2021
LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN
7/2 Chúa Nhật thứ Năm Mùa Quanh Năm
G 7:1-4,6-7; Tv 147:1-2,3-4,5-6; 1 Cr 9:16-19,22-23; Mc 1:29-39
LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.
Hôm nay ta cùng chiêm ngắm “Ngày hoạt động của Chúa tại Caphácnaum”. Đó là ngày đầu tiên trong đời sống công khai thi hành tác vụ của Đức Giêsu: ta thấy Người giảng dạy, giải thoát con người khỏi quỷ ám hại, chữa lành người bệnh và cầu nguyện. Đó cũng là bản tóm lược toàn thể hoạt động của Kitô hữu.
Sau khi đã giảng dạy và làm mọi người ngạc nhiên, sau khi đã giải phóng cho một người bị quỷ ám đáng thương, Đức Giêsu rời khỏi Hội đường, ndi họp mặt chung, để đi đến một tư gia, nhà hai anh em Simon và Anrê. Tôi hình dưng ra Đức Giêsu đang bước đi trên đường phố, cùng với bốn môn đệ đầu tiên của Người, vì hai ông Giacôbê và Gioan cũng có mặt ở đó, ngày nay cũng vậy, tác động của Thiên Chúa được thể hiện khắp nơi, trong mọi lãnh vực của cuộc sống: Tôn giáo cũng như trần thế, công cộng cũng như tư riêng. Lạy Chúa, Chúa ở với chúng con trong nhà thờ, Chúa hiện diện cùng chúng con ngoài đường phố, trên các quảng trường, và ngay trong nhà chúng con.
Người ta lấy làm ngạc nhiên, vì trong Tin Mừng, có rất nhiều lần Đức Giêsu chữa lành người bệnh. Ngày xưa, bệnh tật mang một ý nghĩa tôn giáo và người chữa trị thuộc lãnh vực y khoa. Tuy nhiên, dù trước mọi tiến bộ về y học, bệnh tật và đau khổ vẫn đeo bám con người và tiếp tục đặt con người vào một tình trạng rất đáng sợ. Ngay giữa nền văn minh kỹ thuật của chúng ta, một “dấu hiệu” biểu lộ sự yếu đuối của thân phận con người vẫn còn luôn như trước: đó là con người có thể chịu những rủi ro xảy đến cách đột ngột bất ngờ.
Trong thâm tâm, ai mà không sợ một số những chứng bệnh mà người ta không dám nhắc đến tên? Bệnh tật luôn mâu thuẫn với ý muốn sống yên ổn và bền vững trong tâm lý mọi người. Chỉ cần một cơn sốt nặng cũng đủ quật ngã con người mạnh nhất và buộc họ phải ngưng làm việc không còn trầm trọng hơn, khi mọi người chúng ta đều thừa biết rằng, một ngày nào đó ta sẽ gặp một bệnh mà không thầy thuốc nào chữa nổi.. Mọi bệnh tật đều mang “dấu” của tử thần: đó là biểu tượng của thân phận con người mỏng dòn và ta không thể tránh được.
Tại nhà Simôn, Đức Giêsu đã chữa mẹ vợ ông khỏi sốt cao. Như thế, Người cho thấy Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa khác của loài người, đó là bệnh tật. Nhưng trong nhãn quan của TM II, bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên chữa lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma quỷ. Ở đây, chúng ta ghi nhận là lần đầu tiên Đức Giêsu chữa lành bệnh tật là cho một phụ nữ, trong khung cảnh đơn sơ và thân tình của một ngôi nhà và của một gia đình. Bằng chứng cho thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu đáo phục vụ các khách quý. Cũng như Đức Kitô đã đỡ bà mẹ vợ Simôn trỗi dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động như một người đã chết, Người cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để chúng ta có thể phục vụ Người.
Khi ngày sa-bát chấm dứt, tức là lúc chiều xuống (người Do thái tính một ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn như biểu thức được lập đi lập lại ở trang đầu của sách Sáng Thế: “vào một buổi chiều và một buổi sáng, ấy là ngày thứ…”), người ta có thể đem các bệnh nhân đến nhà ông Si-mon mà không phải vi phạm lệnh truyền giữ ngày sa bát. Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Việc chữa lành bệnh tật thể lý nầy chỉ nhằm chuẩn bị một dấu chỉ khác mà Đức Giê-su không bao lâu sau sẽ thực hiện cũng trong chính thành Ca-phác-na-um nầy, khi Ngài nói với người bại liệt: “Nầy con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2: 5). Đức Giê-su biết rằng dân chúng tin có một mối dây liên kết giữa bệnh tật và tội lỗi. Khi chữa lành đám đông khỏi mọi bệnh tật, Ngài loan báo ơn tha thứ tội lỗi.
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện là sự thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng, vì chính trong sự thinh lặng này – một sự thinh lặng mà người “hướng ngoại” không thể nào chịu nổi – Chúa Cha sẽ nói với ta lời của Ngài, Chúa Kitô sẽ chia sẻ với chúng ta ý nghĩa của mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Người, và Chúa Thánh Thần sẽ thôi thúc để chúng ta tìm ra đường hướng Chúa muốn chúng ta đi. Ngày nay, con người dường như rất sợ sự thinh lặng, do đó con người tạo ra trăm ngàn cớ để chạy trốn cái giây phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, Đấng lột trần cho thấy sự hư vô tột cùng của kẻ từ chối chấp nhận mình nghèo khó và yếu đuối.
Đức Giêsu cần cầu nguyện, vì dường như cầu nguyện làm Ngài là Ngài hơn, giúp Ngài kết hợp với Thiên Chúa hơn, làm Ngài triển nở và trọn vẹn hơn. Cầu nguyện diễn tả Ngài là một với Thiên Chúa tuy dù lúc nào Ngài cũng kết hợp với Thiên Chúa. Cầu nguyện diễn tả Ngài tùy thuộc hoàn toàn Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa muốn gì Ngài sẽ thực hiện như vậy. Qua cầu nguyện, Ngài là Ngài, Ngài triển nở và hạnh phúc. Chính khi Đức Giêsu tùy thuộc Thiên Chúa hoàn toàn, cho thấy Ngài là một với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta được được nên giống Đức Giêsu hơn, làm một với Thiên Chúa hơn, trở nên con của Thiên Chúa hơn.
Ngày nay có khi vì đời sống kinh tế khó khăn mà nhiều người tham công tiếc việc, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật. Chính vì không biết dung hòa giữa hồn và xác, cho nên lắm khi đến tham dự Thánh Lễ rất ư là mệt mỏi, chưa kể đến lo ra chia lòng chia trí, khi ít khi nhiều, khi nào cũng có. Xác thì ngồi trong nhà thờ, nhưng lòng trí thì lang thang ở đâu đó.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết sống hài hoà giữa lao động và cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện ta sống gắn bó mật thiết với Chúa và thi hành theo ý Chúa. Đồng thời, nhờ lao động chúng ta góp phần vào công trình sáng tạo của Chúa, để xây dựng cuộc sống ngày mỗi tốt đẹp hơn.
2021
SỨC MẠNH CỦA LỜI
31 tháng 1
Chúa nhật 4 TN B
SỨC MẠNH CỦA LỜI
Cách giảng dạy và hành động của Chúa Giêsu trong hội đường Caphácnaum cho thấy sức mạnh của lời phát xuất từ môi miệng Người; lời có sức mạnh trổi vượt so với lời của các ngôn sứ trong Cựu Ước.
Thánh Máccô tường thuật cho chúng ta hai hoạt cảnh diễn ra trong hội đường Caphácnaum. Một mặt, thánh ký bận tâm phác thảo diện mạo của Chúa Giêsu, nêu bật uy quyền đặc biệt mà người ta nhận ra ở nơi Ngài: Chúa Giêsu xuất hiện không chỉ với uy quyền của Ngôi Lời Thiên Chúa, chủ tể của Kinh Thánh, nhưng cũng với uy quyền của một con người thanh khiết và hoàn hảo đến nổi không bất kỳ sự thâm hiểm gian ác nào có thể chịu đựng nổi sự hiện diện của Ngài. Mặt khác, ngay từ đầu, thánh Mác-cô cũng nêu bật hai phương cách tiến hành thường hằng mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong suốt sứ vụ của Ngài: giảng dạy và dấu chỉ kèm theo, qua đó người ta nhận ra mầu nhiệm của Ngài: Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm.
“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Các kinh sư thường nhất là những người có bằng cấp học vị, được đào tạo trường lớp về những cách thức giải thích Kinh Thánh một cách tinh tế và uyên bác. Vì thế, những giáo huấn của họ dựa trên những truyền thống của các bậc tôn sư danh tiếng của họ. Riêng Chúa Giêsu, Ngài không xuất thân từ bất cứ trường lớp nào và cũng không quy chiếu đến bất kỳ “kinh sư” hay “bậc tôn sư” nào. Ngài giải thích và khai triển Kinh Thánh từ uy quyền của riêng Ngài và loan báo rằng mọi điều Kinh Thánh loan báo đều được ứng nghiệm ở nơi Ngài.
Không ai có thể buộc tội Ngài về bất cứ điều gì, đây là một sự mới lạ khiến Xatan phải tò mò muốn biết. Rồi, trong hoang địa, nó đã thử hiểu mầu nhiệm của con người nầy; ở Caphanaum, nó bày tỏ qua một người bị quỷ ám khốn khổ. Đối mặt với Chúa Giêsu, tên hiểm ác phải công khai nói lên sự thật và sự thật khiến nó phải nao lòng chột dạ: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu buộc nó phải câm lặng.
Hoạt cảnh Caphanaum không là duy nhất, nhưng còn xảy ra nhiều lần ở những nơi khác nữa. Chính thánh ký nói với chúng ta: “Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1, 34).
Chúa Giêsu vẫn còn muốn giữ riêng bí mật về con người Ngài, vì sợ người ta hiểu lầm sứ mạng của Ngài. Thánh Máccô nhấn mạnh nhiều lần Chúa Giêsu muốn bảo vệ mầu nhiệm của Ngài. Đó là điều mà các nhà chú giải gọi “bí mật Thiên Sai” theo Tin Mừng Máccô. Quả thật, trong suốt Tin Mừng này, Chúa Giêsu kiên quyết bắt ma quỷ không được vén mở chân tính của Ngài, cũng như Ngài cấm những người được chữa lành và ngay cả các môn đệ của Ngài không được tuyên xưng phẩm tính Thiên Sai của Ngài.
Thật không khó để hiểu được thái độ nầy của Chúa Giêsu. Đấng Thiên Sai mà dân chúng biết bao mong đợi khác với hình ảnh mà Ngài sắp thể hiện: hình ảnh của một Đấng Thiên Sai “nhân hậu và khiêm hạ tận mức”, hình ảnh của một Người Tôi Trung chịu đau khổ. Mầu nhiệm nầy chỉ có thể bày tỏ một cách rực rỡ ở nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
Lời của Chúa Giêsu có thẩm quyền từ Thiên Chúa. Dù Chúa Giêsu không tự xưng mình là ngôn sứ, nhưng phần lớn sứ mạng công khai của Người dành cho việc giảng dạy dân chúng. Điểm khác biệt trong cách giảng dạy của Chúa Giêsu được dân chúng ghi nhận vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mc 1,22; 2,10; 11,33). Trong khi các ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là “Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1.11), nên lời của Người đích thực là lời Thiên Chúa, lời có thẩm quyền của chính Thiên Chúa, chứ không như lời giảng dạy của các kinh sư (Mc 1, 22).
Lời của Chúa Giêsu có sức mạnh khuất phục thần ô uế.
Quả vậy, lời uy quyền của Chúa Giêsu được biểu lộ qua việc Người ra lệnh cho thần ô uế và nó phải chịu khuất phục (Mc 1, 25). Chính thần ô uế cũng biết và thừa nhận thẩm quyền của Chúa Giêsu qua việc tuyên xưng Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24; Lc 4, 34). Trong toàn bộ Tân Ước, lời tuyên xưng này chỉ một lần nữa được đặt trên môi miệng của ông Phêrô (Ga 9, 69). Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Đấng đã nhận lấy Thánh Thần (Mc 1,9-11) và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (Mc 1, 8), Máccô muốn nhấn mạnh rằng Đức Kitô thật sự được Thiên Chúa thánh hiến. Vì được “thánh hiến” nên Người ở trong thế đối nghịch với “thần ô uế”; Người dùng lời quyền năng không chỉ trong việc giảng dạy mà còn để xua trừ thế lực sự dữ.
Lời của Chúa Giêsu mang lại giáo huấn mới mẻ. Thật vậy, Tin Mừng Máccô ghi nhận sự kinh ngạc và thán phục của dân chúng khi lắng nghe lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu vì lời Người thực sự là “giáo lý mới mẻ” (Mc 1, 27); lời giáo huấn của Người mở ra một thời đại mới, trong đó con người được lắng nghe và chứng kiến lời uy quyền của Thiên Chúa cách trực tiếp và hoàn toàn mới mẻ, chứ không còn cần qua trung gian gián tiếp là các ngôn sứ nữa.
Tin Mừng Máccô một lần nữa làm nổi bật Chúa Giêsu như là Đấng có lời thẩm quyền của Con Thiên Chúa, lời có sức mạnh khuất phục thần ô uế, lời mang lại giáo huấn mới mẻ và trực tiếp.
Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.
Mỗi ngày, chúng ta vẫn thành tâm nguyện xin: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ.
2021
NGHE VÀ TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO
24 tháng 1
Chúa nhật III TN năm B
NGHE VÀ TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu. Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống.
Thánh Marcô diễn tả lời gọi mời của Chúa Giêsu ngỏ trao cho bốn môn đệ đầu tiên, như là một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Đó là một lời cầu ngỏ cách tự nguyện, nhưng cũng là một mệnh lệnh hiển thị qua uy quyền được diễn bày, mà con người không thể cưỡng lại. Mệnh lệnh đó cũng đòi hỏi chúng ta phải đáp trả, ngay hôm nay và ngay lúc này.
Trên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu đã thấy Phêrô và Anrê. Ngài truyền lệnh ” Hãy theo tôi”. Sau đó Ngài gặp Giacôbê và Gioan, và cũng gọi hai ông với cùng một dạng thức truyền lệnh giống như thế. Marcô thuật lại, ngay lập tức cả bốn ông bỏ thuyền và lưới để đi theo Ngài. Giacôbê và Gioan còn bỏ lại cả cha của mình cùng những người làm công trên thuyền. Các ông bỏ lại tất cả để đến với Chúa. Uy quyền Chúa Giêsu đã hoàn toàn chinh phục các ông.
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Chúa kêu gọi các ông: “Các anh hãy đi theo tôi”. Lời kêu gọi đó Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay.
Lời mời gọi của Người mang ý nghĩa hy sinh những kế hoạch riêng, những tham vọng, sự an toàn v.v… Đây là một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm, bởi vì họ đang chuyển từ công việc mà họ biết, để đến với một công việc mà họ không hề biết. Nhưng họ cũng biết rằng lời mời gọi của Người đem đến cho họ một cơ hội được sống một cuộc sống trọn vẹn hơn và xứng đáng hơn. Cho đến nay, họ đã có một nghề nghiệp. Bây giờ, họ có được một ơn gọi.
Tin Mừng cho biết cả bốn môn đệ, bốn tông đồ đầu tiên ấy đều là những người chài lưới, và họ đang hành nghề trên biển hồ Galilê. Cho tới lúc đó, chưa bao giờ các ông đưa mắt nhìn xa quá tầm mắt quen thuộc với những công việc sinh nhai hằng ngày. Bây giờ Chúa Giêsu mời gọi các ông nhìn lên cao hơn và xa hơn. Ngài chỉ cho các ông thấy thế giới như biển cả mênh mông, phải vượt khắp đó đây để đánh lưới “sinh linh”. Sứ mệnh của các ông là đem các linh hồn về cho Chúa.
Nghe tiếng Chúa kêu gọi, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thiết thân nhất trong đời sống như nghề nghiệp và phương tiện sinh sống cùng với những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên. Từ nay các ông sẽ có những bận tâm khác với những lo lắng trước đây. Các ông rời bỏ quê hương làng xóm, nơi chôn nhau cắt rốn, để đi đến những nơi Thầy sẽ sai đến. Quê hương các ông bây giờ là thế giới. Các ông từ bỏ gia đình ruột thịt quen thuộc, Thiên Chúa sẽ ban cho các ông một gia đình khác, gia đình các linh hồn mà các ông sắp cứu vớt. Các ông thoát ly hoàn toàn và dứt khoát.
Thực vậy, các tông đồ đầu tiên thoát ly mọi sự trước kia đã ràng buộc các ông là để gắn bó với Chúa Giêsu. Các ông đi theo Ngài một cách tin tưởng mà không hỏi xem Ngài sẽ dẫn các ông đi đâu và tương lai sẽ thế nào. Các ông đi theo Ngài để chia sẻ vui sướng, nhưng đồng thời cũng để đồng lao cộng khổ với Ngài. Các ông đi theo Ngài để lãnh nhận lời giáo huấn, lấy đó làm mẫu mực cho đời sống mình trước hết, để rồi sau đó tuyên xưng giáo thuyết của Ngài và truyền bá giáo thuyết đó cho mọi người.
Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày như xưa Ngài đã dọc theo biển hồ Ga-li-lê. Ngài thấy ta như Ngài đã thấy bốn môn đệ. Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài. Cái nhìn của Ngài không làm ta bị tê liệt vì Ngài chấp nhận trọn vẹn con người của ta. Cả những yếu đuối và tội lỗi cũng được Ngài đón nhận. Hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa. Nhưng hơn nữa, hạnh phúc cho ai được Thiên Chúa thấy.
Bốn tông đồ đầu tiên nói riêng và tất cả các tông đồ nói chung, đã thực thi mệnh lệnh “Hãy đi theo tôi” của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn. Các ông đã đi theo Chúa, sống bên Chúa, chứng kiến mọi việc Chúa làm, ghi nhớ những lời Chúa giảng dạy. Và khi Chúa về trời, các ông hăng say rao giảng về Chúa và giáo huấn của Chúa cho đến chết. Đó là đường lối mà các tông đồ đầu tiên và các tông đồ kế tiếp nhau đã làm đổi thay bộ mặt cũng như toàn bộ thế giới cho tới chúng ta ngày nay.
Nếu Chúa Giêsu đã quan tâm kêu gọi những người cộng sự trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, thì điều đó có nghĩa là Ngài không muốn làm việc một mình mà muốn nước trời là một công trình có sự đóng góp của mọi người, nhất là qua ơn gọi thừa tác. Lời kêu gọi “Hãy đi theo tôi” hôm qua vang lên tai các tông đồ thì hôm nay vẫn còn vang lên trong nhịp sống Giáo hội và gửi đến chúng ta hằng ngày. Vấn đề là chúng ta có quan tâm lắng nghe và đáp ứng không?
Cuộc đời của con người hay được đan dệt bởi hai câu hỏi “sống để làm gì?” và “làm gì để sống?” Sự sống đây tất nhiên không chỉ thuần tuý sự sống của phần xác, được duy trì bằng ăn uống, hoạt động, ngủ nghỉ, nhưng còn là sự sống tâm linh-một sự sống chỉ được thăng hoa khi tìm ra ý nghĩa và giá trị của cuộc đời. Song, ý nghĩa cùng giá trị cao đẹp của cuộc đời con người lại không nằm nơi tiền tài, vật chất, dục tình, danh vọng, nghề nghiệp, nhưng là con người.
“Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi làm ngư phủ bắt người” (Mc 1,17). Phục vụ “con người” mới là lý tưởng và mục tiêu tiến tới. Trải dài trong lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa cất tiếng gọi hay chọn ai- dù là Abraham, Môisen, Samuen, Đức Maria, hay các tông đồ Phêrô, Gioan-không bao giờ chỉ để họ được hưởng phúc vinh, nhưng là để cộng tác trong tiến trình đưa mọi người vào chung hưởng Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương con người.
Để có thể thành công trên bước đường đem niềm hy vọng yêu thương đến cho mọi người và đưa mọi người về với cội nguồn yêu thương là Thiên Chúa, kẻ được gọi trước hết cần phải hướng đến, đón nhận, và bước theo một con người: Chúa Giêsu. Đây chính là đích điểm của mọi đích điểm, giá trị trên mọi giá trị, và chính lộ của muôn vạn nẻo đường.
Do đó trước khi có thể “chài lưới người” là phải “theo Ta”. Không thể nào tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời hay nhận rõ được giá trị của con người để mà đi “lưới” về, nếu không tin phục Đức Kitô.
Thời nào Chúa Giêsu cũng cần những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Và chắc chắn thời nào cũng không thiếu những con người nhiệt tình sẵn sàng hy sinh cho công cuộc của Ngài. Nhưng nhiệt huyết xuông, không đủ, chúng ta cần phải đi đúng đường lối của Ngài. Nếu không, nỗ lực của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ là những nỗ lực kiểu «dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». Thiết tưởng chúng ta cần phải nắm vững cái nào là cái chính yếu, cái nào là cái phụ thuộc; cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện; cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng. Nhờ phân biệt rõ ràng như thế, chúng ta mới biết hy sinh cái phụ thuộc cho cái chính yếu, coi nhẹ phương tiện hơn mục đích, coi trọng bản chất hơn hiện tượng.
Lúc Ngài thấy ta thì ta vẫn không hay biết. Ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới. Ta vẫn tất bật với những lo toan đời thường, hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ. Chính lúc đó, chính lúc ta tưởng mình quá ư ổn định, và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng, thì tiếng gọi của Ngài vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát.
Để theo Chúa Giêsu, cần phải từ bỏ nhiều điều. Nhưng quan trọng hơn cả là từ bỏ chính mình. Bạn có kinh nghiệm gì về cái tôi của bạn? Cái tôi ấy ra sao (cứng cỏi, bướng bỉnh, khép kín, tự ái, tự mãn…)?
2021
ĐẾN VÀ Ở LẠI
17 tháng 1
Chúa Nhật thứ Hai Mùa Quanh Năm
1 Sm 3:3-10,19; Tv 40:2-4,7-8,8-9,10; 1 Cr 6:13-15,17-20; Ga 1:35-42
ĐẾN VÀ Ở LẠI
Các bài đọc nói với chúng ta về những người, khi nghe thấy tiếng Thiên Chúa hay Đức Kitô mời gọi, đã trở thành môn đệ và bắt đầu phục vụ ngài. Khi nhìn thấy điều đó đã xảy ra thế nào và những con người được chất vấn đã trả lời ra sao với lời mời gọi, chúng ta được soi sáng về những cách thức mà Thiên Chúa và Con của ngài ngày nay vẫn còn đến gặp gỡ chúng ta, mời gọi chúng ta trở thành môn đệ của ngài.
Trước hết, chính trong thinh lặng mà Samuel nghe thấy một tiếng nói mời gọi ông. Ông không biết rằng, tiếng nói này là tiếng nói của Thiên Chúa. Ông nghĩ rằng, chính thầy tư tế Heli gọi ông. Ông phải có thời gian và sự giúp đỡ của chính Heli để hiểu rằng, chính Thiên Chúa ngỏ lời với ông.
Trang Tin Mừng thánh Gioan tiếp nối những gì vừa nói trên đây. Lần này, thì chúng ta đang ở giữa ban ngày và chúng ta phải làm việc với những người đang đi tìm kiếm Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế của ngài. Những người này có đầu óc và con tim hướng về cái vô cùng. Hai người trong số đó là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri khắc khổ đã không ngần ngại nói về sự ăn năn thống hối để đón nhận Nước Thiên Chúa, đang rất gần.
Chính một lời nói của Gioan “Đây là Con Chiên Thiên Chúa” đã khởi xướng tất cả nơi hai môn đệ. Các ông đi theo Chúa Giêsu, nhìn xem nơi ngài ở và ở lại với ngài trọn ngày hôm đó. Đó là thời gian của một cuộc gặp gỡ thực sự, của một cảm nghiệm mãnh liệt và quyết định.
Để gặp được Chúa Giêsu, cần có người giới thiệu. Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình. Ông Anrê cũng đã giới thiệu Chúa Giêsu cho em là Simon, và dẫn ông này đến gặp Ngài. Chẳng ai thực sự gặp được Chúa Giêsu mà lại không mong giới thiệu Ngài cho người khác.
Chúa Giêsu là kho tàng cứ mãi lớn lên khi được san sẻ. Hạnh phúc của Gioan Tẩy giả và Anrê là thấy Chúa Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau. Họ chấp nhận tự xóa mình. Gioan chấp nhận chia tay với hai môn đệ yêu dấu. Anrê sau này chẳng được nổi tiếng bằng Simon.
Theo lời giới thiệu của Gioan, hai ông đi theo Chúa Giêsu. Chẳng rõ họ đã đi theo bao lâu và bao xa. Họ rụt rè không biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Chúa Giêsu thấy sự lúng túng dễ thương của họ. Chính Ngài đi bước trước, mở đầu cuộc đối thoại.
Sáng hôm sau, chính Anrê đã nói với Simon Phêrô, anh mình: “ Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Cứu Thế”. Phêrô theo Anrê, và đến lượt ông, ông khám phá ra Chúa Giêsu.
Khi đã kinh nghiệm tình yêu của Chúa, Anrê tự nhiên cảm thấy được thúc bách phải chia sẻ niềm tin cho em mình là Simon Phêrô: “Chúng tôi đã gặp Đức Kitô”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Anrê chắc chắn biểu lộ một sự thích thú rõ rệt. Ông đã sung sướng được gặp Chúa, ông đã khám phá ra Chúa là Đấng Mêsia, Đấng được Thánh Thần xức dầu tấn phong sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Dĩ nhiên, ông còn phải ở lại với Chúa Giêsu lâu hơn nữa, còn phải tìm hiểu, phải khám phá nhiều hơn. Nhưng giờ đây, ông cùng chia sẻ với em mình, cùng tìm hiểu, cùng khám phá với em và các bạn khác của ông. Niềm tin của ông càng được củng cố, càng lớn lên trong mức độ ông biết chia sẻ cho người khác.
Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, các ông trở lại với cuộc sống đời thường. Thế nhưng, từ nay không còn là cuộc sống như trước, vì cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã làm thay đổi tận căn. Giờ đây các ông sống với niềm tin Chúa Giêsu là Đấng Mêsia –Đấng Thiên Sai Cứu Thế- Chính niềm tin đó điều khiển cuộc sống và làm cho cuộc sống người môn đệ mang một ý nghĩa mới.
Chúng ta nhận thấy, cách thức tiến hành mỗi lần đều như nhau. Một nhân chứng chỉ cho môt ai đó sự hiện diện của Đức Kitô. Ngài mời gọi người đó quay hướng về ngài, và đến gần ngài để hiểu rõ ngài hơn. Điều đó không được thực hiện trong nháy mắt, mà phải có thời gian. Thời gian rất cần thiết. Cần phải ở lại bên cạnh Chúa Giêsu trong một thời gian thích hợp để biết rõ ngài là ai, và ngài mời gọi làm điều gì. Đồng thời cũng phải sẵn sàng để đi với ngài đến nơi mà ngài muốn chúng ta đi đến. Cảm nghiệm này có thể biến đổi cả một cuộc đời. Đó là trường hợp của Anrê đã trở thành một trong nhóm Mười Hai. Đó là trường hợp của Simon Phêrô, khi nhận lấy một tên mới “ Con là Phêrô”, được ủy thác cho một sứ mạng mới, sứ mạng là Đá, trên đó Giáo Hội đươc xây dựng.
Rõ ràng là, qua trung gian của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô tiếp tục kêu gọi những con người đi theo ngài. Ngài thực hiện điều đó theo cách thức ngày xưa, luôn luôn có giá trị. Ngài thực hiện điều đó bằng cách ngỏ lời nhẹ nhàng trong tận thẩm sâu tâm hồn. Sau đó, khắp nơi trong thế giới và rất gần gũi với chúng ta, ngài khơi gợi lên những chứng nhân; qua những gì họ sống, qua những gì họ làm và những gì họ nói, những chứng nhân nói với chúng ta về ngài và mời gọi chúng ta quay nhìn về ngài.
Những kinh nghiệm này có liên quan đến chúng ta. Biết bao nhiêu lần, khi ngừng lại không chạy đôn chạy đáo, khi chúng ta trở về với lòng minh, khi thinh lặng trong cõi thâm sâu tâm hồn, chúng ta đã nghe một tiếng nói kín đáo mời gọi chúng ta sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, phục vụ anh em nhiều hơn, dành riêng một cách triệt để hơn cho những lý do quan trọng đối với nhân loại và với Thiên Chúa.
Trước những lời mời gọi mà Thiên Chúa trao gởi cho chúng ta, trong thinh lặng tâm hồn, thử hỏi đâu là thái độ của chúng ta ?- Có phải là không chịu lắng nghe ?- Hay làm bộ như không nghe ?- Hoặc cố tình bóp nghẹt cái tiếng nói đang cố gắng vạch ra một con đường đi đến với chúng ta ?- Tất cả những thái độ này đều có thể. Samuel đã chứng tỏ một sự sẵn sàng hoàn toàn, và đã để cho thầy tư tế Heli hướng dẫn. Điều đó đã cho phép ông nhận ra Thiên Chúa và đón tiếp Thiên Chúa đang đến với ông.
Cũng chính một cuộc phiêu lưu như thế có thể đã hơn một lần xảy đến với chúng ta, nếu chúng ta chọn thái độ giống như thái độ của Samuel: sẵn sàng đáp lại và đi theo.
Đức Kitô kêu gọi. Ngài kêu gọi chúng ta. Ngài chất vấn chúng ta. Có thể là mọi sự vẫn như nguyên. Lời kêu gọi biến mất trong gíó. Lời kêu gọi không gây nên một âm vang nào cả, không một lời đáp nào cả. Đó là điều xảy ra khi chúng ta từ chối lắng tai nghe tiếng nói đang nhẹ nhàng và kín đáo đến với chúng ta, hay khi chúng ta không chấp nhận sống một kinh nghiệm mãnh liệt với Đức Kitô.
Sự gắn bó với Chúa cũng như với lời Ngài, sự lắng nghe để nhận ra ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa trong từng sự kiện, trong gừng biến cố của cuộc sống thường ngay phải là thái độ người môn đệ trung tín của Chúa Giêsu cần phải có.