2021
THINH LẶNG VÀ VÂNG PHỤC
19Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay
LỄ THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC TRINH NỮ MA-RI-A, lễ trọng
– Đọc (hát) kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính, không xướng Allêluia.
– Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a (hoặc Lc 2,41-51a).
THINH LẶNG VÀ VÂNG PHỤC
Ngày 19 tháng 3, Hội Thánh hoàn vũ hân hoan mừng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính của mình cách trọng thể. Truyền thống bình dân Kitô giáo dành trọn tháng Ba cho thánh Giuse người của Thiên Chúa và đem lòng sùng kính ngài cách đặc biệt.
Khi chọn một vị thánh bảo trợ, ta đặt mình dưới sự chở che cứu giúp của Người và cũng mong noi gương bắt chước đời sống đức hạnh của Người. Tất cả những ai xin thánh cả Giuse bảo trợ chắc chắn sẽ được Người chở che gìn giữ, như xưa Người đã gìn giữ Đức Giêsu và Đức Maria trong cuộc đời dương thế. Nhưng ít có ai noi gương được đời sống của Người. Đó là một đời sống thánh đức chiếu toả ra những nét đẹp cao quý mà ta khó bắt chước.
Nói về Thánh Giuse, chúng ta dễ có nguy cơ ngụy tạo ra một Thánh Giuse theo trí tưởng tượng hay theo cảm tính đạo đức, hơn là chiêm ngắm hình ảnh Thánh Giuse được Kinh thánh nói đến. Thực ra, chúng ta biết rất ít về Ngài, ngoài trừ một vài chi tiết được Thánh sử Matthêu và Luca ghi lại, liên quan đến thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thánh Matthêu đã quy tóm sự thánh thiện của Thánh Giuse vào một tước hiệu rất đơn giản : ‘Người Công chính’ (Mt 1,19).
Tin Mừng hôm nay nói thánh Giuse là người công chính. Nhìn vào cuộc đời thánh Giuse, ta có thể hiểu được nội dung tính từ công chính. Công chính trước hết là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Nói khác đi công chính là không dám nhận những gì không phải của mình. Thánh Giuse định trốn đi khi biết Đức Maria mang thai. Theo lối giải thích xưa kia thì thánh Giuse trốn đi vì nghi ngờ Đức Maria. Nhưng theo các nhà chú giải thời mới thì thánh Giuse định bỏ trốn vì thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Đấng Cứu Thế. Chức vị làm cha Đấng Cứu Thế là một chức vị quá cao trọng, thánh Giuse thấy mình không phải là Cha Đấng Cứu Thế, không xứng đáng làm Cha Đấng Cứu Thế, nên Ngài bỏ trốn.
Công chính là chu toàn nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của thánh Giuse là gìn giữ Chúa Giêsu và Đức Maria. Chúa đã trao cho Ngài nhiệm vụ đó và Ngài đã hết sức chu toàn. Chu toàn với tinh thần trách nhiệm cao, không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Chu toàn với sự tế nhị, kính cẩn, nâng niu, hãy nhìn cảnh Thánh Gia trốn sang Ai cập, Đức Maria bế Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse dắt lừa đi trong đêm tối. Không còn cảnh tượng nào đẹp đẽ hơn. Thánh Giuse trân trọng kho tàng Chúa trao cho Ngài gìn giữ. Thánh Giuse kính cẩn nâng niu Đức Maria và Chúa Giêsu, ngài chu toàn nhiệm vụ với tinh thần dấn thân hy sinh không ngại gian khổ. Đang đêm mà Chúa bảo thức dậy trốn sang Ai cập, ngài cũng thức dậy lên đường ngay tức khắc.
Thánh Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của Mùa Chay. Lễ Thánh Cả Giuse được Phụng vụ Giáo hội mừng vào giữa Mùa Chay thánh. Mùa Chay mời gọi kitô hữu sống đời sống nội tâm. Khởi đầu Mùa Chay, Chúa Giêsu dạy, khi bố thí đừng để tay phải biết việc tay trái làm, khi ăn chay hãy xức dầu thơm và khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại. Ba việc đạo đức truyền thống cần phải được thực hiện với tinh thần nội tâm, âm thầm chỉ có Cha trên trời biết mà thôi.Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, chính bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thầm lặng.Trong Kinh Thánh, không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của ngài.
Cuộc đời của thánh Giuse qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ. Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm;thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe rồi suy niệm và nhận ra ý Chúa nên mau mắn thi hành.
Trước Thánh ý Thiên Chúa, Giuse thinh lặng lắng nghe và vâng phục chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc1,38).
Thinh lặng lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Ngài hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo rồi mau mắn thi hành. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.
Ta thấy Thánh Giuse có một cuộc sống rất bình dị và lặng lẽ nhưng ngập tràn tình yêu nồng nàn dành cho Chúa Giêsu và Đức Maria. Thánh Giuse tuy không nói một câu nào trên đầu môi cửa miệng, nhưng Ngài vẫn đang nói với chúng ta rất nhiều qua mẫu gương thánh thiện của Ngài. Ngài là ‘Người Công chính’ không phải theo nghĩa hẹp, tức là chỉ tuân giữ lề luật cách nghiêm túc, nhưng Thánh nhân đã hoàn thiện lề luật một cách trọn hảo qua tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Giêsu và Đức Maria.
2021
THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MA-RI-A
THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MA-RI-A
lễ trọng
Ca nhập lễ
Lc 12,42
Đây là người quản gia trung tín và khôn ngoan, Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Ðức Giêsu cho thánh cả Giu-se và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội luôn luôn cộng tác với Ðức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.
Bài đọc 1
2 Sm 7,4-5a.12-14a.16
Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.
4 Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :
5a “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”
Đáp ca
Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. c.37)
Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.
2Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
3Vâng con nói : “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”
Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.
4Xưa Chúa phán : “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,
5rằng : dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”
Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.
27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”
29Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.
Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.
Bài đọc 2
Rm 4,13.16-18.22
Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
13 Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp ; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. 16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa ; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, 17 như có lời chép : Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.
18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. 22 Bởi vậy, ông được kể là người công chính.
Tung hô Tin Mừng
Tv 83,5
Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Tin Mừng
Mt 1,16.18-21.24a
Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thánh Giuse là người quản gia trung tín và khôn ngoan Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì sự quan phòng kỳ diệu của Chúa, chúng ta cùng dâng lên lời nguyện xin:
- “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con”. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các giám mục và linh mục, luôn biết sống tâm tình con thảo đó là lắng nghe và thực thi Thánh ý Chúa Cha, để muôn dân nhận thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- “Mặc dầu không có gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, bởi vậy, ông được kể là người công chính”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu luôn vững vàng bước đi trong đêm tối của đức tin, vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với họ.
- “Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bậc cha mẹ trong gia đình, biết giáo dục con cái theo tinh thần của Chúa để dòng dõi của họ được tồn tại muôn đời.
- “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho tất cả những ai nhận thánh Giuse làm bổn mạng, đặc biệt cho những ai đang sống trong Linh đạo Mến Thánh Giá luôn biết đọc ra và sống thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha nhân lành, chúng con cảm tạ Cha đã cho Thánh Cả Giuse cộng tác vào công trình cứu độ của Cha. Nhờ lời Thánh Cả chuyển cầu, xin Cha cho chúng con hằng biết noi gương thánh nhân, luôn lắng nghe và thực hành ý Cha, để ơn cứu độ của Cha được lan toả cho hết mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xưa thánh cả Giu-se đã hết lòng phục vụ Ðức Kitô, Con Một Chúa Ðấng sinh làm con Ðức Trinh Nữ Maria. Nay xin Chúa cũng rộng lòng ban cho chúng con một tâm hồn trong sạch ngay thẳng để cử hành lễ tế tại bàn thờ này. Chúng con cầu xin …
Kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Trong ngày lễ Kính (nhớ) thánh Giu-se, chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Chúa. Thánh Giu-se là người công chính, Chúa đã cho kết bạn với Ðức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Trời. Thánh nhân là tôi tớ trung tín và khôn ngoan, Chúa đã trao phó Thánh Gia cho người coi sóc, để người thay quyền Chúa, gìn giữ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, là Con Một Chúa đã nhập thể bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.
Vì thế, toàn thể triều thần thiên quốc cùng ca ngợi, tôn thờ, kính sợ và hân hoan chúc tụng Chúa uy linh. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài thành khẩn tuyên xưng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Mt 25,21
Chúa nói : “Hỡi gia nhân tài giỏi và trung tín, hãy vào chung hưởng phúc lạc với chủ nhân.”
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong buổi lễ mừng thánh cả Giu-se, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được no thoả tại bàn tiệc thánh này. Xin bảo vệ chúng con luôn mãi và duy trì nơi chúng con những ân huệ của Chúa. Chúng con cầu xin …
2021
LỜI CHỨNG CỦA GIOAN
18Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay
– Thánh Xy-ri-lô, Giám mục Giê-ru-sa-lem, Tiến sĩ Hội Thánh.
– Các bài đọc Lời Chúa: Xh 32,7-14; Ga 5,31-47.
LỜI CHỨNG CỦA GIOAN
Cy-ri-lô nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem. Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.
Nhiều lương dân và người Do thái trở lại, Cy-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.
Mục đích đầu tiên của Cy-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.
Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chứng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : – “Hãy in dấu thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu thánh giá trong mọi hành động”.
Là mục tử gương mẫu, thánh Cy-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bị đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.
Giữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Cy-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.
Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Cy-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô. Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Cy-ri-lô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.
Với trang Tin mừng hôm nay, trước sự chất vấn của người Do Thái về việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa người bại liệt đã 38 năm trong ngày Sabát (Ga 5, 5-16), Chúa Giêsu đưa ra hai ‘nhân chứng’ cho hành động của Ngài.
Ngài không nại đến nhân chứng là con người, dù người đó là Gioan. Điều Ngài nại đến chính là Chúa Cha và Sách Thánh.
Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Cha là ‘Đấng làm việc liên lỉ’ (Ga 5, 17) thì Ngài là Chúa Con cũng làm việc như vậy, dù đó là ngày Sabát. Các phép lạ Ngài làm, nhất là phép lạ chữa lành và làm cho người ta được sống, minh chứng Ngài là con Chúa Cha, vì Cha là Đấng làm cho người ta sống (Ga 5, 21). Hành động của Chúa Giêsu là hành động ban sự sống: người què đi được, người điếc được nghe, người mù được thấy, kẻ chết sống lại. Lời Chúa Giêsu nói và việc Ngài làm minh chứng hiển nhiên sứ vụ cứu thế của Ngài.
Quả vậy, Ngài được Chúa Cha sai đến để làm ‘công việc của Thiên Chúa’; mọi việc Ngài làm là làm theo ý Chúa Cha (x. Ga 5, 30). Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện cho biết Chúa Cha chứng nhận việc Ngài làm.
Những lời chứng trên đây trở nên vô ích đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42), không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44). Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này mà Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35) là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Chúa Giêsu (Ga 1, 8-9). Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy. Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36). Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai. Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40). Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39). Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).
Ta thấy Kinh thánh Cựu ước loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế, cũng như về sứ vụ của Ngài; và giờ đây, Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế đã xuất hiện với tất cả nhhững việc mà Kinh thánh cựu ước đã loan báo.
Thế nhưng, những người Do Thái lại không tin Ngài; bởi đó chính Môsê, người mà người Do Thái luôn tin tưởng, sẽ tố cáo họ.
Mùa Chay là dịp để ta nhìn lại bản thân mà hoán cải, canh tân cõi lòng cứng cỏi, mê muội của ta. Hình ảnh thiên chúa do trí óc ngập tràn đam mê, lợi lộc trần gian của ta bày vẽ ra phải được thanh lọc để ta có thể gặp gỡ vị Thiên Chúa đích thực nơi Chúa Giêsu, Đấng sẵn sàng hiến mình trên thập giá để cứu vớt ta ra khỏi bóng tối của đam mê, tội lỗi, sự ác và sự chết muôn đời.
2021
TIN CẦN PHÓ THÁC
Thứ Ba tuần IV MC
Ga 5, 1-3a. 5-16
TIN CẦN PHÓ THÁC
Chúa Giê-su đã mang lấy thân phận của con người. Người đã hiểu được nỗi đau đớn khốn khổ của ốm đau bệnh tật. Khi thi hành sứ vụ tại thế, Chúa Giê-su đã tìm đến những mảnh đời bất hạnh, đau khổ để cảm thông, an ủi, xoa dịu nỗi đau và chữa lành những bất toàn nơi thể xác lẫn tâm hồn của họ.
Hôm nay tại hồ Bết-da-tha, Chúa Giê-su đã đoái thương thân phận của người bị bại liệt nằm ở đó đã 38 năm, không có người thân bên cạnh giúp đỡ đưa xuống hồ nước, mỗi khi nước hồ khuấy động lên. Chúa Giê-su đã khơi gợi ước vọng “muốn khỏi bệnh” của anh ta. Và Người đã mang lại cho anh ta một đời sống mới: Được khỏi bệnh, trỗi dậy vác chõng và đi đứng bình thường.
Hồ Bếtdatha khá lớn, những bệnh nhân đến đây để với một niềm hy vọng là được chữa khỏi bệnh. Dọc bên bờ hồ này có rất nhiều loại bệnh tật khác nhau, chờ đợi để được xuống hồ chữa cho khỏi bệnh. Anh bại liệt 38 năm cũng là một trong số những người nằm chờ để được ai đó đưa xuống hồ, nhưng chắc chẳng ai quan tâm và không ai giúp đỡ anh ta: “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”. Có lẽ Chúa Giê-su đã quan sát quang cảnh náo động và hối hả của dân chúng tranh giành để được lành bệnh tại hồ nước Bếtdatha và hiểu thấu được tâm trạng thấp thỏm và mòn mỏi để được ai đó đem xuống hồ cho khỏi bệnh, nên dù chưa yêu cầu hay van xin, Chúa Giê-su đã hỏi anh bại liệt lâu năm: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” (c.6) Anh không trả lời trực tiếp câu hỏi của Chúa Giê-su “có hay không”, nhưng anh lại trả lời bằng một cách lý giải “không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”.
Anh đã mòn mỏi trông mong được chữa lành thân xác bại liệt lâu năm của anh, thế nhưng Chúa Giê-su đã đặt vấn đề “lành mạnh”, tức phục hồi thân xác bại liệt của anh và cả tinh thần lành mạnh của anh nữa. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể phán một lời với anh bại liệt thì anh có thể đứng lên và đi lại được…nhưng ở đây thì không! Chúa Giê-su lại bảo anh: “hãy đứng dậy, vác chõng, và đi”. Chúa Giê-su cần sự hợp tác của anh để giúp anh được lành mạnh: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Thiên Chúa không làm thay tất cả cho con người, nhưng mỗi người – để được chữa lành về thể xác lẫn tâm linh – điều đầu tiên là phải có lòng mong muốn, bày tỏ lòng khao khát, và điều quan trọng phải có can đảm làm bước bột phá vượt lên trên chính mình, là “đứng dậy! quyết tâm! Và bước đi!” như người bại liệt trong Tin Mừng hôm nay. Anh thật liều lĩnh làm theo lời Chúa Giê-su để bước ra khỏi bệnh tê bại lâu năm, để đứng thẳng và bước đi.
Trước mặt người bại liệt là một vùng trời tối, tối cả tương lai. Đã bao lần anh muốn thoát khỏi số phận nghiệt ngã, nhưng căn bệnh cứ trì kéo đeo đẳng anh. Mỗi lần anh xuống được hồ nước thì cơ hội lành bệnh lại vụt mất. Đã ba mươi tám năm nay, anh đã mòn mỏi, tuyệt vọng, cam chịu số phận rồi chăng? Cuộc trở lại của anh đã quá muộn màng chăng? Dường như Chúa Giê-su đợi đến lúc này để khơi lại cho anh niềm hy vọng, lúc mà theo như Bossis kinh nghiệm: “Khi tình hình đã tuyệt vọng xét theo nhân loại, thì đó chính là lúc hy vọng Ki-tô giáo bắt đầu”. Đối với Chúa Giê-su, không có cuộc hoán cải nào là quá muộn màng. Ngài luôn luôn mong chờ tội nhân sám hối, cho họ bắt đầu lại cuộc sống mạnh mẽ như một tạo vật mới. Chỉ muộn màng khi tội nhân chưa đặt mình đối diện với Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện, dù họ đã có nhận thấy quá khứ lỗi lầm của mình.
Nếu người bệnh nhân nằm liệt 38 năm trời được nhắc đến trong bài Tin mừng hôm nay cứ khăng khăng sống theo thói quen tự nhiên, thì chẳng bao giờ anh ta đươc chữa lành. Trái lại, anh ta đã sẵn sàng làm theo điều như thể là bất thường mà Chúa truyền cho anh ta làm. Anh đang nằm liệt; ấy vậy, Chúa truyền cho anh ta cứ can đảm đứng dậy, vác chõng mà về! Đã liệt thì làm sao mà đứng dậy được! Hơn nữa, đã liệt làm sao còn có khả năng vác chõng về nhà?! Ấy thế, Chúa bảo làm sao, anh ta nghe và làm theo như vậy. Kết quả là anh đã được chữa lành.
Có thể nói được rằng, người được Chúa Giêsu chữa lành trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo bệnh tật nằm bên bờ giếng gần thành Giêrusalem, lúc mà Chúa Giêsu đi ngang qua. Anh nằm chờ từ 38 năm nay, có biết bao nhiêu người đi qua, kể cả những vị lãnh đạo trong dân Do Thái, những kẻ thuộc nằm lòng Kinh Thánh và muốn tuân giữ luật Chúa dạy cho đến tận cùng, với đủ mọi chi tiết. Họ đã đi ngang qua đó, nhưng không nhìn thấy người anh em đang cần được giúp đỡ. Nhưng, Chúa Giêsu đã nhìn thấy và Ngài đã chữa anh được lành bệnh. Ðó là việc Ngài thực hiện những dấu lạ: cho người què được đi, cho kẻ bệnh tật được lành mạnh để kêu gọi những người đang chờ dấu lạ của Ðấng Cứu Thế sắp đến hãy mở mắt ra và nhìn nhận Ngài là Ðấng Cứu Thế.
Thế nhưng, không ai mở mắt tinh thần ra để nhìn sự hiện diện của Chúa. Người được chữa lành không nhận ra Chúa và những người Do Thái khác lãnh đạo tôn giáo đang có mặt ở đó cũng không nhận ra Chúa. Họ chỉ nhìn thấy trường hợp lỗi luật ngày Sabat và muốn gây sự với Chúa, hơn là vui mừng vì một người anh em được lành bệnh.
Phần Chúa Giêsu, Ngài không dừng lại ở việc chữa lành tật bệnh thể xác, nhưng Ngài muốn tiến xa hơn nên đã kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần linh hồn quan trọng hơn: “Anh đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu đã thực hiện cả hai công tác phát triển và cứu rỗi chung cả nhân loại.
Là chi thể của nhiệm thể, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ đòi hỏi, là vai để gánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người nghèo khổ, là quả tim để khắc khoải yêu thương, là miệng để nói những lời bác ái, an ủi. Nhờ tông đồ mà Hội Thánh hiện diện giữa thế giới ngày nay.
Mỗi người chúng ta cầu xin Chúa ban cho mình có một tâm hồn và đôi mắt như Chúa, để yêu thương và giúp đỡ khi nhìn thấy nhu cầu của anh em xung quanh đang cần đến. Công việc tông đồ của chúng ta không phải là việc làm của con người, nhưng là việc làm của Thiên Chúa, nên cần có những tâm tình của Ngài.