Hiệp nhất và yêu thương như Ba Ngôi
12.6 Lễ Chúa Ba Ngôi
Cn 8:22-31; Tv 8:4-5,6-7,8-9; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15
Hiệp nhất và yêu thương như Ba Ngôi
Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay cho chúng ta thấy được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Và theo sự diễn tả của thánh Gioan, thì từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu qui hướng về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa chính là tình yêu. Và tình yêu đã nhập thể, đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ ra cho loài người, như là Con Thiên Chúa. Đồng thời, trong Ngài chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là người mẹ trao ban sự sống. Tuy chỉ là một, nhưng Ngài lại có Ba Ngôi, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vô cùng cao siêu, mỗi người nhận ra được một vẻ, một tia sáng do Thiên Chúa soi cho. Cũng như muôn ngàn nhà khoa học, mỗi người tìm ra được một chân lý, một phát minh, một sáng chế trong vũ trụ vạn vật mênh mông và vĩ đại này. Cho nên dù Newton là nhà bác học có nhiều phát minh, ông chỉ dám ví mình như đứa trẻ chơi trên bãi biển, may mắn tìm được mấy vỏ trai, vỏ sò đẹp mà thôi. Vũ trụ vạn vật còn vô số những kỳ diệu, người ta giống như đoàn người mù đi xem voi, mỗi người thấy một cái lạ lùng khác nhau.
Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo thành vũ trụ vạn vật làm sao con người biết được. Thật vinh phúc và vô cùng trọng đại cho loài người là đã được Người Con Một từ trời xuống nói cho biết về Ba Ngôi Thiên Chúa. Phúc cho ai tin vào Người Con đó thì được sống muôn đời. Môsê, Nicôđêmô, Phaolô và muôn triệu người đã được phúc đó.
Môsê được thấy Thiên Chúa trong bụi gai đang bốc lửa cháy. Ánh sáng lửa đó đã soi sáng ông thành nhà lãnh đạo cứu dân Israel. Nicôđêmô được phúc đàm đạo với Con Thiên Chúa, nhờ đó ông đã được phúc cất xác Người trong huyệt của mình. Phaolô, hôm nay trong Bài đọc hai, đã cho chúng ta thấy những ơn phúc ông đã được: ân sủng của Chúa Con, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh thần. Và ông đã xin chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ơn phúc đó của Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an.
Chúa Ba Ngôi chính là một biểu tượng, một mẫu gương cho sự hợp nhất của chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa không bao giờ hoạt động riêng lẻ. Bất cứ công việc nào cũng đều có sự thông dự của cả Ba Ngôi. Trước hết, trong công trình tạo dựng vũ trụ, Chúa Cha đã dựng nên tất cả bằng Lời khôn ngoan Ngài phán từ miêng mình và nhờ Thần khí bay là là trên mặt nước như luồng gió huyền diệu.
Tiếp đến trong công trình cứu độ của Chúa Con cũng thế. Chúa Cha luôn hành động trong Đức Kitô để Ngài rao giảng và làm các phép lạ. Và Chúa Thánh Thần đã cộng tác ngay từ lúc Mẹ Maria thụ thai cho đến khi Đức Kitô sống lại, thổi hơi trên các môn đệ để họ nhận lấy thần khí của Ngài. Và sau cùng trong công trình thánh hoá của Ngôi Ba cũng vậy. Các ơn Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người đều do Chúa Cha ban cho chúng ta qua Đức Kitô. Vì thế mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã xác quyết: Mọi sự Chúa Cha đều là của Thầy và Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà ban cho các con.
Sự hiệp nhất giữa Ba ngôi nhắc cho chúng ta hiểu rằng: Con người cũng là những nhân vị, có tự do, có ý thức, có tình cảm riêng tư cần được tôn trọng. Đó không phải là sự gắn bó của những chiếc đũa vật chất, mà ta có thể dùng sức lực để bó chặt lại, rồi cưa đầu chặt đuổi cho bằng nhau. Muốn tạo sự hợp nhất thì các ngôi vị phải gặp gỡ, thông cảm và yêu thương nhau.
Là kitô hữu, đứng trước căn tính hiệp nhất của Ba Ngôi chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải chiêm ngưỡng, bắt chước và sống tình yêu thương với nhau như Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể hiệp nhất được.
Phải nhìn nhận thẳng với nhau một điều rằng đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình ngày hôm nay đang phải đối diện với một thách đố lớn giữa một xã hội phát triển. Ngày hôm nay người ta dường như tôn sùng chủ nghĩa cá nhân và đã tìm mọi cách sống cái chủ nghĩa cá nhân đấy một cách triệt để nhất.
Gia đình: Ngày hôm nay khó mà tìm được gia đình hiệp nhất. Vì lẽ chồng, vợ, con cái không nhìn nhận ra đúng vai trò của mình để rồi gây ra không biết bao nhiêu là rạn nứt cho chính người thân yêu của mình. Ngày hôm nay tình trạng ly dị quá cao, tình trạng trẻ em bỏ đi bụi đời càng nhiều. Con người ngày nay đã không khiêm tốn đủ để sống vai trò mà Thiên Chúa mời gọi họ.
Cộng đoàn tu trì: Cộng đoàn tu trì cũng thế thôi. Khó mà tìm ra được cộng đoàn hiệp nhất. Cũng giống như câu chuyện về người Nga, người Do Thái và người Việt ở trên. Người Việt chỉ giỏi làm việc độc lập để rồi trong cộng đoàn, chúng ta thấy được sự khập khiễng rất lớn. Có những người có chút tài và họ đã phát triển biệt tài mà Thiên Chúa phú ban cho họ. Đáng tiếc là họ đã quên đi những người nhỏ bé trong cộng đoàn mà họ đang sống. Dẫu là nhỏ bé đi chăng nữa nhưng rất cần sự nâng đỡ, sự cầu nguyện, sự hợp tác của những người nhỏ bé trong cộng đoàn.
Lời của thánh Phaolô tông đồ khuyên mỗi người chúng ta rất thiết thực trong thư thứ 2 của Ngài: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và là bình an, sẽ ở cùng anh em”.
Ngài khuyên chúng ta nhất trí nhưng xem lại chúng ta có nhất trí hay không? Hay là chúng ta chính là nguyên nhân gây chia rẽ, gây rạn nứt trong cộng đoàn?
Thiên Chúa, trong tin mừng theo Thánh Gioan đã xác tín với chúng ta rằng qua Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời…”
Nơi mầu nhiệm Ba Ngôi, một nét rõ nhất như chúng ta thấy ở trên đó chính là sự hiệp nhất. Ba Ngôi luôn luôn hiệp nhất với nhau. Còn chúng ta, là những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống thái độ hiệp nhất đó như thế nào trong đời sống thực tại? Chúng ta có hiệp nhất với anh chị em chúng ta hay chúng ta cứ cố thủ một mình trong vỏ ốc ích kỷ của chúng ta?