2023
Lần đầu tiên một nữ tu được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ các Dòng tu.
Lần đầu tiên một nữ tu được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ các Dòng tu.
Hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha đã bổ nhiệm nữ tu Simona Brambilla, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi (M.C.), làm Tổng Thư ký, tức là nhân vật thứ hai của Bộ các Dòng tu, kế nhiệm Đức Tổng giám mục José Rodríguez Carballo, 70 tuổi, Dòng Phanxicô, được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Giáo phận Mérida-Badajoz ở Tây Ban Nha, sau mười năm làm Tổng Thư ký Bộ các Dòng tu.
Nữ tu Simona Brambila, người Ý, năm nay 58 tuổi (1965), nguyên là một nữ y tá chuyên nghiệp, trước khi đi gia nhập Dòng Thừa Sai Đức Mẹ an ủi và đã đậu Cao học tâm lý tại Học viện Tâm lý thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma, rồi về sau làm giáo sư tại đây. Năm 2011, chị được bầu làm Bề trên Tổng quyền của dòng và tái cử cho đến tháng Năm năm nay. Từ bốn năm nay (2019), chị cũng là thành viên của Bộ các Dòng tu, một bộ có tên đầy đủ là “Bộ về Đời sống Thánh hiến và Các Tu đoàn Tông đồ”, hiện do Đức Hồng y João Braz de Aviz, 76 tuổi, người Brazil làm Tổng trưởng từ 12 năm nay (2011).
Theo chính sách của Đức Thánh cha Phanxicô, càng ngày càng có thêm nhiều phụ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của Tòa Thánh. Trước chị Simona, đã có nữ tu Alessandra Smerili, 49 tuổi (1974), người Ý Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA) được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ Phát triển Nhân bản toàn diện, và nữ tu Raffaella Petrini, người Ý 54 tuổi (1969), thuộc Dòng Phan Sinh Thánh Thể (F.S.E), đang làm Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican.
(Vatican News 7-10-2023)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
https://vietnamese.rvasia.org/tin-giao-hoi/lan-dau-tien-mot-nu-tu-lam-tong-thu-ky-bo-cac-dong-tu
2023
Đức Hồng Y Parolin bày tỏ tâm tình đau buồn trước tình trạng hiện nay tại Thánh Địa
Đức Hồng Y Parolin bày tỏ tâm tình đau buồn trước tình trạng hiện nay tại Thánh Địa
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bày tỏ tâm tình đau buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô về vụ Israel bị Hamas tấn công.
Đầu bài tham luận tại Hội nghị ở Đại học Giáo hoàng Grêgôriô, sáng ngày 09 tháng Mười vừa qua, về đề tài: “Các văn kiện mới của triều đại Giáo hoàng Piô XII và ý nghĩa của chúng đối với quan hệ Do thái – Kitô”, Đức Hồng Y Parolin nói: “Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bắt đầu diễn văn này với nghĩa vụ nặng về và đau buồn chia sẻ và chuyển đến sự đau lòng mà Đức Thánh Cha đã biểu lộ hôm qua, ngày 08 tháng Mười, về những gì đang xảy ra ở Israel.”
Đức Hồng Y ngồi cạnh Rabbi Trưởng của cộng đoàn Do thái ở Roma, Riccardo Di Segni. Ngài nói: “Trong ngày Sabbat, Lễ Niềm Vui vì Torah ở Israel, nhiều anh chị em Israel đã bị đánh thức vì một cuộc tấn công kinh khủng và đáng khinh bỉ. Chúng ta gần gũi các gia đình nạn nhân, hàng ngàn người bị thương, những người bị mất tích và người bị bắt cóc, đang ở trong tình cảnh nguy hiểm lớn”.
Đức Hồng Y Parolin bày tỏ rằng Tòa Thánh rất lo âu theo dõi cuộc chiến tranh bị gây ra, trong đó nhiều người Palestine ở Gaza đã bị thiệt mạng, nhiều người di tản và bị thương. Ngài tái khẳng định sự gần gũi và cầu nguyện cho gia đình họ, cho tất cả các thường dân vô tội. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại cho phẩm giá và dẫn đến việc không đi tới bất cứ giải pháp nào.
Rất tiếc là nạn khủng bố, bạo lực dã man, và cực đoàn làm thương tổn khát vọng hợp pháp của người Palestine và Israel. Đức Hồng Y hy vọng võ khí im bặt và lý trí trổi vượt và giúp dừng lại suy nghĩ về con đường đúng đắn, đạt tới hòa bình tại Israel và Palestine.
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí bên lề hội nghị, Đức Hồng Y Parolin kêu gọi tìm kiếm một giải pháp để đặt những nền tảng cho cuộc sống chung giữa người Palestine và Israel, thực thi những văn kiện ngoại giao mà cộng đồng quốc tế đã có. “Bao lâu người ta chưa giải quyết vấn đề đó, không tìm ra một công thức hòa bình, thì những vụ đụng độ này luôn có nguy cơ tái diễn và ngày càng có cường độ mạnh hơn”.
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cũng lấy làm tiếc vì lịch sử dường như lập lại: “Những thảm kịch đã nối tiếp nhau trong thế kỷ XX, người ta tưởng đó là những điều thuộc về quá khứ, sẽ không còn bao giờ tái diễn nữa. Thế mà chúng ta phải rất đau buồn và ngỡ ngàng vì người ta đang lập lại những sai lầm của quá khứ. Lịch sử đã không dạy chúng ta điều gì…”
2023
Sự hiện diện của cha Timothy Radcliffe: cần một tu sĩ Dòng Đa Minh để lý giải về vị Giáo hoàng Dòng Tên
Vì vậy, khi Bề trên Tổng quyền Dòng Tên là Lorenzo Ricci qua đời tại Castel Sant’Angelo vào năm 1775 sau khi bị Giáo Hoàng Clement XIII cầm tù, chính vị Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh là người đã đứng ra dâng lễ tang cho ông, trong khi không ai khác ở Roma muốn dính líu bất cứ điều gì với Dòng Tên. Kể từ đó, Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh luôn là người dâng lễ tang cho Bề trên Tổng quyền Dòng Tên.
Do đó, thật phù hợp khi Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng Dòng Tên, đã chọn một tu sĩ Đa Minh là cha Timothy Radcliffe để giúp định hướng cho Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành, điều đang chịu nhiều tấn công ở đâu đó trong Giáo hội. Trước khi các tham dự viên tập trung tại Vatican, họ dành ba ngày tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của cha Timothy Radcliffe. Qua loạt sáu bài giảng của mình, cha Radcliffe đã đưa ra một hướng nhìn thiêng liêng và thần học cho Thượng Hội Đồng.
Ngay trong bài giảng đầu tiên, ngài đã thẳng thắn đề cập đến những chia rẽ trong Giáo hội. Ngài nói: “Chúng ta quy tụ nơi đây là bởi vì chúng ta đã không đồng tâm nhất trí”. “Đại đa số những người tham gia vào tiến trình của Thượng Hội Đồng đều ngạc nhiên vì vui mừng. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên Giáo hội mời họ chia sẻ về đức tin và niềm hy vọng của mình. Thế nhưng có người trong chúng ta lại lo sợ về hành trình này và sợ những gì sẽ xảy ra phía trước. Một số người hy vọng rằng Giáo hội sẽ được biến đổi cách rõ rệt và sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, ví dụ như về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội chẳng hạn. Những người khác lại lo lắng về chính những thay đổi đó và sợ rằng chúng sẽ chỉ dẫn đến chia rẽ, thậm chí là ly giáo.”
Cha Radcliffe lưu ý rằng ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng hiểu lầm và cãi vã nhau. Ngài trích lời thánh Gioan: “Đừng sợ, tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ hãi.” Đồng thời, ngài kêu gọi những người tham dự đợt tĩnh tâm “hãy luôn nhạy cảm với nỗi sợ hãi của người khác, đặc biệt là những người mà chúng ta không đồng tình”. Ngài thừa nhận “chúng ta có thể bị chia rẽ bởi những hy vọng khác nhau”. Thế nhưng “nếu chúng ta lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, tìm cách hiểu ý Chúa muốn cho Giáo hội và cho thế giới, chúng ta sẽ hiệp nhất trong một niềm hy vọng, điều vượt lên trên những bất đồng của chúng ta.”
Trong bài giảng thứ hai, cha Radcliffe nói về Giáo hội như là ngôi nhà nhưng ngài thừa nhận “những cách hiểu khác nhau về ngôi nhà Giáo hội đã khiến chúng ta xa rời nhau như hiện nay”. “Đối với một số người, ngôi nhà đó được định hình bởi các truyền thống và lòng đạo đức từ xưa, bởi các cấu trúc và ngôn ngữ được lưu truyền. Đó Giáo hội mà chúng ta đã cùng lớn lên và yêu mến. Nó cung cấp cho chúng ta một căn tính Kitô giáo rõ ràng. Đối với những người khác, Giáo hội hiện tại có vẻ như không phải là một ngôi nhà an toàn. Người ta cảm thấy nó độc quyền và loại trừ nhiều người: phụ nữ, người ly dị và tái hôn. Đối với một số người thì nó quá Tây, quá châu Âu.”
Ngài nói rằng những người đồng tính và những người trong tình trạng đa hôn “mong mỏi một Giáo hội được đổi mới, nơi mà họ hoàn toàn cảm thấy như ở nhà, được thừa nhận, được ủng hộ và được bảo vệ an toàn”.
Ngài kết thúc bài suy niệm thứ hai của mình bằng việc trích dẫn lời của cha Carlo Carretto (1910–1988), một tu sĩ dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu:
“Ta cần phải chỉ trích ngươi biết bao, Giáo hội của ta, nhưng ta thật yêu quý ngươi dường bao! Ngươi đã làm cho ta đau khổ hơn bất cứ ai, nhưng ta mang ơn ngươi nhiều hơn bất cứ ai. Ta muốn thấy ngươi bị tiêu diệt, nhưng ta lại rất cần ngươi tồn tại. Ngươi đã cho ta nhiều tai tiếng, nhưng chỉ có ngươi mới giúp ta hiểu được sự thánh thiện của ngươi. … Vô số lần ta cảm thấy như muốn đóng sầm cửa lòng mình lại trước mặt ngươi – tuy nhiên, hàng đêm, ta vẫn cầu nguyện cho mình được chết trong vòng tay vững vàng của ngươi! Không, ta không thể thoát khỏi ngươi, vì ta với ngươi là một, cho dù ta không hoàn toàn là ngươi. Rồi nữa – ta sẽ đi về đâu? Xây dựng một Giáo hội khác ư? Nhưng ta không thể tạo ra một Giáo hội không có những khiếm khuyết mà ngươi đang có, bởi vì nơi chính ta cũng mang những khiếm khuyết đó.”
Trước những vấn nạn và sự chia rẽ mà Giáo hội đang phải đối mặt, một Thượng Hội Đồng thành công sẽ phải như thế nào? Cha Radcliffe khẳng định: “Thượng Hội Đồng này sẽ mang lại hoa trái nếu nó dẫn chúng ta đến một tình bạn sâu sắc hơn với Chúa và với nhau”. Ngài thừa nhận rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn. “Nền tảng của tất cả những gì chúng ta sẽ làm trong Thượng Hội Đồng này phải là tình bạn mà chúng ta tạo ra. Nghe có vẻ không đúng cho lắm. Nó sẽ không tạo ra những tin giật gân trên các phương tiện truyền thông. ‘Họ đi từ khắp mọi nơi đến tận Rome chỉ để kết bạn! Thật là phí!’”
Cha Radcliffe chia sẻ thêm rằng tình bạn này được hình thành bởi việc “thành thật về những nghi ngờ và các vấn đề giữa chúng ta với nhau, những vấn đề mà chúng ta không có câu trả lời rõ ràng”. Ngài trích dẫn cuốn tiểu thuyết Monsignor Quixote của Graham Greene, một linh mục Công giáo người Tây Ban Nha, người đã trình bày những nghi ngờ của mình với vị thị trưởng cộng sản. Vị linh mục này nói: “Thật kỳ lạ là việc chia sẻ nghi ngờ lại có thể gắn kết con người với nhau, có lẽ còn hơn cả việc chia sẻ niềm tin. Những người mang niềm tin tranh đấu với nhau dựa trên sự khác biệt; còn những người mang nghi ngờ chỉ tranh đấu với chính mình.” Cha Radcliffe kết luận: “Tình bạn trổ sinh khi chúng ta dám chia sẻ những nghi ngờ của mình và cùng nhau tìm kiếm sự thật”. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải lắng nghe.
Lắng nghe và trò chuyện trong Thánh Thần là trọng tâm của tiến trình Thượng Hội Đồng. Cha Radcliffe lưu ý rằng các dòng tu có thể dạy cho Giáo hội về nghệ thuật trò chuyện. “Thánh Biển Đức dạy chúng ta biết tìm kiếm sự đồng thuận; thánh Đa Minh dạy muốn tranh luận; thánh Catarina Siena dạy thích trò chuyện; Thánh Ignatius Loyola dạy nghệ thuật phân định; thánh Philip Neri dạy biết vai trò của tiếng cười.”
Cha Radcliffe giải thích rằng “việc trò chuyện cần một bước nhảy tưởng tượng đi vào kinh nghiệm của người khác để nhìn bằng mắt của họ, nghe bằng tai của họ. Chúng ta cần đi vào bên trong con người của họ. Lời nói của họ xuất phát từ kinh nghiệm nào? Họ có mang nỗi đau hay hy vọng gì không? Họ đang đi về đâu?” Cuộc trò chuyện như thế sẽ dẫn đến sự thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương.
Cha Radcliffe phản đối ý kiến cho rằng việc trò chuyện sẽ làm đe dọa quyền lực. Ngài khẳng định rằng “quyền lực gồm nhiều mặt và có tính bổ trợ lẫn nhau. Quyền lực không đòi hỏi cạnh tranh, như thể giáo dân chỉ có thể có nhiều quyền hơn nếu các Giám mục có ít quyền hơn”.
Ngài chia sẻ với các người tham dự viên rằng quyền lực đến từ vẻ đẹp, điều thiện và sự thật. Ngài cũng nói thêm: “Không có sự thật thì vẻ đẹp trở nên trống rỗng. Không có điều thiện thì vẻ đẹp có thể là lừa dối. Điều thiện nếu không có sự thật thì dễ rơi vào cảm tính. Sự thật mà không có điều thiện sẽ dẫn đến Tòa án Dị giáo.”
Thế nhưng cha Radcliffe cũng không hề ngây thơ. Cha nhận ra những vấn đề trong Giáo hội (lạm dụng tình dục và tham nhũng) và trên thế giới. Ngài chỉ ra: “Chúng ta đang tiến dần tới một thảm họa sinh thái nhưng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta hầu như chỉ giả vờ như không có chuyện gì xảy ra”. “Thế giới của chúng ta bị hành hạ bởi nghèo đói và bạo lực, nhưng những quốc gia giàu có không muốn mở mắt thấy hàng triệu anh chị em của chúng ta đang phải chịu đau khổ và tìm nơi trú ngụ.”
Cha Radcliffe cho rằng sợ hãi sẽ dẫn đến việc sợ mất quyền kiểm soát, “đó là lý do tại sao nhiều người sợ Thượng Hội Đồng”. Thế nhưng “được Thánh Thần dẫn dắt đến chân lý cũng có nghĩa là chấp nhận buông bỏ hiện tại, tin tưởng rằng Thánh Thần sẽ tạo ra những thể chế mới, những hình thức sống đạo mới, những sứ vụ mới”. Ngài ví von rằng giống như một con chim mẹ, “Chúa Thánh Thần đôi khi sẽ hất chúng ta ra khỏi tổ và buộc chúng ta phải bay! Chúng ta vỗ cánh trong hoảng loạn, nhưng rồi chúng ta biết bay!”
Cha Radcliffe kết luận: “Nếu chúng ta chịu để cho Thần Khí Sự Thật hướng dẫn mình, chắc chắn chúng ta sẽ có tranh luận. Đôi khi nó rất đau đớn. Sẽ có những sự thật mà chúng ta không muốn đối mặt. Thế nhưng chúng ta sẽ được dẫn đi sâu hơn một chút vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta được đón nhận niềm vui mà người ta sẽ phải ghen tị vì chúng ta có mặt ở đây, và họ cũng mong được tham dự phiên họp tiếp theo của Thượng Hội Đồng!”
Cha Radcliffe Dòng Đa Minh đã lý giải rất hay về Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng Dòng Tên.
Chuyển ngữ từ: (Americamagazine 12/10/23)
2023
Thượng Hội Đồng cầu nguyện cho Hòa Bình ở Trung
Công việc của thứ Năm 12/10/2023 được mở đầu bằng lời cầu nguyện đặc biệt tập trung vào Thánh Địa. Công việc tập trung vào các báo cáo của các nhóm nhỏ trong phần thứ hai của Tài liệu làm việc. Các tham dự viên Thượng hội đồng đã thực hiện một chuyến hành hương vào buổi chiều tới Hang toại đạo Thánh Sébastien.
Trung Đông, Ucraina, Irắc, Châu Phi. Lời cầu nguyện cho hòa bình hiệp nhất Giáo hội trên toàn thế giới. Đây là thông điệp của Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Nó đã được thảo luận chiều nay trong cuộc họp báo trước mặt các nhà báo. Những tiếng nói tiếp theo bày tỏ sự cấp bách của việc cùng nhau bước đi trong cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa.
Sức mạnh của lời cầu nguyện cho hòa bình
Margaret Karram, chủ tịch phong trào Focolari, người Ả Rập, Kitô hữu-Công giáo, công dân Israel gốc Palestine, đã mang lại một chứng tá trước giới truyền thông. Bài nói : lời cầu nguyện sáng nay tại Thượng hội đồng là “một thời khắc rất mạnh mẽ” bởi vì, “kể từ khi chiến tranh nổ ra, trái tim tôi như bị giằng xé và tôi tự hỏi mình đang làm gì ở Thượng hội đồng này”. “Tham gia cầu nguyện với mọi người là một khoảnh khắc rất sâu sắc.”
Theo Margaret Karram, cần có nhiều nỗ lực để có được hòa bình, nhưng “sức mạnh của lời cầu nguyện là rất quan trọng”. “Kinh nghiệm này dạy cho tôi ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi, đối thoại, để cho người khác chất vấn mình, và tính hiệp hành không chỉ là một phương pháp luận, nó phải trở thành một lối sống của Giáo hội: lắng nghe người khác với sự tôn trọng, vượt lên trên những ý kiến khác biệt”.
Cầu nguyện cùng với toàn thế giới
Chủ tịch phong trào Focolari sau đó đã nói về nhiều sáng kiến cầu nguyện liên tôn được thực hiện trong những ngày gần đây, bao gồm cả thông qua các nền tảng kỹ thuật số, nhằm thu hút số lượng tín hữu lớn nhất trên toàn thế giới. “Hôm qua (11/10, ghi chú của biên tập viên) cũng có mối liên hệ với Ucraina. Chúng tôi đồng ý gặp nhau cùng giờ để cùng nhau cầu nguyện thông qua sáng kiến “Sống Hòa bình” và chúng tôi cũng yêu cầu những cử chỉ liên đới cụ thể đối với anh em các tôn giáo khác cũng như cam kết ký lời kêu gọi hòa bình để gửi đến những người nắm quyền. ”
Điều thiện không gây ồn ào
Việc tốt không gây ồn ào, họ chỉ nói về sự thù hận, nhưng Margaret Karram đã nhấn mạnh rằng nhiều người ở Israel quan tâm đến việc xây cầu với người dân Gaza. Bà tâm sự: “Tôi có một người bạn Do Thái, người đã quyết định cầu nguyện cùng lúc với những người Hồi giáo để hiệp nhất với họ trong lời cầu nguyện”.
Sự dấn thân của tất cả mọi người
Khi được báo chí đặt câu hỏi, chủ tịch Focolari đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động để nối lại các cuộc đàm phán và cảm nhận được tính cấp thiết của việc giải quyết xung đột này: “Vẫn còn quá nhiều sự im lặng. Chỉ tiếng nói của tôi sẽ không mang lại kết quả, sự cam kết của tất cả mọi người là cần thiết để thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và sự hòa giải giữa các dân tộc”.
Châu Phi và tính hiệp hành
Đức cha Andrew Nkea Fuanya, Tổng Giám mục Bamenda, Cameroon, và là chủ tịch Hội đồng Giám mục nước này, cho biết: “Tính hiệp hành đã là một phần của văn hóa châu Phi”. Trong Giáo hội của chúng tôi, chúng tôi làm mọi việc cùng nhau, giống như một gia đình. Ngài nói thêm rằng Thượng hội đồng này “là một niềm an ủi lớn lao đối với Châu Phi, bởi vì đôi khi chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi, nhưng sự hiệp nhất trong cầu nguyện với Giáo hội hoàn vũ mang lại cho chúng tôi lòng can đảm và lục địa của chúng ta có thể ghi dấu Thượng hội đồng bằng dấu ấn của mình”. Về vấn đề chiến tranh, ngài tuyên bố với niềm tin chắc: “Nó không bao giờ là một giải pháp”.
Tin Mừng kết hợp các ngôn ngữ khác nhau
Kinh nghiệm trở thành một gia đình duy nhất tại Thượng hội đồng cũng là kinh nghiệm của Nữ tu Caroline Jarjis, bác sĩ tại trung tâm y tế Baghdad và là nữ tu của Dòng Nữ tử Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sáng thứ Năm này, cùng với những người tham gia khác trong cộng đoàn, Sơ đã đọc Tin Mừng bằng ngôn ngữ của mình, tiếng Ả Rập, và rất ấn tượng trước sự hiểu biết của mọi người về lời nói của mình. Sơ nói tiếp : “Thiên Chúa hiện diện trong công việc chúng tôi đang thực hiện tại Thượng hội đồng, Ngài đã chọn và chuẩn bị cho chúng tôi trước khi đến Rôma. Cùng nhau, chúng tôi có cảm nghiệm về những Kitô hữu đầu tiên, những người đã chia sẻ mọi thứ”.
Chứng tá của các vị tử đạo người Irắc
Cái nhìn của Sơ Caroline truyền tải niềm hy vọng, ngay cả khi sơ không che giấu những dấu hiệu của 20 năm đau khổ ở đất nước mình. Sơ nói với các phóng viên : “Tôi đến từ một đất nước đang có chiến tranh, nơi mà các Kitô hữu là thiểu số, nhưng sự phong phú của Giáo hội chúng tôi được mang lại nhờ sự hiện diện của các vị tử đạo. Máu của họ mang lại cho chúng tôi động lực để tiếp tục, và tôi sẽ trở về nhà với sức mạnh lớn hơn nhờ kinh nghiệm hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.”
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, nữ tu người Irắc bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với quyết định của Đức Hồng y Louis Raphaël Sako rút khỏi Tòa Thượng Phụ Baghdad sau quyết định của Tổng thống Rashid hủy bỏ sắc lệnh về Giáo hội Chaldean công nhận Đức Hồng y là người đứng đầu và người chịu trách nhiệm về tài sản của Giáo hội. “Thật đúng đắn khi được sống với phẩm giá của những Kitô hữu ở vùng đất tử đạo: chúng tôi không phải là công dân hạng hai”.
Cuộc hành hương đến Hang toại đạo
Vào buổi chiều, các tham dự viên Thượng hội đồng đã thực hiện chuyến hành hương đến Hang toại đạo Thánh Sébastien, nơi lưu giữ hài cốt của Thánh Phêrô và Phaolô, cũng như của Thánh Callistô và Thánh Domitilla. Thứ Sáu ngày 13 tháng 10, sau thánh lễ do Đức Hồng y Ambongo chủ tế, phiên họp chung lần thứ tám sẽ diễn ra và sẽ trình bày phần thứ ba của Tài liệu làm việc về chủ đề: “Đồng trách nhiệm trong sứ mạng . Làm thế nào chia sẻ những hồng ân và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?”
Trong khi đó, chiều thứ Tư với phiên họp chung thứ bảy và sáng thứ Năm với khóa họp thứ sáu của các nhóm nhỏ và việc đệ trình các báo cáo lên Ban Tổng Thư ký Thượng hội đồng, công việc liên quan phần thứ hai dành cho “Hiệp thông” đã hoàn thành.
Các chủ đề của phiên họp chung lần thứ bảy
Trong số các chủ đề nổi lên hôm thứ Tư, có thể trích dẫn đối thoại liên tôn và liên văn hóa, tác động của chủ nghĩa thực dân đối với các cộng đồng bản địa, tầm quan trọng của bí tích hòa giải, vốn cho phép chúng ta được chấp nhận nếu chúng ta cầu xin sự tha thứ tội lỗi của mình, việc lắng nghe và hòa nhập những người trẻ vào lòng khao khát được gặp Chúa Giêsu của họ. Về vấn đề này, trong cuộc họp báo, Đức Giám mục Nkea Fuanya đã chia sẻ kinh nghiệm của giáo phận của ngài, trong năm dành riêng cho Thánh Thể này, mỗi giáo xứ chuẩn bị một nhà nguyện để chầu liên tục.
Hình ảnh của Mẹ Teresa Calcutta và việc chăm sóc bệnh nhân của Mẹ, sự cấp bách của sự dấn thân của các nhà lãnh đạo Công giáo trong việc thúc đẩy hòa bình, bi kịch của những phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội ở các vùng ngoại vi, nhu cầu hòa nhập và lắng nghe trong đời sống của Giáo hội đã cũng là trung tâm công việc của Thượng hội đồng.
Thượng hội đồng và Đức Maria
Cuối cùng, chủ tịch Ủy ban Thông tin, Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông, nhắc lại rằng Thứ Năm này là lễ Đức Mẹ Aparecida và Đức Mẹ Pilar. Ông nói: “Sáng nay, tầm quan trọng về hình ảnh Đức Mẹ của Giáo hội hiệp hành đã được nhấn mạnh. Đức Maria là Mẹ, Mẹ là giáo dân, Mẹ là lời ngôn sứ, Mẹ là đối thoại, Mẹ là đặc sủng, Mẹ là sự thánh thiện, Mẹ là Tin Mừng sống động.”
Tý Linh chuyển ngữ
từ Vatican News