LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN
7/2 Chúa Nhật thứ Năm Mùa Quanh Năm
G 7:1-4,6-7; Tv 147:1-2,3-4,5-6; 1 Cr 9:16-19,22-23; Mc 1:29-39
LÀM VIỆC VÀ CẦU NGUYỆN
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.
Hôm nay ta cùng chiêm ngắm “Ngày hoạt động của Chúa tại Caphácnaum”. Đó là ngày đầu tiên trong đời sống công khai thi hành tác vụ của Đức Giêsu: ta thấy Người giảng dạy, giải thoát con người khỏi quỷ ám hại, chữa lành người bệnh và cầu nguyện. Đó cũng là bản tóm lược toàn thể hoạt động của Kitô hữu.
Sau khi đã giảng dạy và làm mọi người ngạc nhiên, sau khi đã giải phóng cho một người bị quỷ ám đáng thương, Đức Giêsu rời khỏi Hội đường, ndi họp mặt chung, để đi đến một tư gia, nhà hai anh em Simon và Anrê. Tôi hình dưng ra Đức Giêsu đang bước đi trên đường phố, cùng với bốn môn đệ đầu tiên của Người, vì hai ông Giacôbê và Gioan cũng có mặt ở đó, ngày nay cũng vậy, tác động của Thiên Chúa được thể hiện khắp nơi, trong mọi lãnh vực của cuộc sống: Tôn giáo cũng như trần thế, công cộng cũng như tư riêng. Lạy Chúa, Chúa ở với chúng con trong nhà thờ, Chúa hiện diện cùng chúng con ngoài đường phố, trên các quảng trường, và ngay trong nhà chúng con.
Người ta lấy làm ngạc nhiên, vì trong Tin Mừng, có rất nhiều lần Đức Giêsu chữa lành người bệnh. Ngày xưa, bệnh tật mang một ý nghĩa tôn giáo và người chữa trị thuộc lãnh vực y khoa. Tuy nhiên, dù trước mọi tiến bộ về y học, bệnh tật và đau khổ vẫn đeo bám con người và tiếp tục đặt con người vào một tình trạng rất đáng sợ. Ngay giữa nền văn minh kỹ thuật của chúng ta, một “dấu hiệu” biểu lộ sự yếu đuối của thân phận con người vẫn còn luôn như trước: đó là con người có thể chịu những rủi ro xảy đến cách đột ngột bất ngờ.
Trong thâm tâm, ai mà không sợ một số những chứng bệnh mà người ta không dám nhắc đến tên? Bệnh tật luôn mâu thuẫn với ý muốn sống yên ổn và bền vững trong tâm lý mọi người. Chỉ cần một cơn sốt nặng cũng đủ quật ngã con người mạnh nhất và buộc họ phải ngưng làm việc không còn trầm trọng hơn, khi mọi người chúng ta đều thừa biết rằng, một ngày nào đó ta sẽ gặp một bệnh mà không thầy thuốc nào chữa nổi.. Mọi bệnh tật đều mang “dấu” của tử thần: đó là biểu tượng của thân phận con người mỏng dòn và ta không thể tránh được.
Tại nhà Simôn, Đức Giêsu đã chữa mẹ vợ ông khỏi sốt cao. Như thế, Người cho thấy Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa khác của loài người, đó là bệnh tật. Nhưng trong nhãn quan của TM II, bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên chữa lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma quỷ. Ở đây, chúng ta ghi nhận là lần đầu tiên Đức Giêsu chữa lành bệnh tật là cho một phụ nữ, trong khung cảnh đơn sơ và thân tình của một ngôi nhà và của một gia đình. Bằng chứng cho thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu đáo phục vụ các khách quý. Cũng như Đức Kitô đã đỡ bà mẹ vợ Simôn trỗi dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động như một người đã chết, Người cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để chúng ta có thể phục vụ Người.
Khi ngày sa-bát chấm dứt, tức là lúc chiều xuống (người Do thái tính một ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn như biểu thức được lập đi lập lại ở trang đầu của sách Sáng Thế: “vào một buổi chiều và một buổi sáng, ấy là ngày thứ…”), người ta có thể đem các bệnh nhân đến nhà ông Si-mon mà không phải vi phạm lệnh truyền giữ ngày sa bát. Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Việc chữa lành bệnh tật thể lý nầy chỉ nhằm chuẩn bị một dấu chỉ khác mà Đức Giê-su không bao lâu sau sẽ thực hiện cũng trong chính thành Ca-phác-na-um nầy, khi Ngài nói với người bại liệt: “Nầy con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2: 5). Đức Giê-su biết rằng dân chúng tin có một mối dây liên kết giữa bệnh tật và tội lỗi. Khi chữa lành đám đông khỏi mọi bệnh tật, Ngài loan báo ơn tha thứ tội lỗi.
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện là sự thinh lặng. Chúng ta cần sự thinh lặng, vì chính trong sự thinh lặng này – một sự thinh lặng mà người “hướng ngoại” không thể nào chịu nổi – Chúa Cha sẽ nói với ta lời của Ngài, Chúa Kitô sẽ chia sẻ với chúng ta ý nghĩa của mầu nhiệm Chết và Phục sinh của Người, và Chúa Thánh Thần sẽ thôi thúc để chúng ta tìm ra đường hướng Chúa muốn chúng ta đi. Ngày nay, con người dường như rất sợ sự thinh lặng, do đó con người tạo ra trăm ngàn cớ để chạy trốn cái giây phút tĩnh lặng trước mặt Chúa, Đấng lột trần cho thấy sự hư vô tột cùng của kẻ từ chối chấp nhận mình nghèo khó và yếu đuối.
Đức Giêsu cần cầu nguyện, vì dường như cầu nguyện làm Ngài là Ngài hơn, giúp Ngài kết hợp với Thiên Chúa hơn, làm Ngài triển nở và trọn vẹn hơn. Cầu nguyện diễn tả Ngài là một với Thiên Chúa tuy dù lúc nào Ngài cũng kết hợp với Thiên Chúa. Cầu nguyện diễn tả Ngài tùy thuộc hoàn toàn Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa muốn gì Ngài sẽ thực hiện như vậy. Qua cầu nguyện, Ngài là Ngài, Ngài triển nở và hạnh phúc. Chính khi Đức Giêsu tùy thuộc Thiên Chúa hoàn toàn, cho thấy Ngài là một với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta được được nên giống Đức Giêsu hơn, làm một với Thiên Chúa hơn, trở nên con của Thiên Chúa hơn.
Ngày nay có khi vì đời sống kinh tế khó khăn mà nhiều người tham công tiếc việc, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật. Chính vì không biết dung hòa giữa hồn và xác, cho nên lắm khi đến tham dự Thánh Lễ rất ư là mệt mỏi, chưa kể đến lo ra chia lòng chia trí, khi ít khi nhiều, khi nào cũng có. Xác thì ngồi trong nhà thờ, nhưng lòng trí thì lang thang ở đâu đó.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết sống hài hoà giữa lao động và cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện ta sống gắn bó mật thiết với Chúa và thi hành theo ý Chúa. Đồng thời, nhờ lao động chúng ta góp phần vào công trình sáng tạo của Chúa, để xây dựng cuộc sống ngày mỗi tốt đẹp hơn.