2023
Chơi nhạc khí hoặc hát trong khi truyền phép được không?
Chơi nhạc khí hoặc hát trong khi truyền phép được không?
“Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ”.
Trả lời của Cha Edward McNamara thuộc Hội dòng Đạo binh Chúa Kitô, giáo sư thần học phụng vụ và bí tích.
Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này là không. Huấn thị “Musicam Sacram” năm 1967 nói khá rõ ràng về điểm này:
Số 64: “Việc sử dụng các nhạc khí để đệm theo tiếng hát đóng vai trò hỗ trợ các giọng ca và giúp cộng đoàn tham dự dễ dàng hơn, cũng như đạt đến sự kết hiệp mật thiết với nhau hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc khí đều phải im tiếng khi linh mục hay thừa tác viên đọc cao giọng một bản văn được dành riêng cho các vị ấy”.
Số 65: “Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ”.
Điều này cũng được đề cập trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:
Số 32: “Bản chất các kinh nguyện “chủ tọa” buộc linh mục phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi linh mục đọc các kinh này, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác”[1]
Điều này áp dụng cho tất cả các kinh nguyện chủ tọa chứ không chỉ lúc truyền phép.
Tuy nhiên, việc loại trừ các nhạc khí không ngăm cấm việc tùy ý sử dụng chuông lúc truyền phép. Nghĩa là:
Số 150: “Một chút trước khi Truyền phép, nếu thích hợp, một thừa tác viên sẽ rung một chiếc chuông nhỏ để báo hiệu cho các tín hữu. Thừa tác viên cũng rung chiếc chuông nhỏ ở mỗi lần Linh mục nâng cao, theo phong tục địa phương. Nếu xông hương, khi Mình Thánh và Chén Thánh được trưng bày cho giáo dân sau khi Truyền Phép, một thừa tác viên xông hương”.
Trong khi các nhạc khí và các bài ca khác bị loại trừ thì linh mục được khuyên (QCSLRM, số147) nên hát những kinh nguyện chủ tọa, ít là những phần mà âm nhạc được trù liệu trong sách lễ. Điều này bao gồm khả năng hát Kinh nguyện Thánh thể và truyền phép mà Sách lễ Rôma cung cấp phần nhạc đơn giản soạn cho Kinh nguyện Thánh Thể I-IV. Điều này có thể rất hữu ích tại các thánh lễ đồng tế lớn.
Cuối cùng, một phong tục hình như đã có từ xưa là chơi quốc ca khi truyền phép, đặc biệt là trong quân đội Tây Ban Nha và các quốc gia từng nằm dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha.
Mặc dù phong tục này được giải thích với mục đích tôn vinh Bí tích Thánh Thể hoặc như một dấu hiệu của việc dâng hiến đất nước cho Chúa Kitô, dù sao nó vẫn trái với luật phụng vụ hiện hành và có lẽ tốt hơn là nên để nó biến mất.
2023
Thứ Tư Lễ Tro: Những câu hỏi đáp
Thứ Tư Lễ Tro: Những câu hỏi đáp
- Thứ Tư Lễ Tro là tên thông dụng. Tên chính thức của nó là “Ngày của tro” (Dies Cinerum). Nó được gọi là “Thứ Tư Lễ Tro” vì bốn mươi ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh luôn rơi vào Thứ Tư đồng thời vào ngày đó các tín hữu sẽ bôi tro lên trán theo hình thánh giá.
Hỏi: Thứ Tư Lễ Tro là gì?
Đáp: Thứ Tư Lễ Tro là ngày bắt đầu Mùa Chay, cách Thứ Sáu Tuần Thánh 40 ngày.
Hỏi: Thứ Tư Lễ Tro có dựa trên một lễ hội ngoại giáo không?
Đáp: Không. Thứ Tư Lễ Tro bắt nguồn từ những năm 900 Công nguyên, rất lâu sau khi Châu Âu đã được Kitô giáo hóa và các phụng thờ ngoại giáo bị dập tắt.
Hỏi: Tại sao gọi là Thứ Tư Lễ Tro?
Đ: Thực ra, Thứ Tư Lễ Tro là tên thông dụng. Tên chính thức của nó là “Ngày của tro” (Dies Cinerum). Nó được gọi là “Thứ Tư Lễ Tro” vì bốn mươi ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh luôn rơi vào Thứ Tư đồng thời vào ngày đó các tín hữu sẽ bôi tro lên trán theo hình thánh giá.
Hỏi: Tại sao xức tro dấu thánh giá trên trán?
Đáp: Vì trong Kinh thánh, đánh dấu trên trán tượng trưng cho quyền sở hữu của một người. Khi ghi dấu thánh giá trên trán, điều này nói lên rằng người đó thuộc về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên Thánh giá.
Đây cũng là điều bắt chước dấu ấn thiêng liêng hay ấn tín được ghi trên một Kitô hữu trong bí tích rửa tội, khi được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ, trở thành nô lệ của sự công bình và Đức Kitô (Rm 6,3-18).
Đây cũng là bắt chước cách mà sự công chính được mô tả trong sách Khải huyền nói về các tôi tớ của Thiên Chúa (các Kitô hữu được tượng trưng bởi 144.000 nam nhân):
“Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta” (Kh 7,3)
“Chúng bị cấm không được phá hại cỏ trên mặt đất, mọi loài xanh tươi và mọi cây cối, mà chỉ được phá hại những người không mang ấn của Thiên Chúa trên trán” (Kh 9,4)
“Tôi thấy: kìa Con Chiên đứng trên núi Xion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi bốn ngàn người, mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán” (Kh 14,1)
Đây là điều ngược lại với những người theo con thú, những người có số 666 trên trán hoặc trên tay.
Tham chiếu đến việc ghi ấn các tôi tớ của Thiên Chúa để bảo vệ họ trong sách Khải Huyền là ám chỉ đến một đoạn song song trong sách Êzekien, nơi có các tôi tớ Thiên Chúa được đóng ấn để bảo vệ họ:
“Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán (nghĩa đen là một dấu chữ “tav”) những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.” Tôi lại nghe Đức Chúa phán với năm người kia: “Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch; nhưng tất cả những ai mang dấu trên mình, các ngươi chớ đụng đến. Các ngươi sẽ bắt đầu từ Nơi Thánh của Ta.” Và họ đã bắt đầu từ đàn ông, từ người già ở trước Đền Thờ” (Êd 9, 4-6).
Rủi thay, các bản dịch hiện đại đều không ghi đoạn này theo nghĩa đen. Thực sự câu này muốn nói là ghi một dấu chữ “tav” trên trán của những người công chính ở Giêrusalem. Chữ “tav” là một trong những chữ cái của bảng chữ cái tiếng Do Thái và trong chữ viết cổ, nó trông giống như chữ cái “chi” trong tiếng Hy Lạp, là hai gạch “chéo” (giống như chữ “x”) và là chữ cái đầu tiên trong từ “Christ” (Kitô) trong tiếng Hy Lạp là “christos” (Χριστός). Các rabbi Do Thái đã giải thích về mối liên hệ giữa “tav” và “chi” và chắc chắn đây là dấu ấn mà sách Khải Huyền muốn nói đến khi các tôi tớ của Thiên Chúa được ghi dấu ấn.
Các Giáo phụ sơ thời đã nắm bắt mối liên hệ giữa “tav-chi”- thập giá – “christos” này và giải thích nó trong các bài giảng của mình, nhìn thấy ở Êzekien một điềm báo tiên tri về việc các Kitô hữu được ghi dấu ấn để làm tôi tớ của Đức Kitô. Đây cũng là một phần nền tảng của tục làm dấu thánh giá nơi người Công giáo, mà trong những thế kỷ đầu (như được ghi chép lại từ thế kỷ thứ hai trở đi) đã được thực hành bằng cách dùng ngón tay cái làm một dấu thánh giá nhỏ trên trán, như người Công giáo làm ngày nay khi đọc Tin Mừng trong Thánh lễ.
Hỏi: Tại sao làm dấu với tro?
Đáp: Bởi vì tro là biểu tượng Kinh Thánh nói về sự than khóc và sám hối. Trong thời Kinh thánh, có phong tục nhịn ăn, mặc áo vải gai, ngồi trong đống tro, và rắc tro lên đầu. Bình thường thì không ai mặc áo gai hay ngồi trong đống tro, nhưng tập tục ăn chay và rắc tro lên trán như một dấu hiệu của sự đau buồn và sám hối vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là hai trong số những điểm chính của Mùa Chay. Thực tế, Thứ Tư Lễ Tro không chỉ là ngày xức tro trên đầu mà còn là ngày ăn chay.
Hỏi: Có ví dụ nào trong Kinh thánh về những người xức bụi tro lên trán?
Đáp: Có những trường hợp sau đây:
“Một người thuộc chi tộc Bengiamin từ mặt trận chạy về, và ngay hôm đó tới Silô, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất” (1 Sm 4, 12)
“Sang ngày thứ ba, có một người từ trại, từ bên vua Saun đến, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất. Khi đến gần ông Đavít, anh ta sấp mình xuống đất và sụp lạy” (2 Sm 1, 2)
“Tamar lấy tro bụi rắc lên đầu, xé cái áo chùng dài tay cô đang mặc, đặt tay lên đầu, vừa đi vừa kêu la” (2 Sm 13, 19)
“Khi vua Đavít lên tới đỉnh, nơi người ta thờ lạy Thiên Chúa, thì này ông Khusai, người Ácki, đón gặp vua, áo chùng ông xé rách, đầu thì rắc đất” (2 Sm 15, 32)
Hỏi: Tro còn có ý nghĩa nào khác?
Đáp: Có. Chúng cũng tượng trưng cho cái chết và do đó nhắc nhở chúng ta về tính phải chết của mình. Thế nên, khi vị linh mục dùng ngón tay cái ghi dấu bằng tro cho một tín hữu, ông nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về tro bụi”, như Thiên Chúa nói với ông Ađam (Stk 3, 19; xem G 34,15, Tv 90,3, 104,29, Gv 3,20). Điều này cũng lặp lại những lời trong lễ an táng, “Tro bụi trở về với tro bụi”, dựa trên lời Thiên Chúa nói với ông Ađam trong Sáng thế ký 3 và lời thú nhận của Ápraham, ” Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi” (Stk 18, 27). Do đó, đây là lời nhắc nhở về cái chết của chúng ta và nhu cầu phải hối cải trước khi cuộc sống này qua đi và chúng ta đối mặt với vị Thẩm Phán của mình.
Hỏi: Tro được sử dụng vào Thứ Tư Lễ Tro đến từ đâu?
Đ: Từ tro của những lá cọ đã được giữ lại từ Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước, sau đó chúng được linh mục làm phép – tro được làm phép đã được sử dụng trong các nghi lễ của Thiên Chúa từ thời Môisê (Ds 19, 9-10, 17 ).
Hỏi: Tại sao lại là tro của Chúa Nhật Lễ Lá năm trước?
Đáp: Vì vào Chúa Nhật Lễ Lá, dân chúng chào mừng sự khải hoàn của Chúa Giêsu khi tiến vào thành Giêrusalem. Họ mừng Ngài bằng cách vẫy những chiếc lá cọ, không nhận ra rằng Ngài đến để chịu chết vì tội lỗi của họ. Khi sử dụng những cành lá từ Chúa Nhật Lễ Lá, đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta không chỉ vui mừng về việc Ngài đến nhưng còn phải hối tiếc rằng tội lỗi của chúng ta đã khiến Ngài phải chết thay để cứu chúng ta khỏi địa ngục.
Hỏi: Có đòi buộc các tín hữu phải xức tro lên trán không?
Đáp: Không, điều này không bắt buộc nhưng được khuyến khích mạnh mẽ vì đây là một lời nhắc thiêng liêng phù hợp và hữu hình, khích lệ người ta nhận lấy thái độ cầu nguyện, ăn năn và khiêm nhường. Như Thánh Giacôbê đã nói: “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc 4, 10).
Hỏi: Thứ Tư Lễ Tro có phải là một ngày lễ buộc, nghĩa là phải dự Thánh lễ?
Đáp: Không, đây không phải là ngày lễ buộc. Tuy nhiên, điều này được khuyến khích vì thích hợp để đánh dấu khởi đầu của Mùa Chay sám hối bằng cách tham dự Thánh lễ. Việc thờ phượng Thiên Chúa cách trang trọng, cùng với cộng đoàn, là một cách tốt đẹp để bắt đầu mùa Chay. Ngoài ra, mặc dù đó không phải là ngày bắt buộc, nhưng đó là ngày ăn chay và kiêng thịt.
Hỏi: Tại sao Thứ Tư Lễ Tro không phải là ngày lễ buộc?
Đáp: Lễ buộc là ngày kỷ niệm các biến cố đặc biệt (chẳng hạn như sự sinh hạ của Đức Kitô hoặc dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh), những người đặc biệt (chẳng hạn như người cha trần thế của Đức Giêsu là Thánh Giuse), hoặc các khái niệm thần học quan trọng (như Vương quyền của Chúa Kitô). Thứ Tư Lễ Tro không kỷ niệm bất kỳ biến cố nào (không có gì đặc biệt xảy ra bốn mươi ngày trước khi bị đóng đinh – ít nhất là chúng ta không biết gì về điều đó), và có thể là gián tiếp tưởng niệm một Ngôi vị (Chúa Kitô) vì đây là bước khởi đầu để chuẩn bị các cử hành lớn hơn về trong công cuộc cứu độ của Đức Kitô sau đó, và mặc dù Thứ Tư Lễ Tro là ngày thống hối (giống như tất cả các ngày khác của Mùa Chay trừ Chúa Nhật, là những ngày lễ trọng bất kể thời điểm nào trong lịch phụng vụ vì là kỷ niệm sự phục sinh của Đức Kitô), Giáo hội không bao giờ chọn ngày này hay bất cứ ngày nào khác để làm ngày tưởng niệm về sự thống hối.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: catholicshield.wordpress.com
2023
Thời gian của một thánh lễ kéo dài bao lâu?
Thời gian của một thánh lễ kéo dài bao lâu?
Thời gian cho một thánh lễ kéo dài bao lâu? Có những chỉ dẫn cụ thể nào về điều này không? Có đúng là trong một số trường hợp thánh lễ chỉ kéo dài hơn nửa giờ, và trong những trường hợp khác thì khoảng một giờ hoặc hơn?
Linh mục Roberto Gulino, giáo sư phụng vụ trả lời:
Cám ơn quí độc giả thân yêu vì đã cho phép tôi nhắc lại một số khía cạnh rất quan trọng trong việc cử hành Thánh Thể, ngày Lễ và ngày thường, và nhắc lại điều mà Giáo hội thực sự muốn chúng ta cử hành mầu nhiệm phục sinh của Chúa.
Trước hết, chúng tôi phải trả lời ngay rằng không có những chỉ dẫn cụ thể nào liên quan đến thời lượng của một Thánh lễ và lý do đó là chúng ta thấy nơi sự đa dạng của các buổi cử hành mà nó có thể được sống và trong các bối cảnh khác nhau có thể là nét đặc trưng của các thánh lễ. Ta hãy nghĩ đến một thánh lễ trọng, chẳng hạn như lễ giáng sinh, trong nhà thờ chính tòa hoặc ở một giáo xứ thuộc vùng quê ít giáo dân: mặc dù cả hai nơi đều cử hành thánh lễ trọng nhất nhưng gần như chắc chắn rằng thời gian và cách thức của nó hoàn toàn khác nhau.
Thông thường, ở nhà thờ chính tòa có không gian rộng lớn, đòi hỏi thời gian di chuyển lâu hơn, chẳng hạn như cuộc rước đầu lễ và lúc kết thúc; đón tiếp một số lượng lớn các tín hữu (cần nhiều thời gian khi rước lễ); đòi hỏi một nghi lễ chuẩn mực và trang trọng hơn, chẳng hạn như xông hương (xông hương bàn thờ trong nghi thức đầu lễ, xông hương Tin mừng, lễ vật, bàn thờ, xông hương thừa tác viên và cộng đoàn sau phần dâng lễ); một đề xuất cho mục âm nhạc chắc chắn phong phú hơn.
Nếu như Thánh lễ Đêm Giáng Sinh được cử hành cho một nhóm khách hành hương trong một nhà nguyện ở phi trường thì nó vẫn có những đặc điểm và thời gian rất khác nhau, chắc chắn là khác so với việc cử hành trong nhà thờ chính tòa hoặc ở một nhà thờ của giáo xứ.
Mặc dù không đưa ra một hướng dẫn cụ thể về thời gian của Thánh lễ, Giáo hội, trong tất cả sự can thiệp của mình về phụng vụ, dù trong hoàn cảnh hoặc bối cảnh nào, đòi hỏi chúng ta luôn cử hành với sự tôn trọng sâu xa, cân bằng hài hòa và hết sức cẩn thận, để qua nghi lễ đó chúng ta tưởng niệm lại toàn bộ mầu nhiệm vượt qua. Trong những thập kỷ gần đây, đã có những bàn thảo minh bạch về “nghệ thuật cử hành” đích thực và riêng biệt, nghĩa là tập hợp toàn bộ những chú ý sẽ được thực hiện để bảo đảm rằng tất cả các khía cạnh của nghi thức được những người tham dự quan tâm và sống theo cách tốt nhất có thể.
Ngay trong Tông thư cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô “Desiderio desideravi”, ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2022, đã dành trọn một chương (48-60) cho ars celebrandi, gợi lên cho chúng ta về những khía cạnh này.
Số 53, liên quan đến Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ: “Mỗi cử chỉ và lời nói đều chứa đựng một tác động chính xác luôn mới mẻ, vì được đặt trong một thời điểm cũng luôn mới mẻ trong cuộc sống chúng ta”.
Tôi xin giải thích bằng một ví dụ đơn giản. Khi chúng ta quỳ gối để xin ơn tha thứ; để uốn gập tính kiêu ngạo của chúng ta; để dâng nước mắt của chúng ta cho Chúa; để cầu xin sự can thiệp của Chúa; để cảm ơn Chúa vì ơn lành đã nhận được: đó luôn là cử chỉ nói lên sự nhỏ bé của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, được thực hiện trong những thời điểm khác nhau của cuộc sống chúng ta, nó đào luyện nội tâm sâu xa của chúng ta để sau đó thể hiện ra bên ngoài trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với anh em. Ngay cả việc quỳ gối cũng phải được thực hiện một cách nghệ thuật, nghĩa là với ý thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng của nó và về nhu cầu chúng ta phải bày tỏ bằng cử chỉ này theo cách chúng ta hiện diện trước mặt Chúa. Nếu tất cả điều này đúng với cử chỉ đơn giản đó, thì còn đúng hơn biết bao cho việc cử hành Lời Chúa? Chúng ta được mời gọi học nghệ thuật nào trong việc công bố Lời Chúa, trong việc lắng nghe Lời Chúa, biến Lời ấy thành nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của chúng ta, làm cho Lời ấy trở nên sống động?
Tất cả những điều này đáng được quan tâm tối đa, không phải hình thức bề ngoài, mà là sức sống, nội tại, bởi vì mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của việc cử hành được diễn tả bằng “nghệ thuật” làm nên nhân cách Kitô hữu của cá nhân và của cộng đoàn.
Đây là lý do tại sao, Đức Giáo Hoàng lưu ý, cần phải tránh một số thái độ, trong đó ngài đề cập rõ ràng: “khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá mức hoặc vô cảm lạnh lùng” (DD 54).
Mặc dù chúng ta không có những tham chiếu chính xác về thời gian, nhưng về phương thức chủ sự và sống mọi cử hành phụng vụ – dù ở đâu – tất cả chúng ta đều có những chỉ dẫn rất rõ ràng và chính xác. Hãy giúp nhau để đưa chúng vào thực hành ngày càng nhiều càng tốt.
Chuyển ngữ từ: Quanto deve durare la Messa? L’importante è che la liturgia sia curata
2023
140 câu đố vui học về Phụng vụ Thánh lễ
140 câu đố vui học về Phụng vụ Thánh lễ
THỂ LỆ THI ĐỐ VUI
- Sau khi nghe câu hỏi, tới chữ cuối cùng, thí sinh mới được giơ tay. Ai giơ tay sớm hơn sẽ bị loại.
- Chọn câu trả lời đúng nhất.
- Sẽ có tín hiệu báo đúng hay sai.
- Sau khi nghe tín hiệu báo câu trả lời sai, các thí sinh còn lại sẽ được giơ tay trở lại.
Chúc tất cả thí sinh may mắn!
***
Nháp 1
Nhân danh Cha và Con và…
- A) Cháu
- B) Thánh Giá
- C) Thánh Gia
- D) Thánh Thần
- E) Thánh Địa
Đáp: D) Thánh Thần
Nháp 2
Sau “Phụng vụ Lời Chúa” là…
- A) Phụng vụ Thánh lễ
- B) Phụng vụ Thánh Thể
- C) Phụng vụ Hiến Tế
- D) Phụng vụ Rước lễ
Đáp: B) Phụng vụ Thánh Thể
***
Câu 1
Thánh lễ bắt nguồn từ đâu?
- A) Bữa Tiệc Ly (thứ Năm Tuần Thánh)
- B) Bữa tiệc vượt qua của người Do-thái
- C) Giáo Hội tiên khởi
Đáp: B) Bữa tiệc vượt qua của người Do-thái
Câu 2
Trong Bữa Tiệc Ly, Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập dựa trên bốn cử chỉ và lời nói: 1/ Chúa Giêsu cầm lấy bánh; 2/ …; 3/ Người bẻ bánh; 4/ Người trao cho các môn đệ. Đâu là yếu tố thứ 2?
- A) Người thổi cho nguội
- B) Rồi Người lấy thêm bánh cho mọi người đủ ăn
- C) Kiểm tra coi bánh chín chưa
- D) Dâng lời tạ ơn
Đáp: D) Dâng lời tạ ơn (= Dâng lời chúc tụng)
Câu 3
Vào thời các Tông Đồ, Thánh lễ được gọi là…
- A) Bữa Tiệc Ly
- B) Bữa tiệc Thánh Thể
- C) Hy tế tạ ơn
- D) Lễ bẻ bánh
Đáp: D) Lễ bẻ bánh
* Sách Công Vụ Tông Đồ: “Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện.” (2, 42)
Câu 4
Trong “Lễ bẻ bánh” này, có phần công bố Tin Mừng không?
- A) Dĩ nhiên là có
- B) Lúc có, lúc không, tùy theo hứng của các Tông Đồ
- C) Không, vì không thấy sách nào nói
- D) Không, vì các sách Tin Mừng chưa được soạn thảo
Đáp: D) Không, vì các sách Tin Mừng chưa được soạn thảo
Câu 5
Trước mỗi Thánh lễ, chúng ta thường nghe tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông ấy có ý nghĩa gì?
- A) Nhắc mọi người phải ngưng việc để đi lễ
- B) Nhắc mọi người không được ăn uống gì nữa
- C) Chúa mời gọi con cái đến dự tiệc Thánh Thể
- D) Báo sắp sửa có Thánh lễ
Đáp: C) Chúa mời gọi con cái đến dự tiệc Thánh Thể
Câu 6
Linh mục chủ tế đóng vai trò gì trong Thánh lễ?
- A) Nhân danh cộng đoàn
- B) Chủ tọa Thánh lễ
- C) Dấu chỉ sự hiện diện Chúa Kitô trong Giáo Hội
- D) Cả 3 câu trên đều đúng
Đáp: D) Cả 3 câu đều đúng
– A) Nhân danh cộng đoàn
– B) Chủ tọa Thánh lễ
– C) Dấu chỉ sự hiện diện Chúa Kitô trong Giáo Hội
Câu 7
Tại sao linh mục chủ tế phải mặc áo choàng dài trắng (alba), đeo dây các phép (stola) và áo lễ?
- A) Theo phong tục thượng tế Do-thái
- B) Giáo Hội quy định như thế
- C) Vì linh mục nói và hành động không phải do danh nghĩa cá nhân, nhưng là nhân danh Đức Kitô
- D) Cả B và C đều đúng
Đáp: D) Cả B và C đều đúng
– B) Giáo Hội quy định như thế
– C) Vì linh mục nói và hành động không phải do danh nghĩa cá nhân, nhưng là nhân danh Đức Kitô
Câu 8
Trong Giáo Hội, ai mới được mặc áo choàng dài trắng (áo alba)?
- A) Giám mục, linh mục và phó tế
- B) Thừa tác viên cho rước lễ
- C) Giáo dân
- D) Cả 3 câu trên đều đúng
Đáp: D) Cả 3 câu trên đều đúng
* Áo alba, có nghĩa là áo trắng, áo được trao khi nhận bí tích thánh tẩy, áo của tất cả các Kitô hữu là những người đã “mặc lấy Chúa Kitô”. Vì thế trong Thánh lễ, ngoài giáo sĩ (giám mục, linh mục và phó tế), các thừa tác viên giáo dân nên mặc áo alba.
Câu 9
Nói về mầu sắc các phẩm phục phụng vụ, mầu nào không được chấp nhận?
- A) Mầu trắng hoặc vàng
- B) Mầu tím
- C) Mầu xanh lá cây
- D) Mầu cam
- E) Mầu đỏ
- F) Mầu hồng
Đáp: D) Mầu cam
Câu 10
Trong phụng vụ, phẩm phục mầu trắng có ý nghĩa gì?
- A) Sự trong sạch
- B) Tang chế
- C) Vinh quang của Thiên Chúa
- D) Ánh sáng mặt trời
Đáp: C) Vinh quang của Thiên Chúa
* Màu trắng còn diễn đạt sự phục sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này. Nơi bàn tiệc thiên quốc, những người được tuyển chọn đều mặc y phục trắng (x. sách Khải Huyền 7,9).
Câu 11
Trong Thánh lễ hôn phối, linh mục mặc áo lễ mầu gì?
- A) Mầu trắng
- B) Mầu vàng
- C) Mầu hồng
- D) Cả A và B đều đúng
Đáp: D) Cả A và B đều đúng
– A) Mầu trắng
– B) Mầu vàng
* Mầu hồng chưa được Giáo Hội chấp nhận.
Câu 12
Trong Thánh lễ mừng các thánh vừa Trinh nữ vừa Tử đạo (thánh Luxia chẳng hạn), linh mục mặc áo lễ mầu gì?
- A) Mầu trắng
- B) Mầu xanh
- C) Mầu đỏ
- D) Mầu tím
Đáp: C): Mầu đỏ
* Lễ thánh Tử đạo quan trọng hơn lễ thánh Trinh nữ.
Câu 13
Tại sao bắt đầu Thánh lễ, chúng ta thường hát bài ca nhập lễ?
- A) Để khỏi buồn ngủ
- B) Để hát mừng Chúa sống lại
- C) Để biểu hiện niềm vui vì sắp lại được thấy mặt cha xứ
- D) Để biểu lộ niềm vui được gặp gỡ Thiên Chúa và được tụ họp trong cùng bàn tiệc Thánh
Đáp: D) Để biểu lộ niềm vui được gặp gỡ Thiên Chúa và được tụ họp trong cùng bàn tiệc Thánh
Câu 14
Trong phần rước nhập lễ, ta thường thấy phó tế giơ cao một cuốn sách, đó là…
- A) Sách lễ
- B) Sách bài đọc
- C) Sách Tin Mừng
- D) Sách Kinh Thánh
Đáp: C) Sách Tin Mừng
Câu 15
Tại sao linh mục cúi mình hôn bàn thờ?
- A) Vì bàn thờ biểu tượng của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn
- B) Linh mục hôn thánh giá trên bàn thờ chứ không hôn bàn thờ
- C) Vì bàn thờ có xương thánh
- D) Cả 3 câu trên đều đúng
Đáp: A) Vì bàn thờ biểu tượng của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn
Câu 16
Câu “Chúa ở cùng anh chị em” được lấy từ biến cố nào trong Kinh Thánh?
- A) Ông Mô-sê nói với người Do-thái
- B) Sứ thần Gáp-ri-en chào Mẹ Maria
- C) Chúa Kitô Phục Sinh nói với các Tông Đồ
- D) Thánh Phao-lô chào cộng đoàn tín hữu Ê-phê-sô
Đáp: B) Biến cố Truyền Tin: Sứ thần Gáp-ri-en chào Mẹ Maria: “Đức Chúa ở cùng Bà” (Luca 1,28)
Câu 17
Tại sao vị chủ tế không chào “Chúa ở cùng quý ông bà và anh chị em” theo văn hóa Việt Nam, mà là “Chúa ở cùng anh chị em”?
Đáp: Vì tất cả các tín hữu, qua bí tích Thánh Tẩy, là con cùng một Cha trên trời và là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô.
Câu 18
Đầu Thánh lễ, khi nghe câu chào phụng vụ “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, ta biết chắc rằng:
- A) Cha chủ tế đọc lộn
- B) Cha trẻ mới chịu chức nên chưa thuộc bài
- C) Vị linh mục mới la rầy giáo dân xong
- D) Vị chủ tế là giám mục
Đáp: D) Vị chủ tế là giám mục
Câu 19
Trong Thánh lễ có phó tế, linh mục chủ tế đọc mấy lần “Chúa ở cùng anh chị em”?
- A) 3 lần
- B) 4 lần
- C) 5 lần
Đáp: A) 3 lần
- Đầu lễ
- Đầu Kinh Nguyện Thánh Thể
- Trước khi ban phép lành cuối lễ
* Phó tế đọc “Chúa ở cùng anh chị em” trước khi công bố Tin Mừng.
Câu 20
Trong kinh thú tội chung, khi đọc tới câu “lỗi tại tôi… ”, chúng ta đấm ngực mấy lần?
- A) Đấm ngực 1 lần
- B) Đấm ngực 2 lần
- C) Đấm ngực 3 lần
- D) Đấm ngực 4 lần
Đáp: A và C đều đúng
- A) Đấm ngực 1 lần
- C) Đấm ngực 3 lần
* Vì Sách lễ Rôma ghi “Đấm ngực và đọc”, chúng ta có thể:
- Đấm ngực 1 lần.
- Đấm ngực 3 lần, vì:
- a) Thực hành thừa nhận lâu nay tại Việt Nam;
- b) Theo đa số các chuyên viên phụng vụ, đấm ngực 3 lần phù hợp với 3 lần chúng ta thừa nhận lầm lỗi của mình khi đọc kinh Cáo mình. Việc lập lại đến 3 lần hành vi đấm ngực là nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của cử chỉ này cũng như giúp chúng ta tập trung vào ý nghĩa nội tại của những gì chúng ta đọc lên và hành động.
Câu 21
Trong Thánh lễ, ai đọc Kinh thú tội (Kinh cáo mình)?
- A) Những người mắc tội nhẹ
- B) Những người mắc tội nặng
- C) Đàn ông
- D) Toàn cộng đoàn
- E) Cả 4 câu trên đều đúng
Đáp: E) Cả 4 câu trên đều đúng: mọi người đều đọc
Câu 22
Câu “Kyrie eleison” (Xin Chúa thương xót) thuộc ngôn ngữ nào?
- A) Tiếng La-tinh
- B) Tiếng Hy-lạp
- C) Tiếng Do-thái
- D) Tiếng Nhật
Đáp: B) Tiếng Hy-lạp
Câu 23
Trong Kinh Thương Xót, ta thưa với ai?
- A) Chúa Cha
- B) Chúa Con
- C) Chúa Thánh Thần
Đáp: B) Chúa Con
Câu 24
Kinh Vinh Danh là…
- A) 1 kinh nguyện
- B) 1 bài thánh thi
- C) 1 bài thánh ca
Đáp: B) 1 bài thánh thi (hymn, hymne)
* Đặc điểm bài thánh thi:
– Do Giáo Hội biên soạn
– Thường được hát từ đầu đến cuối
Câu 25
Kinh Vinh Danh là kinh để ca tụng… (chọn câu trả lời đúng nhất)
- A) Chúa Cha
- B) Chúa Con
- C) Chúa ThánhThần
- D) Chúa Ba Ngôi
Đáp: D) Chúa Ba Ngôi
Câu 26
Trong Kinh Vinh Danh, khi hát hoặc đọc “Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa”, cộng đoàn thưa với…
- A) Chúa Cha
- B) Chúa Kitô
- C) Chúa Thánh Thần
- D) Chúa Ba Ngôi
Đáp: A) Chúa Cha
Câu 27
Trong Mùa Phụng vụ nào, ta không hát Kinh Vinh Danh?
- A) Mùa Vọng
- B) Mùa Chay
- C) Mùa Phục sinh
- D) Mùa Thường Niên
- E) Cả A và B đều đúng
Đáp: E) Cả A và B đều đúng
– A) Mùa Vọng
– B) Mùa Chay
Câu 28
Lời nguyện nào không có trong Thánh lễ?
- A) Lời nguyện nhập lễ
- B) Lời nguyện tiến lễ
- C) Lời nguyện Thánh Thể
- D) Lời nguyện hiệp lễ
Đáp: C) Lời nguyện Thánh Thể
* Chỉ có Kinh nguyên Thánh Thể
Câu 29
Lời nguyện nhập lễ còn được gọi là:
- A) Lời nguyện đón tiếp
- B) Lời nguyện hiệp thông
- C) Kinh nguyện nhập lễ
- D) Lời tổng nguyện
Đáp: D) Lời tổng nguyện (collect, collecte)
* Lời nguyện nhập lễ còn được gọi là lời tổng nguyện vì nó tập hợp những lời cầu khẩn khác nhau của các tín hữu vào một lời nguyện duy nhất; vai trò của linh mục là nhân danh cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa tóm tắt lời cầu nguyện của mọi người.
Câu 30
Tại sao trong Thánh lễ, khi đọc các lời nguyện, vị chủ tế luôn đọc “chúng con”?
- A) Vì sợ cộng đoàn buồn
- B) Chúng con = chủ tế + giúp lễ
- C) Chủ tế đại diện cộng đoàn
Đáp: C) Chủ tế đại diện cộng đoàn
Câu 31
Bình thường trong Thánh lễ, vị chủ tế thay mặt cộng đoàn, dâng lời cầu nguyện lên…
- A) Chúa Cha
- B) Chúa Kitô
- C) Chúa Thánh Thần
- D) Chúa Ba Ngôi
Đáp: A) Chúa Cha
Câu 32
Trong Thánh lễ, có bao nhiêu lần ta thưa trực tiếp với Chúa Kitô?
- A) 2 lần
- B) 3 lần
- C) 4 lần
- D) 7 lần
Đáp: D) 7 lần
1- Kinh Thương Xót
2- Kinh Vinh Danh (phần 2)
3- Sau công bố Tin Mừng (“Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”)
4- Kinh Tưởng Niệm (“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết…”)
5- Sau Kinh Lạy Cha (“Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các môn đệ rằng…”)
6- Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa
7- Trước khi lên rước lễ (“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”)
Câu 33
Từ Amen thuộc ngôn ngữ nào?
- A) A-ram (Aramaic, Araméen) (ngôn ngữ của Chúa Giêsu)
- B) Hy-lạp
- C) Do-thái
Đáp: C) Do-thái
Câu 34
“Amen” nghĩa là gì? (chọn câu trả lời đúng nhất)
- A) Ước gì được như vậy (So be it, Ainsi soit-il)
- B) Sự chắc chắn
- C) Sự trung tín của Chúa
- D) Cả B và C đều đúng
Đáp: D) Cả B và C đều đúng:
– B) Sự chắc chắn
– C) Sự trung tín của Chúa
Câu 35
Trong Thánh lễ, từ Amen được đọc bao nhiêu lần?
- A) 4 lần
- B) 6 lần
- C) 8 lần
- D) 10 lần
Đáp: D) 10 lần
1/ Đầu lễ, lúc làm dấu thánh giá
2/ Trong Hành động thống hối, sau “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót…”
3/ Cuối Kinh Vinh Danh
4/ Cuối Lời nguyện nhập lễ
5/ Cuối Kinh Tin Kính
6/ Cuối Lời nguyện tiến lễ
7/ Cuối Vinh Tụng Ca (“Chính nhờ Người…”)
8/ Sau Kinh Lạy Cha, cuối câu “Chúa hằng sống và hiển trị…”
9/ Lúc rước lễ, khi nghe “Mình Thánh Chúa Kitô”
10/ Cuối Lời nguyên hiệp lễ
Câu 36
Trong Thánh lễ, khi lên đọc bài đọc, giáo dân tiến lên trước bàn thờ và cúi đầu để chào…
- A) Chúa trong Nhà Tạm
- B) Vị chủ tế ngồi sau bàn thờ
- C) Bàn thờ
- D) Cả 3 câu trên đều đúng
Đáp: C) Bàn thờ
* Trong Thánh lễ, ta không cúi đầu chào Nhà Tạm mà là bàn thờ, biểu tượng của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn.
Câu 37
Tại sao trong Thánh lễ Chúa nhật, có tới ba bài đọc?
- A) Cộng đoàn được ngồi nghỉ lâu hơn
- B) Có thêm một người đọc để Thánh lễ đỡ nhàm chán
- C) Để cha xứ có thêm ý tưởng cho bài giảng
- D) Để bàn tiệc Lời Chúa được phong phú hơn
Đáp: D) Để bàn tiệc Lời Chúa được phong phú hơn
Câu 38
Các bài đọc trong Thánh lễ Chúa nhật được sắp xếp theo chu kỳ ba năm được gọi là…
- A) Năm 1, năm 2, năm 3
- B) Năm A, năm B, năm C
- B) Năm Chúa Cha, năm Chúa Con, năm Chúa Thánh Thần
Đáp: B) Năm A, năm B, năm C
– Năm A, ta đọc Tin Mừng theo thánh Mát-Thêu
– Năm B, theo thánh Mác-cô
– Năm C, theo thánh Lu-ca
– Tin Mừng theo thánh Gio-an được đọc vào mùa Chay và Mùa Phục Sinh
Câu 39
Các bài đọc trong Thánh lễ trong tuần sắp xếp theo chu kỳ hai năm được gọi là…
- A) Năm 1, năm 2
- B) Năm An-pha, năm Ô-mê-ga
- C) Năm dương lịch, năm âm lịch
- D) Năm chẵn, năm lẻ
Đáp: D) Năm chẵn, năm lẻ
Câu 40
Trong Thánh lễ Chúa nhật, bài đọc I được chọn lựa như thế nào?
- A) Luôn lấy từ Cựu Ước
- B) Luôn lấy từ Cựu Ước (trừ mùa Phục Sinh)
- C) Luôn lấy từ Tân Ước
Đáp: B) Luôn lấy từ Cựu Ước (trừ mùa Phục Sinh, ta đọc sách “Công Vụ Tông Đồ”)
Câu 41
Sau bài đọc I, chúng ta đọc hoặc hát bài gì? (chọn câu trả lời đúng nhất)
- A) Thánh vịnh
- B) Thánh vịnh đáp ca
- C) 1 bài thánh ca
- D) Thánh vịnh hoặc 1 bài thánh ca Kinh Thánh
Đáp: D) Thánh vịnh hoặc 1 bài thánh ca Kinh Thánh
* Sau bài đọc I, không chỉ có Thánh vịnh, thỉnh thoảng có những thánh ca Cựu Ước hoặc Tân Ước, chẳng hạn thánh ca Đa-ni-en, thánh ca Magnificat.
Câu 42
Sau bài đọc I, bài Thánh vịnh hoặc 1 bài thánh ca Kinh Thánh có vai trò gì?
- A) Chọn theo ý tưởng bài Tin Mừng
- B) Gạch nối giữa 2 bài đọc
- C) Lời đáp của cộng đoàn đối với Lời Chúa vừa được nghe
Đáp: C) Lời đáp của cộng đoàn đối với Lời Chúa vừa được nghe (Vì thế, ta thường nghe “Thánh vịnh đáp ca”)
Câu 43
Trong Thánh lễ, đâu là nơi hát thánh vịnh đáp ca (hoặc thánh ca Kinh Thánh) lý tưởng nhất?
- A) Ở giảng đài (bục đọc Lời Chúa)
- B) Ngay tại ca đoàn
- C) Ở trên gác đàn
Đáp: A) Ở giảng đài (bục đọc Lời Chúa)
Câu 44
Ta có thể sử dụng giảng đài (bục đọc Lời Chúa) để thông báo, rao lịch, rao hôn phối, đánh nhịp, chia sẻ Lời Chúa và làm chứng từ được không?
- A) Không được
- B) Được
Đáp: A) Không được
* Theo Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (2002), số 309: Tại giảng đài chỉ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc lời nguyện chung, tức là lời nguyện tín hữu.
Câu 45
Từ Halêluia thuộc ngôn ngữ nào?
- A) Hy-lạp
- B) Do-thái
- C) A-ram (Aramaic, Araméen) (ngôn ngữ của Chúa Giêsu)
Đáp: B) Do-thái
Câu 46
“Halêluia” nghĩa là gì?
- A) Niềm hân hoan
- B) Sự phục sinh của Chúa Kitô
- C) Hãy ngợi khen Chúa
- D) Mừng vui lên
Đáp: C) Hãy ngợi khen Chúa
Câu 47
Trong Mùa Phụng vụ nào, ta không hát Halêluia?
- A) Mùa Vọng
- B) Mùa Giáng Sinh
- C) Mùa Chay
- D) Mùa Phục sinh
- E) Mùa Thường Niên
Đáp: C) Mùa Chay
Câu 48
Tại sao cộng đoàn phải đứng lên khi nghe công bố Tin Mừng?
- A) Linh mục bảo đứng lên
- B) Vì chính linh mục công bố Tin Mừng chứ không phải giáo dân
- C) Đứng lên thay đổi tư thế cho khỏi buồn ngủ
- D) Vì khi ấy, chính Chúa Kitô nói trực tiếp với cộng đoàn
Đáp: D) Vì khi ấy, chính Chúa Kitô nói trực tiếp với cộng đoàn
* Bài đọc I và bài đọc II, cũng là Lời Chúa, nhưng được đọc qua trung gian của một ngôn sứ hoặc một Tông Đồ
Câu 49
Trong Thánh lễ đồng tế có 1 giám mục chủ tế, các linh mục và 1 phó tế, ai là người sẽ công bố Tin Mừng?
- A) Giám mục
- B) Linh mục
- C) Phó tế
Đáp: C) Phó tế
Câu 50
Trong Thánh lễ có một giám mục chủ tế và một linh mục đồng tế, vị nào sẽ công bố Tin Mừng?
- A) Giám mục
- B) Linh mục
Đáp: B) Linh mục
* Theo Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (2002), số 59: trong Thánh lễ đồng tế, công bố Tin Mừng không phải là nhiệm vụ của vị chủ tế.
Câu 51
Câu nào đúng nghĩa nhất khi công bố Tin Mừng?
- A) Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca
- B) Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Đáp: B) Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
* Khi Tin Mừng được công bố bởi một thừa tác viên có chức thánh, chính Chúa Kitô nói trực tiếp với cộng đoàn. Do đó, Tin Mừng không còn là một bài đọc đơn thuần (“bài trích”) như bài đọc I và bài đọc II.
Câu 52
Sách Tin Mừng nào không được Giáo Hội chấp nhận?
- A) Tin Mừng theo thánh Mát-thêu
- B) Tin Mừng theo thánh Mác-cô
- C) Tin Mừng theo thánh Gia-cô-bê
- D) Tin Mừng theo thánh Lu-ca
- E) Tin Mừng theo thánh Gio-an
Đáp: C) Tin Mừng theo thánh Gia-cô-bê
Câu 53
Trong Mùa Thường Niên và trong các Thánh lễ trong tuần, có một sách Tin Mừng không bao giờ được đọc, đó là…
- A) Tin Mừng theo thánh Mát-thêu
- B) Tin Mừng theo thánh Mác-cô
- C) Tin Mừng theo thánh Lu-ca
- D) Tin Mừng theo thánh Gio-an
Đáp: D) Tin Mừng theo thánh Gio-an
– Trong các tuần từ 1-9, ta đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô
– Trong các tuần từ 10-21, Tin Mừng thánh Mát-thêu
– Trong các tuần từ 22-34, Tin Mừng thánh Lu-ca
– Tin Mừng theo thánh Gio-an chỉ được đọc vào Mùa Chay và Mùa Phục sinh
Câu 54
Tại sao phải làm tới ba dấu thánh giá trước khi nghe Tin Mừng?
- A) Công đồng Vaticanô II quy định
- B) Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta
- C) Tỏ lòng kính trọng Chúa Kitô
Đáp: B) Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta
Câu 55
Sau khi Tin Mừng được công bố, khi thưa: “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”, giáo dân…
- A) Thưa với Chúa Kitô
- B) Nói về Chúa Kitô
Đáp: A) Thưa với Chúa Kitô
Câu 56
Trong Thánh lễ, ai có thể giảng?
- A) Giám mục và linh mục
- B) Phó tế
- C) Các thầy
- D) Các nữ tu
- E) Cả A và B đều đúng
Đáp: E) Cả A và B đều đúng
* Chỉ có giáo sĩ (giám mục, linh mục và phó tế) mới được giảng.
Câu 57
Trong phụng vụ, có mấy Kinh Tin Kính?
- A) 2
- B) 3
- C) 4
- D) 5
Đáp: B) 3 Kinh Tin Kính
- Kinh Tin Kính các Tông Đồ
- Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli
- Kinh Tin Kính dưới dạng 3 câu hỏi – đáp
Câu 58
Tại sao đọc kinh Tin Kính?
- A) Dấu chỉ nhìn nhận đức tin của mọi Kitô hữu
- B) Vì chúng ta là tín hữu
- C) Thánh Phêrô bảo đọc
Đáp: A) Dấu chỉ nhìn nhận đức tin của mọi Kitô hữu
Câu 59
Tại sao trong Kinh Tin Kính, khi đọc “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người”, mọi người đều cúi mình?
- A) Để tôn kính Chúa Thánh Thần
- B) Để tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
- C) Để tôn kính mầu nhiệm Nhập Thể
- D) Cả A và B đều đúng
Đáp: C) Để tôn kính mầu nhiệm Nhập Thể
Câu 60
Câu nào dưới đây có trong Kinh Tin Kính?
- A) … và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô…
- B) … tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến
- C) … trông đợi kẻ chết sống lại…
- D) … cùng với các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên thần…
Đáp: C) Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.
* A) … và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con. (Kinh sau Kinh Lạy Cha)
- B) … và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến(Kinh Tưởng Niệm sau Truyền phép)
- D) … cùng với các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên thần…(cuối Kinh Tiền Tụng)
Câu 61
Cụm từ nào không đúng nghĩa phụng vụ?
- A) Lời nguyện chung
- B) Lời nguyện đại đồng
- C) Lời nguyện cộng đồng
- D) Lời nguyện phổ quát
- E) Lời nguyện giáo dân
- F) Lời nguyện tín hữu
Đáp: E) Lời nguyện giáo dân
* Giáo Hội gồm hai thành phần: giáo sĩ và giáo dân. Như thế “Lời nguyện giáo dân” loại trừ hàng giáo sĩ (giám mục, linh mục, phó tế).
Câu 62
Trong Lời nguyện tín hữu, ta cầu nguyện cho ai?
- A) Cầu cho Giáo Hội
- B) Cầu cho các nhà lãnh đạo các quốc gia
- C) Cầu cho những ai đang gặp khó khăn
- D) Cầu cho giáo xứ của mình
- E) Cả 4 câu trên đều đúng
Đáp: E) Cả 4 câu trên đều đúng (cầu cho tất cả mọi người)
Câu 63
Trong Lời nguyện tín hữu, ý nguyện nào sai phụng vụ?
- A) Cầu cho Giáo Hội
- B) Cầu cho các nhà cầm quyền
- C) Cầu cho giáo xứ hoặc cộng đoàn của mình
- D) Cầu cho những người chống phá Giáo Hội
- E) Cầu cho những người không tin vào Chúa
- F) Không có ý nguyện nào sai phụng vụ
Đáp: F) Không có ý nguyện nào sai phụng vụ
* Lời nguyện tín hữu là lời cầu nguyện cho tất cả mọi người.
Câu 64
Trong Lời nguyện tín hữu, ta có cầu xin Đức Mẹ được không?
- A) Được
- B) Không được
- C) Không được, nhưng trong Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ thì được
Đáp: B) Không được
* Trong Lời nguyện tín hữu, ta chỉ cầu xin một trong ba ngôi vị Thiên Chúa mà thôi, thường là Chúa Cha hoặc Chúa Kitô.
Câu 65
Trong phần “Chuẩn bị lễ phẩm”, những vật dụng nào không được gọi là “lễ phẩm”
- A) Bánh và rượu
- B) Hoa
- C) Nến
- D) Giỏ tiền quyên
- E) Cả B và C
Đáp: E) Cả B và C
– B) Hoa
– C) Nến
* Theo Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (2002), số 73: các lễ phẩm gồm bánh, rượu và tiền quyên (hoặc các phẩm vật khác để giúp người nghèo hoặc nhà thờ) do giáo dân mang lên.
Câu 66
Trong Thánh lễ, quyên tiền có phải là nghi thức cần thiết không?
- A) Có, vì là dấu chỉ sự tham dự tích cực của các tín hữu vào Thánh lễ
- B) Có, vì là sự thể hiện tình liên đới với tha nhân
- C) Không, vì Giáo Hội còn rất nhiều tiền
- D) Cả A và B đều đúng
Đáp: D) Cả A và B đều đúng
– A) Có, vì là dấu chỉ sự tham dự tích cực của các tín hữu vào Thánh lễ
– B) Có, vì là sự thể hiện tình liên đới với tha nhân
Câu 67
Trong Thánh lễ, quyên tiền lúc nào là lý tưởng nhất?
- A) Trong khi đọc Kinh Tin Kinh
- B) Trong khi đọc Lời nguyện tín hữu
- C) Sau khi đọc Lời nguyện tín hữu
- D) Khi lễ phẩm được mang lên bàn thờ
Đáp: C) Sau khi đọc Lời nguyện tín hữu
* Quyên tiền là một hành vi phụng vụ vào đầu phần Phụng vụ Thánh Thể, ngay sau Phụng vụ Lời Chúa, tức là ngay sau Lời nguyện tín hữu.
Câu 68
Loại rượu nho nào được dùng làm rượu lễ?
- A) Rượu trắng
- B) Rượu đỏ
- C) Rượu hồng
- D) Cả 3 đều được
Đáp: D) Cả 3 đều được
* Loại rượu nho nào cũng được cả, miễn là rượu nho nguyên chất.
Câu 69
Trong phần chuẩn bị lễ phẩm, khi nâng đĩa thánh có bánh và đọc nhỏ tiếng “… Chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con”, vị chủ tế thưa với…
- A) Chúa Cha
- B) Chúa Kitô
- C) Chúa Thánh Thần
- D) Chúa Ba Ngôi
Đáp: A) Chúa Cha
Câu 70
Trong phần chuẩn bị lễ phẩm, tại sao chủ tế đổ ít nước vào rượu?
- A) Vì rượu lễ thường nặng và gắt
- B) Thể hiện sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính của Chúa Kitô
- C) Thể hiện sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội
- D) Cả B và C đều đúng
Đáp: D) Cả B và C đều đúng
– B) Thể hiện sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính của Chúa Kitô
– C) Thể hiện sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội
Câu 71
Việc xông hương có ý nghĩa gì?
- A) Tôn kính Thiên Chúa
- B) Cho nhà thờ được thơm
- C) Cho bầu khí được linh thiêng
- D) Cha chủ tế thích xông hương
- E) Tượng trưng lời cầu nguyện
- F) cả A và E đều đúng
Đáp: F) cả A và E đều đúng
– A) Tôn kính Thiên Chúa
(sách Khải Huyền: “Một thiên thần khác đến đứng trước bàn thờ, tay cầm bình hương vàng. Thiên thần lãnh nhận nhiều hương thơm, để dâng trên bàn thờ bằng vàng trước ngai Thiên Chúa, cùng với những lời cầu nguyện của toàn thể các thánh.” (8,3))
– E) Tượng trưng lời cầu nguyện
(Tv 140,2: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm lan tỏa trước thánh nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều.”)
Câu 72
Tại sao, trong Thánh lễ, linh mục được xông hương, và giáo dân cũng được xông hương?
- A) Để không có sự phân biệt linh mục/giáo dân
- B) Để xin Chúa chúc lành cho giáo dân
- C) Vì giáo dân là con của Chúa
- D) Để an ủi giáo dân trong những lúc gian nan
- E) Để nhắc nhở giáo dân rằng đời sống ở trần gian mỏng manh như hương khói
Đáp: C) Vì giáo dân là con của Chúa (và là đền thờ của Chúa Thánh Thần)
Câu 73
Trong phụng vụ, ta xông hương thánh giá, bàn thờ, sách Tin Mừng, các lễ phẩm, giáo sĩ và giáo dân (còn sống cũng như vừa qua đời), niệm nhang (hoặc vái nhang) có thay thế các chức năng này của xông hương hay không?
- A) Được
- B) Không
Đáp: B) Không
* Ta không bao giờ niệm nhang trước người còn sống!
Câu 74
Cuối phần chuẩn bị lễ phẩm, tại sao chủ tế lại rửa tay?
- A) Vì chủ tế bắt tay nhiều người trước Thánh lễ
- B) Vì chủ tế sắp sửa cầm Mình Thánh Chúa
- C) Dấu hiệu việc thanh tẩy tâm hồn
Đáp: C) Dấu hiệu việc thanh tẩy tâm hồn
Câu 75
Linh mục đọc thầm câu gì khi rửa tay?
- A) Lạy Chúa, xin dùng nước này đổ trên tay con, thì con được sạch
- B) Lạy Chúa, xin nước này rửa sạch mọi tội lỗi của con
- C) Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy
Đáp: C) Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy (Tv 50,4)
Câu 76
Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ ơn) là kinh gì?
- A) Kinh nguyện được đọc trước khi chầu Thánh Thể
- B) Kinh quan trọng nhất trong Thánh lễ
- C) Kinh để truyền phép
Đáp: B) Kinh quan trọng nhất trong Thánh lễ
* Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (2002), số 78: Bây giờ bắt đầu đi vào tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành nghĩa là đến chính Kinh Nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn), là kinh nguyện tạ ơn và hiến thánh.
Câu 77
Kinh nguyện Thánh Thể xuất phát từ đâu?
- A) Kinh Tạ ơn trong bữa tiệc vượt qua của người Do-thái
- B) Truyền thống các Tông Đồ
- C) Do Ủy Ban Phụng Tự của Giáo Hội soạn
- D) Do Giáo Hội Việt Nam soạn
Đáp: A) Kinh Tạ ơn trong bữa tiệc vượt qua của người Do-thái
Câu 78
Có bao nhiêu Kinh nguyện Thánh Thể?
- A) 4
- B) 8
- C) 10
- D) 13
Đáp: D) 13 Kinh nguyện Thánh Thể
4 Kinh Nguyện Thánh Thể (I, II, III, IV)
2 Kinh Nguyện Thánh Thể “Giao Hòa”
3 Kinh Nguyện Thánh Thể – Thánh lễ dành cho trẻ em
4 Kinh Nguyện Thánh Thể – Cầu cho những nhu cầu khác nhau
Câu 79
Trước Công Đồng Vaticanô II, có bao nhiêu Kinh nguyện Thánh Thể?
- A) 1
- B) 2
- C) 4
- D) 5
Đáp: A) 1 Kinh Nguyện Thánh Thể duy nhất, có tên là Lễ Quy Rôma, là Kinh Nguyện Thánh Thể I hiện nay
Câu 80
Kinh Tiền Tụng là lời ca tụng được đọc khi nào?
- A) Trước Kinh Nguyện Thánh Thể
- B) Đầu Kinh Nguyện Thánh Thể
- C) Trước kinh “Thánh, Thánh, Thánh”
- D) Cả B và C đều đúng
Đáp: D) Cả B và C đều đúng
– B) Đầu Kinh Nguyện Thánh Thể
– C) Trước kinh “Thánh, Thánh, Thánh”
* Kinh Tiền Tụng. “Tiền” ở đây không mang nghĩa thời gian (trước, sau), mà mang nghĩa không gian: trước Thiên Chúa và trước cộng đoàn. Kinh Tiền Tụng là hành động tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa Cha được công bố trước cộng đoàn.
Câu 81
Câu “Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan… toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng…” thuộc Kinh Tiền Tụng của…
- A) Mùa Vọng
- B) Mùa Cưới
- C) Mùa Xuân
- D) Mùa Bóng Đá
- E) Mùa Phục Sinh
Đáp: E) Mùa Phục Sinh
“Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng…”
Câu 82
Tại sao Giáo Hội không dịch cụm từ “Thánh, Thánh, Thánh” thành: “rất thánh”, “cực thánh”, “thánh, thánh, chí thánh”, “3 lần thánh”, “thánh quá trời quá đất”?
- A) Vì tôn trọng đặc tính của tiếng Do-thái
- B) Vì muốn nói về Chúa Ba Ngôi
- C) Cả 2 ý trên
Đáp: A) Vì tôn trọng đặc tính của tiếng Do-thái
Câu 83
Trong các bài hát của Bộ lễ, bài hát nào được nhiều người hát nhất?
- A) Kinh Thương Xót
- B) Kinh Vinh Danh
- C) Kinh Thánh, Thánh, Thánh
- D) Kinh Tưởng Niệm
- E) Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa
Đáp: C) Kinh Thánh, Thánh, Thánh
* “Vì thế, cùng với các thiên thần và toàn thể các Thánh, chúng con ca tụng vinh quang Cha và đồng thanh tung hô rằng…”
Câu 84
Điền vào chỗ trống câu: “Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và […] được tha tội”
- A) Mọi người
- B) Nhiều người
- C) Muôn người
- D) Tất cả
Đáp: B) Nhiều người
* Ơn cứu độ của Chúa dành cho toàn nhân loại, nhưng chỉ có “nhiều người” tin vào Chúa và nhận ơn cứu độ qua “Phép Rửa để tha tội” (Kinh Tin Kính).
Câu 85
Trong Thánh lễ, ai thánh hiến bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô?
- A) Linh mục
- B) Chúa Cha
- C) Chúa Kitô
- D) Chúa Thánh Thần
- E) Chúa Ba Ngôi
Đáp: B) Chúa Cha
* Kinh Nguyện Thánh Thể III nói rõ:
“Vì vậy, lạy Chúa (Cha), chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ cũng một Chúa Thánh Thần, đoái thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô…”
Phần của vị linh mục là nhân danh cộng đoàn đọc lời nguyện để việc thánh hoá được thực hiện.
Câu 86
Trong Thánh lễ, tại sao, sau khi đọc lời truyền phép, linh mục giơ cao Mình và Máu Thánh Chúa Kitô?
- A) Để mọi người cúi đầu thờ lạy
- B) Để mọi người thấy
- C) Để mọi người cầu nguyện cảm tạ Chúa
Đáp: B) Để mọi người thấy
Câu 87
Điền vào câu cuối của Kinh Tưởng Niệm: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại…”
- A) Cho tới khi Chúa lại đến
- B) Cho tới khi Chúa sẽ lại đến
- C) Cho tới khi Chúa đến
- D) Cho tới khi Ngài đến
Đáp: C) Cho tới khi Chúa đến
Câu 88
Trong Vinh tụng ca “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…”, “Người” ở đây là…
- A) Chúa Cha
- B) Chúa Con (Chúa Kitô)
- C) Chúa Thánh Thần
- D) Chúa Ba Ngôi
Đáp: B) Chúa Con (Chúa Kitô)
Câu 89
Trong Thánh lễ, ai được đọc hoặc hát Vinh tụng ca: “Chính nhờ Người, với Người…”?
- A) Linh mục chủ tế và các linh mục đồng tế
- B) Phó tế
- C) Giúp lễ
- D) Giáo dân
- E) Cả A và B đều đúng
Đáp: A) Linh mục chủ tế và các linh mục đồng tế
* Phó tế nâng chén thánh nhưng không được đọc Vinh tụng ca.
Câu 90
Trong bốn sách Tin Mừng, có mấy bản văn Kinh Lạy Cha?
- A) 1
- B) 2
- C) 3
Đáp: B) 2 bản văn Kinh Lạy Cha
– Trong Mát-thêu 6,9-13.
– Trong Lu-ca 11,2-4.
Phụng vụ chọn bản văn của Mát-thêu.
Câu 91
Trong Thánh lễ, câu “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” được đọc ở đâu?
- A) Kinh Trừ Quỷ
- B) Kinh Lạy Cha
- C) Kinh Vực Sâu
- D) Sau Kinh Lạy Cha
Đáp: D) Sau Kinh Lạy Cha: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ…”
* Trong Kinh Lạy Cha: “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
Câu 92
Trong Kinh Lạy Cha, câu “…như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con; xin Chúa để chúng con xa chước cám dỗ…” có mấy từ viết sai?
- A) 1 từ sai
- B) 2 từ sai
- C) 3 từ sai
- D) 4 từ sai
- E) Không có từ nào sai
Đáp: C) 3 từ sai: cho – Chúa – xa
«…như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con; xin Chúa chớ để chúng con xa sa chước cám dỗ…»
Câu 93
Giáo Hội nào không được đọc Kinh Lạy Cha?
- A) Công Giáo
- B) Chính Thống
- C) Tin Lành
- D) Anh Giáo
- E) Hồi Giáo
Đáp: E) Hồi Giáo
* Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh Giáo thuộc về Kitô giáo, có chung một Cha trên trời.
Câu 94
Trong Thánh lễ, câu cuối cùng của Kinh Lạy Cha: “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen” viết đúng hay sai?
- A) Đúng
- B) Sai
Đáp: B) Sai
Trong Thánh lễ, Kinh Lạy Cha không có “Amen”.
Câu 95
Trong Thánh lễ, sau Kinh Lạy Cha, từ “bình an” được đọc bao nhiêu lần?
- A) 3 lần
- B) 5 lần
- C) 7 lần
- D) 8 lần
Đáp: D) 8 lần
1/ Cho những ngày chúng con đang sống được bình an
2/ Thầy để lại bình an cho các con
3/ Thầy ban bình an của Thầy cho các con
4/ Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an
5/ Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em
6/ Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau
7/ … Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con
8/ Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an
Câu 96
Điền vào chỗ trống câu: “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng […], và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con”
- A) sống lại
- B) vinh quang
- C) cứu độ
- D) hồng phúc
Đáp: D) hồng phúc
Câu 97
Trong mỗi Thánh lễ, ai đọc câu “Thầy ban bình an của Thầy cho các con”?
- A) Chúa Giêsu
- B) Vị chủ tế
- C) Một cha đồng tế
Đáp: B) Vị chủ tế
* Chủ tế đọc: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với Tông Đồ rằng…”
Câu 98
Điền vào chỗ trống câu: “Xin đoái thương ban cho […] được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa…”
- A) Giáo Hội
- B) Hội Thánh
- C) Chúng con
- D) Thế giới
Đáp: B) Hội Thánh
Câu 99
Trong Thánh lễ, nghi thức chúc bình an là…
- A) Dấu chỉ hiệp thông trong sự bình an và tình yêu thương
- B) Chúc sức khỏe
- C) Chúc xã giao
Đáp: A) Dấu chỉ hiệp thông trong sự bình an và tình yêu thương
Câu 100
Nghi thức bẻ bánh có ý nghĩa gì?
- A) Bánh thánh to quá, chủ tế phải bẻ nhỏ mới dùng hết được
- B) Chủ tế phải chia ra vì không thể ăn hết một mình được
- C) Dấu chỉ sự hiệp nhất và yêu thương của cộng đoàn
- D) Bánh bẻ nhỏ ra cho hết mọi người
Đáp: C) Dấu chỉ sự hiệp nhất và yêu thương của cộng đoàn
* Dấu chỉ sự hiệp nhất của mọi người trong cùng một tấm bánh, và của dấu chỉ yêu thương trong việc mọi người cùng chia sẻ với nhau tấm bánh duy nhất.
Câu 101
Tại sao chủ tế bỏ một miếng bánh thánh nhỏ vào chén thánh?
- A) Sau khi chủ tế bẻ miếng này để đường bẻ được thẳng đẹp
- B) Để bánh được mềm dễ nuốt
- C) Để rượu thánh có mùi thơm hơn
- D) Để diễn tả rằng Chúa Kitô hằng sống
Đáp: D) Để diễn tả rằng Chúa Kitô hằng sống
* Giới thiệu mình và máu, như Chúa Giêsu đã làm ở bữa Tiệc Ly, theo não trạng của người Do-thái, là gợi lên sự chết, vì sự sống (tượng trưng bởi máu) không ở trong xác thịt nữa. Do đó, trong Thánh lễ, hòa lẫn Mình Thánh và Máu Thánh trong chén thánh để diễn tả rằng Chúa Kitô hằng sống.
Câu 102
Cộng đoàn bắt đầu đọc hoặc hát Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa lúc nào? (chọn câu trả lời đúng nhất)
- A) Sau nghi thức chúc bình an
- B) Sau nghi thức bẻ bánh
- C) Khi linh mục bắt đầu bẻ bánh
Đáp: C) Khi linh mục bắt đầu bẻ bánh
(x. Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (2002), số 83)
Câu 103
Theo Sách lễ Rôma, phải hát bao nhiêu lần câu “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” trước khi hát câu kết “Xin ban bình an cho chúng con”?
- A) 2 lần
- B) 3 lần
- C) Nhiều lần cho đến khi việc bẻ bánh kết thúc
Đáp: C) Nhiều lần cho đến khi việc bẻ bánh kết thúc
* Theo Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (2002), số 83: Kinh này đi kèm với việc bẻ bánh, vì thế có thể lặp đi lặp lại, nếu cần, cho đến khi bẻ xong. Lần cuối cùng được kết bằng câu “Xin ban bình an cho chúng con”.
Câu 104
Câu nào đúng phụng vụ?
- A) Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…
- B) Lạy Chúa, con chẳng xứng đáng Chúa ngự vào nhà con…
- C) Lạy Chúa, con chẳng dám Chúa ngự vào nhà con…
Đáp: A) Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…
Câu 105
Mỗi ngày, giáo dân được rước lễ tối đa mấy lần?
- A) 1 lần
- B) 2 lần
- C) Dự bao nhiêu lễ, được rước lễ bấy nhiêu lần
Đáp: B) 2 lần
* Giáo Luật, điều 917: “Người nào đã rước lễ rồi, thì có thể rước lễ lần nữa trong cùng một ngày, nhưng chỉ trong buổi cử hành Thánh Thể mà họ tham dự”. Như vậy, bệnh nhân ở nhà chỉ được rước lễ 1 lần mà thôi.
Câu 106
Nên rước lễ bằng tay hay bằng miệng?
- A) Bằng miệng để tỏ lòng cung kính
- B) Bằng tay vì chính Chúa Giêsu dạy
- C) Bằng tay và bằng miệng đều được cả
Đáp: C) Bằng tay và bằng miệng đều được cả
Câu 107
Nếu tự xét không xứng đáng, ta không nên rước lễ, có đúng không?
- A) Đúng là như vậy
- B) Không, vì rước lễ là một ân huệ, một lương thực cần thiết
Đáp: B) Không, vì rước lễ là một ân huệ, một lương thực cần thiết
Câu 108
Khi rước lễ, giáo dân có được tự đến lấy bánh thánh không?
- A) Được, vì Chúa Giêsu bảo thế
- B) Được, vì Thánh lễ sẽ ngắn hơn
- C) Không, vì Thánh Thể là một ân huệ, ta phải đón nhận từ một người khác
- D) Được, vì tay ai cũng sạch cả
Đáp: C) Không, vì Thánh Thể là một ân huệ, ta phải đón nhận từ một người khác
Câu 109
Khi thừa tác viên nâng bánh thánh và nói “Mình Thánh Chúa Kitô”, người rước lễ thưa:
- A) Cảm ơn cha
- B) Tạ ơn Chúa
- C) Xin hãy ngự vào trong lòng con
- D) Ôi, Chúa ngon lắm
- E) Amen
- F) Cho con xin
Đáp: E) Amen
Câu 110
Khi đón nhận Mình Thánh Chúa, và khi thưa “Amen”, người rước lễ muốn nói gì?
- A) Tạ ơn Chúa
- B) Con hạnh phúc quá!
- C) Chúa thơm ngon quá!
- D) Vâng, tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này
- E) Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon
Đáp: D) Vâng, tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này
Câu 111
Người chăm sóc bệnh nhân ở nhà, có được rước lễ không?
- A) Được
- B) Không được
Đáp: A) Được
* Giáo Luật, điều 919 §3: Những người cao niên và bệnh tật, cũng như những người chăm sóc họ, có thể rước Thánh Thể, dù đã ăn uống chút ít trước đó không tới một giờ.
Câu 112
Người Công Giáo có được “rước lễ” ở nhà thờ Tin Lành không?
- A) Có
- B) Không
Đáp: A) Không
* Anh em Tin Lành có nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho, nhưng họ không tin có sự hiện diện thực sự (real presence, présence réelle) của Chúa Kitô như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, tín hữu Công Giáo, nếu tham dự một nghi lễ nào của anh em Tin Lành, thì không được tham dự vào việc bẻ bánh và uống rượu này.
Câu 113
Bài hát nào không phải là bài hát hiệp lễ?
- A) “Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi…”
- B) “Xin dâng lời cảm tạ hồng ân…”
- C) “Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ…”
- D) “Tình yêu Chúa cao vời biết bao…”
Đáp: D) Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ…”
Câu 114
Tại sao, ở Việt Nam, không dùng cơm và trà để thay thế bánh mì và rượu nho trong Thánh lễ?
- A) Vì không hợp với bữa tiệc
- B) Vì các cha thích uống rượu nho hơn
- C) Vì Thánh lễ xuất phát từ xứ Do-thái
- D) Vì theo lệnh truyền của Chúa Giêsu
Đáp: D) Vì theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy làm việc này này (lấy bánh mì và rượu nho) mà nhớ đến Thầy”
Câu 115
Câu nào đúng bản văn phụng vụ?
- A) Lễ xong, chúc anh chị em đi về bình an
- B) Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an
- C) Lễ đã xong, chúc anh chị em đi về bình an
- D) Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an
- E) Lễ xong rồi, hẹn lễ tới, anh chị em ơi
Đáp: B) Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an
Câu 116
Câu chúc kết thúc Thánh lễ “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” có ý nghĩa gì?
- A) Dự lễ xong thì mới nhận được sự bình an
- B) Sau Thánh lễ, chúc anh chị em ra về, không bị tai nạn
- C) Vì Chúa hay chúc “Bình an cho các con”
- D) Ý nghĩa sai đi
Đáp: D) Ý nghĩa sai đi
Sau khi đã nghe Lời Chúa và được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô, các tín hữu được thêm sức mạnh và được sai đi vào thế giới để thực hành lời dạy của Chúa Kitô, để làm chứng cho điều họ đã nghe và điều họ tin.
Câu 117
Trong các câu sau đây được nghe trong Thánh lễ, câu nào chỉ có chủ tế được đọc?
- A) Và bình an dưới thế cho người thiện tâm
- B) Lạy Cha chúng con ở trên trời
- C) Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Đồ
- D) Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian
- E) Và hợp nhất theo thánh ý Chúa, Chúa hằng sống…
- F) Cả C và E đều đúng
Đáp: F) Cả C và E đều đúng. Chỉ có chủ tế đọc:
– C) Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Đồ rằng…
– E) Và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời
Câu 118
Trong các câu sau đây được nghe trong Thánh lễ, câu nào cộng đoàn được đọc?
- A) Chúng ta dâng lời cầu nguyện
- B) Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô
- C) Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu
- D) Vì vương quyền, uy lực và vinh quang
- E) Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian
Đáp: D) Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời
Câu 119
Dự lễ qua tivi hoặc radio có thay thế Thánh lễ ở nhà thờ được không?
- A) Không được
- B) Được
- C) Cả A và B đều đúng
Đáp: C) Cả A và B đều đúng
– Không được cho những người mạnh khỏe
– Được cho những bệnh nhân
* Trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn trong thời gian dịch bệnh Covid-19, với phép đặc biệt của Đấng Bản Quyền, mọi người được dự lễ trực tuyến (online) và rước lễ thiêng liêng.
Câu 120
Tại sao ngôn ngữ phụng vụ không thích nghi với ngôn ngữ ngày nay?
- A) Vì ngôn ngữ ngày nay quá tân tiến
- B) Vì cần phải học hỏi đào sâu mới hiểu được
- C) Vì ngôn ngữ phụng vụ rất thiêng liêng nên khó hiểu
Đáp: B) Cần phải học hỏi đào sâu mới hiểu được
Câu 121
Trong Thánh lễ, câu “các Thiên Thần, các Thánh và anh chị em…”, được đọc ở đâu?
- A) Kinh Tiền Tụng
- B) Kinh thú tội chung (Kinh cáo mình)
- C) Kinh nguyện Thánh Thể
- D) Kinh ăn năn tội
Đáp: B) Kinh thú tội chung (Kinh cáo mình)
Câu 122
Nến phục sinh được dùng trong Mùa Phụng vụ nào?
- A) Mùa Vọng
- B) Mùa Giáng Sinh
- C) Mùa Chay
- D) Mùa Phục Sinh
- E) Mùa Thường Niên
- F) Tất cả các Mùa Phụng vụ
Đáp: D) Mùa Phục Sinh (từ lễ Vọng Phục sinh đến hết lễ Hiện Xuống)
Câu 123
Tại sao buộc đi lễ ngày Chúa nhật?
- A) Vì lòng yêu mến Chúa
- B) Bổn phận của Kitô hữu
- C) Nếu không giữ ngày Chúa nhật sẽ bị Chúa phạt
- D) Cả A và B đều đúng
Đáp: D) Cả A và B đều đúng
– A) Vì lòng yêu mến Chúa
– B) Bổn phận của Kitô hữu
Câu 124
Trong Thánh lễ, cụm từ “Chúa chúng ta” được đọc ở đâu?
- A) Sau mỗi lời nguyện của chủ tế
- B) Kinh Vinh Danh
- C) Kinh Tin Kính
- D) Đầu Kinh nguyện Thánh Thể
Đáp: D) Đầu Kinh nguyện Thánh Thể: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”
* Sau mỗi lời nguyện của chủ tế, chúng ta nghe “Chúa chúng con”.
Câu 125
Câu nào được nghe trong Thánh lễ?
- A) Chúa ở cùng tất cả anh chị em
- B) Chúa ở cùng anh chị em
- C) Chúa ở đâu rồi anh chị em
- D) Chúa ở đâu vậy anh chị em
Đáp: B) Chúa ở cùng anh chị em
Câu 126
Thông thường, một linh mục dâng lễ một mình được không?
- A) Dĩ nhiên là được
- B) Không được
Đáp: B) Không được
* Giáo Luật, điều 906: Trừ khi có một lý do chính đáng và hợp lý, tư tế không được cử hành hiến tế Thánh Thể khi không có ít là một tín hữu tham dự.
Câu 127
Những cử chỉ nào không ghi trong sách lễ Rôma?
- A) Đấm ngực trong kinh thú tội chung (“Tôi thú nhận…”)
- B) Cúi mình khi bắt đầu đọc “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…”trong Kinh Tin Kính
- C) Đấm ngực khi đọc “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”trước khi lên rước lễ
Đáp: C) Đấm ngực khi đọc “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” trước khi lên rước lễ
Câu 128
Bài hát Magnificat thuộc loại nào?
- A) Bài hát ca tụng các Thánh
- B) Bài hát ca tụng Đức Mẹ
- C) Bài hát ca tụng Chúa
Đáp: C) Bài hát ca tụng Chúa
* Bài hát của Đức Mẹ ca tụng Chúa
Câu 129
Trong Thánh lễ, câu “Và bình an dưới thế cho người Chúa thương” được đọc ở đâu?
- A) Kinh Vinh Danh
- B) Kinh Kính Mừng
- C) Kinh Tin Cậy Mến
- D) Kinh nguyện Thánh Thể
- E) Tất cả đều sai
Đáp: E) Tất cả đều sai
* Câu này không có trong phụng vụ Thánh lễ.
Câu đúng trong Kinh Vinh Danh: “Và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Câu 130
Trong Thánh lễ, câu “Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con” được đọc ở đâu?
- A) Kinh Vinh Danh
- B) Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa
- C) Kinh Tin Cậy Mến
- D) Kinh nguyện Thánh Thể
Đáp: B) Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con”
* Trong Kinh Vinh Danh: “Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”.
Câu 131
Trong Thánh lễ, chủ tế đọc: “Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể…” từ lời nguyện nào?
- A) Lời nguyện nhập lễ
- B) Lời nguyện tiến lễ
- C) Lời nguyện hiệp lễ
Đáp: C) Lời nguyện hiệp lễ
Câu 132
Chúng ta có thể dùng từ nào ý nghĩa nhất để nói về Thánh lễ?
- A) Hy lễ
- B) Thánh lễ
- C) Lễ Mixa
- D) Thánh lễ Mixa
- E) Hy lễ tạ ơn
Đáp: E) Hy lễ tạ ơn
Câu 133
Theo Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II, số 11: “Hy tế Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của…”
- A) Các sinh hoạt tôn giáo
- B) Các hoạt động truyền giáo
- C) Đời sống Kitô hữu
- D) Đời sống hôn nhân
- E) Các giáo xứ
Đáp: C) Đời sống Kitô hữu
Câu 134
Trong năm phụng vụ, có 2 Chúa nhật, linh mục có thể mặc áo lễ mầu hồng, đó là…
- A) CN 4 Mùa Vọng và CN 3 Mùa Chay
- B) CN 3 Mùa Vọng và CN 4 Mùa Chay
- C) CN 2 Mùa Vọng và CN 3 Mùa Chay
- D) Chúa nhật có lễ hôn phối
Đáp: B) CN 3 Mùa Vọng và CN 4 Mùa Chay
Câu 135
Câu nào đúng phụng vụ?
- A) Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha… và mưu ích cho chúng ta…
- B) Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha… và lưu ý cho chúng ta…
- C) Xin Chúa nhận dâng lễ bởi tay cha… và lưu ý cho chúng ta…
Đáp: A) Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.
Câu 136
Hãy xếp bậc các lễ sau đây theo thứ tự quan trọng nhất: – 1) Lễ các thánh Tiến Sĩ Giáo Hội – 2) Lễ các thánh Tử Đạo – 3) Lễ Đức Mẹ – 4) Lễ các thánh Tông Đồ
- A) 1 – 2 – 3 – 4
- B) 2 – 3 – 4 – 1
- C) 3 – 2 – 1 – 4
- D) 3 – 4 – 2 – 1
Đáp: D) 3 – 4 – 2 – 1
3) Lễ Đức Mẹ
4) Lễ các thánh Tông Đồ
2) Lễ các thánh Tử Đạo
1) Lễ các thánh Tiến Sĩ Giáo Hội
Câu 137
Tại Việt Nam, có hai lễ các Thánh được nâng lên thành lễ Trọng, đó là hai lễ nào?
- A) Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
- B) Lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01/10)
- C) Lễ Đức Mẹ Fatima (13/05)
- D) Lễ Thánh nữ Mônica (27/09)
- E) Lễ Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Đáp: A) và E)
– A) Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
– E) Lễ Đức Mẹ Mân Côi (07/10) (HĐGM Việt Nam, khóa họp tháng 04/1991)
Câu 138
Năm phụng vụ có mấy mùa?
- A) 3 mùa
- B) 4 mùa
- C) 5 mùa
- D) 6 mùa
Đáp: C) 5 mùa
– Mùa Vọng
– Mùa Giáng Sinh
– Mùa Chay
– Mùa Phục sinh
– Mùa Thường Niên
Câu 139
Lễ nào quan trọng nhất trong năm phụng vụ?
- A) Lễ Giáng Sinh
- B) Lễ Vọng Phục Sinh
- C) Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
- D) Lễ Hiện Xuống
Đáp: B) Lễ Vọng Phục Sinh (Canh Thức Phục Sinh)
Câu 140
Thánh lễ có ý nghĩa gì đối với người Kitô hữu?
- A) Trung tâm điểm đời sống Kitô hữu
- B) Nguồn mạch đời sống Kitô giáo
- C) Chóp đỉnh đời sống Kitô giáo
- D) Lương thực thiêng liêng
- E) Cả 4 câu trên đều đúng
Đáp: E) Cả 4 câu trên đều đúng
– A) Trung tâm điểm đời sống Kitô hữu
– B) Nguồn mạch đời sống Kitô giáo
– C) Chóp đỉnh đời sống Kitô giáo
– D) Lương thực thiêng liêng
Nihil obstat: 30.11.2020, Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Imprimatur: 02.12.2020, Gm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Gm. Phụ tá TGP Sài gòn
140 câu đố vui học về Phụng vụ Thánh lễ
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa biên soạn