2022
ĐỪNG KẾT ÁN AI
3.4 Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay
Is 43:16-21; Tv 126:1-2,2-3,4-5,6; Pl 3:8-14; Ga 8:1-11
ĐỪNG KẾT ÁN AI
Chúng ta biết rằng, đến cao điểm thì sư ghen tị và âm mưu của người Do Thái càng lộ rõ hơn, họ muốn tìm cách để loại trừ Đức Giêsu, vì qua những lần lên đền thờ, qua những bài giảng, Chúa Giêsu đã trực tiếp đụng chạm đến đời sống và quyền lợi của các thày thượng tế và luật sĩ tại Giêrusalem. Chúa Giêsu đã thẳng thắn lên tiếng cảnh cáo lối sống giả hình, tham tiền và những việc làm của các nhà lãnh đạo, những người này một mặt thì muốn người ta trọng vọng mình, giành cho mình những quyền lợi và ưu tiên, mặt khác họ bày vẽ và đặt ra nhiều thứ tập tục để có được nhiều tiền, như cho người dân vào buôn bán, đổi tiền trong sân đền thờ… Chúa Giêsu đã lên án những cách sống như thế và mời gọi mọi người trở về với lề luật và giới răn của Thiên Chúa.
Kinh cáo mình có câu: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm và những điều thiếu sót”. Tội chúng ta phạm có thể là tội cố tình vi phạm một điều luật cấm như dối trá, trộm cắp, ngọai tình, phá thai… hay tội bỏ không làm việc lẽ ra phải làm như: Bất hiếu với cha mẹ, làm ngơ trước người đau khổ cần trợ giúp…
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã đề cập đến tội thiếu sót này như dụ ngôn ông nhà giàu đã làm ngơ không giúp đỡ anh La-da-rô, một người nghèo khổ nằm trước cửa nhà ông ta (x Lc 16,19-31). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su cũng sẽ phán với những kẻ bỏ qua không chịu làm việc lành như sau: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi chẳng đón tiếp; Ta mình trần các ngươi không cho đồ mặc; Ta ở tù các người đã không viếng thăm …” (Mt 25,41-45).
Những tội thiếu sót này tưởng chỉ là tội nhẹ mà thực ra cũng có thể thành tội nặng nếu nó cho thấy trong ta không có tình thương và đồng nghĩa với tội giết người như thánh Gio-an đã viết: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân . Và anh em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,14b-15).
Những luật sĩ và biệt phái hôm nay đã có cơ hội giăng một cái bẫy, và họ tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ không thể thoát khỏi cái bẫy này: Họ đem đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt người phụ nữ này đứng trước mặt Chúa Giêsu và đám đông, vừa để làm nhục người phụ nữ và vửa để thử Chúa Giêsu: Thưa Thày, theo luật Mosê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá cho chết, còn Thày, Thạy dạy làm sao? Những người luật sĩ và biệt phái đặt ra cái thòng lọng ở cả hai đầu, nếu Chúa Giêsu đồng ý cho họ ném đá người phụ nữ này, thì chứng tỏ giáo lý về lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không có gì khác hơn Mosê, và nếu Chúa tha cho người phụ nữ này, thì họ sẽ có cớ để kết án Chúa vi phạm luật Mosê. Đàng khác qua việc tố cáo kết án người phụ nữ này, những luật sĩ và biệt phái muốn nói với mọi người rằng: họ là những người công chính, ngay thẳng, đạo đức thánh thiện và có quyền kết án người khác.
Chúa Giêsu đã biết thâm ý của họ, Ngài đã không trả lời trực tiếp, nhưng Ngài thinh lặng cúi xuống lấy tay viết trên đất. Chúa Giêsu đã tạo một khoảng thinh lặng để cho những con người đang hằm hằm sát khí, đang lăm le cằm hòn đá trên tay kia, có thời gian để nhìn lại chính mình, cho đến khi họ đòi Chúa phải nói một điều gì đó ủng hộ hay phản đối, Chúa mới nói với họ: Ai trong các ông là người sạch tội thì lấy đá mà ném trước đi. Một câu nói bất ngờ khiến cho họ giật mình tự vấn lương tâm, và rồi họ đã buông những hòn đá xuống đất, và từng người bỏ đi, từ người lớn đến người nhỏ, vì không ai trong họ thấy mình là là người sạch tội.
Cuối cùng chỉ còn mình Chúa Giêsu và người phụ nữ đứng đó, Chúa nói với họ: Ta không lên án chị đâu, chi về đi và từ nay đừng phạm tội nữa- Người phụ nữ này đã được đối diện với một Thiên Chúa là Cha nhân từ yêu thương tha thứ, qua lời tuyên bố này, cho thấy một trái tim chạnh thương và cảm thông nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không chấp nhận tội lỗi,và tình trạng tội lỗi, nhưng Ngài lại nhân thừ và thương xót tội nhân. Vì cũng mang thân phân làm người, Chúa Giêsu cũng đã mang trong mình yếu đuối tư bề, và cũng còn bị ma quỷ tấn công cám dỗ, chính vì thế Ngài hiểu thế nào là thân phận yếu đuối của con người, của người phụ nữ này, và Ngài đã nói với chị: Ta không kết án chị đâu.
Không kết án người phụ nữ, vì có thể chị cũng chỉ là nạn nhân, còn kẻ gây ra tội đã bỏ trốn, hoặc lại được coi là được phép, không kết án chị, vì chị đáng thương hơn là đáng trách. Tôi không kết án chị, không có nghĩa là đồng lõa bao che hay chấp nhận sự sai trái, không kết án, để chị có cơ hội làm lại cuộc đời. Tha cho người có tội, nhưng Chúa Giêsu cũng đòi họ một điều kiện: Từ nay đừng phạm tội nữa, Chúa muốn cho người phụ nữ này có một cơ hội, có một tương lai, Chúa muốn chị bỏ lại đàng sau quá khứ sai lầm, vì ai cũng có thể đã từng sai lầm, điều quan trọng không phải là trong quá khứ tôi đã làm gì cho bằng, trong tương lai tôi sẽ làm gì và sẽ như thế nào.
Tội ngoại tình đa dạng và nhiều kiểu lắm chứ không phải đơn thuần chỉ là chuyện ăn nằm với người khác mà thôi đâu. Khi người ta bỏ Chúa đi thờ ngẫu tượng và các thần xa lạ khác thì lúc đó người ta đang phạm tội ngoại tình đấy. Khi đi cầu cơ, đi coi bói, chơi bùa, chơi ngải, cúng vái các tượng thần để xin chữa bịnh, xin cho làm ăn phát tài …
Khi cúi gập mình xuống để tôn thờ thần sex, làm nô lệ cho thần khoái lạc, suốt ngày chỉ tôn thờ những thú vui trụy lạc, lao đầu vào những thú vui giải trí thiếu lành mạnh nhưng vẫn nghĩ rằng xã hội nhiều người làm như thế, nên tôi làm cũng chẳng sao. Rồi tự do yêu đương, tự do quan hệ, tự do luyến ái theo kiểu “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em cũng chẳng hề hối tiếc”.
Khi quỳ xuống bái lạy Thần Tài, và cắm đầu cắm cổ làm nô lệ cho nó, bỏ cả nhà thờ nhà thánh, bỏ lễ, bỏ đọc kinh và bỏ luôn không lãnh nhận các phép bí tích …
Khi đã chịu phép Rửa Tội đàng hoàng nhưng lại đi chùa, đi thắp hương, đi cúng vái ông này bà nọ…… Là khi ấy, con người đang phạm tội ngoại tình, đang ngấp nghé bỏ nhà để đi… kiếm bò lạc đấy.
Trong Chúa Nhật hôm nay, có thể coi như Chúa Nhật cuối cùng của mùa chay, Lời Chúa một lần nữa mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình, thật lòng thống hối để xứng đáng nhận ra ơn tha thứ của Thiên Chúa
2022
Người cha nhân hậu
27.3 Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay
Gs 5:9,10-12; Tv 34:2-3,4-5,6-7; 2 Cr 5:17-21; Lc 15:1-3,11-32
Người cha nhân hậu
Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.
Câu chuyện về đứa con phung phá, còn có thể được gọi là câu chuyện về tấm lòng của một người cha, hay nói đúng hơn là câu chuyện về ba cha con.
Thực vậy người con thứ chỉ là một tay giang hồ hèn nhát. Phải chi nếu vì thương cha nhớ mẹ mà anh ta trở về thì còn khá, đằng này chỉ vì đói khát, thèm ăn cả cám heo mà cũng chẳng được, thôi thì đành trở về. Mà đã trở về thì cũng phải ca mấy câu cho xong chuyện với ông già.
Dụ ngôn đứa con phung phá hay nói đúng hơn là câu chuyện về tấm lòng của một người cha, là câu trả lời trực tiếp cho những bàn tán của bọn biệt phái trước việc Chúa Giêsu thường đi lại và ăn uống với phường thu thuế và tội lỗi.
Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.
Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.
Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.
“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.
“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.
“Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.
Tấm lòng của người cha thật nhân hậu, tốt lành. Người con chỉ mong có được một chỗ ngủ, một bát cơm ăn, một tấm áo mặc. Nhưng cha anh đã quảng đại vô biên, đã đón nhận người con với niềm vui rộn rã: mặc áo mới cho con, mang giầy dép cho con, rồi mở tiệc ăn mừng.
Tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Tình yêu của Ngài vượt quá mơ ước của chúng ta: “Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (Rm 5,20).
Trở về là gặp lại niềm vui xum họp. Trở về là “tìm lại được”, là “sống lại”. Tìm lại được sự sống, đó là ý nghĩa đích thực của việc hoán cải và cũng là lý do của niềm vui sâu xa nơi người cha. Người cha vui mừng mở tiệc không phải vì từ nay đứa con trở về sẽ giúp cho ông việc nầy sẽ làm cho ông việc nọ, mà chỉ vì từ nay anh sẽ được sống và được sống hạnh phúc dồi dào. Thật là một niềm vui hoàn toàn vị tha và rộng mở của người cha bao dung, nhân hậu.
Trong khi người cha tràn đầy niềm vui đón nhận sự trở về của người con với tất cả sự bao dung rộng mở: “Em con đã chết, nay lại sống” thì lòng người anh lại đầy tị hiềm và từ chối chia sẻ niềm vui của người cha: “cái thằng con của cha kia…”
Ta thấy hình ảnh đẹp của người cha là người cha đã chờ đợi rồi ông đã chạy ra đón đứa con hư, tỏ lòng tha thứ mà không cần đứa con giãi bày lời thú tội. Ông đã dọn một bàn tiệc, tổ chức một buổi lễ… Đối với tội nhân hối cải, Thiên Chúa cũng có một thái độ tương tự. Ngài đến gặp họ. Phán quyết trong nội tâm và lòng hối cải đã là dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Kẻ lầm lạc khi tự phán quyết rồi lại quyết định trở về với Thiên Chúa, đó cũng là ân sủng.
Thiên Chúa cầu mong lại đón nhận họ. Đó là do lòng nhân hậu của Ngài. Và, nói một cách sát chữ, Ngài đem lòng yêu thương dạt dào người tội lỗi đã hối cải, quên đi quá khứ, xoá bỏ ác quả và tội vạ, và hơn nữa, cho họ được những đặc ân không ngờ, đây là mầu nhiệm khôn dò của ân sủng Người.
Mỗi người chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn Chúa vì đã được tha thứ bằng cách ở lại trong tình yêu của Cha trên trời. Nếu chúng ta lỡ xa cách Chúa, hãy mau trở về với Ngài. Hãy cầu nguyện cho mình và anh chị em khám phá ra tình yêu của Chúa ngay giữa cuộc sống. Bắt gặp được tình yêu Thiên Chúa như Phêrô bắt gặp tia mắt của Chúa Giêsu khi chúng ta sa ngã. Chính tình yêu của Chúa mới cứu được chúng ta.
2022
Sám hối
20.3 Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay
Xh 3:1-8,13-15; Tv 103:1-2,3-4,6-7,8-11; 1 Cr 10:1-6,10-12; Lc 13:1-9
Sám hối
Chúng ta đã khởi đầu Mùa Chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, một nghi thức thật cụ thể để diễn tả một trong những mục tiêu của Mùa Chay, đó là sám hối và trở về. Trong tâm tình đó, hôm nay vào giữa Mùa Chay, một lần nữa, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa để can đảm đứng dậy, sám hối về tất cả những yếu đuối lỡ lầm của chúng ta trong cuộc sống.
Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những kẻ tội lỗi mà nhắm đến mọi người không trừ ai. Thế nhưng có người sẽ thắc mắc: người tốt cũng cần phải sám hối sao?
Trong trường hợp những người được gọi là tốt, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm. Họ giống như cây vả trong bài Tin Mừng này. Ông chủ muốn đốn nó không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra. Một cây vả mà không sinh trai vả thì đâu còn là cây vả nữa.
Các kitô hữu ít khi tự đặt cho mình câu hỏi này: Điều gì lẽ ra tôi phải làm mà lại không làm? Tiếng gọi sám hối không chỉ kêu gọi ta thôi đừng làm điều xấu nữa, mà còn kêu gọi ta hãy “sinh trái” bằng những việc tốt. Chính vì thế mà lời kêu gọi này nhắm đến mọi người
Cũng như mọi ngôn sứ trong Kinh Thánh, Đức Giêsu trước tiên là một nhà giảng đạo, không phải là người dạy luân lý dưới hình thức những bài học xã hội. Kiểu nói của Đức Giêsu, mang tính ngăn đe đáng sợ: “Các ông sẽ chết hết, nếu các ông không thay đổi”. Đức Giêsu chấp nhận tâm lý chung sao? (đau khổ là sự trừng phạt) mà Người vừa mới phủ nhận? Chắc không phải như vậy? Rõ ràng Đức Giêsu không nói về cái chết thể lý mà những người biểu tình bị tàn sát hay những nạn nhân do tháp đổ đã chết. Đức Gíêsu không không điên hay ngây ngô. Người quá biết người công chính cương: phải chết, Chính Người cũng phải lên thành Giêrusalem, để bị Philatô giết hại.
Thiên Chúa còn kiên nhẫn đối với dân Israel, mỗi khi họ gặp sức ép của Pharaon, họ đã kêu rên, than trách Maisen và cả Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã cho Pharaon càng tăng sức ép thì dân càng mong sớm được giải phóng trở về quê hương. Khi dân biết nghe lời Maisen ra khỏi Ai Cập thì Thiên Chúa càng thương yêu cứu chữa họ và ban cho bao nhiêu đặc biệt như: đi dưới ánh sáng soi đường ban đêm, đám mây che mát ban ngày, vượt qua biển đỏ bình an, ăn thức ăn linh thiêng, uống nước linh thiêng chảy từ tảng đá.
Thế mà phần đông họ đã không biết ơn Thiên Chúa, lại còn chống đối, phản loạn, không cần Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bỏ mặc họ và họ đã chết, xác họ ngổn ngang trong sa mạc. Thánh Phaolô đã lấy bài học đó để răn dạy giáo đoàn Corintô và chúng ta. Chúng ta phải lo sám hối đừng tưởng mình vô tội, đừng tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo sa ngã). Sa ngã và chết đời đời là vấn đề nguy khốn nhất. Lời Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hôm nay: “Nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng phải chết hết y như vậy”, không phải chỉ chết đời này mà còn chết đời đời
Nhưng Đức Giêsu, khi có ý đặt mình trên một bình diện khác với bình diện con người: Bình diện chính trị, luân lý hay xã hội, Người muốn mạc khải một chân- lý tôn giáo. Người khẳng định có một cái chết khác, một sự hư mất đời đời, mà không ai nghĩ đến và Người không ngừng nhắc đến. “Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết hết”: Không phải cái chết sinh lý mà các bạn nhận thấy hằng ngày chung quanh mình, mà là cái chết khác có tính nhiệm mầu do tội lỗi gây ra. Đức Giêsu không mời gọi chúng ta “khám phá”: Thực sự chúng ta không có cách nào để kiểm chứng theo lý trí, với mức độ phân tách của con người, những điều Chúa nói. Đó thật là một “mạc khải”, một vấn đề đức tin.
Đức Giêsu mạc khải cho ta biết mọi người đều có tội, và được ban cho cơ hội hoán cải.
Làm thế nào giải thích rằng Chúa Giê-su vừa mới từ chối ý tưởng theo đó có những mối liên hệ trực tiếp giữa tai họa và tội lỗi, lại ngay tức khắc đe dọa thính giả của Ngài về tội lỗi? Viễn cảnh chung của các chương 12 và 13 này là viễn cảnh của ngày chung thẩm: phải sám hối nếu muốn thoát khỏi án phạt. Thế nên, người ta nghĩ rằng cái chết thảm hại mà Chúa Giê-su cảnh giác những người đối thoại của Ngài, thì thuộc trật tự tinh thần: mất sự sống trong Nước Trời.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su nhiều lần nghĩ đến dân của Ngài, đa số trong họ đã không thể nhận ra Ngài; Ngài than trách thành thánh Giê-ru-sa-lem vì “đã giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến với họ” (Lc 13: 34). Trong lời kêu gọi khẩn thiết hãy sám hối trước khi đã quá muộn, không phải chúng ta cũng được mời gọi gẫm suy lời cảnh báo của Chúa Giê-su về sự sụp đổ thành thánh Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sao? “Nếu các ngươi không chịu hối cải, tất cả các ngươi sẽ bị chết y như vậy”.
Chúng ta biết các thói hư tật xấu giống cỏ dại, nơi đâu cũng có thể mọc lên mà không cần vun tưới. Cỏ dại nơi lòng người cũng cứ tự nhiên phát triển. Điều tốt mình muốn nhưng lại không làm. Bản năng con người có cảm tình với các tật xấu, tội lỗi và hướng chiều về sự dữ. Tội lỗi có một ma lực kéo lôi và quyến rũ. Nếu chúng ta không cẩn thận ngăn ngừa và cắt bứng ngay. Khi hạt giống sự dữ được gieo vào lòng thì lớn lên nhanh. Thói quen xấu lâu ngày trở thành tật bệnh. Sự sám hối là nhận biết chính mình để phục hồi sự tốt lành thánh thiện. Bài phúc âm nhắc nhớ câu truyện của mấy người Galilêa bị ngược đãi, bị ghép tội và bị giết. Chúa Giêsu nhắn nhủ mọi người: Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy (Lc 13, 3). Chưa chắc những người này là những người tội lỗi. Mùa chay, mỗi người chúng ta hãy tự xét chính mình trước mặt Chúa.
Mùa Chay là cơ may Chúa ban cho để chúng ta hối cải như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô :”Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”(2Cr 6,2b). Ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thời gian gia hạn Chúa ban do lòng thương xót của Ngài. Sau khi cánh cửa thời gian khép lại, chúng ta sẽ không còn cơ hội để hối cải và sinh hoa kết quả nữa.
2022
Thiên Chúa bày tỏ vinh quang
13.3 Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay
St 15:5-12,17-18; Tv 27:1,7-8,8-9,13-14; Pl 3:174; Pl 3:204; Lc 9:28-36
Thiên Chúa bày tỏ vinh quang
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng biến đổi khác thường.
Theo truyền thống Kinh Thánh cũng như hầu hết các tôn giáo, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần linh và con người. Trong Kinh Thánh, những mạc khải quan trọng đều diễn ra trên núi cao. Môsê lên núi Sinai gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận 10 giới răn. Êlia gặp Chúa trên núi Horeb. Êlisê gặp Chúa trên núi Carmel… Trong Tân ước, Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh nơi hoang địa, trên núi cao; khi rao giảng Tin Mừng, Ngài công bố Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc; rồi trong 3 năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Và đặc biệt hôm nay, Ngài đưa theo 3 môn đệ thân tín lên núi.
Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ba môn đệ lên núi và biến hình trước mặt các ông? Cuộc lên núi này có ý nghĩa gì đối với các môn đệ và với mỗi người chúng ta hôm nay?
Để hiểu biết lý do tại sao Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi và tỏ vinh quang cho các ông, chúng ta cần đọc bản văn trong toàn bộ bối cảnh của nó.
Vâng, đọc Tin Mừng, chúng ta được biết, sau một thời gian khá dài giảng dạy ở Galilea – miền bắc nước Israel, giờ đây, Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường tiến về Gierusalem – miền nam và cũng là thủ đô của đất nước.
Thầy trò cùng đi trên một con đường nhưng mỗi người lại có ý hướng khác nhau. Chúa Giêsu biết rõ Ngài lên Gierusalem để chịu đau khổ và chịu chết. Các môn đệ lại không nghĩ như vậy. Họ cứ tưởng chuyến này lên Gierusalem, Thầy sẽ nổi danh, sẽ dành chính quyền, sẽ được tôn làm vua; khi đó, các ông tha hồ mà tranh nhau chức tước! Trên đường đi, Gioan và Giacobe đã tranh thủ xin Thầy hai chỗ tốt nhất là được ngồi bên tả và bên hữu Đức Giêsu khi Ngài được tôn vinh tại Gierusalem!
Để tránh hiểu lầm đáng tiếc này, trước cuộc hiển dung 8 ngày, Đức Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Lc 9, 22). Nghe thế, các môn đệ ngỡ ngàng; Phêrô đã ra sức can ngăn: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Phêrô không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Ong không muốn chấp nhận bước theo Thầy trên con đường khổ giá. Ông đã bị Đức Giêsu khiển trách “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người”.
Hôm nay, Chúa đưa 3 môn đệ thân tín lên núi và biến đổi dung mạo trước mắt các ông là có chủ đích. Người hé lộ thần tính của Người để các ông thêm niềm tin tưởng. Người cho các ông thấy vinh quang để các ông chấp nhận con đường gian nan đau khổ Người sắp trải qua cũng như mời gọi các ông bước theo.
Khi chứng kiến phép lạ, Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng cứu độ Cựu ước đã loan báo [với sự xuất hiện của hai vị đại diện cựu ước là Mose và Elia].
Tuy nhiên, trong hạnh phúc ngất ngây, Phêrô đã xin với Thầy cho mình được ở mãi trên núi: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt quá; chúng con xin dựng 3 lều, một cho Thầy, một cho Mose và một cho Elia”. Chắc hẳn còn một câu nữa mà ông không nói ra hay thánh sử Luca không ghi lại, đó là “Chúng con không cần lều, ở đâu cũng được, miễn là trên núi!”. Đây là tâm lý chung của con người. Thật vậy, ai mà chẳng thích vinh quang; ai mà chẳng ngại gian nan đau khổ! Nhưng đường lối cứu độ của Thiên Chúa lại không phải như vậy. Cho nên, ngay lúc đó, Phero nghe được tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người”.
Vì thế, sau những giờ phút vinh quang trên núi, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và Phêrô cũng như các tông đồ khác đã theo Thầy tiến về Gierusalemtrên, chấp nhận bước vào con đường khổ nạn Thập giá; đường khổ nạn thập giá đã là đường đưa các ông đến vinh quang nước trời.
Có thể nói, việc lên núi và chứng kiến Chúa biến hình đã thực sự biến đổi cuộc đời các tông đồ. Còn mỗi người chúng ta thì sao?
Trong hành trình đức tin hôm nay, chúng ta cũng gặp biết bao gian nan thử thách do việc bổn phận, do những trái ý xảy ra hằng ngày; đó là những thập giá Chúa gửi đến và mời gọi chúng ta đón nhận để bước theo Ngài. Theo suy nghĩ tự nhiên của con người, chúng ta cũng dễ chán nản, buông xuôi, bỏ cuộc. Tuy nhiên, Chúa vẫn thường xuyên đưa chúng ta lên núi với Chúa: Núi của thánh lễ, núi của những phút giây ngất ngây cầu nguyện, núi của những dịp tĩnh tâm mùa chay…
Ước gì trong mùa chay thánh này, chúng ta hãy thường xuyên ‘lên núi’ với Chúa qua các thánh lễ, qua các giờ chầu và kinh nguyện để chúng ta vững tin, can đảm đón nhận thập giá mà không bỏ cuộc; để nhờ đã biết đón nhận và vác thập giá theo Chúa, chúng ta cùng được tiến vào vinh quang phục sinh với Người.
Cuộc biến hình của Chúa Giêsu: Trình thuật của Lucas hôm nay muốn liên kết với trình thuật khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa và Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp xảy ra tại Jerusalem của Ngài (Lc 9,18-22), qua việc đề cập đến “tám ngày sau.” Mục đích của Chúa Giêsu khi đem theo Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện là để cho các tông đồ chứng kiến thần tính thực sự của Ngài: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.”
Chúa Nhật thứ II mùa chay Hội Thánh mời gọi chúng ta xét lại xem đã sống đức tin như thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Đức tin đã thực sự làm chúng ta nên công chính như tổ phụ Abraham chưa? Ngài đã hoàn toàn đặt tin tưởng vào Chúa, ngay chính lúc tuyệt vọng, không còn lý do để tin tưởng. Chính do lòng tin tưởng thuần phục đó, tổ phụ Abraham đã được toại nguyện, đúng như lời Chúa hứa.
Đức Kitô chính là Đấng đến thực hiện trọn vẹn những gì Cựu Ước đã chuẩn bị và loan báo. Và như thế, Ngài trở nên Đấng Cứu Độ duy nhất mà muôn dân hằng mong đợi.
Qua bài Tin Mừng các Tông Đồ biết Đức Giêsu có thần tính và là Đấng mà Môsê và các tiên tri loan báo mấy trăm năm về trước. Chính Ngài là Lời của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Do đó, cùng với việc tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất, phụng vụ mời gọi chúng ta cũng đặt trọn niềm tin của mình vào Đức Kitô qua việc lắng nghe lời Người.