2024
Thầy Là Ðức Kitô
27.9 Thánh Vincentê de Phaolô, Lm
Gv 3:1-11; Tv 144:1-2,3-4; Lc 9:18-22
Thầy Là Ðức Kitô
Gia đình Phaolô là những nông dân tại Pouy, gần Dax. Vincentê sinh năm 1581 là con thứ ba trong gia đình sáu người con. Trong những ngày còn thơ ấu, Ngài lo chăn cừu cho cha. Giữa miền đồi lộng gió này, Vincentê đã trải qua nhiều giờ trong ngày để chiêm ngắm cảnh đồng quê và hướng lòng lên cùng Chúa. Thời gian này cũng cho Ngài những kinh nghiệm đầu tiên về số phận của người dân quê. Từ đó, lòng bác ái sớm nẩy nở trong tâm hồn Vincentê. Có lần thu góp được 30 xu, số tiền đáng kể đối với Ngài, nhưng Ngài đã tặng tất cả cho những người cùng khốn. Lần khác trên đường tới nhà máy xay Ngài âm thầm lấy một số bột bố thí cho người nghèo.
Thấy con mình có lòng bác ái lại thông minh, ông Gioan đệ Phaolô quyết hy sinh cho Vincentê theo ơn gọi làm giáo sĩ. Vincentê theo học các cha dòng Phanxicô tại Dax. Nhưng để tiếp tục chương trình đại học của Vincentê, cha Ngài đã phải bán bầy cừu lo cho tương lai của con. Dầu vậy, khi học thần học tại Toulouse, Vincentê cũng vừa lo học vừa lo dậy kèm tư gia kiếm tiền bớt gánh nặng cho gia đình.
Sau khi thụ phong linh mục trong hai năm trời Vincentê biến mất. Cho đến ngày nay người ta vẫn không biết rõ trong thời gian này Vincentê ra sao. Người ta kể lại rằng có một góa phụ tại Toulouse đã công đức tất cả tài sản của bà. Trên đường từ Marseille tới Narbonne để nhận gia tài Ngài đã bị bọn cướp bắt bán cho một ngư phủ. Không quên nghề Ngài lại bị bán cho một người hồi giáo làm thợ kim hoàn. Sau cùng Ngài lại bị rơi vào tay một người phản đạo tên là Gautier. Nhờ đời sống thánh thiện cha đã cải hóa được ông. Chính ông đã đưa cha trở lại đất Pháp. Năm sau, ông theo cha đi Roma và vào hội bác ái để đền tội cho đến ngày qua đời.
Từ đây, cha Vincentê bắt đầu thi hành chức vụ linh mục của Ngài. Ngài được chỉ định làm tuyên úy cho nữ hoàng Marguerrite de Valois. Lúc này, cha Vincentê có dịp quen biết cha Phêrô Berulle, Đấng sáng lập dòng giảng thuyết và sau này làm Hồng y. Dưới ảnh hưởng của cha Phêrô Bérulle, cha Vincentê bắt đầu nhiệt tình sống đời hy sinh nhiệt tình. Theo lời khuyên của Ngài, cha Vicente nhận làm tuyên úy cho gia đình Gondi. Hướng dẫn một số một nông dân trong vùng này, Vincentê đã khám phá ra tình trạng phá sản về tôn giáo và luân lý. Chính sự dốt nát và biếng nhác của nhiều giáo sĩ là duyên cớ gây nên tình trạng này. Ngài quyết tâm sửa đổi thực trạng.
Vincentê đã trở nên bạn của người nghèo và dùng mọi phương tiện khả năng có được để hoạt động nhàm tái tạo cuộc sống luân lý và tôn giáo của họ. Một thử nghiệm nhỏ như một linh mục quản sở tại Chatillon les Dober cho Ngài thấy rõ vấn đề còn rộng lớn hơn nhiều. Dầu nỗ lực cải tiến họ đạo, Ngài vẫn ưu tư cho công cuộc được bành trướng rộng rãi hơn. Trở lại Paris với sự trợ giúp của bà Gondi Ngài bắt đầu công cuộc nâng đỡ cảnh khốn cùng bất cứ ở nơi đâu, Ngài tổ chức “hội bác ái” trên khắp đất Pháp cung cấp áo xống thuốc men cho người nghèo khổ hết sức rợ giúp những nô lệ bị bắt chèo thuyền từ Paris tới Marseille. Ngài thành lập một hội dòng Lazarits với mục đích truyền đạo cho dân quê và đào tạo giáo sĩ. Từ hội dòng bác ái ấy còn mọc lên hội nữ tử bác ái mà y phục của họ toàn thế giới biết đến như là biểu tượng của lòng bác ái nối liền với danh hiệu Vincentê.
Một linh mục nhà quê đã trở nên quan trọng đối với toàn quốc từ căn phòng tại xứ thánh Lazane Ngài bành trướng ảnh hưởng ra khắp nước Pháp, tới Balan, Ý, Hebrider Madagascar và nhiều nơi khác nữa. Nữ hoàng Anne d’Austria nhiếp chính cho tới khi vua Luy lên cầm quyền đã hỏi ý Ngài trong việc đặt giám mục chống lại Mazania, Ngài đã không ảnh hưởng được tới đường lối của vị giám mục này lại còn bị khổ vì ông khi nội chiến xảy ra.
Ngài quyên góp để hàn gắn những tàn phá do cuộc chiến xảy ra tại Loraine. Ngài lo chuộc các nô lệ tại Bắc Phi. Các nỗ lực trên cùng với các nhu cầu và việc quản trị hội dòng ngày càng mở rộng đã giam Ngài tại phòng riêng xứ thánh Lazane. Ngày lại ngày bận bịu viết thơ cho các Giám mục lẫn Linh mục nghèo khổ, cho biến cố vị vọng lẫn nhu cầu nghèo khổ trong nước. Các thư tín của Ngài hợp thành một tuyển tập làm say mê người đọc vì trong đó pha trộn những ưu tư cho nước Chúa lẫn đức bác ái ngập tình người.
Các thư tín và các bài giảng thuyết của Vincentê cho thấy Ngài là một trong những nhà phục hưng của Giáo hội Pháp thế kỷ XVI. Những cuộc tĩnh tâm Ngài tổ chức tại St. Lazane cho các tiến chức và những cuộc tĩnh tâm hàng tháng Ngài tổ chức cho các giáo sĩ tại Paris (có cả những khuôn mặt lớn tham dự như De Rotz, Bossuet…) cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Ngài trong cuộc chấn hưng đạo đức .
Năm 1660, cha Vincentê ngã bệnh liệt giường và đau đớn vì bệnh tật Ngài vẫn vui tươi tin tưởng : – Chúa còn phải chịu hơn tôi gấp bội.
Đối diện với cái chết Ngài bình tĩnh : – 18 năm qua, mỗi tối tôi vẫn dọn mình chết. Ngày 27 tháng 9 năm 1660, cha Vincentê từ trần và được tuyên thánh năm 1737.
Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa”. Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.
Chúa thường là chẳng giống ai cả! Đang khi các môn đệ của Ngài hào hứng hướng về tiền đồ tương lai rực rỡ vì chứng kiến những phép lạ Chúa làm và được nghe mọi người ca tụng thầy mình như một vị ngôn sứ lớn xuất hiện giữa dân chúng, thì Chúa quay ra chất vấn các ông: Anh em bảo thầy là ai vậy?
Dĩ nhiên, trong sự hào sảng, ông Phêrô láu ta láu táu thay lời các môn đệ khác trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa!” Lời tuyên xưng của Phêrô không hề sai, nhưng cách hiểu của ông và các môn đệ khác về tư cách thiên sai của thầy mình thì có vấn đề. Tâm hồn các ông đang bay bổng hướng về một tiền đồ tương lai vô cùng tươi sáng: Với những điềm thiêng dấu lạ thầy mình thi thố ra như thế này, thì chắc chắn thầy là Đấng thiên sai từ Thiên Chúa mà đến thiết lập một vương quốc thịnh vượng nhất trần gian; thầy thì làm vua, còn mình đã bỏ công theo thầy bấy nay thì ít ra không được làm quan lớn cũng phải làm quan vừa vừa.
Chúa đọc được suy nghĩ của của các môn đệ về một vị thiên sai có tính cách rất trần thế như vậy, nên Ngài minh định ngay cho các ông: Đúng quả thật Ngài là Đấng Thiên Sai từ Thiên Chúa mà đến, nhưng Ngài đến thế gian không phải để làm vua, làm hoàng đế theo cách thế của trần gian, nhưng Ngài đến để chịu đau khổ, chịu chết nhục nhã để cứu vớt người ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi.
Chúa nói tới điều đó làm cho các môn đệ cụt hứng; từ lúc đó các ông im lặng, chẳng còn sôi nổi bàn tán tới tiền đồ sáng lạn theo cách thức trần gian nữa!
Suy xét hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta, có lẽ chúng ta cũng có cùng tâm trạng như các tôn đồ ngày xưa? Những khi cuộc đời ta thuận buồm xuôi gió và gặp nhiều thuận lợi may mắn thì ta có thể dễ dàng tuyên xưng Chúa là Chúa của tâm hồn ta, là Đấng dễ thương dễ mến vô cùng của lòng ta. Nhưng khi ta gặp thử thách, khó khăn, bất hạnh và ta xin Chúa ra tay cứu giúp mà dường như Chúa im lặng, khi đó có lẽ trong lòng ta không còn có chỗ cho Chúa nữa! Khi đó ta dễ dàng buồn chán, chằng thèm nghĩ đến Chúa nữa. Ta đâu biết rằng chính khi ta gặp thử thách, khổ đau là lúc ta họa lại con đường thập giá của Chúa khi xưa; chính lúc đó Chúa đang đồng hành với ta và đang cùng ta vác thập giá để cứu độ nhân loại.
2024
TÌM KIẾM VỚI LÒNG THÀNH
26.9 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm
Gv 1:2-11; Tv 90:3-4,5-6,12-13,14,17; Lc 9:7-9
TÌM KIẾM VỚI LÒNG THÀNH
Tò mò là một trong những đặc tính gắn liền với bản chất con người. Sự tò mò xuất phát từ một tâm hồn đầy nhiệt huyết và chân thành tìm kiếm sự thiện thì có tác dụng làm thăng hoa đời sống con người. Cụ thể như thiên tài Albert Einstein đã từng thú nhận: “Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết”.
Trái lại, sự tò mò khởi phát từ một tâm hồn gian manh, mưu mẹo thì chỉ có hại cho bản thân người đó và có hại cho đời mà thôi.
Theo Tin Mừng Mt 14,2 và Mc 6,14. Hê-rô-đê tin rằng Đức Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả phục sinh và chính ông này đang làm những điều kỳ diệu nơi con người của Đức Giêsu . Nhưng theo Tin Mừng của Luca ở đây, thì lúc này Hê-rô-đê chưa xác tín như vậy hoặc ít ra cũng bán tín bán nghi.
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê, qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh. Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15). Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7), vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1). Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được. Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9). Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại. Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11). Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại. Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu, người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17). Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33). “Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Vì thế, ông đã tìm cách gặp Đức Giêsu . Nhưng ước vọng này phát xuất từ tính hiếu kỳ, tò mò và sợ mất ảnh hưởng, chứ không phải do sự cảm phục để Đức Giêsu tỏ mình ra cho ông. Hê-rô-đê sẽ chỉ gặp Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn mà thôi (Lc 23,8)
Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.
Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.
Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai? (những người của các tôn giáo khác nghĩ gì? những người vô thần nghĩ gì? những người đầu óc nặng thành kiến khoa học, thực dụng nghĩ gì?…) Thực ra, Chúa Giêsu là Ai? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào?
Những người lương dân họ vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.
Tin mừng hôm nay thuật lại rằng vua Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu vì ông muốn thỏa mãn trí tò mò, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Ông muốn tận mắt chứng kiến một vài phép lạ Ngài làm như người ta đồn thổi về Ngài.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không bao giờ chiều ý một con người vừa có lòng hiếu kỳ vừa gian manh, quỷ quyệt như Hêrôđê. Kể cả sau này ông ta có dịp gặp Chúa trong cuộc thương khó, thì mãi mãi cuộc gặp của ông ta với Chúa có mà như không có, vì với một hồn chất chứa sự lưu manh, tính toán như ông dù có gặp Chúa thì đời ông ta chẳng bao giờ được biến đổi.
Cũng có tính tò mò như Hêrôđê, và có thể nói bàn tay cũng dính dáng đến sự tội, nhưng ông Giakêu, một người thu thuế, đã có dịp gặp được Chúa và được đổi đời bởi nơi cõi thẳm sâu tâm hồn Giakêu có một niềm khát khao mãnh liệt hướng về sự thiện.
Qua việc suy niệm bài Tin mừng hôm nay, chúng ta tự hỏi chính mình xem chúng ta đang tìm kiếm Chúa với một tâm hồn hướng thiện hay với một tâm hồn chất chứa đủ thứ mưu mô, tính toán? Biết đâu đấy, chúng ta đang tìm gặp Chúa để cầu mong Chúa làm một vài phép lạ cho đời ta no thỏa tiền tài, vật chất thế gian? Nếu ta tìm kiếm Chúa với một tâm hồn mưu mô tính toán như thế, thì chẳng bao giờ ta gặp được Ngài. Ngược lại, ta muốn gặp Chúa mỗi ngày để cho lòng ta được thanh thoát hướng về trời cao trước những khốn khó tư bề của cuộc sống trần gian, thì chắc chắn Chúa sẽ cho ta gặp Ngài và đời ta sẽ được biến đổi.
2024
Hành trang người được sai đi
25.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm
Cn 30:5-9; Tv 119:29,72,89,101,104,163; Lc 9:1-6
Hành trang người được sai đi
Trước bất cứ một cuộc lên đường nào, người ta cũng đều chuẩn bị những hành trang cần thiết; hành trình càng dài thì hành trang càng cần đầy đủ và được tính toán kỹ lưỡng. Thế nhưng Chúa Giê-su, trước khi sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài dặn dò các ông: “Đừng mang theo gì…” Ngài muốn các ông hoàn toàn siêu thoát, loại bỏ tất cả những dính bén, ràng buộc để sẵn sàng lên đường, nhanh nhẹn, thanh thoát như chính cuộc sống của Ngài: “Chim có tổ, cáo có hang; còn Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Hơn thế nữa, người tông đồ không mang theo gì là để dành chỗ cho một thứ hành trang không thể thiếu, đó là Tin Mừng mà các ông có sứ mạng rao giảng.
Người ta thường nói “sểnh nhà ra thất nghiệp”. Chẳng đâu bằng ở nhà mình; ra khỏi nhà là người ta dễ bị bơ vơ, khổ cực, và nguy hiểm rình chờ. Vì lẽ đó, khi đi xa nhà, người ta thường thủ thân: Ít nhất cũng phải có mấy đồng dắt túi hay dày dép, quần áo cho tươm tất, phòng khi trái gió trở trời.
Nhưng với các tông đồ, Chúa có vẻ đòi hỏi rất khắt khe. Xem chừng Chúa muốn các ông đã ra khỏi nhà thì “ra thất nghiệp” thì phải?! Ngài bảo các ông: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” Tiền bạc, bao bị, lương thực các tông đồ không được mang theo đã đành, ngay cả cây gậy là vật dụng cần thiết nhất của người Do thái khi đi đường phòng khi bị sói dữ hay kẻ ngông cuồng tấn công thì còn có cái gì đó mà chống đỡ, vậy mà Chúa cũng không cho các ông mang theo. Nói tóm lại, Ngài chẳng cho các tông đồ có cái gì để mà phòng thân cả!
Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.
Thật ra, các tông đồ là các sứ giả được sai đi loan báo sứ điệp tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với dân Người; bởi thế, Chúa muốn các ông phải là những người trước hết kinh nghiệm về sự quan phòng của Chúa và phải là những người sống tinh thần phó thác tuyệt đối vào Chúa. Có như vậy, lời rao giảng của các ông mới có giá trị.
Mỗi thời đại có những cám dỗ riêng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu từ bỏ sứ mệnh cứu thế, cũng như cám dỗ Ngài làm những việc lạ lùng, như hóa đá thành bánh, gieo mình xuống từ nóc Ðền thờ để mọi người thấy và tin. Ngày nay, không thiếu những người chỉ muốn dùng tiền bạc để giảng dạy hoặc dùng quyền bính để làm cho người khác kinh sợ. Một cám dỗ khác mà người Tông đồ thời nay thường mắc phải, đó là sự thiếu kiên nhẫn, chờ đợi thời giờ của Chúa. Họ dễ thoái lui rời bỏ nhiệm sở, thay đổi công việc. Cũng có những người Tông đồ không dám nói rõ những sai lầm của người khác cũng như những gì trái ngược với giá trị Tin Mừng. Thái độ chung của con người thời nay là ích kỷ và hưởng thụ, số người sẵn sàng để Chúa sai đi thật hiếm hoi, số các tệ nạn do sự sai lầm thiêng liêng ngày càng gia tăng, trong khi đó cái tôi tự do được thổi phồng.
Nhiều người tông đồ thời nay dễ dàng quan niệm rằng không thể truyền giáo thành công, nếu không có tiền, nếu không đủ phương tiện cần thiết như cơ sở khang trang, phương tiện hiện đại…! Tin Mừng hôm nay một lần nữa khẳng định rằng tất cả những điều đó không phải là hành trang tất yếu, nhưng TÌNH YÊU dành cho Chúa và tha nhân chính là động lực và Tin Mừng Nước Thiên Chúa là điều mà người tông đồ luôn mang theo để phân phát cho những ai họ được sai đến.
Với trang Tin mừng hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình vì có những lúc chúng ta cảm thấy thiếu thốn, thiệt thòi về vật chất hay tình thần một chút, thì chúng ta liền than vãn, kêu trách Chúa ngay tức khắc: Lạy Chúa con sống đâu đến nỗi nào đâu mà sao Chúa để con phải chật vật, lam lũ, vật vả thế này! Biết đâu đấy, Chúa đang dạy cho ta bài học về sự tín thác tin tưởng vào Chúa trong hoàn cảnh cuộc sống của ta mà ta không nhận ra.
Thân phận người trần mắt thịt chúng ta là vậy, thường chúng ta chỉ nghĩ đến cái lợi ngay trước mắt và chỉ nhìn mọi sự theo quan điểm trần tục, vật chất. Cũng vì thế, chúng ta xếp giá trị đức tin, giá trị của mối liên lạc tín thác của ta vào Chúa hoàn toàn theo quan điểm lợi lộc vật chất trần gian. Mà nói về lợi lộc trần gian, thì có lần Chúa bảo: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì!”
2024
Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa
24.9 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm
Cn 21:1-6,10-13; Tv 119:12720343544; Lc 8:19-21
Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa
Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: “Ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em của Ngài.
Một điểm nữa cần ghi nhận là trong đời sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.
Đọc thóang qua, ta cảm tưởng như Đức Giê-su hơi “lơ là”, chưa quan tâm đến mẹ mình đủ. Thực ra, đây là cách Ngài đề cao Đức Mẹ, một người luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy (x. Lc 1,38.45; 2,19.52). Đức Ma-ri-a hai lần là mẹ Đức Giê-su: một lần sinh con về phương diện thể lý; lần khác là người mẹ luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa.
Khi trả lời “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, Chúa Giê-su không có ý chối từ Đức Mẹ. Trái lại còn ngợi khen Đức Mẹ. Và nhân đó nói lên mối liên hệ gia đình cần phải sâu hơn, cao hơn và rộng hơn mối liên hệ huyết thống.
Liên hệ huyết thống tuy sâu xa. Những ai nghe và giữ Lời Chúa thì kết hợp sâu xa hơn nhiều. Liên hệ gia đình bền vững mãi mãi. Vì có Lời Chúa làm nền tảng.
Liên hệ huyết thống tuy cao quí. Nhưng dừng lại ở giới hạn phàm trần. Những ai nghe và giữ Lời Chúa tạo thành một gia đình cao hơn. Vươn lên tới Thiên Chúa. Thành gia đình của Thiên Chúa.
Liên hệ huyết thống có giới hạn. Gia đình Thiên Chúa rộng lớn vượt không gian, thời gian. Bất cứ nơi đâu có người nghe và giữ Lời Chúa.
Đức Mẹ đã nghe và giữ Lời Chúa. Suốt đời kết hợp với Chúa Giê-su. Luôn thực hành thánh ý Chúa Cha. Nên mối liên hệ huyết thống với Chúa Giê-su đã vượt lên. Trở thành cao hơn, sâu hơn và rộng hơn.
Đức Giê-su cho thấy trong đại gia đình thiêng liêng mới, tình thân nghĩa họ hàng không còn giới hạn trong tương quan máu mủ ruột thịt hay chủng tộc, nhưng mở rộng đến tất cả những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Họ trở thành người thân của Ngài, cùng mang họ “Giê-su”, sống theo châm ngôn của Ngài: ‘lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy’ (Ga 4,34). Họ xứng đáng được gọi là Giê-su hữu, nghĩa là người thuộc về Chúa Giê-su.
Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh đến việc nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Ngài đã nói: “Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc… Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiến Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 25 – 33). Ai nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì ví như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào thì nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.
Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền”. Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.
Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.
Cố gắng thực hiện đầy đủ lời Chúa, chính là gia nhập vào gia đình Chúa thật sự, chính là ước muốn, suy niệm, hành động và thực hiện như Đức Kitô, chính là đón nhận hiến chương nước trời Người đã rao giảng trên núi, chính là đón nhận những đòi hỏi khó khăn của ơn tái sinh, chính là bước theo đường thánh giá tới đỉnh vinh quang phục sinh.
Anh em bà con của Đức Giêsu Kitô thực sự là thế! Người không chối bỏ thân nhân về ruột thịt, nhưng vượt lên cao hơn.
Đức Maria là mẹ của Đức Kitô về cả hai phương diện, mẹ thân xác và mẹ theo Đức Kitô tới đỉnh Can-vê. Mẹ cưu mang sinh thành và mẹ cưu mang thực thi lời Chúa.