2022
TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
Chúa Nhật thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
1 V 19:16,19-21; Tv 16:1-2-5,7-8,9-10,11; Gl 5:1,13-18; Lc 9:51-62
TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu ngày xưa cũng có một sức hút ghê gớm đối với người dân. Bao quanh Người có lúc là một đám đông không đếm nổi, có khi là một bữa ăn tối với hơn năm ngàn người đàn ông. Người ta theo Chúa vì phong cách gần gũi của Ngài, những bài giảng nảy lửa như một nhà lãnh đạo, những lời mời gọi như một nhà cách mạng. Nhiều người trẻ ngày xưa nhìn Chúa Giêsu như một thần tượng hấp dẫn, một biểu tượng của sự tự do, một nhà cải cách xã hội. Vì thế, có nhiều người trẻ say mê bước theo Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lợi dụng sự nhiệt tình của người dân. Ngài không tạo cho họ những ảo tưởng, không hứa hẹn một cuộc cách mạng xã hội, sứ mạng của Ngài hoàn toàn khác với những gì dân chúng đang nghĩ về Ngài. Con đường của Chúa Giêsu là con đường yêu thương chứ không phải là bạo lực. Sứ mạng của Ngài là giải thoát và cứu độ con người khỏi nguyên nhân gây ra đau khổ, là ma quỷ và tội lỗi, đem lại cho con người tự do. Vì thế, những ai tin theo và muốn trở nên môn đệ của Ngài cũng sẽ phải đi cùng một con đường với Ngài.
Tin Mừng cho thấy, gần tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem. Tại đó, Chúa Giêsu đã chấp nhận bước vào cuộc hành trình thập giá vì yêu thương con người. Khi nói Chúa Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem, tức là Ngài ý thức rõ ràng về cuộc khổ hình thập giá phía trước mà Ngài sẽ trải qua bắt đầu từ Galilêa, ngang qua Samaria và lên đến đỉnh cao là Giêrusalem..
Tuy nhiên, khi Ngài đi ngang qua Samaria, dân làng tỏ ra không quan tâm, không nuốn đón tiếp Ngài, họ công khai từ chối Chúa. Giacôbê và Gioan đã nổi giận vì thấy Thầy mình bị từ chối. Các ông cứ tưởng rằng các ông theo Chúa thì mọi người sẽ kính nể, sẽ tôn trọng các ông. Tính tự ái nổi lên, các ông thưa : Thưa Thầy, thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không ? Các ông đã muốn mượn danh Chúa để thị uy, muốn nhân danh Chúa để làm điều ác. Chúa Giêsu đã không đồng ý với suy nghĩ và hành động của các ông. Ngài quay lại quở mắng các ông vì lời đề nghị và sự nóng nảy đó. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Đó là cách trả lời của Chúa Giêsu.
Liền sau đó, có kẻ chủ động đến xin với Chúa : Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin theo Thầy. Chúa Giêsu trả lời : Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu. Câu trả lời cho thấy, việc theo Chúa không thể là quyết định bồng bột, cũng không phải là sự thúc đẩy bởi ảo tưởng như theo một thần tượng, theo Chúa không phải để tìm kiếm một chỗ dựa kinh tế hoặc tìm kiếm một vị trí quyền lực. Nhưng, để làm môn đệ của Chúa phải chấp nhận từ bỏ, thoát khỏi ràng buộc của vật chất và những cám dỗ của trần gian. Theo Chúa là dám bước đi trong vô định, dám đặt trọn tương lai trong bàn tay của Chúa, không có sự tính toán thiệt hơn theo thói đời nữa.
Kế đến là một người khác được Đức Giêsu mời gọi: Anh hãy theo tôi. Chắc hẳn người này đã có một đời sống thích hợp, nên Đức Giêsu đã ngỏ lời với anh. Tuy nhiên, anh đã không quảng đại đủ. Anh thưa: Xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Một lời xin xem ra thật chính đáng, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời anh: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa. Trả lời như thế, Chúa Giêsu cho thấy việc loan báo Tin Mừng sự sống thì quan trọng hơn sự chết, việc đáp trả lời mời gọi của Chúa phải là quyết định dứt khoát, không thể nấn ná.
Người tiếp theo được gọi đã đưa ra một lý do: Tôi sẽ theo Thầy, nhưng xin cho tôi về từ biệt gia đình trước đã. Chúa trả lời: Ai cầm cày mà còn ngó lại đàng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Chúa không phủ nhận tình cảm gia đình, Chúa cũng không từ chối bổn phận thảo hiếu làm con, nhưng Chúa cho thấy sự cấp bách của lời mời gọi. Việc chọn theo Chúa Giêsu, đáp trả lời mời gọi làm môn đệ và là người loan báo Nước Trời phải là ưu tiên trên mọi ưu tiên, không vì bất cứ lý do gì có thể trì hoãn sứ mạng này. Theo Chúa là một quyết định dứt khoát không tiếc nuối để có thể bước vào cùng một hành trình với Chúa.
“Anh hãy theo tôi! Người ấy thưa: Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Đức Giêsu bảo: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9,60-61).
Lần này chính Chúa mời gọi anh theo Người, nhưng anh ta lại xin phép về chôn cất cha mình đã. Chúa bảo: hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói rằng chữ hiếu đối với cha mẹ là không quan trọng và đi theo Chúa là hết bổn phận thảo hiếu cha mẹ. Nhưng ai muốn làm môn đệ Chúa phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Trời, chọn Chúa là trên hết, và không được do dự.
Chúng ta không thể đi theo Chúa nếu cứ chờ cho đến khi cha mình qua đời rồi mới theo. Theo Chúa phải biết đặt lại trật tự giá trị: Chúa là trên hết, là ưu tiên hàng đầu, vì Chúa và vì Nước Trời, còn mọi thứ khác là thứ yếu. Muốn theo Chúa phải biết hy sinh những thứ khác để chọn Chúa và lời mời gọi của Người. Ai chần chừ thì không thể theo Chúa được. Đây là trường hợp cần có sự đáp trả của con người đúng thời điểm Chúa gọi. Ai muốn theo Chúa phải biết nắm bắt cơ hội Chúa trao và đáp trả cách dứt khoát, không do dự, không chần chừ.
Chúa Giêsu đã đưa ra hai con đường và mời gọi mỗi người chúng ta lựa chọn (“đường rộng” và “đường hẹp”). Sống cho gia đình và thân nhân, hay là sống sứ vụ tông đồ để loan báo Tin mừng? Đứng trước lời mời gọi ấy của Đức Giêsu, anh thanh niên rất thông minh và lanh lẹ muốn chọn cả hai nên đã vội vàng “mặc cả” với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59).
Thực sự thì mong muốn của anh ta là rất tốt, về chôn cất cha và chu toàn việc gia đình trước đã rồi sau đó sẽ chọn sứ vụ tông đồ. Nhưng Đức Kitô đã trả lời anh ta một cách dứt khoát và mạnh mẽ rằng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại nước Thiên Chúa” (Lc 9, 60). Không dễ chút nào khi chúng ta rơi vào thế phải chọn một và từ bỏ một.
Và cũng chẳng dễ chút nào cho chúng ta nhận biết cái nào là quạn trong nhất và cái nào là phụ thuộc để mà lựa và chọn. Chúa Giêsu cũng đã quả quyết mạnh mẽ với các môn đệ rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62). Đây là một xác quyết mạnh mẽ và là một đòi hỏi triệt để đối với người môn đệ Chúa: phải chọn lựa một cách cương quyết và dứt khoát. Thực ra, điều này không có nghĩa rằng Đức Kitô đòi buộc ta phải phải từ bỏ gia đình và sự thảo kính cha mẹ khi theo Chúa, nhưng Ngài muốn dạy ta phải đặt trọng tâm vào ưu tiên chính và phải dứt khoát trong sự chọn lựa.Lời mời gọi bước theo Chúa là lời mời gọi gỡ bỏ mọi thứ ràng buộc, dù là những ràng buộc chính đáng nhất để có thể sống hoàn toàn tự do thanh thoát.
Thực tế, chúng ta đang bị biết bao lực cản và trói buộc khiến chúng ta không thể bước theo con đường của Đức Giêsu. Ràng buộc đó có thể là những lo toan của cuộc sống, của cơm ăn áo mặc, công ăn việc làm khiến chúng ta không còn thời giờ và cũng không còn chỗ cho Chúa trong tâm hồn. Có những người để cho các mối quan hệ xã hội, bạn hữu ràng buộc khiến họ bỏ quên gia đình, và quên việc sống theo Tin Mừng.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta biết những điều kiện căn bản để theo Chúa Giêsu, đó là sống khó nghèo, phải dứt khoát theo Chúa và biết từ bỏ những quyến luyến ràng buộc.
2022
Sự sống thần linh
19.6 Lễ Mình Máu Thánh Chúa
St 14:18-20; Tv 110:1,2,3,4; 1 Cr 11:23-26; Lc 9:11-17
Sự sống thần linh
Lễ Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta tạ ơn về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tình Ngài vẫn đong đầy cho chúng ta qua Thánh Thể Chúa. Tình Ngài vẫn chịu hiến tế vì chúng ta và qua đó trao ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời để: “Ai ăn bánh này sẽ không chết bao giờ”. Xin cho chúng ta luôn biết siêng năng đón nhận Thánh Thể Chúa là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết hiến tế đời mình kết hợp với hiến tế của Chúa để sinh ơn ích cho mình và cho muôn người.
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu xác nhận sự sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha.” (Ga 6, 57)
Có lẽ Chúa Giêsu khi chọn tấm bánh làm nên từ hạt lúa miến là biểu tượng cho chính thân thể Ngài, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhở con người phải trân quý Tấm Bánh Trời Ban, vì đây cũng là dấu chỉ của một tình yêu cao cả không phải của con người làm ra mà là của Thiên Chúa ân ban. Tấm bánh biểu lộ tình yêu tự hiến hy sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Tấm bánh là thành quả của mồ hôi, của công sức, của hy tế hiến dâng để trở nên của ăn của uống cho nhân trần.
Trong Thánh Kinh ghi lại: “Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu cầm bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ.” Tại sao không phải là một đêm thanh bình hay một ngày bình an để thiết lập Bí tích Thánh Thể? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn giữa lúc nguy nan trăm bề sợ hãi để trao ban Thánh Thể Mình cho các môn sinh? Có lẽ, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh yếu tố hy tế thập giá, là một hy tế tự hiến đầy hy sinh. Thánh Thể được làm nên trong hiến tế thập giá, trong máu và nước mắt của Chúa. Thiên Chúa đã làm tất cả điều đó vì yêu con người.
Vì yêu mà Ngài chẳng màng những hy sinh, những đắng cay muôn phần. Cũng như một người mẹ chẳng quản ngại dầm mưa giãi nắng để gieo trồng hạt gạo thì Chúa Giê-su cũng đi vào cuộc thương khó để làm thánh tấm bánh hằng sống cho nhân trần. Nếu như cha ông ta đã từng đồng cảm với bao vất vả cực nhọc thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, chân lấm tay bùn và lên tiếng nhắc nhở mọi người: “Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.” Có lẽ Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng món quà Thánh Thể mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Một món quà vô giá vì được ban tặng trong hiến tế đẫm máu của Đức Kitô trên Thập giá. Một món quà mà Thiên Chúa đã vun đắp với trọn tình yêu hy sinh chết cho người mình yêu.
Mừng lễ kính Mình Máu Chúa hôm nay như là ôn lại một kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm đại gia đình Giáo Hội của chúng ta. Bí tích Thánh Thể là trung tâm trong đời sống của mỗi người chúng ta cũng như là trung tâm của sinh hoạt Giáo Hội. Mỗi người chúng ta cũng như toàn thể Giáo Hội đều được mời gọi ôn lại kinh nghiệm gia đình mà Chúa Giêsu đã thực hiện với các tông đồ ngày xưa, Ngài mời gọi các tông đồ hãy cộng tác với Ngài để cho đi, cho đi chính Ngài, cho đi chính bản thân của họ.
Mỗi người chúng ta hôm nay cử hành lễ Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được mời gọi cho đi chính mình như Chúa đã cho đi. Chúng ta tôn thờ sự hiện diện của Chúa không đủ, chúng ta còn phải để cho Chúa sống trong chúng ta, để Chúa cho đi trong chúng ta và chúng ta được mời gọi cho đi như Ngài. Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta, để chúng ta cho đi trong tình thương bác ái, để chúng ta được sống như Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày như Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
Kỳ lạ làm sao tình Chúa yêu nhân thế trong Bí tích Thánh Thể! Nhưng có lẽ cũng kỳ lạ không kém khi con người dửng dưng, lạnh lùng và xem thường việc rước Chúa. Không ít người cảm thấy nguội lạnh, chẳng xứng đáng được Chúa ngự vào. Nhưng những người đó hãy ghi nhớ lời Thánh Catarina Xiêna: “Kẻ nói mình nguội lạnh, không dám rước lễ cũng giống như người biết mình bị cảm lạnh mà không chịu đến lò sưởi ấm, ấy thật là dại dột.” Thế nên, càng biết mình nguội lạnh, khô khan, hay hèn yếu, ta càng phải siêng năng đến gần với lò lửa tình thương đang bừng cháy. Các thánh khuyên ta hãy siêng năng rước lễ vì “một lần rước lễ được nhiều ơn ích hơn một tuần ăn chay” (T. Vincentê Phêriê).
Nếu không thể rước Chúa cách trực tiếp thì cũng hãy rước lễ cách thiêng liêng. Với lòng ước ao rước Chúa cũng đủ để khử trừ mọi tội nhẹ và giữ gìn ta khỏi các tội trọng rồi. Nếu không thể đi dâng Lễ hàng ngày, thì hãy đọc lên lời nguyện “Rước lễ Thiêng liêng” sau đây để lửa mến Chúa được bừng cháy luôn trong tâm hồn: “Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin hãy ngự vào lòng con”.
2022
Hiệp nhất và yêu thương như Ba Ngôi
12.6 Lễ Chúa Ba Ngôi
Cn 8:22-31; Tv 8:4-5,6-7,8-9; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15
Hiệp nhất và yêu thương như Ba Ngôi
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta thấy được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Và theo sự diễn tả của thánh Gioan, thì từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu qui hướng về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu đã nhập thể, đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho loài người, như là Con Thiên Chúa. Đồng thời, trong Ngài chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là người mẹ trao ban sự sống. Tuy chỉ là một, nhưng Ngài lại có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vô cùng cao siêu, mỗi người nhận ra được một vẻ, một tia sáng do Thiên Chúa soi cho. Cũng như muôn ngàn nhà khoa học, mỗi người tìm ra được một chân lý, một phát minh, một sáng chế trong vũ trụ vạn vật mênh mông và vĩ đại này. Cho nên dù Newton là nhà bác học có nhiều phát minh, ông chỉ dám ví mình như đứa trẻ chơi trên bãi biển, may mắn tìm được mấy vỏ trai, vỏ sò đẹp mà thôi. Vũ trụ vạn vật còn vô số những kỳ diệu, người ta giống như đoàn người mù đi xem voi, mỗi người thấy một cái lạ lùng khác nhau.
Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật làm sao con người biết được. Thật vinh phúc và vô cùng trọng đại cho loài người là đã được Người Con Một từ trời xuống nói cho biết về Ba Ngôi Thiên Chúa. Phúc cho ai tin vào Người Con đó thì được sống muôn đời. Môsê, Nicôđêmô, Phaolô và muôn triệu người đã được phúc đó.
Môsê được thấy Thiên Chúa trong bụi gai đang bốc lửa cháy. Ánh sáng lửa đó đã soi sáng ông thành nhà lãnh đạo cứu dân Israel. Nicôđêmô được phúc đàm đạo với Con Thiên Chúa, nhờ đó ông đã được phúc cất xác Người trong huyệt của mình. Phaolô, hôm nay trong Bài đọc hai, đã cho chúng ta thấy những ơn phúc ông đã được: ân sủng của Chúa Con, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh thần. Và ông đã xin chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ơn phúc đó của Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an.
Chúa Ba Ngôi chính là một biểu tượng, một mẫu gương cho sự hợp nhất của chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa không bao giờ hoạt động riêng lẻ. Bất cứ công việc nào cũng đều có sự thông dự của cả Ba Ngôi. Trước hết, trong công trình tạo dựng vũ trụ, Chúa Cha đã dựng nên tất cả bằng Lời khôn ngoan Ngài phán từ miêng mình và nhờ Thần khí bay là là trên mặt nước như luồng gió huyền diệu.
Tiếp đến trong công trình cứu độ của Chúa Con cũng thế. Chúa Cha luôn hành động trong Đức Kitô để Ngài rao giảng và làm các phép lạ. Và Chúa Thánh Thần đã cộng tác ngay từ lúc Mẹ Maria thụ thai cho đến khi Đức Kitô sống lại, thổi hơi trên các môn đệ để họ nhận lấy thần khí của Ngài. Và sau cùng trong công trình thánh hoá của Ngôi Ba cũng vậy. Các ơn Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người đều do Chúa Cha ban cho chúng ta qua Đức Kitô. Vì thế mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã xác quyết: Mọi sự Chúa Cha đều là của Thầy và Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà ban cho các con.
Sự hiệp nhất giữa Ba ngôi nhắc cho chúng ta hiểu rằng: Con người cũng là những nhân vị, có tự do, có ý thức, có tình cảm riêng tư cần được tôn trọng. Đó không phải là sự gắn bó của những chiếc đũa vật chất, mà ta có thể dùng sức lực để bó chặt lại, rồi cưa đầu chặt đuổi cho bằng nhau. Muốn tạo sự hợp nhất thì các ngôi vị phải gặp gỡ, thông cảm và yêu thương nhau.
Là kitô hữu, đứng trước căn tính hiệp nhất của Ba Ngôi chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải chiêm ngưỡng, bắt chước và sống tình yêu thương với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể hiệp nhất được.
Phải nhìn nhận thẳng với nhau một điều rằng đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình ngày hôm nay đang phải đối diện với một thách đố lớn giữa một xã hội phát triển. Ngày hôm nay người ta dường như tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và đã tìm mọi cách sống cái chủ nghĩa cá nhân đấy một cách triệt để nhất.
Gia đình: Ngày hôm nay khó mà tìm được gia đình hiệp nhất. Vì lẽ chồng, vợ, con cái không nhìn nhận ra đúng vai trò của mình để rồi gây ra không biết bao nhiêu là rạn nứt cho chính người thân yêu của mình. Ngày hôm nay tình trạng ly dị quá cao, tình trạng trẻ em bỏ đi bụi đời càng nhiều. Con người ngày nay đã không khiêm tốn đủ để sống vai trò mà Thiên Chúa mời gọi họ.
Cộng đoàn tu trì: Cộng đoàn tu trì cũng thế thôi. Khó mà tìm ra được cộng đoàn hiệp nhất. Cũng giống như câu chuyện về người Nga, người Do Thái và người Việt ở trên. Người Việt chỉ giỏi làm việc độc lập để rồi trong cộng đoàn, chúng ta thấy được sự khập khiễng rất lớn. Có những người có chút tài và họ đã phát triển biệt tài mà Thiên Chúa phú ban cho họ. Đáng tiếc là họ đã quên đi những người nhỏ bé trong cộng đoàn mà họ đang sống. Dẫu là nhỏ bé đi chăng nữa nhưng rất cần sự nâng đỡ, sự cầu nguyện, sự hợp tác của những người nhỏ bé trong cộng đoàn.
Lời của thánh Phaolô tông đồ khuyên mỗi người chúng ta rất thiết thực trong thư thứ 2 của Ngài: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và là bình an, sẽ ở cùng anh em”.
Ngài khuyên chúng ta nhất trí nhưng xem lại chúng ta có nhất trí hay không? Hay là chúng ta chính là nguyên nhân gây chia rẽ, gây rạn nứt trong cộng đoàn?
Thiên Chúa, trong tin mừng theo Thánh Gioan đã xác tín với chúng ta rằng qua Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời…”
Nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, một nét rõ nhất như chúng ta thấy ở trên đó chính là sự hiệp nhất. Ba Ngôi luôn luôn hiệp nhất với nhau. Còn chúng ta, là những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống thái độ hiệp nhất đó như thế nào trong đời sống thực tại? Chúng ta có hiệp nhất với anh chị em chúng ta hay chúng ta cứ cố thủ một mình trong vỏ ốc ích kỷ của chúng ta?
2022
ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
5.6 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
St 11:1-9; Xh 19:3-8,16-20; Ed 37:1-14; Ge 3:1-5; Tv 104:1-2,24-35,27-28,29-30; Rm 8:22-27; Ga 7:37-39-2; Tv 104:1-24,29-30,31-34; Rm 8:8-17; Ga 14:14-16,23-26
ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
Chúa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn người tín hữu. Đối với trẻ sơ sinh, Chúa Thánh Thần ban sự sống thần linh trong sự sống thân xác của trẻ, Đấng thanh tẩy tội tổ tông, một tội lưu truyền trong nhân loại, là một tội gốc, thời Covid người ta gọi đó là ca nhiễm số 0. Nhiều người nói tội của trẻ mới sinh có tội gì đâu mà rửa tội? Một sự liên đới trong tội cũng liên đới trong ân sủng. Cũng giống như mỗi người sinh ra đều thừa hưởng cả cái xấu cái tốt của người đi trước.
Kinh “Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần…” mà chúng ta thường đọc mỗi khi khởi đầu giờ cầu nguyện, nhắc lại một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ: đó là ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần đến để canh tân Giáo Hội. Kể từ ngày ấy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện để nâng đỡ và bảo trợ Giáo Hội. Sở dĩ người tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần, vì họ xác tín rằng, mọi hành vi và mọi dự tính, nếu muốn thành công, cần có ơn của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng Bảo trợ đến từ nơi Chúa Cha.
Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đấng Phục sinh cho các môn đệ, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu ban cho các ông sự bình an. Chúa Thánh Thần và ơn bình an đi liền với nhau. Nói cách khác, bình an là hoa trái của Chúa Thánh Thần, và bình an cũng chính là Chúa Thánh Thần. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đấng Phục sinh và các tông đồ, Người cũng ủy thác cho các ông quyền tháo cởi và cầm buộc. Không chỉ quyền cầm buộc và tháo cởi, Chúa còn ban cho các ông biết bao quyền năng khác, đến nỗi các ông có thể làm được phép lạ, như chính Chúa Giêsu đã làm. Khi chúng ta được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thực hiện được những “phép lạ” trong cuộc sống, đó là vượt lên sự chết, canh tân đổi mới cuộc đời để sống cuộc sống mới.
“Thày sẽ sai Đấng Bảo trợ đến với anh em” (x.Ga 16, 7). Chúa Thánh Thần đã đến để quy tụ nhóm các môn đệ đang hoang mang sợ hãi, biến đổi lòng họ và làm cho họ trở thành những nhân chứng trung kiên của Đấng Phục Sinh. Bài trích Sách Tông đồ Công vụ đã minh chứng điều đó. Phêrô là một người dân chài chất phác và ít học. Tuy vậy, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ông đã trở nên một con người hoàn toàn mới: can đảm, uyên bác, mạnh mẽ và khôn ngoan. Lời giảng của ông có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày đầu tiên này, có tới ba ngàn người gia nhập Đạo.
Mỗi ngày, ta vẫn được đón nhận Chúa Thánh Thần. Ngài luôn hiện diện bên ta, ngay trong lòng ta cách âm thầm nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ngài là Thánh Thần lửa mến, đốt lòng ta yêu mến Chúa, chọn Chúa trên hết mọi sự. Ngài là Thánh Thần tình yêu, đốt cháy nơi tâm hồn ta một ngọn lửa yêu thương mãnh liệt, để ngay cả những khi ta tưởng mình không thể yêu thương ai đó thì chỉ cần biết buông mình cho Ngài thì chính Ngài sẽ yêu thương trong ta. Ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ngài ngay trong nhịp sống đời thường, giữa những biến cố và trong những phút giây lặng lẽ của cuộc đời.
Tình yêu sẽ hóa giải những khúc mắc trong cuộc sống giữa ta và người anh chị em, hãy kiên nhẫn để Chúa Thánh Thần làm việc. Chúa Giêsu đã ban cho ta Thánh Thần của Ngài, đồng thời Ngài ban lệnh truyền yêu thương này: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 23). Tình yêu dẫn đến sự tha thứ và hòa giải, ta sẽ trở nên sứ giả hòa bình của Thiên Chúa. Hãy bắt đầu kiến tạo hòa bình ngay trong chính tâm hồn ta bằng việc thiết lập mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu cách mật thiết, chính Ngài sẽ đổ tràn Thánh Thần Tình yêu trên ta.
Đời sống đạo hạnh là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Kitô hữu: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết” (Gal 5,22-23). Những đức tính này giúp cho người Kitô hữu sống trong tự do đích thật, và luôn ý thức Chúa sống trong họ, như Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi sống không phải tôi sống mà la Chúa sống trong tôi” (Gal 2, 20). Đời sống như thế không dựa vào điều gì khác để có thể tự hào về những gì mình có thuộc về trần gian, vì tất cả Chúa là gia nghiệp đời tôi.
Mỗi người kitô hữu chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vì chúng ta là những con người yếu đuối và giới hạn, không thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, chúng ta cần được Chúa Thánh Thần ngự đến soi sáng, nâng đỡ đức tin cho chúng ta. Nhưng chúng ta có nhớ đến Ngài không? Chúng ta có cộng tác với ơn Ngài ban không? Hay chúng ta đã lãng quên và khước từ Ngài? Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy tỏ lòng sám hối và cầu xin Ngài đến ngự trong chúng ta, biến đổi và trợ giúp chúng ta bước đi trên con đường về quê trời. Ngài chính là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta trên cuộc đời lữ hành (x.Ga 14,16).
Chúa Thánh Thần làm cho người Kitô hữu càng ngày càng nhận biết Chúa hơn đang sống trong mình. Sự hiểu biết không hoàn toàn đến từ sự cố gắng của con người, nhờ Chúa thánh thần soi sáng, giáo huấn, trợ giúp, con người tiệm tiến trong sự nhận biết Thiên Chúa.