Sửa đổi lời một số bài thánh ca
Sửa đổi lời một số bài thánh ca
Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 51 do Ủy ban Thánh nhạc – HÐGMVN tổ chức đã diễn ra vào ngày 3.10.2023 tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM. Một trong những nội dung chính là bàn về việc sửa lời một số ca khúc thánh ca.
Các tham dự viên là thành viên ban Thánh nhạc các giáo phận, ca trưởng, ca viên, nhạc sĩ Công giáo đã cùng thảo luận đề tài này. Về tầm quan trọng và nguyên nhân phải sửa đổi lời hát của một số trường hợp đã được phổ biến trong cộng đồng Dân Chúa lâu nay, chia sẻ với phóng viên, linh mục, nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy cho biết lý do để các ca khúc phù hợp với giáo lý Công giáo, suy tư thần học và ngôn ngữ thời đại: “Trước Công đồng Vatican II, Giáo hội cử hành thánh lễ với nhạc Grêgoriô (Bình ca – plainchant) bằng tiếng Latinh nên không có vấn đề gì, vì các bài ca đã được soạn sẵn trong các tập Bình ca chung cho cả Giáo hội Công giáo (Paroissien Romain – Chant Gregorien [1945], Graduale Simplex, Graduale Romanum, Liber Hymnarius). Sau Công đồng, với Hiến chế Phụng vụ thánh, Giáo hội cho phép sử dụng tiếng bản xứ trong các cử hành phụng vụ, nhờ vậy giáo dân tham dự “am hiểu đầy đủ hơn mầu nhiệm được cử hành” (x. HDMVTN, số 57), như hiện nay chúng ta đang dùng tiếng Việt. Từ đó các nhạc sĩ Công giáo đã viết những tác phẩm mới. Cho đến nay, những tác phẩm thánh ca vẫn liên tục ra đời do nhiều thành phần Dân Chúa soạn tác. Trong số đó có nhiều bài rất có giá trị, nhưng cũng không ít bài cần phải sửa lại cho phù hợp với Giáo lý Công giáo, suy tư thần học và ngôn ngữ thời đại, cũng như căn cứ vào những tiểu chuẩn phụng vụ thánh nhạc và mục vụ, đồng thời cũng quan tâm đến sự chọn lọc của thời gian với đôi chút chỉnh sửa khi cần thiết như không dùng danh xưng Giavê trong các bản văn phụng vụ; theo ý các nhà thần học, không dùng danh xưng “Cha” cho Chúa Giêsu”.
Tuy nhiên, việc sửa lời thánh ca không thực hiện dễ dàng và nhanh chóng vì nhiều yếu tố tác động. Linh mục nhạc sĩ Rôcô cũng chia sẻ, từ khi khởi sự, thẩm quyền sửa lời bài hát thuộc về tác giả, ý kiến của Ủy ban Giáo lý Đức tin, Ủy ban Văn hóa, nhất là Ủy ban Thánh nhạc có vai trò góp ý và quyết định. Đối với các tác giả đã mất, việc sửa lời bài hát thuộc về thẩm quyền Giáo hội và cần thông báo với người giữ bản quyền. Hiện nay, Uỷ ban Thánh nhạc đã tiến hành dò lại tất cả các ca khúc, dù đã được chuẩn nhận. Không chỉ với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, việc sửa lời thánh ca cũng được thực hiện ở những nơi khác, theo quyết định của Hội đồng Giám mục của các quốc gia. Mới đây, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã yêu cầu bỏ đi một số bài hát dù đã được cho phép.
Được biết, sau 4 năm làm việc, Ban Tuyển chọn đã hoàn tất cuốn Thánh Ca Việt Nam, quyển 1, ra mắt cùng cộng đồng Dân Chúa. Tuyển tập này gồm những bài thánh ca (đã cho phép sử dụng) được phổ biến từ những ngày đầu khai sinh nền thánh nhạc Việt Nam cho đến khoảng năm 1973-1975, với tổng số lên đến gần 500 bài. Theo thống kê, đến hiện tại đã có khoảng trên 160 bài hát được sửa lại vài từ. Chẳng hạn bài hát Nữ Vương Thiên Đàng (Ns. Ngô Duy Linh), cụm từ “hỉ hoan khoái lạc” được hiệu đính thành “hỉ hoan vui mừng” hay bài Cung Chúc Trinh Vương (Ns Hoài Đức) cụm từ “Mẹ nhân ái yêu đương” thành “Mẹ nhân ái yêu thương”.
Bên cạnh việc trao đổi các ý kiến xoay quanh thực hiện sửa lời thánh ca, các tham dự viên còn chia sẻ về hát cộng đồng ở từng giáo phận, giáo xứ, làm sao để các thành phần Dân Chúa cùng hát ca, ngợi khen và hướng tâm hồn lên Chúa trong thánh lễ cách thiêng liêng, cảm xúc. Một vài cách làm hay được giới thiệu, đơn cử như giáo phận Mỹ Tho thiết lập hệ thống phòng thu để ca đoàn hát mẫu những bản nhạc và phổ biến trên kênh truyền thông cho mọi giáo dân có thể tiếp cận và quen thuộc với giai điệu, hỗ trợ cho việc khuyến khích hát cộng đồng.
Chương trình khép lại với phần đúc kết của Đức cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kon Tum, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc. Đức cha nhấn mạnh đến việc các giáo xứ cần quan tâm đào tạo nhân lực phục vụ ca đoàn, nghệ thuật thánh hướng tới sự lâu dài.
VÂN UYÊN – ANH NGUYÊN