2020
Một chuyến tham quan theo những bước chân của Chúa Giêsu
Từ Bê-lem đến Giêrusalem, sau đây là một số nơi Đức Kitô thường đến.
Nhấp vào đường dẫn này để xem loạt ảnh
Đối với hàng ngàn người hành hương, một chuyến hành hương đến Đất Thánh thường là ước mơ cả đời. Đi theo những bước chân của Đức Kitô, cảm nhận không khí Ngài đã hít thở, chạm đến những nơi Ngài thường đến bằng chính bàn tay của mình … Đến đó giống như là đến gần với con người của Đức Kitô, để nhận biết rằng Thiên Chúa đã trở thành người phàm và sống giữa chúng ta.
Từ khởi đầu kỷ nguyên Kitô giáo, các tín hữu đã tập trung tại những địa điểm đặt biệt mà Đức Kitô đã từng đến thăm. Cho dù vị trí chính xác không phải tất cả đều được chứng minh là đúng, nhưng điều đó không quan trọng, vì truyền thống có sức mạnh lớn hơn. Điều quan trọng là có thể trải nghiệm cụ thể những nơi chính Đức Kitô đã từng bước qua, thực hiện những phép lạ, hoặc thậm chí nằm nghỉ ngơi.
Qua các thế kỷ, các đền thờ mọc lên để đánh dấu những địa điểm thánh thiêng này: từ căn nhà của Mẹ Maria Đồng trinh nơi Sứ thần Gabriel đến loan báo cho Mẹ tin vui và hang Giáng sinh nơi Mẹ sinh Hài nhi Giê-su, đến những địa điểm gần Hồ Ti-bê-ri-a, nơi Đức Kitô thực hiện các phép lạ. Ở Giêrusalem, một địa điểm thánh thiêng được xác định, với lòng nhiệt thành và cảm xúc người ta đến ngôi mộ nơi xác của Đức Kitô được đặt vào. Qua những hành trình của Ngài, Đức Kitô đã biến miền đất đơn sơ này thành một miền Đất Thánh và thường được đến viếng thăm bởi hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi trên thế giới.
Để khám phá những gì còn lại của những địa điểm mà Đức Kitô đã từng đi qua và các đền thờ được xây dựng gần đó, xin hãy xem loạt ảnh dưới:
Nhà thờ Mộ Thánh
Không một chuyến hành hương trọn vẹn nào thiếu được cuộc viếng ngôi mộ nơi xác Chúa Giêsu được đặt vào sau khi Ngài bị đóng đinh. Mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến viếng, bên trong thánh địa cũng tìm thấy một khu vực tưởng niệm đồi Gôngôtha. Người địa phương nói đến địa điểm cực thánh là Nhà thờ Phục sinh.
Vương cung Thánh đường Truyền tin, Nadarét
Vị trí của Vương cung Thánh đường ở Nadarét là nơi theo truyền thống cho rằng biến cố Truyền tin đã xảy ra. Vào ngày đó, Sứ thần Gabriel đến thăm Trinh nữ Maria và loan báo rằng trinh nữ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa. Vương cung Thánh đường này tưởng nhớ chương then chốt của Kinh thánh được xây dựng trong thế kỷ XX. Trong nhà thờ khách hành hương có thể khám phá ra một phần căn nhà của Mẹ Maria được khoét sâu vào trong đá. Có thể tìm thấy một nhà nguyện nhỏ bên trong và khách hành hương có thể tập họp tại đó.
Vương cung Thánh đường Giáng sinh
Được xây dựng vào thế kỷ thứ IV bởi Hoàng đế Constantine của La Mã, Vương cung Thánh đường Giáng sinh là một trong những nhà thờ quan trọng nhất của Đất Thánh. Nó là nơi có Hang Giáng sinh, nơi Đức Maria Trinh nữ hạ sinh Hài nhi. Hàng năm, 2 triệu người hành hương đến viếng hang, nằm trong hầm nhà thờ, được đánh dấu bằng ngôi sao bạc 14 cánh. Một cái lỗ cho phép người hành hương quỳ xuống hôn tảng đá ban đầu. Cạnh đó là máng cỏ nơi Chúa Giê-su được đặt nằm, bây giờ là một bàn thờ.
Vườn Ghếtsimani
Khách hành hương có thể đến thăm vườn trên núi Ô-liu là vị trí được cho là nơi Chúa Giêsu trải qua cơn thống khổ trong vườn, và là nơi Ngài bị bắt trong đêm trước khi bị đóng đinh. Mặc dù địa điểm chính xác không được nói đến trong các Tin mừng, Luca cho biết biến cố xảy ra gần núi này. Những cây ô-liu mọc trong vườn ngày nay là một sự nhắc nhớ về sự thống khổ của Chúa Giêsu trong đêm hôm đó.
Nhà thờ tiệc cưới Cana
Gần Nadarét, theo truyền thống thị trấn Kafr Kanna là nơi tiệc cưới diễn ra khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ hóa nước thành rượu. Địa điểm này có hai nhà thờ, một thuộc Dòng Phanxicô và một thuộc Chính Thống giáo. Nhà thờ Chính Thống giáo rất đẹp có một số bình sành đặt trong hang, chúng là sự nhắc nhớ đến phép lạ. Ngày nay các đôi uyên ương vẫn có thể làm lễ kết hôn tại đây.
Tu viện Cám dỗ
Trên vách đá dốc đứng ở Giêrikhô bạn có thể tìm thấy tu viện Cám dỗ ngoạn mục, được xây dựng vào thế kỷ XIX bởi Chính Thống giáo Hy Lạp. Nó là nơi các nhà tu hành từ những thế kỷ đầu tập trung trong các hang đánh dấu 40 ngày Chúa Giêsu trải qua trong sa mạc, nơi Ngài bị thử thách bởi cơn đói và cám dỗ của quỷ.
Hồ Bếtxaiđa
Ở Giêrusalem, gần Cổng Sư tử, bạn có thể bắt gặp khu phức hợp của các Cha Dòng trắng với hồ Bếtxaiđa ở bên trong, nơi Chúa Giêsu chữa lành một người đàn ông bị bại liệt. Người ta đến đó để được chữa lành, cho phép họ có thể đi vào Đền thờ Giêrusalem là nơi trước đây bị từ chối không được vào. Trong hang đá của nhà thờ hiện nay có nơi sinh của Đức Maria Trinh nữ.
Nhà thờ Quyền tối thượng của Thánh Phêrô
Trên bờ Hồ Tibêria khách hành hương có thể đến địa điểm nơi Chúa Giêsu tuyên bố với Si-mon Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Một nhà thờ được xây dựng năm 1933 để tưởng nhớ biến cố này, kết hợp các yếu tố của một nhà thờ có niên đại thế kỷ thứ IV.
Nhà thờ Bát phúc
Gần Tabgha, trên đỉnh đồi nhìn ra Hồ Tibêria, khách hành hương có thể đến viếng địa điểm rất đẹp nơi được tin là Chúa Giêsu đã công bố Tám Mối Phúc. Một nhà thờ được xây dựng trên vị trí này năm 1937 có một mối phúc trên mỗi vách tường.
Nhà Tiệc ly
Được tường thuật là Phòng lớn Trên lầu trong sách Tông đồ Công vụ, nó là nhà thờ Kitô giáo đầu tiên tọa lạc ở phía nam Giê-ru-sa-lem. Đó là địa điểm của Tiệc Ly, rửa chân cho các Tông đồ, và Lễ Ngũ tuần. Các cha Dòng Phanxicô đã xây dựng nhà thờ hiện tại trong thế kỷ XIV bên trên những di tích của nhà thờ Byzantine cổ.
Nhà thờ Biến hình
Trên Núi Tabo, địa điểm nơi các môn đệ chứng kiến Chúa Giêsu biến hình và đàm đạo với Môisê và Êlia trong toàn bộ vinh quang của Ngài, tọa lạc một nhà thờ được xây dựng hoàn tất năm 1924 bởi các cha Dòng Phanxicô. Khách hành hương có thể tiến đến nhà thờ dọc theo một lối đi uốn lượn dẫn đến tu viện được xây dựng bên trên các phế tích của một nhà thờ Byxantine cổ.
Via Dolorosa
Với những khách hành hương muốn đi theo những bước chân cuối cùng của Đức Kitô, con đường cổ bắt đầu gần Cổng Sư tử dẫn đến đồi Gôngôtha, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Dọc theo đường đi là các Chặng đàng Thánh giá, với năm chặng cuối ở trong Nhà thờ Mộ Thánh, nơi có mộ của Chúa Giêsu.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/4/2020]
2020
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19
ƠN TOÀN XÁ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH COVID -19
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Nhằm giúp các tín hữu chưa hiểu rõ hoặc chưa để ý đến ân xá và việc lãnh nhận ơn toàn xá trong mùa đại dịch Covid-19, cũng như mong ước các tín hữu mạnh mẽ thể hiện tình thương đối với chính mình và tha nhân bằng lời cầu nguyện và thi hành các việc đạo đức bác ái để lãnh nhận các ân xá, chúng tôi xin mạn phép giải thích thêm ở đây nội dung của “Sắc Lệnh ban ân xá đặc biệt cho các tín hữu chịu đau khổ vì dịch Covid-19, cũng như cho những nhân viên y tế, gia đình bệnh nhân và tất cả những ai đang giúp đỡ các bệnh nhân” được ban hành mới đây (ngày 19 tháng 3 năm 2020) từ Tòa Ân Giải (Paenitentiaria Apostolica).
Lý do ra đời của Sắc Lệnh này là vì: [1] Toàn thể nhân loại chúng ta đang ở trong thời kỳ “bị đe dọa bởi một căn bệnh vô hình và ác hiểm” do nhiễm virus corona, cho nên theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu, Hội Thánh muốn luôn mở lòng chăm sóc các bệnh nhân; [2] Để tất cả những ai đau khổ vì nạn dịch Covid-19 có thể tái khám phá ra “sự đau khổ mang tính cứu chuộc của Chúa Kitô”; [3] Noi theo ĐGH Phanxicô trong việc bày tỏ sự gần gũi của ngài đối với các bệnh nhân như một người cha và không ngừng mời gọi cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus corona.
Để lãnh nhận ơn toàn xá theo đúng tinh thần siêu nhiên phải có, chúng ta nên hiểu một vài khái niệm về ân xá, nhưng quan trọng hơn, hội đủ các điều kiện cần thiết và thi hành những điều Hội Thánh qui định.
- ÂN XÁ LÀ GÌ?
Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu do các tội gây nên, dù tội đã được tha thứ [qua Bí tích Giải tội]. Nhờ Bí tích Hòa giải, hối nhân được tha thứ tội lỗi và tái lập hiệp thông với Thiên Chúa, cũng như được tha các hình phạt đời đời do tội. Nhưng những hình phạt tạm vẫn còn. Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ hình phạt tạm nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội (GL 992; GLCG 1471, 1473; Enchiridion Indulgentiarum [EI] (1999), “Normae de Indulgentiis”, N. 1).
Ân xá gồm có ơn xá từng phần hoặc ơn toàn xá. Tên gọi “ơn xá từng phần” và “ơn toàn xá” được sử dụng nhiều hơn là tên gọi “tiểu xá” và “đại xá” (GL 993; GLCG 1471; EI, “Normae de Indulgentiis”, N. 2). Bất cứ tín hữu nào cũng có thể hưởng ơn xá từng phần hoặc ơn toàn xá, hoặc cho chính mình, hoặc cho những người đã qua đời (GL 994; GLCG 1471; EI, “Normae de Indulgentiis”, N. 3). Mỗi ngày một tín hữu chỉ nhận hưởng được ơn toàn xá một lần mà thôi, ngoại trừ trường hợp nguy tử (EI, “Normae de Indulgentiis”, N. 18).
- ƠN XÁ TỪNG PHẦN LÀ GÌ?
Ân xá được gọi là gọi là ơn xá từng phần (indulgentia partialis), nghĩa là ân xá chỉ tha một phần hình phạt tạm thời phải chịu vì tội (GL 993; GLCG 1471; EI, “Normae de Indulgentiis”, N. 2).
III. ƠN TOÀN XÁ LÀ GÌ?
Ân xá được gọi là ơn toàn xá (indulgentia plenria), nghĩa là ân xá tha hoàn toàn hình phạt tạm thời phải chịu vì tội (GL 993; GLCG 1471; EI, “Normae de Indulgentiis”, N. 2).
- CÓ THỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ MỖI NGÀY KHÔNG?
Mỗi ngày, tín hữu có thể nhận được một ơn toàn xá khi làm những việc đạo đức sau: [1] Viếng Mình Thánh Chúa ít nhất nửa tiếng đồng hồ (Enchiridion Indulgentiarum [EI] (1999), “Concessiones” 7 § 1, 1°); [2] Đọc 50 kinh Mân côi trong nhà thờ, nhà nguyện, gia đình, tu viện hay cùng với hội đoàn (EI, “Concessiones” 17 § 1, 1° et conc. 23 § 1); [3] Đọc Kinh Thánh liên tục trong nửa tiếng đồng hồ với ý thức là đang đọc Lời Chúa (EI, “Concessiones” 30); [4] Đi Đàng Thánh giá (EI, “Concessiones” 13, 2°). Ngoài ra, trong khá nhiều dịp đặc biệt như được ấn định trong Sổ bộ các Ân xá: Quy chế và Ân ban [1999] (Enchiridion Indulgentiarum: Normae et Concessiones), tín hữu cũng được lãnh nhận ơn toàn xá. Chẳng hạn dịp lãnh nhận phép lành “Urbi et Orbi” của ĐGH; dịp tham dự tuần cấm phòng (tĩnh tâm) ba ngày liên tiếp; dịp rước lễ lần đầu; dịp tham dự Thánh lễ mở tay (Thánh lễ Tạ ơn) của tân linh mục…
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN CHUNG ĐỂ LÃNH NHẬN ÂN XÁ LÀ GÌ?
Đó là những điều kiện sau:
[1] Có ý định muốn lãnh nhận ân xá (có ý chung chung cũng đủ, hoặc ý thường kỳ tỏ ra một lần mà không rút lại);
[2] Thi hành những công việc như đã ấn định: xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý ĐGH. Việc xưng tội có thể thực hiện trước mấy ngày hoặc sau mấy ngày làm việc có ân xá (nếu trong lòng không mắc hoặc vương vấn tội lỗi) và xưng tội một lần thì đủ điều kiện để hưởng ơn toàn xá nhiều lần. Việc rước lễ thì nên làm mỗi ngày (chính ngày) khi lãnh nhận ân xá. Tuy nhiên, Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn việc rước lễ cho những người không thể tuân giữ được (ví dụ như người bệnh, người ở xa nhà thờ). Việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng cũng vậy, nên làm trong chính ngày muốn lãnh nhận ân xá, được diễn tả bằng việc đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt. Mỗi lần rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐGH thì chỉ được hưởng một ơn toàn xá (EI, “Normae de Indulgentiis”, N. 20).
[3] Dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù là tội nhẹ
- LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH COVID-19
Sắc Lệnh của Tòa Ân Giải về việc ban Ân Xá Đặc Biệt cho các tín hữu trong đại dịch hiện nay chia ra 4 nhóm đối tượng lãnh nhận cũng như quy định các thực hành đạo đức tương ứng với mỗi nhóm và ý hướng kèm theo những thực hành đạo đức này để được hưởng ơn toàn xá:
1/ Bệnh nhân nhiễm virus Corona, người phải cách ly tại bệnh viện hay tại nhà do thẩm quyền y tế
- Điều kiện:[1] Tinh thần dứt bỏ tội lỗi; [2] Ít là thực hành một trong các việc sau: a/ Tham dự trực tuyến Thánh lễ; b/ Đọc kinh Mân côi; c/ Đi Đàng Thánh Giá; d/ Các việc đạo đức khác; d/ Tối thiểu chỉ cần đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, kinh Kính Mừng và một lời khẩn cầu với Đức Trinh Nữ Maria; [3] Sớm hết sức có thể, sẽ xưng tội, rước Thánh Thể, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. Điều kiện có ý định muốn lãnh nhận ân xá coi như được hiểu ngầm.
- Ý hướng: Dâng đau khổ trong tinh thần đức tin hướng về Chúa và đức ái hướng đến anh chị em tha nhân.
2/ Nhân viên y tế, người nhà của bệnh nhân và thiện nguyện viên đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Corona
- Điều kiện: tương tự như nhóm đối tượng trên.
- Ý hướng: Phục vụ theo lời Chúa dạy: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
3/ Các tín hữu nói chung
- Điều kiện:[1] Tinh thần dứt bỏ tội lỗi; [2] Ít là thực hành một trong các việc sau: a/ Viếng Thánh Thể, hoặc chầu Thánh Thể ít là nửa tiếng đồng hồ; b/ Đọc Thánh Kinh ít là trong 30 phút; c/ Đọc kinh Mân côi; d/ Đi Đàng Thánh Giá; d/ Lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót; [3] Sớm hết sức có thể, sẽ xưng tội, rước Thánh Thể, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. Điều kiện có ý định muốn lãnh nhận ân xá coi như được hiểu ngầm.
- Ý hướng: để khẩn cầu Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt đại dịch này, nâng đỡ những người nhiễm bệnh và ban ơn cứu rỗi muôn đời cho những kẻ đã được Chúa gọi về bên Chúa.
4/ Tín hữu nguy tử, không thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu và Của ăn dàng
Điều kiện: [1] Đã chuẩn bị tâm hồn cách thích đáng và đã đọc một ít kinh nguyện khi còn sống (trong trường hợp này Hội Thánh sẽ bù đắp cho ba điều kiện thông thường để lãnh nhận ân xá); [2] Có tượng Chúa chịu đóng đinh hoặc Thánh giá.
VII. CÁC TÍN HỮU THAM DỰ THÁNH LỄ TRỰC TUYẾN CÓ ĐƯỢC LÃNH ƠN TOÀN XÁ KHÔNG?
Như phần trên đã nói, điều kiện căn bản là để lãnh nhận ân xá là: [1] Có ý định muốn lãnh nhận ân xá; [2] Thi hành những công việc như đã ấn định (ngày, nơi, dịp lãnh nhận ân xá và xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐGH); [3] Dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù là tội nhẹ.
Dựa vào Sắc Lệnh ban ơn Toàn Xá của Tòa Ân Giải trong tình trạng dịch bệnh lan tràn hiện nay (19/03/2020), các tín hữu thuộc về Nhóm đối tượng 1/ (bao gồm: Bệnh nhân nhiễm virút Corona, người phải cách ly tại bệnh viện hay tại nhà do thẩm quyền y tế) và Nhóm đối tượng 2/ (bao gồm: Nhân viên y tế, người nhà của bệnh nhân và thiện nguyện viên đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Corona) đều có thể lãnh nhận ơn toàn xá nếu họ tham dự Thánh lễ trực tuyến và đáp ứng điều kiện là từ bỏ tội lỗi và sớm hết sức có thể, sẽ xưng tội, rước Thánh Thể, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.
Còn đối với các tín hữu nói chung (Nhóm đối tượng 3/), Sắc Lệnh chỉ nhắc đến việc thi hành một số công việc đã ấn định với ý hướng cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, cho bệnh nhân được chữa lành và cho những người qua đời được an nghỉ ngàn thu, thì được ban ơn toàn xá. Như vậy, trong trường hợp này, nguyên việc tham dự Thánh lễ trực tuyến thì không được lãnh ơn toàn xá mà là do họ đáp ứng những điều kiện và có ý hướng như được chỉ ra trong Sắc Lệnh (coi phần trên).
THAY LỜI KẾT
Ân xá không đến từ việc hoàn tất cho xong công kia việc nọ, nhưng là kết quả từ lòng đạo đức chân thành trong đó chúng ta nhận ra nhu cầu hoán cải tâm hồn và đáp lại bằng một tình yêu đích thực trước những hoa trái thiêng liêng cao quý mà Thiên Chúa tuôn đổ một cách dạt dào trên chúng ta. Vậy chúng ta đừng lãng phí cơ hội quý báu để lãnh nhận ơn toàn xá trong thời gian này với lòng tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập Hội Thánh và đón nhận chúng ta vào Hội Thánh mà “với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Hội Thánh dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các Thánh.”
2020
Tính hiện sinh trong vụ ‘bán chúa’ của giu-đa?
TÍNH HIỆN SINH TRONG VỤ ‘BÁN CHÚA’ CỦA GIU-ĐA?
(Theo Tin mừng Mát-thêu)
Tiền bạc là cơn cám dỗ xưa như trái đất và cũng mới như thời dịch Covid-19 hôm nay. Tiền là tiên là phật cơ mà. Tiền bạc là nô lệ tốt nhưng lại là ông rất tồi. Đó chính là tính hai mặt của đồng tiền. Vì thế, Thánh vịnh cũng khuyến cáo: Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở, lòng chẳng nên gắn bó làm chi (Tv 61,11).
Phải thú nhận một điều: Cơm áo gạo tiền là mối bận tâm khôn nguôi và là điều con người nghĩ tới mỗi sớm mai thức. Mà không phải chỉ những người giật gấu vá vai mới có phản ứng ấy. Mọi người, không trừ ai, kể cả bậc vua chúa và bậc tu hành cũng khó thoát khỏi vòng cương tỏa này. Trong ý tứ này, ta cùng suy tư đôi điều về tính hiện sinh trong vụ ‘bán Chúa’ của Giu-đa qua lăng kính của Tin mừng theo thánh Mát-thêu.
- Ơn gọi và những điều nên biết về Giu-đa.Trước hết,Giu-đa chỉ được nhắc tới một lần trong danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10,4). Nghĩa là Giu-đa cũng được Chúa Giê-su được tuyển chọn, huấn luyện và rảo bước trên hành trình sứ vụ với Chúa Giê-su như các tông đồ khác. Nhưng có lẽ, Thầy Giê-su đọc ra tố chất làm quản lý, kiếm tiền, thủ kho của Giu-đa nên ông đã được trao trọng trách theo ngôn ngữ của Tin mừng ấy là ‘giữ túi tiền’. Trong cương vị này, thoạt tiên ông đã làm rất tốt; Chúa và anh em cũng hài lòng khi được Giu-đa chăm sóc chu đáo. Một cánh tay phải quan trọng không thể thiếu trong mỗi cơ cấu tổ chức… Có thể Giu-đa đã rất thiện chí trong tư cách và bổn phận của mình trong thời gian đầu. Nhưng không biết ngọn nguồn từ đâu và từ bao giờ, Giu-đa đã nổi loạn như thế?
Nếu đọc kỹ hơn Tin mừng Mát-thêu, ta ngộ điều này. Thực ra Giu-đa không có ý định bán Chúa từ trước. Vì nếu dịch sát theo tiếng Hip-ri thì Giu-đa hỏi các thượng tế rằng: “Quý vị muốn trả cho tôi điều gì?” chứ không hề dễ ngả giá theo kiểu trắng trợn: “Tôi sẽ nộp ông ấy cho quý vị, vậy quý vị muốn trả cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26,14-16). Phải chăng, đằng trước của cuộc ngả giá ‘30 đồng bạc’ đã trải qua một cuộc chiến nội tâm dai dẳng không hề nhỏ?
- Cuộc chiến người ‘giữ túi tiền’ dẫn tới cơ hội ‘bán Chúa’.Với tư cách là quản lý, Giu-đa cũng bận tâm trong việc xoay xở, giao lưu để có vốn liếng, trăm thứ phải lo cho các sinh hoạt thường nhật của Thầy Trò, đặc biệt trong mỗi dịp lễ. Như người ta thường nói:Tiền là nô lệ tốt và là ông chủ tồi. Có lẽ trong tư cách của mình, thay vì chọn Chúa thì ông đã biến thái lao đầu chọn việc của Chúa lúc nào không hay. Vì gánh nặng tài chính cơm áo gạo tiền đè lên vai, nhiều lần ông đã tính khôn khi bỏ nhóm, rồi ‘ngang dọc chén chú chén anh’ tranh thủ sự đồng tình ủng hộ để có thật nhiều tiền, mà đỡ tốn công nhọc sức, để ‘chi chế khơ khớ’ cho đời sống nhóm 12, như Thầy đã trao phó.
Nhưng chẳng bao lâu, cái biến thái của mục đích tốt biện minh cho phương tiện xấu dần lòi ra. Trong những lần giao lưu gặp gỡ như thế, những chân tay của nhóm thượng tế, biệt phái chen vào và thủ mưu chính trị manh nha. Vô tình khi hòa nhập Giu-đa lại bị hòa tan trong cơn lốc, đánh mất tư cách môn đệ của mình, bị tiêm nhiễm đưa vào tròng với những ý đồ đen tối của ‘con cái thế gian’ mà không hay. Không thiếu những lần Giu-đa cũng ngất ngây ‘chém gió-nổ’ về chính mình và nhóm 12, theo kiểu Hê-rô-đê thề thốt: “Con xin gì trẫm cũng ban, dù nửa nước cũng được.” (Mc 6,23), chứ cộng tác để nộp Thầy có đáng là gì?
- Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa (Ga 13,2).Ma quỷ gieo theo chiến lược ‘mật ngọt chết ruồi, ‘đội lốt chiên’, đi guốc trong bụng Giu-đa. Giờ của ma quỷ đã đến, chúng tha hồ vẽ đường cho hươu (Giu-đa) tẩm ngẩm chạy theo ‘linh đạo tinh khôn’ ấy. Bắt đầu từ cao trào với những vụ ‘ném đá’, Giu-đa nhận thấy sắp ‘toang thật rồi’. Sự đối kháng giữa Đức Giê-su với nhà cầm quyền Do-thái ngày càng ban căng, ‘tức nước ắt sẽ vỡ bờ’… Thầy mình sẽ phải chết là cái chắc. Trong khi hắn quẩn quanh với chiều hướng điêu tàn như thế, thì lại được bồi thêm những phân tích hết sức hợp tình hợp lý của nhóm ‘đang rình mò khai thác’: Đàng nào mà toán quân chẳng đến bắt ông ấy, khi ấy anh chỉ cần ra hiệu ‘nháy mắt-hôn thầy’ thế là xong. Anh không cộng tác thì ông ấy cũng chết như Sách nói về còn gì? Nhưng cái đáng trách ở đây là: ‘Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn’(26,24).
- Thái độ hối hận muộn màng.Cuộc chơi “bán Chúa’ trong những lần chém gió trước kia, nay Giu-đa đã phải trả giá đắt. Như chính Thầy bảo: đã hẳn Con Người ra đi mà… Nghĩa là không có mình can thiệp thì Thầy vẫn bị bắt như chơi đấy thôi. Lúc đó, ông thấy bình chân như vại, điếc hết. Có đáng là gì mà Thầy lại chửi ‘khốn’ thế cơ chứ? Lại còn nguyền: thà nó đừng sinh ra thì hơn, liệu có độc miệng đời quá không?… Rồi phải mãi đến sáng hôm sau, khi thấy các thượng tế và kỳ mục bàn kế xử tử, trói và giải Người đi (27,1-2); lúc đó Giu-đa mới tỉnh cơn say ‘lâm sàn’, chợt nhận ra quả đúng như Thầy nói, đã hẳn, nhưng khốn thật, vì mình lại tiếp tay, nối giáo cho giặc, để rồi kết tội danh ‘nộp Thầy’. Còn gì đau hơn cái đau, nỗi đau của ‘Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con’(Tv 41,10). Càng yêu, càng thân, càng gần đến độ hai đã trở nên một, mà phản bội, mà giơ góp đạp nhau thì đau biết chừng nào? Có lẽ trước đó Giu-đa chỉ nghĩ mình mang Thầy ‘đổi chác’ như thế để Thầy bừng tỉnh phản đòn và kiếm chác tí thôi. Ai dè, lại ra nông nỗi thế. “Thấy Người bị kết án thì hối hận” (27,3). Tiếc thay, thái độ sám hối là quá muộn màng, cho một chuyến đi về.
- Tính hiện sinh ‘Giu-đa’ thời đại dịch Covid-19?Ngày nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn đang miên man muốn trả lời cho câu hỏi:Nếu Giu-đa không bán Chúa, liệu Chúa có phải chết không? Thưa, Chúa vẫn chết như thường, vì cái chết nằm trong ý định yêu thương của Ngài. Giống như cơn khốn cùng hoảng loạn của đại dịch Covid-19. Chúa có thừa khả năng đẩy lui bệnh dịch chỉ trong ý nghĩ, nháy mắt. Cũng như Ngài có nhiều cách thế để bảo toàn sự sống trước sự tấn công như vũ bão của toán quân dù có đông hơn nhiều cùng vũ khí hiện đại tối tân đến cỡ nào. Nhưng Chúa của chúng ta đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Ngài biết giờ của Ngài đã đến.. Giờ mà tất cả các sự việc xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh (26,47-56).
Nếu không có Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, thì vẫn còn đó Giu đa Ít-ca-ri-bạn và Ít-ca-ri-bạn, Ít-ca-ri của những người chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, của những người đã đóng đinh và giết chết Ngài bằng tội lỗi và sự kiêu căng; của những lần lạc mất trong sự khủng hoảng của Đức Tin, những khi tâm hồn chúng ta khô khan, nguội lạnh, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, như muốn trao thân gửi phận cho ác thù Sa-tan hoành hành, đó chính là những thỏa hiệp trong vụ ‘bán Chúa’ chẳng khác gì Giu-đa năm xưa. Một Giu-đa đã bị nhúng vào cơn lốc ‘túi tiền’, dù đã thức tỉnh sám hối, nhưng là quá muộn cho cuộc trở về. Câu chuyện Giu-đa và ‘túi tiền’ vẫn còn khá hiện sinh trong thời hiện đại Covid hôm nay.
Hy vọng nó sẽ là bài học nên khôn cho chúng ta trên hành trình Đức tin và trong thực trạng của đời sống hôn nhân gia đình? Đừng để tiền bạc lên ngôi đến độ trở thành ông chủ của chính mình. Bởi vì: ‘Một khi vật chất được lên ngôi, thì mọi thứ đều được đem ra trao đổi, ngay cả tình yêu và những giá trị tinh thần cao quý nhất cũng được đánh giá qua nhãn quan vật chất rẻ tiền: “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền, cái dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật (x. Cơ hội của Chúa, tác giả Việt Hà). Xin cho chúng ta thấy được tính chất hiện sinh trong việc ‘bán Chúa-nộp Thầy’ của Giu-đa. Cuộc chiến đấu giằng co nội tâm giữa chọn Chúa hay chọn việc của Chúa và đi đến thái độ hối hận quá ư là muộn màng của Giu-đa liệu có là bài học đắt giá thức tỉnh lý trí và con tim của tôi? Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
2020
Ý nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá
Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh.
Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: “Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa
– Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.
– Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái.” Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.
– Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.
Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
Ðể có việc làm cụ thể trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi,” chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.