2020
Thư Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi gửi nhân ngày Chúa chiên lành
THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
GỬI MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA GIÁO PHẬN QUI NHƠN
NHÂN NGÀY CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC VÀ TU SĨ
(Chúa nhật Chúa Chiên Lành, 03.05.2020)
Anh chị em thân mến,
- Chúa nhật IV Phục sinh được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, vì hôm nay mọi người trong Hội thánh được mời gọi chiêm ngắm Đức Kitô là Vị Chủ chiên nhân lành đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên và đã sống lại để đoàn chiên được sống dồi dào. Người vừa là Chủ chăn, vừa là Cửa chuồng chiên, theo lời Người đã khẳng định trong Tin Mừng (x. Ga 10, 1-10). Như hai cánh cửa chuồng chiên mở ra và khép lại, Người dang tay đón nhận chúng ta vào Hội thánh và ôm trọn chúng ta trong vòng tay của Người, để chúng ta được sống bình an trong chuồng chiên Hội thánh, khỏi bị ma quỉ “rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Là Chủ chăn, Người dẫn dắt chúng ta đi vào cuộc sống dồi dào bằng Thánh Thần của Người, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và bằng chính Mình Máu Người.
- Chúa Giêsu vẫn luôn là Chủ chăn của Hội thánh qua mọi thời đại cho đến ngày tận thế. Tuy nhiên, Người mời gọi những tâm hồn quảng đại dâng hiến cuộc đời, để phục vụ sự sống và sự phát triển của đoàn chiên dưới quyền Chủ chăn của Người. Lời mời gọi ấy thực sự là một ơn mà Chúa thương ban cho nhân loại, đó là ơn gọi, hay còn gọi là ơn thiên triệu.
Qua bao thế hệ có biết bao người, cả nam lẫn nữ, đã đáp lại tiếng gọi của Người. Tuy nhiên, lời mời gọi của Chúa không bao giờ ngừng nghỉ, bao lâu con người còn có mặt trên trần gian. Vì thế, Chúa nhật IV Phục sinh cũng là ngày dành riêng để toàn thể Hội thánh cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh một thế giới đang trên đã tục hóa, ngày càng ít người đáp lại ơn gọi linh mục và tu sĩ.
- Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đang rất cần đến các linh mục và tu sĩ nam nữ nhiệt thành, thánh thiện và có khả năng, để đáp ứng những nhu cầu mục vụ và truyền giáo. Hiện nay, số linh mục và tu sĩ đang phục vụ trong Giáo phận gồm có: 139 linh mục, 1 nam tu sĩ, 341 nữ tu, 7 thành viên tu hội đời. Đây chỉ là một con số thật nhỏ bé trước nhu cầu phục vụ đối với 76.114 giáo dân và 4.523.903 người chưa biết Chúa. Dĩ nhiên, việc xây dựng và phát triển Giáo phận là nhiệm vụ của tất cả mọi Kitô hữu, tuy nhiên việc ấy chỉ có thể thực hiện cách hiệu quả nếu có sự lãnh đạo và phục vụ của các linh mục và tu sĩ nam nữ. Vì vậy, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận đều được mời gọi cầu nguyện và góp phần cổ võ ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ trong Giáo phận, đặc biệt đồng hành với các bạn trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện theo chủ đề mục vụ năm 2020, giúp cho ơn gọi được chín muồi nơi các bạn trẻ.
- Bổn phận cổ võ ơn thiên triệu trước tiên thuộc về các linh mục, nhất là các cha chánh xứ và phó xứ. Các linh mục hãy noi gương Đức Kitô thể hiện tâm tình mục tử, bằng cách sẵn sàng mở cửa đón nhận tất cả mọi người, luôn gần gũi và đồng hành với giáo dân trong công việc mục vụ và truyền giáo. Các linh mục cũng hãy quan tâm đến việc gieo mầm ơn gọi nơi các bạn trẻ và tiếp tục vun xới bằng sự giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất. Tiếp đến, các tu sĩ nam nữ trong Giáo phận hãy sống trọn vẹn ơn gọi của mình, và cùng cộng tác với các linh mục, không những để tìm kiếm ơn gọi cho hội dòng mình, mà còn cho tất cả mọi ơn gọi mà Thiên Chúa muốn gửi đến các bạn trẻ, để cánh đồng truyền giáo của Giáo hội nói chung và của Giáo phận Qui Nhơn nói riêng càng thêm phong phú.
- Giáo xứ và gia đình là những môi trường tự nhiên và rất quan trọng để các mầm ơn gọi phát sinh và nảy nở. Vì vậy, tại mỗi giáo xứ, anh chị em giáo dân không những cầu nguyện cho ơn thiên triệu, mà còn phải nhiệt thành tiếp tay với các linh mục và tu sĩ trong chương trình gieo trồng và chăm sóc ơn gọi, nhất là các anh chị giáo lý viên, các huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể, v.v. Một điều đáng lưu ý là ơn thiên triệu phát sinh trước hết từ mảnh đất thân thương mầu mỡ với bầu khí đạo đức ấm áp là các gia đình Kitô hữu. Đây là ngôi trường đầu tiên mà mỗi tín hữu học được những chân lý đức tin và những đức tính tốt lành. Các bậc phụ huynh hãy dùng những lời cầu nguyện, việc dạy bảo và gương sáng để khơi dậy và nuôi dưỡng nơi các con em một lòng quảng đại dâng mình cho Chúa, để sau này trở thành những tông đồ phục vụ Nước Chúa.
- Cuối cùng, đối tượng mà các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân nhắm đến trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ chính là các bạn trẻ và các em thiếu niên. Các con thân mến, tuổi trẻ là tuổi tươi đẹp nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, đó là tuổi của những ước mơ. Các con có quyền ước mơ những điều tốt đẹp và cố gắng học hành để dệt nên những ước mơ đó. Tuy nhiên, vượt trên những ước mơ bình thường của nhiều bạn trẻ, còn có một điều cao quí hơn nhiều, đó lý tưởng. Lý tưởng mà hôm nay toàn thể Giáo hội muốn đề nghị với các con là dâng mình cho Chúa để được Người sai đi vào cánh đồng truyền giáo cứu vớt các linh hồn. Các con hãy cầu nguyện, suy nghĩ, và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi mời với tất cả lòng hăng say, quảng đại, vì đó là một hồng ân đặc biệt của Chúa mà các con không nên bỏ qua.
- Anh chị em thân mến, theo thông lệ hằng năm, hôm nay cũng là ngày Giáo phận kêu gọi mọi người hỗ trợ tài chánh cho việc đào tạo các chủng sinh trở thành linh mục. Tuy nhiên, do cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành và hậu quả tại hại của nó đối với điều kiện kinh tế của các gia đình, Giáo phận xin dời việc hỗ trợ ấy vào một ngày khác thuận tiện hơn.
Nguyện xin Đức Kitô là Mục Tử nhân lành luôn che chở và giữ gìn tất cả chúng ta được bình an trong vòng tay yêu thương của Người. Chúng ta cũng đã bước vào tháng hoa kính Đức Mẹ, xin Mẹ nhân lành nhậm lời chúng ta nguyện cầu và chúc lành cho tất cả chúng ta.
Tòa Giám mục Qui Nhơn, ngày 01 tháng 05 năm 2020
Đã ký
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
2020
Mẹ Maria, mẫu gương của người tông đồ dâng hiến
THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN XUÂN LỘC THÁNG 05-2020
MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ DÂNG HIẾN
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Chúng ta đã bước vào tháng Năm, cũng gọi là tháng Hoa, được dành để tôn kính Đức Mẹ, nhưng vì dịch bệnh Covid-19, các cộng đoàn Giáo xứ và Dòng Tu không thể tổ chức các sinh hoạt đạo đức như Rước kiệu và Dâng Hoa tôn kính Đức Mẹ như mọi năm. Hoàn cảnh này cho chúng ta, các Linh mục và Tu sĩ, có nhiều thời giờ riêng tư để suy gẫm và nâng lòng trí lên chiêm ngắm Đức Mẹ trong vẻ đẹp diệu huyền thần thánh của Ngài, đồng thời cũng trở về cõi lòng mà nhìn ra thực trạng của mình trong đời sống ơn gọi và trong sứ vụ tông đồ. Nhìn lên chiêm ngắm Đức Mẹ và nhìn vào nội tâm để biết mình, chúng ta sẽ được đổi mới và thêm lòng hăng say. Nhờ vậy, hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể trở thành thời gian của ơn phúc cho chính chúng ta và cho đoàn Dân Chúa. Trong ý hướng này, tôi muốn chia sẻ với quí Cha và quí Tu sĩ đôi suy nghĩ với đề tài: “Mẹ Maria, mẫu gương của người tông đồ dâng hiến”.
- Lựa chọn căn bản của đời tông đồ dâng hiến
Người tông đồ dâng hiến luôn phải đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường: con đường dẫn đến sự sống và con đường dẫn đến sự chết. Thánh Inhaxiô Loyola cắt nghĩa vấn đề này dưới đề tài “Hai Ngọn Cờ”. Mỗi ngọn cờ dẫn đầu một con đường, với thủ lãnh và chiến thuật riêng. Con đường dẫn đến sự chết có thủ lãnh là Satan và con đường dẫn đến sự sống có Chúa Giêsu là thủ lãnh.
- Con đường dẫn đến sự chết
Con đường dẫn đến sự chết có chiến thuật giăng ra 3 cạm bẫy:
– Cạm bẫy thứ nhất là ước ao tiền tài và sự giàu có vật chất
Satan khơi dậy trong lòng người tông đồ sự ham muốn không kìm hãm về tiền tài và của cải vật chất; coi sự giàu có như nguồn sức mạnh bảo đảm sự thành công, thậm chí bảo đảm chính cuộc sống. Cái nguy hiểm căn bản của chiến thuật này là nó quyến rũ người tông đồ đặt hy vọng vào của cải vật chất thay vì đặt tin tưởng nơi Chúa. Vấn đề không hệ tại số lượng vật chất mà hệ tại sự dính bén của tâm hồn. Thêm vào đó, trong cuộc đời tông đồ, có một cạm bẫy rất nguy hiểm mà người tông đồ dễ sa vào nếu không tỉnh thức và không nhạy bén thiêng liêng: đó là vì phải lo lắng tìm kiếm phương tiện cho các nhu cầu mục vụ, người tông đồ để lòng mình bị dính bén. Tiền bạc không xấu, nhưng lòng ham muốn và dính bén mới gây ra vấn đề như thánh Phaolô dạy: “Lòng ham muốn tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10). Lúc đó, người tông đồ sẽ dễ sử dụng tiền bạc sai mục đích và lẫn lộn tiền chung, tiền riêng.
– Cạm bẫy thứ hai là khao khát danh vọng và thế lực
Tự nhiên, ai cũng thích danh giá và được người khác biết đến với lòng kính trọng. Lợi dụng bản năng tự nhiên này, ma quỷ khéo léo kích thích và thúc dục thêm, nên người tông đồ dễ buông theo lòng thèm khát địa vị cao sang, tìm kiếm bạn bè thế lực, tìm cách lôi kéo chú ý và tình cảm của người đời, để được kính trọng và yêu mến. Hậu quả cũng là lìa bỏ Chúa để tựa dựa vào các thụ tạo và sùng bái chính mình.
– Cạm bẫy thứ ba là tự phụ, kiêu căng
Khi có dư dật phương tiện vật chất, được đám đông thán phục, có bạn bè quyền thế thì cạm bẫy thứ ba cũng rất gần. Đó là sự kiêu căng, tự phụ: cảm thấy mình có khả năng thực hiện mọi chương trình mà không cần ai, có khi chẳng cần cả Chúa. Đây là vấn đề mà Đức Cố Hồng Y Suhard, Tổng Giám mục Paris, đã nói: “Tình trạng Giáo Hội hôm nay rất trầm trọng, không phải vì còn ít giáo hữu đi lễ, đi nhà thờ, nhưng vì có nhiều linh mục và tu sĩ sống và hành động như người vô thần, tức là trong suy nghĩ và hành động họ tính toán theo sự khôn ngoan loài người, như thể không có Chúa.” Ở trong tình trạng này, người ta dễ bị chi phối và khống chế bởi đủ thứ dục vọng và có thể phạm đủ thứ tội.
- Con đường dẫn đến sự sống
Con đường dẫn đến sự sống có thủ lãnh là Chúa Giêsu và chiến thuật của Ngài có 3 hướng đi, hoàn toàn trái ngược với chiến thuật của Satan.
– Hướng thứ nhất là tinh thần khó nghèo
Chúa Giêsu dạy cho người tông đồ của Người hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của cuộc đời và của muôn loài. Do đó, thay vì tựa dựa vào sự vật, vào bằng cấp và khả năng của mình, người tông đồ tựa dựa vào Chúa. Người tông đồ trân trọng phương tiện vật chất và khả năng Chúa ban, nhưng chỉ xem chúng như phương tiện chứ không coi là mục đích hay nguồn hy vọng.
Giữa cái biết và việc sống theo điều mình biết có cả một khoảng cách mênh mông. Vì vậy, Chúa quan phòng hay để xảy ra những hoàn cảnh trái ngược để huấn luyện và uốn nắn người tông đồ. Nếu có đức tin và nhạy bén thiêng liêng, người tông đồ sẽ nhận ra hành động yêu thương của Chúa muốn huấn luyện mình thành người tự do, thanh thoát khỏi mọi sự trần gian để đặt hy vọng vào một mình Chúa.
– Hướng thứ hai là tinh thần ẩn mình
Thay vì tìm danh vọng, địa vị cao sang, người tông đồ của Chúa muốn sống thầm lặng ẩn mình. Họ kính trọng quyền bính chân chính, trân trọng sự quý mến của dân chúng, nhưng tâm hồn họ thanh thản, không tìm kiếm, cũng không lệ thuộc, vì họ muốn thuộc trọn về Chúa và chỉ tìm thánh ý Ngài.
Nói thì có vẻ đơn sơ dễ dàng, nhưng tập luyện được là cả một công trình và thường tình chẳng mấy ai ưa thích. Khi người tông đồ thành tâm ao ước và gắng sức luyện tập thì Chúa ban ơn trợ giúp và xếp đặt cho cơ hội. Đó là những hoàn cảnh xem ra bị bất công, bị quên lãng, bị hiểu lầm… Trong những hoàn cảnh đó, nếu nhạy bén thiêng liêng, người tông đồ sẽ dễ nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa đang tôi luyện tinh thần và cuộc đời của mình, như lửa thanh luyện vàng thành vàng ròng. Chúa làm cho lòng người tông đồ được thanh thoát thực sự trước tất cả sức hấp dẫn của trần gian để chỉ tựa dựa và hy vọng vào Chúa.
– Hướng thứ ba là lòng khiêm nhượng
Lắm khi người tông đồ không chỉ bị quên lãng mà còn bị sỉ nhục vì những lỡ lầm đã vấp phạm, nhưng có khi bị nghi oan hoặc cũng có khi chỉ vì là người tông đồ. Trong hoàn cảnh này, người tông đồ được Chúa hướng dẫn sẽ đi sâu vào lòng mình để tập cậy dựa hoàn toàn vào Chúa, nhờ đó được tự do thanh thoát trước nhân tình thế thái, không phải trong tâm tình khinh miệt người khác, nhưng với tất cả từ tâm của một người biết nhìn với con mắt nội tâm, thường được gọi là “con mắt thứ ba”: nhận ra dấu vết và tiếng gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Với tâm tình và sức mạnh thiêng liêng đó, người tông đồ sẵn sàng chấp nhận sự sỉ nhục, có khi oan uổng vì Đức Kitô, để đền bù tội lỗi của mình, tội lỗi của nhân loại, và “vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Trong cuộc đời tông đồ dâng hiến, nhiều lần chúng ra phải đứng trước hai con đường và phải lựa chọn. Mỗi người có thể đặt ra cho mình câu hỏi: “Tôi đang bước đi trên con đường nào?” Câu trả lời sẽ tùy thuộc mỗi người, nhưng nói chung, người ta thường xiêu vẹo trên cả hai con đường: khi thì theo chiến thuật dẫn đến sự chết, khi thì theo chiến thuật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là cần một quyết định dứt khoát và rõ ràng để chọn lựa con đường dẫn đến sự sống.
- Mẹ Maria, mẫu gương và nguồn trợ lực
Đứng trước cuộc lựa chọn đầy khó khăn và nhiều cạm bẫy, nhất là trong những hoàn cảnh cụ thể, người tông đồ cần phải có một mẫu gương để noi theo, để được soi sáng và khích lệ. Mẫu gương đó chính là Mẹ Maria.
- Tâm tình của Mẹ Maria
Khi nói về tâm tình thiêng liêng của Đức Mẹ, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tóm lược tất cả qua ba động từ diễn tả cách sống động tâm hồn Đức Mẹ: Fiat (câu trả lời Thiên Thần trong ngày Truyền Tin), Magnificat (lời kinh ca tụng khi gặp gỡ thánh Elisabet ngày Thăm Viếng), Stabat (thái độ và tâm tình phó thác bên cạnh Thánh Giá Chúa). Vì giới hạn của bài chia sẻ, tôi chỉ suy gẫm về lời Fiat (Xin Vâng) của Đức Mẹ.
Tại tiệc cưới Cana, khi thấy nguy cơ sắp hết rượu và đó sẽ là bi kịch cho đôi tân hôn, Đức Mẹ đã kêu cầu Chúa Giêsu can thiệp và sau đó đã nói với những người giúp tiệc cưới: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ múc nước đổ đầy các chum đựng nước; rồi lại bảo họ đem nước cho ông quản tiệc và họ đã làm tất cả như Chúa Giêsu nói (x. Ga 2,1-8). Điều đáng ngạc nhiên là Đức Mẹ và Chúa Giêsu đều là khách được mời, nên các Ngài không ở tư thế điều khiển để ra lệnh và lúc đó Chúa Giêsu chưa nổi tiếng vì đây là phép lạ đầu tiên Chúa làm khi bắt đầu cuộc đời công khai (x. Ga 2,11). Dù vậy, những người giúp tiệc cưới đã vâng theo lời Chúa Giêsu bảo. Lý do là vì họ đã được Đức Mẹ chinh phục. Lời mời gọi của Đức Mẹ “Ngài bảo gì, các anh cứ làm như vậy” đã có sức mạnh lôi kéo họ vì tất cả cuộc đời của Đức Mẹ là một cuộc tìm kiếm liên lỉ và thực hiện ý Thiên Chúa, mà đỉnh cao bắt đầu là ngày Truyền Tin (x. Lc 1,38) và tiếp tục trong mọi biến cố của cuộc đời còn lại của Mẹ (x. Lc 2,19; Lc 2,51).
Tinh thần “Xin vâng” đúng là mẫu gương cho mỗi Linh mục, Tu sĩ trong cuộc đời dâng hiến cũng như sứ vụ tông đồ. Cái khó lớn lao nhất trong cuộc đời tông đồ dâng hiến không phải vì công việc tông đồ nặng nhọc, hay vì có nhiều đòi hỏi, hoặc vì có những nguy hiểm. Bởi lẽ, nhiều người trong công việc làm ăn hay trong trách nhiệm xã hội, cũng phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề và rất nguy hiểm. Cái khó căn bản nhất và là cái khó đặc thù của công việc tông đồ là người tông đồ phải cộng tác với Thiên Chúa, làm việc của Thiên Chúa, theo tinh thần và cách thức của Ngài. Do đó, điều căn bản nhất của cuộc đời tông đồ dâng hiến là tìm kiếm và làm theo ý Thiên Chúa. Đây là điều khó khăn, nhưng cũng là nguồn hạnh phúc: “Trong thánh ý Ngài là sự vui mừng của con; con sẽ không bao giờ quên lời Ngài” (Tv 119,16).
- Hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa
Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa không phải là kết quả của một phương pháp, cho dù là phương pháp thiêng liêng, nhưng là khả năng của người tông đồ đã để cho Chúa hướng dẫn, lần theo một hành trình thiêng liêng. Hành trình này có hai loại yếu tố: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài (“trong” hay “ngoài” ở đây là xét trong tương quan với người muốn tìm kiếm ý Thiên Chúa).
- Yếu tố bên trong
– Lòng ao ước thực sự muốn làm theo ý Thiên Chúa, cháy bỏng đến độ trở thành chương trình của cuộc đời như Chúa Giêsu đã làm: “Này đây, con đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,7). Lòng ao ước này phải luôn được nuôi dưỡng bằng đời cầu nguyện, vì không phải hể nói muốn làm theo ý Thiên Chúa là đã có được lòng ước muốn này (x. Gr: 42-43).
– Tự do nội tâm: nếu lòng không tự do, người tông đồ không thể hiểu ý Chúa hay có hiểu cũng không đủ sức thực hiện. Để tiến tới tự do nội tâm, cần phải để ý đến ba điểm sau đây:
* Khiêm nhường thật lòng để nhận ra tâm hồn mình còn nhiều ràng buộc để không ngừng dấn thân trên đường tiến tới tự do: “Phúc cho những tâm hồn trong sạch vì sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
* Tự do không những đối với những điều xấu, mà cả với những điều tốt, vì nhiều khi Chúa Giêsu đòi người môn đệ của Ngài phải bỏ cả những điều xem ra rất tốt (x. Mt 10,37-39).
* Thành thực với lòng mình: nhìn thấu những tâm tình thầm kín, những lý do bí ẩn trong lòng để gọi mỗi việc với chính tên của nó để không tự dối mình.
– “Đồng bản tính”: muốn phân định được ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể, cần phải suy niệm Lời Chúa để thấm nhuần tâm tư, tình cảm, tiêu chuẩn và cách sống của Chúa. Khi suy niệm Lời Chúa cần nhớ một điều phải làm và hai điều phải tránh. Điều phải làm là lấy Lời Chúa chiếu soi cuộc đời để áp dụng vào đời sống của mình. Hai điều phải tránh là tìm một vài câu thích hợp để bảo vệ ý kiến của mình và chỉ lấy Lời Chúa áp dụng cho người khác. Trong cả hai trường hợp, người tông đồ không để cho Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn và thanh tẩy cuộc đời của mình.
- Yếu tố bên ngoài
– Hiệp thông với Giáo Hội trong tất cả truyền thống: giáo lý, kinh nghiệm sống của các thánh và đối thoại với chủ chăn.
– Hoa trái: xem quả thì biết cây (Mt 7,16-18). Nếu là con đường của Chúa thì phải dẫn đến sự thánh thiện, bác ái, quảng đại để xây dựng Giáo Hội. Vì vậy, nếu việc làm hay lời nói khơi lên bạo động, gây chia rẽ, thù hằn và làm lung lay đức tin thì khó lòng có thể đến từ Chúa.
– Linh hướng: đối thoại chân thành với Cha linh hướng sẽ giúp nhìn ra ý Chúa dễ dàng hơn. Trong đối thoại linh hướng, cả Cha linh hướng lẫn người xin được hướng dẫn phải có cùng chủ đích là tìm kiếm ý Thiên Chúa. Do đó, Cha linh hướng phải là người của Chúa, sống theo tinh thần của Chúa chứ không theo sự tính toán thường tình của loài người hay mưu mô thế gian; còn người xin được hướng dẫn, cần nhất phải có chủ đích đi tìm và vâng theo ý Chúa để khỏi rơi vào cạm bẫy đi tìm người xác nhận điều mình muốn.
Kính thưa quí Cha và quí Tu sĩ, chúng ta cùng cầu xin Đức Mẹ là Đấng đã dâng hiến trọn cuộc đời để thực hiện thánh ý Chúa, dẫn dắt chúng ta biết lấy việc thực hiện thánh ý Chúa là lý tưởng và nguồn hạnh phúc cho đời tông đồ dâng hiến của chúng ta. Nhờ đó, mỗi người có thể thân thưa cùng Chúa với lòng yêu mến dạt dào: “Hạnh phúc của con là làm theo ý Chúa”; “Nếu đây là ý Chúa, dù có khó khăn hay phải chết con cũng sẵn sàng đón nhận”.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
2020
Giáo phận Long Xuyên ước mong trở thành một bông hoa dâng tiến Mẹ Maria
THƯ MỤC VỤ THÁNG 5/2020
KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN ƯỚC MONG
TRỞ THÀNH MỘT BÔNG HOA DÂNG TIẾN MẸ MARIA
Anh chị em thân quý!
Trong năm kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận, chúng ta vừa sống mùa chay, tuần thánh, và phục sinh một cách đặc biệt của thời dịch bệnh Covid-19. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Cùng với thế giới, chúng ta đang phải đối diện với những thách đố lớn đa dạng của thời hậu dịch bệnh. Thời gian vẫn cứ trôi. Chúng ta bước vào tháng Năm, tháng Hoa tôn kính Mẹ Maria. Trong bối cảnh này, Thư mục vụ tháng Năm có chủ đề Kỷ Niệm 60 Năm Thành Lập, Giáo Phận Long Xuyên Ước Mong Trở Thành Bông Hoa Dâng Tiến Mẹ Maria.
Trước hết, chúng ta cùng suy tư trình thuật của Tin Mừng thánh Gioan 2, 1-12, về sự phép lạ tại tiệc cưới Cana. 3 ý tưởng được gợi ý giúp suy tư và cầu nguyện:
1/ Với tiệc cưới, một gia đình mới được hình thành. Đây là một sinh hoạt trọng đại của gia đình mới. Tiệc cưới đang vui với những lời cầu chúc hạnh phúc, thì sự cố xảy ra. Hết rượu.
Trong hiện tình, gia đình nhân loại đang vui hưởng cuộc sống. Đang tự hào về những thành công trong nhiều lãnh vực. Đang đề ra những dự án phát triển trong tương lai. Nhiều tham vọng được lên kế hoạch, kể cả tham vọng bá chủ hoàn cầu. Thế rồi đại dịch Covid-19 xảy ra, đem lại kinh hoàng cho cả thế giới với nhiều ưu sầu, lắng lo, bệnh tật và chết chóc.
2/ Trong tiệc cưới cũng có Chúa Giêsu, có các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, và có Mẹ Maria hiện diện. Khi hết rượu, không ai biết sự cố đang xảy ra. Nhưng Mẹ Maria biết. Và qua sự can thiệp của Mẹ Maria và cũng nhờ sự vâng phục của các gia nhân, Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước thành rượu cho tiệc cưới tiếp tục, tiếp tục với niềm vui và hạnh phúc.
Hiện tại, cả thế giới, đặc biệt là các vị hữu trách và các chuyên viên, đang dồn nỗ lực phòng chống dịch bệnh trên toàn thế giới với ước mong có thuốc chữa trị và phòng ngừa virus corona. Cùng lúc, nhiều lời cầu nguyện của các tín đồ các tôn giáo đặt niềm tin tưởng vào Đấng Chí Tôn. Riêng với giáo hội Công Giáo, qua Mẹ Maria, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa bày tỏ tình yêu và quyền năng của Ngài để nhân loại tiếp tục được sống và sống dồi dào.
3/ Sau phép lạ tại tiệc cưới Cana, một cộng đoàn mới được hình thành trong niềm tin. Tin Mừng tường thuật: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày” (c.11-12). Đây là cộng đoàn sẽ được phát triển thành giáo hội Chúa Kitô và trở thành mầm mống của cộng đoàn Nước Thiên Chúa sẽ được thành toàn vào ngày tận thế.
Lịch sử nhân loại được hình thành bởi những sự cố xảy ra nối tiếp nhau. Lịch sử này biến thành lịch sử Cứu độ. Trong lịch sử Cứu độ, mọi người được mời gọi tham dự vào gia đình của Thiên Chúa, để yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng thế giới này thành “Trời mới Đất mới nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3, 13).
Anh chị em thân mến!
Cho đến giữa tháng Tư, đã có trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch bệnh hoành hành với trên 2 triệu ca nhiễm bệnh, trên 126 ngàn tử vong, và có trên 478 ngàn trường hợp được chữa khỏi. Thật khó có thể có thống kê đầy đủ về hệ quả tai hại do đại dịch Covid-19 gây ra cho thế giới. Hơn nữa, trong khi thế giới còn đang vất vả lao đao phòng chống dịch bệnh, thì đồng thời cũng phải đối diện những thách đố khổng lồ cho tương lai.
Giáo phận Long Xuyên tạ ơn Chúa, Mẹ Maria và các vị tiền bối vì ơn bình an trong giáo phận. Ngoài ra, trong thời gian vì giãn cách xã hội, cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận được ghi nhận là sống đạo trưởng thành hơn, đi vào đời sống nội tâm hơn, hiệp nhất với nhau hơn, cụ thể là tham dự các Thánh Lễ và giờ chầu Thánh Thể trực tuyến cách sốt sáng, và hiệp thông cầu nguyện với Chặng đàng Thánh Giá, Lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, và các gợi ý tĩnh tâm Mùa Chay và Phục Sinh. Chúng ta tạ ơn Chúa và cám ơn nhau vì đang được ơn biến đổi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải quan tâm đến nhiều và rất nhiều thách đố cho xã hội và giáo hội thời hậu dịch bệnh. 3 thách đố nòng cốt mà giáo phận cần quan tâm: Một là cuộc sống khó khăn hơn với cái nghèo và vì thế sự đòi hỏi đáp ứng các nhu cầu vật chất là rất lớn. Hai là các tương quan, đặc biệt là tương quan gia đình có nhiều thay đổi, và vì thế, chủ nghĩa cá nhân với cái tôi ích kỷ là một cám dỗ ngày càng khắc nghiệt hơn. Ba là việc sống đạo đòi hỏi sự trưởng thành đức tin hơn, vì thế sự thanh luyện và phát triển đức tin cá nhân và tập thể là một thách đố lớn.
Trong bầu khí này, chúng ta khích lệ nhau thực hiện các sinh hoạt tu đức, mục vụ, và loan báo tin mừng là sống và hoạt động với Chúa Kitô theo gương mẫu Mẹ Maria để biến đổi cá nhân và tập thể Giáo phận thành bông hoa dâng kính Mẹ và cùng Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Gương mẫu của Mẹ Maria là:
Với tính chất của một người phụ nữ nhà quê tại Nazareth, Đức Mẹ hiện diện âm thầm khiêm tốn tại tiệc cưới. Với tình mẫu tử, Đức Mẹ phục vụ như là chiếc cầu nối giữa Chúa Giêsu và các gia nhân trong tiệc cưới. Tự xưng là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Mẹ tự hủy lui vào hậu trường để Chúa hành động và vinh quang thuộc về Chúa để các môn đệ tin. Nhất là, sự hiện diện của Đức Mẹ là yếu tố để hình thành một gia đình mới cho Thiên Chúa: “Ai là mẹ ta, ai là anh em ta, đó là những người thực hành ý muốn của Thiên Chúa” (x Mt 12, 50).
Để trở thành bông hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm, giáo phận Long Xuyên được đề nghị thực hiện 3 sinh hoạt sau đây:
Thứ nhất là hãy yêu mến Thánh Thể. Cụ thể là qua việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước lễ, yêu mến đọc Kinh thánh, và việc tôn thờ Thánh Thể. Rất khích lệ các giáo xứ, giáo họ có những Phòng Thánh Thể được tổ chức và khích lệ các cá nhân và các nhóm nhỏ trong giáo xứ đến tôn thờ Thánh Thể. Ở đây, không phải Chúa biến nước thành rượu, mà Chúa biến bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa để thực hiện lời hứa “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 18,20).
Thứ hai là yêu thích lần chuỗi Mân Côi. Đặc biệt là cổ vũ cho các bạn trẻ và thiếu nhi, ít là một chục kinh mỗi ngày. Lần chuỗi Mân Côi với tâm tình vâng theo lời khuyên nhủ của Mẹ Maria, “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Cũng cần tổ chức đọc kinh gia đình để lần chuỗi Mân Côi, dâng gia đình, gia đình giáo phận và gia đình nhân loại cho Thiên Chúa qua Mẹ Maria như những bông hoa đẹp tươi muôn sắc hương.
Thứ ba là hãy yêu thích sự phục vụ cách khiêm tốn, như Mẹ Maria âm thầm phục vụ; phục vụ trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, giáo họ trong các tương quan xã hội. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các gia đình có những người đau bệnh, già cả và qua đời trong lãnh địa của cộng đoàn mình, dù khác niềm tin và triết lý sống, kể cả những người không có thiện cảm với chúng ta.
Giáo phận xin dâng lên Mẹ những bông hoa thiện chí để biểu lộ tình con thảo dâng kính Mẹ, và qua Mẹ tôn thờ Thiên Chúa.
Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con.
+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên
2020
Gp. Hà Tĩnh: Thông báo về việc khôi phục một phần các hoạt động tại các giáo xứ
TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HÀ TĨNH
BISHOP’S HOUSE OF HA TINH DIOCESE
Thạch Trung, Tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Thach Trung commune, Ha Tinh city, Ha Tinh province, Viet Nam
Website: http://giaophanhatinh.org
Email: [email protected]
Phone: (+84) 865 165 167
——————————————————
Số 04/2020/TB-GM
Văn Hạnh, ngày 23 tháng 4 năm 2020
THÔNG BÁO
Về việc khôi phục một phần các hoạt động tại các giáo xứ
Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu sỹ nam nữ, Quý Chủng sinh
và Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Hà Tĩnh
Tại Giáo phận chúng ta, đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã phần nào được giảm thiểu, các biện pháp phòng ngừa đã được dở bỏ một phần. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tái bùng phát là điều vẫn đang đe dọa chúng ta. Vậy, tôi thông báo đến Quý cha và Cộng đoàn Dân Chúa một số lưu ý như sau:
- Về việc cử hành thánh lễ:
– Các cha tái lập việc dâng thánh lễ hằng ngày nhưng nên chia nhỏ số lượng người tham dự như dâng lễ riêng cho từng giới, từng giáo họ, đặc biệt là các Chúa Nhật, lễ trọng.
– Cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng ngừa mà các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Tạo không gian thoáng đãng nhất có thể khi cử hành thánh lễ, cần rửa tay sát khuẩn trước và sau khi dâng lễ, giáo dân cần đeo khẩu trang khi tham dự thánh lễ.
– Chưa tiến hành các cuộc lễ như chầu lượt, quan thầy, tĩnh tâm, hội họp, hành hương… có đông người tham dự.
– Các linh mục đồng tế trong thánh lễ, khi rước Mình Máu Thánh Chúa – kể cả chủ tế – chỉ dùng hình thức chấm Mình Thánh vào Máu Thánh, linh mục hiệp lễ cuối cùng sẽ rước hết Máu Thánh và tráng chén lễ. Những người khác đều rước lễ bằng tay.
– Những người già, trẻ em, người ốm đau, những người có triệu chứng sốt, ho… chưa được đến tham dự thánh lễ. Những người đi xa về tự giác cách ly như quy định của các cơ quan chức năng.
– Những người chưa muốn tham dự thánh lễ chung với cộng đồng trong các dịp lễ buộc ở thời điểm này, vẫn được phép ở nhà hiệp thông bằng các việc lành khác.
- Về Bí tích Hòa giải:Chấm dứt việc ban Bí tích Hòa giải tập thể. Khi cử hành bí tích này, cả hối nhân và linh mục ban bí tích phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
- Về công tác giáo lý và giới trẻ:Tiếp tục tạm hoãn các chương trình học giáo lý của học sinh cũng như các sinh hoạt khác của Ban Giáo lý, Ban Giới trẻ và Thiếu nhi Thánh Thể.
- Về công việc làm ăn và môi trường xã hội:Giáo phận chúng ta có nhiều anh chị em đi lao động, học tập ở nước ngoài và các thành phố lớn, đồng thời cũng có những khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động cả trong và ngoài nước. Vậy, những anh chị em nào thuộc trường hợp trên, cần cẩn trọng áp dụng những biện pháp phòng ngừa để bảo đảm sức khỏe cho mình, cho gia đình và cộng đồng. Mong các cha Quản xứ tiếp tục thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cộng đoàn tiếp tục ý thức phòng tránh dịch bệnh.
Kính thưa Quý cha và Quý ông bà anh chị em,
Chúng ta tạ ơn Chúa vì đã thương trợ giúp chúng ta trong giai đoạn khó khăn này. Tôi mong mỏi cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện, làm việc lành để cầu nguyện cho đại dịch sớm chấm dứt trên toàn thế giới. Tôi cũng kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn trong cơn gian nan này.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện và tin tưởng sẽ được Chúa nhậm lời.
Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh
+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.