2023
Các nữ tu Công giáo nỗ lực hoạt động để trẻ em được sống trong gia đình
Tổ chức Công giáo Chăm sóc Trẻ em là một mạng lưới toàn cầu của các nữ tu Công giáo ủng hộ việc chăm sóc trẻ em trong các gia đình và cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh về tinh thần và thể lý cho các em bắt đầu ở châu Phi và hiện đã mở rộng sang các châu lục khác.
Các nữ tu Công giáo tin rằng ngay khi bắt đầu, ở trung tâm của công trình tạo dựng, gia đình là kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều này có nghĩa là gia đình không chỉ là một cơ cấu xã hội, nhưng còn là kế hoạch của Thiên Chúa để con người được phát triển một cách toàn diện.
Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, sơ Mary Niluka Perera, điều phối viên của tổ chức đã nói rõ về tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ em ở gia đình so với các trung tâm. Sơ cho biết Tổ chức Công giáo Chăm sóc Trẻ em là một sáng kiến của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền Dòng nữ(UISG), nhằm đảm bảo các trẻ em lớn lên trong một gia đình an toàn, yêu thương hoặc một môi trường giống như gia đình.
Để làm được điều này, theo nữ tu điều phối, Tổ chức quan tâm đến ba trụ cột chính: lĩnh vực Công giáo, khoa học xã hội và quyền trẻ em. Trụ cột đầu tiên bắt nguồn từ giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, thứ hai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng trong gia đình đối với sự phát triển toàn diện của các em, và thứ ba tập trung vào quyền có một gia đình của trẻ em.
Nhằm mục đích hỗ trợ các dòng tu đọc các dấu chỉ của thời đại và làm cho đoàn sủng phù hợp với bối cảnh ngày nay, Tổ chức Công giáo Chăm sóc Trẻ em cung cấp các khoá đào tạo trực tuyến cho các nữ tu muốn thay đổi phương pháp chăm sóc trẻ em từ chăm sóc tại các cơ sở sang chăm sóc tại gia đình hoặc các hình thức tương tự.
Sơ giải thích thêm rằng, mặc dù các trung tâm cung cấp cho trẻ em những nhu cầu căn bản, nhưng lại thiếu chăm sóc cá nhân, hỗ trợ cảm xúc và cảm giác thân thuộc mà môi trường gia đình mang lại. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu thường gợi ý rằng trẻ em phát triển tốt hơn khi được chăm sóc tại gia đình, trải qua sự phát triển lành mạnh, cảm xúc và tâm lý so với môi trường tập thể.
Vatican News
2023
Phỏng vấn Đức Phanxicô nhân kết thúc năm 2023
Hai tháng trước khi kết thúc năm 2023, Đức Phanxicô kết thúc năm bằng cuộc phỏng vấn mới với hãng tin Yesla của Nhà nước Argentina, Ngài nói về những chuyến tông du tiếp theo, những cuộc khủng hoảng và tình hình Giáo hội.
Xin cha cho biết về những chuyến tông du quan trọng cha cần hoàn thành trong triều của cha.
Đức Phanxicô. Trước hết là Argentina, tôi muốn về thăm quê hương. Còn những chuyến đi xa nhất, tôi vẫn còn Papua New Guinea. Vì tôi sắp đi Argentina nên có người khuyên tôi nên dừng ở Rio Gallegos, sau đó đi Nam Cực, đến Melbourne và thăm Tân Tây Lan và Australia. Sẽ hơi lâu một chút…
Cha nghĩ gì về những cuộc khủng hoảng hiện nay và chủ nghĩa giải phóng kiểu thiên sai, về các phong trào cực hữu, những khủng hoảng này là nhất thời hay sẽ kéo dài? Chúng ta có thể làm gì để tránh?
Tôi thích từ khủng hoảng vì sẽ có chuyển hóa trong nội bộ. Nhưng chúng ta thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách đi lên, chúng ta không thoát ra bằng những mánh khóe. Chúng ta thoát ra từ trên cao và không thoát ra một mình. Những ai muốn thoát ra một mình, họ biến lối thoát của họ thành mê cung vòng vòng. Cuộc khủng hoảng là một mê cung. Hơn nữa, khủng hoảng làm chúng ta trưởng thành: khi một người, một gia đình, một đất nước hay một nền văn minh gặp khủng hoảng, nếu họ vượt qua tốt thì họ sẽ trưởng thành.
Tôi lo khi các vấn đề bị kẹt và không thể giải quyết được. Một trong những điều chúng ta cần dạy cho các em bé là làm sao xử lý được khủng hoảng. Làm sao giải quyết được khủng hoảng? Vì nó làm cho chúng ta trưởng thành. Chúng ta đã từng là người trẻ và thiếu kinh nghiệm, đôi khi các thanh thiếu niên bây giờ bám vào phép lạ, vào giải phóng kiểu thiên sai, vào ý tưởng rằng mọi việc có thể được giải quyết theo cách của người thiên sai. Đấng Thiên sai là người duy nhất đã cứu tất cả chúng ta. Những người khác chỉ là những chú hề thiên sai. Không ai trong số họ có thể hứa hẹn giải quyết xung đột, họ chỉ làm khủng hoảng leo thang. Và không chỉ thế. Chúng ta hãy nhìn về bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào, ở một đất nước không biết phải quyết định điều gì, ở châu Âu có một số… Chúng ta phải làm gì? Có phải chúng ta đang tìm kiếm một thiên sai bên ngoài đến cứu chúng ta không? Không. Chúng ta phải đi tìm xung đột xuất phát từ đâu, nắm bắt và giải quyết nó. Quản lý xung đột có nghĩa là thể hiện sự khôn ngoan. Nhưng không có xung đột thì không có con đường phía trước.
Cha sẽ có hai thông điệp về trí tuệ nhân tạo, mở rộng huấn quyền trong lãnh vực này, thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2024 và thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2024. Sự phát triển công nghệ tăng nhanh, trong đó có trí tuệ nhân tạo, cha nghĩ làm thế nào để nó được quản lý ở góc độ nhân văn hơn?
Tôi thích chữ “tăng nhanh”. Khi một cái gì đó được tăng tốc, tôi lo vì nó không có thời gian đủ để ổn định. Từ cuộc cách mạng công nghiệp trong những năm 1950, chúng ta thấy sự phát triển không tăng nhanh, chúng có các cơ chế kiểm soát và hỗ trợ. Khi những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt, cơ chế đồng hóa không có thời gian tiến hành và cuối cùng chúng ta trở thành “nô lệ”. Việc trở thành nô lệ cho một người hoặc một công việc cũng nguy hiểm cho văn hóa.
Đường hướng chỉ đạo của tiến bộ văn hóa, kể cả trí tuệ nhân tạo, là khả năng của mọi người trong việc quản lý, tiếp thu và kiểm soát nó. Nói cách khác, mọi người, nam cũng như nữ đều là chủ nhân của sáng tạo và chúng ta không được đi chệch khỏi điều đó. Tính ưu việt của cá nhân là trên hết! Những thay đổi khoa học nghiêm túc là những tiến bộ. Chúng ta phải sẵn sàng làm điều này.
Về lãnh vực chính trị, xin cha giải thích khái niệm “an ninh toàn diện” do cha đưa ra là gì?
Chúng ta không thể có được an ninh từng phần cho một quốc gia nếu không có an ninh toàn diện cho mọi người. Chúng ta không thể nói về an sinh xã hội nếu không có an ninh phổ quát hoặc đang trong quá trình trở thành như vậy. Tôi nghĩ đối thoại không chỉ mang tính quốc gia mà còn mang tính phổ quát, đặc biệt ngày nay với tất cả các phương tiện liên lạc. Đó là lý do vì sao tôi nói về một đối thoại phổ quát, hòa hợp phổ quát, gặp gỡ phổ quát. Và tất nhiên, kẻ thù của tất cả những điều này là chiến tranh. Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc cho đến ngày nay, khắp nơi đều có chiến tranh. Đây chính là điều làm cho tôi phải nói, chúng ta đang trải qua cuộc chiến tranh thế giới từng phần. Ngày nay chúng ta nhận ra điều này vì cuộc chiến tranh thế giới này đang đến.
Về tình hình của Giáo hội, chúng ta cần loại Giáo hội nào trong thời buổi này?
Ngay từ đầu Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã có một nhận thức rất rõ ràng: Giáo hội phải thay đổi. Đức Phaolô VI đồng ý và tiếp tục, các giáo hoàng tiếp theo cũng vậy. Đó không chỉ là một thay đổi về phong cách, mà còn là một tiến bộ hướng tới phẩm giá con người. Và có một tiến hóa thần học, thần học luân lý và mọi khoa học giáo hội, kể cả việc giải thích Kinh thánh, đã phát triển theo ý nghĩa của Giáo hội. Luôn hòa hợp. Các cắt đứr là không tốt. Hoặc chúng ta tiến bộ bằng cách phát triển, hoặc chúng ta sẽ kết thúc một cách không tốt. Những cuộc cắt đứt làm chúng ta mất đi tiến bộ. Tôi thích dùng hình ảnh cây và rễ của nó. Rễ lấy hết độ ẩm từ đất và kéo lên cao qua thân cây. Khi chúng ta cắt đứt với rễ, chúng ta thấy mình khô khan và không có truyền thống. Truyền thống theo nghĩa tốt của từ này. Tất cả chúng ta đều có một truyền thống, một gia đình, tất cả chúng ta sinh ra đều có văn hóa của một đất nước, văn hóa của một chính trị. Tất cả chúng ta đều có một truyền thống và chúng ta cần phải chăm sóc.
Làm thế nào cha giải quyết được khó khăn giữa việc thay đổi và không đánh mất một phần bản sắc?
Giáo hội, đối thoại và những thách thức mới, đã thay đổi nhiều điều. Ngay cả trong vấn đề văn hóa. Chẳng hạn, khi nói đến đời sống của một giáo hoàng. Việc một giáo hoàng trả lời các phỏng vấn như thế này không phải là chuyện phổ biến vào cuối Công đồng Vatican I. Trong một thế kỷ rưỡi, bây giờ chuyện này đã được làm. Trong một thế kỷ rưỡi, mọi thứ đã phát triển rất nhiều, nhưng luôn theo cùng một hướng. Một nhà thần học thế kỷ thứ 4 cho rằng những thay đổi trong Giáo hội phải đáp ứng ba điều kiện mới có thể xác thực: ổn định, phát triển và hoàn thiện theo năm tháng. Đây là định nghĩa truyền cảm hứng của Thánh Vincent de Lerins ở thế kỷ thứ IV. Giáo hội phải thay đổi, chúng ta nghĩ về việc Giáo hội đã thay đổi như thế nào kể từ Công đồng cho đến ngày nay và Giáo hội phải tiếp tục thay đổi về hình thức, về cách đề xuất một chân lý không thay đổi. Nói cách khác, Mặc khải của Chúa Giêsu Kitô không thay đổi, giáo điều của Giáo hội không thay đổi, nhưng lớn lên, phát triển và hoàn thiện như nhựa cây. Ai không đi trên con đường này, họ lùi lại một bước và thu mình vào chính mình. Những thay đổi trong Giáo hội xảy ra theo đường hướng bản sắc của Giáo hội này. Nó phải thay đổi tùy theo những thách thức đặt ra cho nó. Đó là lý do tại sao trọng tâm của sự thay đổi này mang tính chất mục vụ và không phủ nhận những yếu tố thiết yếu của Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)
2023
Chủng viện không phải là “nhà máy sản xuất”
Chủng viện không phải là “nhà máy sản xuất”
Ngày 13.11.2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã đến Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội gặp gỡ và huấn đức chủng sinh thuộc phân khoa Thần học. Những huấn từ của Đức Tổng Giuse được dựa trên bài viết của Đức Hồng y Lazzaro You Heung Sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ. Trong đó, trọng tâm là ba câu hỏi nền tảng: Hội Thánh nào? Kiểu linh mục nào? Và loại hình đào tạo thế nào?
Theo Đức TGM Giuse, câu hỏi thứ nhất sẽ cho thấy một diện mạo cụ thể của Giáo hội hiện nay với tất cả những thách đố, khó khăn và thử thách. Từ đó, câu hỏi thứ hai được khai mở, với một Giáo hội như vậy thì kiểu mẫu linh mục nào được chờ đợi như là mong mỏi của chính Thiên Chúa và đoàn dân thánh. Ngài nhắc nhở chủng sinh: “Công việc mục vụ của linh mục trên hết là phục vụ mà không nhằm lợi lộc thấp hèn, các ngài phải luôn nhớ đến lời mời gọi hãy rửa chân cho anh em mình”. Từ đó, ngài gợi mở: “Vậy với thực trạng của Hội Thánh như hiện nay và với kiểu linh mục mà Chúa muốn như thế, thì đâu sẽ là loại hình đào tạo phù hợp để đáp ứng những đòi hỏi ấy?”.
Theo ngài, trước hết, chủng viện phải là trường học Tin Mừng, nghĩa là tinh thần Tin Mừng phải thấm đẫm trong mọi sinh hoạt của chủng viện, kể cả là việc thể thao hay giải trí. Chủng viện không phải là “nhà máy sản xuất” nhưng là trường đào tạo của Chúa Thánh Thần với khuôn mẫu là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình (x. Mc 10, 45). Thứ đến, chủng viện phải là trường học của sự hiệp thông, để con tim học cách mở ra với Chúa và mọi người. Chủng viện cũng phải là “nhà” để mọi người có thể sống tinh thần huynh đệ thực sự chứ không phải là thái độ “phòng thủ”. Cuối cùng, chủng viện là nơi giúp cho người chủng sinh có thể lượng giá ơn gọi của mình theo tinh thần truyền giáo. Chủng sinh phải được đào tạo trở nên con người của truyền giáo, luôn sẵn sàng để được sai đi trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng.
2023
Nhớ vị giám mục tiên khởi người Việt
Nhớ vị giám mục tiên khởi người Việt
Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, tín hữu tưởng nhớ đến những người đã khuất bóng là thân bằng quyến thuộc và cả những người được lưu truyền trong sử sách, hoặc ghi đậm dấu ấn trong các cộng đoàn…
Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) là một trong số những vị tiền nhân đã khuất bóng được nhiều người tưởng nhớ nhân kỷ niệm 90 năm (1933-2023) được tấn phong giám mục.
Vào thời điểm đó, một giám mục người bản địa là một cột mốc lịch sử nơi vùng miền đón nhận Tin Mừng khoảng bốn thể kỷ trước và vẫn thuộc quy chế tông tòa – trực thuộc Tòa Thánh. Khi Đức Thánh Cha Piô XI ban hành thông điệp “Sự việc Giáo hội” (Rerum Ecclesiae) cổ vũ việc trao quyền cho hàng giáo sĩ địa phương, Đức Giám mục Alexandre Marcou Thành là người đầu tiên hưởng ứng, đề cử linh mục Nguyễn Bá Tòng làm giám mục phó Hạt đại diện tông tòa Phát Diệm do ngài coi sóc.
Thêm một điểm đáng ghi nhận, ngài là linh mục thuộc địa phận Sài Gòn, vùng Nam bộ, nhưng được bổ nhiệm coi sóc một hạt tông tòa vùng Bắc bộ. Theo nhiều nguồn tư liệu, sự bổ nhiệm này không gây lấn cấn nơi các giáo sĩ người Pháp, người Việt tại đây, bởi trước đó vị giám mục tân cử đã được ngưỡng mộ với tài giảng thuyết trong kỳ tĩnh tâm cho các linh mục Hà Nội (1931) và Phát Diệm (ngày 15 – 22.12.1931).
Đức Giám mục tiên khởi người Việt đã kế vị Đức Giám mục Marcou năm 1935 và nghỉ hưu năm 1943.
Về mặt tôn giáo, trong khoảng một thập niên tại chức, ngài đã truyền chức tổng cộng 50 linh mục, thành lập hội dòng MTG Lưu Phương, dòng Kín và Trường Thử tại Trì Chính, đền Đức Mẹ Nam Dân, nhà nghỉ mát Kim Đài, hội quán Nam Thanh; đặc biệt là xúc tiến việc thành lập dòng khổ tu Châu Sơn ở Phát Diệm. Năm 1954, dòng Châu Sơn vào miền Nam, dừng chân tại Phước Lý, sau thuyên chuyển về Đơn Dương (Đà Lạt). Năm 1961 đan viện khổ tu Phước Sơn (Thủ Đức), Phước Lý và Đơn Dương được Tòa Thánh chấp nhận và nâng lên hàng đan phụ viện. Các đan viện đã liên kết thành hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam và nhập dòng Xitô thế giới.
Quan tâm đến cuộc sống, ngài đã góp một phần lương thực và vận động dân chúng đắp đê Kim Tùng ngăn nước biển dài 10 cây số bảo vệ mùa màng cho nhiều làng mạc phía trong, từ đó các họ đạo Tân Khẩn, Như Tân, Tân Mỹ, Tùng Thiện, Kim Tùng (năm 1953 đổi thành Cồn Thoi) dần dần được thành lập.
Về văn hóa, ngài để lại cho hậu thế “Tuồng thương khó”, được trước tác theo Sách gẫm sự thương khó Đức Giêsu và Tuồng thương khó đã từng được diễn xuất tại Oberammergau (Đức) và tại Nancy (Pháp). Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa văn học ghi nhận đây là một vở kịch hiện đại, trước hết bởi hình thức hoàn toàn văn xuôi và là cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học – sân khấu thời kỳ đầu lan tỏa chữ Quốc ngữ. Được nhà in Tân Định xuất bản năm 1912 – cách nay 111 năm – vở tuồng đã được lưu diễn nhiều lần trong Nam ngoài Bắc. Hiện có một con đường mang tên Nguyễn Bá Tòng tại quận Tân Bình…
Các tín hữu còn có thể suy ngẫm về tinh thần hiệp thông của Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền” trong sứ vụ của một mục tử Nam bộ nơi đất Bắc.