Aenean nec eros. Vestibulum ante ipsum primis in faucibus orci luctus et ultrices posuere cubilia curae. Suspendisse sollicitudin velit sed leo.

Chuyên mục
  • Bài giảng
  • Các loại khác
  • Chia sẻ
  • Chưa phân loại
  • GH Hoàn Vũ
  • GH Việt Nam
  • Giáo dục
  • Hạnh các Thánh
  • HĐGM Việt Nam
  • Kinh Thánh
  • Phim giáo dục
  • Phụng vụ
  • Sách
  • Suy niệm Chúa nhật
  • Suy niệm hàng ngày
  • Tài liệu giáo dục
  • Tài liệu phụng vụ
  • Thần học
  • Thánh ca
  • Thánh lễ
  • Thánh lễ trực tuyến
  • Thư chung
  • Thư viện
  • Tin tức
  • Triết học
  • Tư liệu
  • UBGD Công giáo
  • Video
From Gallery
Stay Connected
UyBanGiaoDucHDGM.net
  • Trang chủ
  • Thư chung
    • HĐGM Việt Nam
    • UBGD Công giáo
  • Tin tức
    • GH Việt Nam
    • GH Hoàn Vũ
  • Phụng vụ
    • Thánh lễ
    • Thánh lễ trực tuyến
    • Suy niệm hàng ngày
    • Suy niệm Chúa nhật
    • Tài liệu phụng vụ
  • Giáo dục
    • Chia sẻ
    • Tài liệu giáo dục
  • Thư viện
    • Sách
      • Kinh Thánh
      • Triết học
      • Thần học
      • Các loại khác
    • Video
      • Bài giảng
      • Thánh ca
      • Phim giáo dục
      • Hạnh các Thánh
      • Tư liệu
  • Liên hệ

Danh mục: GH Hoàn Vũ

Home / Tin tức / GH Hoàn Vũ
19Tháng Ba
2023

Tổng hợp mười năm của Đức Phanxicô

19/03/2023
Anmai, CSsR
GH Hoàn Vũ, Tin tức
0

 

Trên bàn phím thường ôn hòa của nền chính trị Vatican, liệu Đức Phanxicô có sáng tác các biến thể hòa âm riêng của ngài không, như độc tấu trên thang âm “đồng thời”, hơi hơi giống tổng thống Pháp Emmanuel Macron không? Thần học gia Hendro Munsterman thốt lên khi hãng tin Deutsche Welle phỏng vấn: “Tính ngôn sứ và thận trọng nghi ngờ luôn đi đôi với nhau khi nói về ngài”.

Phải thừa nhận “làm giáo hoàng không phải là công việc dễ dàng”, như chính ngài nói. Và đánh giá về triều của ngài cũng không dễ. Ngài biết điều này – ngài cho rằng việc trả lời nhiều cuộc phỏng vấn và cả thâu “popecast” cho dịp kỷ niệm 10 năm của ngài là điều hữu ích cho ngài.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông không biết nói gì nhiều về chủ đề của ngài. Gấp gáp viết, nhiều bài báo viết tối thiểu. RTL giữ lại “tính cách của một người nói thẳng và có những cử chỉ mạnh mẽ”; báo Libé mỉa mai về một triều của “những cải cách nhỏ”; báo Slate than phiền về “tiến độ chậm”; báo Le Monde xem ngài ở “dưới làn đạn của những người cải cách và những người bảo thủ” và cũng cùng một quan điểm, nhưng theo một tinh thần khác, báo Le Figaro đưa ra một “chủ nghĩa độc đoán và mong muốn cởi mở của ngài”. Nhà báo Jean-Marie Guénois của Le Figaro cho rằng “Đức Phanxicô làm nhiều người công giáo bối rối vì những quyết định của ngài”.

Những tiếng vang truyền thông này cho thấy sự không chắc chắn trong phán đoán. Có phải những “biến âm” của Bergoglio làm giới truyền thông choáng váng không? Ngay cả báo La Croix cũng thừa nhận đã bối rối khi phóng viên ở Rôma tiết lộ “Đức Phanxicô thúc đẩy mạnh mẽ cho một tinh thần đồng nghị gồm việc lắng nghe nền tảng của người công giáo, nhưng vẫn thực thi quyền lực rất mạnh trong các bức tường Vatican”. Vậy, tin những gì đây? Ngoại vi hay trung tâm, quần đảo hay lục địa, dịu dàng hay khắc nghiệt, đồng cảm hay học thuyết, con người hay giáo quyền? Nhà báo Loup Besmond de Senneville của báo La Croix với các tiêu đề đáng kinh ngạc “Đức Phanxicô có thực sự thay đổi Giáo hội không?”, hay “Phanxicô, giáo hoàng dân chủ?” Tất cả ở nơi dấu chấm hỏi.

Các ký giả cũng giải thích cách diễn tả “đồng thời” được lý giải qua lăng kính của các nhà báo. Những người này lý giải theo cách nói biện chứng và hệ thống: dưới mắt họ, đời sống của Giáo hội tóm tắt trong cuộc đấu tay đôi giữa người cấp tiến và người bảo thủ và những cải cách cơ cấu có thể là kết quả từ đó.

Chỉ có một vấn đề làm họ quan tâm: Giáo hội có bao giờ bớt bảo thủ hơn không? Nếu có, thì Giáo hội đi tới. Nếu không, thì Giáo hội đi lui. Họ ít quan tâm đến lời Chúa Kitô và việc loan báo Tin Mừng, những điều mà họ không hiểu gì và nhất là không muốn hiểu gì suốt. Định đề của giới báo chí không thay đổi: vì công giáo là cổ xưa và áp bức, nên nó phải tự cải cách các niềm tin và các tập tục của mình để phù hợp với các quá trình giải phóng toàn diện mà thời hiện đại đề cao. Đồng tính không còn là một tội, cũng như việc quản lý không nên theo kiểu giáo sĩ và nam tính.

Trên hai lãnh vực này, Đức Phanxicô dùng lời nói và cử chỉ. “Tôi là ai mà phán xét (những người đồng tính đang tìm kiếm Chúa)?” là câu nổi bật nhất của ngài. Cách giao tiếp của ngài ‘trái tim và lắng nghe’ chiếm ưu thế hơn tính cách một chiều và huấn quyền. Báo Le Figaro nhắc lại, nhưng bằng cách biến các thượng hội đồng thành một không gian tự do của lời, giáo hoàng mở đường cho một biến động lớn được những người nhiệt tình cho một “công đồng Vatican III” mong muốn, với ý định đã được biết rõ: “Tiếp nhận những người ly hôn tái hôn, phong chức cho các ông đã có gia đình, một cái nhìn mới về người đồng tính, chấp nhận ngừa thai, một quản trị mới cho Giáo hội.”

Con đường đồng nghị của Đức thăm dò bối cảnh này với bốn nội dung về thẩm quyền, luân lý tính dục, đời sống linh mục và vị trí của phụ nữ. Giáo hội giàu có Đức muốn thích nghi với thời điểm hiện tại để giữ lối sống của họ vốn được hệ thống thuế tài trợ. Trái ngược với chủ trương đi trước thời của mình lúc đầu, Đức Phanxicô cảnh báo chống lại “sự cám dỗ để nghĩ rằng các giải pháp (…) chỉ có thể thông qua những cải cách cơ cấu”. Còn phải xem, liệu sự kiên nhẫn của Đức Phanxicô với nguy cơ ly giáo ở Đức, có như sự cứng rắn của ngài với các nhóm theo chủ nghĩa truyền thống, đi xa tinh thần đồng nghị và bị hạn chế trong việc muốn được làm lễ theo nghi thức la-tinh.

Cách đối xử mất lòng này tạo sự phẫn nộ của Giáo hội Mỹ, một nhà tài trợ khác của Vatican. Vì vậy, “đồng thời” đổ nhiều hơn vào bên này hơn bên kia. Sau triều ổn định của Đức Bênêđictô XVI, triều Đức Phanxicô làm phân cực thêm những vấn đề nhạy cảm.

Để hiểu nhân vật, chúng ta có cần phải giải tập trung không? “Đồng thời” của ngài dựa trên hai nguồn gốc Mỹ-Latinh: chủ nghĩa dân túy theo Péron, quyền lực hóa cá nhân nhưng vẫn đề cao cơ sở, và tinh thần hội ý rộng rãi của Dòng Tên để kiên quyết quyết định. Trong bài báo tham khảo, Jean-Benoỵt Poulle, một người trẻ của trường uy tín Cao đẳng hành chánh Pháp, đã xuất sắc đưa ra “nguyên nhân của những phản đối với Đức Phanxicô có lẽ là vấn đề về phong cách” và rằng ngài không có giải pháp nào khác ngoài việc cải cách “bằng những  đường vòng, kết hợp một thẩm quyền cá nhân rộng lớn với việc khuyến khích các sáng kiến địa phương”.

Marta An Nguyễn dịch

Read More
13Tháng Ba
2023

Đức Thánh Cha PHANXICÔ, đã 10 năm rồi!

13/03/2023
Anmai, CSsR
GH Hoàn Vũ, Tin tức
0

Đức Thánh Cha PHANXICÔ, đã 10 năm rồi!

 

Mười năm triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là cơ hội để lắng nghe lại lời kêu gọi của ngài về một « Giáo hội đi ra ».

 

Ngày 13 tháng Ba sẽ đánh dấu mười năm triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Và mỗi người đã đến đó với lời bình luận của mình để đánh giá các quyết định khác nhau, các văn kiện, các lần bày tỏ quan điểm, các cử chỉ của Đức Giáo hoàng người Argentina từ khi ngài lên ngai tòa thánh Phêrô. Đối với một số người, vị Giáo hoàng này đã đi quá xa và dẫn Giáo hội vào một bức tường ; đối với những người khác thì trái lại, ngài không đi đủ xa hay không đủ nhanh hay không đưa ra những chọn lựa đúng đắn : cải cách Giáo triều, đấu tranh chống tội phạm ấu dâm, chỗ đứng của nữ giới trong Giáo hội, quan tâm đến những người nghèo khổ nhất, hoán cải môi sinh, những hạn chế trong việc sử dụng phụng vụ tiền Công đồng…
Trong tất cả những lãnh vực này, Đức Thánh Cha chưa tạo nên được sự nhất trí. Một số người gièm pha ngài thậm chí còn cáo buộc ngài góp phần làm suy yếu đạo Công giáo vốn đã bị lung lay nặng nề sau những tiết lộ về đủ loại lạm dụng do các giáo sĩ thực hiện mà không hề bị trừng phạt trong nhiều thập niên. Người ta có thể trả lời rằng hoàn cảnh của Giáo hội sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu Đức Thánh Cha đã không làm cho nó chuyển động ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình. Quả thế, Đức Phanxicô không ngừng kêu gọi Giáo hội đi ra khỏi chính mình, để đón nhận  chính chuyển động của Thiên Chúa hướng về một nhân loại đang cần ơn cứu độ.
« Trung thành với mẫu gương của Thầy, điều sống còn là ngày nay Giáo hội phải đi ra để loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, không ngần ngại, không ghê tởm và không sợ hãi », chúng ta đọc thấy ở số 23 của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, được công bố vào năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài. Một chương trình vẫn còn tính thời sự khi, đôi diện với nghịch cảnh, chúng ta bị cám dỗ khép kín nơi chính mình, muôn bảo toàn bằng mọi giá các cơ cấu và hoạt động của quá khứ, như thể chúng ta đang sống trong một tòa thành bị bao vây. Chúng ta không nói rằng con đường phải đi là dễ dàng. Nhưng trong đức tin,Đức Phanxicô nhắc nhở một lần nữa, chúng ta tin rằng Thiên Chúa, qua việc trao ban Chúa Thánh Thần, làm cho chúng ta có khả năng đương đầu với nghịch cảnh : « Những điều xấu xa của thế giới chúng ta – và của Giáo hội – không phải là những cái cớ để giảm thiểu sự dấn thân và lòng nhiệt thành của chúng ta. Chúng ta hãy xem chúng như là những thách đố để trưởng thành » (Niềm vui Tin Mừng, số 84).

————————-

Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Dominique Greiner, nhật báo La Croix)

 

Read More
13Tháng Ba
2023

5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô

13/03/2023
Anmai, CSsR
GH Hoàn Vũ, Tin tức
0

Ngày 13/3/2023 là tròn 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng, kế vị thánh Phêrô lãnh đạo Giáo hội. Ký giả Elise Ann Allen của báo Crux Now đã chọn 5 chủ đề có thể được xem là quan trọng nhất trong giáo huấn của Đức Thánh Cha trong 10 năm hướng dẫn Giáo hội.

Trong 10 năm qua, qua các tài liệu huấn quyền, bằng các bài diễn văn trong các chuyến tông du hay gặp gỡ, hoặc trong các bài giảng Thánh lễ, các bài giáo lý tại các buổi tiếp kiến chung, … Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến nhiều chủ đề khác nhau như lòng thương xót, gặp gỡ, người nghèo, kinh tế, hoà bình, hiệp hành, bảo vệ thiên nhiên…  Trong số những chủ đề này, có một số chủ đề nổi bật, bao quát hơn, được Đức Thánh Cha nhấn mạnh hơn.

  1. Một Giáo hội nghèo vì người nghèo

Câu chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô chọn tên hiệu Giáo hoàng của ngài đã được nhiều người biết đến. Nói chuyện với các nhà báo vài ngày sau khi được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013, ngài nói rằng chính người bạn của ngài, cố Hồng y người Brazil Claudio Hummes, là người đã truyền cảm hứng cho ngài chọn tên hiệu Phanxicô.

Như Đức Thánh Cha đã kể lại, khi chắc chắn rằng ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng, Đức Hồng y Hummes, khi đó ngồi bên cạnh ngài, đã nói nhỏ với ngài: “Xin đừng quên người nghèo.” Điều này đã gợi ý cho ngài chọn tên hiệu là Phanxicô, theo tên Thánh Phanxicô thành Assisi, người được mệnh danh là “người nghèo thành Assisi.”

Vào dịp đó ngài đã nói: “Ồ, tôi muốn có một Giáo hội nghèo vì người nghèo biết bao.” Và kể từ đó, đây không chỉ trở thành một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của ngài trong 10 năm qua, mà còn trở thành xương sống cho phong cách Giáo hoàng và tầm nhìn của ngài về Giáo hội.

Từ bộ trang phục màu trắng đơn giản đến chiếc xe Fiat khiêm tốn mà ngài dùng để di chuyển, từ quyết định thanh toán hóa đơn khách sạn khi được bầu làm Giáo hoàng và việc ngài chọn ai để rửa chân vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, ưu tiên quan tâm đến phụ nữ, người di cư, người thiểu năng trí tuệ, và tù nhân, một tinh thần khó nghèo đã nhấn mạnh tất cả.

Như là một người, khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, Đức Thánh Cha thường di chuyển bằng tàu điện ngàm và đi bộ trên những con đường của những khu ổ chuột, Đức Thánh Cha đã luôn ưu tiên những người sống bên lề xã hội, nổi bật nhất là qua việc bênh vực người di cư và người tị nạn, và trong các chuyến tông du nước ngoài của ngài.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã cam kết đến thăm các quốc gia mà chưa có vị Giáo hoàng nào khác đến thăm, hoặc những quốc gia có vẻ nhỏ bé và không xứng đáng với một chuyến thăm của Giáo hoàng, với đoàn chiên Công giáo nhỏ bé, chẳng hạn như Bosnia và Herzegovina, Albania, Maxêđônia và Bungari; Gruzia và Adécbaigian; và Myanmar và Bangladesh.

Trong các chuyến tông du quốc tế, ngài luôn quan tâm đến việc gặp gỡ những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm cả các tù nhân, người di cư và người tị nạn, nạn nhân bị lạm dụng, trẻ em đường phố ở Philippines, Kitô hữu bị đàn áp và các nhóm thiểu số khác ở Iraq, hay các nạn nhân chiến tranh ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Ngài luôn chào đón những người nghèo đến Vatican để tham quan bảo tàng hoặc những ngày đi biển, và thường ủng hộ những người khuyết tật về thể chất và chậm phát triển, yêu cầu cho họ được lãnh nhận các bí tích. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016, vào mỗi Thứ Sáu, ngài đến thăm những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bệnh tật và nghèo khó.

  1. Khí hậu và môi trường

Song song với việc quan tâm và chăm sóc người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, Đức Thánh Cha ủng hộ bảo vệ môi trường. Theo ngài,sự ngược đãi môi trường là yếu tố góp phần vào một loạt vấn đề, bao gồm cả vấn đề di cư.

Vấn đề môi trường là mối quan tâm nổi bật của Đức Phanxicô ngay từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, nổi bật nhất là với việc ban hành Thông điệp sinh thái Laudato Sì vào năm 2015, trong đó ngài lên án mạnh mẽ chủ nghĩa tiêu dùng và những điều ngài gọi là các mô hình phát triển vô trách nhiệm, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ về biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, đồng thời kêu gọi thế giới hành động ngay lập tức. Ngài đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu nổi tiếng, như các hội nghị COP, và thậm chí dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp quốc COP26 tại Glasgow vào tháng 11/2021, nhưng đã không thể vì đã phải phẫu thuật đại tràng vài tháng trước.

Thượng Hội đồng Giám mục năm 2019 của Đức Phanxicô về Amazon chủ yếu tập trung vào các vấn đề môi trường và nhu cầu bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Amazon và cứu nó khỏi nạn đốt nương làm rẫy và các kỹ thuật khai thác xói mòn lấn chiếm đất bản địa, buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của họ khi các công ty khai thác sâu hơn vào khu rừng giàu khoáng sản.

Đức Thánh Cha cũng đã liên tục kêu gọi chấm dứt việc khai thác lục địa châu Phi – gần đây nhất là trong chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan – cáo buộc các ngành công nghiệp khai khoáng và các tập đoàn giàu có đã “cưỡng đoạt” đất đai đến độ không thể phục hồi và thu hoạch tất cả của cải cho họ, khiến người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo.

  1. Tính hiệp hành

Một khái niệm quan trọng khác trong 10 năm lãnh đạo Giáo hội của Đức Thánh Cha Phanxicô là “Tính hiệp hành”, một từ thông dụng trong triều đại giáo hoàng của ngài, trong khi nhiều người vẫn khó định nghĩa, nó bao hàm tầm nhìn của ngài về Giáo hội toàn cầu và đã trở thành một trong những khía cạnh hiện thời nổi bật nhất của Giáo hội dưới triều Giáo hoàng Phanxicô.

Đức Thánh Cha luôn sử dụng từ “hiệp hành”, để diễn tả một kiểu đối thoại tập thể và thẳng thắn trong đó các quyết định được đưa ra cùng nhau. Theo thời gian, “hiệp hành” thường được hiểu là một phong cách quản lý hợp tác và tư vấn, trong đó tất cả các thành viên, giáo sĩ và giáo dân, tham gia vào việc đưa ra các quyết định về sinh hoạt và sứ mạng của Giáo hội.

Từ này bắt đầu nổi lên trong Thượng Hội đồng Giám mục năm 2018 của Đức Thánh Cha về giới trẻ và đã trở nên nổi bật đến mức nó trở thành chủ đề suy tư chính cho quá trình tham vấn nhiều giai đoạn kéo dài 4 năm trong Giáo hội toàn cầu đang diễn ra như một phần của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành.

Được đặc trưng bởi các giai đoạn khác nhau, bắt đầu bằng các cuộc tham vấn cấp giáo phận, địa phương với giáo dân trong các giáo xứ, và chuyển sang giai đoạn châu lục, trong đó các bản tóm tắt của các cuộc tham vấn đó đang được thảo luận ở cấp độ rộng hơn, quá trình này đã bắt đầu vào năm 2021 và sẽ kết thúc với hai cuộc họp của các Giám mục ở Rôma , vào tháng 10 năm nay và vào tháng 10 năm 2024.

Mục tiêu chính đã nêu của Thượng hội đồng về tính hiệp hành là làm cho Giáo hội trở thành một nơi cởi mở, chào đón và hòa nhập hơn, nơi mọi người đều có tiếng nói được lắng nghe và không ai cảm thấy bị bỏ rơi, và nơi các quyết định không được đưa ra từ trên cao bằng các nghị định, mà đúng hơn là được thực hiện với sự tham khảo ý kiến của người dân.

Trên thực tế, tính hiệp hành bao gồm một số ưu tiên chính của Đức Thánh Cha, từ việc xóa bỏ chủ nghĩa giáo sĩ đến việc trao quyền cho giáo dân và giới trẻ, đồng thời đảm bảo rằng phụ nữ có vai trò lớn hơn trong Giáo hội, đặc biệt là khi nói đến vai trò lãnh đạo và ra quyết định.

  1. Kinh tế

Trong 10 năm qua, Đức Thánh Cha thường chỉ trích công khai chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và ủng hộ một hệ thống toàn cầu công bằng hơn, tập trung ít hơn vào lợi nhuận và tập trung nhiều hơn vào sự phân phối công bằng các nguồn lực để phục vụ lợi ích chung và có lợi cho người nghèo.

Đức Thánh Cha tin rằng nhiều cải cách xã hội mà ngài đang kêu gọi bắt đầu ở cấp độ kinh tế, và đã kêu gọi những thay đổi lớn đối với hệ thống toàn cầu trong gần như tất cả các bài phát biểu và tài liệu quan trọng trong suốt triều đại giáo hoàng, từ việc thúc giục các mô hình phát triển bền vững hơn trong Laudato Sì, đến các lời kêu gọi của ngài cho một nền kinh tế châu Âu được đổi mới đã dựa trên sự hội nhập và phẩm giá con người khi nhận Giải thưởng Charlemagne danh giá năm 2016.

Trong bài phát biểu đó, Đức Thánh Cha đã đặt ra cụm từ nổi tiếng, “bà ngoại châu Âu”, nói rằng lục địa này đã quên đi những lý tưởng sáng lập của mình và đã trở nên mệt mỏi và đang rất cần sức sống mới, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chuyển “từ một nền kinh tế thiếu chắc chắn sang một nền kinh tế xã hội hướng ít hơn vào doanh thu và đầu tư nhiều hơn vào con người, và chống tham nhũng.

Trong Thông điệp Fratelli tutti về tình bạn xã hội, Đức Thánh Cha cũng chỉ trích chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực và chính sách đa phương ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả người di cư và người tị nạn.

Đức Thánh Cha cũng đã tìm cách thu hút những người trẻ thông qua sự kiện “Nền kinh tế Phanxicô”, được tổ chức tại Assisi năm ngoái, một sự kiện đã thu hút các nhà kinh tế trẻ và những người tạo ra sự thay đổi từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế hòa bình và công bằng hơn, ưu tiên người nghèo và môi trường. Khoảng 1.000 bạn trẻ tham dự cuộc gặp trực tiếp đã ký một hiệp ước với Đức Thánh Cha, trong đó họ vạch ra tầm nhìn về một nền kinh tế “hòa bình chứ không phải chiến tranh,” và được hướng dẫn bởi nền luân lý đạo đức ưu tiên phẩm giá con người và người nghèo.

Mặc dù tính hiệp hành đã đóng một vai trò quan trọng hơn trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô trong khoảng một năm qua, nhưng việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống kinh tế toàn cầu của ngài vẫn là ưu tiên hàng đầu.

  1. Hoán cải Mục vụ

Có lẽ chủ đề quan trọng nhất trong suốt 10 năm trị vì của Đức Phanxicô cho đến nay, là việc ngài thúc đẩy việc hoán cải mục vụ.

Từ những bài phát biểu dài hàng năm của mình trước Giáo triều Rôma, đến các tài liệu quan trọng, các buổi tiếp kiến và phát biểu trước công chúng, Đức Thánh Cha đã liên tục kêu gọi các tín hữu hoán cải cá nhân, đồng thời thúc giục Giáo hội và các mục tử cũng làm như vậy.

Kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã thúc đẩy việc hoán cải này bằng cách chỉ trích Giáo hội “đóng kín” trong chính mình và bày tỏ mong muốn về “một Giáo hội đi ra ngoài,” và tiếp xúc với người dân và nhu cầu của họ, thay vì bị ám ảnh bởi những cuộc tranh luận nội bộ tầm thường. Toàn bộ chiến lược mục vụ của ngài nhằm mục đích giúp Giáo hội trở thành “bệnh viện dã chiến dành cho người bệnh” mà ngài thường ủng hộ, thay vì là một câu lạc bộ dành riêng cho giới thượng lưu được nhận thức là những người tuân theo mọi quy tắc và chấp nhận mọi học thuyết.

Mong muốn hoán cải mục vụ này của Đức Thánh Cha có thể thấy trong các bài phát biểu hàng năm trước Giáo triều Rôma, mà trong thập kỷ qua, ngài đã sử dụng như cơ hội để tiến hành một cuộc xét mình tập thể về ý thức, chẩn đoán một số “căn bệnh” tâm linh mà ngài nói rằng Giáo hội đang mắc phải và đưa ra các biện pháp khắc phục, luôn nhấn mạnh đến nhu cầu hoán cải.

Đức Thánh Cha muốn cơ quan quản lý trung tâm của Giáo hội và Hồng y đoàn mang tính quốc tế và đa dạng hơn, đồng thời tập trung hơn vào việc truyền giáo. Mong muốn này được chứng minh không chỉ bởi những người được ngài thăng làm Hồng y trong những năm qua, mà còn qua những tài liệu quan trọng như Tông huấn đầu tiên của ngài vào năm 2013, Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng,” trong đó ngài kêu gọi các tín hữu trở thành “các môn đệ truyền giáo” yêu mến Tin Mừng, và tài liệu của ngài về cải cách Giáo triều Rôma, Praedicate evangelium – Hãy rao giảng Tin Mừng, trong đó ngài đưa ra những thay đổi sâu rộng đối với giáo triều, tạo ra một bộ phận đặc biệt dành riêng cho việc truyền giáo và cho phép giáo dân nắm giữ những vai trò nổi bật hơn trong vai trò lãnh đạo.

Đức Thánh Cha đã liên tục kêu gọi Giáo hội trở nên nhân từ hơn và bớt thời gian trong các cuộc tranh luận thần học và dành nhiều thời gian hơn để tiếp cận những người bị thương và đau khổ. Ngài xem nhiệm vụ của ngài là canh tân Giáo hội, để Giáo hội mở ra với thế giới và biến lòng thương xót và truyền giáo trở thành động lực đằng sau mọi hành động của Giáo hội, một cách cơ bản là thực hiện tầm nhìn của Công đồng Vatican II.

Sự hoán cải mục vụ là chìa khóa cho tất cả, nó là điều cần thiết để thực hiện tầm nhìn của ngài, và điều này có thể sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngài trong phần còn lại của triều đại Giáo hoàng.

 

Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Read More
12Tháng Ba
2023

Văn phòng của các giáo hoàng như thế nào?

12/03/2023
Anmai, CSsR
GH Hoàn Vũ, Tin tức
0

 

Bàn giấy của Đức Phanxicô với tượng Thánh Giuse.  VaticanMedia-Foto/CPP/CIRIC

Nơi ngồi viết, ngồi đọc, ngồi suy ngẫm và cầu nguyện có một linh hồn sâu thẳm. Khám phá vũ trụ thân mật của ba giáo hoàng gần đây: Phanxicô, Bênêđictô XVI và Gioan-Phaolô II. Có khi nào chúng ta nghĩ chúng ta sẽ bước vào văn phòng của ba giáo hoàng khi họ đang viết thông điệp, đang đọc thư từ khắp nơi trên thế giới gởi về, khi đang trầm tư về những quyết định sẽ đưa ra, hoặc khi đang suy nghĩ về sứ mệnh được giao phó cho họ? Nhưng không vì thế mà quên liếc mắt nhìn các đồ vật, các kỷ niệm, các hình ảnh trong suốt thời gian sứ vụ của họ. Ba giáo hoàng, ba phong cách, ba cá tính.

Đức Gioan-Phaolô II, Chúa Kitô cụt tay và  Cha Padre Pio và hoa huệ chuông

Văn phòng của Đức Gioan-Phaolô II ở tầng ba của dinh tông tòa. Chính từ đây, từ cửa sổ, giáo hoàng Ba Lan được bầu ngày 16 tháng 10 năm 1978 đã đọc kinh Truyền tin và chia sẻ tâm tư với giáo dân tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày chúa nhật. Không có gì lộng lẫy như bên trong dinh: ở đây chỉ có một thư viện với rất nhiều sách và chiếc bàn có những vết trầy xước nhỏ ở hai bên. Đây là nơi Đức Gioan-Phaolô II làm việc hàng ngày.

Đức Gioan Phaolô II trong văn phòng riêng của ngài ở dinh tông tòa trong những năm 1990. Fondation Jean Paul II

Trên một cái kệ kê sát tường là hai chiếc điện thoại xoay, giống như những chiếc điện thoại trong các bộ phim của những năm 1960 và 1970. Trên bàn là hai bức ảnh, một của Cha Padre Pio và một của hồng y người Ba Lan Adam Sapieha. Bên cạnh là tượng Chúa Kitô và Đức Maria với Chúa Giêsu Hài Đồng.

Ngoài ra còn có ảnh của Đức Mẹ Jasna Góra và ảnh của hai thánh người Ba Lan: Maximilian Kolbe và Rafał Kalinowski.

Mieczyslaw Mokrzycki, giám mục thư ký riêng thứ hai của Đức Gioan-Phaolô II viết trong cuốn sách của ngài: “Khi giáo hoàng bắt đầu làm việc, ngài để trước mặt tượng Chúa Kitô cụt tay. Đó là món quà từ một nhà thờ bị phá hủy ở một trong những ngôi làng Nam Tư cũ.” Bên cạnh là tượng Đức Mẹ Kazan nổi tiếng của Nga. Ngoài ra còn có ảnh Đức Mẹ Jasna Góra, biểu tượng của Ba Lan, và ảnh của hai thánh Ba Lan: Maximilian Kolbe và Rafał Kalinowski.

Giám mục Mokrzycki nhớ lại: “Đây là nơi thinh lặng và yên bình, nơi tươi mát. Ngài thích không khí trong lành, ngài thích để cửa sổ  mở, cả khi trời lạnh. Thêm nữa, căn phòng như mùa xuân, vì lúc nào trên bàn làm việc của ngài cũng có hoa. Thường là những bó hoa nhỏ, mỗi mùa xuân, các nữ tu mang hoa huệ chưông hái ở vườn của các nữ tu Ursuline. Ngoài ra còn có một bức tượng lớn Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Một tượng gỗ cũ nằm trên hòn đá nhỏ ở góc văn phòng. Ngài thường dừng lại để hôn tượng.”

Đức Bênêđictô XVI, ký ức quê hương Bavaria và những cây bút chì

Đức Bênêđictô XVI qua đời ngày 31 tháng 12 năm 2022. Thật ấn tượng khi nhìn văn phòng làm việc của ngài ở đan viện Mẹ Giáo hội, nơi ngài làm việc cho đến những tháng cuối đời. Dù trong những tháng cuối đời ngài đã mất nhiều thể lực, nhưng tâm trí của của ngài vẫn minh mẫn cho đến cuối đời.

Văn phòng của Đức Bênêđictô XVI tại đan viện Mẹ Giáo hội năm  2019. Ảnh chụp màn hình Bayerischer Rundfunk

Ngài giữ thời khóa biểu làm việt rất nghiêm túc, ngài dành cho công việc trí óc một vị trí rất quan trọng. Sau thánh lễ lúc 7:30 sáng tại nhà nguyện đan viện, nơi ngài sống kể từ ngày ngài từ nhiệm 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI ở phần lớn thời gian của ngài trong văn phòng chất đầy sách và đồ lưu niệm. Trong một bộ phim tài liệu do đài truyền hình bang Bavaria Bayerischer Rundfunk thực hiện năm 2019, nhìn văn phòng ngài làm việc trong 65 năm, ngài nói, ‘nó đã đi một chặng đường dài với tôi’. Và ngài thích thú tiết lộ ngài có một đường dây điện thoại an toàn, có từ thời thành phố Munich, ở Đức, là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.

Trên bàn làm việc của ngài là cây thánh giá, ảnh Đức Mẹ và ảnh của gia đình, cha mẹ và anh chị em.

Trên bàn làm việc là cây thánh giá, tượng Đức Mẹ với Chúa Giêsu Hài Đồng, tượng Thánh Giuse, một cây nến nhỏ, một bó hoa, ảnh cha mẹ và anh chị em, có bức ảnh của người chị Marie yêu quý. Cách đó không xa, hai bức tranh các Thánh ngài tôn kính: Thánh Biển Đức và Thánh Âugutinô ngài được tặng năm 1977 khi ngài còn là tổng giám mục giáo phận München và Freising. Bên cạnh chiếc ghế bành của ngài là món quà lưu niệm từ quê hương Bavaria: một chiếc bánh nhiều gia vị của quê hương Bavaria mà các hàng chữ được viết bằng sương giá ‘Không đâu bằng quê hương, Dahoam is Dahoam.’ Ngài nói trong một bộ phim tài liệu: “Tôi còn gắn bó với quê hương Bavaria, mỗi đêm tôi phó thác quê hương tôi cho Chúa.”

Đức Bênêđictô XVI trong văn phòng của dinh thự mùa hè các giáo hoàng ở Castel Gandolfo, tháng 7 năm 2010.  AGF s.r.l. / Rex Features/EAST NEWS

Khi còn là giáo hoàng, ngài rất thích làm việc trong văn phòng của dinh thự Castel Gandolfo, nơi nghỉ mùa hè của các giáo hoàng  không xa Rôma. Trên thực tế, Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng cuối cùng tận dụng dinh thự này, vì Đức Phanxicô chưa bao giờ ở đây, bây giờ dinh thự đã thành làng Laudato si. Giống như Đức Gioan-Phaolô II tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđictô XVI thích ở đây mùa hè để cầu nguyện, làm việc trong yên bình nhìn ra cảnh trí huy hoàng. Qua các bức hình, chúng ta thấy trên bàn làm việc của ngài có một chiếc túi da nhỏ đã sờn, đó là chiếc hộp đựng bút và bút chì, rất giống với hộp bút chì của học sinh, ngài chưa bao giờ rời nó.

Dinh thự mùa hè Castel Gandolfo sẽ thành làng Laudato si

Đức Bênêđictô XVI trong văn phòng ở Castel Gandolfo, tháng 7 năm 2010.  OSSERVATORE ROMANO / AFP

Dù ngài đã có máy tính xách tay sau khi bị gãy cổ tay tháng 7 năm 2009, nhưng ngài không quen dùng máy tính. Đó là điều mà linh mục Lombardi, cựu phát ngôn viên của Vatican, cho biết: “Đặc biệt là trong công việc sáng tạo, ngài thích dùng bút hơn.” Một vài bức ảnh hiếm hoi cho thấy ngài cũng dùng bút chì. Ngài giải thích với các nhà báo trong thời gian ngài bị gãy tay: “Suy nghĩ của tôi phát triển theo dòng chữ viết tay, vì thế không viết trong sáu tuần là cả một kiên nhẫn!” Cho đến những bài viết cuối cùng, bút mực và bút chì đã trung thành theo ngài trong công việc sáng tạo của ngài.

Đức Phanxicô, Thánh Giuse và “Tiếng khóc nức nở của Thánh Phêrô”

Đức Phanxicô ít dùng văn phòng chính thức của ngài. Ngài thích làm việc ở căn phòng nhỏ ở Nhà trọ Thánh Marta, nơi ngài sống sau khi được bầu chọn tháng 3 năm 2013. Nhưng dù ở văn phòng chính thức của ngài ở dinh tông tòa, nơi ngài tiếp các nhân vật quan trọng của thế giới, hoặc văn phòng nhỏ ở Nhà trọ Thánh Marta, ngài luôn muốn có sự hiện diện của Thánh Giuse bên cạnh.

Nghệ sĩ hài Gad Elmaleh và Đức Phanxicô ngày 23 tháng 12 năm 2022 tại Vatican. Facebook / @gadelmaleh

Đức Phanxicô nói: “Tôi tôn kính Thánh Giuse vì ngài là người vững mạnh và ít nói.” Trên bàn làm việc chính thức của ngài là tượng Thánh Giuse đứng cạnh Chúa Giêsu Hài đồng, nhưng cũng có một bức khác, tượng Thánh Giuse đang ngủ. Trong lần gặp các gia đình Phi Luật Tân trong chuyến đi năm 2015, ngài nói: “Trong giấc ngủ, Thánh Giuse chăm sóc Giáo hội! Đúng, ngài có thể làm và chúng ta biết điều này. Khi tôi gặp khó khăn, khi gặp vấn đề, tôi viết một ghi chú và đặt dưới tượng Thánh Giuse để ngài mơ chuyện này. Có nghĩa, cứ để cho ngài lo chuyện này!”

Bạn có biết vì sao Đức Phanxicô ngủ say không?

Đức Phanxicô dành một vị trí đặc biệt cho Thánh Giuse khi ngài ngài dâng thánh lễ mở đầu triều vào ngày lễ Thánh Giuse 19 tháng 3 năm 2013. Thêm nữa, huy hiệu giáo hoàng của ngài có loài hoa cam tùng, loài hoa thơm biểu tượng cho sự trong trắng và tình yêu, mà Thánh Giuse đã cầm trên tay khi cầu hôn Đức Maria.

Đức Phanxicô và ơn nước mắt, ơn biết sỉ nhục

Nhưng có một bức tranh khác ở bên cạnh Đức Phanxicô trong suốt quá trình làm việc của ngài, đó là bức tranh Tiếng khóc nức nở của Thánh Phêrô, sau khi phản bội Chúa Giêsu. Ngài nói: “Đó là bức hình nhắc tôi ân sủng này. Có một lời cầu nguyện rất hay: ‘Khi ông Môsê đập đá, Chúa đã làm cho nước chảy ra từ đá, làm nước mắt chảy ra từ trái tim của hòn đá.” Đó là lời kinh phụng vụ đẹp, chúng ta có thể đọc trong thánh lễ xin ơn nước mắt. Nếu Chúa ban cho chúng ta khả năng khóc, thì chúng ta phải tận dụng, vì không có gì tác hại khi nỗi đau bị kìm nén, không thể bật khóc được. Và không có gì đau lòng hơn khi nhìn người thân đau, họ nghiến răng kềm lòng để không biểu lộ nỗi xót xa của họ. Trong quyển sách Từ người nghèo đến giáo hoàng, từ giáo hoàng đến người nghèo xuất bản tháng 3 năm 2022, Đức Phanxicô tâm sự: “Khóc không phải là dấu hiệu của thiếu hy vọng. Ngược lại là khác.”

Người nghèo đặt câu hỏi với Đức Phanxicô

Marta An Nguyễn dịch

Read More

Điều hướng bài viết

  • Previous page
  • Page 1
  • Page 2
  • Page 3
  • …
  • Page 519
  • Next page
Bài viết mới nhất
Đừng xét đoán
21/03/2023
Thứ hai tuần V mùa chay
21/03/2023
Đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu
19/03/2023
Video nổi bật
https://www.youtube.com/watch?v=Td144YDsaGo
Sự kiện sắp tới

There are no upcoming events at this time.

Ủy ban Giáo dục Công giáo – Trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Liên hệ

72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM Get Directions

Phone: +84 931 436 131

Email: [email protected]

Ban chuyên môn
  • Ban Tài liệu và Truyền thông
  • Ban Giáo chức
  • Ban Kỹ năng và Giá trị sống
  • Ban Khuyến học
  • Ban Học viện Thần học
  • Ban Hội Học sinh – Sinh viên
Chuyên mục
  • Tin tức
  • Thư chung
  • Giáo dục
  • Phụng vụ
  • Thư viện
© 2020 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo - HĐGM Việt Nam | Design by JT