2023
“Tình ca Bethlehem” – Đêm nhạc lay động bao trái tim yêu thương
“Tình ca Bethlehem” – Đêm nhạc lay động bao trái tim yêu thương
Đêm nhạc xuất phát từ tinh thần thiện nguyện…
Tiếp nối thành công của những năm trước, Quỹ Từ thiện Bông Hồng Nhỏ (Little Roses Foundation) phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) tổ chức chương trình nghệ thuật “Quà tặng Giáng Sinh” năm 2023 với chủ đề “Tình ca Bethlehem”.
Quỹ Từ thiện Bông Hồng Nhỏ tổ chức đêm nhạc gây quỹ để có thể đến với nhiều người yếu thế hơn |
Đây là năm thứ 5 liên tiếp chương trình nghệ thuật “Quà tặng Giáng Sinh” được tổ chức nhằm gây quỹ để Little Roses Foundation thực hiện các chương trình thiện nguyện trong lĩnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội, bao gồm trao học bổng cho học viên khó khăn, khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo, hỗ trợ suất ăn miễn phí và trao quà cho người khó khăn, cơ nhỡ, cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai…
Chương trình Khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo – một trong các dự án thiện nguyện hằng năm của Quỹ Bông Hồng Nhỏ |
… Để tiếp nối hành trình bác ái, đến với người yếu thế
Trước đó, thực hiện sứ mệnh trợ giúp các cá nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo, trong hơn 20 chương trình thiện nguyện năm qua, Little Roses Foundation đã đồng hành cùng hơn 37.000 lượt người hưởng lợi, là học sinh và sinh viên khó khăn nhưng hiếu học và có tinh thần phục vụ xã hội, người dân các vùng thiên tai, người cơ nhỡ và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo…
Quỹ Từ thiện Bông Hồng Nhỏ hỗ trợ người dân Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai |
Quỹ Từ thiện Bông Hồng Nhỏ trao học bổng cho các sinh viên có tinh thần dấn thân, phục vụ cộng đồng và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học |
Để gây quỹ thực hiện thêm nhiều chương trình thiện nguyện trong năm 2024, nhằm đến được với nhiều hơn nữa những người đang cần một bàn tay nâng đỡ, chương trình “Quà tặng Giáng Sinh” năm 2023 với chủ đề “Tình ca Bethlehem” sẽ được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM) vào lúc 20:00 ngày 16/12/2023, và được đồng phát sóng trực tiếp trên Fanpage/YouTube Little Roses Foundation, Human, và hơn 30 Fanpage thuộc các trường trong Hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng.
Chương trình “Quà tặng Giáng Sinh” mùa 5 với chủ đề “Tình ca Bethlehem” |
… Bằng lòng quảng đại và tình yêu vô vị lợi
Lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi làng Bethlehem dù khó nghèo, nhỏ bé nhưng là khởi nguồn của tình yêu vĩ đại, sẵn sàng gửi trao cách vô vị lợi, “Quà tặng Giáng Sinh” năm 2023 được dàn dựng công phu bởi đạo diễn tài năng Minh Khang, cùng sự chung tay cộng tác của nhiều ngôi sao nổi tiếng như: Đông Nhi, Quang Hà, Đức Tuấn, Hoàng Bách, Phan Đinh Tùng… Chương trình hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả những bản tình ca đa sắc màu, để cùng cảm nhận hành trình khám phá tình yêu thiêng liêng và được lay động bởi tình yêu ấy để sẵn sàng lan tỏa yêu thương và niềm vui ấm áp giữa đêm đông cho người yếu thế.
Qua đêm nhạc, ước mong cộng đồng sẽ đồng hành cùng Quỹ trong yêu thương để mang lại hạnh phúc cho người yếu thế |
Thông tin về chương trình sẽ được đăng tải trên trang https://quatanggiangsinh.vn/. Bạn đọc cũng có thể truy cập trang web trên để đóng góp, ủng hộ cho chương trình, để cùng chung tay với Little Roses Foundation lan tỏa hơi ấm tình người đến những người đang cần sự giúp đỡ trong năm hoạt động tới.
Một số hình ảnh thiện nguyện khác:
https://drive.google.com/drive/folders/1dbxv2IuWrYdeWCMewEbeAzKkPQ0oG-Yo?usp=drive_link
2023
TRI ÂN THẦY
TRI ÂN THẦY
“Trong tôi, tinh thần Lasan, từ cuộc sống cho đến mục vụ, từ đức tin cho đến lòng nhiệt thành phụng sự, tự nhiên chảy trong dòng máu của tôi mà tôi không chủ ý. Sau này tôi mới nhận ra đó chính là hoa quả của nền giáo dục Kitô giáo”, đó là lời chia sẻ của Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Chánh tòa giáo phận Hà Tĩnh, trong thánh lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường Lasan Đức Minh, tại nhà thờ Tân Định, sáng 25.11.2023.
Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa, tri ân thầy |
Chụp hình lưu niệm |
Đức cha Louis, cựu học sinh Lasan Taberd (từ Lasan Mossard Thủ Đức đến Taberd và cuối cùng là Đức Minh, giai đoạn 1969 -1979) chủ tế thánh lễ này. Cộng đoàn phụng vụ cũng đã thinh lặng để tưởng niệm đến các sư huynh, thầy cô và cựu học sinh Lasan đã qua đời.
Đức cha Louis đã tặng hoa cho bề trên Giám tỉnh, đại diện các sư huynh Lasan và đại diện các thầy cô. Một hình ảnh khiến nhiều người tham dự xúc động là Đức cha đã không đứng tặng hoa nhưng đã quỳ xuống, như học trò nhỏ năm xưa dâng hoa cho vị thầy khả kính.
H.L
2023
2.600 linh mục Philippines tĩnh tâm: Giáo dân được mời gọi giúp linh mục nên thánh
2.600 linh mục Philippines tĩnh tâm: Giáo dân được mời gọi giúp linh mục nên thánh
Trong khóa tĩnh tâm do Ủy ban Giám mục về Giáo sĩ của Hội đồng Giám mục và Tổng Giáo phận Cebu tổ chức, với sự tham dự của hơn 2.600 linh mục và khoảng 30 Giám mục trên khắp nước Philippines, Sơ Briege McKenna mời gọi các giáo dân giúp đỡ các linh mục nên thánh.
Giảng thuyết trong khóa tĩnh tâm là Sơ Briege McKenna, người nổi tiếng khắp thế giới với sứ vụ chữa lành, và Cha Escriva de Romani, một linh mục truyền giáo của Tổng giáo phận Madrid.
Món quà lớn nhất mà bạn có thể tặng cho một linh mục là thực sự trân trọng và cầu nguyện cho họ
Sơ McKenna, cũng là một nhà giảng thuyết tĩnh tâm quốc tế nổi tiếng, nói rằng đúng là các linh mục chịu trách nhiệm về mọi linh hồn trong giáo xứ của họ nhưng họ cũng cần được giúp đỡ, đặc biệt là trong việc thực hiện lời kêu gọi nên thánh. Chức linh mục có thể là một ơn gọi khó khăn nên các linh mục cần sự hỗ trợ từ cả cộng đoàn và lẫn nhau. Do đó, theo sơ, “Tất cả chúng ta cần ý thức rằng chúng ta phải giúp các linh mục sống sự thánh thiện đó. Và yêu thương họ, cầu nguyện cho họ và khuyến khích họ”.
Nữ tu giảng thuyết cũng nhìn nhận có thực tế là các linh mục cảm thấy xấu hổ, thất vọng và chán nản trước những thách thức mà họ phải đối mặt và bởi việc mục vụ của họ, bởi nhận ra tội lỗi và sự bất xứng của bản thân.
Sơ McKenna cũng lưu ý rằng “ngày nay có xu hướng chỉ trích các linh mục… cho rằng họ nhàm chán, rằng họ là những người tồi tệ nhất”. Nhưng sơ chỉ ra rằng ơn gọi là quà tặng của Thiên Chúa dành cho Giáo hội khi các tín hữu thực hiện phần việc của mình. Sơ nói: “Các linh mục không phát triển trên cây. Vì vậy, đó cũng là trách nhiệm của bạn (giáo dân). Món quà lớn nhất mà bạn có thể tặng cho một linh mục là thực sự trân trọng và cầu nguyện cho họ”.
Linh mục và giáo dân giúp nhau trở nên thánh thiện
Đức Tổng Giám mục Jose Palma của Cebu nhấn mạnh rằng giáo dân cũng quan trọng đối với sứ mạng của Giáo hội như với các giáo sĩ. Ngài nói: “Và khi chúng ta cùng đồng hành với nhau, các bạn có thể giúp chúng tôi bằng nhiều cách. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta nên giúp nhau trở nên thánh thiện”. Ngài nói thêm: “Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng tình bạn của bạn với chúng tôi cũng dẫn bạn đến sự thánh thiện”. (LiCas 17/11/2023)
Nguồn: vaticannews.va/vi
2023
Gia đình sống Bí tích Thánh Thể: Sống hy sinh cho nhau bằng một tình yêu tự hiến
Trong tông huấn Gia Đình Kitô Hữu – Familiaris Consortio, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên thập giá. Chính trong hy lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được khuôn đúc từ bên trong và được sinh động bền bỉ”[1].
Như thế, phẩm giá và nét đẹp của tình yêu hôn nhân gia đình là phản ánh tình yêu Chúa Kitô đối với Hội Thánh, một tình yêu trung tín và hiến dâng trọn vẹn. Tình yêu tự hiến đó được thể hiện trên thập giá mà bảo chứng là chính Thánh Thể Chúa để lại cho Hội Thánh. Gia đình sống bí tích Thánh Thể là thể hiện tình yêu tự hiến đó qua việc sống hy sinh cho nhau và vì nhau trong cuộc sống hằng ngày.
Nhờ đặc tính của Hôn nhân Kitô giáo khi sống đời hôn nhân gia đình mà “người này thuộc về người kia, đôi bạn thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh Ngài”[2]. Và nhờ ơn thiêng của bí tích Thánh Thể, mỗi người được mời gọi sống hy sinh cho nhau bằng một tình yêu tự hiến thể hiện qua sự yêu thương, cảm thông, nâng đỡ và tha thứ cho nhau trong đời sống gia đình.
Nhận biết những biến chuyển trong lịch sử nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, “Hội Thánh hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm sâu thẳm của hôn nhân và gia đình, bắt đầu từ những hoàn cảnh, vấn đề, âu lo và hy vọng của các thanh niên, các đôi vợ chồng và các bậc cha mẹ ngày nay”[3].
Qua các nhận định từ hai Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình 2014 và 2015, chúng ta thấy “thực tế của các gia đình hiện nay trong hoàn cảnh phức tạp, với ánh sáng và bóng tối của nó”[4]. Hoàn cảnh dịch bệnh, chiến tranh, kỳ thị, ma tuý, buôn bán người… dẫn đến tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, di dân… Vấn nạn kinh tế khó khăn, xã hội với lối sống hưởng thụ mang đậm tính thế tục, văn hóa của những thứ phù du thống trị, hậu quả tiêu cực từ truyền thông đang tác động rất lớn đến các gia đình, làm gãy đổ các mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra rằng: “khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm biến chất các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập”[5].
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục (HĐGM) trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”[6].
HĐGM Việt Nam đã mời gọi mọi thành phần dân Chúa cộng tác vào sứ vụ “Tân Phúc-Âm-hóa thông truyền đức tin Kitô giáo”. Đặc biệt hướng về gia đình như là khởi điểm, HĐGM nhận định rằng: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa”[7].
Quả thật, vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho họ được hiệp thông sự sống của Tình yêu Ba Ngôi và mời gọi con người cũng sống cho tình yêu ấy. Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô, Phu Quân yêu thương và hiến mình trên thập giá cho Hiền Thê của Người là Hội Thánh để trở nên Đấng cứu độ nhân loại. Dấu chứng của Tình yêu hiến tế này chính là bí tích Thánh Thể.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) đã dạy rằng: “Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban chính thân mình đã bị nộp vì chúng ta trên thập giá, ban chính máu mà Người đổ ra ‘cho muôn người được tha tội’”[8]. Quả vậy, Chúa Giêsu đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích trên thập giá dâng lên Thiên Chúa vì phần rỗi chúng ta, và đã tự hiến làm lương thực cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, “hy tế của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất”[9].
Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể, cuộc vượt qua của Chúa Kitô trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Chúa Kitô trên thập giá luôn sống động để đem lại ơn cứu độ cho mọi người ở mọi thời đại. Sách GLHTCG trích lại giáo huấn của Công đồng Triđentinô đã xác quyết rằng: “Đức Kitô là Thiên Chúa và Chúa chúng ta, … đã tự hiến cho Chúa Cha bằng cái chết trên bàn thờ thập giá một lần cho mãi mãi, để thực hiện ơn cứu chuộc muôn đời cho loài người. Tuy nhiên, bởi vì cái chết của Người không chấm dứt chức tư tế của Người [Dt 7, 24.27], nên trong bữa Tiệc Ly, ‘trong đêm bị nộp’ [1Cr 11,23], … Người đã để lại cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày”[10].
Khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, người tín hữu được kết hợp với Chúa Kitô, nhờ đó họ được liên kết trong một gia đình, trở nên một thân thể là Hội Thánh. Do đó, bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Như vậy, bí tích Thánh Thể là bí tích hiệp thông: các tín hữu hiệp thông với nhau, như những chi thể của một thân thể duy nhất. Bàn tiệc Thánh Thể chính là bàn tiệc yêu thương hiệp nhất và nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ người tín hữu được hiệp thông và liên kết với các thành phần của Hội Thánh trên trời[11].
Như thế, Thánh Thể là bảo chứng của Tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu đối với Hội Thánh là Hiền Thê của Người. Hiến lễ tình yêu thập giá ấy mang lại ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho con người mọi thời đại. Đây là mẫu gương cho tình yêu hôn nhân gia đình mà Thánh Phaolô đã nói đến: “chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh” (Ep 5, 28-29).
III. GIA ĐÌNH SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ: SỐNG HY SINH CHO NHAU BẰNG MỘT TÌNH YÊU TỰ HIẾN
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và đời sống hôn nhân gia đình rằng: “Vì là sự diễn lại hy lễ tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh, phép Thánh Thể là nguồn mạch đức ái. Nơi ân huệ Thánh Thể là bí tích của Đức Ái, gia đình Kitô hữu gặp được nền tảng và linh hồn cho sự hiệp thông và cho sứ mạng của nó: Bánh Thánh Thể làm cho những phần tử khác nhau của cộng đồng gia đình trở nên một thân thể duy nhất…”[12].
Chúa đã sống vì yêu, đã chết cho tình yêu, và chính nhờ tình yêu hiến tế đó, Chúa đã đem lại sự sống vĩnh cửu và ơn cứu độ cho nhân loại. Theo đó, mỗi khi tham dự thánh lễ và đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người trong gia đình hãy biết học sống như Chúa đã nêu gương, biết hành động vì tình yêu thương như Chúa đã thực hiện, biết cảm thông và tha thứ như Chúa đã làm.
Lời cam kết “yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời” xem ra đơn giản và ngắn gọn nhưng nó đòi phải có một cố gắng bền bỉ để giữ gìn và thực hiện.
Trong Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – Amoris Laetitia, số 70, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas est, rằng “tình yêu nam nữ vốn chỉ được soi sáng đầy đủ trong tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh”. Đó là tình yêu tự hiến mà “khi đến với người khác, con người sẽ không luôn hướng về mình, mà luôn ước muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, luôn chăm sóc đến họ, tự hiến chính mình và muốn hiện diện cho họ”[13].
Vì thế, yêu thương nhau đòi buộc mỗi người phải biết nghĩ đến nhau, lo cho nhau và dành cho nhau những gì tốt nhất trong tình cảm cũng như trong hành động. Yêu thương loại bỏ sự ghen tương chua chát, tính nóng nảy hận thù, những lời thóa mạ bạo hành… Về điều này Thánh Phaolô khuyên nhủ rằng: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).
Tôn trọng nhau đòi buộc vợ chồng phải trân trọng tình yêu của nhau, nhìn nhận nhau như người bạn đời, đối xử với nhau trong sự bình đẳng vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Tôn trọng và phát huy những ưu điểm của nhau; đồng thời cần phải tôn trọng và biết đón nhận cách chân thành những góp ý của nhau và chấp nhận những khiếm khuyết, những khác biệt của nhau để bổ túc và tạo nên sự hòa hợp phong phú, giúp nhau mỗi ngày nên hoàn thiện hơn.
Chúng ta biết rằng trong đời sống gia đình, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay, chúng ta phải đối diện với biết bao gian nan, thử thách. Không chỉ là việc lao nhọc kiếm sống hằng ngày, mà còn cả những thách đố làm cho mối dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, xa cách, có nguy cơ dẫn đến bất hòa, gây gổ và xào xáo.
Sống Tình yêu Kitô, mỗi người cần biết cảm thông với những thiếu sót, lỗi phạm của nhau, biết khiêm tốn nhường nhịn nhau trong những khi bất hòa. Vậy nên, mỗi khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể trong thánh lễ, mỗi người trong gia đình hãy xin tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu uốn nắn con tim mình, và để Lời Chúa biến đổi cách sống bản thân: biết biến đổi tính kiêu căng tự đại thành lòng khiêm nhu ôn hòa, biến đổi lòng ghen ghét đố kỵ thành tình yêu thương nhân hậu, biến đổi sự giận hờn oán trách thành lòng từ bi tha thứ và biến đổi nỗi khổ đau thành niềm vui hân hoan. Nhờ ơn biến đổi đó, chúng ta có thể giúp nhau cùng biến đổi nếp sống gia đình theo tinh thần Phúc âm Chúa đã truyền dạy (x. Rm 12, 9-18 ; Cl 3, 1-17).
Trong chương bốn của Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn bài ca đức mến của Thánh Phaolô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7).
Theo đó, ngài chỉ ra những nét tiêu biểu của tình yêu đích thực cần “được sống và được vun trồng trong cuộc sống mà hằng ngày đôi vợ chồng và con cái họ cùng chia sẻ”. Tình yêu đó “luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kì vọng của tôi”; là “làm điều tốt cho người khác và thăng tiến người khác”; là “quý trọng sự thành công của người khác, … rằng mỗi người có những ơn ban khác nhau và có những lối đường khác nhau trong cuộc sống”; là “thúc giục tôi làm cách nào để giúp những người bị xã hội loại bỏ cũng hưởng được chút niềm vui”; là “không hành động thô lỗ, khiếm nhã, không cư xử gay gắt, mà để tâm sống thuận thảo với những người xung quanh mình”; là “hạn chế sự xét đoán, kiềm giữ khuynh hướng muốn làm bật ra một lời lên án nghiệt ngã và bất nhẫn”; nhưng mang “thái độ tích cực muốn tìm cách thông cảm sự yếu đuối của người khác và bỏ qua cho họ, như Đức Giêsu đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24)[14].
Hãy nhớ rằng “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,8) và tuân giữ luật yêu thương sẽ đem lại an vui, hạnh phúc và bình an cho gia đình.
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Một trong những bằng chứng về tình yêu chân thật đó là sự hy sinh, quên mình. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau thì chưa phải là tình yêu chân thật.
Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều mong muốn có được cuộc sống gia đình an vui, hạnh phúc. Điều đó đòi buộc mỗi người trong gia đình trước hết phải biết cố gắng chu toàn bổn phận mình, biết hy sinh giúp đỡ lẫn nhau, biết chia sẻ trách nhiệm gia đình, đồng tâm hiệp lực để xây dựng cuộc sống gia đình đầy đủ về vật chất, thăng tiến về tinh thần và phẩm giá con người.
Với thời gian, gia đình sẽ trải qua nhiều biến cố, nên mỗi người cần biết sống cho nhau và vì nhau khi biết quan tâm và chia sẻ với nhau: biết nghĩ về nhau khi vui lúc buồn, hiện diện khích lệ nhau khi thành công hay lúc thất bại, dám hy sinh, chia sẻ đỡ đần cho nhau khi vất vả khó nhọc, dám từ bỏ cái tôi kiêu hãnh để chia sẻ gánh nặng của nhau, nâng đỡ nhau những khi phiền muộn, biết dành thời giờ chăm sóc cho nhau nhất là khi đau yếu và bệnh tật. Có như thế, chúng ta mới đem lại niềm hạnh phúc, an vui cho gia đình và cộng đoàn chúng ta chung sống.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rằng “niềm vui cũng trở nên mới mẻ trong khổ đau. Như Thánh Augustinô diễn tả, ‘hiểm nguy của chiến trận càng lớn thì niềm vui chiến thắng càng cao’. Sau khi cùng sát cánh chịu đau khổ và cùng chiến đấu sát cánh nhau, vợ chồng có thể cảm nghiệm rằng đó là điều đáng giá, bởi vì họ đã nhận được điều tốt lành nào đó, họ cùng nhau học được một điều gì đó, hoặc bởi vì họ có thể trân quý chính những gì mình có. Ít có niềm vui nhân loại nào sâu xa và cảm kích cho bằng niềm vui mà hai người yêu nhau cùng trải nghiệm và cùng đạt được điều gì đó như kết quả của một nỗ lực lớn lao chung của cả hai người”[15].
GLHTCG dạy rằng: “Việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự kết hợp mật thiết các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta”[16].
Theo ý hướng đó, việc hiệp lễ là ơn vô giá mà chúng ta được hưởng, khi đó chúng ta được tham dự vào chính giao ước Tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Nhờ được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được có Người làm bạn đồng hành, được Người trợ lực trong cuộc sống gia đình. Đàng khác, chúng ta được kết hợp nên một trong Người và nhờ đó mỗi người chúng ta biết yêu thương nhau không phải bằng một tình yêu giới hạn của mình, nhưng bằng tình yêu vô biên của Chúa.
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, mời gọi vợ chồng trở nên một thân thể duy nhất và chia sẻ cho nhau. Năng đến với bí tích Thánh Thể, mỗi người trong gia đình sẽ được Chúa Giêsu biến đổi để trở nên tấm bánh tình yêu bẻ ra trao tặng cho nhau: tấm bánh của sự sống, của niềm vui, của tha thứ và của sự tâm đầu ý hợp. Bí tích Thánh Thể chính là sức sống nuôi dưỡng, củng cố và đổi mới tình yêu của đời sống hôn nhân gia đình. Nhờ tình yêu siêu nhiên ấy, gia đình có thể lướt thắng những cám dỗ, bực bội, buồn phiền. Nhất là khi kết hợp với Đức Kitô Thượng Tế trong cử hành Thánh lễ, mà đôi bạn và gia đình tham dự với chức tư tế chung do bí tích Rửa tội đem lại, cuộc sống hằng ngày của các thành viên trong gia đình trở thành “hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa”[17].
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch đời sống Hội Thánh, là trung tâm và tột đỉnh của mọi hoạt động của Hội Thánh. Nơi bí tích Thánh Thể, Chúa hiến mình làm thần lương nuôi dưỡng và chữa lành vết thương tội lỗi của chúng ta, trở nên nguồn ơn trợ giúp chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế này.
Siêng năng cùng dâng lễ và rước lễ, mỗi người trong gia đình được mời gọi sống Tình yêu Chúa Kitô và thương mến nhau hơn. Với sự hiện diện đồng hành và trợ giúp của Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người trong gia đình khi sống bên cạnh nhau biết sống hy sinh cho nhau, biết cảm thông, chia sẻ và ân cần chăm lo cho nhau những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống gia đình, biết an ủi, nâng đỡ và chăm sóc tận tình lẫn nhau trong sự yêu thương đùm bọc khi mạnh khỏe cũng như khi đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, vất vả của cuộc sống.
Có như thế, đời sống gia đình Kitô giáo mới thực sự phản ánh Tình yêu Thiên Chúa và góp phần vào việc loan báo Tin Mừng và công cuộc tân Phúc-Âm-hóa hôm nay.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Thảo
[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia Đình Kitô hữu – Familiaris Consortio, 1981, 57.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia Đình Kitô hữu – Familiaris Consortio, 1981, 13.
[3] Ibid, 4
[4] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – Amoris Laetitia, 2016, 32
[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – Amoris Laetitia, 2016, 33.
[6] HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43.
[7] HĐGMVN, Thư Chung gởi Cộng Đồng Dân Chúa: Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và Công cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa, 10-10-2013, 6.
[8] GLHTCG 1365.
[9] GLHTCG 1367.
[10] GLHTCG 1366; x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 3.
[11] x. GLHTCG 1396. 1419 ; x. 1 Cr 10, 16-17.
[12] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia Đình Kitô hữu – Familiaris Consortio, 1981, 57.
[13] ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas est, 2006, 2 và 7.
[14] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – Amoris Laetitia, số 89-119.
[15] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – Amoris Laetitia, số 130.
[16] GLHTCG 1382.
[17] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia Đình Kitô hữu – Familiaris Consortio, 1981, 59.