Thiên Chúa bày tỏ vinh quang
13.3 Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay
St 15:5-12,17-18; Tv 27:1,7-8,8-9,13-14; Pl 3:174; Pl 3:204; Lc 9:28-36
Thiên Chúa bày tỏ vinh quang
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng biến đổi khác thường.
Theo truyền thống Kinh Thánh cũng như hầu hết các tôn giáo, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần linh và con người. Trong Kinh Thánh, những mạc khải quan trọng đều diễn ra trên núi cao. Môsê lên núi Sinai gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận 10 giới răn. Êlia gặp Chúa trên núi Horeb. Êlisê gặp Chúa trên núi Carmel… Trong Tân ước, Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh nơi hoang địa, trên núi cao; khi rao giảng Tin Mừng, Ngài công bố Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc; rồi trong 3 năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Và đặc biệt hôm nay, Ngài đưa theo 3 môn đệ thân tín lên núi.
Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ba môn đệ lên núi và biến hình trước mặt các ông? Cuộc lên núi này có ý nghĩa gì đối với các môn đệ và với mỗi người chúng ta hôm nay?
Để hiểu biết lý do tại sao Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi và tỏ vinh quang cho các ông, chúng ta cần đọc bản văn trong toàn bộ bối cảnh của nó.
Vâng, đọc Tin Mừng, chúng ta được biết, sau một thời gian khá dài giảng dạy ở Galilea – miền bắc nước Israel, giờ đây, Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường tiến về Gierusalem – miền nam và cũng là thủ đô của đất nước.
Thầy trò cùng đi trên một con đường nhưng mỗi người lại có ý hướng khác nhau. Chúa Giêsu biết rõ Ngài lên Gierusalem để chịu đau khổ và chịu chết. Các môn đệ lại không nghĩ như vậy. Họ cứ tưởng chuyến này lên Gierusalem, Thầy sẽ nổi danh, sẽ dành chính quyền, sẽ được tôn làm vua; khi đó, các ông tha hồ mà tranh nhau chức tước! Trên đường đi, Gioan và Giacobe đã tranh thủ xin Thầy hai chỗ tốt nhất là được ngồi bên tả và bên hữu Đức Giêsu khi Ngài được tôn vinh tại Gierusalem!
Để tránh hiểu lầm đáng tiếc này, trước cuộc hiển dung 8 ngày, Đức Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Lc 9, 22). Nghe thế, các môn đệ ngỡ ngàng; Phêrô đã ra sức can ngăn: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Phêrô không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Ong không muốn chấp nhận bước theo Thầy trên con đường khổ giá. Ông đã bị Đức Giêsu khiển trách “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người”.
Hôm nay, Chúa đưa 3 môn đệ thân tín lên núi và biến đổi dung mạo trước mắt các ông là có chủ đích. Người hé lộ thần tính của Người để các ông thêm niềm tin tưởng. Người cho các ông thấy vinh quang để các ông chấp nhận con đường gian nan đau khổ Người sắp trải qua cũng như mời gọi các ông bước theo.
Khi chứng kiến phép lạ, Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng cứu độ Cựu ước đã loan báo [với sự xuất hiện của hai vị đại diện cựu ước là Mose và Elia].
Tuy nhiên, trong hạnh phúc ngất ngây, Phêrô đã xin với Thầy cho mình được ở mãi trên núi: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt quá; chúng con xin dựng 3 lều, một cho Thầy, một cho Mose và một cho Elia”. Chắc hẳn còn một câu nữa mà ông không nói ra hay thánh sử Luca không ghi lại, đó là “Chúng con không cần lều, ở đâu cũng được, miễn là trên núi!”. Đây là tâm lý chung của con người. Thật vậy, ai mà chẳng thích vinh quang; ai mà chẳng ngại gian nan đau khổ! Nhưng đường lối cứu độ của Thiên Chúa lại không phải như vậy. Cho nên, ngay lúc đó, Phero nghe được tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người”.
Vì thế, sau những giờ phút vinh quang trên núi, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và Phêrô cũng như các tông đồ khác đã theo Thầy tiến về Gierusalemtrên, chấp nhận bước vào con đường khổ nạn Thập giá; đường khổ nạn thập giá đã là đường đưa các ông đến vinh quang nước trời.
Có thể nói, việc lên núi và chứng kiến Chúa biến hình đã thực sự biến đổi cuộc đời các tông đồ. Còn mỗi người chúng ta thì sao?
Trong hành trình đức tin hôm nay, chúng ta cũng gặp biết bao gian nan thử thách do việc bổn phận, do những trái ý xảy ra hằng ngày; đó là những thập giá Chúa gửi đến và mời gọi chúng ta đón nhận để bước theo Ngài. Theo suy nghĩ tự nhiên của con người, chúng ta cũng dễ chán nản, buông xuôi, bỏ cuộc. Tuy nhiên, Chúa vẫn thường xuyên đưa chúng ta lên núi với Chúa: Núi của thánh lễ, núi của những phút giây ngất ngây cầu nguyện, núi của những dịp tĩnh tâm mùa chay…
Ước gì trong mùa chay thánh này, chúng ta hãy thường xuyên ‘lên núi’ với Chúa qua các thánh lễ, qua các giờ chầu và kinh nguyện để chúng ta vững tin, can đảm đón nhận thập giá mà không bỏ cuộc; để nhờ đã biết đón nhận và vác thập giá theo Chúa, chúng ta cùng được tiến vào vinh quang phục sinh với Người.
Cuộc biến hình của Chúa Giêsu: Trình thuật của Lucas hôm nay muốn liên kết với trình thuật khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa và Chúa Giêsu tiên báo Cuộc Thương Khó sắp xảy ra tại Jerusalem của Ngài (Lc 9,18-22), qua việc đề cập đến “tám ngày sau.” Mục đích của Chúa Giêsu khi đem theo Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện là để cho các tông đồ chứng kiến thần tính thực sự của Ngài: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.”
Chúa Nhật thứ II mùa chay Hội Thánh mời gọi chúng ta xét lại xem đã sống đức tin như thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Đức tin đã thực sự làm chúng ta nên công chính như tổ phụ Abraham chưa? Ngài đã hoàn toàn đặt tin tưởng vào Chúa, ngay chính lúc tuyệt vọng, không còn lý do để tin tưởng. Chính do lòng tin tưởng thuần phục đó, tổ phụ Abraham đã được toại nguyện, đúng như lời Chúa hứa.
Đức Kitô chính là Đấng đến thực hiện trọn vẹn những gì Cựu Ước đã chuẩn bị và loan báo. Và như thế, Ngài trở nên Đấng Cứu Độ duy nhất mà muôn dân hằng mong đợi.
Qua bài Tin Mừng các Tông Đồ biết Đức Giêsu có thần tính và là Đấng mà Môsê và các tiên tri loan báo mấy trăm năm về trước. Chính Ngài là Lời của Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa. Do đó, cùng với việc tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất, phụng vụ mời gọi chúng ta cũng đặt trọn niềm tin của mình vào Đức Kitô qua việc lắng nghe lời Người.