2023
Để nuôi dưỡng đức tin của con cái
Để nuôi dưỡng đức tin của con cái
Đức tin là một phần quan trọng trong cuộc hành trình tâm linh của chúng ta trên trái đất này để đạt tới quê hương vĩnh cửu. Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Đức tin là sự đáp trả của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra và hiến mình cho chúng ta, đồng thời Đức tin mang lại ánh sáng dồi dào giúp chúng ta tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình. Hơn nữa, Đức tin không chỉ đơn thuần là tin một cách lý thuyết rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, là Chủ nhân và là Vua của chúng ta, mà còn đòi hỏi chúng ta thể hiện Đức tin trong cuộc sống qua những lựa chọn hàng ngày để trung thành làm theo ý Chúa và hướng tới cứu cánh của cuộc đời của chúng ta.
Do đó, là bậc cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ đức tin của mình cho con cái và dạy dỗ chúng theo đường lối của Thiên Chúa. Nói cách khác, một phần của việc trở thành cha mẹ Công giáo tốt liên quan đến việc vun trồng và nuôi dưỡng đức tin của con cái.
Nhưng liệu chúng ta thực hiện việc này như thế nào?
Dưới đây là một vài gợi ý:
1. Đọc những câu chuyện trong Kinh Thánh
Lời Chúa là nguồn khôn ngoan tốt lành để đào sâu sự hiểu biết của con cái về đức tin. Hãy biến việc đọc Kinh thánh thành một phần trong các hoạt động của trẻ. Có vô số câu chuyện trong Kinh Thánh về những người đã vượt qua những thử thách lớn bằng đức tin. Chẳng hạn, trong Cựu ước, có thể kể đến câu chuyện về Đavít và Gôliát. Trong 1Sm 17 cho thấy Đavít, dù là một cậu bé nhưng đã trở thành nhà vô địch khi đánh bại tên không lồ Gôliát của dân Philitin. Cậu bé Đavít đã chiến thắng Gôliát bằng một chiếc ná với vài cục đá nhờ vào niềm tin kiên định vào Thiên Chúa.
Trong Tân Ước, câu chuyện Chúa Giêsu dẹp tan cơn bão khi đang ở trên thuyền với các tông đồ, như được tường thuật trong Tin Mừng Mt 8, 23-27. Câu chuyện này là một lời nhắc nhở tuyệt vời về sự quyền năng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với Thiên Chúa, và Ngài là chủ tể mọi sự, ngay cả sức mạnh tự nhiên.
Tin Mừng Mt 9, 20-22 cũng kể về một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm, nhưng nhờ đức tin mạnh mẽ, bà đã được Chúa Giêsu chữa lành chỉ bằng cách chạm vào áo choàng của Người.
Từng bước một, chúng ta hãy để cho trẻ tưởng tượng chính mình đang trò chuyện với Chúa Giêsu trong một số sự kiện nhất định trong Phúc âm hoặc sau khi đọc một đoạn Phúc âm nào đó.
Ngoài Kinh thánh, còn có những câu chuyện về Hạnh các Thánh cũng là nguồn phong phú giúp trẻ dần trải nghiệm sự lớn mạnh của Đức tin và đời sống thánh thiện.
2. Chia sẻ những trải nghiệm cá nhân
Cha mẹ có thể dạy con cái tốt nhất bằng cách làm gương. Đừng chỉ dừng lại ở việc đọc những câu chuyện về đức tin, hãy chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong đó đức tin của chúng ta được thử thách và củng cố như thế nào. Chẳng hạn như, khi còn trẻ, kinh nghiệm sớm nhất của chúng ta về việc đức tin của mình bị thử thách là gì? Chúng ta trau dồi đức tin cá nhân của mình như thế nào?
Trong thực tế, chúng ta cần phải là những tấm gương sống động về đức tin cho trẻ và một cách để làm điều này là trung thành sống theo các mệnh lệnh của Thiên Chúa.
3. Cầu nguyện mỗi ngày
Cầu nguyện là một phần quan trọng trong hành trình đức tin của chúng ta. Cách tốt nhất để dạy con bạn cách cầu nguyện là cầu nguyện với chúng.
Trong thư 1 Tx 5, 17, chúng ta được thánh Phaolo nhắc nhở phải “Cầu nguyện không ngừng”. Chúng ta cần dạy trẻ rằng, cầu nguyện không chỉ là cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều chúng ta muốn. Nhưng còn là mở rộng tâm hồn ra với Ngài, luôn biết ơn đối với các ơn lành mà chúng ta đã nhận được, và đơn sơ bày tỏ những mối quan tâm dù là đơn sơ, nhỏ bé nhất của mình với Cha trên trời.
Hãy dạy trẻ rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống. Ngài quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta ngày càng đến gần Ngài hơn. Giống như việc cần thường xuyên giữ liên lạc với những người thân yêu của mình, chúng ta cũng cần thường xuyên liên lạc với Thiên Chúa, và chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu biết dành đủ thời gian cho việc cầu nguyện.
4. Hỗ trợ ước mơ của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có những ước mơ và với tư cách là cha mẹ và người giám hộ, chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ những ước mơ đó. Khi khuyến khích ước mơ của trẻ, chúng ta đang cho chúng một minh chứng đơn giản về ý nghĩa của việc tin tưởng. Đồng thời, chúng ta cũng đừng quên nhắc nhở trẻ rằng các phúc lành và cơ hội đến từ Thiên Chúa, nên cùng với sự tin tưởng, cần có sự khiêm tốn và biết ơn.
5. Suy gẫm những câu Kinh Thánh
Chúng ta có thể nuôi dưỡng đức tin của trẻ bằng cách tập cho chúng suy ngẫm những câu Kinh Thánh. Một cách cụ thể, chúng ta khuyến khích trẻ tập thói quen đọc và suy ngẫm các câu Kinh Thánh khoảng vài phút mỗi ngày sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ.
Dưới đây là một và câu Kinh Thánh về đức tin để giúp chúng ta bắt đầu:
– “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11, 24)
– “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15, 13)
– “Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1, 6)
Trên hành trình đức tin, chúng ta hãy kiên nhẫn hướng dẫn, đồng hành và nâng đỡ đỡ trẻ, như lời dạy khôn ngoan của sách Châm ngôn:
“Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi,
để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ”. (Cn 22, 6)
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP (Chuyển ngữ)
Nguồn tin: Daily bread.com
2023
Những chứng nhân của Mùa Chay
1.
Tình hình hiện nay biến chuyển từng ngày. Các biến chuyển xảy ra theo nhiều hướng khác nhau. Xem ra hướng gây lo ngại mạnh hơn hướng đem lại an tâm.
Xét theo chủ quan, lòng người hiện nay phần đông là bất an. Nỗi lo theo sát từng ngày. Nỗi sợ doạ nạt khắp nơi. Nỗi nghi ngờ có mặt ngay cả trong các quan hệ tình nghĩa.
Đó chỉ là vài bất ổn cạnh bên nhiều bất ổn khác. Tất cả những bất ổn lớn nhỏ đang làm nên một cơn thử thách đáng ngại cho mọi người Việt Nam.
Đối với người công giáo trên Đất Nước Việt Nam hôm nay, cơn thử thách chung của dân tộc cũng là thử thách của họ. Thêm vào đó, họ còn đang gặp những thử thách riêng. Các thử thách về đức tin, về đức vâng lời, về đức bác ái, về đức khiêm nhường đang xuất hiện dưới nhiều hình thức.
2.
Thánh Giacôbê tông đồ viết cho các giáo đoàn của Ngài đang trong cơn thử thách: “ Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui, khi gặp thử thách trăm chiều. Và như anh em biết: Đức tin có vượt qua thử thách, mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có gì đáng trách, không thiếu sót điều gì ” (Gc 1,2-4).
“ Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách. Vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người ” (Gc 1,12).
Những lời khuyên dạy trên đây của thánh Giacô bê giúp tôi có một cái nhìn tích cực về những thử thách đang xảy ra hiện nay.
Để có sức vượt qua cơn thử thách bằng sự kiên trì được Chúa tôi luyện, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa. Theo kinh nghiệm, tôi thấy thời gian ơn Chúa ban dồi dào cho chúng ta trong cơn thử thách là Mùa Chay. Bởi vì Mùa Chay là thời gian kính nhớ chặng đường Chúa Giêsu bị thử thách gay gắt nhất. Vì thế, những ai sống tốt Mùa Chay, đã cảm nhận được niềm vui, mà thánh Giacôbê đã nói về những người bị thử thách. Dưới đây, tôi xin được phép chia sẻ đôi chút.
3.
Niềm vui thứ nhất là họ được liên kết mật thiết với Chúa Giêsu .
Trong Mùa Chay, họ gần gũi với Chúa Giêsu hiện diện trong nhiều sinh hoạt đạo đức.
Khi cầu nguyện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, nhất là khi viếng chặng đàng thánh giá , biết bao người đã được ơn yêu mến Chúa Giêsu. Tình yêu của họ là tình yêu đáp trả một tình yêu nhưng không của Chúa đã tự nguyện hy sinh để cứu chuộc họ. Yêu mến Chúa Giêsu là bước theo Chúa Giêsu, là tuyệt đối tin cậy nơi Chúa Giêsu.
Tình yêu gắn bó và dấn thân của họ biến đổi họ ra con người mới. Nhờ đó, họ nhận ra rằng: căn tính của người công giáo nơi họ chính là liên kết mật thiết với Chúa Giêsu. Họ hiểu thấm thía lời Chúa Giêsu phán xưa trong bữa tiệc ly: “ Thầy là cây nho thật, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được ” (Ga 15,5).
4.
Niềm vui thứ hai là họ nhận ra được kế hoạch yêu thương của Chúa .
Trong Mùa Chay, nhiều người siêng năng dự thánh lễ Misa và chầu Thánh Thể . Trong những dịp đó, Chúa ban cho họ được hiểu phần nào những gì thánh Phaolô đã chia sẻ: “ Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Nhờ ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta, cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu. Thiên ý Người là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Kitô ” (Ep 1,7-9).
Trong kế hoạch yêu thương của Chúa, chúng ta xác tín, chúng ta được cứu độ chính là do ân sủng của Chúa. Thánh Phaolô khẳng định: “ Chính do ân sủng và nhờ lòng tin, mà anh em được cứu độ, đây không phải bởi anh em, mà là một ân huệ của Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện ” (Ep 2,8).
Những lời trên đây của thánh Phaolô đã làm cho bao người không những được an tâm, mà còn được vui mừng. Họ không còn vất vả đi tìm kế hoạch cứu độ ở những sáng kiến của họ, mà sẽ tin tưởng đi theo kế hoạch tình thương của Chúa. Họ không còn tự hào với những phấn đấu của họ, để rồi có thể sẽ phải thất vọng và cay đắng vì những thất bại. Nhưng họ hoàn toàn tin tưởng sự cứu độ là do ân sủng Chúa ban mà thôi. Họ sẽ làm hết sức mình. Nhưng làm với lòng khiêm tốn tự hạ.
5.
Niềm vui thứ ba là họ được chia sẻ sự khiêm nhường cứu độ của Chúa Giêsu .
Sự khiêm nhường tự hạ là một giá trị có sức cứu độ. Điều đó, bao người đã được nhìn thấy, khi họ sám hối. Lời thánh Phaolô sau đây thay đổi lòng họ:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chết, chết trên thánh giá” (Pl 2,6-8).
Nhận thức về giá trị của sự khiêm nhường tự hạ đã cởi gỡ bao người khỏi những cưỡng chế của kiêu ngạo do Satan, xác thịt và thế gian trói buộc.
6.
Ba niềm vui trên đây được giới thiệu bởi Lời Chúa và được xác định bởi bao chứng nhân của Mùa Chay.
Những chứng nhân Mùa Chay hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho họ ơn biết mình. Họ nhận biết mình rất yếu đuối, rất hèn hạ, rất thiếu thốn. Cảnh hèn mọn ấy không làm cho họ chán nản, nhưng làm cho họ càng biết ơn Chúa đã thương yêu cứu độ họ.
Những chứng nhân Mùa Chay, khi chia sẻ niềm vui của mình, sẽ không phủ nhận những đau đớn của mình. Họ nói lên những đau đớn ấy, khi xét là nên nói, để làm chứng cho kế hoạch tìnhyêu của Chúa.
Thử thách hôm nay sẽ còn tiếp diễn. Nhưng cũng sẽ tiếp tục xuất hiện những chứng nhân của Mùa Chay. Họ sẽ góp phần đem lại tin tưởng cho những ai đang bị thử thách.
ĐGM GB Bùi Tuần
2023
10 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong hành trình Mùa chay
10 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong hành trình Mùa chay
2023
Đó là Lời Chúa có nghĩa là gì?
Đó là Lời Chúa có nghĩa là gì?
Lời Chúa là gì? Tại sao trong Thánh Lễ, sau khi đọc bài Sách Thánh, người đọc tung hô “Đó là Lời Chúa”? Có phải Lời Chúa là Kinh thánh không?
Chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa cụm từ “Lời Chúa” từ nhiều góc độ. Trong những thập niên vừa rồi, đã có nhiều nghiên cứu về Lời Chúa, và được Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục đúc kết trong “Tài liệu làm việc” dành cho Khóa họp khai diễn hôm nay. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận một ngành mới trong các khoa nhân văn, đó là ngôn ngữ học, giúp chúng ta hiểu thêm về chức năng của lời nói trong cách giao tiếp. Thực vậy, ngôn ngữ học không chỉ tìm hiểu về cách sử dụng ngôn ngữ, cách phát âm, phương pháp học ngọai ngữ, nhưng nhất là ý nghĩa của ngôn ngữ trong cuộc giao dịch giữa con người với nhau. Nhận xét đầu tiên là vai trò của lời nói. Chắc là chị không ưa những ai “lắm lời”, vì họ làm cho mình bị nhức tai đau đầu; tuy nhiên, đôi khi chị cũng cảm thấy cần có ai đó đến nói đôi lời an ủi khích lệ, và lúc ấy thực sự ta cảm thấy sự quan trọng của lời nói. Cổ nhân có câu: “Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đi sâu vào vấn đề hơn nữa, cần ghi nhận rằng “lời nói” thì khác với “tiếng nói”. Không phải bất cứ tiếng nói nào cũng là lời nói: con vẹt biết nói nhưng chỉ là ‘tiếng nói’, chứ chưa phải là ‘lời nói’, bởi vì ta không thể nói chuyện với nó được. Lời nói là một phương thế để chuyển đạt ý tưởng, tâm tình (tuy rằng đôi khi sự chuyển thông có thể diễn ra qua ánh mắt, cử điệu, và đôi khi kể cả qua sự thinh lặng nữa). Một cách cụ thể hơn nữa, khi nói đến sự chuyển thông, khoa ngôn ngữ học phân biệt ít là ba cấp độ chuyển thông: thông tin, phát biểu và tâm sự. Cấp một là “Thông tin”. Người ta chỉ dừng lại ở việc thuật lại một sự kiện, chứ không bày tỏ ý kiến. Đây là ngôn ngữ của nhà báo (cũng như của đài phát thanh), phản ánh dư luận nói chung (tuy dù lắm lần các tin tức đã được chọn lọc, bóp méo theo một chiều hướng nào đó). Cấp hai là “Phát biểu”. Người nói bày tỏ lập trường của mình, và chờ đợi phản ứng của người nghe (đồng tình, phản đối, hoặc trao đổi góp ý). Như vậy lời nói bộc lộ quan điểm, cảm nghĩa của đương sự (tuy cũng không thiếu những lời tâng bốc, lừa bịp). Cấp thứ ba là “Tâm sự”. Người nói không chỉ nói lên “ý kiến” của mình, nhưng còn bộc lộ “tâm can” của mình nữa. Điều này chỉ diễn ra giữa những thân hữu, và cách riêng ngôn ngữ của tình yêu.
Đó là chuyện của con người, chứ đâu có liên quan gì đến Thiên Chúa đâu?
Có chứ, khoa ngôn ngữ học giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn ý nghĩa của cụm từ “Lời Chúa”. Nhiều lần chúng ta hiểu “Lời Chúa” như là “Chúa phán, Chúa truyền”, giống như một nhà lập pháp hay cơ quan an ninh. Tuy điều này có phần đúng, nhưng mới chỉ ở cấp một. Thiên Chúa không nhũng dạy bảo chúng ta đường ngay nẻo chính, nhưng còn muốn đối thọai với chúng ta, muốn bộc lộ ý định yêu thương dành cho chúng ta, và muốn tâm sự với chúng ta nữa. Khoa ngôn ngữ học cho thấy những chức năng phong phú của ngôn ngữ trong việc chuyển thông giao dịch giữa người với người, và ta có thể áp dụng vào mối giao dịch giữa Thiên Chúa với con người. Tuy nhiên, chắc chắn là Thiên Chúa có cái khác với con người nữa.
Khác ở chỗ nào?
Khác ở chỗ là trong xã hội loài người, lời nói có vai trò trao đổi, nhưng chưa nói được là ‘sáng tạo’. Thực ra, đôi khi một lời nói có thể gây tác dụng tốt hoặc xấu cho tha nhân (thí dụ như lời khuyến khích, cổ võ, thì mang lại niềm vui, hứng thú cho người nghe; hoặc lời dèm pha, chửi rủa, gây ra buồn phiền, tức giận), nhưng sánh với lời của Thiên Chúa thì chẳng thấm thía gì. Lời nói của con người mang tính cách hữu hạn, đôi khi chỉ là lời hứa hão, hoặc lời mơ ước. Còn Lời Thiên Chúa thì khác: lời Chúa là lời sáng tạo, như chúng ta đọc thấy từ những trang đầu của Kinh Thánh. Lúc khởi nguyên, chẳng có gì hết, nhưng một lời Chúa nói thì muôn loài được dựng nên. Tư tưởng này đã xuất hiện từ những trang đầu tiên của Kinh thánh, và được ca ngợi trong nhiều thánh vịnh, cũng như trong Tân ước.
Trong Tân ước, Lời Chúa là Đức Kitô phải không?
Đúng một phần thôi, theo nghĩa là Tự ngôn của Tin mừng theo thánh Gioan gọi Đức Kitô là Lời Thiên Chúa, Lời hằng hữu, Lời tạo dựng, Lời Nhập thể. Như vậy, Lời Chúa là một ngôi vị. Tuy nhiên, trong Tân ước, Lời Chúa không chỉ được hiểu về Chúa Kitô như là ngôi vị, nhưng cũng được hiểu là lời giảng của các thánh tông đồ về Tin mừng cứu độ. Dù sao, trong Tân ước và trong thần học, cụm từ “Lời Chúa” có thể được hiểu về 5 thực thể, hoặc 5 cấp độ khác nhau, như Tài Liệu làm việc của THĐGM đã giải thích ở chương thứ nhất, số 9, tóm lại như sau:
– Cấp thứ nhất, Lời Chúa tiên vàn ám chỉ việc Thiên Chúa tỏ mình ra bằng lời nói và hành động suốt dòng lịch sử cứu độ. Thiên Chúa không an hưởng hạnh phúc trên trời cao thẳm, nhưng Ngài muốn chia sẻ hạnh phúc với nhân lọai, bằng việc tạo dựng nên lòai người, đàm đạo với con người, cứu chữa con người khi nó lầm lỡ.
– Cấp thứ hai, Lời Chúa ám chỉ Đức Giêsu Kitô, “Lời của Thiên Chúa” (Ga 1,1), vốn hiện hữu từ muôn thuở và đã làm người ở giữa chúng ta. Đức Kitô là hiện thân của Thiên Chúa, đến để mặc khải tình thương của Thiên Chúa là Cha.
– Ở hai cấp vừa rồi, chủ thể của Lời Chúa là chính Thiên Chúa. Sang cấp thứ ba, bắt đầu có sự chuyển nghĩa. Lời Chúa không còn là Lời củaChúa phát ra, nhưng là lời của con người phát biểu thay cho Chúa. Nói cách khác, đó là lời giảng của các ngôn sứ và các tông đồ được phái đến để bày tỏ ý Chúa cho nhân loại. Trong các sách Cựu ước, chúng ta thấy các ngôn sứ hay dùng thuật ngữ “đây lời Chúa phán”, hoặc “sấm ngôn của Giavê”. Thánh Phaolô cũng nhiều lần nói đến sứ mạng của mình là đi giảng Lời Chúa.
– Ở cấp thứ bốn, Lời Chúa mang một ý nghĩa độc đáo, vì ám chỉ Sách Thánh. Đây không còn là lời nói hay lời giảng, nhưng đã trở thành chữ viết. Tuy nhiên, Sách Thánh được gọi là Lời Chúa bởi vì được viết lên do Thánh Linh linh ứng (Hiến chế về Mặc khải số 9 và số 12; Sách GLHTCG số 105-108). Ta cũng có thể nói như thế này: Sách Thánh là “Lời của Chúa Thánh Linh”. Chúa Thánh Linh là tác giả duy trì tính cách thống nhất cho tòan bộ Sách, cho dù được hình thành qua nhiều thời đại, và được biên soạn bởi nhiều người.
– Sau cùng, cấp thứ năm, Lời Chúa cũng ám chỉ lời giảng của Hội thánh (qua các giám mục và linh mục) công bố ý định của Thiên Chúa.
Đừng kể hai cấp độ đầu tiên (Lời Chúa là chính Thiên Chúa), trong ba cấp độ còn lại, ta thấy “Lời Chúa” pha lẫn với lời của con người. Vì thế cần phân biệt đâu là lời của Thiên Chúa và đâu chỉ là yếu tố con người (với hình thức diễn tả lệ thuộc vào văn hoá thời đại, xc MV 58; MK 12).
Trong Thánh lễ, sau mỗi bài đọc, người đọc xướng lên: “Đó là Lời Chúa”. Phải hiểu về cấp độ nào?
Cấp độ thứ ba. Phụng vụ công bố đọan Sách Thánh và nhìn nhận như do Thánh Linh linh ứng. Nên lưu ý là các bài đọc Sách Thánh không chỉ gồm những lời giáo huấn nhưng đôi khi cũng tường thuật một sự kiện nữa. Hơn thế nữa, chúng ta nên nhớ đến lời nhắn nhủ của công đồng Vaticanô II trong số 11của hiến chế về Mặc khải, đó là Sách Thánh được viết ra không nhằm cung cấp cho chúng ta những kiến thức về khoa học, nhưng nhằm chỉ dẫn chúng ta con đường cứu độ. Ngòai ra, mặc dù Hội thánh nhìn nhận tòan thể Sách Thánh như là tác phẩm của Thánh Linh, nhưng một vị trí trổi vượt được dành cho bốn sách Tin mừng. Điều này cũng được bộc lộ trong Thánh lễ, khi các tín hữu đứng để nghe bài đọc Tin mừng Chúa Kitô.
Ở cấp thứ năm, Lời Chúa cũng được hiểu về lời giảng của các giám mục và linh mục. Như vậy, tất cả các lời giảng trong nhà thờ đều là Lời Chúa hay sao?
Cần phải thận trọng. Lời Chúa được hiểu là Lời do Chúa nói, cách riêng là Lời của Chúa Kitô, và được ghi lại trong Sách Thánh. Vai trò của Hội thánh không chỉ là công bố Sách Thánh nhưng còn là giải thích Sách Thánh và đem áp dụng vào thời buổi hiện tại. Đây là vai trò của các mục tử trong Giáo hội, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng Sách Thánh cũng như như hòan cảnh xã hội hiện đại. Khi lên tòa giảng hoặc khi soạn thảo các văn kiện, các mục tử hãy ý thức rằng mình đang cố gắng diễn đạt Lời Chúa nhằm củng cố đức tin của cộng đòan; vì thế họ không được phép nói chuyện tào lao, hay phát biểu ý kiến riêng tư, nhưng hãy gắng trở nên người phát ngôn của Chúa. Mặt khác, Tài liệu làm việc của THĐGM cũng nhắc nhở rằng việc diễn đạt Lời Chúa cho thời buổi hôm nay không chỉ dành riêng cho các vị mục tử mà thôi; các Kitô hữu cũng chia sẻ trọng trách đó nữa, cách riêng là các giáo lý viên. Đây là một vinh dự và một trách nhiệm nặng nề. Nói cho cùng, Lời Chúa được trở nên hiện thực khi được mang ra thực hành: đây là lời giải thích hùng hồn nhất, và việc giải thích này mang danh là “chứng tá”.