2023
Tinh thần Phanxicô ở Pakistan
Tinh thần Phanxicô ở Pakistan
Đoàn sủng của thánh Phanxicô Assisi đã sinh ra nhiều hoa trái ở Pakistan. Những hoa trái đặc biệt là trong lĩnh vực đối thoại liên tôn, thúc đẩy và thực hành hòa bình, gần gũi với người nghèo ở một quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo. Việc loan báo hòa bình và phục vụ người nghèo là hai ưu tiên của các tu sĩ Phanxicô tại Pakistan. Linh mục Qaisar Feroz, Thư ký Điều hành của Ủy ban Truyền thông Xã hội – Hội đồng Giám mục Pakistan, nhấn mạnh: “Trở thành những người kiến tạo hòa bình, đối thoại liên tôn, đặc biệt là đối thoại Hồi giáo – Kitô giáo, là điều cần thiết ở đất nước này. Điều cốt yếu là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo Hồi giáo và người dân bình thường theo đạo Hồi để tránh thành kiến, phân biệt đối xử”. Ngày nay, nhiều người Hồi giáo đã trở thành đại sứ hòa bình và đang làm việc với dòng để đưa Pakistan thành một nơi chung sống hòa bình vì lợi ích chung.
2023
“Tuần lễ Đỏ” – tuần lễ vinh danh các Kitô hữu chịu bách hại vì đức tin
“Bách hại Giáo hội là một điều có thật”. Năm nay sự kiện “Tuần lễ Đỏ” diễn ra từ ngày 19 đến 26/11, cùng với một số sự kiện đặc biệt được tổ chức để nhấn mạnh đến hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi.
“Bách hại Giáo hội là một điều có thật”
Đó là điều Cha Lawrence Ssimbwa, người Uganda, nói với các tín hữu trong sự kiện “Đêm Chứng nhân” tại Bogota hôm 22/11 vừa qua. Thật vậy, các Kitô hữu nói chung luôn là đối tượng của các cuộc bách hại. Theo phúc trình của tổ chức Open Doors – Những cánh cửa mở – được công bố hồi đầu năm nay, trên thế giới có hơn 360 triệu Kitô hữu chịu bách hại, nghĩa là cứ 7 Kitô hữu thì có một người chịu bách hại. Trong năm 2022 vừa qua có 5.621 Kitô hữu bị sát hại, 4.542 người bị bắt giữ và 5.259 người bị bắt cóc.
Sự bách hại Kitô hữu nổi bật ở Bắc Hàn, sau đó đến một số quốc gia ở Phi Châu, nơi phần lớn theo Hồi giáo và không khoan dung đối với các Kitô hữu. Các Kitô hữu ở Nigeria và Pakistan gặp nguy hiểm nhất bởi vì ở những nước này có nhiều bạo lực chống các Kitô hữu.
Một điều đáng chú ý, báo cáo của một số tổ chức cho thấy các tội ác chống lại Kitô giáo hiện nay đang gia tăng tại Châu Âu, nơi có đa số Kitô hữu. Trong năm 2022 có 748 vụ chống Kitô giáo được ghi nhận tại Châu Âu, tức là tăng 44% so với năm 2021.
“Tuần lễ Đỏ”
Để giúp thế giới nâng cao nhận thức về tình trạng bách hại Kitô hữu trên thế giới, từ năm 2015, vào tháng 11 hàng năm, nhiều tòa nhà, tượng đài và nhà thờ trên khắp thế giới được chiếu ánh sáng màu đỏ để vinh danh các Kitô hữu bị bách hại, chịu đau khổ vì đức tin của họ. Đó là sự kiện “Red Week” (Tuần lễ Đỏ), được tổ chức bởi Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, một tổ chức trực thuộc Tòa Thánh. Theo tổ chức này, màu đỏ gợi lên màu máu của hàng triệu [vị tử đạo Kitô giáo] đã đổ ra.
Sự kiện “Tuần lễ Đỏ” được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2015 khi Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” chiếu sáng tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro để vinh danh các Kitô hữu bị bách hại ở Iraq.
Năm nay sự kiện “Tuần lễ Đỏ” diễn ra từ ngày 19 đến 26/11, cùng với một số sự kiện đặc biệt được tổ chức để nhấn mạnh đến hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi.
Theo tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, có hơn 10.000 người tham gia các hoạt động Tuần lễ Đỏ ở nhiều quốc gia khác nhau. Hàng triệu người nhìn thấy các tòa nhà và tượng đài được chiếu sáng màu đỏ.
Đảm bảo các Kitô hữu không bị lãng quên
Trong một tuyên bố ngày 6/11/2023, Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nói rằng “Trong một thế giới ngày càng bị đánh dấu bởi xung đột, cuộc đàn áp các Kitô hữu và sự xói mòn quyền tự do tôn giáo phổ quát có thể không được chú ý. Mục tiêu sáng kiến của tổ chức, bao gồm chiếu sáng màu đỏ các tượng đài và tòa nhà trên khắp thế giới, là đảm bảo họ không bị lãng quên”.
Những thách đố đối với các Kitô hữu ở nhiều nơi trên thế giới đang gia tăng. Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo năm 2023 của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, được công bố vào tháng 6, trong năm ngoái (2022), hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các quốc gia vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo. Báo cáo của tổ chức này cho biết “cuộc bách hại dữ dội trở nên gay gắt và tập trung hơn, đồng thời những trường hợp những người vi phạm không bị xử phạt cũng ngày càng tăng”.
Bà Maria Lozano, phát ngôn viên của tổ chức cho biết: “Có một sự xói mòn nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo trên toàn cầu, và chúng tôi nghĩ rằng điều này không thể không được chú ý”.
Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro, một số lâu đài ở Slovakia, tòa nhà Quốc hội Áo và Nhà thờ Thánh Patrick ở Melbourne, Úc, chỉ là một vài trong số rất nhiều địa danh lịch sử và quan trọng được chiếu ánh sáng màu đỏ để tôn vinh các Kitô hữu tử đạo thời hiện đại và các tín hữu bị bách hại trên toàn cầu.
Theo thông cáo báo chí của tổ chức tại Ý, nhiều tòa nhà tại Vatican và một số tòa nhà và địa danh của chính phủ Ý, bao gồm cả Đấu trường Colosseo ở Roma, cũng được chiếu ánh sáng màu đỏ.
Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, nhiều nhà thờ được chiếu ánh sáng đỏ và một số sự kiện và cuộc biểu tình đã được tổ chức vào “Thứ Tư Đỏ” vào ngày 22/11/2023 để thu hút sự chú ý đến những đau khổ ở Châu Phi và đặc biệt là Nigeria.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6, Đức cha Wilfred Anagbe nói với trang thông tin CNA rằng tự do tôn giáo ở Nigeria tiếp tục trở nên tồi tệ trong những năm gần đây, với các vụ thảm sát, giết người, bắt cóc và đe dọa xảy ra hàng ngày.
Hồi tháng 1 năm nay, Cha Isaac Achi, một linh mục phục vụ trong Giáo phận Công giáo Minna, Nigeria, đã bị những kẻ cướp thiêu chết trong nhà thờ giáo xứ của ngài. Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 7/4, 43 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ tấn công tại một trường tiểu học ở Ngban.
Đức cha Anagbe nói: “Nếu bạn xem video, bạn sẽ chỉ khóc. Họ đến và tàn sát tất cả”.
Theo International Christian Concern, 90% tổng số Kitô hữu bị giết vì đức tin vào năm 2022 là người Nigeria.
Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” tại Vương quốc Anh đã tổ chức một Thánh lễ đặc biệt vào thứ Tư tại Nhà thờ Thánh George ở Southwark để tôn vinh Giáo hội đau khổ ở Châu Phi. Thánh lễ được cử hành bởi Đức Tổng Giám mục Miguel Maury Buendía, Sứ thần Tòa Thánh tại Vương quốc Anh.
Các nhà tổ chức cũng đã bắt đầu chiến dịch cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi cho Châu Phi và gây quỹ cho Giáo hội Châu Phi đang bị đàn áp.
Vienna, Áo
Tại Áo, tổ chức này đã tổ chức một cuộc diễu hành vào ngày 15/11 tại quảng trường Thánh Stephano ở thủ đô Vienna để bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị bách hại.
Wolfgang Sobotka, chủ tịch Quốc hội Áo, đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Vienna và trên khắp đất nước trong một tuyên bố của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” hôm 15/11. Ông Sobotka nói: “Bằng cách chiếu sáng Nghị viện, tôi muốn nêu gương với tư cách là chủ tịch Quốc hội Áo để nâng cao nhận thức trong cuộc chiến chống lại cuộc bách hại các Kitô hữu. Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc người ta trở thành nạn nhân của bạo lực và áp bức vì đức tin của mình!”
“Đêm Chứng nhân” tại Bogotá, Colombia
“Đêm Chứng nhân” cũng là một sáng kiến của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, được tổ chức trong Tuần lễ Đỏ (#RedWeek). Trong sự kiện được tổ chức ở Bogotá (Colombia) vào đêm 23/11/2023, Cha Lawrence Ssimbwa, người Uganda, nhà truyền giáo dòng Consolata, người đã làm việc mục vụ ở Colombia được 15 năm, đã được mời chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người quan tâm.
Cha nói: “Tôi đến từ Châu Phi và ở Nigeria, phía bắc Nigeria, (cuộc đàn áp) là một thực tế. Một người, vì là người Công giáo, là nạn nhân của những người Hồi giáo cực đoan, vì đi lễ, làm dấu thánh giá hoặc lần hạt Mân Côi”.
Cuộc tử đạo trắng
Tuy nhiên, cha cảnh báo rằng cũng có “cuộc bách hại tôn giáo” ở Colombia, và nhắc lại cuộc tấn công năm 2022 nhằm vào Nhà thờ Chính tòa Bogotá, khi một nhóm các nhà hoạt động vì nữ quyền cố gắng đốt các cửa của nhà thờ trong một cuộc tuần hành ủng hộ việc phá thai.
Hiện tại, cha là cha xứ giáo xứ Thánh Martín de Porres, ở Buenaventura, một cảng nằm trong khu vực Valle del Cauca, thuộc Thái Bình Dương của Colombia và là nơi Giáo hội đồng hành với các cuộc đối thoại của chính phủ với băng nhóm tội phạm Shottas và Spartans đang tranh chấp khu vực.
Theo nghĩa đó, trong một ghi chú được chia sẻ với trang thông tin ACI Prensa, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ chi nhánh Colombia giải thích rằng mặc dù Tuần lễ Đỏ “được thực hiện để nâng cao nhận thức về các Kitô hữu bị bách hại” nhưng “điều quan trọng là phải nói về một cuộc tử đạo khác, một cuộc tử đạo không đổ máu, một cuộc tử đạo trắng”.
“Trong những cuộc tử đạo này, những người nam nữ của Giáo hội cống hiến mọi thứ để mang Lời Chúa, mang lại niềm hy vọng đích thực của Chúa Kitô cho những người không có gì (…) làm việc ở những nơi mà chưa ai nghe nói đến hoặc nơi không ai muốn; công việc của họ diễn ra thầm lặng và thường không dễ nhận ra”.
Vì lý do này, “Đêm Chứng nhân” năm 2023 có những chứng từ của Cha Lawrence Ssimbwa và Sơ Mercy Mendoza, người Venezuela thuộc Dòng Đaminh, là nhà truyền giáo ở Santa Genoveva de Docordó, tỉnh Chocó, và cung cấp đào tạo cho những người trẻ gặp nguy hiểm.
Giáo hội vẫn luôn hiện diện
Trong “Đêm Chứng Nhân”, Cha Ssimbwa đã chia sẻ chứng từ của mình trước khi lần hạt Mân Côi. “Ở Buenaventura, tôi làm việc tại một giáo xứ có năm khu dân cư, những khu bị ảnh hưởng bởi bạo lực” và nơi “giới trẻ thấy mình không có lối thoát”. Cha nói với những người có mặt rằng ở thành phố cảng đó “nhiều người trẻ không có cơ hội học hành, vào đại học”, và thậm chí “người ta còn thấy những người trẻ bị các nhóm tội phạm tuyển mộ”.
Và mặc dù “nhiều người trẻ không thể tự do đi lại để phát triển tài năng của mình vì bạo lực”, niềm hy vọng vẫn được duy trì “nhờ có Giáo hội ở đó, thông qua các nhà truyền giáo, các linh mục và các giáo lý viên”. Theo nghĩa đó, cha nhấn mạnh thành tích của một nhóm 21 bạn trẻ đã có thể chống lại cám dỗ tuyển mộ của các băng nhóm tội phạm.
Cha Ssimbwa cho biết: “Mặc dù các tổ chức khác có thể bỏ rơi (dân chúng), Giáo hội vẫn luôn hiện diện”. Vì lý do này, cha nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện cho các linh mục, nhà truyền giáo và giáo dân làm việc tại các vùng như Buenaventura. Cha nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội đang bị bách hại, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội ở những nơi đầy thử thách, để đức tin của chúng ta phát triển và chúng ta có thể chia sẻ đức tin đó với những người khác”.
2023
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
Người tân tòng và ơn gọi linh mục
16 năm trước, cha Giuse Phan Duy Vũ đã bắt đầu dấn thân trong ơn gọi truyền giáo của dòng Chúa Thánh Thần, dù cha sinh ra trong gia đình không theo đạo Công giáo. Sau 13 năm tu học và phục vụ, ngày 23.3.2021, cha Giuse trở thành linh mục. Hành trình thăng hoa niềm tin của cha thật sự là một câu chuyện khơi gợi đức tin nhiều sắc màu.
Đến nhà thờ giáo họ Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh (thuộc xứ Tân Triều, giáo phận Xuân Lộc), trong khuôn viên rộng mát nhiều bóng cây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh lớp học vẽ vui tươi do cha Giuse Phan Duy Vũ trực tiếp đứng lớp. Tất cả có hơn mười em độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên đang mải mê với những sắc màu họa cảnh ngôi nhà nguyện – đề tài của buổi học hôm ấy. Khi mỗi em thỏa sức sáng tạo thì cha Giuse cũng bận rộn tới lui xem xét, chỉ dẫn thêm về bố cục, phối màu… Lớp học vẽ này đã mở được hai mùa hè, kể từ khi cha bắt đầu về đây, năm 2021. Sở dĩ có lớp vẽ vì cha nhận thấy đây là cách giúp các em yêu môn vẽ có “sân chơi” để mùa hè thêm niềm vui và bởi đây cũng là chuyên môn cha đã tốt nghiệp cử nhân trước khi đi tu. Câu chuyện giữa cha với khách phương xa diễn ra xen kẽ trong giờ học vẽ. Đám trẻ tỏ ra thích thú và chăm chú khi pha màu cũng như lúc hoàn thiện từng nét vẽ…
Trong ngày lễ mở tay |
Kể về con đường tìm hiểu ơn gọi rồi trở thành linh mục của cha, cha Giuse luôn mở đầu các chi tiết bằng nụ cười hiền. Cha nói mình cảm mến đạo Công giáo từ những năm còn là sinh viên Đại học Nghệ thuật Huế. “Quê nhà ở Quảng Nam, thời đó xa nhà vừa nhớ vừa buồn, viết thư về đợi hồi âm nhanh nhất cũng chục ngày. Thiếu thốn tình thương và sự quan tâm giữa đất lạ, mình rất buồn. Trong khi đó, các bạn sinh viên Công giáo có rất nhiều sinh hoạt sôi nổi. Thế rồi mình bắt đầu tham gia và niềm tin dần được thăng hoa, rồi thì âm thầm, không nói sớm cho gia đình, mình xin theo đạo. Năm 1993, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã ban các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho mình…”, cha Giuse nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp, về quê làm việc, chàng thanh niên Phan Duy Vũ khi đó không hề vơi đi niềm cảm mến đạo mà trái lại đã rất hăng say tham gia các sinh hoạt ở xứ đạo gần nhà. Với khả năng chuyên môn mỹ thuật, anh đã nhận các các công việc trang trí cho các hoạt động mà giáo xứ cần, và còn tham gia ca đoàn, có khi giữ vai trò ca trưởng, phục vụ hết mình ở xứ đạo… Lúc biết con mình theo đạo Chúa, khác truyền thống gia đình, ông bà cố rất không vui và phản đối, nhưng rồi trước sự kiên định của con, nên ông bà tôn trọng… Sau mười năm đi làm và chẳng bao giờ hình dung đến chuyện đi tu, từ một cơ duyên gặp lại người quen là một nữ tu, cha bắt đầu nhen nhóm những suy tư về con đường hiến thân. Phía gia đình lại phản đối nhiều hơn vì cha là con trai trưởng. Ông bà cố khi đó đã cứng rắn nhắc đến chuyện từ mặt con nếu chọn đời tu. Giữa lúc ấy, để thuyết phục gia đình, cha Giuse chỉ biết tỉ tê, bày tỏ hết ý muốn, hết lòng mình với song thân. Thời điểm này cha cũng nhờ thêm các cha, các dì quen khéo léo chia sẻ thêm. Cái gật đầu của hai đấng sinh thành đã mở ra một hành trình mới cho cuộc đời cha Giuse. Song thân ngài không có những lời hoa mỹ, ngọt ngào, mà đơn giản chỉ có ánh nhìn chứa đựng yêu thương, tin tưởng với người con trai cương nghị.
Cha Giuse tổ chức lớp vẽ cho thiếu nhi ngày hè |
Tuy vậy, không phải đến đây thì con đường tu học sẽ êm mượt cứ thế bước đi. Nhớ lại thuở ban đầu đi tu và lý do đến với ơn gọi dòng Chúa Thánh Thần, cha cho biết khó khăn đã ngay lập tức nảy sinh, vì khi vào dòng cha đã 35 tuổi. Học ngôn ngữ mới lúc này là một thử thách. Theo chương trình đào tạo của dòng, cha Giuse phải xuất ngoại hoàn thành các khóa tiếng Anh ở các cơ sở của dòng. Từng bước đi theo đúng ơn gọi là làm sao để biến đổi, trở nên can đảm, dám mạo hiểm vượt ra khỏi “vùng an toàn” – tức những nơi thân thuộc, rời xa gia đình, quê hương để lên đường đi truyền giáo, người con đất miền Trung đã theo chương trình đào tạo của dòng Chúa Thánh Thần đi nhiều nơi để phục vụ. Nhận mình là con người có “máu” nghệ thuật, cha thích sự mở ra, linh động trong tất cả hoàn cảnh, điều kiện theo ơn Chúa Thánh Thần tác động. Cứ thế, kiên nhẫn, giản dị mà sinh động như đường hướng của nhà dòng, cha có 13 năm thử thách trước khi được phong linh mục.
Cha kể có lần ông cố nói với cha : “Nếu mi mà làm cha thì ta vào đạo”. Một lời thách hàm chứa động lực đã dành cho cha! Do đó, ơn gọi của cha Giuse còn đặc biệt hơn khi chính cha đã rửa tội cho song thân mình sau một năm lãnh chức linh mục. Ngày về xứ đạo quê hương dâng lễ mở tay cũng như lúc cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho cha mẹ đã trở thành dấu ấn vui của giáo họ Tất Viên thuộc giáo xứ Hà Lam, giáo phận Đà Nẵng. Có một chi tiết đặc biệt nữa là cha Giuse chính là linh mục đầu tiên xuất thân từ giáo họ Tất Viên sau 63 năm thành lập. “Chúa nhiệm mầu và Ngài luôn có dự tính diệu kỳ, chẳng ai biết được…”, cha nghiệm ra.
Như đã nói ở trên, sau khi chịu chức linh mục, cha về giúp phụ trách giáo họ Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh thuộc xứ đạo Tân Triều ở Đồng Nai. Hiện giáo họ đã có một nhà nguyện bằng thép tiền chế. Giáo họ cách giáo xứ khoảng 7 cây số, ở gần khu công nghiệp. Số giáo dân không tính di dân vào khoảng 1.500 người nên các thánh lễ mỗi ngày cũng như nhiều sinh hoạt đạo đức khác ở đây diễn ra đều đặn. Quãng thời gian hai năm gắn bó và coi sóc một cộng đoàn giáo dân đa dạng vùng miền (di dân nhiều nơi) chưa là nhiều, nhưng cha đã nhen nhóm những tình cảm quý mến nơi cộng đoàn giáo họ. Trong hành trang phục vụ của mình, mỗi ngày với anh chị em giáo dân, cha Giuse vẫn tâm niệm lời khấn hứa lần đầu của mình khi theo ơn gọi thánh hiến là “Anh em là muối cho đời” (Mt 5, 3). “Hạt muối bé nhỏ, giản đơn mà hiệu quả”, cha Giuse xác tín…
Trời về trưa, phụ huynh đã đến đợi đón tụi nhỏ sau giờ học vẽ, mọi người đều toát lên niềm vui qua ánh mắt, nụ cười. Những nét màu vẽ trong tranh của các em đã rõ dần có bóng dáng mái nhà nguyện, thấp thoáng hình ảnh thánh giá…, dưới một bầu trời xanh trong. Đó có lẽ cũng là hình ảnh mơ ước của vị mục tử có ơn gọi khá đặc biệt này.
Minh Hải
2023
Linh mục sắc tộc Rungus đầu tiên
Linh mục sắc tộc Rungus đầu tiên
Cộng đồng sắc tộc Rungus là nhóm dân bản địa Nam Đảo, đông nhất ở Sabah. Trên toàn nước Malaysia chỉ có khoảng 25.000 người Rungus, họ sống bằng nghề trồng lúa và các nông phẩm khác như chuối, bắp, rau cỏ, dưa, dứa và khoai lang. Dân chúng sống trong những nhà dài làm bằng tre và gỗ. Theo truyền thống, dân Rungus theo đạo thờ vật linh và bắt đầu theo Kitô giáo trong thập niên 1950. Ngày 8.11.2023, giáo dân xứ Kudat đã vui mừng khi người con của cộng đồng là phó tế Bradley Stephen Beelly lãnh nhận chức linh mục tại nhà thờ thánh Phêrô của giáo xứ. Ðức cha John Wong Soo Kau, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Kota Kinabalu đã ca ngợi cha Belly vì lòng can đảm, đã đáp lại tiếng Chúa gọi, phục vụ trong cánh đồng của Chúa. Qua việc truyền chức này, cha Belly trở thành linh mục đầu tiên thuộc cộng đồng sắc tộc Rungus. Ngày nay, phần lớn sắc dân này theo Kitô giáo. Tại Malaysia có 34 triệu dân cư, đa số theo Hồi giáo và có khoảng 10% là tín hữu Kitô.