2022
Biên bản Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XV
BIÊN BẢN
Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XV từ thứ Hai, ngày 03/10/2022 đến thứ Sáu, ngày 07/10/2022 tại Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, với sự hiện diện đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.
Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục vui mừng chuyển lời thăm hỏi và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô tới cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, giải thích về Tông hiến “Praedicate Evangelium” (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam.
Hội đồng Giám mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Tổng giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tới thăm và trao đổi kinh nghiệm mục vụ.
Trong dịp Đại hội lần này, Hội đồng Giám mục:
- Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đoàn dân Chúa về định hướng mục vụ ba năm (2023-2025);
- Phê chuẩn bản dịch toàn bộ Kinh Thánh Tân ước của Ủy ban Kinh Thánh;
III. Chấp thuận cho thử nghiệm đề án Thư viện điện tử của Ủy ban Văn hóa và thông tin giáo sĩ của dự án số hóa dữ liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam;
- Tiếp tục trao đổi về Tiến trình phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu;
- Lắng nghe Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trình bày về Hội nghị thường niên của các Đại chủng viện;
- Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hộiđồng Giámmục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2025.
Ban Thường vụ gồm có:
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng
Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng thư ký: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Phó Tổng thư ký: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn
Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm có:
1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin
Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân
2/ Ủy ban Kinh Thánh
Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản
3/ Ủy ban Phụng tự
Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh
Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
5/ Ủy ban Thánh nhạc
Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng
Chủ tịch: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến
7/ Ủy ban Giáo sĩ – Chủng sinh
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang
8/ Ủy ban Tu sĩ
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
9/ Ủy ban Giáo dân
Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản
10/ Ủy ban Truyền thông xã hội
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
11/ Ủy ban Giáo dục Công giáo
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai
12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ – Thiếu nhi
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
13/ Ủy ban Văn hóa
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân
14/ Ủy ban Công lý – Hòa bình
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường
15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình
Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
16/ Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas
Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu
17/ Ủy ban Mục vụ Di dân
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
18/ Văn phòng Mục vụ Đối thoại Đại kết và Liên tôn: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri
19/ Hội Thừa sai Việt Nam: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long.
Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2023 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vinh, từ ngày 17 đến 21/4/2023.
Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Hà Nội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi và khánh thành Tòa Tổng giám mục vào sáng thứ Sáu, ngày 07/10/2022.
Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 07/10/2022
Tổng thư ký
Hội đồng Giám mục Việt Nam
(đã ấn ký)
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
2022
Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa
VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH
Anh chị em thân mến,
1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.
2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo hội Công giáo.
3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.
4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:
– Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;
– Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;
– Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.
5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:
a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.
b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.
c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.
Anh chị em thân mến,
6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.
7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.
8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.
Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.
Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội
Ngày 07 tháng 10 năm 2022
(đã ấn ký)
+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
(đã ký)
+ Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký
2022
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022 – 2023
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2022 – 2023
Các con thân mến,
Ngày mùng 05 tháng 9 sắp tới đây, có thể nói rằng, đó là ngày toàn quốc khai giảng năm học mới 2022 – 2023. Biết rằng, dịch bệnh Covid đã dần dần được giảm xuống, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về sự xuất hiện của các biến thể mới, ảnh hưởng nhiều trên các trẻ em. “Cổng Thông Tin Điện tử của Bộ Y Tế” vào những ngày cuối năm 2021 cho biết: theo các chuyên gia y tế hàng đầu của Hoa Kỳ, trẻ em có thể là đối tượng lây nhiễm mới của SARS-CoV-2. Những dự đoán này đã trở nên đáng lưu tâm hơn, khi trong những ngày gần đây, Báo Lao Động đã có bài viết: “TPHCM: Trẻ nhập viện do mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại”. Như vậy, vẫn còn đó một sự âu lo, dè chừng, thậm chí là sợ hãi, khi chúng ta bước vào năm học mới. Bằng tâm tình của tác giả thánh vịnh 107, chúng ta hãy phó dâng năm học mới này cho lòng thương xót và sự quan phòng của Chúa chúng ta: “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa; Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân, sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh, cứu họ khỏi sa hố sâu. Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa, và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần” (Tv 107, 19-21).
- Những hiện tượng mới của dịch bệnh
Một năm đã trôi qua, nhưng cha vẫn còn nhớ thật rõ những xáo trộn đầy lo lắng cho các con khi bước vào năm học mới: nào là học online, nơi thì khai giảng trực tuyến, lúc thì học qua sóng truyền hình, …tất cả đều là những hình thức mới mẽ, lạ lẫm, nhưng cũng là những thách đố quá lớn cho giáo viên lẫn học sinh. Chúng ta cầu mong cho những khó khăn ấy đừng quay trở lại. Tuy nhiên, như cha đã viết ở trên, trong những ngày này, chúng ta khởi đầu năm học mới cũng bằng một niềm vui không trọn vẹn. Các con sẽ đến trường trong bối cảnh có nhiều hiện tượng mới của dịch bệnh: “Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp” (Cổng thông tin điện tử Y Tế TPHCM, 22.4.2022 ); “Cảnh báo mới của WHO về bệnh đậu mùa khỉ” (Báo Điện tử Chính phủ, 17.8.2022); Số ca mắc mới COVID-19 trong nước xấp xỉ 3.000 ca/ngày (Báo Sức Khỏe và Đời Sống 17.08.2022); Các biến thể phụ mới của biến thể Omicron là BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1 với khả năng lây nhanh, số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại (Tuổi trẻ online, 16.8.2022). Để ứng phó cho những tình huống đó, các nhà hữu trách đã có những kế hoạch tiêm ngừa Vaccin tăng cường cho cộng đồng, đặc biệt là cho độ tuổi học sinh để chuẩn bị đến trường. Trong bài giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma năm 2000, Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng: “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”. Chúng ta cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành, mà qua cơn dịch bệnh, chúng ta đã nhận được. Cha ước mong cho lời tạ ơn đó thúc đẩy các con biết chạy đến với Chúa Giêsu, nhất là trong trong những lúc khó khăn hay sợ hãi, vì Người luôn ở với chúng ta. Người không những chữa lành thân xác cho mọi người (x. Mt 4, 23), mà còn thêm nghị lực, thêm sức sống, và là chỗ dựa vững chắc cho tất cả những người đang vất vả khó nhọc (x. Mt 11, 28).
- Định hướng cho năm học mới
Là những người có niềm tin vào Chúa, ngoài việc thu nạp kiến thức văn hóa, xã hội, chuyên ngành, các con còn phải cố gắng học hỏi thêm những điều bổ ích cho đời sống đức tin của mình. Chúng ta rất cần những hoa trái của đức tin, nhưng nó lại tùy thuộc rất lớn vào sự trưởng thành trong đời sống đạo của mình. Sự trưởng thành ấy lại tùy thuộc hoàn toàn vào việc học hỏi nơi Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14, 6). Trong năm học mới này, chúng ta hướng nhìn lên Chúa Giêsu là trung tâm của tất cả nhận thức Kitô Giáo. Chúng ta không thể nhận biết và tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi nếu không có sự hiện diện của Chúa Giêsu (x. Lc 3, 21-22). Chúng ta cũng không thể biết, tin và sống trong Giáo hội mà loại trừ Chúa Giêsu, vì trong sứ mạng được ủy thác cho mình, Giáo hội là Chúa Kitô được tiếp tục (x. Mt 28, 20). Vậy, các con hãy bám chặt vào Chúa Giêsu, vì Người là con đường duy nhất để dẫn đến Chúa Cha, vốn là mục tiêu cuối cùng và duy nhất của đức tin Kitô giáo (x. Cv 4, 12). Mặt khác, chúng ta là những Kitô hữu. Danh xưng này cũng nói lên toàn bộ linh đạo đời sống đức tin của mình, đó là luôn có Chúa Kitô hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Muốn được như vậy, các con phải siêng năng học hỏi và noi gương đời sống Người được mô tả trong phúc âm, áp dụng vào chính cuộc sống hàng ngày của các con. Một thân cây muốn được vững vàng trước gió lớn, nó phải được cắm rễ sâu vào lòng đất. Nếu các con muốn được kiên vững trong đức tin, bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, một cách nào đó, đời sống chúng ta cũng phải được cắm sâu vào Chúa Kitô như vậy. Thánh Phaolô chính là một chứng nhân sống động cho tất cả chúng ta về một nếp sống như vậy, khi người nói với cộng đoàn Kitô hữu tại Galata rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Bằng một cuộc sống như thế, cha tin rằng, chúng ta không những được bảo đảm phần rỗi đời đời, mà chúng ta còn được an vui, thanh bình và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hôm nay nữa.
- Lời chào chúc nhân ngày khai giảng
Các con thân mến, chỉ còn ít ngày nữa là tiếng trống khai trường sẽ vang lên để khởi đầu cho năm học mới. Tiếng trống này sẽ khởi động lại cho một hành trình trau dồi kiến thức và kỹ năng cho cuộc sống của các con. Cha nguyện ước cho tiếng trống ấy cũng mang theo một niềm vui trọn vẹn, các con sẽ an bình đến trường trong sự che chở của Chúa và Mẹ Maria. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14.10.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: “Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở cùng chúng ta”. Trong niềm xác tín ấy, cha cầu chúc các con và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an. Chúc các con học tốt, học giỏi, luôn biết bám chặt cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu và phúc âm của Người, vì “Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1, 1).
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 8 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2022
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Biên bản Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Hội Nghị Thường Niên kỳ 1 năm 2022
(25-29/4/2022)
BIÊN BẢN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tiến hành Hội nghị thường niên kỳ 1 năm 2022 tại Tòa Giám mục Thái Bình, từ chiều thứ Hai ngày 25/4/2022 đến thứ Sáu ngày 29/4/2022, với sự tham dự đông đủ các thành viên của Hội Đồng Giám Mục, trừ Đức cha giáo phận Nha Trang vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trong niềm hân hoan, Hội Đồng Giám Mục chào đón phái đoàn Tòa Thánh gồm có: Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski, Thứ trưởng ngoại giao; Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, viên chức Bộ Ngoại giao; linh mục Han Hyuntaek, viên chức Bộ Loan báo Tin Mừng. Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, cùng hiện diện với phái đoàn Tòa thánh trong dịp này.
Hội Đồng Giám Mục vui mừng lắng nghe những chia sẻ của phái đoàn Tòa Thánh về chuyến viếng thăm và làm việc với Nhà nước Việt Nam, về những đóng góp rất tích cực của mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam trong các hoạt động từ thiện bác ái, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đó là những chứng từ sống động của Tin Mừng.
Trong buổi gặp gỡ này, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski trình bày những suy tư và phương thế thực hành Thông điệp “Fratelli Tutti” (Tất Cả Anh Em) và Tự sắc “Vos estis lux mundi” (Các Con Là Ánh Sáng Thế Gian) của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hội Đồng Giám Mục chúc mừng Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh; Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa; Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục chính tòa giáo phận Hải Phòng.
Trong Hội nghị lần này, Hội Đồng Giám Mục:
- Thảo luận chương trình và nội dung cho Đại hội của Hội Đồng Giám Mục lần thứ 15 sắp tới;
- Chia sẻ về tiến trình và góp ý cho Bản tường trình Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận và quốc gia: “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”;
- Phê chuẩn bản dịch bốn sách Phúc Âm của ủy ban Kinh thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; bản dịch Sách Lễ Rôma bằng tiếng J’rai của giáo phận Kontum;
- Tiếp tục thảo luận về tiến trình phong chân phước và phong thánh cho hai Tôi tớ Chúa là Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert de la Motte;
- Trao cho ủy ban Giáo lý Đức tin soạn thảo “Thông cáo” về “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”;
- Trao đổi về:
– Đại hội Quốc tế Giáo lý viên lần thứ 3 tại Rôma, từ 9-10/9/2022;
– Việc tham dự Đại hội Gia đình Thế giới tại Rôma vào tháng 6 năm 2022;
– Việc tổ chức kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Loan báo Tin Mừng;
– Nghi thức tiếp nhận Thừa tác viên giáo lý;
– Đề án số hóa dữ liệu;
– “Quỹ giúp Đất thánh” và “Đồng Tiền Thánh Phêrô”.
Hội Đồng Giám Mục ấn định Đại hội lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, từ ngày 10/10/2022 đến 14/10/2022.
Hội Đồng Giám Mục kết thúc trong niềm vui cùng với Giáo phận Thái Bình cử hành Thánh lễ Tạ ơn, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận (1936 – 2021).
Tòa Giám mục Thái Bình, ngày 29/4/2022
Tổng thư ký
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
(đã ấn ký)
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho