2023
Hãy trân trọng bài giảng
Hãy trân trọng bài giảng
Tôi quá thích chủ đề “Người Mục Tử Phải Có Hồn Tông Đồ” trong thánh lễ thuyên chuyển linh mục 04-08-2023. Giáo huấn Đức Tổng Giám Mục Sàigòn Giuse Nguyễn Năng gởi cho linh mục quá thực tế, đầy Thần Khí. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần phần ngài cảnh tỉnh bản thân và linh mục: “Có phải tại vì chúng ta giảng dở?” rồi gom lại hai điểm: thế nào là giảng dở và thế nào là giảng hay?
Lời ngài cảnh tỉnh xoáy vào tim, thúc bách tôi noi gương Đức Giáo Hoàng Phanxicô kiến tạo “Niềm Vui Tin Mừng” thành cuộc đời mình. “Niềm Vui Tin Mừng”, tựa đề Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ban hành ngày 24 tháng 11, 2013, đã tạo cảm hứng rất mạnh cho linh mục Gregory Heille, OP. hoàn tất tác phẩm nhỏ “The Preaching of Pope Francis,” chỉ có 77 trang nhưng là thuốc thần chữa trị bệnh “giảng dở.” Ở trang 4, linh mục Gregory Heille viết: “Bằng lời và gương sáng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người thành tâm thực hành Niềm Vui Tin Mừng trong chiêm niệm. Trong nỗ lực hằng ngày hềt tình thi hành sứ vụ, ngài chân thực chuyển tải trái tim người chủ chăn… cơ bản sống sứ mệnh người tông đồ truyền giáo và loan báo Tin Mừng.”
Thánh Phaolô đã báo động: “Thiên hạ không còn chịu nghe đạo lành!” (2Tim 4:3)
Có nên đặt lại vấn đề tại sao thiên hạ không muốn nghe đạo lành? Có phải tại vì chúng ta giảng dở???
- Giảng không có sự thu hút của Chúa Thánh Thần
- Giảng không xác tín
- Giảng không đem lại của ăn thiêng liêng.
Ngày nay nhiều linh mục có lắm “chiêu” giảng để thu được nhiều tiền, để thăng hoa tiến chức, để thu hút mọi người đến với mình. Sau khi kiểm tiền cãu, ông cố khuyên con linh mục: “Bố thấy con liệu tìm “chiêu” nào khác mà giảng, chứ tiền cãu tuần này xuống thấp rồi đấy!” Chuyện có thật trăm phần trăm!
Đừng kể chuyện lan man – dài dòng, đi từ điều này đến điều khác, không đúng trọng tâm vấn đề, không mạch lạc, không hệ thống – không nói chuyện đời. Đức Ông McGarry, giáo sư dạy môn Nghệ Thuật Giảng Lễ tại Đại Học Maynooth, Ireland nhắc nhở: “Hãy nhớ kỹ nhiệm vụ của anh em là nuôi dưỡng đàn chiên, chứ không phải là đùa giỡn với bầy dê!” (trích sách 150 More Stories for Preachers and Teachers của linh mục Jack McArdle, The Columba Press Dublin 1992, tr. 5)
Thời nào cũng có nhiều người khao khát Lời Chúa. Họ tha thiết tìm của ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng tâm hồn. Thánh Phaolô khuyên Timôtê hãy kiên trì, hãy sốt sắng rao giảng, chu toàn bổn phận của mình. (2Tim 4:5)
- Hãy soạn bài giảng. Theo gương thánh Gioan Vianney, soạn bài giảng trước Nhà Tạm để dễ dàng kín múc khôn ngoan của Chúa từ nơi Thánh Thể Chúa và từ sự cầu nguyện.
- Hãy giảng với xác tín vào sức mạnh của lợi thế bài giảng
- Hãy trân trọng bài giảng. Hãy có trách nhiệm với trọng trách giảng huấn của mình.
“Hồn môn đệ” làm người giảng lễ luôn trung thực với bản thân, hăng say đem tình thương chân lý của Chúa vào tâm hồn tín hữu: chuyển tải sự sống và niềm vui từ trái tim người giảng lễ vào trái tim người nghe giảng. Trong bức tranh người mẹ cho con bú, họa sĩ người Mỹ Mary Cassatt tài tình vẽ ra hình ảnh mắt mẹ mắt con âu yếm nhìn nhau. Giống như người mẹ khi cho con bú, trò chuyện với con bằng ánh mắt, âu yếm để sự sống mình qua dòng sữa ngọt ngào tuôn chảy vào con, nuôi con lớn, cũng vậy người giảng lễ cống hiến niềm vui Đức Giêsu cho thế giới. ĐTGM Sàigòn Giuse Nguyễn Năng gọi đó là “Người Mục Tử Có Hồn Tông Đồ.” Toàn thân của người giảng lễ là nhạc cụ có dây. Khi lời giảng như sóng âm thanh phát ra từ dây đàn và từ phòng âm thanh trong cơ thể người giảng lễ thì nó tạo nên rung động rồi chuyển tải truyền thông đến với tế bào cảm nhận ở tai người nghe. Hoạt động truyền thông quả là phép mầu: trái tim nói với trái tim! Linh hồn chuyển tải niềm vui cho linh hồn. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi người giảng lễ trở thành môn đệ truyền giáo loan báo Tin Mừng.
Cuối tác phẩm “The Preaching of Pope Francis,” ở trang 77, linh mục Gregory Heille, OP. kết luận bất luận ở đâu – thành thị hay thôn quê – người giảng lễ luôn đứng trên “thánh địa” sống cuộc sống của mình. Ngay tại đó người giảng lễ được Đức Thánh Cha Phanxicô “mời gọi tiếp tay với ngài – trở thành và loan báo hy vọng vào sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa.” Bởi thế Đức Tổng Giám Sàigòn Giuse Nguyễn Năng mạnh dạn kêu gọi: “Hỡi linh mục, hãy trân trọng bài giảng!” Người giảng lễ được kêu gọi, được sai đi rao giảng, mang niềm vui đến cho người nghe và cảm hóa họ ngõ hầu “nhờ tin Mừng,” mọi người “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẽ điều Thiên Chúa hứa.” (Eph 3:6)
Lm. Gioan Baotixita Huỳnh Hữu Khoái
Brisbane, 08-08-2023
2023
Nên cầu nguyện bao lâu sau khi rước lễ?
Khi kết thúc Thánh lễ, hầu hết chúng ta đều có những phận sự và trách nhiệm khác nhau khiến chúng ta không thể ở lại nhà thờ để cầu nguyện. Sống trong một thế giới hối hả, thật khó để dừng lại vài phút tạ ơn Chúa về hồng ân Thánh Thể.
Tuy nhiên, nhiều vị thánh đã khuyến khích thực hành lòng đạo là duy trì việc cầu nguyện trong một khoảng thời gian dài sau khi Rước Lễ.
Năm 1980, Bộ Phụng tự và Bí tích xuất bản một tài liệu, Inaestimabile donum, khuyến khích mọi người tiếp tục cầu nguyện.
Các tín hữu được khuyên không nên bỏ qua việc tạ ơn riêng sau khi rước lễ. Họ có thể cầu nguyện trong thánh lễ qua thời gian im lặng, với bài thánh ca, thánh vịnh hoặc một bài hát ngợi ca khác, hoặc sau thánh lễ, nếu có thể ở lại cầu nguyện trong một thời gian thích hợp.
Bạn nên ở lại cầu nguyện bao lâu?
Không có thời gian “chính thức” để cầu nguyện. Các thánh trong nhiều thế kỷ đã đề xuất nhiều lựa chọn khác nhau.
Thánh Josemaria Escriva đã viết: “Nếu lời tạ ơn của chúng ta cân xứng với sự khác biệt giữa ơn sủng và những khô cằn của chúng ta, liệu có nên biến cả ngày thành một thánh lễ liên tục, một lời tạ ơn liên tục không? Đừng rời khỏi nhà thờ ngay sau khi lãnh nhận Bí tích. Chắc chắn bạn không có việc gì quan trọng đến nỗi bạn không thể dành cho Chúa 10 phút để nói lời cảm tạ. Tình yêu được đền đáp bằng tình yêu”
Thánh Peter Julian Eymard cũng có một gợi ý tương tự: “Những khoảnh khắc trang trọng nhất trong cuộc đời của bạn là những lúc bạn dành để tạ ơn, khi Vua của trời và đất, Đấng Cứu Rỗi và Thẩm Phán của bạn, là của bạn, Ngài sẵn sàng ban cho bạn tất cả những gì bạn cầu xin. Nếu có thể được, hãy dành nửa giờ cho việc tạ ơn này hoặc ít là 15 phút. Thay vì rút ngắn việc tạ ơn của bạn, tốt hơn hết, bạn nên rút ngắn phần chuẩn bị của mình; vì không có khoảnh khắc thánh thiện nào, không có khoảnh khắc nào ích lợi hơn khi bạn sở hữu Chúa Giêsu trong thể xác và trong tâm hồn mình”.
Các vị thánh khác đã dành trọn một giờ sau khi Rước Lễ, tận hưởng từng phút ở với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Dù bạn dành bao nhiêu thời gian để cầu nguyện, hãy tạ ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể và hãy để tình yêu của Người rửa sạch tâm hồn bạn.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ Aleteia.org
2023
Bệnh sida với Bí tích Hôn phối
Bệnh sida với Bí tích Hôn phối
Thưa cha:
Ở giáo xứ con có một anh chàng lấy vợ ở một giáo xứ bên cạnh. Họ đã có lễ cưới ở Nhà thờ và tổ chức đám cưới linh đình. Tuy nhiên, sau đó mấy tháng thì họ đưa nhau ra Tòa án dân sự ly dị với lý do cô vợ bị bệnh sida. Sau đó ít năm, cha xứ con lại thông báo họ được Tòa án Hôn phối của Giáo phận tháo gỡ hôn nhân của họ, cho họ được đi kết hôn với người khác. Như vậy, Giáo hội cho người ta bỏ nhau vì bệnh sida sao? Nhiều người trong giáo xứ chúng con thắc mắc: chúng tôi đã sống trên 70 tuổi mà xưa nay chưa thấy vậy bao giờ.
Một tín hữu của giáo hạt Phú Nhai hỏi.
Giải đáp:
Bệnh liệt kháng, còn gọi là AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) vì nhiễm siêu vius HIV (human immunodeficiency virus), thông thường gọi là bệnh sida, vẫn còn là một nguy hiểm của nhân loại. Gọi là bệnh liệt kháng vì siêu vi khuẩn HIV đã tàn phá hệ thống miễn nhiễm của cơ thể và làm cho cơ thể không thể chống đỡ nổi sự tấn công của vi trùng xâm nhập vào cơ thể người bệnh để rồi đưa đến sự tử vong. Hiện nay, vẫn chưa tìm ra thuốc chữa lành đặc hiệu, mà chỉ có thuốc ARV (Antiretroviral) là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh HIV/AIDS. Loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể bằng cách ức chế một số enzyme cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của virus. Thuốc ARV có thể giảm đáng kể lượng virus HIV trong cơ thể, ngăn chặn các triệu chứng của bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc ARV phải được điều chỉnh theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Về mặt pháp lý, hiện nay luật Dân sự và luật Giáo hội vẫn chưa có một quy định nào ngăn cấm người bị nhiễm bệnh sida được kết hôn. Tuy nhiên, tình trạng mang bệnh có thể gây nên những tác động tâm sinh lý khác, rồi từ đó ảnh hưởng đến vấn đề kết hôn, đặc biệt là đối với khả năng ưng thuận kết hôn (đ. 1057§1). Giáo hội có thể xét đến sự thành hiệu hôn nhân của người bệnh AIDS dưới khía cạnh pháp lý với một số khả năng có thể xảy ra như sau: Hôn nhân có thể vô hiệu vì lừa gạt (đ. 1098), giả vờ như không muốn có con vì sợ lây nhiễm (đ. 1101§2), ưng thuận kết hôn với điều kiện (đ. 1102), không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân (đ. 1095)…
Về trường hợp đôi vợ chồng trong giáo xứ của bạn, không phải Giáo hội cho anh chị ấy ly dị với lý do cô vợ bị bệnh sida. Thực tế, cô vợ đã bị bệnh sida trước khi kết hôn mà cô ấy đã giấu giếm anh chồng. Sau khi kết hôn, anh chồng mới phát hiện ra điều này, làm ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý và đời sống vợ chồng. Tư cách ấy, tự bản chất làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng. Anh chồng cho là đã bị cô vợ lừa dối, đã đệ đơn đến Tòa án Hôn phối của giáo phận, đã được Tòa án thụ lý hồ sơ, điều tra, nghị án và ra phán quyết tuyên bố hôn nhân của họ vô hiệu (theo đ. 1098). Cả hai anh chị có quyền được kết hôn với người khác. Riêng cô vợ, nếu có người nam khác biết rõ về tình trạng bệnh của cô ấy mà anh ta vẫn đồng ý kết hôn thì hôn nhân của họ vẫn hữu hiệu (đ. 1057§2).
Email: [email protected]
2023
Một vài suy tư về thánh nhạc tại giáo xứ trong Giáo hội hiện nay
Một vài suy tư về thánh nhạc tại giáo xứ trong Giáo hội hiện nay
MỘT VÀI SUY TƯ VỀ THÁNH NHẠC
TẠI GIÁO XỨ TRONG GIÁO HỘI HIỆN NAY
Chaz Bowers[1]
Trong thời gian dạy các khóa về thánh nhạc tại đại học, tôi thường cảm thấy bị thách đố với câu hỏi: “Trong tương lai, tôi nên bắt đầu từ đâu khi cải thiện âm nhạc tại giáo xứ của mình?” – như thể là có một phương pháp phù hợp với tất cả mọi người để cải thiện âm nhạc trong Giáo hội phương Tây. Cuộc đối thoại sau đó có thể nhanh chóng trở thành cuộc tranh luận căng thẳng vì âm nhạc có thể trở thành nguyên nhân gây chia rẽ. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm vẻ đẹp thực sự, nhất là qua âm nhạc, chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc của sự gắn kết và hoà hợp.
Tôi thích việc đưa ra câu trả lời, bởi vì sau hai thiên niên kỷ hiện diện, Giáo hội đã cho chúng ta những lời giải đáp khôn ngoan mà chúng ta cần. Từ những gợi ý đa dạng mang tính âm nhạc trong Sách lễ Rôma, những quy tắc Phụng vụ về âm nhạc trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, và các tài liệu khác nhau về thánh nhạc, đến các bản văn được quy định để sử dụng trong Thánh lễ, cùng với nhiều lựa chọn hợp lệ và tốt đẹp khác, các nhạc sĩ có rất nhiều cơ hội để nuôi dưỡng nét đẹp và sự chân chính của nhạc phụng vụ Công giáo.
Dưới đây, tôi muốn đưa ra một vài ý tưởng:
Tán thành Thánh lễ hát
Sự qua đời của Đức Bênêđictô XVI làm tôi nhớ đến câu trích dẫn yêu thích của tôi trong cuốn “Tinh thần Phụng vụ” được ngài viết trước khi trở thành giáo hoàng: “Khi con người tiếp cận với Thiên Chúa, thì chỉ nói mà thôi thì chưa đủ”. Tôi tin rằng câu trích dẫn này, ở một thời điểm nào đó, có thể sẽ trở nên nổi tiếng giống như câu nói của Thánh Augustinô: “Hát là cầu nguyện hai lần”.
Cả hai câu trích dẫn này đều soi sáng cho chúng ta về tầm quan trọng của Thánh lễ hát. Đức Bênêđictô giải thích các lĩnh vực hiện hữu của con người “được đánh thức và tự động biến thành bài ca”. Ngay cả hiện nay, việc ca hát đã và đang là một hình thức ngợi khen cao nhất dành cho Thiên Chúa. Điều này không chỉ đúng trong suốt tiến trình lịch sử nhân loại, mà còn trong lịch sử của Kitô giáo. Hãy xem bài ca của dân Israel, sau khi vượt qua Biển Đỏ, đượcđồng thanh hát lên để tán dương sức mạnh Thiên Chúa như được diễn tả trong Xuất hành 15, 1: “Tôi xin hát mừng Chúa, Ðấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương”.
Trong chiều hướng này, lời khuyên của tôi dành cho các sinh viên là hãy cộng tác với các linh mục quản xứ để phát triển một kế hoạch triển khai Thánh lễ hát. Điều này có nghĩa là, không chỉ đơn thuần là hát trong Thánh lễ, mà là hát Thánh lễ.
Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma cho chúng ta biết: “Khi chọn những phần để hát, thì phải dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do linh mục, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả linh mục và cộng đoàn cùng hát” (Số 40). Quy Chế nói thêm, “Linh mục rất nên hát những phần có phổ nhạc trong kinh nguyện Thánh Thể” (Số 147).
Việc dạy cộng đoàn hát những câu đối đáp khác nhau, ngay cả bằng những âm điệu đơn giản, rất hiệu quả xét về mặt âm nhạc vì nhiều lý do. Trước hết, tín hữu Công giáo thường đối đáp rất tốt với các giáo sĩ. Thứ đến, với việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, giáo dân đã có thể quen thuộc với các câu đáp bằng tiếng bản xứ, và với việc hát những giai điệu đơn giản, họ có thể dễ nhớ những câu đối đáp này hơn. Ngoài ra, việc hát cũng mang lại cho bản văn sức sống, và ý nghĩa mới và đặc biệt là trang trọng hơn.
Nhưng liệu chúng ta nên bắt đầu Thánh lễ hát từ đâu? “Hãy bắt đầu đơn giản bằng một cuộc đối thoại”. Bài thánh ca đơn giản đôi khi có thể hiệu quả nhất và đẹp nhất vì có thể thu hút mọi người tham gia và dễ dàng thuộc.
Nuôi dưỡng vẻ đẹp trong Thánh nhạc
Mỗi chúng ta đều từng trải nghiệm vẻ đẹp và có sở thích cá nhân về loại nhạc và lời bài hát theo những cách thế khác nhau. Về điều này, Đức Giáo hoàng Piô X có những lời khuyên rất rõ ràng: “Thánh nhạc phải có những phẩm chất Phụng vụ thích hợp, trước hết bài ca phải thánh, phải là nghệ thuật đích thực; đồng thời, phải được bắt nguồn từ tính phổ quát”. Ngài coi Ca điệu Grêgoriô (Nhạc bình ca) là hình mẫu tuyệt vời cho tất cả thánh nhạc và sáng tác thánh nhạc.
Tuy nhiên dù là thể loại âm nhạc nào, điều quan trọng là phải nhận ra rằng không gì có thể thay thế được nét đẹp. Có nghĩa là, chẳng ai thích tham gia một ca đoàn hát nghe tệ cả. Vì vậy, tôi khuyên các sinh viên, dù họ hát gì, hãy đảm bảo rằng âm nhạc của họ được trình diễn với vẻ đẹp và sự trang nghiêm phù hợp với Thánh lễ. Đôi khi, những bản nhạc đơn giản được hát hay còn tốt hơn bản nhạc phức tạp nhưng không tôn lên vẻ đẹp. Để làm được điều này, cần nhận ra những điểm mạnh và khả năng của người hát- cả ca xướng viên lẫn các ca viên – và xây dựng từ đó.
Trong bài diễn từ dành cho các nghệ sĩ vào tháng 02.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy rằng: “Một nghệ sĩ đích thực có thể nói về Thiên Chúa tốt hơn bất kỳ ai khác, khi giúp cho mọi người cảm nhận được vẻ đẹp và sự thiện hảo của Thiên Chúa đồng thời, ‘chạm đến trái tim con người và làm cho nét chân và thiện của Chúa phục sinh tỏa sáng trong tâm hồn họ’”.
Điều quan trọng nữa là phải nhận ra rằng vẻ đẹp có thể được thể hiện theo những cách thức khác nhau. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài diễn từ dành cho các giám mục Hoa Kỳ dịp ad limina vào ngày mồng 09/10/1998, về việc tham gia tích cực vào Phụng vụ, cho thấy rằng chúng ta cũng có thể tham gia thông qua việc lắng nghe:
“Sự tham gia tích cực không loại trừ sự thụ động tích cực của sự thinh lặng, tĩnh lặng và lắng nghe, vì thực ra, những yếu tố này rất cần thiết. Những người tham gia việc thờ phượng không thụ động, chẳng hạn như khi họ lắng nghe các bài đọc hoặc bài giảng, chú tâm vào những lời nguyện của chủ tế, và những bài thánh ca và nhạc phụng vụ. Đây là những trải nghiệm về sự thinh lặng và tĩnh lặng, nhưng theo cách riêng vàmang tính năng động sâu xa. Ở những nơi mà nền văn hóa không có thói quen suy niệm trong thinh lặng thì người ta rất khó lĩnh hội nghệ thuật lắng nghe bằng nội tâm. Ở đây, chúng ta thấy Phụng vụ, một đàng phải luôn được hội nhập văn hóa một cách thích hợp, nhưng đàng khác, cũng phải biết giúp văn hóa thấm nhuần Kitô giáo”.
Giống như việc chúng ta được truyền cảm hứng từ nghệ thuật và kiến trúc đẹp của một tòa nhà cho dù không tham gia vào tiến trình xây dựng, thì trong Phụng vụ, chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của âm nhạc thông qua việc lắng nghe tích cực.
Cũng với lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II:
“Sự tham gia cách ý thức kêu gọi toàn thể cộng đoàn được hướng dẫn đúng đắn về các mầu nhiệm Phụng vụ, kẻo trải nghiệm thờ phượng bịthoái hoá thành một hình thức nghi lễ” (sđd.,).
Hiểu rõ vai trò của Âm nhạc và Nhạc sĩ trong Phụng vụ
Là một nhạc sĩ, tôi có thể nói rằng thật dễ để đưa sở thích cá nhân của mình vào phụng vụ. Tuy nhiên, điều này không đúng, bởi vì, Giáo hội đã có nhữnghướng dẫn rõ ràng và chính xác về những gì chúng ta, với tư cách là nhạc sĩ Công giáo, phải làm.
Tôi dành nhiều thời gian để chỉ cho các sinh viên làm sao để tìm ra điều mà Giáo hội đòi hỏi và chúng ta nên thi hành phận vụ của mình như thế nào. Trong nhiều khía cạnh của việc lên kế hoạch cho việc cử hành phụng vụ, thường có nhiều lựa chọn, và mỗi giáo xứ có khả năng chọn lựa âm nhạc nhằm thể hiện nét đẹp của Phụng vụ nơi cộng đoàn của mình.
Do đó, điều cần thiết là các nhạc sĩ phải nắm bắt về Luật chữ đỏ như được quy định trong Sách lễ Rôma, trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, và trong Huấn Thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ Thánh Musicam Sacram. Những nguồn này cung cấp những hướng dẫn rõ ràng của Giáo hội hoàn vũ về âm nhạc trong Phụng vụ. Khi một nhạc sĩ hiểu được những Chỉ dẫn chữ đỏ này, họ có thể cộng tác với cha xứ và linh mục trong giáo xứ để sao cho vừa đi đúng đường hướng chung mà vẫn luôn có chỗ cho sự sáng tạo và các lựa chọn của mình.
Hãy là những tín hữu Công giáo!
Cuối cùng, tôi khuyên các sinh viên đó là: Hãy là những tín hữu Công giáo đích thực trong âm nhạc mà họ chọn. Ý của tôi là, trước hết, hãy chọn âm nhạc từ chính truyền thống của mình nếu có sẵn một gợi ý tốt. Thứ đến, hãy chắc chắn rằng âm nhạc được sử dụng trong phụng vụ phù hợp với tất cả những gì Giáo hội dạy.
Trong suốt cuộc trao đổi này với sinh viên, tôi muốn nhắc họ rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm thuận lợi để trở thành những nhạc sĩ của Giáo hội, vì trong thánh nhạc, chúng ta được trang bị tốt với sự hướng dẫn của Giáo hội cho công việc khó khăn phía trước!
Cũng trong buổi tiếp kiến với nhóm nghệ sĩ vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận vai trò quan trọng của nhạc sĩ:
“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại mà thế giới đang trải qua, khi mà nỗi buồn và đau khổ dường như chiếm ưu thế, thì sứ mạng của anh chị em càng cần thiết hơn bao giờ hết, bởi vì cái đẹp luôn là nguồn vui, đưa chúng ta chạm tới với sự thiện hảo của Thiên Chúa”.
Một số qui tắc chung về âm nhạc
“Mỗi khi cử hành phụng vụ mà cần hát thì có thể chọn người hát, ưu tiên dành cho những người có khả năng hơn về mặt ca hát, đặc biệt trong những buổi cử hành khá long trọng và có những bài hát khó hơn hay khi phải truyền thanh, truyền hình.
Nếu không chọn được người hát, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy khó quá, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình.
Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay giáo dân, nên lưu ý đến khả năng ca hát của những người đó. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không loại bỏ một loại ca nhạc nào, miễn là loại đó hợp với tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần, và không ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực.
Để giúp tín hữu tích cực tham gia phụng vụ và có hiệu quả hơn trong mức độ có thể, nên thay đổi cách thích hợp những hình thức cử hành và mức độ tham dự, cùng lưu ý đến bậc lễ của ngày ấy, và tầm quan trọng của cộng đoàn”. (Huấn Thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ Thánh, Musicam Sacram, 1967, số 8 -10)
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: thepriest.com (28. 07. 2023)
[1] Chaz Bowers là giám đốc âm nhạc của Giáo xứ St. Michael the Archangel, Pittsburgh, Pennsylvania, đồng thời là giáo sư phụ giảng về đàn organ và thánhnhạc tại Đại học Franciscan ở Steubenville, Ohio, Hoa kỳ. Ông là một nhà soạn nhạc đã xuất bản về nhạc giáo đường, và từng là trưởng khoa của Pittsburgh thuộc American Guild of Organists.