để đọc Kinh Thánh bằng ngôn ngữ gốc. Tôi không biết nói gì! Các học giả Kinh Thánh cự lại bất kỳ nỗ lực nào muốn đưa Kinh Thánh hay Truyền Thống vào các chiến dịch mang tính cá nhân. Lời Chúa thuộc về Chúa. Hãy vâng nghe Lời Người. Chúng ta không sở hữu sự thật. Sự thật sỡ hữu chúng ta.
Mọi tình yêu đều mở rộng chúng ta đến với sự thật nơi người khác. Chúng ta nhận ra sự thật vẫn có đó theo cách thức chúng ta không thể biết được. Chúng ta không thể sở hữu người khác hay sử dụng người khác cho mục đích của riêng mình. Chúng ta yêu họ trong sự khác biệt, trong cái tự do không thể bị kiểm soát của họ.
Vì vậy, trên núi Biến Hình, chúng ta thấy thẩm quyền với nhiều hình thức khác nhau được đưa ra nhằm giúp các môn đệ đi qua cuộc khủng hoảng lớn về uy quyền xảy ra tại Cêsarê Philípphê. Các thẩm quyền này và các thẩm quyền khác đều cần thiết. Không có sự thật, vẻ đẹp có thể trở nên trống rỗng như ai đó đã nói: “Vẻ đẹp ở nơi sự thật, sự thiện ở nơi món ăn”. Không có sự thiện, cái đẹp có thể bị lừa dối. Sự thiện mà không có sự thật sẽ bị hạ xuống thành cảm tính. Sự thật mà không có sự thiện sẽ đưa đến Toà Tra. Thánh John Henry Newman đã nói rất hay về các hình thức của thẩm quyền, quản trị, lý trí và kinh nghiệm.
Tất cả chúng ta đều có thẩm quyền, nhưng theo cách thức khác nhau. Thánh Newman nói, nếu quyền lực của chính phủ trở nên tuyệt đối thì chính phủ thành độc tài. Nếu lý trí trở thành thẩm phán duy nhất, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa duy lý khô khan. Nếu kinh nghiệm tôn giáo là thẩm quyền duy nhất thì mê tín sẽ chiến thắng. Thượng Hội Đồng giống như một dàn nhạc với các nhạc cụ và mỗi loại có âm thanh riêng. Đây là lý do tại sao truyền thống phân định của Dòng Tên rất hiệu quả. Sự thật không đến bằng đa số phiếu, nếu không, nó chẳng hơn chi một dàn giao hưởng hay một đội bóng được dẫn dắt bằng các lá phiếu!
Thẩm quyền của các vị hữu trách chắc chắn sẽ làm cho việc đối thoại trong Giáo Hội mang lại hoa trái, để không có tiếng nói nào lấn át hoặc bị chìm vào tiếng nói khác. Thẩm quyền cần nhận thức về một sự hài hoà ẩn giấu. Jonathan Sacks, đại giáo trưởng của Anh Quốc viết rằng: “Trong những thời điểm rối ren, cám dỗ dường như áp đảo của các vị lãnh đạo tôn giáo là trở nên giận dữ. Không những sự thật phải được công bố mà sự giả dối cũng phải bị lên án. Các chọn lựa phải trở nên rõ ràng. Không lên án đồng nghĩa với chấp nhận nó.” Tuy nhiên, ông lại khẳng định, “một ngôn sứ thì không chỉ nghe một nhưng đến hai mệnh lệnh: Quy tắc và lòng trắc ẩn, lòng yêu mến sự thật và tình liên đới bền vững đối với những người mà nơi họ sự thật trở nên mờ tối. Duy trì truyền thống nhưng đồng thời phải bảo vệ những người bị kết án là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thiết của giới lãnh đạo tôn giáo trong thời đại phi tôn giáo”[10].
Mọi thứ quyền lực đều đến từ Ba Ngôi, Đấng mà trong Người mọi quyền lực đều được sẻ chia. Nhà thần học người Ý Leonardo Paris khẳng định rằng: “Chúa Cha thông chia quyền lực của Người. Với tất cả mọi người. Người sắp xếp cho mọi quyền lực như được chia sẻ ….Chúng ta không còn có thể trích thư Phaolô: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp; nô lệ hay tự do; nam hay nữ; nhưng tất cả là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28) và yêu cầu tính đồng nghị mà không nhìn nhận rằng chính điều này có nghĩa là chúng ta phải đi tìm kiếm các hình thức cụ thể trong lịch sử để mỗi người đều nhận thấy, dù họ là anh này hay chị kia thì đều đang thừa hưởng quyền năng mà Chúa Cha đã muốn trao cho họ.”[11].
Nếu Giáo hội thực sự trở thành một cộng đồng mà quyền lực được chia sẻ cho nhau thì chúng ta sẽ có thể nói chuyện với nhau bằng thẩm quyền của Chúa. Trở nên một Giáo Hội như vậy sẽ gây đau đớn nhưng cũng thật đẹp. Chúng ta sẽ xem xét điểm này ở bài chia sẻ cuối cùng.
Chuyển dịch: Tôma Trần Hiệu, OP.
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
Nguồn https://catechesis.net/
[1] ‘The Golden Echo’
[2] ST III. 45
[3] An Interrupted Life: The Diaries and Letters of Etty Hillesum 1941 – 43, Persephone Books, London, 2007, p. 276
[4] ND: Trích trong Dostoevsky, Anh em nhà Karamazov, dg. Phạm Mạnh Hùng, (Hà Nội: Văn học, 2019), tr. 335-336
[5] ND: Biến cố đọc được cuốn tự thuật của thánh Têrêsa Avila được coi như bước ngoặt để triết gia Edith Stein, sau này là Bênêđícta Thánh Giá, tìm hiểu để trở thành Công giáo, rồi nữ tu dòng Cát Minh và cuối cùng chết trong trại Auschwitz vì gốc gác Do Thái của mình.
[6] ND: Tiểu thuyết Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn là cuốn tiểu thuyết giả tưởng viết về một thế giới thuộc vùng Trung Địa, nơi có các tộc người Tiên (người Elves), người lùn Hobbit, lũ quỷ (Orcs), tộc người thường, tộc người lùn (Dwarfs)…Hành trình đầy cam go của Frodo và các bạn người Hobbit trên đường đi tiêu diệt chiếc nhẫn quyền lực ám chỉ đến cuộc hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu. Tác giả J.R.R Tolkien, một người Công giáo yêu mến Thánh Thể, đã khéo léo lồng ghép vào trong cuốn tiểu thuyết giả tưởng những chi tiết Công giáo, chẳng hạn Đức Trinh Nữ Maria (nữ hoàng Galadriel), hay bí tích Thánh Thể (bánh Lembas, thứ bánh ăn một miếng đủ sức cho nhiều ngày hành trình). Cha Timothy rất thích tiểu thuyết này và hay trích dẫn nó trong các tác phẩm của ngài.
[7] Orthodoxy London 1996 p.134
[8] Benotti p.66
[9] Quoted by Cardinal Murphy-O’Connor, ‘Fiftieth Anniversary of Priesthood’, in Daniel P. Cronin, Priesthood: A Life Open to Christ (St Pauls Publishing, London, 2009), p. 134.
[10] ‘Elijah and the Still, Small Voice’, www.rabbisacks.org/covenant-conversation/pinchas/elijah-and-the-still-small-voice
[11] Leonardo Paris, L’erede. Una cristologia, Queriniana, 2021, pp. 220-221. Soon to be published in English by Brill, with a Foreword by Massimo Faggioli.
Bài 6: THÁNH THẦN CHÂN LÝ
Các môn đệ nhìn thấy vinh quang của Chúa và nhân chứng là hai ông Môsê và Êlia. Giờ đây các ông mạnh dạn xuống núi và cuốc bộ lên Giêrusalem. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9, 51 – 56), chúng ta thấy họ đang trên đường đi. Họ gặp phải sự chống đối của những người Samari vì họ đang đi lên Giêrusalem. Phản ứng tức thời của các môn đệ là xin lửa từ trời xuống tiêu diệt những người này. Cũng phải thôi, họ vừa nhìn thấy ông Êlia và đây là điều ông ấy đã làm với các ngôn sứ của Baal! Nhưng Chúa quở trách họ. Họ vẫn chưa hiểu được cuộc hành trình mà Chúa đang dẫn dắt họ đi.
Trong ba tuần tới, chúng ta có thể bị cám dỗ gọi lửa từ trời xuống trên những người mà chúng ta bất đồng ý kiến! Xã hội của chúng ta tràn ngập sự thịnh nộ bừng bừng như thế. Chúa mời gọi chúng ta loại bỏ những thôi thúc mang tính hủy diệt như vậy khỏi cuộc gặp gỡ của chúng ta.
Cơn thịnh nộ lan tràn này nảy sinh từ nỗi sợ hãi, nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi. Chúa đã hứa ban Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em; nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng Người sẽ nói lại những gì Người nghe, và sẽ loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16, 12-13).
Bất kể gặp phải những xung đột nào trên hành trình, chúng ta đều xác tín về điều này: Thánh Thần Chân Lý đang dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn. Nhưng điều này sẽ không dễ dàng. Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: ‘Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.’ Ở Xêdarê Philipphê, Phêrô không thể chịu nổi khi nghe tin Chúa Giêsu phải chịu đau khổ và chịu chết. Vào buổi tối cuối cùng, trước khi Chúa Giêsu chịu chết, Phêrô không thể chịu nổi được sự thật là ông sẽ chối bỏ Chúa Giêsu. Được dẫn đến sự thật có nghĩa là lắng nghe những điều không thể chấp nhận được.
Đâu là những sự thật mà ngày nay chúng ta thấy khó đối mặt? Thật vô cùng đau đớn khi phải đối mặt với quy mô lạm dụng tình dục và tham nhũng trong Giáo Hội. Nó giống như một cơn ác mộng mà người ta hy vọng có thể tỉnh dậy và thoát khỏi. Nhưng nếu chúng ta dám đối mặt với sự thật đáng xấu hổ này thì sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu hứa rằng ‘anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui’ (c.20), như cơn đau chuyển dạ của người phụ nữ lúc sinh con. Những ngày Thượng Hội Đồng này đôi khi sẽ rất đau đớn, nhưng nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì đây sẽ là những cơn đau đẻ cho một Giáo Hội hồi sinh.
Đây là chứng tá của chúng ta cho một xã hội cũng đang trốn tránh sự thật. Nhà thơ T. S. Eliot đã nói, ‘Con người không thể chịu đựng được nhiều hiện thực’[1]. Chúng ta đang lao nhanh tới một thảm họa sinh thái nhưng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta lại hầu như giả vờ như thể không có chuyện gì xảy ra. Thế giới của chúng ta bị đóng đinh bởi nghèo đói và bạo lực, nhưng các quốc gia giàu có lại không muốn nhìn thấy hàng triệu anh chị em chúng ta đang đau khổ và đang tìm kiếm một mái nhà.
Xã hội Tây phương sợ phải đối mặt với sự thật là chúng ta là những sinh vật dễ bị tổn thương, những người nam và nữ bằng xương bằng thịt. Chúng ta trốn tránh sự thật về sự tồn tại thể lý của chúng ta, giả vờ rằng chúng ta có thể tự nhận dạng mình theo ý muốn, như thể chúng ta chỉ là tinh thần. Văn hóa loại bỏ có nghĩa là những người bất đồng với chúng ta phải câm nín, không được diễn thuyết trên diễn đàn, giống như các môn đệ muốn gọi lửa từ trời xuống trên những người Samari không chào đón Chúa Giêsu. Đâu là những sự thật đau đớn mà anh chị em chúng ta từ các châu lục sợ phải đối mặt? Đó không phải là điều tôi phải nói.
Nếu chúng ta dám thành thật về con người của chúng ta, những con người phải chết và dễ bị tổn thương, và các anh chị em trong một Giáo hội luôn vừa anh hùng và vừa tội lỗi, thì chúng ta sẽ có thể nói hùng hồn với một thế giới vẫn đang khao khát sự thật ngay cả khi sợ rằng không thể đạt được điều đó. Điều này đòi hỏi lòng can đảm, mà thánh Tôma Aquinô gọi là fortitudo mentis, sức mạnh của tinh thần để nhìn mọi thứ như chúng là, để sống trong thế giới thực. Nhà thơ Maya Angelou đã nói: ‘Can cảm là đức tính quan trọng nhất trong tất cả các đức tính, bởi lẽ nếu không có lòng can cảm thì bạn không thể kiên định thực hành bất kỳ đức tính nào khác được.’[2]
Khi thánh Oscar Romero trở về nhà ở El Salvador, một viên chức nhập cư đã nói: ‘Sự thật là như thế.’ Ngài đã thành thật khi đối mặt với cái chết. Ngồi trên ghế dài, ngài hỏi một người bạn xem anh có sợ chết không. Người bạn nói rằng không. Romero trả lời: ‘Nhưng tôi thì có. Tôi sợ chết.’ Chính sự chân thật này đã làm cho cuộc tử đạo của ngài trở nên thật là đẹp. Kể từ khi nhìn thấy thi thể bị cắt xẻo của người bạn Rutilio, cũng là tu sĩ Dòng Tên, ngài đã biết điều gì đang chờ đợi mình. Khi ngài chịu tử đạo, người ta thấy thi thể của ngài đầy mồ hôi. Có vẻ như ngài đã nhìn thấy người đàn ông sắp giết mình và đã không bỏ chạy.
Vào đêm cuối cùng, Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ rằng nếu họ thuộc về Người, cây nho đích thực, họ sẽ bị cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn. Trong Thượng Hội đồng này, chúng ta có thể cảm thấy mình đang bị cắt tỉa! Làm như vậy là để chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái hơn. Điều này có thể có nghĩa là chúng ta sẽ bị cắt tỉa những ảo tưởng và định kiến về nhau, bị cắt tỉa những nỗi sợ hãi và những ý thức hệ hẹp hòi. Cắt tỉa niềm kiêu hãnh của chúng ta.
Một người anh em trẻ đã khuyến khích tôi nói từ kinh nghiệm cá nhân về điểm này, mặc dù tôi ngần ngại không muốn. Cách đây vài năm, tôi đã trải qua một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng vì bệnh ung thư quai hàm, kéo dài mười bảy tiếng đồng hồ. Tôi phải nằm viện năm tuần, không thể ăn uống. Tôi thường không nhớ mình là ai và đang ở đâu. Tôi đã bị tước bỏ phẩm giá và hoàn toàn phụ thuộc vào người khác ngay cả trong những nhu cầu căn bản nhất. Thật là một sự cắt tỉa khủng khiếp. Nhưng đó cũng là một phúc lành. Trong khoảnh khắc bất lực này, tôi không thể tự cho mình là quan trọng và không thể khoe khoang về bất kỳ thành tựu nào. Tôi chỉ là một bệnh nhân nằm trên giường trong phòng bệnh, không có gì để cho đi. Tôi thậm chí không thể cầu nguyện. Sau đó, mắt tôi được mở ra thêm một chút trước tình yêu hoàn toàn nhưng không và vô điều kiện của Chúa. Tôi không thể làm gì để xứng đáng với tình yêu này và điều tuyệt vời là tôi cũng không cần phải làm như vậy.
Thánh Thần cư ngụ trong mỗi người chúng ta, dẫn chúng ta cùng nhau tới sự thật toàn vẹn. Tôi được Đức Giám mục vĩ đại Butler truyền chức linh mục. Ngài là người duy nhất trong Công đồng Vatican II nói tiếng Latinh hoàn hảo thời Cicero! Ngài thích nói ‘Chúng ta đừng sợ rằng sự thật có thể gây nguy hiểm cho sự thật’[3]. Nếu điều người khác nói quả thực là sự thật thì nó không thể đe dọa đến sự thật mà tôi vẫn trân trọng. Tôi phải mở rộng trái tim và tâm trí của mình trước sự bao la của chân lý thần linh. Nếu tôi tin rằng điều người kia nói không là sự thật thì tất nhiên tôi phải nói như vậy trong sự khiêm tốn đúng mực. Người Đức có một từ rất dễ thương zwischenraum. Nếu tôi hiểu đúng, thì từ này có nghĩa là sự thật trọn vẹn nằm trong không gian giữa chúng ta khi chúng ta nói chuyện. Mầu nhiệm Thiên Chúa luôn được tỏ lộ trong những khoảng không gian trống, từ không gian trống giữa các cánh của thần hộ giá trên hòm giao ước, cho đến ngôi mộ trống.
Sự xung khắc giữa những sự thật có vẻ như không tương thích với nhau có thể gây đau đớn và giận dữ. Hãy nhớ lại trình thuật của thánh Phaolô về cuộc xung đột giữa ngài với thánh Phêrô ở Antiôkhia như được kể trong Thư gửi tín hữu Galát: ‘Khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt!’ (2.11). Nhưng các ngài đã trao cho nhau cánh tay phải của tình bằng hữu, và Tòa Thánh coi cả hai vị là những trụ cột! Các ngài đã hiệp nhất trong cái chết như những vị tử đạo.
Chúng ta phải tìm cách nói lên sự thật để người khác có thể nghe mà không cảm thấy bị loại trừ. Hãy nghĩ đến cảnh khi thánh Phêrô gặp Chúa Giêsu trên bờ biển, trong Gioan chương 21. Vào buổi tối cuối cùng trước khi Chúa Giêsu chịu chết, thánh Phêrô đã khoe khoang rằng ông yêu Chúa hơn tất cả những người khác. Nhưng rất nhanh sau đó, ông đã chối Chúa ba lần, một khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong đời ông. Trên bờ biển, Chúa Giêsu đã không chất vấn ông về sự yếu đuối. Ba lần, Người hỏi nhẹ nhàng, có lẽ với một nụ cười: ‘Anh có yêu mến Thầy hơn những anh em này không? Với sự dịu dàng bất tận, Người đã ba lần giúp Phêrô xóa bỏ ba lần chối Thầy của mình. Người thách thức ông đối mặt với sự thật bằng tất cả sự dịu dàng của tình yêu. Liệu chúng ta cũng có thể thách thức nhau bằng sự thật dịu dàng như thế?
Nhà thơ người Mỹ Emily Dickinson đưa ra lời khuyên rất hay: (xin xem thêm phần chú thích)
Tell all the truth but tell it slant – Sucess in Circuit lies
Xin lỗi vì đã trích dẫn thơ. Nó có thể rất khó để dịch. Ý chính ở đây là đôi khi sự thật được nói ra một cách mạnh mẽ nhất lại là khi nó được diễn đạt cách gián tiếp, để người khác có thể lắng nghe. Nếu bạn nói với ai đó rằng họ là một người bảo thủ gia trưởng, có lẽ sẽ không giúp được họ đâu! Dĩ nhiên, đôi khi nó sẽ vẫn còn rất là đau đớn. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: ‘Hãy nói sự thật ngay cả khi không thoải mái.’[4]
Điều này sẽ đòi hỏi tất cả chúng ta một sự mất kiểm soát nhất định. Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” (Ga 21, 18-19).
Nếu Thượng Hội đồng có động lực cầu nguyện nhiều hơn là một nghị viện, thì tất cả chúng ta được mời gọi buông bỏ sự kiểm soát, thậm chí là chết đi cho chính mình. Hãy để Thiên Chúa là Thiên Chúa. Trong tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh Cha viết: ‘Không có sự tự do nào lớn hơn việc để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, từ bỏ mọi nỗ lực lên kế hoạch và kiểm soát mọi thứ đến từng chi tiết cuối cùng và thay vào đó để Người soi sáng, hướng dẫn và điều khiển và đưa dẫn chúng ta đến bất cứ nơi nào Người muốn.’ (số 280). Buông bỏ sự kiểm soát không phải là không làm gì cả! Bởi vì Giáo Hội vốn đang là một cấu trúc mang tính kiểm soát nặng nề, nên đôi khi cần có những can thiệp mạnh mẽ để Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến.
Chúng ta có một bản năng mạnh mẽ là muốn nắm quyền kiểm soát, đó là lý do tại sao nhiều người sợ Thượng Hội Đồng lần này. Vào Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống mạnh mẽ trên các môn đệ được sai đi đến tận cùng trái đất. Nhưng thay vào đó, các tông đồ lại định cư tại Giêrusalem và không muốn rời đi. Chính sự bắt bớ đã đẩy họ ra khỏi tổ và đi khỏi Giêrusalem! Đúng là tình yêu thô bạo! Phía trên văn phòng của tôi ở Santa Sabina, hàng năm lũ chim cắt đều xây tổ. Đến một lúc chim bố mẹ đuổi những con chim non ra khỏi tổ, bắt chúng phải bay đi hoặc phải chết. Ngồi ở bàn làm việc, tôi có thể thấy chúng đang cố gắng để bay! Đôi khi Chúa Thánh Thần đá chúng ta ra khỏi tổ và bắt chúng ta bay! Chúng ta vỗ cánh trong hoảng loạn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ bay!
Trong vườn Ghếtsêmanê, Chúa Giêsu từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời Mình và giao phó cho Chúa Cha. Không phải như tôi muốn! Khi tôi còn là một tu sĩ trẻ, có một tu sĩ Đa Minh người Pháp, từng là linh mục thợ, sống trong cộng đoàn. Tu sĩ ấy sẽ đến Ấn Độ để phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo, và đến Oxford để học tiếng Bengali. Tôi hỏi anh ấy dự định làm gì: ‘Kế hoạch của anh ra sao?’ Anh ấy trả lời: ‘Làm sao tôi biết được cho đến khi người nghèo nói cho tôi biết?’
Khi còn là một Giám tỉnh trẻ, tôi đã đến thăm một đan viện Đa Minh sắp phải đóng cửa. Chỉ còn lại bốn nữ tu già nua. Có anh Peter, cựu Giám tỉnh, cùng đi với tôi. Khi chúng tôi nói với các nữ tu rằng tương lai của đan viện có vẻ như rất là bấp bênh, một người trong số họ nói: ‘Nhưng thưa cha Timothy, chắc Đức Chúa yêu dấu của chúng ta sẽ không để đan viện của chúng ta chết đâu nhỉ?’ Anh Peter trả lời ngay rằng: ‘thưa sơ, Người đã để Con của Người phải chết. ‘ Vì vậy, chúng ta có thể để mọi thứ chết đi không phải trong tuyệt vọng mà trong hy vọng, để nhường chỗ cho cái mới.
Thánh Đa Minh đã cố gắng trao quyền điều hành Dòng cho các anh em vì mỗi người đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vì vậy, để Chúa Thánh Thần dẫn dắt có nghĩa là để được giải thoát khỏi nền văn hóa kiểm soát. Trong xã hội chúng ta, sự lãnh đạo chủ yếu là nắm tay những cần gạt quyền lực. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nói đùa rằng mỗi đêm ngài đều thưa với Chúa: ‘Bây giờ Đức Giáo Hoàng phải đi ngủ, và vì thế, Chúa ơi, Ngài phải trông coi Giáo Hội trong vài giờ’. Như ngài hiểu rất rõ, lãnh đạo đôi khi có nghĩa là quẳng đi sự kiểm soát.
Tài liệu làm việc Instrumentum Laboris kêu gọi chúng ta ‘lựa chọn ưu tiên dành cho người trẻ’ (x. B.2.1.). Hàng năm, chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa đã đến với chúng ta như một trẻ sơ sinh. Tin tưởng vào người trẻ là một phần nội tại của sự lãnh đạo Kitô giáo. Những người trẻ ở đây không phải để lấy đi chỗ của những người già chúng ta mà là để làm những điều chúng ta không thể tưởng tượng được. Khi thánh Đa Minh sai các tập sinh trẻ đi rao giảng, một số đan sĩ đã cảnh báo ngài rằng ngài có thể sẽ mất họ. Thánh Đa Minh trả lời: ‘Tôi biết chắc rằng các tu sĩ trẻ của tôi sẽ ra đi và sẽ quay trở lại, sẽ được sai đi và sẽ trở về; Còn những người trẻ của các ngài bị khoá nhốt một chỗ nhưng vẫn sẽ đi ra ngoài.’[5]
Được Thánh Thần dẫn tới sự thật toàn vẹn cũng có nghĩa là buông bỏ hiện tại, tin tưởng rằng Thánh Thần sẽ khai sinh ra những thể chế mới, những dạng thức mới của đời sống Kitô giáo, những sứ vụ mới. Trong suốt hai thiên niên kỷ qua, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong việc tạo ra những cách thức hiện diện mới của Giáo hội, từ thời các giáo phụ giáo mẫu trong sa mạc cho đến các dòng hành khất vào thế kỷ thứ mười ba, thậm chí là Dòng Tên trong thời kỳ Chống Cải cách! Các phong trào mới của Giáo Hội trong thế kỷ trước. Chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hoạt động một cách sáng tạo giữa chúng ta bằng những cách thức hiện diện mới của Giáo Hội mà bây giờ chúng ta vẫn không thể tưởng tượng được nhưng có lẽ người trẻ sẽ có thể! Hãy vâng nghe lời Người, giọng nói trên núi đã vang lên như thế. Điều đó bao gồm việc lắng nghe người trẻ, chính Chúa sống và nói trong họ (Mt 11, 28).
Như chúng ta thấy, được dẫn tới sự thật toàn vẹn không chỉ là vấn đề tranh luận lý trí. Chúng ta không chỉ là những bộ não. Chúng ta mở lòng ra với nhau về con người thật của chúng ta, bản tính nhân loại dễ bị tổn thương. Thánh Tôma Aquinô rất thích một câu nói của Aristotle, đó là ‘Anima est quodammodo omnia’: ‘Linh hồn, theo một cách nào đó, là tất cả mọi thứ’. Chúng ta hiểu biết sâu sắc bằng cách mở lòng mình trước những gì là của người khác. Chúng ta để chính mình được đánh động và thay đổi khi gặp gỡ lẫn nhau. Sự thật toàn vẹn mà Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới không phải là sự hiểu biết lãnh đạm đứng nhìn từ xa. Nó còn hơn cả kiến thức mệnh đề. Nó không thể tách rời khỏi tình yêu có tính biến đổi (IL A.1 27). Con đường của Đa Minh là nhờ hiểu biết mà chúng ta đi đến tình yêu. Con đường của Phanxicô là nhờ tình yêu, chúng ta đi đến sự hiểu biết. Cả hai đều đúng.
Mầu nhiệm mà chúng ta đang được dẫn tới là mầu nhiệm của một tình yêu toàn vẹn không có sự đối kháng. Tất cả những gì Cha có đều được trao cho Con và Thánh Thần. Ngay cả sự ngang hàng. Chia sẻ sự sống thần linh là để mình được giải thoát khỏi mọi sự ganh đua và cạnh tranh. Trong suốt Thượng Hội Đồng này, chúng ta phải yêu mến nhau bằng chính tình yêu thần linh này, cởi bỏ mọi sự ganh đua. Thánh Gioan đã viết: ‘Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh chị em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu mến người anh chị em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.’ (1Ga 4, 20)
Cuộc hành trình đi tới sự thật toàn vẹn không thể tách rời khỏi việc học cách yêu thương. Sự thay đổi sâu sắc sẽ chỉ xảy ra nếu việc tìm hiểu ý muốn của Chúa được gắn kết với vòng xoắn kép của việc học cách yêu thương những người mà chúng ta thấy khó yêu. Điều này sẽ khó truyền đạt tới những người không có mặt ở đây. Có phải tất cả những người này thực sự đi đến tận đây, với chi phí rất lớn, chỉ để yêu nhau? Những quyết định thực tế tất nhiên là không thể tránh khỏi và cần thiết. Nhưng chúng phải nảy sinh từ sự biến đổi cá nhân và cộng đồng của chính con người chúng ta, nếu không chúng chỉ là sự quản lý.
Hãy tưởng tượng niềm vui được giải thoát khỏi mọi sự ganh đua lẫn nhau để việc giáo dân càng có nhiều tiếng nói không có nghĩa là các Giám mục có ít đi, hay việc càng có nhiều phụ nữ được trao quyền không có nghĩa là đàn ông có ít hơn, hoặc việc các anh chị em Châu Phi của chúng ta được công nhận nhiều hơn không làm suy giảm thẩm quyền của Giáo Hội ở Châu Á hay Tây phương.
Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có lòng khiêm tốn sâu sắc trong khi tin tưởng chờ đợi những hồng ân của Thiên Chúa. Simone Weil là một nhà thần bí người Pháp gốc Do Thái, qua đời năm 1943, là người trên hành trình tìm kiếm sự thật đã nói ‘Tôi tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Ba Ngôi, Ơn Cứu Chuộc, Bí tích Thánh Thể và những lời dạy của Tin Mừng’[6]. Chị viết rằng ‘chúng ta không thủ đắc được những món quà quý giá nhất bằng cách đi tìm kiếm chúng nhưng chỉ bằng cách chờ đợi …Cách kiếm tìm này trước hết phải chăm chú. Linh hồn trút bỏ tất cả những gì chứa đựng trong mình để đón nhận con người mà nó đang nhìn, đúng như họ là, trong tất cả sự thật của họ.[7]
Nếu chúng ta để Thánh Thần Chân Lý hướng dẫn, chắc chắn chúng ta sẽ cùng tranh luận. Đôi khi nó sẽ rất đau đớn. Sẽ có những sự thật chúng ta không muốn đối mặt. Nhưng chúng ta sẽ được dẫn sâu hơn một chút vào trong mầu nhiệm tình yêu thần thiêng và chúng ta sẽ nhận ra niềm vui, đến nỗi mọi người sẽ ghen tị vì chúng ta có mặt ở đây và sẽ mong được tham dự phiên họp tiếp theo của Thượng Hội đồng!
Chuyển ngữ :Vinh Sơn Lê Quốc Hưng OP
Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật OP
Nguồn https://catechesis.net/
————————————–
[1] Burnt Norton, The Four Quarters
[2] Convocation, Conrwell, May 24th 2008
[3] Ne timeamus quod veritas veritati noceat’
[4] January 25th 2023
[5] Ed. Simon Tugwell OP Early Dominicans: selected writings Ramsey N.J., 1982 p.91
[6] S. PÉTREMENT, La vita di Simone Weil, Adelphi, Milano 2010, p. 646
[7] Waiting on God, trans. Emma Crauford, London 1959, p.169
————————————–
Chú thích:
“Tell all the truth but tell it slant…”
Tell all the Truth but tell it slant—
Success in Cirrcuit lies
Too bright for our infirm Delight
The Truth’s superb surprise
As Lightening to the Children eased
With explanation kind
The Truth must dazzle gradually
Or every man be blind—
Trong Toàn tập thơ Emily Dickinson, bài thơ này được đánh số 1129.
—————–
Bản dịch của Thái Bá Tân
Phải nói hết Sự Thật, tuy nhiên
Muốn Thành công đừng nói thẳng
Vì con người ưa nịnh, yếu mềm
Mà Sự Thật quá thẳng thừng, cay đắng
Như với Chớp, muốn Trẻ quen dần
Phải giải thích dài dòng, không vội
Nên đón nhận Sự Thật từ từ
Nếu không, ta sẽ mù – vì chói
————
Bản dịch của Nguyễn Chí Hoan
Hãy nói hết Sự Thật nhưng bằng lời gần xa
Thành công trong Lối Vòng vẫn đợi
Quá chói sáng với chúng ta trong niềm Sướng Vui ốm yếu
Là Sự Thật mang theo nỗi kinh ngạc lớn lao
Cũng như Tia Chớp được Trẻ Con xoa dịu
Với đôi lời giải thích trẻ con
Sự Thật phải làm cho dần dà sửng sốt
Hoặc người ta hết thảy sẽ mù –
————–
Bản dịch của Nguyễn Văn Trung
Nói hết sự thật nhưng nói tà tà
Thành công ở chỗ ta vòng tránh
Sự thật là ánh sáng quá mạnh
Bất ngờ cho niềm vui mong manh
Như sấm chớp với những đứa trẻ
Giải thích nhẹ nhàng sẽ yên tâm
Sự thật cũng phải loé sáng dần
Nếu không người ta mù mắt
2023
Thượng hội đồng: quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng là gì?
Đối với các Hồng y bảo thủ đã bày tỏ mối quan ngại của họ khi khai mạc Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội, Đức Phanxicô nhắc nhở rằng Giáo hoàng là người nắm giữ “quyền bính tối cao” và quyền bính này tương thích với việc thực thi tính hiệp hành. Đó là một tầm nhìn gần đây về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng.
+ Thành ngữ “quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng” bắt nguồn từ đâu?
Người ta cũng nói đến “quyền tối thượng của Rôma” hay “quyền tối thượng của Phêrô”. Nó ám chỉ sự ưu việt của người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ. Thật vậy, trong các Tin Mừng và Sách Công vụ Tông đồ, Simon, được Chúa Giêsu gọi là Phêrô, chiếm một vị trí đặc biệt trong số 12 Tông đồ. Khi liệt kê tên của họ, Thánh sử Matthêu (10,2) cho biết: “Đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô”. Chúa Giêsu chỉ tuyên bố với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. » (Mt 16,18). Được Chúa Kitô tha thứ sau khi bị ông phản bội, ông đã nhận được từ Người sứ mạng “củng cố” anh em mình.
Chính tại Rôma mà ngài đã chịu tử đạo, giống như một trụ cột khác của Giáo hội là thánh Phaolô thành Tarsô. Do đó, thủ đô Rôma trở thành Tông Tòa duy nhất ở phương Tây, cùng với Giêrusalem, Antokia, Alexandria và Constantinople. Từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Giám mục Rôma đã đảm nhận một thừa tác vụ cụ thể là phục vụ sự hiệp nhất đức tin và hiệp thông giữa tất cả mọi Kitô hữu. Trong những thời điểm khủng hoảng (đặc biệt là trong nhiều cuộc tranh cãi thần học vào thế kỷ thứ 3 và trong thế kỷ thứ 5), người ta hướng về người trung gian và người bảo vệ truyền thống này.
+ Đâu là những tiến triển nổi bật nhất ?
Vào thế kỷ 11, với cuộc cải cách do Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII (1073-1085) thực hiện, Rôma không chỉ trở thành trung tâm của sự hợp nhất các Giáo hội mà còn là nguồn gốc của nó. Chính từ nó mà đức tin trở nên đồng nhất, cũng như phụng vụ và giáo luật, tu sĩ Dòng Tên người Đức Klaus Schatz, chuyên gia về lịch sử Giáo hội, giải thích (1).
Do đó, chúng ta đang dần chuyển từ lôgic quyền lực tăng dần sang lôgic giảm dần, Thibault Joubert, giảng viên khoa thần học tại Đại học Strasbourg, cho biết thêm. “Đức Grêgôriô VII nói rằng Giáo hoàng là “người có quyền bính đứng đầu mọi quyền bính”, nói cách khác, ngài thừa nhận sự tồn tại của các quyền lực khác và ngài tạo ra sự hiệp nhất. Ngài như là thẩm phán tối cao: ngài có thể nghe và phán xét mọi nguyên nhân liên quan đến mình. Hai thế kỷ sau, người kế nhiệm ngài, Đức Innôcentê III, lại nói ngược lại: “Tôi là người có quyền bính mà từ đó tất cả các quyền bính khác phát sinh”. Chính ngài là người đặt ra luật và luật này được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Nhân vật quân chủ này sẽ ngày càng chiếm nhiều chỗ hơn. »
Từ ngai tòa của thánh Phêrô, các Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI (1831-1846) và Piô IX (1846-1878) đã lên án những ý tưởng “lật đổ”: tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do quan điểm; chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa xã hội, các phong trào hiệp hội Thánh Kinh …
+ “Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng” đến từ đâu?
Chính thể chuyên chế của Rôma sẽ lên đến đỉnh điểm với Công đồng Vatican I (1869-1870), được triệu tập vào thời điểm cơ sở chính trị và địa lý của chế độ giáo hoàng biến mất cùng với các lãnh thổ của Nhà nước Giáo hoàng. Hugues Portelli, trưởng khoa khoa học xã hội và kinh tế tại Học viện Công giáo Paris (1), lưu ý: “Trong trường hợp không thể duy trì chế độ quân chủ tuyệt đối thế tục, chế độ này sẽ được chuyển sang bình diện quyền lực tinh thần”. Công đồng Vatican I khẳng định không chỉ “quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trên các Giám mục khác, mà còn sự bất khả ngộ của ngài cả trong các vấn đề thiêng liêng và thế tục”.
Các Giám mục bị ràng buộc bởi “nghĩa vụ phục tùng phẩm trật và vâng phục thực sự”, Công đồng nói rõ thêm, không chỉ trong lĩnh vực đức tin và luân lý, mà còn trong các vấn đề kỷ luật và quản trị của Giáo hội. Hugues Portelli nhấn mạnh, chủ nghĩa tập trung của Rôma đã đạt đến một chiều kích “cho đến lúc đó chưa được biết đến trong Giáo hội”. Để tuyên bố các tín điều và sửa chữa luân lý, Đức Giáo hoàng không còn có nghĩa vụ triệu tập một công đồng nữa, giờ đây duy mình ngài có quyền bính cần thiết.
+ Ngày nay, quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng là gì?
Vào đầu thế kỷ XX, nhờ suy tư đại kết, tầm nhìn về mối quan hệ giữa Đức Giáo hoàng và các Thượng phụ khác đã được đổi mới. Giám mục Rôma, theo truyền thống giữ chức giáo hoàng, được công nhận là primus inter pares, người đứng đầu trong số những người ngang hàng. Các Giáo hội Chính thống công nhận Tòa Thượng Phụ Rôma có quyền ưu tiên về danh dự và phẩm giá nhưng không có quyền tài phán đối với các Tòa Thượng phụ khác, như được nêu trong “tài liệu Ravenna” được người Công giáo và Chính thống giáo ký năm 2007. Klaus Schatz phân tích: “Giáo hội Công giáo không thể từ bỏ các định nghĩa của Vatican I, nhưng Giáo hội có thể cho thấy rằng những quyền này tương thích với chủ nghĩa đa nguyên của các Giáo hội và không đòi hỏi sự thống nhất hoàn toàn”.
Ông nói tiếp, các Giáo hội Tin lành không phải tất cả đều là đối thủ của một “trung tâm hay biểu tượng của sự hiệp nhất giữa các Giáo hội” nhưng “họ phản đối chức vị giáo hoàng như một thể chế cần thiết mà Tin Mừng mong muốn”. Đối với họ, vai trò mà Chúa Giêsu gán cho thánh Phêrô chỉ áp dụng cho chính thánh Phêrô, về mặt cá nhân chứ không vượt ra ngoài.
Trong Giáo hội Công giáo, kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965), Đức Giáo hoàng đã lắng nghe các giám mục nhiều hơn, trong các chuyến viếng thăm truyền thống của các ngài tới Rôma (ad limina) và qua việc các ngài tham gia vào các Thượng hội đồng về các chủ đề cụ thể: tương lai của Giáo hội, Amazon, giới trẻ, gia đình… Hugues Portelli tóm tắt : “Tầm nhìn của Vatican I nơi chỉ có Giáo hoàng chịu trách nhiệm về Giáo hội hoàn vũ đã được thay thế bằng khái niệm tập đoàn về quyền bính trong và của Giáo hội”.
+ Đức Thánh Cha Phanxicô định vị mình như thế nào so với di sản này?
Trong cách điều hành của mình, giống như những vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô ưu tiên tính tập đoàn với các Giám mục, nhưng với mối quan tâm ngày càng tăng là cân bằng quyền lực của Giáo triều, sự cai quản của Giáo hội, vốn ngày càng kháng lại mong muốn cải tổ các thể chế của ngài. Giáo triều thường là mục tiêu phê bình của Đức Phanxicô; năm 2014, ngài tố cáo “15 căn bệnh” của Giáo triều: không chịu tự phê bình, “sự chai đá” tinh thần, quan liêu, ganh đua, hư danh, nói xấu….
Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị của ngài ẩn chứa trong cách ngài mở ra các thượng hội đồng cho những người tham gia không phải là giám mục: các tu sĩ và giáo dân, kể cả phụ nữ. Klaus Schatz nhớ lại : “Ngay trong các công đồng thời trung cổ, đặc biệt là từ Latêranô IV (1215), các Đức Giáo hoàng đã triệu tập những người quan trọng trong việc thực hiện các cuộc cải cách và nếu không có họ thì các quyết định sẽ trở thành vô hiệu lực: các linh mục, phó tế cũng như đại diện của các trường đại học và các hoàng tử thế tục”.
Kể từ Đức Gioan Phaolô II, quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng đã được thực thi một cách trực tiếp, bên ngoài Giáo hội, trong dư luận. Sự hiện diện của ngài, với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, đã nhân lên nhờ những chuyến tông du, những bài phát biểu, sự hiện diện của ngài trên mạng xã hội (tài khoản X của ngài, trước đây là Twitter, có hơn 50 triệu người đăng ký).
Trong tài liệu chuẩn bị, Thượng Hội đồng hiện hành về tương lai của Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về việc đổi mới việc thực thi quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng, dựa trên “sự hiệp lực” mới giữa “Dân Thiên Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma – đồng thời tôn trọng những chức năng đặc thù của họ” (số 62).
—————————————————————————————
“Thánh Phêrô, một người yếu đuối, được chọn làm đá tảng”
“Trong lịch sử triều đại giáo hoàng, không thiếu những lỗi lầm và thiếu sót của con người, thậm chí là nghiêm trọng: chính thánh Phêrô cũng thừa nhận mình là một “tội nhân” (Lc 5, 8). Thánh Phêrô, một con người yếu đuối, được chọn làm đá tảng, chính để chứng minh rằng chiến thắng chỉ thuộc về Chúa Kitô chứ không phải là hệ quả của sức mạnh con người. Chúa muốn mang kho tàng của Người trong những chiếc bình dễ vỡ (2 Cr 4,7), xuyên suốt thời gian: như thế, sự yếu đuối của con người đã trở thành dấu chỉ của sự thật về những lời hứa của Thiên Chúa. »
Trích từ La Primauté du successeur de Pierre dans le mystère de l’Église (Quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô trong mầu nhiệm của Giáo hội, số 15), do Đức Hồng y Joseph Ratzinger ( Đức Bênêđíctô XVI tương lai) ký. Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 30/10/1998.
———————————————————————–
(1) “Le pouvoir du pape et ses limites” ( “Quyền bính của Đức Giáo hoàng và các giới hạn của nó ”) , tạp chí Pouvoirs, số 162, năm 2017.
————————————-
Tý Linh
(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Nguồn: https://xuanbichvietnam.ne